CHIỀU SÁM HỐI
Xe dừng lại cạnh lối đi vào nhà thờ. Chẳng mấy nữa là đến lễ Phục Sinh, buổi sám hối cộng đồng cuối cùng sân nhà thờ người đông kín lối.
“Đã bảo rồi, tối thứ Năm tranh thủ đi lễ và xưng tội có phải thoáng hơn không.”
“Thứ Năm em có lịch với lớp Dance rồi. Ở đằng kia có chỗ đỗ xe, anh ráng chờ em một lúc. Không lâu đâu. Em xưng cái là xong liền hà, không trễ hẹn đâu mà.”
Tôi dịu giọng hết mức.
“Thôi được rồi, vào nhanh đi để còn ra sớm. Mà em đó, không phải cái gì cũng nhất nhất theo là tốt đâu. Em bỏ lễ Chủ Nhật có một lần, cũng đã làm việc đền tội rồi còn gì… Em nói em phải xưng tội này với Chúa nhưng người đông thế kia, có phải em làm khổ thêm cho các ngài không chứ? Biết bỏ lễ là sai thì lần sau đừng bỏ nữa là xong. Anh vẫn tin Chúa cần cái tâm mình nó như thế nào…”
“Mình phải xưng tội cho người mình nhẹ nhàng chứ. Mà anh hối em vào mà sao anh nói lắm thế.”
Tôi lẳng lặng xuống xe, nhanh chóng vào trong. Như thường lệ, tôi hướng về bàn thờ Chúa đọc kinh và thưa thầm với Chúa rồi đảo mắt quanh tìm một chỗ ngồi hợp lý.
Phải có đến hơn hai mươi tòa giải tội nhưng nhìn đâu cũng chỉ thấy người không là người, ghế phụ cũng chẳng có chiếc nào thừa ra cho tôi. Đôi giày có gót bắt đầu làm tôi khó chịu, nhấp nhấp nhổm nhổm không yên. Nhìn dòng người đang xếp hàng chờ phía trước tôi bắt đầu sốt ruột.
Thật may, cuối cùng thì cũng có. Một chỗ vừa vặn nếu ngồi tém tém. Một góc nhỏ ghế đá, bấy nhiêu là quá ổn rồi. Tôi tiến lại. Nhưng…
“Cháu ngồi đi.”
Bà cụ ngồi tém lại thêm chút nữa. Nom bà hom hem tội nghiệp, hai má hóp vào trong còn đôi mắt thì đục ngầu. Bà chìa tay ra hất chiếc lá vừa rụng trên ghế xuống đất, móng tay đen sì, năm ngón nhăn nheo bám đầy mủ chuối. Ừ, tôi chắc chắn đó là mủ chuối, nhà tôi ở quê vườn trồng toàn chuối nên tay mẹ tôi lúc nào cũng đen đúa thế này đây. Bà hay vằm chuối cho gà vịt ăn. Tôi giả tảng ngó đi chỗ khác.
“Đông thế này, còn lâu lắm. Cháu ngồi đi.”
Bà giơ tay ra về phía tôi vẫy vẫy sợ tôi không nhìn thấy. Ngại quá, tôi tém chiếc váy lại ngồi xuống bên bà. Bà phe phẩy quạt, vừa quạt vừa nói giọng thân như tôi là họ hàng con cháu.
“Đi giày cao vầy đứng mỏi lắm.”
“Cháu chắc cũng chồng con rồi nhỉ?”
“Dì có đứa con gái chắc là lớn hơn cháu, giờ nó làm việc gì đó bên… bên cái gì đó… mà toàn tiếng Tây không à, dì cũng không nhớ, cái gì mà nghe sang lắm… Hai thằng cháu ngoại của dì, lạy Chúa, nó cao tồng ngồng phốp pháp… ”
Bà cụ tỉ tê vào tai tôi, dù nói nhỏ nhưng giọng vẫn lúc trầm lúc bổng, lúc ngập ngừng lúng túng lúc hớn hở tự hào. Tôi ậm ờ cho qua chuyện, tôi biết tỏng những người như bà cụ đây. Bà chỉ hỏi tôi cho có chuyện chứ đâu cần tôi trả lời. Cái bà cần là tôi ngồi nghe bà khoe về đứa con gái giỏi giang đã khiến bà nở nang mặt mày. Tôi cười thầm. Sáu, bảy năm trước tôi đã từng phát bực khi vô tình chứng kiến màn khoe con khoe cháu của má tôi với một khách hàng quen ở shop nhà chúng tôi. Xấu che tốt khoe bình thường thôi nhưng cái cách má tôi nói chuyện dễ khiến khách hàng tôi chạy dài, và chính tôi cũng thấy nhột nhạt trong người. May mà bà chỉ ở lâu có một chuyến đó thôi chứ không…
“Úi.”
