PHẦN IINHỮNG NGUYÊN NHÂN ĐỊNH HƯỚNG GIÚP HÌNH THÀNH CÁC GIÁ TRỊ MỚI TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY
I. Những giá trị được đề cao trong xã hội Việt Nam ngày nay
Trong xã hội hôm nay, nhờ sự mở rộng giao lưu văn hóa, người Việt Nam đặc biệt là người trẻ đang được tiếp xúc dễ dàng với các giá trị văn hóa khác. Sự tiếp xúc này góp phần hình thành nên những giá trị mới. Những giá trị này có thể được kể vào ba lãnh vực: tinh thần, vật chất và giáo dục.
1. Những giá trị tinh thần
Con người là một nhân linh, nghĩa là con người không chỉ là một sinh vật với những nhu cầu sinh lý, mà vượt trội trên các sinh vật khác nhờ lý trí và đời sống tinh thần, với những nhu cầu cao thượng của tâm lý và tâm linh, tức là muốn yêu và được yêu, muốn hướng đến những giá trị siêu nhiên vượt trên thế giới vật chất này.
Một giá trị tinh thần nổi bật mà chúng ta dễ nhận thấy trong xã hội hôm nay chính là tinh thần tự do. Khao khát tự do là một điều hợp lý và dễ hiểu, vì đây là một quyền căn bản của con người, đã được cả thế giới nhìn nhận qua Hiến Chương Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948. Quả vậy, tự do giúp con người có khả năng xây dựng và làm chủ cuộc đời mình cách độc lập. Tự do khuyến khích tính độc lập và khả năng sáng tạo của con người. Đây là những điểm tích cực mà tự do mang lại.
Tuy nhiên, mặt trái của tự do chính là nó đã góp phần hình thành sự ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân, đề cao cá nhân trên tập thể. Trong khi đó, văn hóa Việt Nam được xây dựng trên tinh thần cộng đồng, mối dây liên hệ giữa người với người trong gia đình, ngoài xã hội rất khắng khít, đề cao tập thể hơn cá nhân: một người vì mọi người chứ không phải mọi người vì một người. Thế nhưng, trong xã hội hôm nay, tinh thần tự do được đề cao và trở thành một trào lưu đã làm cho chủ nghĩa cá nhân và sự ích kỷ có nhiều cửa ngõ len lỏi vào tâm thức người Việt. Sự tự do thái quá này đang ngày càng làm xói mòn tinh thần tập thể, tình gia đình và giá trị hôn nhân.
Trong truyền thống gia đình người Việt xưa nay, tương quan giữa cha mẹ và con cái rất đậm đà thắm thiết. Từ khi sinh ra cho đến khi dựng vợ gả chồng, hoặc có những trường hợp đến suốt cả cuộc đời, con cái sống gần gũi và lệ thuộc vào cha mẹ. Chính vì được sống chung trong thời gian dài, được đón nhận sự quan tâm, dưỡng nuôi và tình yêu bao bọc của cha mẹ, mà con cái cũng yêu thương và ghi nhớ công ơn của cha mẹ: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tương quan này là môi trường cho lòng biết ơn được diễn tả: “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao)
Thế nhưng, khi xã hội chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp kỹ thuật, nhu cầu đời sống đòi buộc người dân phải hòa nhập vào đà tiến của xã hội, điều này đã làm cho nếp sống gia đình bị xáo trộn. Nhận định về sự kiện này, tác giả Lê Ngọc Anh đã có những ý kiến rất sâu sắc: “Dưới tác động của kinh tế thị trường, nhiều giá trị đạo đức truyền thống và nếp sống văn hóa gia đình có sự biến đổi phức tạp. Bên cạnh những giá trị mới, nếp sống văn hóa gắn liền với quá trình phát triển kinh tế thị trường, đã có những giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống gia đình bị xâm hại và có nguy cơ bị mai một đi. Trên thực tế ở nhiều nơi, nhất là ở các đô thị lớn, gia đình đã có những dấu hiệu của sự khủng hoảng. Các mối quan hệ gia đình truyền thống, những nếp sống văn hóa gia đình tốt đẹp đang bị lấn át bởi những quan hệ hàng hóa, thị trường, lợi nhuận, bởi những lối sống lai căng, kệch cỡm, xa lạ, thiếu văn hóa … Sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Một số thành viên trong các gia đình nông thôn, nhiều nhất là thanh niên, đã rời bỏ nông thôn, từ bỏ nghề nông để đổ xô về thành phố, thị xã, thị trấn tìm kiếm việc làm. Theo quy luật phát triển xã hội, đây là một hiện tượng tất nhiên. Song điều đáng quan tâm là sự rời bỏ nông nghiệp, nông thôn của lực lượng lao động này đã tạo ra không ít biến động trong nếp sống cổ truyền của đông đảo gia đình. Lối sống thành thị mới được hấp thụ này đã khiến cho sự gắn bó, mối liên hệ vốn rất chặt chẽ và bền vững giữa họ với các thành viên trong gia đình cũng có phần bị lơi lỏng và ngày càng lỏng lẻo hơn”.
Rời bỏ gia đình, nhiều người trẻ đã có khả năng sống tự lập. Họ được tự do và không cần đến sự trợ giúp và không còn lệ thuộc vào cha mẹ nữa. Cũng vậy, trình độ học vấn của giới trẻ này càng được nâng cao, thậm chí cao hơn cả trình độ của cha mẹ. Do đó, tình trạng này tạo nên một tâm thức thờ ơ, thiếu lòng biết ơn nơi nhiều người, bởi nghĩ rằng họ không cần đến bất cứ sự trợ giúp nào của cha mẹ. Thêm nữa, họ muốn thoát ly gia đình để được tự do sống theo sở thích của mình. Đây chính là mầm mống của lối sống tự do ích kỷ và của chủ nghĩa cá nhân.
