Mùa Chay đọc "Tuồng Thương Khó"- Tác giả: Joseph Lê

Lan Mary

 

MÙA CHAY ĐỌC "TUỒNG THƯƠNG KHÓ"

Đã 2021 năm rồi, cụm từ viết hoa Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu cứ mãi là một trong những nguồn cảm hứng diệu kỳ và bất tận đối với những người làm văn học nghệ thuật Đông Tây, kim cổ. Từ mỹ thuật đến hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc. Từ sân khấu, điện ảnh đến âm nhạc, văn học. Các nhà khảo cổ, sử học được chạm vào những tầng bậc còn ẩn giấu nhạt nhoà trong quần thể hang mộ phế tích u trầm. Người đương thời chúng ta được chiêm ngắm thế giới kỳ vĩ nơi những thánh đường, học viện, đền đài, lăng tẩm, quảng trường... Phải chăng, đã có một nền văn minh Kitô giáo phủ bóng lên những công trình mang giá trị văn hoá ấy? Đó không phải là một huyền thoại được nhào nặn, tô vẽ để đánh thức những rung động ngẫu nhiên, hiếu kỳ mà là một thực tế máu thịt của mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đã làm người và ở giữa chúng ta. Nhân vật trung tâm viết lên thiên tình sử cứu độ ấy chính là Đức Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh.
Từ buổi hừng đông khi đạo Chúa cập bến đất nước này (1533) cho tới nay, mảng văn học dân gian tuồng, ngắm rất phong phú, đa dạng. Có thể kể sơ: Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu của Alexandre de Rhodes (1627), Xử Án Giêsu của Võ Long Tê dịch từ bản tiếng Ý của Diego Fabri (1955)... Nhưng, có thể nói Tuồng Thương Khó của Đức Giám mục tiên khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1912) - trong con mắt nghiêm túc của các nhà viết văn học sử - là khúc dạo đầu mở đường cho thể loại kịch nói ở Việt Nam. Trong đó, có hai phần: Phần Thứ Nhứt nói về việc Chúa Giêsu vào thành Jerusalem cho đến khi Giuđa nộp Người trong tay quân dữ. Phần Thứ Hai nói về thời gian Chúa Giêsu khi bị nộp, diện kiến tổng trấn Philatô cho đến khi chịu chết và sống lại. Trong hai phần bao gồm nhiều hồi với gần như là đầy đủ diễn tiến và các lời đối thoại của các nhân vật. Năm 1913, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chủng viện Thánh Giuse Saigon (khi đó là trường Latinh Saigon), Tuồng Thương Khó chính thức được diễn với những chọn lựa người và sắp đặt vai trong tuồng. Hãy nghe những chứng nhân lịch sử năm đó kể lại nguyên văn cảm xúc của mình khi xem tuồng: "Thật tôi lấy làm rất đỗi có phước, vì đã đặng xem Tuồng Thương Khó... Tôi bởi phương xa mà đến Saigon, nên phải đi tàu, đi xe lửa. Khi xuống tàu, lên xe, đều thấy người ta đông nức không chỗ ngồi; hỏi lại thì rõ là những bổn đạo các nơi tuôn đến mà xem Tuồng Thương Khó...". Còn nữa, những người ngoại quốc không biết tiếng Annam cũng nhỏ to: "Tuồng này tốt quá, mà chẳng phải là tốt mà thôi, lại cao trọng mầu nhiệm lắm!"
Tuồng Thương Khó được in tại nhà in Tân Định năm 1912. Trải qua bể dâu, bọt bèo, lãng quên. Có lẽ sẽ không ai còn nhớ tới nếu không có một ngày bình thường năm 2003, ba tôi lục lọi trong tủ sách cũ của Dòng Chúa Cứu Thế Saigon và "tóm" ngay. Cha bề trên Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành thấy và cười: "Chúa cho anh đấy!". Chắc chắn là ông ấy đem về đã nghiên cứu và đọc rất kỹ. Ở bên kia Tây bán cầu, ông nhắc tôi tìm và đọc vào Mùa Chay. Trước Tết, có một cô bé sinh viên trường Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn liên hệ và xin mượn tôi cuốn này để làm đề tài nghiên cứu. Tôi bất ngờ với một người trẻ của thế hệ đầu 10X lại có thể đam mê, dành thời gian để làm những việc mà ngày nay tuổi trẻ cùng thế hệ đang đam mê những ảo mộng, phù du, trào lưu vật chất thấp hèn, suy đồi. Tôi gửi gắm: "Việc con làm hãy âm thầm làm. Mọi việc nếu khó khăn hãy phó thác trong tay Chúa. Chính Chúa thúc đẩy và dẫn đường con đấy. Đừng nản chí!". Bản thân là một người ngoại đạo với văn hóa Công giáo, tôi nhủ lòng mình cũng phải mở di sản này ra mà đọc, mà cố hiểu sức hút của nó để hy vọng những giá trị đọc, nghiên cứu thanh cao này không bị mai một theo thời gian. Tôi sẽ giữ nó cẩn thận để có thể chia sẻ với những ai cần và trân trọng. Chưa chắc nhiều đấng bậc, nhiều người sở hữu và biết được nó đáng quý tới mức nào. Đã là của hiếm của độc thì có mấy ai? Và cũng là lý do tôi viết bài viết này.
Thứ Tư Tuần Thánh 2021