Cây Thánh Giá-Dịch giả: Phạm Hoàng Nghị

Lan Mary

 

CÂY THÁNH GIÁ

Truyện ngắn của Jurgis Jankus (1906-2002)

Bản dịch: Phạm Hoàng Nghị 

Nếu ba mươi năm trước, ai tình cờ đi trên con đường nhỏ miền quê từ Girkalnis đến Šimkaičiai, có thể vẫn nhớ - gần bìa làng Pakalniškiai, ở con dốc trên ngọn đồi trên xây lâu đài, nơi con đường rẽ vào đồng cỏ ẩm ướt - có một cây thánh giá, một cây thánh giá đơn độc, hoàn toàn không giống như những cây thánh giá khác nằm rải rác trên các nẻo đường. Cũng giống như những thánh giá đó, cây thánh giá này được làm bằng hai khúc gỗ sồi dày, rắn chắc, bị thâm đen vì năm tháng, mưa xói mòn, hằn những vết nứt nhỏ do nắng và lạnh; từ khe nứt đó mọc lên những cụm rêu rằn ri màu xanh và xám. Phần chóp đỉnh của thánh giá và ngoài đầu hai cánh ngang có gắn những núm lớn, đã mòn theo thời gian. Núm làm bằng loại gỗ khác, ít cứng hơn, và dường như mới được thêm vào mãi lâu sau này. Có lẽ một người thợ thủ công khéo tay nào đó muốn làm đẹp thánh giá đã dùng rìu đẽo những miếng núm đó. 

Người ta có thể đã đi qua chính cây thánh giá này mà không chú ý, vì nhiều cây thánh giá tương tự, nếu không muốn nói là rất lớn, đứng rải rác khắp dọc đường xứ Lithuania. Nhưng hình tượng Chúa Kitô trên thánh giá đã thu hút sự chú ý của mọi người, vì khó có thể đi qua mà không dừng bước hoặc ít nhất là nhìn lại vài lần. Tượng Chúa bằng gỗ rất khác lạ, đến cả ngày nay tôi cũng chẳng hiểu tại sao tượng lại không nổi tiếng thế giới. Trừ phi chính Đức Chúa Trời vì sự khiêm cung thánh thiêng của Ngài muốn vậy.

 Tượng có kích thước bằng người thật và được chạm khắc hoàn toàn từ một khúc gỗ nguyên khối. Cả đến cánh tay cũng không được chạm rời rồi gắn vào. Tứ chi tượng bị gió bào mòn như run lên vì kiệt sức; đầu nghiêng về phía trước và ngoẹo sang một bên, đắm chìm trong những suy tư về mệt mỏi, và đau đớn... và có lẽ cả những lo lắng của ngày mai ngày mốt nữa. Cái mão gai thường đội trên đầu tượng đã bị mất, cả lớp mái che bảo vệ Chúa khỏi mưa và mưa đá thấm sâu cũng vậy. Chỉ có ai đó đã đặt lên cái đầu ủ rũ một vòng hoa bằng hoa ngô đồng, hoa chuông, mao lương và các loài hoa dại khác. Ngay việc này có thể một đứa trẻ hơi cao một chút cũng làm được bởi vì cây thánh giá quá thấp, các ngón chân của tượng gần như chạm đất. Có vẻ như phần chân thánh giá đã mục nát nhiều lần, và mỗi lần được thay thế lại ngắn hơn trước. Nếu vậy, nó phải cũ kỹ một cách bất thường, vì gỗ sồi mục ruỗng rất chậm. Chỉ có điều là tại sao thời gian không bào mòn sinh khí khỏi khuôn mặt của Chúa?

Người ta đứng nhìn và chờ đợi đôi mi đang sụp xuống kia đột ngột mở ra. Và mắt sẽ nhìn thẳng vào bạn, môi sẽ mở, và người ta sẽ nghe thấy những lời mà thế giới đã chờ đợi từ lâu; những lời mà các nhà thần học và nhà thơ đã tìm kiếm trong hàng ngàn pho sách. Nhưng những lời đó sẽ đến với bạn, tự nhiên như một nụ cúc nở hoa.

