[Giới thiệu sách]- Đọc "Maria ngoại truyện" của tác giả Vinh Kiu -Lm. Giuse Cao Gia An, S.j

Lan Mary

 

-


Đôi lời BBT: Có lẽ  quí độc giả Văn học Công giáo, không còn xa lạ với tác giả Vinh Kiu, với loạt truyện ở cộng đoàn rất phong phú, nhất là với hàng chục giải thưởng (Từ giải dành cho tác giả giàu sáng kiến cho văn học đến giải nhất Văn hoá Nghệ thuật Đất mới năm 2020).

Từ ba năm nay, anh đã cho ra đời liên tiếp các tác phẩm: năm 2020, mở đầu với tiểu thuyết Đoá Hồng Thứ 40 (giải nhất vừa nói trên); năm 2021, tập truyện ngắn Người Đọc Sách Thánh (in chung); đầu 2022, tưởng anh “gây bão” với tiểu thuyết Hoa Trong Bão là đủ. Ai ngờ, trước khi bước vào Tháng Hoa kính Đức Mẹ, anh lại cho ra mắt độc giả tác phẩm Maria Ngoại Truyện, một lãnh vực tưởng dễ mà rất tế nhị đối với Đức tin Công giáo. (Rất may, tác phẩm đã có lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, S.j., giúp độc giả phân định được điều cốt yếu của Đức tin, xem dưới đây).

Tác giả tâm sự trong phần Lời Bạt: “Là ‘truyện kể’, quyển sách này không chủ trương nói về thần học và không đặt nặng tính lịch sử, song vẫn đảm bảo không lạc giáo, được viết với mong muốn giúp ích cho các Tân tòng cảm nhận sự gần gũi của Ngôi Lời Nhập Thể, một Thiên Chúa sống cuộc sống con người thực sự, một Gia đình Thánh gia đầy sóng gió như cuộc sống gia đình mỗi người chứ không chỉ yên bình như khung cảnh trong trang tượng, để từ đó yêu mến Chúa hiện diện nơi những người anh em quanh mình”.  

Vâng, Vinh Kiu tên đầy đủ là Giuse Lê Ngọc Thành Vinh (1980), sinh ra ở mảnh đất Kỳ Châu, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh không phải là một giáo sĩ hay tu sĩ, mà chỉ là một người giáo dân trẻ với một mái ấm gia đình như mọi người Công giáo thuần thành. Những gì anh viết ở đây dựa trên những gì anh đã được nghe kể từ trong nôi đức tin của gia đình, xứ đạo thuần thành, thậm chí qua các đấng bậc trong Giáo hội…vv. Có lẽ quí độc giả không ngạc nhiên khi thấy tác phẩm còn “thiếu một hiểu biết nền tảng về bối cảnh văn hoá, tôn giáo, xã hội mà cuộc đời ấy thuộc về”, tức là chân dung Đức Mẹ như một người Do thái (Lời Giới Thiệu, tr.10). Tuy nhiên, quí độc giả sẽ ngạc nhiên khi biết Vinh Kiu hiện đang làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vốn là lãnh vực thiên về toán, kỹ thuật, với những phép tính, những con số.

Chúng tôi chợt nhớ tới câu chuyện trên chuyến xe lửa về Paris, một sinh viên trẻ đã gặp một cụ già ngồi bên lần chuỗi Mân Côi. Anh coi đó là chuyện nhảm nhí trong thời đại khoa học. Anh đã thuyết phục cụ bỏ tôn giáo để tin vào khoa học, đến độ anh xin cụ cho địa chỉ để gửi sách khoa học cho cụ. Cụ già đã rút trong túi áo ra một danh thiếp và trao cho anh. Không ngờ, khi đọc danh thiếp, chàng sinh viên đã giật mình vì đó là một nhà khoa học trứ danh: “Louis Pasteur viện nghiên cứu khoa học Paris”.

Chúng tôi không hề có ý so sánh Vinh Kiu với nhà khoa học Pasteur. Chúng tôi chỉ muốn dẫn chứng thêm để cho thấy “Đức tin và Khoa học” không hề mâu thuẫn với nhau, bởi vì: “Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý” (Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides Et Ratio (Đức Tin Và Lý Trí, 14-09-1998).

, để quí độc giả nào muốn có tác phẩm Maria Ngoại Truyện cũng như các tác phẩm khác của anh, có thể liên hệ trực tiếp với Fb Vinh Kiu hoặc gửi email cho BBT: [email protected] 

Trân trọng

 BBT

ĐỌC “MARIA NGOẠI TRUYỆN”

Linh Mục Giuse Cao Gia An, S.J.

Thánh Sử Gioan kết thúc sách Tin mừng của mình bằng hai ghi chú quan trọng. Ở cuối chương 20 là ghi chú về mục đích của những điều đã được chép lại về các phép lạ của Đấng Phục Sinh: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ. Những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người”. (Ga 20,30-31). Ở cuối chương 21 là một ghi chú chung hơn: “Còn nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25).

Những gì được viết ra trong các sách Tin mừng không kể lại tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời Đức Giêsu. Chỉ một số điều được ghi lại, và những điều ấy là thiết yếu cho đức tin của người tín hữu. So với cả cuộc đời và hành trình rao giảng của Đức Giêsu, các Tin mừng chỉ chứa đựng một số ít ỏi những thông tin về Người.

Về Đức Giêsu còn thế, huống chi là những điều về Đức Mẹ.