Nhận xét về tinh thần tự do của giới trẻ hôm nay, tác giả Vương Trí Nhàn viết: “So với thế hệ trước, giới trẻ hiện nay có cảm giác về tự do tốt hơn, nhưng nhiều lúc điều đó đồng nghĩa với bơ vơ, mất phương hướng, không xác định được mình. Trong nhiều trường hợp họ hiểu rất sai về tự do. Tự do không phải là bộc phát, muốn làm gì thì làm. Mà tự do là sự hiểu biết chung về bản thân, về hoàn cảnh và cách sống thích hợp với hoàn cảnh, đồng thời khẳng định bản thân mình”.
Một trong những sự hiểu sai về tự do của giới trẻ là sự tự do ích kỷ. Sự tự do này cũng làm mất đi giá trị thánh thiêng và bền vững của hôn nhân truyền thống. Nếu như quan niệm truyền thống xem hôn nhân như một chuyện trăm năm, một sự kiện trọng đại của đời người. Và do đó, lòng chung thủy trong tình nghĩa vợ chồng được coi như một giá trị nền tảng. Thế mà, bởi sự ích kỷ và thực dụng của lối sống tự do, nhiều người trẻ hôm nay đã quên, thậm chí là không chấp nhận giá trị hôn nhân truyền thống tốt đẹp đó nữa. Đối với họ, tình yêu bị đồng hóa với nhu cầu thể xác. Tình yêu không còn là một sợi dây thiêng liêng liên kết người nam và người nữ lại với nhau trong hôn nhân, mà chỉ là một nhu cầu hay thậm chí một món hàng được qui đổi bằng vật chất. Quan niệm tự do trong tình yêu được thể hiện qua lối sống thử trước hôn nhân hay lối sống buông thả trong quan hệ tình dục. Người ta chỉ đến với nhau khi có nhu cầu và yêu nhau theo kiểu “ăn cháo trả tiền” hay “hòn đất ném qua cục chì ném lại”.
Tác giả Lê Thi trong bài viết “Mối quan hệ cá nhân – gia đình trong bối cảnh Việt Nam đi vào toàn cầu hóa” đã nhận định về tình trạng xuống cấp của giá trị hôn nhân như sau: “Hiện nay, trong xã hội, nguyên tắc tự do được đề cao, quyền lợi cá nhân được nêu lên hàng đầu. Đồng thời, cũng có sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đặt cái tôi lên trên hết. Trong hôn nhân, đã nảy sinh khuynh hướng chủ nghĩa thực dụng. Không ít người lấy nhau, bỏ nhau vì động cơ tiền tài, địa vị, danh vọng. Tỷ lệ ly hôn, ly thân của các gia đình ở nước ta có xu hướng tăng lên hàng năm. Đồng thời, đã hình thành quan niệm dễ dãi trong quan hệ tình dục nam nữ, gắn với sự chung sống tạm bợ, không tính chuyện hôn nhân nghiêm túc và lâu dài. Đó là những biểu hiện của lối sống bắt chước Phương Tây: Nam nữ ăn ở với nhau, chán thì chia tay, nếu có thai thì trục phá. Đây là một lối tự do kệch cỡm và lệch lạc”.
Trong tâm thức nhiều người trẻ hôm nay, lối sống tự do hưởng thụ trở thành một “model” thời thượng. Tuy nhiên, phải chăng tự do theo kiểu này sẽ làm cho các bạn trẻ thoải mái hơn, sáng tạo hơn và vững mạnh hơn chăng? Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn không nghĩ như thế. Ông nói: “Ở bạn trẻ bây giờ, cảm giác tự do rất mạnh, hơn hẳn những thế hệ trước … các bạn sống trong một thế giới rộng lớn, nhiều bạn có cảm giác mình là công dân thế giới. Tuy nhiên, đằng sau sự khôn lanh, tiếp cận và hiểu biết nhiều, giới trẻ bây giờ gợi lên trong tôi một cảm giác thiếu chắc chắn, thiếu mơ ước lớn. Hình như họ có cảm giác bi quan, không bao giờ đạt được lý tưởng cao cả nữa. Họ có thể phóng đi rất nhanh để rồi chả biết làm gì ở cái nơi vừa đến. Đằng sau vẻ vội vã của họ hình như ẩn giấu một nỗi thèm thuồng, chỉ sợ không được hưởng hết mọi lạc thú ở đời. Trong sự vội vã ấy, họ lại không có khả năng dò vào chiều sâu của cuộc sống”.
Bên cạnh sự tự do là một giá trị tinh thần, còn có những giá trị đang được đề cao hôm nay là giá trị vật chất.
2. Giá trị vật chất
Nền kinh tế thị trường đề cao lợi nhuận và tiêu dùng đã khiến vật chất trở thành một tiêu chuẩn đánh giá, một “giá trị thời đại” hấp dẫn nhiều người. Một trong những giá trị vật chất được coi trọng hàng đầu chính là tiền bạc. Qua mọi thời đại, tiền bạc vẫn là một phương tiện cần thiết và hữu ích cho cuộc sống con người. Nhờ nó, con người có đủ những nhu cầu cần thiết, nghĩa là góp phần nâng cao đời sống và phẩm giá con người. Tuy nhiên, tiền bạc đã bị thay đổi vai trò của nó vì lòng tham của con người. Trước tiên, người ta muốn kiếm tiền chỉ vì nhu cầu của cuộc sống và đó là điều rất hợp lý. Thế rồi, thường người ta không bằng lòng với những gì đã có, họ muốn kiếm tiền thật nhiều, muốn được giàu có với lý do để bảo đảm cuộc sống, đảm bảo tương lai, lo cho con cái ... Những lý do đó khiến con người thành những “cỗ máy kiếm tiền”, chỉ biết đến vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần. Điều này mọi xã hội, mọi thời đại đều có.
Với thời đại toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề này ngày càng phổ biến, và tiền dường như đã trở thành một “chuẩn mực” để lượng giá con người. Xã hội Việt Nam hôm nay đã phát triển, kinh tế và điều kiện sống của người dân được ổn định và ngày một nâng cao. Trong hoàn cảnh mà phát triển kinh tế được xem như một mục tiêu hàng đầu thì nhà nhà, người người lao mình vào công việc là điều dễ hiểu. Xã hội văn minh, người dân có một cuộc sống ấm no, tiện nghi là điều đáng mong và đáng mừng. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề chính là những giá trị vật chất đã được đề cao quá mức, lấn át cả những giá trị tinh thần và thiêng liêng. Quả vậy, tiền bạc từ vai trò là phương tiện phục vụ con người đã trở thành một chủ ông. Mà như người ta nói “tiền bạc là tên đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ xấu”. Sự lạnh giá của đồng tiền dường như cũng làm cho tâm hồn con người giá lạnh trước những giá trị khác, trong đó có cả tình yêu và tình người.