"Tôi biết là ông đang cầu nguyện, hay... chỉ đứng ngắm nhìn?" giọng nói của một người phụ nữ kéo tôi khỏi cơn mơ mộng.

Tôi ngỡ ngàng. Mải mê ngắm cây thánh giá, tôi đã không nhận ra bà ấy đã bằng cách nào đi đến chỗ tôi. Quả thật là một người phụ nữ già khọm, lưng hơi còng vì tuổi tác, khuôn mặt rất nhiều nếp nhăn. Nhưng đôi mắt của bà sinh động và trẻ trung. Những ngón tay lão luyện của thời gian đã không thể chạm vào đôi mắt bà, cũng như đã không thể đụng tới khuôn mặt của Đấng Kitô trên thập tự giá này. Một tay bà cầm rổ lá củ cải và tay kia là mấy củ cà rốt mới nhổ.

Liếc nhìn Chúa Kitô, tôi nói: “Thật đẹp!”

"Đúng, đẹp thật - và quý báu! Nhưng sẽ không còn ở đây lâu được đâu", bà lão thở dài, đưa tay quệt lông mày.

"Tại sao? Có vẻ như tượng vẫn có thể trụ được rất lâu mà."

"Có thể, nhưng sẽ không lâu. Có lẽ một hoặc hai năm nữa. Ông thấy chân tượng gần như chạm đất rồi. Khi chân chạm đất, Người sẽ vác thập tự giá lên và đi chỗ khác. Một sáng nào đó chúng ta thức dậy và Người đã không còn ở đây nữa."

Tôi cảm thấy như muốn cãi lại, nhưng tôi đã học được cách không trực tiếp nói ngược lại niềm tin của người địa phương. Tôi giữ lặng thinh trong một phút, nhìn vào khuôn mặt của Đấng Kitô và đặc biệt là vào đôi môi của Người, có lúc dường như run lên như thể muốn nói. Sau đó tôi bảo:

"Một tác phẩm đẹp tuyệt vời. Ai đã chạm khắc đấy? Nếu ông ta vẫn còn sống, tôi muốn gặp người thợ điêu khắc bậc thầy như vậy."

“Thưa ông, chẳng ai có thể tạc được cây thánh giá này đâu. Tôi đã sống ở đây cả đời và cây thánh giá không thay đổi chút nào. Không một chút xíu nào hết. Lúc tôi chỉ cao bằng này," bà lấy tay chỉ một khoảng cách từ mặt đất, "tôi đã kết vòng hoa cho Người rồi. Chỉ là khi đó tôi không thể đội được vòng lên. Tôi không thể với tới. Ngay cả những người lớn cũng không thể được; họ phải lấy cái gì đó kê chân để đứng lên. Và khi muốn hôn chân Người, tôi phải nhờ ai đó ẵm nâng tôi lên; nhưng bây giờ thì đứa trẻ nhỏ nhất cũng có thể dễ dàng chạm tới được. Đôi mắt tội lỗi của con người không thể nhìn thấy... nhưng thánh giá cứ lún dần, chìm dần... "

"Có thể như có thứ giếng ngầm bên dưới", tôi bắt đầu giải thích, "Mấy người trai tráng nên tập hợp lại và rời thánh giá đi."

Trong lòng tôi nghĩ một bảo bối như thế này nên để trong tủ kiếng ở viện bảo tàng, nhưng tôi không nói vậy, sợ mất lòng bà và làm bà im tiếng. Ngay cả đề nghị của tôi để di chuyển thánh giá cũng khiến bà lắc đầu.

"Thưa ông, đã không ai dựng thánh giá lên và sẽ không ai di dời!" bà phát âm thật sắc bén.

"Không ai dựng thánh giá lên!" Tôi lấy làm lạ.

"Tất nhiên là không. Chính Người đã đến và chọn chỗ cho mình; chỉ là, chúng ta cứ tiếp tục chồng chất đủ thứ rắc rối, âu lo và hành động xấu xa lên đầu Người. Đó là lý do tại sao Người cứ chìm dần lún dần..."

