Nhắc đến cha Phêrô Trần Lục, quen gọi Cụ Sáu (1825-1899), người ta thường hay nghĩ đến quần thể nhà thờ Phát Diệm, một công trình đức tin mang đậm nét hội nhập văn hoá. Nhiều du khách thập phương đã dần cảm mến đức tin Công giáo, được diễn tả rất tinh tế, gần gũi nơi mái cong Phương Đình, nơi quần thể có ‘tiền thuỷ hậu sơn’, nơi những bức phù điêu đậm hồn Việt, diễn tả các điển tích Kinh Thánh, cuộc Thương khó, các mầu nhiệm kinh Mân Côi hay cả những bụi hoa sen trên cạnh bàn thờ…vv.
Nhưng có lẽ ít người biết đến đời sống tâm linh của Cụ Sáu, thể hiện nơi những tác phẩm ca vè, ca vãn, tuồng Thương khó…cách riêng Vãn Than Mồ: một áng thơ bất hủ đã đi vào nếp sinh hoạt đạo đức bình dân nơi xứ đạo Phát Diệm hơn thế kỷ nay.
- Vậy Vãn Than Mồ của Cụ Sáu có gì đặc biệt?
- Cấu trúc Vãn Than Mồ thế nào?
- Giá trị tâm linh tác phẩm là gì?
Sau đây, chúng tôi xin mạo muội chia sẻ đôi điều khi đọc lại Vãn Than Mồ nhân ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Mời tải bản văn Vãn Than Mồ. Mời nghe trực tiếp:
a. Vãn Than Mồ - Một đại khúc bi ca mang đậm hồn Việt
Mỗi khi vào Mùa Chay, nhất là Tuần Thánh, các giáo xứ đạo miền Bắc đều tổ chức Ngắm. Theo tác giả Nguyễn Long Thao: “Ngắm là từ Nôm lấy dạng từ Ngâm 吟 trong Hán Việt, có nghĩa là nhìn kỹ, gẫm suy. Ngắm cũng có âm khác là Ngẫm. Miền Bắc dùng từ Ngắm, miền Nam dùng từ Ngẫm hay Gẫm. Tất cả đều có nghĩa là suy nghĩ kỹ. Từ Ngâm trong Hán Việt có nghĩa là đọc chậm, giọng ngân nga như ngâm thơ, ngâm vịnh. Do vậy từ Ngắm xuất phát từ từ Ngâm cũng có nghĩa là vừa ngắm nhìn vừa ngân nga” [1].
Đây là nét văn hoá truyền thống từ thời cha Đắc Lộ, hiện vẫn còn rất sống động nơi các giáo phận miền Bắc, thậm chỉ ở miền Nam và cả hải ngoại. Cách riêng ở Phát Diệm, sau Ngắm 15 Sự Thương Khó, còn có Ngắm Đấu Đanh, dâng Hạt, và kết thúc bằng Vãn Than Mồ của Cụ Sáu. Theo nhà thơ Đình Bảng, Vãn Than mang âm hưởng một “đại khúc bi ca”.
“Đứng trước Mồ Thiêng khóc mà than rằng:
Cha Cả thương xem người thế, i i i
Lòng nhân từ một trận, bóng lan ra,
Ngôi Hai cứu chuộc loài hèn
Sự thương khó nghìn trùng khôn xiết kể, i i i”
(Khúc mở đầu)
Ngày hôm qua, 14.04.2022, khi đăng lên kênh mạng xã hội, sau một đêm, Vãn Than Mồ đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem trên (fb) và hơn 4 ngàn trên Youtube. Nhiều ý kiến cảm nhận rất hào hứng. Đặc biệt, chúng tôi nhận được tin nhắn riêng của nhà thơ, nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng, xin trích:
“Một đại khúc bi ca Đứng Trước Hiếu Sơn không thể tuyệt vời hơn! Chỉ một mình tác giả, Cụ Sáu - Cha Phê rô Trần Lục (1825-1899). Chỉ có đất thánh Phát Diệm mới sản sinh ra được một bậc thánh thi ấy. Đọc từng chữ, từng câu. Gẫm suy từng ý. Ngâm từng tứ. Mới nghiệm ra, hồn mình và lòng mình còn thơm tho lời và ý. Nghe Ban Hát Vãn, các thiếu nữ ngoan nguỳ của nhà thờ chính toà Phát Diệm, ai cũng đều chằn chặn, xinh tươi, sốt sắng, tôi có cảm tưởng như một bầy thiên nga, một chùm hoa huệ trắng ngần. Cung, giọng, tiết nhịp và kết cấu, phân khúc, hệt như Hát Nói, một thể loại thuần tuý thi ca Việt Nam đã xuất hiện và thịnh mãn ở những thập niên đầu của thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX,với Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Dương Lâm và Chu Mạnh Trinh…”.