Trong bài viết “Xã hội Việt Nam đương đại trong những giá trị thực-ảo”, tác giả Thanh Tùng đã chia sẻ một nghịch lý đáng buồn: “Gần đây các tờ báo liên tục đưa tin về các hoạt động mang tính chất cá nhân của các đại gia (mua những chiếc xe hơi sang trọng). Đối với các đại gia, đó là một thú chơi, nhưng với những người trí thức thì phải đặt câu hỏi: Liệu việc một cá nhân dùng chiếc điện thoại Goldvish trị giá gần một tỷ có thực sự đáng là niềm kiêu hãnh trong khi tại Hà Tĩnh, 7 học sinh chết đuối vì thiếu cây cầu 150 triệu?”. Nhận định về nghịch lý này, tác giả viết: “Trong xã hội hôm nay, những giá trị mang truyền thống chỉ còn ý nghĩa như một lớp sơn son thếp vàng trong khi cuộc sống thực tại bị mất phương hướng. Khi đó, sự bùng nổ của một xã hội tiêu dùng là hệ quả đầu tiên. Lý tưởng dường như chỉ còn là một thứ trang sức nhạt nhòa khi khoảng cách của nó với thực tế đã quá xa vời”. Quả vậy, ước vọng của các nhà cách mạng cũng như mọi người thiện chí là sự phát triển kinh tế và xã hội đồng thời sẽ làm cho quan hệ giữa người với người được bình đẳng. Thế nhưng thực chất thì ngược lại, khi kinh tế phát triển, thì xã hội càng ngày càng bị phân cấp bởi một số người ngày càng giàu lên, trong khi một số khác vẫn phải sống trong cảnh nghèo nàn. Điều này đã tạo nên một hố phân cách giàu nghèo, một sự bất bình đẳng.
Tiền bạc, vật chất đã khiến cho quan hệ giữa con người với con người ngày càng lỏng lẻo, những giá trị tinh thần bị lấn át hoặc bị vật chất hóa. Xin lấy ví dụ về ý nghĩa chiếc phong bì của tác giả Lê Hà để minh họa cho tư tưởng này. Tác giả viết “Cái thời mà điện thoại chưa có, hoặc quá hiếm hoi, Internet là cụm từ chưa bao giờ từng nghe hoặc nhắc đến tại xứ ta, thì chiếc phong bì hay còn gọi là phong thư có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội. Nó là vỏ bọc thư của những người từ chiến trường gửi về hậu phương, của con cái đi xa gửi cho bố mẹ, của những người đang yêu nhau, gửi gắm tình cảm cho nhau ... là nỗi nhớ, là thông tin của cuộc sống. Nhưng ngày nay cùng với sự bùng nổ của khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin, chiếc phong bì dường như đã chấm dứt “sứ mạng” lịch sử của nó. Không diệt vong nhưng lại chuyển hóa sang một hình thức khác, một chức năng tinh vi hơn, đáng bàn hơn và cũng đáng suy nghĩ hơn. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, chẳng biết chính xác từ khi nào chiếc phong bì bỗng chốc thay thế “miếng trầu” để trở thành “đầu câu chuyện” trong các mối “bang giao” của xã hội hiện nay. Và thay vì một chức năng duy nhất trước đây là vỏ đựng thư, nay chiếc phong bì về nội hàm chỉ để bỏ tiền”.
Nhận xét của tác giả về chiếc phong bì thật là thâm thúy nhưng cũng khiến người ta phải suy nghĩ và bùi ngùi thay cho chiếc phong bì, một biểu tượng tinh thần và tình cảm của biết bao thế hệ đã qua. Qua sự “chuyển hóa chức năng” của chiếc phong bì, chúng ta đã thấy được sức mạnh của vật chất. Nó đã trở thành một giá trị vượt trội và có khả năng làm biến chất con người. Bằng chứng là vì tiền bạc mà có không ít người đã đạp lên tình nghĩa gia đình, tình bạn, tình yêu và cả mạng sống của người khác nữa để chiếm hữu được nó. Chính vì sự biến chất này mà chúng ta không quá ngạc nhiên khi báo chí đăng tải những thông tin như con cái đuổi cha mẹ ra khỏi nhà để chiếm nhà, chiếm đất, hoặc anh chị em kiện nhau ra tòa để tranh giành sở hữu đất đai. Sức mạnh của vật chất đã phá tan những mái nhà êm ấm, đã giết chết những tình cảm thiêng liêng của những người đã từng sống trong một gia đình. Thêm nữa, vì sức hút của vật chất và mong muốn đổi đời mà không ít cô gái nông thôn xinh xắn đã sẵn sàng kết hôn với những người Đài Loan, Hàn Quốc xa lạ. Để rồi, sau niềm vui phút chốc với số tiền nhận từ sự “bán thân” và được xuất ngoại, những cô gái đó đã phải lâm vào tình trạng khổ sở của kiếp làm dâu xứ người, đến nỗi có những người phải bỏ trốn hay tự tử. Giấc mơ đổi đời, giấc mơ làm giàu siêu tốc của các cô đã bị vỡ tan như bong bóng xà phòng. Điều đáng suy nghĩ, đáng bàn đến không chỉ là nỗi đau của các nạn nhân, nhưng còn là chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất đã vật chất hóa tình yêu thành một món hàng.
Không chỉ làm thay đổi tâm thức của những người dân bình thường, tiền bạc còn làm biến chất cả những người có trách nhiệm trong xã hội, những người cầm quyền lãnh đạo. Sự biến chất này được thể hiện qua tệ nạn tham nhũng lan tràn, mà Việt Nam đã phải xem là một quốc nạn với biết bao nỗ lực để giảm thiểu cũng như loại bỏ mà chưa thành công.