Bà ngừng nói. Tôi cũng vậy, cả hai chúng tôi đều nhìn chằm chằm vào cây thánh giá. Bà chậm rãi ngồi xuống thảm cỏ xanh rậm bên đường. Và tôi ngồi xuống bên cạnh bà, bụng nghĩ rằng toàn bộ cây thánh giá cần được mang đến một viện bảo tàng. Nhưng tôi không nói gì.

Bà hái một khúc cỏ chỉ và bắt đầu quấn quanh ngón tay như một chiếc nhẫn. Tay bà không đeo cái nhẫn nào khác. Có lẽ bà chưa bao giờ kết hôn hoặc có thể bà đã tháo nhẫn mình ra, đánh bóng lại cho hết vết mòn và bỏ vào chiếc rương hy vọng để được chôn theo với bà.

Sau một lúc, bà nói: "Tôi biết các ông là những người trẻ tuổi và có học thức, khó hiểu được mọi chuyện, cái gì trước tiên cũng phải kiểm chứng, kiểm chứng lại và viết ra giấy. Đặc biệt là viết ra trong sách vở. Tôi cũng đã đọc sách. Và ngay cả bây giờ tôi vẫn còn đọc, cảm tạ Chúa. Người đã cho tôi đôi mắt tốt. Tôi cũng đọc báo nữa. Và trong khi đọc, tôi cứ nghĩ không có cách nào để viết mọi thứ thành sách ư?! Hãy lấy cây thập tự giá của chúng ta làm ví dụ. Không ai có thể đưa nó vào một cuốn sách. Ai có thể đếm được những gì chồng chất trên vai và trái tim của Người!"

Và bà lại ngừng nói. Bà đã gỡ sợi cỏ ra khỏi ngón tay và giờ đang nhai trong miệng. Bất giác bà mỉm cười.

"Cả hàm răng tôi gần như vẫn còn đủ. Chúa đã thực sự nhân lành với tôi. Tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp. Thỉnh thoảng tôi tự nhủ: "Mary này, có một cuộc đời như vậy, đáng lẽ ra mi phải đội cho Người nhiều chiếc vương miện hơn mi đã làm! Tất nhiên, ông đã đọc trong sách về những năm khủng khiếp của bệnh dịch”, bà đột ngột chuyển cuộc trò chuyện, không nói với chính mình nữa. "Bây giờ không ai còn nói về những năm đó nữa, nhưng khi tôi còn nhỏ thì vẫn ở trên cửa miệng mọi người. Dù chưa trải qua bệnh dịch, nhưng nhờ cha mẹ và ông bà kể lại nên người ta vẫn nhớ về nó. Họ nói, một thứ gió thổi tới và tất cả đều ngã rạp – rạp xuống và không đứng dậy nổi. Các người khác thì kể về những kỵ sĩ áo đen đã đi qua trong đêm; và nơi nào bọn chúng đi qua, một nửa số người ta đã không thức dậy vào buổi sáng nữa, và sáng hôm sau - nửa còn lại cũng nằm luôn. Chỉ những người không ở nhà vào đêm hôm ấy, hoặc những người cầu nguyện bên dưới cây thánh giá là không bị hề hấn bởi thiên tai này; nhưng, cũng bởi đó mà họ phải chăm sóc những người bệnh và lo cho gia súc.

Ngôi làng của chúng tôi thuở đó lớn hơn bây giờ rất nhiều. Họ nói rằng trời mưa suốt ngày, làm quang đãng ở phía tây một chút, và rồi từ đỉnh đồi kéo đến những đàn quạ đen, đậu kín tất cả cây cối và mái nhà. Chó kêu la ở cửa đòi vào bên trong. Ngay cả đàn ông cũng rùng mình vì tiếng quạ kêu. Trời tối sớm hơn bình thường rất nhiều. Sáng hôm sau, lũ quạ đã bay đi, nhưng người ta bắt đầu rơi rụng như lá. Chỉ có Ignacas nhà Darvydas là còn ổn. Ngày hôm trước, anh ta đã đi ép hạt cây gai lấy dầu.