Nhà nghiên cứu thuộc hàng gạo cội này đã nhận xét thật chí lý, nhất là về cái hồn của Vãn Than Mồ, đầy chất thi vị, theo phong cách dân tộc thuần tuý, hết sức phóng khoáng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông đã nhắc đến cụm từ “Đứng Trước Hiếu Sơn” bởi Vãn Than Mồ có một vài dị bản. Có bản viết: “Đứng trước Hiếu Sơn khóc mà than rằng”. Bản khác viết: “Đứng trước Thánh Giá khóc mà than rằng”. Vãn mà chúng tôi giới thiệu là: “Đứng trước Mồ Thiêng khóc mà than rằng”.
Chúng tôi vẫn chưa biết Cụ Sáu đã viết Vãn Than Mồ khi nào và trong hoàn cảnh nào. Chỉ biết rằng Ngài được bổ nhiệm làm cha chính xứ Phát Diệm năm 1865 và qua đời tại đây năm 1899. Trong gần 40 năm làm mục tử Phát Diệm, Ngài đã cho kiến thiết lần lượt toàn bộ quần thể nhà thờ Phát Diệm. Năm 1875, Ngài cho khởi công tác phẩm đầu tay, quen gọi Hang Táng Xác (sau này đổi tên là Hang Sinh Nhật) ở phía Tây Bắc Nhà thờ lớn, nhằm mục đích thử độ lún của vùng đất tân bồi trước khi cho xây dựng các công trình khác. Theo thiển kiến, rất có thể cha Trần Lục đã viết Vãn Than Mồ trong khoảng thời gian này.
Nhà thơ Lê Đình Bảng bày tỏ tiếp: “Tôi rất mừng, vì đó đây trong các vùng miền đạo Chúa ở phía Bắc - trong hoàn cảnh và điều kiện còn nhiều hạn chế, khó khăn về mọi mặt - vẫn duy trì và phát huy được cái kho tàng, cái di sản đức tin văn hoá đầy cảm xúc, thánh thiêng và cả nước mắt, mồ hôi vất vả, nhọc nhằn: Kinh, sách, lễ, nhạc, hội hè, trống, kèn và đặc biệt là cái vốn nghệ thuật truyền thống, như Nguyện Ngắm, Ngắm Lễ, Ngắm Mùa Thương Khó, Dâng Hoa, Dâng Hạt, Than Mồ…Trong khi ấy, với tốc độ đô thị - công nghiệp hoá và thực dụng ngày nay, tôi trộm nghĩ, sẽ lôi cuốn đi sạch sành sanh cái quá khứ vàng son ấy. Tiếc và tiếc! Không sao kềm hãm, kéo lùi cỗ xe phi mã ấy được nữa? Đốt điếu thuốc, để chiêu hồn quá khứ ư? Cũng cho tôi gửi lời chào làm quen và cám ơn Ban Hát Vãn Than Mồ của nhà thờ đá Phát Diệm. Lại tiếc, mình bây giờ đã quá già yếu, không còn trẻ nhẽ gì như trước đây, để về Kim Sơn, rước Ban Hát Vãn này về Đêm Diễn Nguyện của Đại Hội Đức Mẹ La Vang, hát dâng kính Mẹ và phục vụ hàng 4-500.000 con cái Mẹ nhỉ? Lúc ấy, các cô gái Phát Diệm sẽ hát Dâng Hoa,Tứ Đại Cảnh, Lưu Thuỷ, Hành Vân do Cụ Sáu đã biên soạn...bên cạnh đoàn Quan họ Bắc Ninh và đoàn hát Chèo của Thái Bình…”
Hơn một thế kỷ qua, Vãn Than Mồ vẫn vang lên trong quần thể nhà thờ Phát Diệm qua bao thăng trầm lịch sử. Vì thế, có lẽ không quá khi nhận định đó là “Một đại khúc bi ca mang đậm hồn Việt”. Đó là di sản vô giá mà con cháu không chỉ giữ gìn mà phải phát huy công đức tổ tiên để lại qua việc tìm hiểu, học hỏi bắt chước các bậc tiền bối trong việc hội nhập đức tin vào môi trường sống, thế hệ 4.0 hôm nay.
b. Cấu trúc Vãn Than Mồ
Bản văn Vãn Than Mồ, gồm 70 câu thơ + 1 câu mào đầu, có cấu trúc rất mạch lạc. Theo Lm. Vinhsơn Trần Minh Thực, Vãn Than Mồ được viết theo lối văn tế, thể văn biền ngẫu. Còn theo nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng, thì vãn có “cung, giọng, tiết nhịp và kết cấu, phân khúc, hệt như Hát Nói”. Vậy, Vãn Than Mồ thuộc thể loại nào ?
