Thần Khúc- Địa Ngục là phần thứ nhất trong ba phần: Địa Ngục, Luyện Ngục và Thiên Đàng của đại thi hào Dante Alighieri (Đăng Thế An). Nhìn sơ đồ Thần Khúc, ta thấy mê cung Địa Ngục được vẽ như một cái phễu úp ngược. Người viết gọi đây là mê cung vì lối vào Địa Ngục có cửa luôn rộng mở, các tầng địa ngục được bày trí rõ ràng với những số vòng nhất định theo tầng và có nhiều âm hồn tìm đến nương ẩn đời đời. Qua chín tầng Địa Ngục, độc giả có thể chiêm ngắm tận mắt "dung nhan" của một ngôi sao nổi tiếng bị ném xuống Địa Ngục ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Ngôi sao mà trong mùa Chay thánh này Giáo hội thiết tha kêu gọi con cái mình hãy tránh xa, hầu thắng vượt cám dỗ như Chúa Giêsu năm xưa. Ngôi sao ấy có tên là đại quỷ vương Luxiphe.
Đọc Thần Khúc Địa Ngục trong Mùa Chay thánh, một đàng, tôi nhìn nhận thân phận mỏng dòn yếu đuối qua thực tại đại dịch Covid-19, một đàng thấy sức mạnh tham vọng tác oai tác quái không cân xứng của chiến tranh, khi Nga đem quân xâm lược Ukraina. Tựa như đường tiệm cận chả bao giờ có thể gặp nhau để biến đổi sự cám dỗ say mê quyền lực. Vì thế, người viết xin được chia sẻ chút cảm nhận về Thần Khúc Địa Ngục qua bản dịch của Đình Chẩn.
1. Thần Khúc là tác phẩm bất hủ, là nguyên liệu giá trị, được nhiều đầu bếp gia công chế biến bằng tất cả nguồn vốn của mình.
Theo lời trần tình của thi sĩ dịch giả Đình Chẩn: Thật không hề dễ dàng để tất cả chúng ta có thể tiếp cận và bước theo cuộc hành trình vĩ đại mà thi hào Đăng Thế An đã kinh qua từ đáy cùng Địa Ngục lên chóp đỉnh Thiên Đàng; càng không dễ cho chúng ta, những người Việt Nam, vừa cách xa thời gian, không gian, bối cảnh văn hoá của tác giả, có thể hiểu Thần Khúc. (Trích: Giớithiệu sơ đồ tổng quát kiệt tác Thần Khúc-Dante Alighieri). Vì thế người viết ngưỡng mộ mức độ phóng bút của dịch giả như một đầu bếp thượng thặng. Với nguyên liệu là "Ca Khúc Tuyệt Đỉnh" (ĐGH Phaolô VI) có giá trị từ bao thế kỷ, đã được nhiều nhóm đầu bếp nổi tiếng Việt Nam đem ra chế biến, nhưng số độc giả thưởng thức vẫn khan hiếm.
Dẫn vào bữa tiệc buffet của mê cung Địa Ngục rộng lớn, Cha Đình Chẩn vừa là đầu bếp kín ẩn đau đáu niềm khát vọng dịch bản Thần Khúc này từ lâu, vừa là Mc bậc thầy linh hoạt chỉ đường khi độc giả bước vào mỗi ca khúc mới. Nếu bữa tiệc buffet của khẩu vị là cảm nếm vị ngon của món ăn, thì bữa tiệc buffet của Thần Khúc Địa Ngục giúp chúng ta củng cố đức tin về số phận vĩnh cửu của mình, như những con người lịch sử mà Dante đã mô tả trong từng tầng địa ngục.
Mon men theo dấu chân thầy trò Dante trong thế giới bên kia, qua lăng kính bản dịch của Đình Chẩn, người viết trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Từ sợ hãi đến choáng ngợp, từ tò mò đến hứng thú, từ trầm tư đến cảm thức đức tin. Trong suốt thời gian đọc Thần Khúc, bản thân tôi sợ lắm, không dám đi ra ngoài vào ban đêm, khi nghĩ đến những dòng sông máu:
Chúng tôi theo hắn dẫn qua
Bờ sông sôi máu đỏ nhòa sục sôi.
Âm hồn chết bỏng kêu trời
Bao hồn ngập mắt, rụng rời chân tay.
