CHUYỆN TRUYỀN GIÁO: HƯƠNG HOA HỒI
Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi đều chia nhau đến các bản làng để phát quà, thăm hỏi, chia sẻ, và gieo tình thương Chúa đến cho mọi người.
Chúng tôi hầu hết là những tu sĩ trẻ, phục vụ các em khuyết tật tại Mái ấm trên Lạng Sơn. Thỉnh thoảng, dì Bề trên cho chị em đi phượt tự do, bay cùng thiên nhiên, thưởng thức thế giới muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa ngay tại trần thế này.
Dọc qua những con đường, những quả đồi đều là cây hồi, quế, thông, bạch đàn…cùng những vườn cam vườn quýt chín mọng. Chúng tôi thích nhất là hương hoa hồi, dù đã thu hoạch từ lâu, nhưng hương thơm vẫn còn dạt dào trên thân cây, cánh lá, lòng đất, và nhất là đi qua nhà máy chết biến tinh dầu thì… ôi thôi quyến rũ và nức mũi đến lạ kỳ.
Những người trong bản chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày, đơn sơ, chân chất, có sao sống vậy. Mọi phong tục tập quán theo đạo ông bà bởi nghi lễ Mo then. Sống theo bản nhưng có nhà cách nhau cả quả đồi. Từ đồi bên này thấy người bên đồi kia mà không sao gọi được, điện thoại cũng không tài nào dò tới vì không có sóng.
Những quả đồi trùng trùng điệp điệp trông thật bắt mắt, nhưng đi xe máy vào mới biết ai là tay lái cừ. Ngồi yên đó, cứ duy trì số 1, số 2 mà thẳng tiến. Những dải đường đất được cào bằng từ những triền đồi tạo thành lối mòn từ bao giờ. Một bên sát vách núi, chỗ thì chạm tảng đá, chỗ thì vướng vào những đụm dương xỉ rừng. Bên kia là vực thẳm, chẳng có hàng rào che chắn, nhiều khi những đám cỏ dại mọc um tùm, che khuất cả vực thẳm, tạo cảm giác an toàn cho thị giác, nhưng lái xe không cẩn thận sẽ có ngày đâm đầu xuống mương nước.
Biết đường khó đi, đầy nguy hiểm, chúng tôi luôn dâng mình cho Chúa, làm dấu thánh giá trước khi lên đường, không quên đem theo chai nước, vừa để uống vừa để …rửa tội. Họ kháo nhau, các cô nhà Mái ấm mát tay lắm, họ đổ nước gì đó, mấy bữa là đi liền được à, vì cái Chúa của họ cao tay lắm ( cái, nó: là lối xưng hô của người dân tộc Tày, Nùng. Họ gọi vợ con, các dì, các cha và cả Chúa là nó). Chúng tôi không biết miền đất này có gì đó, do người hay do thiên nhiên, nhưng nhiều người khuyết tật lắm. Có bao nhiêu trẻ em nữ đều đưa về Mái ấm giúp nuôi, những người lớn và những trẻ nam thì ở tại nhà, nhưng chúng tôi vẫn có phần quà theo định kì.
Những chiếc xe máy bắt đầu mất khoảng cách giữa người nọ với người kia, như con đường ngoằn ngoèo thăm thẳm tít tắp giữa rừng lớn. Chiếc xe máy phía trước đã đi quá xa, hôm nay lại không mang điện thoại, mà có mang thì chưa chắc đã gọi được. Chiếc xe phía sau thì chưa tới, chị em tôi ngồi chờ. Con gái chả bao giờ ngồi yên trước cảnh thiên nhiên tuyệt vời như thế, chúng tôi bắt đầu vịn những cành hồi thấp, mót những bông hoa còn sót, cài đầy lên đầu, hay bó thành bó gài lên xe máy cho thơm. Cũng vì miền lạnh, lại là cây thân gỗ lâu năm, hồi thuộc loại cây ‘cha truyền con nối’, tức là đời ông trồng, đời cháu thu hoạch thoải mái, càng lớn cây càng năng xuất.
Đường khó mấy, xa mấy thì cũng tới nơi, tính km ra thì có đoạn chỉ chừng 5km mà đi hết 2 tiếng đồng hồ. Có những ngày trời mưa đường chưa khô, bánh xe sình lầy, chúng tôi phải gọi người trong bản ra chạy hộ, chứ chả dám đặt cược mạng sống vào chốn nguy hiểm, ấy là biết sức mình.
Thấy ngôi nhà đầu làng xuất hiện, chúng tôi thấy mình nhẹ nhõm hẳn ra. Thùng mì tôm và mấy gói muối, đường, mì chính phía sau mà biết nói chắc cũng nhảy cẫng lên.
