Sách- Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Lan Mary

                              

Sách ! Sách !

* Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay. (Vi Hiền Truyện)
* Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy. (Mann Horace)
* Lựa sách mà đọc cũng như lựa bạn mà chơi. Hãy coi chừng bạn giả. (Damiron)
* Sau một giờ đọc sách thì nỗi đau khổ nào của tôi cũng biến mất. (Montesquieu)
*Một căn phòng không có sách giống như một sách con người xác không có linh hồn. (Cicero)
* Vương Thù nói: Sách Kinh thì nuôi căn bản con người, sách Sử thì mở mang tài trí cho con người.
(Lê Quý Đôn)
* Việc đọc đối với tâm trí cũng như thể dục đối với cơ thể. (Joseph Addison)
* Trong cuốn sách ẩn chứa linh hồn suốt chiều dài quá khứ. (Thomas Carlyle)
* Chỉ trong sách con người mới biết đến sự thật, tình yêu và vẻ đẹp hoàn hảo. (Geoge Shaw)
…….
*Qua vài danh ngôn tiêu biểu trên, ta thấy sự quan trọng và cần thiết của Sách như thế nào ?
Sách là món ăn tinh thần, đem lại sự thoải mái, gây cảm hứng vui buồn giao cảm cùng người viết.
Sách chứa đựng những kiến thức trong nhiều lãnh vực, ghi lại di sản văn minh nhân loại.
Sách hay cũng như người bạn tốt, phải chọn lựa tuy ít mà giá trị lại nhiều.
Sách có nhiều loại từ Tự Điển, Tôn Giáo, Khoa Học, Kinh Tế, Lịch Sử, Văn Chương, Luật pháp…
Sách là một người thày tốt, nhưng cũng là một tên đầy tờ xảo quyệt.
Sách có khả năng đem lại những hữu ích hơn sách điện tử, vì không thể tẩy xóa, sửa chữa hay sao chép và giữ được nguyên vẹn nội dung những sách giá trị về lịch sử, văn học, tôn giáo, khoa học, giáo dục..
Người ta đúc kết đến năm 2010 đã có 130 triệu đề sách được xuất bản, nhưng đã lựa chọn được bao nhiêu sách hữu ích trong số đó ?
Nguồn gốc sách đã xuất hiện trước Công nguyên dưới dạng : đất sét, vỏ cây, da thú, giấy cói, thanh tre, khắc gỗ, kim loại.
Trong thời đại thông tin điện tử ngày nay, sách in giấy một số lớn được thay thế trên mạng điện tử (thường gọi là Ebook)- Tuy thế vẫn còn nhiều người sưu tầm mua sách hay quí hiếm trưng bày trên kệ sách để tham khảo, thư giãn như ‘Thú chơi sách’ của cụ Vương Hồng Sển.
Ngoài sách cụ Vương còn có những cuốn sách hướng dẫn ‘Thú chơi chữ’ :
-Chơi Chữ của Lãng Nhân
-Rong Chơi Miền Chữ Nghĩa : An Chi
-Thú Chơi Chữ : Lê Trung Hoa & Hồ Lê
-Tiếng Việt Giàu Đẹp : Lê Trung Hoa & Hồ Lê
…………

Trước năm 1975 tại Miền Nam có nhiều nhà Xuất bản sách tên tuổi như :
Khai Trí- Trình Bày- Nam Sơn- Diên Hồng- Xưa Nay- Lá Bối- An Tiêm- Văn Hóa ( Ngày Sách Thế Giới ) Á Châu.

Đọc sách không phải chỉ để thư giãn hay tìm hiểu điều mình chưa thông suốt, mà còn là một thú vui như chơi cây cảnh, thú cưng, chim cá cảnh, ngắm nhìn họa phẩm, điêu khắc…Vì thế tại các nước tiến bộ, từ thành thị đến thôn làng đều có thư viện, phòng đọc sách. Thư viện nổi tiếng Quốc Hội Hoa Kỳ chứa trên 100 triệu sách. Tổng Thống thứ 3 Hoa Kỳ Thomas Jefferson và cũng là người viết bản Tuyên Ngôn Độc lập, rất thích đọc sách nên ông có số lượng sách rất đồ sộ, sau này đã được Thư viện Quốc Hội mua lại.
Thư viện Vatican lại nổi tiếng về những sách tôn giáo, thần học, triết học. Đa số sách tịch thu được trong chiến tranh tặng lại thư viện với 75 ngàn bản viết tay, trong đó có bản Thánh Kinh lâu đời nhất.
Tổ chức UNESCO thực hiện Ngày Sách Thế Giới 23/4 để giới thiệu những tác phẩm đặc sắc các quốc gia.

