Những nẻo đường Mùa Chay của tuổi thơ-Tác giả: Xuân Cát O.P

VTCG
NHỮNG ĐƯỜNG MÙA CHAY CỦA TUỔI THƠ

Nếu nhắm mắt trong Mùa Chay thánh
Sẽ nhìn thấy con đường tuổi thơ
Những mùa ngắm ghim hồn đám trẻ
Cảm nhận tình Chúa quả vô bờ.

Mùa Chay thánh về song song với những hàng hoa xoan trắng xen cánh tím, những cây bưởi rộ hoa trắng muốt của tháng ba, gợi cho tôi nhớ về miền kí ức tuổi thơ đầy hồn nhiên, non nớt, bình dị, tựa lũ chim ríu rít dưới gốc cây buổi trưa bình yên của năm nào.

Hình minh hoạ

Nhắm mắt lại mà tưởng tượng, chợt thấy mình đứng giữa triền cỏ xanh mướt mát, với đám trẻ lâu la, tay cắp chặt cái liềm mới cắt chấu. Nhìn cong cong mà sắc lẹm, bao lần tôi vạc mất miếng da đen trùi trũi trên mu bàn tay. Mưa xuân phủ xuống khiến cỏ mọc rất nhanh. Thích nhất là được lăng xăng chạy trên đám cỏ tươi non ấy mà phá những màng nhện còn đẫm sương, nhìn những hạt sương trắng li ti còn ngủ gục trên bãi cỏ mà khoái chí lắm. Những tổ màng nhện nhỏ ấy mà lại có công dụng ghê. Mẹ bảo nếu bị lở miệng thì lấy những giọt sương ấy mà bôi vào khóe miệng rồi lia đi lia lại 9 lần, nhưng phải làm lúc tờ mờ sớm, chưa ai nhìn thấy.

Hết phá mạng nhện, tôi lại đi phá mấy dây trinh nữ đang cố gắng hớp dinh dưỡng mà trườn ra muôn hướng đường. Bàn chân trần chạm nhẹ cái, nó liền xấu hổ co rúm hết cả mình mẩy. Sau khi bàn chân đã dính đầy mùn cỏ mục và bê bết vết bùn, tôi mới nhớ đến cái giành đang nằm buồn thoi thóp chờ tôi cắt đầy cỏ về cho bò.

Cả lũ trẻ chúng tôi mải mê với những con đường như bờ đê lồng lộng cỏ. Cỏ nhiều nhưng không phải dễ kiếm chác, vì hoa xoan, lá xoan, nhành xoan đã quá mùa rơi đầy trên bãi cỏ. Mấy đứa đi trước vơ sạch hoa xoan, mấy đứa đi sau thì ra sức cắt, vì lẫn lá và hoa xoan, bò ăn vào sẽ bị đầy bụng. Mỗi đứa mỗi nhà, mỗi đứa mỗi giành, nhưng ngày nào cũng giúp nhau cắt cho đầy mới làm ca thứ hai: trốn tìm quanh nghĩa địa.

Hình ảnh cắt cỏ có nhau ấy thật đẹp, không tranh giành hơn thua, không vun vén cho riêng mình, nhưng dành dụm cho nhau những mớ cỏ ngon nhất.

Con đường có rặng cây xoan nối dài lên nghĩa địa ấy có tên là đường Đồng Ngỡn. Đường này linh thiêng lắm. Từ nhà tôi, bên này là xóm Đồng Ngỡn, nối đến tận nhà thờ, bên kia ngập tràn cỏ hoa dưới những mép bờ ruộng kẻ dọc kẻ ngang như ô cờ ăn quan, nối lên tận nghĩa địa. Con đường luôn nhộn nhịp với những cuộc rước sách. Từ rước đèn Trung Thu đến rước hoa tháng Năm, từ đám cưới đến đám tang tiễn người đã khuất, cả những cuộc rước nến của những ngày đầu tháng 11. Nói chung từ nhà thờ ra nghĩa địa, đến nhà tôi, rồi lên nhà thờ, như một vòng tròn. Đường đón nhận tất cả niềm vui, tiếng cười, nước mắt của bao thế hệ đã qua.

Đi qua những hàng cây nền nã sắc tím hoa xoan, chúng tôi luôn choáng ngợp với sắc trắng muốt, thơm nồng nàn sâu lắng của hoa bưởi. Chỉ vài gốc bưởi chua lè chua lét ở xung quanh nghĩa địa, hòa với màu sơn trắng của các ngôi mộ theo quy định giáo xứ, đã thấy cả bầu trời màu trắng như thiên đàng. Dân làng vẫn bảo nhau đây là nơi an nghỉ cuối cùng thì phải trang trí, dọn dẹp cho đẹp. Dù một màu trắng tinh, nhưng ai tới lần đầu cũng đều dễ choáng ngợp về thị giác. Bởi có chút gì đó thanh thanh, nhẹ nhàng, chứ không kiêu sa như sắc vàng ươm của hoa cúc, đỏ rực của hoa gạo.

Mở màn cho ca hai của chúng tôi là tụm năm tụm ba dưới những gốc cây, ngay cửa nghĩa địa, để… học giáo lý. Một năm với hai mùa khảo hạch giáo lý, đó là mùa Phục sinh và lễ các Thánh. Thế nên ngay những ngày đầu Mùa Chay này, chúng tôi đều phải bào mòn đũng quần và đầu gối bằng những buổi râm ran khảo kinh cho nhau. Cả cuốn giáo lý Giáo hội Công giáo nhỏ, sách kinh… chúng tôi đều học thuộc lòng trong sự vui vẻ, không ai coi đó là gánh nặng. Đứa nào cũng háo hức với phần thưởng phía trước là một cỗ tràng hạt và mấy cái kẹo bốn mùa.

Hương thơm thoang thoảng bình dị của hoa bưởi cũng góp phần cho những bộ não cùi bắp của chúng tôi mau thuộc hơn. Bưởi chua, lại là của chung nên chả ai cấm. Đám con trai thường phải leo lên hái hoa để chiều phái nữ. Chúng tôi thích thú lắm, kết vòng tròn, cài đầy lên mái tóc rối bù như cả ngày không chải, nên không cần kẹp tăm làm gì. Nhiều lúc hoa bưởi lại là kẻ thù trong trò chơi trốn tìm, khi đám con trai cứ mò theo hương bưởi mà tìm. Dù có đứa gan lắm, chui tuột vào ngôi mộ trống để trốn, chúng vẫn tìm ra. Đội nào thua thì phải lần hạt, mỗi đứa ôm một bia mộ, lần khi nào xong thì thôi. Đội thắng, có vẻ rảnh rang hơn, nhưng đôi khi chúng cũng đọc kinh theo cả đám.

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi lại í ới gọi nhau lên nhà thờ tham dự giờ ngắm và lần hạt. Lúc này đứa nào cũng chải đầu hẳn hoi và …đi dép, vì bình thường chúng tôi toàn đi chân đất, lết lê khắp cõi. Dù đi dép, vẫn không che được những vệt lem luốc đen cáu bẩn. Con nhà nông, không ai ngại ngần lội bùn, lên đồi, xuống ao. Khi chân bị nẻ, những nhựa bùn bám chặt vào đó, cọ kiểu gì cũng không ra. Dầu vậy, chúng tôi không hề hấn điều đó, đứa nào chả giống đứa nào, miễn là Chúa vui.

Ngồi nghe ngắm, chúng tôi có hiểu gì đâu, chỉ nghe i í í i ì, rồi hết ván là gõ mõ, kéo đàn nhị để rước người khác lên. Dù không hiểu mấy nhưng không bỏ bữa nào, trừ khi ốm. Thiếu một đứa, cả đám sẽ vào gọi bằng được, có khi phải ăn cơm vội vàng, rồi để bát ở đó, đi ngắm về rửa sau. Chúng tôi phải đi sớm mới có chỗ ngồi, giáo dân đông, nhà thờ lại nhỏ, ai đi ngắm hay đi lễ trễ thì phải ngồi ngoài.

Tan ngắm, cả đám rủ nhau đi lêu lổng cả trưa với những trò chơi dân gian. Chơi đã, cả lũ ngồi phệt ngay dưới đất mà ăn những hoa quả nhà trồng được một cách vui vẻ. Để có được những buổi trưa ấy, dĩ nhiên, tôi toàn trốn ngủ, trốn bố mẹ đi chơi.

Sau bao mùa hoa, bao mùa ngắm, bây giờ chúng tôi đã lớn cả. Có đứa “đỗ cụ”, đứa làm “bà sơ”, hay làm cha mẹ của những đứa con.

Mở mắt ra, chạm khung cảnh thực tại nơi miền Sơn Cước tôi đang ở, nhìn những bông hoa đào bạch, hoa bưởi, hoa sưa, hoa xoan màu trắng mà nhớ về những miền kí ức tuổi thơ đầy ngô nghê nhưng trong trắng. Tôi chợt khám phá những con đường Mùa Chay mà cả thuở ấu thơ chúng tôi đã tung tăng đi qua.

Con đường Đồng Ngỡn ấy đã in những bước chân hiệp nhất, chia sẻ những cọng rơm cọng cỏ chả có mấy giá trị gì.

Con đường lên nghĩa địa để đọc kinh, để tiễn đưa người đã khuất, để chơi thật thỏa thích trong lứa tuổi hồn nhiên ngây thơ.

Con đường đến nhà thờ để tham dự thánh lễ, đọc kinh, ngắm, học giáo lý…thật thân thương.

Con đường khảo kinh cho nhau thật ý nghĩa, như nhắc nhở tôi năng đọc Lời Chúa nhiều hơn trong Mùa Chay thánh này.

Con đường trốn bố mẹ đi chơi trưa, nhưng mà nhà ai có gì ngon đều đem khoe và chia chác cho nhau hết.

Và nhất là con đường tâm hồn luôn thật thà, dễ thương, dễ mến của cái tuổi dễ làm lành. Vừa đánh nhau khóc oang oác được chút lại bắt tay nhau làm lành, có khi miệng cười sằng sặc mà nước mắt hãy còn chưa kịp khô. Trẻ con là thế.

Nghĩ lại mà thấy tình yêu Chúa kỳ diệu lắm. Khi sống trong một giáo xứ có nền nếp lâu đời về kinh bổn, mọi người cũng được bầu khí đạo đức gìn giữ tâm hồn và sáng lên đức tin cùng lửa mến Chúa.

Mở mắt ra lần nữa, thấy mình đã nửa cuộc đời, đụng ngay câu lời Chúa: ‘Hãy nên như trẻ nhỏ và có tâm hồn như trẻ nhỏ’, mà xấu hổ quá chừng. Không biết từ khi nào trong tôi đã phai nhạt những con đường Mùa Chay của tuổi thơ ấy rồi.

Mùa Chay đã về thật rồi. Mùa Chay đã về giữa bạt ngàn loài hoa màu trắng, như muốn nhắc tôi giữ tâm hồn trong sạch, để trở về và sống đúng tâm tình người con với Cha của mình.

Nhắm mắt nhìn lại tuổi ấu xưa

Thấy lòng sốt mến viết sao vừa

Mở mắt hiện thực đong đấu tội

Mình hỡi… trở về! Dù nắng mưa…


Xuân Cát, OP