Trở về sau lúc tờ mờ sáng, anh thấy gia đình mình đều bị bệnh dịch. Tất cả những người hàng xóm của anh cũng vậy. Một hai người còn đi lại quanh quẩn ngày hôm đó, nhưng đến ngày thứ ba thì chỉ còn lại một mình anh còn mạnh. Họ nói rằng anh là một người đàn ông vạm vỡ. Ngày nay, kiểu người như anh không còn có nữa – ai cũng đã được đưa tới một cuộc sống dễ dãi. Bây giờ thì cũng vậy. Tuy nhiên, vào thời đó, họ phải làm việc vất vả; và đó là lý do tại sao họ lớn lên mạnh cui như những cây sồi. Mưa cũng không, lạnh cũng không, trở ngại cũng không làm họ sợ hãi. Mọi thứ không làm Ignacas nhát sợ. Suốt ngày anh đi hết trang trại này đến trang trại khác. Anh chăm sóc gia súc, giúp đỡ người bệnh, và khiêng người chết ra khỏi nhà. Ông có thấy, ở đằng kia có cái gò đất gần giữa làng không? Trên cát ở đó, anh ta đào một cái hố và chất đống xác chết như chất những khúc cây. Những xác anh chất đống ban ngày anh đem chôn vào buổi tối, để lũ chó không tha đi ban đêm.

Một ngày, sau khi đã chôn cất những người chết hôm đó, anh không thể tin vào mắt mình: qua đồng cỏ, tiến đến một người đàn ông vác cây thập giá thật lớn. Ignacas, mặc dù mệt mỏi và kiệt sức, đã đến gặp ông ta và đề nghị giúp ông. Ignacas nghĩ rằng có lẽ người đó muốn dựng thập giá này lên trên mộ khi chết. Nhưng tuy người đàn ông trông mơ hồ như quen thuộc, nhưng lại là một người hoàn toàn xa lạ. Ignacas đề nghị giúp đỡ vác cây thập giá ít nhất là đến sân nhà anh. Anh nói: "Để tôi vắt sữa bò, và lấy cái gì đó cho ông ăn, rồi tôi sẽ thắng ngựa vào xe, hoặc làm gì đó. Ông không thể một mình kéo lê thứ nặng nề đó đi được chỗ nào đâu." Tới sân, anh đặt cây thập giá tựa vào căn nhà (ngoại tôi thường chỉ chỗ bức tường bị trầy xước gần cuối nhà), rồi để người đàn ông ngồi bên hông nhà, chạy đi vắt sữa bò. Sau đó, trong khi cho ông ăn bánh mì và sữa, anh hỏi: "Ông vác cây thập giá đó từ đâu đến vậy?" "Từ rất xa. Có thể nói là từ phía tận cùng trái đất," người lạ mỉm cười. "Và lúc nào cũng chỉ có một mình à? Đã có quá nhiều người chết nên không ai có thể giúp ông sao?" "Không, chỉ là mỗi người đều có việc khác phải làm." "Tôi có thể giúp ông được", Ignacas chân thành đề nghị, "nhưng ai sẽ chăm sóc người bệnh và chôn cất người chết đây? Và những con vật cũng phải được coi ngó nữa. Ý tôi là, chúng không thể để thả rông ra đồng. Nếu đường không xa, thì tôi có thể vác nó một lúc, cho đến lúc chập tối. Nếu xa, thì tôi sẽ cho lên ngựa. Rồi ông sẽ trả ngựa sau. Ông chẳng thể vác cái của nặng đó một mình”. Người đàn ông lại mỉm cười. Ông từ băng ghế đứng dậy cố vác thập giá lên và nói: "Bây giờ thì không xa nữa". Trông ông yếu ớt và mệt mỏi đến nỗi Ignacas bật dậy và kêu: "Chờ đã, tôi sẽ không để ông vác một mình đâu. Hãy giữ phần đuôi, còn tôi sẽ nâng phần cánh!"