Chủ nghĩa duy vật chất, duy lợi nhuận còn góp phần tàn phá thiên nhiên, môi trường. Chỉ vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng khai thác thiên nhiên một cách tàn nhẫn và bừa bãi. Thiên nhiên là môi trường sống của con người, nhưng giờ đây, người ta chỉ quan tâm đến nó như một nguồn lợi vật chất, chứ không còn xem nó như một điều kiện quan trọng của sự sống con người nữa. Họ đã đánh đổi sự sống của chính mình với những lợi ích kinh tế. Và chúng ta đã phải trả giá cho sự đánh đổi này với những thiên tai lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất ... làm thiệt hại tính mạng của biết bao người, và còn gián tiếp làm thiệt hại nền kinh tế của cả nước.
Không chỉ lấn át giá trị tinh thần, nó còn ảnh hưởng lên cả những giá trị giáo dục, một vấn đề mà xã hội Việt Nam hôm nay đang lưu tâm đến.
3. Giá trị giáo dục
Từ xưa đến nay, giáo dục luôn mang trong mình một sứ mệnh cao cả là giáo dục con người thành nhân. Từ thời cổ đại, các triết gia cổ Hy Lạp như Socrate, Platon, Aristote cũng như các triết gia Đông Phương như Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử đều đề cao vai trò của giáo dục như một điều kiện tiên quyết để cải tạo và xây dựng một xã hội tốt đẹp. Một sự thật là hầu hết các vĩ nhân trong lịch sử văn hóa và khoa học đều là những người được hấp thụ một nền giáo dục tốt đẹp.
Việt Nam vốn được xem là một dân tộc hiếu học, và vấn đề giáo dục cũng luôn được xem là quốc sách khi đất nước thống nhất. Sự nghiệp giáo dục được gọi là “sự nghiệp trăm năm trồng người”. Chính vì tinh thần hiếu học và sự đề cao vai trò của giáo dục mà lòng biết ơn thầy cô cũng được xem là một truyền thống của dân tộc được thể hiện qua ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 để tôn vinh những người làm công tác giáo dục. Vai trò quan trọng của giáo dục trong việc hoàn thiện con người, cải tạo và phát triển xã hội quả là điều không ai chối cãi được. Giá trị giáo dục luôn được đề cao trong mọi nơi và mọi thời. Đặc biệt, khi xã hội văn minh hiện đại, nhu cầu giáo dục ngày càng trở nên cấp thiết để xây dựng những con người hiện đại, chuẩn bị hành trang tri thức cho những người trẻ bước vào đời và xây dựng đất nước.
Những giá trị giáo dục tất nhiên chứa đựng nhiều nhất trong môi trường giáo dục. Nhưng bên cạnh đó, tất cả các lãnh vực khác của đời sống xã hội cũng đều có khả năng chuyển tải những giá trị giáo dục, và những lãnh vực đó chỉ thực sự có giá trị, có ích cho xã hội và con người khi có yếu tố giáo dục trong đó. Chẳng hạn văn hóa nghệ thuật và tôn giáo là hai lãnh vực chứa đựng những giá trị giáo dục khá rõ nét. Văn hóa là kết tinh những nét đẹp của truyền thống và là bài học cho hiện tại cũng như tương lai về giá trị của văn hóa dân tộc. Chính vì thế, những sản phẩm văn hóa như sách báo, phim ảnh … luôn phải nhằm mục đích giáo dục. Cũng vậy, mọi tôn giáo đều dạy người ta ăn ngay ở lành, yêu thương đồng loại, vị tha … đó chẳng phải là những giá trị giáo dục sao?
Tiếc thay, trong xã hội Việt Nam hôm nay, một tình trạng đáng lo ngại là những giá trị giáo dục dù vẫn luôn được đề cao, nhưng đã có dấu hiệu bị coi nhẹ hay trình bày cách hời hợt. Điều này được nhận ra trước hết trong môi trường đặc trưng của giáo dục, đó là môi trường giảng dạy và học tập.
Phải công nhận rằng, trong suốt nhiều năm qua, ngành giáo dục và những người làm công tác giáo dục đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Vượt qua những khó khăn, giáo dục Việt Nam đã vươn lên để ngày càng được nâng cao về phương diện cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy cũng như chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam đạt thành tích cao tại các cuộc thi quốc tế cũng như số lượng học sinh theo học tại các trường học danh tiếng của nước ngoài ngày càng nhiều là một bằng chứng và cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về hiện trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, rất nhiều nhà chuyên môn và những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đã phải than phiền về một sự thật là giáo dục Việt Nam đang đánh mất giá trị của nó. Thực trạng giáo dục Việt Nam đang được cho là một bức tranh ảm đạm. Vì sao vậy?
Giáo dục được cả nước quan tâm, được mọi người để ý vì họ gửi gắm con em của họ, cũng là tương lai của đất nước nơi ngành giáo dục vì tin tưởng vào giá trị của nó. Tiếc thay, sự quan tâm này đã có một tác dụng ngược nơi ngành giáo dục, thay vì thúc đẩy một sự phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục chỉ quan tâm đến đủ thứ chỉ tiêu: Tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao, tỉ lệ học sinh giỏi cao, tỉ lệ giáo viên dạy tốt, cơ sở vật chất ... để mong dành được bằng khen của cấp trên. Đó chính là căn bệnh được gọi bằng mỹ từ “bệnh thành tích”. Tác giả Huỳnh Bửu Sơn ghi nhận: “Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người cộng tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân, bộ trưởng Bộ GDĐT, người được kỳ vọng rất nhiều trong công tác chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đã nhận xét rằng không chỉ “các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả cao” mà “hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích”.
Phân tích “bệnh thành tích”, tác giả viết tiếp: “Bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng và hiện tượng đào tạo hình ống của hệ thống Đại Học ở nước ta. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh sinh viên”. Gọi vấn nạn này bằng mỹ từ “bệnh thành tích” theo tác giả Võ Thị Hảo là chưa chính xác, mà phải nói thẳng ra đó là sự giả trá. Và theo Giáo sư Hoàng Tụy, đó không phải là hậu quả của “sự ham muốn thành tích của thầy cô giáo và của hàng triệu phụ huynh học sinh là đồng tác giả” như nhận xét của ông Bộ trưởng Bộ GDĐT, mà là sự yếu kém trong quản lý và điều hành của những người có trách nhiệm.