Lượt qua những trang Tin mừng, chúng ta chỉ có được một số rất ít thông tin về Đức Mẹ. Chưa bao giờ Mẹ là nhân vật chính. Mọi biến cố xảy ra trong đời Mẹ đều xoay quanh và làm nền cho mầu nhiệm cuộc đời Đức Giêsu. Vì thế, với một người yêu mến Đức Mẹ bằng lòng đạo đức bình dân, không thể không có những thắc mắc và tò mò. Nếu yêu nhau là yêu cả đường đi, không ngạc nhiên khi thấy lòng yêu mến Đức Mẹ thường thôi thúc nhiều người hướng đến việc tìm tòi và khảo cứu về những con đường Đức Mẹ đã đi qua, những chặng đường đời Mẹ đã sống. Nhiều người nỗ lực để mang ra ánh sáng những chi tiết không được kể lại trong Kinh thánh, không được mấy ai biết đến.

Tác phẩm “Maria ngoại truyện” này là kết quả đến từ một nỗ lực như thế.

Có nhiều điều đáng khen nơi tác phẩm nhỏ này, đặc biệt là tinh thần chịu khó tìm tòi, sưu tầm, và học hỏi. Những giai thoại tản mác về cuộc đời Đức Mẹ được đặt vào một tiến trình thời gian hợp lý. Những câu chuyện được dựng lại rất đời thường. Tác giả còn biết khai thác tối đa những chất liệu có từ Kinh thánh. Các trình thuật Kinh thánh về Đức Mẹ, dù ít ỏi, được vận dụng như một khung sườn vững chãi để từ đó tác giả có thể “thêm mắm dặm muối” nhờ khả năng liên tưởng và kỹ năng văn chương của mình. Giữa những thông tin mang tính dữ kiện, thỉnh thoảng tác giả còn chủ ý chèn vào một số đoạn văn mang tính suy niệm cá nhân để nêu bật sứ điệp của dữ kiện. Bằng những nét phác thảo đơn sơ của mình, tác giả muốn dựng lại bức tranh về cuộc đời Đức Mẹ.

Tuy nhiên, đừng quên rằng đây là một “ngoại truyện”. Bức tranh được vẽ lại trong tác phẩm này thật ra còn rất xa để có thể được gọi là tương đối đầy đủ và trọn vẹn. Một người có chuyên môn sẽ nhận ra điều này: để có thể họa lại bức tranh về một cuộc đời nào đó, chỉ đơn thuần dựa vào những chất liệu truyền khẩu rãi rác là không đủ. Điều kiện quan trọng nhất là một hiểu biết nền tảng về bối cảnh văn hoá, tôn giáo, xã hội mà cuộc đời ấy thuộc về. Bằng không, luôn có nguy cơ người kể sẽ kể chuyện đời xưa bằng não trạng của người thời nay. Khi đó, dễ có những nhầm lẫn và liên tưởng không tưởng. Chẳng hạn: trong tập truyện này, tác giả đã dùng phạm trù “nữ tu”, một khái niệm Kitô giáo về sau này, để áp vào xã hội Dothái giáo thời trước Đức Giêsu! Chẳng hạn: tác giả đã hình dung cuộc gặp gỡ và đối thoại không tưởng giữa cậu bé Giêsu, một người sinh ra và lớn lên trong lòng cộng đoàn Dothái tại Israel, với Saul, một cậu bé khác sinh ra và lớn lên trong lòng cộng đồng Dothái Diaspora tại Tarsus thuộc Cilicia nằm… tít tận vùng Tiểu Á, nghĩa là ở vùng đất của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay! Đó là chưa kể đến những chi tiết hoàn toàn mang màu sắc giai thoại và không thật sự phù hợp với đức tin Công giáo. Lòng đạo đức và não trạng bình dân khi bị đẩy đi xa luôn tiềm chứa nguy cơ dung dưỡng những ý tưởng thần học không ổn và có thể ảnh hưởng tới đức tin.

Thêm nữa, những chi tiết được khai thác trong cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu với các dấu lạ. Đây là xu hướng thường thấy của lòng đạo đức bình dân: thích đi tìm phép lạ, thích thiên về hình ảnh của một Thiên Chúa hào nhoáng và hoành tráng hơn là một Thiên Chúa chỉ sống trọn vẹn thân phận của một con người ẩn dật. Đừng quên rằng trong các Tin mừng chính Đức Giêsu đã rất dè dặt trong việc làm phép lạ. Huống gì là những phép lạ chỉ đơn thuần mang tính biểu diễn quyền năng! Đừng quên rằng những thông tin này đến từ các tác phẩm được gọi là “nguỵ thư”, nghĩa là các tác phẩm chứa đựng những dòng tư tưởng không thực sự chính thống và không phù hợp với đời sống đức tin, không thật sự giúp ích cho người Kitô hữu lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa. Đừng quên rằng Giáo hội có lý khi không phổ biến rộng rãi những truyện kể theo kiểu giai thoại như thế này. Trong việc dạy cho các em thiếu nhi hay những tân tòng mới vào đạo, nếu không cẩn trọng, những tình tiết giai thoại như thế có thể sẽ ảnh hưởng tới những đức tin còn non trẻ.

Dù sao đi nữa, phải thừa nhận rằng việc đặt bút viết “ngoại truyện” luôn là một cuộc mạo hiểm. Đặc biệt, những “ngoại truyện” khởi đi từ Tin mừng luôn cần một lòng đạo đức nhiệt thành được hướng dẫn bởi một hiểu biết căn bản về thần học. Với tác giả là một giáo dân trẻ, “Maria ngoại truyện” là một nỗ lực đáng trân trọng. Tác phẩm này có thể không phải là một điểm đến, nhưng hoàn toàn có thể là một điểm khởi hành đầy gợi hứng.

Ước mong ngày càng có nhiều tác giả trẻ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, và suy niệm Lời Chúa, để nhờ đó vườn văn chương Công giáo có nhiều hơn nữa những tác phẩm được gợi hứng trực tiếp từ các trang Tin mừng.

Roma - 29.06.2021