Nhìn bàn thờ và bát nhang cũng như những đồ tế người chết còn mới. Ba lá bùa đỏ treo trên đỉnh bàn thờ cũng mới thay, hai câu đối hai bên ghi toàn chữ tàu mà chính họ cũng không biết ý nghĩa. Anh chủ nhà giải thích. Mẹ anh do bệnh tuổi già, chết trong bệnh viện đã hơn một tháng. Trong đám tang có mời thầy Mo về chủ sự lễ. Thầy chọn ngày giờ ra cửa, nơi chôn và đã cúng ma đầy đủ. Bốn mươi ngày sau thầy Mo lại bảo xác bà thì đã chôn trên đồi hồi, nhưng hồn bà còn mắc kẹt trong bệnh viện chưa về được. Họ lại phải mời thầy Mo về làm lễ, để ma đưa hồn bà siêu thoát.
Chúng tôi đã gặp nhiều cảnh này, người Tày, Nùng họ tin thầy Mo lắm. Thầy Mo phán thế nào cũng phải làm theo. Nghề này được cha truyền con nối. Bố chết đi, con phải theo nghề, không theo sẽ bị nhức đầu, ốm, hay bị giày vò cách khác nhau. Những người đã có gia đình khi chết thì được đưa lên bàn thờ và có ngày giỗ rất chu đáo. Những người không lập gia đình và những em dưới 18 tuổi khi chết sẽ không được ai thờ, bị quên bẵng sau khi nằm sâu xuống lòng đất. Các em bé chưa đủ tháng hay chưa nhìn thấy mặt trời mà chết thì đem vào rừng cho thiên nhiên.
Trở lại câu chuyện bà cụ đã chết, chúng tôi biết họ phải làm tất cả những thủ tục của một người ra đi, không thiếu, không sai thứ gì. Họ phải làm đúng, nếu không lỡ trong làng có chuyện gì xảy ra, họ sẽ đổ lỗi tại gia đình này mà ma nó quấy mọi người.
Nhiều người trong làng cũng quý chúng tôi và tin vào Chúa lắm nhưng họ không dám theo đạo. Nhiều người được rửa tội trước khi chết, họ được cả hai đạo làm các phép cho. Chúng tôi thường đến đọc kinh, tránh giờ của thầy Mo. Có người còn được cha xứ và giáo dân đến tận tư gia làm lễ. Lễ của cha nhà thờ, rồi đến lễ thầy Mo. Chúng tôi thường nói đùa, cứ làm cả hai, rồi Chúa hay ma đưa linh hồn này đi, và chắc chắn là Chúa đưa đi rồi. Ngài không bao giờ bỏ rơi con mình bơ vơ chốn nào cả.
Sau giờ phát quà bác ái, chúng tôi cũng hay lân la hỏi chuyện tôn giáo, một cách nào đó muốn giới thiệu Chúa của mình cho họ. Mà nghĩ ra cũng khó lắm. Đã bao đời các cha các dì lần mò tới hang cùng ngõ hẻm để gieo hạt giống Tin Mừng mà chẳng được cây nào. Kể ra những người được rửa tội đều là những ông bà già hay các em bé tật nguyền, họa chăng là các cô gái vì theo chồng xóm đạo mà rửa tội theo. Nhưng trước mặt Chúa thì linh hồn nào cũng có phẩm giá như nhau, Chúa thương hết mọi con cái Ngài. Vì thế các dì không nản chí, dù biết lòng người cũng khô cứng, khó lay chuyển như chính đất rừng cằn cỗi này.
Ngồi được một lúc thì chị vợ dẫn bà cụ khác tới. Bà đem theo cả bịch hoa hồi đã phơi khô tặng các dì. Cuộc nói chuyện trở nên rôm rả hơn. Vẫn chủ đề tôn giáo, tôi hỏi về niềm tin của họ vào đời sau. Lần này thì chị vợ nói: Ở đây, mọi sinh hoạt tôn giáo đều phải mời thầy Mo về, như xây nhà chẳng hạn, cũng cần nhờ thầy xem ngày. Khi được hỏi anh chị có hiểu những lời thầy Mo đọc không. Họ bảo không hiểu gì hết, chỉ thầy được đi học mới hiểu, nhưng dân làng vẫn tin. Sau đó chúng tôi kể về Chúa của mình. Chúng tôi tin vào sự sống đời sau, chúng tôi hiểu những lời mình cầu xin với Thiên Chúa và tin Ngài sẽ nhậm lời theo ý của Ngài. Họ thích thú lắm, nhưng việc theo đạo vẫn là một hứa hẹn xa tít mù khơi.
Bà cụ đã đi nhưng ông cụ còn nằm đó. Phía bên trong kệ thờ là một căn phòng đầy màng nhện, bụi và khí ẩm. Ông đã liệt giường nhiều năm, ông nằm đó nhưng nghe và hiểu hết cuộc trò chuyện của chúng tôi, ông quen vì chúng tôi đã đến nhiều lần. Ông thường rên trong đau đớn chưng chưa lần nào ngỏ ý xin theo đạo.