Đầu ghế bên kia vừa có thêm một người nữa xê vào khiến bà cụ ép sát người tôi. Thật là tôi muốn đứng dậy cho rồi nhưng người xưng tội xong ra về sao mà ít trong khi người đến sau tôi thì nhiều. Người càng đông càng oi càng nóng. Bà phe phẩy quạt cho cả tôi.
“Cháu, cháu… Không cần quạt cho cháu đâu ạ.”
Tôi ráng nở một nụ cười giả lả thân thiện nhất có thể. Giờ thì bà cụ ngồi sát vào tôi và vẫn quạt. Đám tóc nửa đen nửa trắng trên trán bà phất phơ theo nhịp tay cầm quạt. Sao mà có người giống má tôi đến thế. Má tôi đi đâu cũng kè kè bên mình cái quạt giấy. Nhớ năm kia, ở sân bay, ngồi trong phòng chờ có máy lạnh mà bà vẫn phe phẩy phe phẩy, cái dáng lom khom ngồi quạt lộ ra cả sự nhọc nhằn quê kiểng.
Tôi quay mặt đi hướng khác thở “phù” một tiếng rồi khe khẽ hít sâu, hai ống mũi đang cố tìm chút không khí bình thường để thở. Chút không khí không lẫn mùi dầu gió xanh Eagle Brand của Mỹ. Thứ dầu kỳ lạ, thứ dầu như một chất gây nghiện với những người có tuổi. Người phụ nữ có tuổi nào mà tôi biết cũng thủ sẵn vài chai dầu gió này để xoa lúc ốm cũng như lúc lành. Lành thì phòng cảm mạo, gió máy. Ốm thì xoa cho khỏi nhức mỏi, khỏi đau đầu… Tóm lại quanh năm cứ phải ướp dầu gió khiến đôi khi, chẳng hạn như bây giờ, tôi như muốn nôn. Mùi dầu gió xanh khi ngửi từ chai thì không đến nỗi nào nhưng khi thoa vào người, để cho nó ngấm vào lỗ chân lông và cộng hưởng với mùi cơ thể nửa ngày chưa tắm gội thì thực sự là một thảm họa, tôi đứng cách vài mét vẫn nghe ra được.
Thảm họa hơn nữa là khi phải chung đụng với cái mùi này trong một căn phòng vài chục mét vuông và phải đóng kín cửa vì đang bật điều hòa. Thảm họa hơn nữa là khi tôi không có cách nào nói cho mẹ tôi hiểu cái thảm họa mà tôi đang chịu đựng. Lần đó, tôi nói: “Má ơi, má có đau ốm chi đâu mà xức dầu hoài vậy. Không tốt đâu.” Má tôi tỉnh bơ “Phòng gió máy mà con, ở đây má không quen thời tiết nhỡ má ốm rồi khổ con”. Hôm sau, tôi mua cho má một chai dầu loại khác mà tôi đã tìm hiểu và chắc chắn nó không bám mùi lâu trên cơ thể. Má tôi lại tỉnh bơ “Thôi, thôi con xin người ta cho trả lại đi. Má dùng dầu này quen rồi với lại dầu này dì con gửi về cho má mà. Có tốn tiền mua đâu.”
Vậy là tôi hết hi vọng. Không thể cứ vài tiếng là nhắc má tắm rửa thay đồ, cũng không thể nói với bà là hôi lắm tôi chịu không nổi. Cũng may chỉ mấy hôm là má tôi tự dọn sang phòng khác, má nói không quen ở phòng có điều hòa vì lạnh khó ngủ, có khi cả buổi trời má bế hẳn cu Tin sang phòng kia để tôi được ngủ. Hồi ấy tôi chỉ mới sinh cu Tin, bây giờ thằng bé đã vào lớp Một.
“Cháu à.”
Bà cụ vít vào tay tôi, cảm giác rít rát ươn ướt từ bàn tay ấy khiến tôi rùng mình.
“Mở dùm dì với.”
Bà cụ đưa tôi chiếc điện thoại thông minh nom mới toanh, trên màn hình điện thoại đang báo có cuộc gọi đến.
“Dạ, mình trượt lên thế này, thế này ạ.”
Tôi cười nhẹ, đưa điện thoại lại cho bà. Phiền phức thật, lại còn điện thoại thông minh và zalo nữa chứ. Bà không đứng dậy sang chỗ khác mà cầm máy nói chuyện luôn, từng lời bên tai tôi rõ mồn một.