Các loại sách đặc biệt thỉnh thoảng nói đến là :

Sách Trắng hay Bạch Thư là bản thông báo hay hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền về các lãnh vực như an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội…giúp dân chúng hiểu rõ hay giải quyết một vấn đề nào.

Sách Đỏ là danh mục các loài động vật và thực vật quí hiếm cần bảo tồn vì có thể bị tuyệt chủng.

Sách Đen là sách do Chính phủ hay Bộ ngoại giao công bố nhằm tố cáo trước dư luận quốc tế về tội ác hay hành động mờ ám của một quốc gia, một thế lực, một tổ chức.

Sách cấm tại Trung cộng nhà cầm quyền cấm người dân không được phổ biến loại sách họ gọi là phản động và đồi trụy và bắt dân đọc những sách tuyên truyền của đảng và ca tụng lãnh tụ. Những lại có phản ứng ngược, vì người dân không tin chính sử giả dối mà chỉ thích dã sử hay những giai thoại châm biến đảng và lãnh tụ

Sách Xích đúng là loại sách độc nhất vô nhị : Xưa trong các Thánh đường Công giáo hay Đền thờ Hồi giáo quyển Thánh Kinh và Kinh Coran luôn được xích lại khỏi bị đánh cắp, vì lúc đó sách rất hiếm các tín đồ không thể sở hữu.

Những sách nổi tiếng thật phong phú và đa dạng, xin giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu như :
-Thánh Kinh : Công giáo
-Kinh Torah : Do thái giáo
-Kinh Koran : Hồi giáo
-Đạo đức kinh : Lão Tử
-Tứ Thư Ngũ Kinh : Nho giáo
-Kinh Pháp Cú & Bát Chánh Đạo : Phật giáo
-Divina Commedia : Dante-Alighieri (Lm Đình Chẩn đã biên dịch trên VTCG và sẽ xuất bản Sách)
-Quo Vadis : Henryk Sienkiewicz -Ngư ông và biển cả : Ernest Hemingway -Chiến tranh và Hòa bình : Nicolayevich Tolstoy
-Ngàn lẻ một đêm : Antoine Galland
-Đỉnh gió hú : Emily Bronte
-Vô gia đình : Hector Malot
-Tâm hồn cao thượng : Edmond de Amicis
-Bác sĩ Zhivago : Boris Pasternah
-Bố già : Mario Puzo
-Tiếng vọng từ Chernobyl : S. Alexievich
-Trăm năm cô đơn : Gabriel Marquez
-1984 : George Orwell
-Romeo & Juliet và Kịch bản : Folger Shakespeare
-Những vụ kỳ án : Sherlock Holmes
-Về miền Đất Hứa (Exodus) : Leon Uris
-Truyện khoa học giả tưởng : Jules Verne
-Một số sách phản bác thuyết Tiến Hóa của Darwin như cuốn :
Darwin on Trial ( Darwin ra tòa ): Phillip Johnson
-Steinbeck in Vietnam- Dispatches from the War : John Steinbeck
-Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) : Nguyễn Du
-Bộ sách Dã sử VN của cư sĩ Trần Đại Sỹ.
- Bộ sách giá trị ‘Học Làm Ngươi’ của Nguyễn Hiến Lê.
-Tứ đại danh tác Trung Hoa :
+ Tam Quốc Chí- Thủy Hử- Tây Du Ký- Hồng Lâu Mộng
- Những tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng của Dan Brown ( Sách Xích )
- Walter Isaacson : Leonardo Da Vinci ( Tiểu sử rất phong phú về cuộc đời đa tài của Leonardo )
- Ngoài ra có một cuốn sách được xếp vào lại nguy hiểm nhất thế giới tuyên truyền cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do Thái, đem đến hậu quả là nhiều triều người do Thái chết một cách oan nghiệp : đó cuốn ’ Mein Kampf ’ của Adolf Hitler viết trong tù.
……………………….

Sách hay đã nhiều nhưng sách dở cũng lắm như sách đồi trụy khơi dậy dục vọng con người mà cần sự hướng dẫn của học đường và gia đình thanh thiếu niên. Còn có loại sách cấm vì tuyên truyền những lý thuyết vô nhân bản- Công giáo sách cấm hay ngụy thư không được phép đọc vì trái với luân lý và đức tin Kytô giáo.