Theo nhận xét của nhiều nhà chuyên môn thì trong khi “mục tiêu của giáo dục thực sự rất rõ ràng là dạy làm người, nghĩa là rèn luyện đạo đức và nhân cách con người. Giáo dục đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh”. Thì giáo dục của nước ta lại “bị bỏ đi rất nhiều vấn đề mang tính giáo dục truyền thống ... Học sinh Việt Nam hiện nay đang bị nhồi nhét kiến thức, nhưng có nguy cơ xuống cấp về đạo đức, xa rời các giá trị truyền thống, thiếu những năng lực cần thiết để đương đầu với những biến động đầy phức tạp của xã hội hiện đại”. Có thể nói, nền giáo dục nước ta đang rơi vào khủng hoảng và loanh quanh trong những cải cách mà chưa tìm được lối ra thỏa đáng.
Cũng vậy, trong lãnh vực văn hóa mà cụ thể là việc xuất bản sách báo và phim ảnh, nhiều nhà sản xuất đã vì lợi nhuận mà coi nhẹ giá trị giáo dục của sản phẩm họ xuất bản. Ngày nay, việc in ấn và phổ biến sách báo khá dễ dàng, nhưng chất lượng của chúng lại phải đặt vấn đề, vì nhiều loại sách chỉ có giá trị giải trí mà thiếu, thậm chí là phản giáo dục, chẳng hạn như những sách báo khiêu dâm, bạo lực. Trong thời gian qua, báo chí cũng lên tiếng về vấn đề xuất bản truyện tranh cho trẻ em có hình thức khiêu dâm và bạo lực đang tràn lan mà không có cơ quan nào xử lý, trái lại một số sách còn được cấp giấy phép xuất bản. Trong lãnh vực phim ảnh cũng vậy, các nhà làm phim dường như không lưu tâm đến vẻ đẹp thẩm mỹ và nhân văn trong các cuốn phim, mà chỉ tập trung khai thác những “cảnh nóng”, những chuyện giật gân để thu hút khán giá.
Trong lãnh vực tôn giáo, ngày nay, tình trạng mê tín dị đoan đang có dấu hiệu nở rộ. Có một bộ phận dân chúng đến với tôn giáo không còn vì những nhu cầu tâm linh mà chỉ vì vật chất, họ xin xăm, xin quẻ, cầu may để được trúng vé số, để ăn nên làm ra … Tôn giáo, thay vì một môi trường giáo dục tâm linh, có nguy cơ bị biến thành một “thị trường” mua bán bảo hiểm cuộc sống.
Tìm hiểu những giá trị tinh thần, vật chất và giáo dục trong xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta đã phần nào nhận thấy tầm ảnh hưởng của chúng trên đời sống người Việt. Nhưng đâu là những nguyên nhân định hướng giúp hình thành những giá trị này?
II. Nguyên nhân định hướng giúp hình thành những giá trị mưới trong xã hội hiện thời
Khi suy tư và đối chiếu những giá trị hiện đại với những giá trị truyền thống, dựa trên hoàn cảnh lịch sử của từng giá trị, người viết nhận thấy có hai nguyên nhân định hướng chính giúp hình thành những giá trị này. Đó là những nguyên nhân định hướng ngoại tại, tức là những ảnh hưởng từ bên ngoài lên xã hội Việt Nam, và những nguyên nhân định hướng nội tại, tức là những tác động từ chính trong tâm thức và nếp sống của người Việt.
1. Nguyên nhân định hướng ngoại tại
1.1 Toàn cầu hóa
Chúng ta không phủ nhận những ích lợi tốt đẹp mà tiến trình toàn cầu hóa mang lại cho xã hội Việt Nam nói chung và đời sống người dân Việt nói riêng. Nhờ nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam được bước vào thị trường thế giới với nhiều cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật ... Nhưng bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đó, nền kinh tế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đáng lo ngại lên xã hội Việt Nam, làm thay đổi và xáo trộn nhiều giá trị truyền thống. Tác động mạnh mẽ nhất và đáng lưu tâm nhất chính là chủ nghĩa duy vật chất, chủ nghĩa duy lợi nhuận và chủ nghĩa hưởng thụ.
Đề cập đến hai tác động này của tiến trình toàn cầu hóa lên xã hội Việt Nam, tác giả Trần Ngọc Thêm có một bảng so sánh như sau:
|
CÁI HAY |
CÁI DỞ |
||
Cái được
(thêm) |
Cái
thoát khỏi |
Cái mất
(giảm) |
Cái nhiễm phải |
|
1. |
Đô thị,
công nghiệp phát triển |
Đô thị
bị nông thôn khống chế |
Môi
trường tự nhiên |
Nạn ô nhiễm môi trường |
2. |
Đời sống
vật chất cao, tiện nghi đầy đủ |
Sự nghèo
nàn, thiếu thốn |
Lối sống
tình nghĩa |
Lối sống thực dụng |
3. |
Vai trò
cá nhân nâng cao |
Thói dựa
dẫm, bệnh bảo thủ |
Tính tập
thể, ổn định gia đình |
Lối sống cá nhân chủ nghĩa |
4. |
Tinh
thần tự do phê phán |
Thói gia
trưởng |
Nền nếp,
chữ lễ |
Lối sống “cá đối bằng đầu” |
5. |
Sự liên
kết quốc tế rộng rãi |
Óc địa
phương chủ nghĩa |
Tính tự
trị giảm |
Những hiện tượng đồi trụy |
Giải thích bảng so sánh này, tác giả viết: “Bước vào nền kinh tế thị trường, nhiều cái hay, cái dở, cái được, cái mất đã thấy ngay trước mắt: chưa bao giờ đô thị và công thương nghiệp lại phát triển với tốc độ nhanh chóng như những năm gần đây. Nhưng cùng với nó, tiếng ồn và bụi bặm các loại đang ngày càng trở thành nỗi khổ của người dân đô thị. Chất thải công nghiệp từ thành phố đang tràn ra tấn công vùng nông thôn. Cũng trong những năm gần đây, đời sống vật chất được nâng cao với những tiện nghi hiện đại nhất, mức sống của người dân được cải thiện trông thấy. Nhưng cùng với nó, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền cũng có nguy cơ phát triển. Nhịp sống đô thị ngày càng căng thẳng đang khiến quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, cha con, vợ chồng ít quan tâm đến nhau hơn”.