“Mẹ à, con không về giỗ ba được đâu. Dự án con đang làm đang vào đoạn nước rút. Tuấn với Tú cũng không về được. Tụi nó lớn rồi, giờ tụi nó bận đủ thứ luôn mẹ.”
“Ừ, vậy thôi thì nghỉ hè về cũng được.”
“Hè này tụi con định đi du lịch, vé đặt cả rồi mẹ.”
“Mấy năm rồi mẹ chưa thấy hai thằng cháu. Hay hôm nào huỗng huỗng việc ở nhà mẹ vào mấy bữa…”
“Ôi, mẹ vào làm gì. Tụi con thì đi làm, hai đứa cháu thì đi học cả ngày nhà có ai đâu mà mẹ vào cho cực…”
“Ờ, ờ, vậy thôi. Mẹ đang ở nhà thờ, chuẩn bị xưng tội. Sắp tới lượt mẹ rồi, mẹ tắt nghe.”
Một lát sau, bà cụ lại vít tay tôi.
“Thế này là đã tắt chưa cháu? Mình lỡ tay đụng vào màn hình nó có gọi lung tung cho ai không?”
Tôi quay lại chỉ cho bà cụ nút tắt màn hình. Bà nhét điện thoại vào túi dùng kim-băng khóa túi áo lại rồi lén chùi nước mắt. Tôi vẫn đang nhìn gương mặt hom hem, hai má lõm sâu và đôi mắt đục ngầu ấy. Bà chùi nước mắt thêm lần nữa. Rồi thêm lần nữa.
Bây giờ thì đến lượt bà. Tôi nắm chặt bàn tay có năm móng đen sì, những ngón tay nhăn nheo dính đầy mủ chuối một giây trước khi bà đứng dậy tiến lên tòa giải tội…
Tôi cũng đứng dậy theo.
Trước mặt tôi, bên phải tôi, bên trái tôi và cả góc khuất cạnh tượng Đức Mẹ, cả hai hành lang Thánh đường đều là tòa giải tội. Tòa giải tội khắp mọi nơi. Tiếng đọc kinh sốt sắng lầm rầm. Những gương mặt người khẩn trương sám hối. Từ bên kia bức ngăn của tòa giải tội, tôi biết những lời tha tội đang chực sẵn để cất lên.
“Vậy, cha tha tội cho con, nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Có một lời tha tội sẽ dành cho tôi, một lời tha tội đang chực sẵn để cất lên vì tôi. Gần lắm, cách mấy bước chân nữa thôi, bên kia bức ngăn tòa giải tội có Đấng chờ tôi, để tha tội cho tôi.
“Cha tha tội cho con…”
“Cha tha tội cho con…”
“Cha tha tội cho con…”
Choáng váng, quay cuồng, quanh tôi bốn bề dường như chỉ có lời tha tội.
“Không! Không! Không!”
Tôi quay đầu lại.
***
“Em, em làm sao như ma đuổi thế hả?”
“Chẳng ma quỷ nào đuổi em cả. Em còn hơn cả ma quỷ. Cho em về má đi anh.”
“Là sao? Tóm lại là em xưng tội chưa?”
“Xưng tội và biết tội sám hối đền tội cái nào quan trọng hơn hả anh?”
“Em bị làm sao thế?”
“Em không thể hòa giải được với Chúa nữa anh à, em không đáng được Chúa tha. Em bất hiếu. Em còn hơn thứ ma quỷ.”
“Ở quê mới gọi vào hả?”
“Không.”
“Vậy thì làm sao? Hôm qua em vừa gửi tiền về cho má dàn xếp mọi thứ rồi mà. Điều dưỡng cũng đã thuê rồi còn gì. Em về quê em cũng có làm được gì cho má đâu, có thay điều dưỡng chăm cho má đâu chứ. Em phải thực tế đi chứ.”
“Vâng, em đang thực tế. Rất thực tế… Và thực tế là em không thay điều dưỡng chăm má được, thực tế là bao năm rồi, ngay cả khi má còn khỏe, em không hề đụng vào người má, thực tế là em thấy má hôi. Em đã thấy má hôi đến buồn nôn anh à. Bây giờ em làm sao có thể tắm rửa thay tã bỉm cho má được chứ. Em mới thật ghê tởm...”
“Anh thấy không, em rất thực tế. Và thực tế là em chẳng có gì cho má ngoài tiền. Chẳng gì nữa cả ngoài tiền, chẳng có gì kể cả tình yêu, anh à, kể cả tình yêu, thứ mà Chúa đã cho không…”
Lệ Hằng, Mùa Phục Sinh 2022