Ignacas đỡ lấy cây thập giá, nâng đặt trên lưng và cảm nhận thấy như bàn chân của mình lún vào đất, vai của anh cong oằn như thể anh đã đặt cả thế giới đè lên. Nhưng anh nghiến răng và vững chân bước đi, dù run rẩy, dù loạng choạng. “Lạy Chúa, xin hãy giúp con,” anh thì thầm khe khẽ. "Chỉ cố cho khỏi té ngã, chỉ cố cho không tự giết mình. Không thì ngày mai ai đi lo liệu các việc đây?" 

Họ lê bước xuống đường và đi ra khỏi làng. Người lạ nói: "Thôi đủ rồi. Để tôi ở đây." "Vậy ông định tự mình vác đi sao?" Miệng Ignacas hỏi qua vai anh. "Ta đặt nó xuống đây nào. Tôi sẽ không mang đi xa hơn nữa. Đây sẽ là một chỗ tốt," người đàn ông lại mỉm cười. "Nếu ông muốn dựng nó ở đây, thì cứ nói cho rồi. Để tôi còn mang theo cái xẻng. Chúng ta sẽ không thể dựng nó lên nếu không có xẻng." "Đừng lo. Giờ thì anh về nhà đi. Anh cũng phải nghỉ ngơi chứ." "Vậy thì ta hãy cùng nhau đi cả. Nếu ông không chịu ngủ trên giường, thì có rất nhiều rơm ở trong lẫm. Tôi sẽ đưa cho ông thật nhiều chăn mền." Nhưng người đàn ông ngồi xuống trên thập tự giá, lấy tay chống cằm và ngước mắt nhìn Ignacas. "Cảm ơn lòng tốt của anh," ông nói, "nhưng tôi sẽ ở lại đây. Nơi người của Chúa tựa đầu thì ở đâu mà chẳng được? Và cũng cảm ơn anh, vì đã làm nhẹ gánh nặng cho tôi. Hãy đi đi, người bệnh, người chết, và thú vật đang chờ anh ở nhà, và tôi muốn ngồi một lúc để suy tư." Ignacas dợm bước ra đi, rồi quay lại nhìn người đàn ông đang chìm trong vẻ trầm mặc. Cuối cùng anh ta nói: "Xin nghe này, ông có lẽ ở quanh quẩn đâu đây. Gần như chắc là tôi đã gặp ông ở chỗ nào trước đây rồi." Người đàn ông lại ngước mắt lên nhìn và mỉm cười. "Có lẽ tôi không ở xa mà tới, thậm chí có thể ở gần đây hơn nữa. Nhưng bây giờ trời bắt đầu tối lắm rồi. Ngày mai đến đây, chúng ta sẽ nói chuyện thêm. Tôi sẽ đợi ở đây."

Ignacas muốn nói thêm điều gì đó. Nhưng anh không tìm được ra lời. Vì vậy, anh nhún vai và bỏ đi. Trong một phút, anh bắt đầu cảm thấy mệt mỏi chết đi được. Dường như mỗi bước đi đều là bước cuối cùng của đời anh. “Có lẽ bây giờ bệnh dịch cũng bắt được mình rồi,” anh nghĩ. "Nếu mình ngã xuống, sẽ không còn ai để đào huyệt cho mình." Nghĩ vậy, anh loạng choạng về nhà, ngã xuống một chiếc ghế dài và chỉ tỉnh dậy vào sáng hôm sau. 

Anh đứng dậy và vô cùng ngạc nhiên. Trong nhà anh tất cả mọi người đều lành bệnh. Cả làng đã khỏe mạnh trở lại. Người chết rồi thì vẫn là đã chết, nhưng những người chưa chết bước đi như thể họ chưa bao giờ bị bệnh. Họ làm việc quanh nhà, chăm sóc gia súc, chôn cất và để tang cho người chết. Nhưng tất cả đều vui mừng vì bệnh dịch đã ra đi đột ngột như lúc nó đến. Ignacas chạy tới giúp đỡ mọi người, và chỉ cho họ biết ai đã được chôn cất ở đâu. Chỉ khoảng giữa trưa anh mới sực nhớ đến người đàn ông lạ mặt. Nếu ông vẫn đợi như đã nói, chắc ông ấy đói. 