(Ca khúc XII, 12)
Rồi đến lũ quỷ ôn, chỉ sợ nó nấp ở xó nào hay đang theo sau mình:
Lạnh lùng chân nó choài choài bước
Hãi hồn vòng xuống ngục sâu hơn
Cuồng phong phả mặt nhờn nhờn
Tai nghe bên phải thác gông réo gầm
Tiếng vang giội ầm ầm khủng khiếp
Cúi lại thấy vực ngợp chênh vênh
Càng sợ hơn thác nước gềnh
Vì chưng lửa đốt đổ rền khóc than.
Tôi run run co chân khép chặt
Càng run càng thấy khiếp ớn kinh
Vòng xoay xoay xoáy cực hình
Tứ phương ai oán, một mình trông xem.
(Ca Khúc XVII, 12)
Và còn nhiều, rất nhiều những hình ảnh kì quái khác. Mỗi ca khúc, các hình phạt đều được mô tả kỹ càng về đặc điểm đặc trưng của các âm hồn. Nhất là khi đọc đến rắn:
Tôi đang nhìn ba hồn chằm chằm mắt
Một tên liền bị rắn lục bổ nhào
Mãng xà tung chân quấn nanh cào
Hai chân giữa quắp trúng vào bụng kễnh.
Hai chân trước bẻ tay ra ềnh ệnh;
Nanh ngoạm má, giương mõm la rợn người;
Chân sau mãng xà vung thẳng kẹp hai đùi
Đuôi luồn xuyên háng lách chui khủng khiếp!
(Ca Khúc XXV, 6)
Đọc đến đây, bản thân tắt máy luôn, không dám đọc thêm câu nào nữa, chỉ sợ rắn nó cũng theo vào giấc mơ!
Bản thân thấy sợ, nhưng hôm sau tôi vẫn tò mò đọc tiếp. Thấy vừa hại não vừa hứng thú với vẻ huyền bí! Khi tác giả dùng sự phong phú của ngôn ngữ để lột tả rất thật về đời sau của con người, phản ánh cái nhìn chân thực của Đức tin Công giáo, chứ không phải để hoang mang lo sợ. Khi đối diện với Thần khúc này, bản thân tôi luôn thấy sự song trùng cảm xúc với các âm hồn nơi đây. Một đàng thấy hỉ hả với những hình phạt dành cho tên ác quỷ, những kẻ độc ác đã dùng tự do mà chối bỏ Thiên Chúa. Đàng khác, tôi thấy thương cảm những âm hồn cũng mang hình ảnh con người nhân sinh như chúng ta, nay bị khô héo, cùn mòn, rạc rã, não nề, tuyệt vọng, xoắn trong những gốc cây (ca khúc XIII). Từ cửa địa ngục đến ca khúc cuối cùng là ca khúc XXXIV của Ngục Diêm Vương đều có mặt tên quỷ vương lạnh lùng này, là nơi: Bước qua đây, Địa Ngục đày muôn thuở!/ Lao xuống đấy, âm ty chết đời đời! Nên bản thân luôn mong muốn từ giờ trở đi, đừng ai phải vào đó nữa.
2. Thần Khúc Địa Ngục có nhiều màu sắc nóng trong cái gam lạnh lẽo vĩnh cửu của số phận con người đã có tự do khi về thế giới bên kia.
Trong Thần Khúc Địa Ngục có sắc đỏ của máu, của lửa. Sắc đen của bóng tối, của bùn am trong cái gam lạnh lẽo của băng giá, hôi tanh, cô đơn, u uất, hãi hùng. Tất cả đều trần truồng trong đau khổ tuyệt vọng, như tội phạm bị tha hóa nhân phẩm, phơi bày nhân tính rỗng tuếch trước bàn dân thiên hạ. Đau khổ nhất là sự vắng bóng Thiên Chúa đời đời.
Trở về thực tại, từ đầu mùa Chay đến giờ, nhân loại, nhất là anh chị em đất nước Ukraine cũng phải chứng kiến màu đỏ của lửa từ bom đạn, màu đỏ của máu từ những người dân nhỏ bé đổ ra. Màu đen xám từ những phát súng phóng ra, từ khói vũ khí, từ những vết lem luốc của dòng nước mắt đã cạn khô. Một sa mạc đã mất đi lòng nhân nghĩa, đang hừng hực ước muốn ngạo nghễ bá chủ thế giới.