Xin nối tiếp những danh ngôn về Sách góp thêm kinh nghiệm trong thú vui đọc sách hay :
*Sách mở ra trước mặt chúng ta những chân trời mới. ( M. Goocki )
*Không cần đốt sách để phá hủy một nền văn học, chỉ cần người ta ngưng đọc sách thôi ( Mahata Gandi)
*Đọc sách chính là hộ chiếu cho vô số cuộc phiêu lưu. ( Mary Osborne )
*Trong nhiều sách ẩn chứa linh hồn của suốt triều đại quá khứ ( Thomas Carlyle )
*Không có người bạn nào trung thành như một cuốn sách. ( Ernest Hemingway )
*Một người không đọc sách, chẳng hơn gì người không biết đọc. ( Mark Twain )
*Sách là nguồn của cải quí báu thế giới, di sản xứng đáng cho các thế hệ quốc gia. (Henry Thoreau)
*Ở những nơi văn minh nhất, sách vẫn là nguồn khoái cảm nhất. ( R.W. Emerson )
*Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim, là hạt nhân của những thời đại đã qua , là lý do con người lao động và chết, là cốt lõi, là tinh hoa của bao cuộc đời. ( Marcus Cicero )
*Một người mê đọc sách, sống hàng nghìn cuộc đời trước khi anh ta chết đi-Một người không bao giờ đọc sách, chỉ sống duy nhất một cuộc đời. ( George Martin )
+ Nói người lại nghĩ đến ta. Cái tôi thật đáng ghét, nhưng trong đồng hội đồng thuyền ‘Mê Sách’ cũng xin được đóng góp đôi dòng.
Là con mọt sách, từ nhỏ ham mê sách Tuổi Hoa, tuổi thiếu niên bị quyến rũ theo những bộ Võ hiệp Kim Dung, truyện tình cảm Quỳnh Dao hay truyện 1 chữ ‘Yêu- Ghen-Loạn- Sống- Tiền…’ của Chu Tử, là những sách sôi động một thời.

Trưởng thành bước vào đời mưu sinh bằng nghề Godautre. Ngày Chủ nhật không đi dạy học, lên phố dạo chơi ghé nhà sách Khai Trí xem qua những đề tựa sách mới xuất bản, hay lang thang vỉa hè tìm sách báo cũ Văn Hóa Ngày Nay, Văn, Bách Khoa, Phổ Thông…những số còn thiếu cho đủ bộ để đóng thành tập bìa cứng in chữ nổi phía ngoài thật đẹp.

Đến tuổi vào lính theo ngành Báo Chí và Tâm Lý Chiến lại có duyên gần gũi sách báo nhiều hơn.
Phụ trách nguyệt san Bốn Phương Binh chủng, trước khi báo in tại Okinawa cùng với tờ Green Beret của Liên đoàn 5 Mũ nồi xanh Mỹ đóng tại VN, tạm thời in tại Sài gòn. Báo in xong vào Sài gòn tiếp nhận chuyển đi cho các đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt trú đóng tại 4 Vùng chiến thuật. Lúc này phong trào đọc truyện kiếm hiệp lên cao, các nhà xuất bản thi nhau in ấn làm giàu, chủ nhà in tặng nhiều bộ, khuân về đóng góp vào tủ sách Bộ chỉ huy.

Rồi mỗi lần về công tác Tâm Lý Chiến hay họp Văn Nghệ Sĩ Quân Đội lại gom được một số Sách mới xuất bản của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Nhưng rất tiếc, kệ sách đơn vị hao hụt dần vì nhiều huynh đệ yêu sách mượn đọc quên trả lại, khi tôi chuẩn bị đi học, sách chỉ còn vài cuốn nằm cô đơn trên kệ.

Khi tu nghiệp tại trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà- lạt, tôi rất ngưỡng mộ thư viện trường thật phong phú với hàng ngàn sách để nghiên cứu học tập. Nhân dịp tham gia thi đua thuyết trình giữa các khóa sinh, tôi chọn đề tài thời sự mà dư luận khi đó bàn tán về hai nhân vật lãnh giải Nobel Hòa bình năm 1973 là ‘Kissinger và Lê Đức Thọ’. Lên thư viện nhờ anh bạn- Bạch Thái Hà, cựu GS Anh Pháp- cùng khóa Sĩ quan Thủ Đức đang Quản thủ Thư viện tìm hộ tài liệu. Anh hướng dẫn đi dọc theo những kệ sách tìm kiếm, bỗng anh dừng lại cúi xuống kéo học tủ phía dưới ra, một mùi thơm thoang thoảng bay lên, anh hỏi tôi có đọc được sách Tàu không, tôi trả lời chỉ còn nhớ chút ít vì khi trước có học Cổ văn.
Theo anh đây là sách quí Trung Hoa Dân Quốc ( nay là Đài Loan ) tặng trường, thỉnh thoảng mới có khóa sinh gốc Hoa tìm đọc. Mùi thơm giấy sách hay mùi thơm lan thảo ép trong sách quí làm tôi nhớ đến 2 câu thơ mở đầu truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du :

-Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Vì mê sách tôi đã chọn nghề gần sách, dù không kiếm ra tiền bằng nghề, tuy nghèo mà ham nên thành nghiệp. Các bạn thân thường hỏi tôi sao chưa ra mắt sách ? Tôi cười trả lời vì những bài tôi viết mang nhiều chủ đề khác nhau nên khó tập chung thành tuyển tập, tôi viết lang thang trên mạng là đủ rồi…
Ngày nay, mỗi lần nghĩ đến những bộ sách tôi trân quí cố gắng giữ gìn như giả bảo, nhưng rất tiếc tất cả đã thất lạc đâu đó hay đã bị hỏa thiêu vùi lấp trong đống tro tàn ! Nhưng tôi vẫn còn giữ được một kỷ vật đặc biêt cao quí đã theo tôi suốt gần 10 năm gian khổ trong tù-dù phải khổ công che dấu, nhưng đem lại nhiều an ủi tinh thần- Đó là quyển Thánh Kinh tôi vẫn còn dùng để nghiên cứu, với dòng chữ ấn dấu kỷ niệm :’Ghi niệm Lễ xuất phát Tân Ước-Pleiku 18/10/70’
………………..

Để kết thúc bài viết lan man về Sách, xin trích trong tác phẩm Điển Cố của Phan Thế Roanh câu truyện
‘ Mê sách ‘ trong Bích Câu Kỳ Ngộ- Vì truyện hơi dài, thành thật tạ lỗi cùng tác giả Phan thế Roanh và dịch giả Phan Như Xuyên tóm tắt gọn lại để cân đối bài viết.

-Bích Câu Kỳ Ngộ : Lang Ngọc Trụ ‘ Mê Sách ‘
Đã là người trong sách là duyên,
Mấy thu hạt ngọc Lam Điền mới giâm.