Xét về nội dung, Văn Tế thường dùng trong tế lễ trời đất, núi sông, nhất là tưởng nhớ người đã mất. Một bài Văn Tế thường có các phần (theo wiki):
- Lung khởi: luận về lẽ sống chết, bắt đầu với “Than ôi”, “Thương ôi”...
- Thích thực: kể phẩm hạnh, công đức người quá cố: “Nhớ cha, linh, xưa”...
- Ai vãn: niềm thương tiếc đối với người quá cố: “Hỡi ôi” hoặc “Ôi”...
- Kết: bày tỏ lòng tiếc thương, cầu nguyện, kết: “Phục duy”, “Thượng hưởng”.
Văn tế có thể được viết theo nhiều lối (Song thất lục bát, văn xuôi, tán, phú, biền ngẫu…). Như vậy, Vãn Than Mồ cũng có thể xếp vào “văn tế” người quá cố.
Tuy nhiên, nếu xét dưới góc cạnh cung giọng, tiết, nhịp, thì cũng không vô cớ mà nhà nghiên cứu Đình Bảng coi đây như bài Hát Nói bởi Kim Sơn là mảnh đất tân bồi do cụ doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ Thành Lập (1829), vốn nổi tiếng với những bài Hát Nói. Cụ Sáu, người tiếp nối bước chân cụ doanh điền sứ không thể không biết đến loại hình nghệ thuật này.
Bố cục một bài thơ Hát Nói (theo wiki) gồm mười một câu thơ, chia làm ba khổ, có khi thêm hai phần đầu và sau:
- Mưỡu đầu: Phần thêm tuỳ ý với những câu thơ Lục bát.
- Khổ đầu: bốn câu, gồm hai câu “lá đầu” và hai câu “xuyên thưa”;
- Khổ giữa: bốn câu, gồm hai câu “thơ” (ngũ ngôn hoặc thất ngôn) và hai câu “xuyên sau”;
- Khổ xếp: ba câu gọi là câu “dồn”, câu “xếp” và câu “keo”.
- Mưỡu hậu: Phần thêm tuỳ ý bằng những câu thơ Lục bát.
Một bài hát nói biến thể thì số khổ giữa có thể tăng. Như vậy, cũng có thể coi Vãn Than Mồ của Cụ Sáu như một biến thể đặc biệt, một “trường ca hát nói”.
Theo thiển ý người viết, Vãn Than Mồ có cấu trúc rất chặt chẽ, theo trật tự tuyến tính. Để tiện theo dõi, chúng tôi tạm phân chia thành ba phần chính với 15 khổ thơ:
- Mở vãn: 2 khổ đầu tiên giới thiệu chủ đề, nguyên nhân cuộc khổ nạn.
- Thân vãn: 10 khổ (44 câu thơ) phát triển nội dung cuộc khổ nạn, tôn vinh phẩm hạnh Đức Giêsu: khiêm nhường, hiền lành, vị tha, tuyệt đối trung thành với Ý Cha.
- Kết vãn: 3 khổ cuối (18 câu) bày tỏ tâm tình sám hối, lời cầu xin.
Nội dung Vãn Than Mồ cũng giống nội dung Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu, nhưng khác về thể loại văn chương. Có thể nói, tác giả đã tóm lược lịch sử cứu độ, cách riêng cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu bằng một áng thơ vừa gần gũi với văn hoá dân tộc, vừa sâu sắc về linh đạo Kitô giáo.
c. Lời than thở tâm linh sâu sắc
Vãn Than Mồ của Cụ Sáu là lời than thở tâm linh mà tác giả viết cho con chiên bổn đạo, thực hành thành nếp sinh hoạt trong Mùa Chay, nhằm noi gương bắt chước các nhân đức của Chúa Giêsu.
Phần mở vãn: Đó là lời nguyện dâng lên Chúa Cha, “Cha Cả thương xem người thế”, khi suy niệm về “Sự thương khó nghìn trùng khôn xiết kể” của “Ngôi Hai”. Có thể nói, nội dung chính đã được thể hiện ở ngay khổ thơ mở đầu này. Sang khổ thứ hai, tác giả vừa nêu nguyên nhân cuộc thương khó “nguyên tổ trước tham trái cấm” khi nhìn lại lịch sử cứu độ, vừa soi chiếu vào thực tại cuộc sống hôm nay “chúng con lại sa mắc lưới thù”.