Nghĩ lại, chúng ta đã có niềm tin từ ngày lọt lòng, cứ thế mà lớn lên. Còn đây họ sinh ra trong cái nôi đạo Mo then của ông bà bao đời truyền lại, khó mà bưng khỏi cái truyền thống vẫn vững bền ấy. Chúng ta dù có đức tin thật, có niềm tin vào Thiên Chúa thật, nhưng cũng khó mà bứng các tật xấu khỏi gốc rễ chai lì tự cao tự đại của cá nhân. Chẳng phải Giáo Hội vẫn mời gọi con cái mình sám hối luôn luôn đó sao. Cá nhân họ hay cả gia đình họ khó mà đi theo đạo Thiên Chúa khi vẫn sống tình làng nghĩa xóm với người đạo Mo then. Họ tin lỡ có chuyện gì xảy ra, thì không phải riêng gia đình chịu mà cả làng cũng phải vạ lây, nên chẳng ai muốn vì mình mà ma quỷ vào phá rối cả làng. Quan trọng họ nghe tên Thiên Chúa, biết có Thiên Chúa quyền năng. Một lần, đứa con tật nguyền của họ bị bệnh viện trả về, bảo là bị ổ dịch ở phổi, gia đình chuẩn bị hậu sự. Nhưng khi vào Mái ấm các dì chữa, cháu lại sống, và sống đến bây giờ là năm thứ năm rồi. Cả làng kéo ra Mái ấm xem sự lạ: cái Chúa nó ác lắm! tức là cái Chúa của Công Giáo cao tay lắm, hơn bác sĩ (họ không đủ ngôn ngữ để diễn tả).
Chuyện linh thiêng thì không ai dám đụng vào. Họ cũng biết cái Chúa bên Công Giáo, năm nào cũng sinh ra, rồi năm nào cũng chết, lại sống lại. Cái Chúa ấy còn có quyền phép cho con người ngày sau cũng được sống lại như Ngài. Những dịp Giáng Sinh hay Phục Sinh họ cũng ra tham dự. Có chuyện gì đều chạy tới hỏi han, nhờ vả các dì, vậy là tốt rồi.
Nghĩ về những làn hương hoa hồi nơi đây, tôi chợt nghĩ về những người dân tộc này. Hoa hồi là đặc trưng của xứ Lạng. Họ cũng là những người Tày, Nùng đặc trưng của nghi lễ Mo then. Cũng đâu đó thoang thoảng hương thơm của sự chân thành, ăn ngay ở lành, hòa đồng, ít so đo tính toán. Không phải cả làng đều như vậy, nhưng tôi thấy sự nhiệt thành ấy mỗi khi hăng hái giúp việc cho Mái ấm hay cho giáo xứ của Công Giáo. Biết họ còn nặng mùi mê tín, bởi việc của ma nó làm, mà ma làm nhiều việc cũng trùng khớp thực tế, càng làm cho họ tin và sợ hãi.
Đó là cái nhìn của chúng tôi. Nhiều khi nghĩ đạo Công Giáo tốt thế mà chẳng mấy người theo, lại theo cái đạo Mo then ấy. Nhưng điều cần quan tâm hơn là cái nhìn của Thiên Chúa. Chúa cho mưa xuống trên các đạo, các dân, các nước. Và ở trong đạo ấy chúng ta nhìn Chúa như thế nào, cũng như cảm nhận được Chúa nhìn ta như thế nào, là trái tim yêu thương của người Cha, hay cũng là nỗi sợ hãi như sợ ma về nhiễu của dân đạo Mo then.
Trưa nay đang chuẩn bị đồ đạc để sang làng khác, ngôi làng còn xa hơn chỗ này nhiều. Vừa tới ngã ba gốc hồi, đã thấy hai vợ chồng và mấy đứa con ra đón. Thấy chúng tôi từ xa, mấy đứa trẻ kêu lên: Nó đến rồi! Bà vợ nhát gan hơn, lôi chồng lại: Sợ lắm! bây giờ đang mùa cái Chúa sắp chết (tức là Mùa Chay). Ông chồng phân bua: Cái Chúa năm nào mà nó chẳng chết, bố mình chết có một lần rồi hết. Hai vợ chồng giằng co đến đây thì chúng tôi cũng vào đến nhà họ. Ông cụ thoi thóp nằm trên giường, ra hiệu xin theo đạo Chúa. Sẵn có chai nước suối và ly nhỏ, chúng tôi làm phép rửa tội cho ông. Cả nhà cùng đọc kinh trong sự vui mừng.
Xong kinh, anh chồng mạnh dạn hỏi chúng tôi biết ý nghĩa của ba lá bùa đỏ trên bàn thờ là gì không. Đương nhiên thì chúng tôi làm sao biết. Một chị nhanh miệng trả lời: À giống như đạo bên các dì là có Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một bản tính và uy quyền ngang nhau, một mầu nhiệm mà chúng tôi vừa tuyên xưng qua việc rửa tội cho ông cụ ấy.
Ngay hôm sau gia đình báo tin ông cụ ra đi bình an lắm, còn không quên đem mâm cơm ra mời các Dì, những món mà chắc đã…cúng, nhưng đó là tấm lòng của họ.
Cánh đồng truyền giáo trải rộng mênh mông, đòi hỏi người tông đồ có niềm tin vững mạnh, lòng mến yêu tha thiết, kiên trì đem hạt giống tung gieo mỗi ngày. Nhìn lên đồi, rừng hồi vẫn xum xuê hoa lá cành, chờ một mùa thu hoạch sắp tới.
Xuân Cát, OP