Bảng so sánh trên đây của tác giả Trần Ngọc Thêm đã phác họa khá đầy đủ những tác động của nền kinh tế thị trường lên xã hội Việt Nam. Có thể nói rằng, nền kinh tế toàn cầu hóa chính là một trong những nguyên nhân định hướng giúp hình thành nên những giá trị mới trong xã hội Việt Nam, mà tiêu biểu là lối sống thực dụng như nhận định của tác giả Trần Ngọc Thêm.
Tiến trình toàn cầu hóa vừa mở ra thị trường kinh tế cho Việt Nam và đồng thời cũng là cơ hội giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Sự giao lưu này vừa là cơ hội để Việt Nam học hỏi và hòa nhập vào đời sống quốc tế nhưng đó cũng là một thách đố cho xã hội Việt Nam hôm nay.
1.2 Giao lưu văn hóa
Mọi quốc gia trên thế giới này đều có những tinh hoa văn hóa, với những giá trị độc đáo và đặc sắc riêng, tùy mỗi dân tộc. Sự độc đáo của mỗi quốc gia làm cho nền văn hóa thế giới được phong phú và đa dạng, đặc biệt khi có sự giao lưu văn hóa. Và trong thế giới hôm nay, cùng với tiến trình toàn cầu hóa, sự giao lưu văn hóa ấy đang diễn ra mạnh mẽ.
“Bước vào thế kỷ XXI, dân tộc Việt Nam đang đứng trước một viễn ảnh đầy thử thách của một khúc quanh văn hóa. Thành tựu vượt bậc của khoa học kỹ thuật nhân loại, bên cạnh sự phát triển sốt dẻo của nền kinh tế thị trường đã làm cho thế giới nhỏ lại và các dân tộc với nền văn hóa khác biệt có dịp tiếp cận với nhau dễ dàng và thường xuyên hơn”. Nền kinh tế thị trường mở ra là cơ hội để Việt Nam giới thiệu cho thế giới những nét đẹp của văn hóa dân tộc, và đồng thời cũng là cơ hội để đón nhận những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khác, làm phong phú thêm cho văn hóa nước nhà. Sự phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch và khoa học truyền thông đã làm cho sự tiếp xúc, giao lưu giữa các nền văn hóa được trở nên dễ dàng. Theo Giáo sư Hồ Sĩ Vịnh, “giao lưu văn hóa là một quy luật của thời đại, là hiện tượng phổ biến của xã hội loài người”. Và “giao lưu văn hóa là chiếc cầu nối liền sự cảm thông, chia sẻ giữa các quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng là động lực của sự phát triển”.
Giao lưu văn hóa là sự tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, có những giá trị tốt đẹp được mang đến nước ta mà chúng ta cần đón nhận và học hỏi. Nhưng cũng có những điều không hay hoặc không phù hợp với văn hóa Việt Nam cũng được đưa đến. Mà như người ta nói, điều tốt khó học còn điều xấu thì lại dễ bắt chước. Điều này thật đúng với xã hội Việt Nam hôm nay, nhất là khi chúng ta chưa có một sự chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh táo để biện phân chọn lựa. Tác giả Thanh Tùng quả là có lý khi nhận định: “Khi nền tảng văn hóa chưa kịp chuẩn bị cho mỗi cá nhân một tâm thế “người giàu” thì sự khập khiễng trong văn hóa sống với mức sống, đời sống và cách sống là một thực tế khó tránh khỏi, tạo nên những vết đứt gãy trong hệ giá trị. Con người một mặt không phủ nhận những giá trị cũ nhưng mặt khác vẫn sống với thực tại của mình. Quá trình này làm nảy sinh một thực tế là đôi khi những giá trị tốt đẹp cũ chỉ còn là một ảo ảnh khoác lên sự thật không được như mong muốn.”. Và cũng theo tác giả Thanh Tùng, hậu quả của sự thiếu chuẩn bị trong giao lưu này là “từ những tồn tại cũ và những biểu hiện mới, có thể thấy sự quá tự tin cũng như trạng thái hoang mang văn hóa đã và đang đặt người Việt hiện đại trước nguy cơ khủng hoảng của xung đột giữa giá trị ảo và cuộc sống thực. Những thế hệ đi trước không có đủ thời gian để thích nghi với những biến đổi quá nhanh chóng của xã hội trong khi thế hệ nối tiếp thiếu đi sự kế thừa những nền tảng nhận thức, tình cảm để ứng xử với thế giới này. ”.
Những hậu quả cụ thể mà sự giao lưu văn hóa mang lại hiện tại đang đầy dẫy trong xã hội hôm nay và chúng ta có thể kiểm chứng qua những thông tin và qua thực nghiệm. Trong những hậu quả đó, như đã trình bày, chủ nghĩa tự do cá nhân của văn hoá Phương Tây đang trở thành một phong cách sống mới của người trẻ Việt Nam hôm nay, thể hiện qua nếp sống, nếp nghĩ, phong cách ăn mặc, giao tiếp …
Trên đây là những nguyên nhân định hướng ngoại tại, và nó thực sự có những tác động không nhỏ vào sự hình thành những giá trị mới trong xã hội Việt Nam, nhưng những tác động này vẫn chỉ là ngoại tại, là phần bị động. Trái lại, người dân Việt Nam, những chủ thể chủ động sống trong xã hội này với những hoàn cảnh cụ thể mới lại là nguyên nhân định hướng nội tại của các giá trị mới này.
