KỂ CHUYỆN “TUỒNG THƯƠNG KHÓ”
DIỄN Ở TRƯỜNG LA TINH SÀI GÒN NĂM XƯA
Lê Đình Bảng
(trích trong Bộ sách: ở thượng nguồn thi ca công giáo việt Nam/ miền thơ trong kinh nguyện trang 460 – 468; xb năm 2006)1.- Đáng lẽ bài viết nho nhỏ này đã đăng trên mặt báo vào mùa chay năm ngoái (2004)hoặc năm kia (2003), nhân kỷ niệm 160 năm Địa Phận Tây Đàng Trong (1844 – 2004), tiền thân của Tổng Giáo Phận Sài gòn – TP HCM: đồng thời đánh dấu nhà in Tân Định tròn 130 tuổi (1874 – 2004) và 140 năm Trường La-tinh Sài Gòn (1863 – 2003), tức Chủng viện Thánh Giuse ngày nay. Nhưng vì không tranh thủ kịp, đành phải chậm chân gác lại đến nay.
Tuy đã kinh qua một chặng đường lịch sử dài lâu, song tính thời sự về mặt đức tin văn hóa của những biến cố ấy vẫn luôn mới mẻ và sống động. Chúng khơi gợi rất nhiều suy nghĩ đối với người đương thời chúng ta về những thời điểm lịch sử không dễ quên lãng, về những địa chỉ có bề dày truyền thống văn hóa và về cả những khai mở rất sớm trên hành trình hội nhập văn hóa, thông qua việc giới thiệu Tin Mừng của Đức Kitô với đông đảo công chúng việt nam bằng nghệ thuật sân khấu tuồng kịch ở bước đầu thể nghiệm. Ở đây và lúc này, chúng tôi chỉ muốn khái quát về lai lịch ngọn nguồn, về tần suốt lưu diễn cùng thái độ khách quan nhưng rất mực trân trọng đồng cảm mà tác phẩm “TUỒNG THƯƠNG KHÓ” và tác giả - biên đạo – Cha GB. Nguyễn Bá Tòng (1868 – 1949) đã đón nhận, xứng đáng được tôn vinh như là một trong những sự kiện văn học đột phá ở thể loại kịch nói Việt Nam, mặc dù dụng ý ban đầu của người chấp bút chỉ nhằm mục đích thiêng liêng trong cõi nhà đạo với nhau thôi. Người và việc ấy cũng dẫn dìu lòng trí chúng ta – đặc biệt trong tâm tình sám hối bước vào Mùa Chay thánh này – liên tưởng, chợt nhớ lại cuốn phim đã lấy được nước mắt của bao nhiêu triệu khán thính giả những năm qua, “The Passion of the Christ”
2.- Vâng, hằng năm cứ vào Mùa Chay – Mùa Thương Khó, nhất là những ngày trong Tuần Thánh, mỗi xứ đạo nhà thờ - cùng với lễ lạy, kinh hạt, nghi thức theo lịch phụng vụ bằng tiếng La tinh – còn có rất nhiều hình thức sinh hoạt đạo đức dân gian được vận dụng sáng tạo, được cử hành theo bài bản, cung cách văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Tất cả những thích nghi ấy, như đã tích tụ lâu rồi, làm phong phú thêm đời sống đức tin của người công giáo Việt Nam. Ở phần lớn các giáo phận đồng bằng Bắc Bộ - có lẽ thấm nhuần sắc màu chộn rộn từ nền văn hóa hội hè Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha – đâu đâu cũng thấy Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giê-su (Ngắm đứng, ngắm rằng, Ngắm Nhân Tài), Ca vãn, Dâng Hạt, Kiệu Bắt, Đọc Đoạn Đóng Đanh, Tháo Đanh, Táng Xác, Than Mồ, Hôn Chân Chúa: Cũng có nơi bày ra việc diễn tuồng “Quân Dữ Lùng Bắt – Xử Án Chúa Giêsu” cảm động, sốt sắng lắm. Người ta bảo nhau nghỉ hết việc mùa màng, làm lụng, chợ búa, bán buôn để dốc lòng lo phần hồn trong tuần đại phúc. Nhìn cái quang cảnh Nam Phụ Lão Ấu dắt dìu và Gái Trai nô nức đổ về nhà tuồng xứ đạo, tôi có cảm tưởng dường như cả bên giáo bên lương đang nhất tề vào hội làng, chả có biên cương, rào cản phân biệt trong ngoài nào. Hệt như cái hôm thầy già xứ tôi dẫn chức dịch cùng bà con các họ giáo mang lễ vật ra cửa Đình, gọi là đóng góp chút thơm thảo để phụng cúng Thành Hoàng. Như thế có nghĩa là đề huề lương giáo, tốt đạo đẹp đời. Rõ ràng làng quê xứ đạo ta xưa đã định hình một lối sống nghĩa tình qua chu kỳ xôn xao lễ hội mùa vụ. Lãng mạn hơn một tí, ấy là buổi nông nhàn, đã thấy hoa xoan tim tím nở đầy cành. Đỗi đường mấp mô đất cát lá khô từ nhà mình đến cầu ao nhà thờ, nồng nàn một mùi hương chân chất thánh thiện . Còn ở Trung và Nam Bộ, với va chạm thật gần của văn chương học thuật Pháp, cung cách thể hiện đức tin lòng đạo xem ra có vẻ giản đơn, nhẹ nhàng, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, có nghiền ngẫm Bộ Sách Mục Lục và được sống thực tế chan hòa với các họ đạo cổ, mới ngộ ra mảng kinh văn , ca vãn mùa chay cũng thâm trầm, trọng thị đáo để.
Nếu ở Bắc Bộ, việc tái hiện cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu chỉ diễn ra ngẫu hứng theo liều lượng một xen cảnh trong không gian tự nhiên nơi xóm ngõ làng thôn thủ công, dân dã, thì ở Trung Nam Bộ, đặc biệt ở sài gòn – gia định, nó đã được biên tập – dàn dựng và diễn xuất như một kịch bản có chương hồi, phân cảnh, có đạo cụ, phục trang, có âm thanh ánh sáng, phông màn của một gánh hát – nhà tuồng trên một sân khấu tuồng kịch quy mô, với một ê kíp diễn viên khá hùng hậu, chuyên nghiệp. Không gì lạ, chỉ tính trong khoảng giao thời cũ mới (1888 – 1930), đã tập hợp hàng loạt những tuồng tích đạo gây được tiếng vang rộng lớn: Tuồng Joseph (1888) của nhóm Petrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản, Trương Minh Ký; Tuồng Thương Khó (1912) của GB, Nguyễn Bá Tòng; Tuồng Bảy Mối Tội Đầu (1922) của Dom. Hồ Ngọc Cẩn hoặc Tuồng Thánh Jeanne D’Arc (1929) của Jacques Lê Văn Đức….
3.- Theo ghi nhận của Tuần báo Nam Kỳ Địa Phận vào năm 1632 – 1633, đã xảy ra ôn dịch trầm trọng khắp trong ngoài làng Oberammergau, nước Đức. Cha sở hiệp cùng bà con khấn xin Chúa ra tay cứu chữa, với lời hứa sẽ trình diễn “Tuồng Thương Khó” để tạ ơn và Chúa đã nhận lời. Ngay năm sau (1634), vở tuồng ra mắt tại sân nhà thờ xứ. Tiếng lành đồn xa. Người khắp nơi tuốn đến xem, đông đến nỗi ban hành giáo phải tranh thủ dựng một nhà rạp – sàn diễn có sức chứa 5000 chỗ ngồi. Từ ấy đến tận năm 1934, nghĩa là xuyên suốt 300 năm, đến hẹn lại lên, sân khấu nhà thờ Oberammegau cứ đỏ đèn đón khách thập phương tựu về, vửa để thông công ơn phước Mùa Chay thánh, vừa được thưởng thức kịch tuồng. Từ một làng quê xa lắc xa lơ của xứ sở Bavaria, “Tuồng Thương Khó” theo bước chân truyền giáo không mệt mỏi của các thừa sai đi đến khắp nơi. Người ta đã chuyển dịch, biên tập, mô phỏng và diễn xuất “tuồng thương khó” bằng nhiều ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật đa dạng của các nước Âu Châu, và cuối cùng đã dừng lại, hội nhập vào sân khấu tuồng kịch của miền đạo xa lạ tận Viễn Đông này là Việt Nam.
Số là, năm 1911, Cha GB. Nguyễn Bá Tòng lúc ấy đang phụ trách ký lục (thư ký) Tòa Giám Mục Sài Gòn, khởi sự biên soạn “Tuồng Thương Khó”, dựa vào bản văn ngoại ngữ đã được trình diễn tại Oberammegau, Paris và Nancy, có tham khảo thêm từ “Sách gẫm Sự Thương Khó Chúa Giêsu”. Sau nhiều ngày tháng hoàn chỉnh, chọn người thủ vai diễn, nghiêm túc khổ công tập tành, dàn dựng và quảng cáo theo đúng quy cách kinh điển của sân khấu kịch Tây phương, “Tuồng Thương Khó” chính thức công diễn chào hàng tại trường La Tinh Sài Gòn, gồm 5 suốt vào mùa chay năm 1913, nhân kỷ niệm 50 năm (1863 – 1913) thành lập chiếc nôi giáo dục đào tạo linh mục Sài Gòn: Lúc ấy Đức Cha Lucien Mossard đang cai quản địa phận Tây Đàng Trong. Nhà đạo mình gọi dịp lễ hội trọng đại này là “Mầng Lễ Ngũ Tuần Nhà Trường La Tinh Sài Gòn”
Thế rồi, quen duyên bén mùi. “Tuồng Thương Khó” của Cha GB. Nguyễn Bá Tòng – y như ý nghĩa khẩu hiệu giám mục của ngài sau này (1933) “Hãy đâm rễ sâu trong dân ta chọn” – liên tiếp được nồng nhiệt đón nhận, cổ vũ. Có người nói vui, Nguyễn Bá Tòng thuở ấy là một Bossuet của Việt Nam. Hèn chi, ngài nổi tiếng khẩu khí hùng biện cả trong giảng thuyết, cả trong chốn kịch trường. “Tuồng Thương Khó” đắt Show đến nỗi được mời lưu diễn khắp trong Nam ngoài Bắc, dấy lên một phong trào tuồng kịch đạo sôi nổi hào hứng, ở từng cấp độ khác nhau. Phải chăng, đường dẫn vào đức tin không hẳn thuần túy phải là thần học cao siêu, là lý luận minh triết, là chiêm niệm thần bí, mạc khải. Mà bên cạnh đấy, vẫn mở ngỏ một mời gọi tâm tình, cảm thụ chân chân lý bằng văn hóa nghệ thuật? Phải chăng đấy cũng chính là khúc biến tấu dạo đầu cho những vận dụng ngày nay như hoạt cảnh, tiểu phẩm, vũ đạo, diễn nguyện vậy?!
Hành trình trên 300 năm, vượt qua biên giới các không gian, vẫn bền bỉ một sức hấp dẫn công chúng. Điều đó phản ánh “Tuồng Thương Khó” có giá trị lịch sử, giàu cảm xúc, bởi nó khắc họa thật sâu trong đáy thẳm tâm hồn chúng ta một hình tượng ưu việt và vô tiền khoáng hậu: Tình yêu và Khổ Thập Giá. Ngày nay, chúng ta có mơ hồ và lạnh nhạt với quá khứ lắm chăng?!
Sao không nghĩ rằng nguồn có sâu thì nước mới trong? Nên nhớ cho, “Tuồng Thương Khó” của GB Nguyễn Bá Tòng – cùng với tuồng “Thiên Chúa Giáng Sanh” còn gọi là (Sanh Nhựt) (Khuyết Danh) – là 2 trong 4 tác phẩm rất hiếm quý đã đi vào lịch sử kịch nói việt nam ở buổi hừng đông của văn học quốc ngữ. Và theo chỗ tôi biết, “Tuồng Thương Khó” của GB Nguyễn Bá Tòng, từ lâu đã được lưu giữ tại thư viện của Hội thừa sai Pari (M.E.P) trong ngăn “Théâtre – La Passion”, mang ký hiệu 560, như là một trong những di sản văn hóa để nghiên cứu, tham khảo. Viết đến đây, tôi trộm nghĩ, với tổng hợp mảng kinh sách Hán Nôm, với sự ra đời của chữ Quốc Ngữ, với sự nghiệp tiên phong về từ điển, với kỹ thuật in ấn – nhà xuất bản, với báo chí Quốc Ngữ và ca vãn tuồng kịch đạo, Công Giáo thực sự đã hiện diện, cộng sinh, tiếp biến và thăng hoa cùng với dòng chảy của văn hóa Việt Nam mấy trăm năm nay.
4.- Thử trở lại những đêm diễn ra mắt Mùa Chay năm 1913 tại trường La Tinh Sài Gòn và tại nhà thờ Tân Định sau đó (1924 – 1934 – 1942). Để hình dung ra cái không khí hào hứng, xởi lởi, ken cứng của bà con nhà đạo mình ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định này đã háo hức măn mòi với kịch như thế nào.
Trước hết là chuyện “tập ảnh – album” chụp những xem cảnh gây ấn tượng của vở tuồng: những vai diễn trung tâm, (chính diện và phản diện) để quảng cáo ở mặt tiền rạp cho công chúng coi: những cảnh sắc phông màn để minh họa làm nền cho sân khấu. Công đoạn thiết kế - trang trí – giới thiệu này, nhờ nét vẽ truyền thần tài hoa của hai nghệ sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Hào và Phaolô Hội Ký, càng thu hút đông đảo người xem đến với đêm diễn hơn. Là kẻ hậu sinh, chắc chắn chúng ta không thể có được cái cảm xúc sống động bồn chồn tại chỗ của những người thời đại ấy. Nhưng tôi dám quyết là ở cái khoảnh khắc chực chờ nôn nóng vào tuồng ấy của đám đông rồng rắn, chen lấn nhau xem cho đặng những tiết mục in trên tờ “Cuộc Lễ Chương Trình” – Programme” niêm yết ngay ở cổng chính trường La Tinh Sài Gòn, sân khấu sẽ không còn chỗ trống. Người ta cũng muốn tiếp cận, ít là qua hình ảnh “Các Ngôi Tuồng Thương Khó” – Acteurs de la Passion” của một nhà tuồng có tổ chức theo kiểu cách Tây phương. Đúng là một “théâtre” thứ thiệt với mấy chục vai diễn và kỹ thuật phụ trợ, hậu đài. Từ “ông cố bầu gánh” biên đạo GB Nguyễn Bá Tòng cho đến những người được tuyển chọn vào vai – trong điều-kiện-nhà-chung-thuần-nam-phi-nữ: Thầy Giacôbê Đức (Chúa Giê-su), Thầy Phaolô Hội (Đức Mẹ), Thầy Giacôbê Sính (Thánh Phêrô), Thầy Tư Phước (Philatô), Thầy Bảy Bé (Cai pha), Thầy Hai Cúc (Giu đa) ….. Chúa ôi, thế giới này là của riêng Ađam không thôi ư? Toàn các Thầy, quới chức, toàn cánh mày râu đàn ông con trai với nhau. Ấy thế mà, lạ lùng thay, “Tuồng Thương Khó” vẫn đắt như tôm tươi, vẫn ăn khách, vẫn hút hàng, đâu có thua kém thanh sắc của những ngôi sao sân khấu nổi đình nổi đám ngoài đời!
5.- Không phải tôi cường điệu, muốn nói chơi đâu. Dư luận và tiếng vang đối với thành công của “Tuồng Thương Khó” – theo tờ Nam kỳ Địa phận đã có các đồng nghiệp báo Tây báo Ta thời ấy nhiệt liệt cổ võ, ngợi khen quá trí. Để thêm phần rõ nét, xin độc giả cùng tôi đọc lại thật kỹ trích đoạn sau đây của Jacques Lê Văn Đức, một bỉnh bút tầm cỡ của tờ Nam Kỳ Địa Phận, trong bài viết “Bái biệt tuồng thương khó 1943”:
“Tôi có dịp xem “tuồng thương khó” nhiều lần, khi thì ở Nancy, khi ở Oberammergau, khi thì ở Paris trước tiền đường nhà thờ Notre Dame…. Tôi bình phẩm cách nào? Nếu những kẻ ấy (những vai diễn của ta) có qua biểu diễn tại sân khấu Vieux Colombier bên Tây thì họ cũng có hạng lắm ! Và chính nhiều Cha Missionnaries cũng nói với tôi như vậy. Tôi phải khen các vai tuồng, khen nhiệt tình, là khen tấm lòng hy sinh của họ: Hy sinh giấc ăn giấc ngủ, giờ rảnh rang, sức khỏe, yên vui gia đình, để hiệp nhau làm sáng danh Chúa, làm cho việc Công giáo tiến hành được bành trướng, hiệp nhau mà dâng cho công chúng một vài giờ tiêu khiển thanh sạch, hữu ích mà giúp việc phước thiện. Kìa coi Jacques Sính ở Bà Chiểu (Sắm vai thánh Phêrô) là hình ảnh sống của sự tận tình (L’image vivante du dévouement). Khi dứt cuộc diễn tuồng rồi, tội nghiệp Sính phải đau nhiều, vì trọn tháng lao cực. Đến nỗi Sính phải khạc ra máu. Mà không một tiếng than. Than Ôi! Chỉ có đất Gia Định mới sanh được một người anh hùng như thế. Còn Anthony Hoàng, bóng xuân đã xế ngang đầu mà đêm nào cũng như đêm nấy, đều đạp xe từ Chợ Đũi ra Tân Định để tập tuồng. Tội nghiệp cho thân già mà còn chưa toại vui được niềm trí sĩ. Còn Paul Lộc, nhà ở tận Lái Thiêu, công việc làm ăn bộn bề bạc muôn, thế mà đành bỏ phế, xuống ở riết tại Tân Định để cùng cực khổ với anh em. Còn nào Vi, Đức, Quý ở Thị Nghè; Nhơn ở Chợ Đũi, Hạnh ở Tân Quy; Nở, Trường, Kỳ ở Gia Định…… Có mấy ai biết được những sự cực khổ đắng cay vất vả của mấy người làm tuồng ? Từ vai lớn hơn hết, tới vai nhỏ hơn hết. Ngót mấy tháng trường, đường xa lặn lội, thức khuya mệt mỏi, xe cộ tốn hao. Lại khi về nhà còn bị vợ “tụng kinh sám hối” là khác nữa !”
Và để kết luận, xin đưa ra đại ý mấy nhận xét của giới báo chí thời ấy đánh giá “Tuồng Thương Khó” như sau: “Đêm hát lộng lạc huy hoàng, đã trả lại cho phong trào thiện kịch nét oanh liệt ngàn xưa: Thành tựu tinh thần, vì các nhà tai mắt đã đến chứng kiến đông đảo và đã nhiệt tình khen ngợi đoàn nghệ sĩ Công Giáo; thành tựu tài chính, vì hai bữa trước ngày hát, không còn một chỗ nào trống nữa; thành tựu trên sân khấu, vì các vai tuồng đã thủ vai của mình rất đúng điệu, xuất sắc, ghi một nét vẻ vang cho đời nghệ sĩ ”.
Lê Đình Bảng