Lúc nhỏ có tên gọi là Lê Quang Thịnh. Lên tám tuổi đã giúp xứ. Nổi tiếng thông minh và đạo đức từ lúc vào trường LaTinh Ninh Cường. Năm 1930, được gửi sang Roma du học. Dưới bầu trời xanh thẳm của nước Ý, từng giờ từng phút kề cận hoàng triều cương thổ giáo hội La Mã, thấm nhuần dòng sữa thần học, triết học Kitô giáo, ông đã thụ phong linh mục năm 1935. Có bài thơ ông viết cho em trai út mình là ông nội tôi:
TẶNG EM
Khi du học Roma gửi tặng em bức ảnh thánh Phanxicô
Thưởng em chịu khó viết thư
Xin anh mẫu ảnh, anh ừ gửi cho
Này gương thánh Phanxicô
Nên soi đó, chớ quá lo phận nghèo
Nghèo mà đức sáng gương treo
Giàu mà phi nghĩa, cheo leo xác hồn
Còn trời bể, còn nước non
Rồng mây gặp hội, ta còn thấy nhau
Nhớ anh, em hãy nguyện cầu.
1934
Chiến tranh thế giới II nổ ra, tình hình nước ta lúc là thuộc địa của Pháp rất bi đát. Phong trào đòi độc lập, kháng thực dân, chống phát xít nổ ra. Ông đã được làm Tổng Tuyên uý quân dân. Tình hình khác đi, ông lui về trông coi các xứ đạo. Chinh biến đệ I, đệ II VNCH, các chính phủ liên tiếp sụp đổ. Tất cả ông đều tham gia vào các mặt trận báo chí, tôn giáo, giương cao ngọn cờ chống áp bức, bất công, nô dịch. Những năm tháng cuối đời, Ngài ẩn dật tại trụ sở Thái Bình miền Nam, Thị Nghè, Gia Định sống nghèo khổ, túng thiếu. Ngài tự ý làm mọi việc, không phiền đến ai cho đến lúc lâm bệnh nặng và qua đời tại bệnh viện Hồng Bàng.
Có thể nói, linh mục Giuse Maria Lê Quang Oánh là một con người sinh bất phùng thời, có tiếng vang lừng lẫy cả trong và ngoài nước. Có cao vọng, nhưng suốt đời cờ không tới tay. Là một nhà thơ, nhà hùng biện, nhà ngoại giao, chính khách bậc thầy. Tuy nhiên, những việc của ông, dù ở đâu và bao giờ, vẫn nhắm tới lý tưởng cao đẹp, làm sáng danh Chúa, yêu nước và đồng bào.
Hãy cùng nhau thưởng thức bài thơ mà người cháu ruột của ông là ba tôi Bang Dinh viết về bác mình ngày ông về với nhà Cha trên trời.
NHỚ
Giọt buồn, giọt nhớ, không lên tiếng
Khói thuốc vàng hong năm ngón tay
Ta đứng co ro, mình một bóng
Dưới hiên mưa ướt, lối đi này
Mà xem đá rịn mồ hôi lạnh
Để nghiệm ra khoảnh khắc một đời
Vào cõi mênh mông thiên cổ luỵ
Hạt mầm hư nát mới sinh sôi
Đốt lò hương cũ, so tơ, nhé
Hỏi chứ, Người đi xa có về?
Nỗi chết là một phần cuộc sống
Người ta-hoa đất, nắng mưa che
Trăm năm cùng cỏ cây mây nước
Tiếng nguyện kinh buồn, ai có nghe
Thể phách hề, tinh anh lẫm liệt
Requiescat in pace...
Sài Gòn, 30.03.1974
Francis Assisi Lê Đình Bảng
(Trích trong tập thơ Kinh Buồn)
Hãy cùng nhau hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Giuse Maria Lê Quang Oánh (Phúc Dân), là bác, là ông của chúng ta nhân ngày giỗ tổ này. Amen!
- Hình ảnh được cung cấp bởi anh họ trưởng tộc Jos Le Nghi.