1. Nguyên nhân định hướng nội tại
2.1 Tiếp thu thiếu chọn lọc
Việt Nam đang hòa mình vào dòng chảy ồ ạt của thế giới hiện đại, của nền kinh tế thị trường. Dòng thác tốc độ này cuốn theo trong nó cả những hạt phù sa là những tinh hoa của văn hóa, kỹ thuật nhân loại, nhưng đồng thời cũng cuốn theo cả những rác rưởi là những tệ nạn, những lệch lạc. Trong một hoàn cảnh như thế, nếu không tỉnh táo, người ta sẽ vội vã vớt lấy những gì có trong dòng sông mà không phân biệt đâu là tinh hoa và đâu là rác rưởi. Hoặc người ta bị cuốn theo dòng thác, bị vong thân mà không hay biết, lại còn tự hào là đang hội nhập văn hóa, đang thích nghi với những giá trị thời đại.
Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu văn hóa tâm huyết thường lên tiếng cảnh báo về sự hội nhập văn hóa thiếu chọn lọc có thể trở thành nguy cơ bị “đồng hóa văn hóa”. Tuy nhiên, dường như trong cơn lốc của sự giao lưu văn hóa hiện nay, một phần nào đó người ta đã bất lực trước sự tấn công của văn hóa nước ngoài, cụ thể là văn hóa Âu Mỹ, và cũng có những người bị lóa mắt trước vẻ quyến rũ của những giá trị ngoại nhập nên vội vã tiếp nhận mà thiếu sự biện phân.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Ngọc Vượng đã có một sự so sánh khá lý thú: “Quá trình hiện đại hóa đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn và phát triển cái gì phù hợp với “thể trạng dân tộc”. Giống như chúng ta bước vào một nhà ăn quốc tế với rất nhiều món ăn khác nhau. Có những món ăn vốn là đặc sắc của một cộng đồng nào đó nhưng lại là không thể hấp thụ với những người thuộc cộng đồng khác. Cái thể trạng vốn có của mỗi người quy định rất nhiều việc tiếp nhận món ăn mới. Việc tiếp nhận thực đơn cách vô tội vạ chắc chắn sẽ dẫn đến những biến dạng không lành mạnh về thể chất”.
Một tác giả nào đó đã nhận định cách dí dỏm rằng, trong bối cảnh giao lưu văn hóa hiện nay, người ta hay nói đến chuyện phải tiếp thu có chọn lọc, nhưng hình như đầu lọc của người Việt chúng ta có vấn đề, nên đã chạy ngược, thay vì lọc những cái xấu để tiếp thu cái tốt thì lại lọc cái tốt mà lấy cái xấu. Sự “chọn lọc ngược” này, theo tác giả Thái Kim Lan đúng hơn là “hiện tượng sao chép không chọn lọc văn hóa Tây Phương cũng như từ chối văn hóa bản địa”. Hậu quả của sự sao chép này, cũng theo tác giả Thái Kim Lan là “một sự gián đoạn hay phá vỡ lịch sử truyền thống văn hóa trong tiến trình phát triển bản sắc dân tộc”. Trong khi vội vã chạy theo những giá trị ngoại nhập, người Việt đã vội vã bỏ đi hay lãng quên những giá trị truyền thống vì đứng trên lập trường của văn hóa Âu Mỹ để cho rằng văn hóa bản địa là lạc hậu, không hợp thời. Và đó chính là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng thay đổi giá trị trong xã hội hôm nay.
1.2 Lãng quên những giá trị truyền thống
Truyền thống được định nghĩa là “thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Nói một cách khác, truyền thống là những tinh hoa của văn hóa, những bài học đạo đức, luân lý của cha ông đã được gìn giữ và lưu truyền qua các thế hệ. Những giá trị này luôn có tính thời sự, luôn thích hợp với mọi thời đại, nên dầu thời gian có qua đi, xã hội có đổi thay, nó vẫn tồn tại và trở thành cái gọi là bản sắc của dân tộc. Tính truyền thống này mặc dù không phải là chỉ riêng nước ta mới có, nhưng nó có giá trị vì đã trở thành một lối sống, một nếp nghĩ được đón nhận và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Chẳng hạn: truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn … Đáng lo ngại thay, nhiều truyền thống đang dần bị lãng quên trong xã hội hôm nay. Trong những truyền thống đó, điều bị lãng quên rõ nét nhất trong xã hội hôm nay chính là lòng biết ơn.
Như trình bày trong Phần I về lòng biết ơn trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, chúng ta thấy rằng, tín ngưỡng dân gian bắt nguồn sâu xa từ lòng biết ơn. Trong tín ngưỡng dân gian, người Việt Nam sống tâm tình biết ơn trong ba chiều kích: Siêu nhiên, tự nhiên và con người. Biết ơn thần linh vì sự phù trợ, vì những ân huệ trong cuộc sống: mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia đình mạnh khỏe …; Biết ơn thiên nhiên vì đó là nơi cung cấp cho con người những điều kiện để sinh tồn; Biết ơn tha nhân vì tổ tiên, cha mẹ cho họ sự sống, bà con làng xóm giúp đỡ, sẻ chia … Có thể nói, lòng biết ơn hình thành nên một sợi dây liên đới nối kết con người lại với cả vũ trụ. Sự liên đới này làm cho cuộc sống con người hài hòa, an bình dù có những khó khăn. Cũng nhờ sự liên đới này, dân tộc Việt Nam có một sự đoàn kết chặt chẽ trong việc bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ những giá trị văn hóa trước âm mưu đồng hóa của kẻ thù.
Ngược lại, trong xã hội hôm nay, cùng với sự bành trướng của chủ nghĩa cá nhân, lòng biết ơn ấy đang vắng bóng dần trong cuộc sống. Hậu quả là tình liên đới giữa người với người đang trở nên lỏng lẻo và dễ dàng đổ vỡ trước sức tấn công của văn hóa hưởng thụ, thực dụng: nếp sống gia đình truyền thống bị đe dọa, tình làng nghĩa xóm ngày càng phai nhạt, đặc biệt nơi các thành thị; con người ngày càng tự cô lập mình để bảo vệ lợi ích cá nhân. Trong bài viết “Xã hội Việt Nam trong những giá trị thực-ảo”, tác giả Thanh Tùng đã có một nhận định thật sâu sắc về tình trạng giới trẻ ngày nay đang đánh mất tình liên đới với nhau trong thế giới thực để chạy theo thế giới ảo của Internet, blog. Tác giả viết: “Quan hệ gián tiếp con người - máy móc - con người ngày càng trở nên phổ quát và lấn át mối quan hệ trực tiếp người – người”.