Vì nguyên tổ trước tham trái cấm,
Cảnh thiều quang nên đất cỏ vườn gai,
Nay chúng con lại sa mắc lưới thù,
Bởi tội lỗi kể (như) lá rừng cát bể, i i i
Sau khi nguyên tổ sa ngã phạm tội, thì “Cảnh thiều quang nên đất cỏ vườn gai”, tức là cảnh vườn địa đàng nguyên sơ không còn nữa mà tất cả trở nên khó nhọc cho con người. Có lẽ Cụ Sáu đã được gợi hứng từ trang Sáng Thế: “Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng” (St 3,18).
Phần thân vãn: từ khổ thứ 3 đến khổ thứ 12, tác giả thuật lại lược sử cứu độ. Tuy nhiên, từ mầu nhiệm nhập thể “Bởi phép Thánh Thần đổ nước Xuân đài”, “đến Nước Chi Tô (Ai Cập) đã phải lánh đi”, rồi lại trở về Nadaret; quãng thời gian ẩn dật “Ba mươi năm ở cùng Đức Mẹ”, luôn “Một lòng một ý vâng lệnh Chúa Cha” chỉ được lướt qua trong 3 khổ (3-5).
Trọng tâm cuộc khổ nạn được tác giả trải dài trong 32 câu thơ (7 khổ), đậm chất chiêm niệm, đồng thời rất sát với bản văn Kinh Thánh. Từ khi “Thành Giêrusalem giã Mẹ trẩy đi” đến những cảnh “Máu mướt mồ hôi” trong vườn cây Dầu, “Nước rửa chân quỳ trước Tông đồ”, “Thịt cùng Máu truyền nên Thánh Thể”, rồi bao nhiêu cảnh “bỏ vạ cáo gian đành chịu”, rồi bao cảnh “mão gai”, “giường thập tự”, “giấm chua”, đến khi tận hiến đến giọt máu cuối cùng “Lại còn giọt máu lái (trái) tim/Lưỡi đòng sắt cũng móc ra mọi tý”, rồi “Hồn lìa xác xuống Ngục Tổ Tông”, “Xác cất xuống táng trong hang đá”.
“Phó mình quân dữ nào khác gì lũ sói vây quanh
Vâng ý Chúa Cha mong chịu lấy Chiên Con dâng tế, i i i” (Khổ 8)
Vãn Than Mồ đã làm nổi bật dung mạo Đức Giêsu-Người Tôi Trung (Is 50:4-9; Mt 26:14-25; Is 52:13-53:12) phải chịu “đau khổ tột cùng”, nhưng đồng thời cũng cho thấy Ngài khiêm nhường vô cùng, lòng lành vô cùng và yêu thương nhân loại vô cùng.
Phần kết vãn: Đó là những tâm tình cầu nguyện sốt sắng: “Trời còn u thảm, đất còn sầu/Huống chi con là loài thấp hèn/Sao chẳng chảy đôi hàng giọt lệ”.
Vậy nay chúng con tưởng chốn Hiếu Sơn nhớ nơi táng địa
Năm dấu thánh chắp tay kính lạy
Tích vào lòng cho đến trọn (lọn) đời
Mười bốn đường quỳ gối ngắm suy
Mong theo gót để mà trả nghĩa, i i i”.
Tạm kết: Vào cuối Công Đồng Vatican II, các nghị phụ đã có lời hiệu triệu đối với các văn nghệ sĩ: “Thế giới chúng ta đang sống rất cần cái đẹp để không rơi vào thất vọng. Cái đẹp, cũng như sự thật, mang lại niềm vui cho tâm hồn con người và là hoa trái quý giá có thể chịu được sự sói mòn của thời gian, nối kết các thế hệ và đưa họ đến với nhau trong cùng một tâm tình cảm phục và ngưỡng mộ!” [2].
Có người nói, Cụ Sáu đã đi trước Công đồng Vatican II hàng thế kỷ trong việc gieo đức tin vào văn hoá dân tộc bản địa. Điều đó được thể hiện không chỉ nơi quần thể thánh đường Phát Diệm mà cả trong Bản Than Mồ tưởng chừng bị mai một này. Tên tuổi Cụ Sáu gắn liền với Phát Diệm, vốn có nghĩa là phát toả ra vẻ đẹp. Vẻ đẹp đầy bi tráng nơi dung mạo Đức Giêsu: vô cùng khiêm nhường, vô cùng bi thương, nhưng cũng vô cùng đẹp. Đó là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ, là sức sống cho Giáo hội suốt hơn hai ngàn năm qua.
Ước mong thế giới cảm nhận được vẻ đẹp ấy để niềm vui Phục Sinh được trọn vẹn!
[1] Nghiên cứu phong tục Ngắm của người Công Giáo Việt Nam
[2] Sứ điệp gửi các nghệ sĩ, ngày 08/12/1965.