Truyện kể rằng Lang Ngọc Trụ là một thư sinh ở Bình Thành.
Cha chàng là quan Thái thú thanh liêm, lương bổng đem mua sách xếp đầy nhà.
Đến đời Ngọc Trụ lại càng mê sách hơn, khi túng thiếu bán hết đồ đạc, nhưng sách cha để lại vẫn giữ nguyên. Lúc còn sống thân phụ có viết một bản ‘khuyến học’, chàng ngâm nga đọc lại và lấy vải lụa phủ kín, vì tin rằng trong sách thực có vàng và thóc.
Ngoài 20 vẫn chưa lấy vợ vì tin rằng trong sách ắt có mỹ nhân hiện ra.
Chàng ứng thi nhiều lần không đỗ vì phạm trường qui.
Một hôm đang đọc, gió thổi bay sách, chàng đuổi theo nhặt lại và sa chân tụt xuống hố, đào lên thấy có nhiều hạt thóc đã mục nát.
Năm 30 tuổi, mọi người khuyên chàng nên lấy vợ, nhưng chàng trả lời là trong sách có mỹ nhân khỏi phải lo.
Một hôm đã khuya, chàng đang ngồi đọc, thì thấy một mỹ nhân nhỏ bé nằm ép nơi trang sách, nhìn kỹ giống người thật lại có chữ Chức Nữ sau lưng, một lúc sau mỹ nhân cử động mỉm cười và từ từ bước xuống. Chàng vội hỏi :
-Ngài là vị thần tiên nào giáng thế ? Nàng từ tốn đáp lại :
-Thiếp họ Nhan tên Như Ngọc, biết chàng đã lâu và cũng được chàng để ý.
Ngọc Trụ vui mừng và kết nghĩa vợ chồng. Như Ngọc cho chàng hay sở dĩ thi không đậu vì chàng ham học quá. Nếu chàng không nghe lời khuyên, thiếp sẽ bỏ đi. Chàng yêu nàng, tuân theo lời, nhưng chỉ ít lâu sau lại miệt mài đọc sách.
Rồi tự nhiên nàng biến mất. Chàng quì xuống khẩn cầu, Như Ngọc lại hiện ra và nói :
-Nếu chàng không nghe lần này thiếp quyết chí đi luôn.
Nàng dạy chàng đánh cờ, đánh đàn để quên sách. Chàng miễn cưỡng theo, nhưng hễ nàng vắng mặt lại mở sách ra đọc mê man. Nàng bắt chàng trong 3 ngày phải giỏi đánh cờ, 5 ngày phải thuộc bài đàn, lại còn bắt chàng đi giao tiếp. Sau cùng Như Ngọc mới ngỏ bày tâm sự :
-Bây giờ chàng có thể đi cầu danh lợi được rồi !
Sống với nhau 2 năm vợ chồng có một đứa con trai, lúc này nàng bảo :
-Thiếp lấy chàng giờ đã có con, thiếp xin từ biệt, vì nếu còn lưu lại sẽ có hại cho chàng.
Chàng sụt sùi dưới chân nàng tỏ lời luyến tiếc :
-Xin nàng thương lấy con nhỏ !
Nàng cũng nguôi lòng rầu rĩ đáp lời :
-Nếu muốn thiếp ở lại thì phải đốt hết sách !
Chàng than thở rằng :
-Đó là sinh quán của nàng và sinh mạng của tôi, sao làm thế được !
Kể từ đó hai người lại sống với nhau như trước.
Nhưng không ai thấy mặt nên sinh nghi ngờ. Truyện đồn đến tai quan huyện, liền cho trát đòi hai vợ chồng tới, nhưng Như Ngọc biến mất. Quan tức giận sai đánh chàng gần chết cũng không chịu xưng.
Khi tra khảo đứa tớ gái, nó đã kể rõ cuộc gặp gỡ của hai người.
Quan cho là ma quái hiện hình, nên đích thân đến tận nhà khám xét chỉ thấy lù lù một đống sách, liền truyền đốt sạch. Một làn khói bốc lên kết tụ thành mây đen không tan.
Sau Ngọc Trụ được tha về vì có người minh oan hộ.
Năm sau chàng thi đậu Cử nhân, sau đó đậu Tiến sĩ.
Chàng lập bàn thờ Như Ngọc khẩn cầu phù hộ được bổ làm quan đất Mân để trả mối thù tên huyện Sử Cống đã làm gia đình chàng tan nát chia ly.
Quả nhiên ít lâu sau chàng được cử đi thanh tra đất Mân và đã tìm ra nhiều ác nghiệp của Sử Cống, nên tên này bị tịch thu toàn bộ gia sản…

*Giờ tuổi đời bóng xế, thấy nhiều đoàn thể sinh hoạt đủ sắc màu, trăm hoa đua nở, nhiều buổi ra mắt sách thân mật ý nghĩa của những tác giả tên tuổi và một số cây viết trẻ đầy triển vọng. Những buổi ra mắt sách tại thủ đô người Việt tị nạn, làm tôi nhớ lại những đêm thơ nơi ‘phố núi gió lạnh tình nồng Pleiku’ do nhà thơ nhạc sĩ Kim Tuấn- trưởng ban văn nghệ C2/LLĐB- tổ chức tại quán Văn. Những đêm thơ tài tử luôn góp mặt của các chiến sĩ trú đóng tại phố núi hay lính chiến nơi các tiền đồn biên phòng heo hút nhân dịp về nghỉ phép… Ôi những người thơ tài tử vang bóng một thời nay phiêu bạt chốn nào ? 
 Đặc biệt, khi viết về sách lại thao thức nghĩ đến lớp trẻ kế thừa. Ta cần chú tâm hướng dẫn chúng dù đọc sách in hay sách trên máy điện tử phải tìm đọc Sách Hữu Ích, để giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên VN lưu lại, nhất là trong thời đại hiện nay đang chủ trương chính sách giáo dục ‘Thức tỉnh’- đổi mới con người . Nhắc bảo chúng rằng : “ Cần phải Thành nhân trước khi Thành Tài.”
Mùa đông cuộc đời, những tháng ngày còn lại tìm được thú vui tinh thần là đọc Sách.
Chúc những Vị yêu sách tìm thấy nguồn vui thanh quí trong nhiều Sách Hay.
Chúc những Vị chưa tìm được thú vui, hãy chọn Sách Hay là món ăn tinh thần bổ ích.

Mong thay !!!

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG