Giáo Dục Trong Tục Ngữ Ca Dao - Tác giả: Phạm Hy Sơn

Anne de Jesu

 


Trong tục ngữ ca dao, chúng ta thấy có rất nhiều câu liên quan đến việc giáo dục người xưa để lại. Điều này chứng tỏ tổ tiên chúng ta rất ý thức về sự quan trọng của việc dạy dỗ con cháu.
 
Trước hết, có những lời nhắc nhở những bậc cha mẹ phải lo giáo dục con cái, nếu không chúng sẽ hư hỏng, hoài công sanh nở, nuôi dưỡng:
 
- Đẻ con chẳng dạy, chẳng răn,
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.
 
Và chỉ cho chúng ta biết phải dạy con trẻ từ lúc nào:
 
- Uốn cây từ thuở còn non,
Dạy con từ lúc con còn ngây thơ.
 
- Dạy con từ thuở còn thơ,
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.
 
Nếu không dạy con từ lúc còn bé, để đến khi chúng lớn khó mà dạy nổi:
 
- Bé không vin, cả gãy cành.
 
- Khi măng không uốn thì tre trổ vồng.
 
Về cách nuôi dạy con, chúng hư thì phải ngăn cấm, sửa phạt, chiều chuộng là làm hại chúng:
 
- Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi.
 
Về phần con cái, nếu không nghe lời dạy bảo của cha mẹ thì sẽ hư hỏng, đánh mất cả cuộc đời mình:
 
- Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.
 
- Dạy con con chẳng nghe lời,
Con nghe ông hểnh đi đời nhà con!
 
Người xưa còn dạy chúng ta cách sống, cách cư xử, không gian tham, rượu chè, cờ bạc...:
 
Về cách sống, luôn luôn giữ gìn tư cách, không vì nghèo đói mà phải luồn cúi, cầu cạnh người khác:
 
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
 
Không gian tham, lừa đảo:
 
- Tin nhau buôn bán cùng nhau,
Thiệt hơn, hơn thiệt trước sau như lời.
Hay gì lừa đảo kiếm lời,
Một nhà ăn uống tội trời riêng mang.
Theo chi những thói gian tham,
Phôi pha thực giả tìm đàng dối nhau.
Của phi nghĩa có giàu đâu,
Ở cho ngay thật giàu sau mới bền.
 
Qua kinh nghiệm sống của người xưa truyền lại và ngày nay chúng ta cũng thấy thì của cải do công sức của mình làm ra mới bền vững, còn do cờ bạc, gian lận, tham ô... mà có, phần lớn đến rồi lại đi:
 
- Của phù vân không chân hay chạy.
 
- Của làm ra để trên gác,
Của cờ bạc để ngoài sân,
Của phu ân để ngoài ngõ!
 
Nên muốn làn giàu thì phải cần kiệm, thức khuya, dậy sớm, không rượu chè, cờ bạc:
 
- Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa rượu chè.
 
- Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết cho chân vào cùm.
 
Phải tránh xa những kẻ hư hỏng vì "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng":
 
- Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn.
 
- Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng ta thời tránh xa.
 
Người xưa cũng dạy chúng ta phải cân nhắc từng lời ăn, tiếng nói:
 
- Trời sinh ra đã làm người,
Hay ăn, hay nói, hay cười, hay chơi.
Khi ăn thì phải lựa mùi,
Khi nói thì phải lựa lời chớ sai.
Cả vui chớ có vội cười,
Nơi không lễ phép chớ chơi làm gì.
 
Phải lo xa, lúc giàu nghĩ đến lúc nghèo, lúc no nghĩ đến lúc đói... đừng sống hoang phí, bừa bãi:
 
- Hay làm mà chẳng hay lo,
Làm chi cho lắm, làm cho nhọc mình.
 
- Làm người mà chẳng biết suy,
Đến khi nghĩ lại còn gì là thân.
 
Câu "Ăn có nhai, nói có nghĩ" hay "Chó khôn ba khoanh mới nằm, người khôn ba năm mới nói" thường được nhắc nhở để mọi người cân nhắc, suy xét trước khi quyết định công việc:
 
- Làm người suy tính, xét xa,
Cho tường ngọn gốc, cho ra vắn dài.
 
- Làm người phải đắn, phải đo,
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu.
 
Về cách xử thế, có những câu dạy chúng ta ăn ở sao cho hoà thuận, đừng làm mất lòng nhau:
 
- Lời nói không mất tiền mua,
Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
 
Trong cuộc sống, phải biết dung hòa, không nên bo bo ích kỷ hay kiêu căng khinh người vì tất cả mọi người trong xã hội đều lệ thuộc, nương tựa lẫn nhau (Có nông dân mới có gạo ăn; có thợ may, thợ dệt mới có quần áo mặc; có y tá, bác sĩ mới có người săn sóc, chữa bệnh...). Không ai có thể tự làm cho mình hết tất cả mọi việc:
 
- Ở cho phải phải, phân phân,
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
 
Người xưa còn dạy chúng ta với cha mẹ thì hiếu thảo, với những người giúp đỡ, làm ơn thì phải ơn đền, nghĩa trả không được bội bạc "Ăn cháo đá bát, Qua cầu rút ván." ....
 
Giáo dục thanh niên được người xưa rất chú trọng. Lúc còn bé nhỏ phải lo chăm học:
 
- Nhỏ còn thơ dại biết chi,
Lớn rồi đi học, học thì phải siêng.
Theo đòi cũng thể bút nghiên,
Thua em, kém chị cũng nên hổ mình.
 
- Ai ơi, chẳng chóng thì chầy,
Có công mài sắt, có ngày nên kim.
 
Khi lớn thì phải ra đời học hỏi, xông pha, tháo vát, không nên ru rú ở nhà, an nhàn hưởng thụ:
 
- Đi cho biết đó, biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
 
- Đã sinh ra kiếp đàn ông,
Đèo cao, núi thẳm, sông cùng quản chi.
 
- Phong lưu là cạm ở đời,
Hồng nhan là bả những người tài hoa.
Phải sống hào hùng, giúp đời, giúp nước, lập công danh, sự nghiệp:
 
- Nên ra tay kiếm, tay cờ,
Chẳng nên thì cũng chẳng nhờ cậy ai.
 
- Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông Đông tĩnh, lên đoài đoài tan.
 
Không nên sống cuộc đời tầm thường, chỉ lo tiền bạc, của cải, vì:
 
- Người đời muôn sự của chung,
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
 
Có vượt thắng gian nan, vất vả mới là anh hùng:
 
- Vô hoạn nạn, bất anh hùng
 
- Sá bao cá chậu, chim lồng,
Hễ người quân tử cố cùng mới nên.
 
Hãy kiên gan bền chí, kiên nhẫn chờ thời:
 
- Anh hùng như thể khúc lươn,
Khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài....
 
Chúng ta thường nói Việt Nam có hơn bốn ngàn năm văn hiến. Câu nói này có nghĩa là người Việt Nam hơn bốn ngàn năm trước không còn sống trong tình trạng man rợ, hoang dã mà đã trở nên một dân tộc có văn hóa, sống thuần hậu trong một xã hội được tổ chức qui củ.
 
Dân tộc chúng ta tiến hoá sớm như vậy là nhờ người trước biết dạy bảo người sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác, những kinh nghiệm về cuộc sống, cách sống, cách cư xử, cách làm việc... qua những lời nói được lưu truyền, tích tụ trong tục ngữ ca dao.
 
Phạm Hy Sơn