Không chỉ liên hệ giữa người với người bị ảnh hưởng mà liên đới giữa con người và vũ trụ cũng không còn được lưu tâm: thiên nhiên không còn là bạn mà chỉ là nguyên liệu để đáp ứng những nhu cầu của con người … Khi người ta không thấy và không trân trọng những gì họ đã lãnh nhận thì mọi sự xảy ra chỉ là một điều tất yếu của thị trường có mua có trả, không ai mắc nợ ai vì “ở đời không ai cho không ai cái gì bao giờ”. Khi người ta không còn thấy “mắc nợ” ai về bất cứ điều gì thì lòng biết ơn không còn được lưu ý tới. Khi đó, sự công bằng giao hoán được coi trọng nhưng công bình bác ái và thái độ biết ơn đã bị lãng quên. Cũng có một thái độ hiểu sai lòng biết ơn nơi những kẻ ăn hối lộ, đòi dân chúng phải “trả lễ” khi muốn được giúp đỡ hoặc sau khi đã được giúp đỡ. Những người cán bộ biến chất này lý luận rằng họ đã làm ơn cho người ta, do đó, người ta phải có bổn phận “đền ơn”. Lý luận sai trái này là vỏ bọc cho chủ nghĩa cơ hội và lòng tham lam.
Một khi đã lãng quên lòng biết ơn thì dĩ nhiên, người ta cũng không quan tâm đến đời sống tâm linh. Thế giới hôm nay chỉ được xem như một thế giới vật chất, xã hội tiêu dùng không quan tâm và dường như bất cần đến những giá trị tâm linh. Sự vắng bóng của giá trị tâm linh, cũng là một nguyên nhân làm thay đổi giá trị của cuộc sống.
1.3 Thiếu vắng những giá trị tâm linh
Khi nghiên cứu về đời sống tôn giáo của người Việt, học giả L.Cadière đã viết: “Phải thừa nhận rằng, người Việt nói cho đúng sống trong thế giới siêu nhiên … Nơi người Việt ở các giai tầng xã hội, tâm thức tôn giáo thể hiện một cách mãnh liệt và chế ngự toàn bộ cuộc sống con người”. Nhận định trên đây của học giả L.Cadière cho thấy, đời sống của người Việt từ xa xưa luôn có yếu tố tâm linh. Những yếu tố này được thể hiện qua các tín ngưỡng dân gian và gắn bó với con người trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Do đó, như Giáo sư Hoàng Quốc Hải, chúng ta có thể khẳng định rằng, “Tâm linh và văn hóa tâm linh đeo đẳng và tồn tại cùng với sự tồn tại của loài người từ thời huyền sử cho tới ngày nay như một định mệnh … tâm linh là một nhu cầu bức thiết đối với nhân loại, không trừ một dân tộc nào. Bởi nó chính là yếu tố tạo ra sự cân bằng sinh thái về mặt tinh thần của nhân loại”.
Bước vào nền kinh tế toàn cầu hóa, cùng với sự chi phối của chủ thuyết vô thần cộng sản, Việt Nam chọn chủ trương phát triển kinh tế làm trọng tâm trong những nỗ lực đầu tư chiến lược. Các tôn giáo ở Việt Nam đang mất dần ảnh hưởng hoặc bị xem là lạc hậu, là niềm tin của những người dân ít học và chỉ là sản phẩm của sự mê tín và sự yếu đuối. Nhiều người xem tôn giáo chỉ là thứ mê tín, là lạc hậu và cản trở sự phát triển của khoa học, nên muốn loại trừ tôn giáo ra khỏi cuộc sống, nghĩa là đề cao đời sống vật chất trên đời sống tâm linh. Dường như khái niệm tâm linh đối với họ chỉ là một cái gì đó mơ hồ, thậm chí là vô nghĩa đối với cuộc sống thực tế.
Có thể nói rằng, tôn giáo là thành lũy bảo vệ những giá trị luân lý và đạo đức tự nhiên cũng như truyền thống. Chính nhờ những giá trị tôn giáo, mà trong suốt dòng lịch sử, những giá trị đạo đức truyền thống như lòng quý trọng sự sống, sự chung thủy trong hôn nhân, tình thương người … được gìn giữ và phát huy, bởi bao lâu còn ý thức tâm linh, người ta còn quan tâm đến việc làm lành lánh dữ nhờ niềm tin vào sự thưởng phạt hay đơn thuần là tuân theo luật tự nhiên được ghi khắc trong thâm tâm họ.
Thế nên, trong xã hội hôm nay, khi người ta đã bất chấp tôn giáo hoặc thờ ơ với tôn giáo, thì thành lũy cuối cùng này đã bị phá đổ. Điều này lý giải tại sao những văn hóa ngoại lai và những thứ chủ nghĩa độc hại dễ dàng xâm nhập vào đời sống xã hội. Những giá trị đạo đức, luân lý truyền thống bị xem nhẹ hoặc bị cho là cản trở sự thăng tiến cá nhân. Chẳng hạn, nơi một số người trẻ, chuyện chung thủy suốt đời trong hôn nhân đã bị đặt lại vấn đề, tình dục trước hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân được xem là chuyện bình thường, nạo phá thai được xem là một cách giải quyết tốt đẹp hậu quả ngoài mong muốn, và để có thể thoải mái “tận hưởng” tình yêu …
Trước thực trạng đáng lo ngại của những thay đổi của bậc thang những giá trị trong xã hội Việt Nam hôm nay, liệu lòng biết ơn truyền thống có còn chỗ đứng trong đời sống xã hội và nó có thể làm được gì để điều chỉnh những lệch lạc trong bậc thang giá trị đó?
(còn tiếp...)