Ignacas đổ đầy sữa vào bình, lấy một ổ bánh mì lớn, leo lên gác xép, cắt một miếng thịt xông khói, và vội vã đi. Vừa ra khỏi làng anh giật mình dừng lại. Trước mặt anh là một cây thánh giá rất lớn. Dựng đứng thì trông còn lớn hơn cây mà anh đã vác ngày hôm trước. Ignacas thấy xấu hổ cả người. Rõ ràng, người đàn ông đó đã chờ đã đợi, cho đến khi tìm được một cái xẻng, ông ta đã tự mình dựng cây thánh giá lên, và bỏ đi, vì không có ma sống nào ở chung quanh. Nhìn ra cánh đồng với hy vọng có thể trông thấy người lạ, Ignacas đến gần cây thánh giá, ngước mắt lên và sững người: từ cây thánh giá đang nhìn chằm chằm vào anh, chính là người mà anh đã bỏ đi hôm qua lúc đang ngồi và nói rằng ông còn nhiều điều phải suy xét. Anh để rơi bình sữa và bánh mì khỏi tay; anh giở mũ ra và thậm chí không nhận thấy đầu gối mình bắt đầu uốn xuống để quỳ. "Lạy Chúa của con, Chúa Giêsu Kitô!" anh thì thầm, "Hôm qua, Chúa đã đến với con, ăn uống, và chúng ta trò chuyện, và con đã không nhận ra Chúa. Xin tha thứ cho con." 

"Hãy trỗi dậy", Chúa Kitô nói một cách nhỏ nhẹ và rất tự nhiên. "Bây giờ con nhận ra ta, đó là điều tốt. Hãy đi nói với mọi người những gì đã xảy ra ngày hôm qua. Mọi người hãy mang niềm vui, nỗi lo lắng, khó khăn, tội lỗi và hối cải đặt trên thánh giá này. Việc tốt sẽ nâng nó lên, và việc xấu sẽ đè nó lún xuống đất." Chúa Kitô im lặng, và ngay trước mắt của Ignacas, cả người biến thành một hình tượng tạc khắc bằng gỗ. 

Qua bao nhiêu năm, Chúa đã đứng cao vời, thậm chí đôi khi dường như Chúa còn bắt đầu cao thêm nữa. Thế rồi, Người bắt đầu lún xuống. Bây giờ ông có thể chính mình thấy là còn lại rất ít; và chúng ta cứ tiếp tục đè nặng mãi lên đầu Người. Không ai bảo tôi, nhưng trái tim già nua của tôi cảm thấy... chỉ cần khi chân Người chạm đất, Người sẽ vác cây thánh giá trên vai mà đi tìm một nơi khác. Chúng tôi sẽ mồ côi. Đúng vậy thôi, nhưng vẫn là mồ côi."

Nói xong, bà lão đứng dậy, với tay lên chỉnh lại vòng hoa, quỳ xuống hôn lên bàn chân bị đinh nhọn xuyên qua, rồi đi mất. 

Như thể bị mê hoặc, trong vài phút tôi nhìn vào khoảng cách mấy phân giữa bàn chân và đám cỏ nuôi cừu bên dưới, rồi đột nhiên một ý nghĩ ập đến với tôi - điều gì sẽ xảy ra nếu đây không phải là huyền thoại, mà là sự thật? Điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa đứng dậy, vác thập tự giá và bỏ đi, không phải để tìm một nơi khác, mà rời khỏi trái đất này? Và điều gì sẽ xảy ra, nếu khi ra đi Chúa lấy theo giới răn dạy phải yêu thương mọi người, điều mà chúng ta dù sau cả hai ngàn năm vẫn còn chưa quen chưa thuộc?

Tôi nhìn chung quanh. Giữa trưa, những cánh đồng, vườn tược và nhà cửa trong làng như chìm xuống trong hơi nóng. Không một đường nét nhỏ nhất trên khuôn mặt của Chúa Kitô chuyển động - đôi mắt của Người tĩnh lặng, chăm chú mãnh liệt nhìn vào cõi vĩnh hằng. Không ai sẵn sàng đưa ra một câu trả lời khác, ngoại trừ câu trả lời đau đớn đang vang vọng trong tôi.

Nguồn:lituanus.org