Nếu trong thế giới Địa Ngục không còn tương thân tương ái, thì không chừng thế giới này cũng đang phản ánh lại Thần Khúc Địa Ngục mà Dante mô tả. Ở đâu vắng bóng hòa bình sẽ dễ khơi nguồn mầm mống chiến tranh. Mà chiến tranh không hệ tại ở bom đạn vũ khí, nó ẩn chứa trong chính tâm hồn, khi những quả bom nghi kỵ, thành kiến...không được giải quyết giữa người với người.
Một thuật ngữ khá quen với những người bị di chứng hậu Covid là tình trạng "sương mù não". Chứng này làm giảm trí nhớ, khó chú ý, khó tập trung. Người viết mượn thuật ngữ này để nói về chứng "sương mù não" trong tâm hồn. Có những lớp sương kiêu căng, tự ái, độc ác, bá chủ, ngạo mạn...bít kín bộ não tâm hồn bao người một cách dày đặc. Nên mùa Chay này là cơ hội rất tốt để cầu nguyện, khử trừ những quả bom đang ở trong trái tim chúng ta, bóc đi lớp sương mù đang quánh đặc như hắc ín trong tâm hồn.
Đọc Thần Khúc Địa Ngục trong mùa Chay này thật trùng khớp khi thời tiết đang giao mùa. Một bầu trời luôn u ám mang theo gió nồm ẩm ướt, nhớp nháp, hâm hẩm, khó chịu. Nhưng chúng ta không bi ai vào bức tranh xám đặc của Địa Ngục, cho bằng vững vàng tin tưởng vào lòng nhân từ Thương xót của Chúa.
3. Giá trị ẩn sau bức tranh đen ngòm của Thần Khúc Địa Ngục
Một lần nữa người viết nhận thấy dịch giả Đình Chẩn rất có sáng tạo trong việc nêm nếm món ăn ấy bằng gia vị của người Việt nói chung, của niềm tin Công Giáo nói riêng. Món sườn Cotlet không phải cứ nấu đúng công thức đều sẽ ngon cho mọi vùng miền. Cũng vậy, Thần khúc Địa Ngục nếu không có tầm kiến thức sâu rộng về thần học, triết học... Không có tình yêu của một mục tử, không có tâm hồn thanh tao của thi sĩ... thì khó mà gọt giũa được áng thơ trác tuyệt, phong phú như vậy.
Đọc Thần Khúc Địa Ngục, bạn thấy sợ đúng không? Nhưng nỗi sợ ấy không giống bộ phim kinh dị, mà nhiều người tỏ thái độ kính nhi viễn chi trước bí ẩn của tác phẩm. Không giống "Thiên thần và ác quỷ", đầy rùng rợn cùng ly kỳ bí ẩn của Dan Brown, ca ngợi sự uyên bác và khả năng siêu hạng của tác giả. Thần Khúc Địa Ngục giúp chúng ta trước hết nhìn nhận con người mỏng giòn, nhỏ bé, bất lực...như những cái chết rất nhanh trong đại dịch Covid, như bụi tro tàn chúng ta xức thứ tư đầu mùa Chay. Thứ đến, giúp chúng ta củng cố niềm tin về sự sống đời sau, ngay thực tại cuộc sống này.
Sợ mà không sợ. Sợ mà tin một cách mù quáng. Nói về thế giới ma quỷ: quỷ ôn, quỷ cáo cộ, quỷ sứ, quỷ ma cô...thì ai cũng sợ. Bản thân tôi được biết những người theo đạo Mo Then của dân tộc Nùng, Tày, họ hay sợ ma về quấy rối lắm. Một đứa trẻ làm đổ bát hương cũng phải mời thầy Mo về làm lễ, nếu không ma quỷ sẽ về nhiễu cả làng. Còn chúng ta sợ mà không sợ, vì có Thiên Chúa là chủ trên mọi loài, có chăng thì sợ chính bản thân không vượt qua được mánh khóe của ma quỷ.
Nếu thưởng thức các món ăn của các dịch giả trong nước, chúng ta sẽ trầm trồ về một kiệt tác bất hủ mà người Ý không giấu nổi thái độ tự hào. Còn nếu thưởng thức món ăn của người đồng đạo bày ra, chúng ta sẽ cảm nhận được những mầu nhiệm đức tin mà cha ông hun đúc từ bao đời.
Dẫu sao thì Thần Khúc Địa Ngục sẽ vẫn khó hiểu nếu không có chìa khóa, không có sự nghiền ngẫm. Như vậy mới thấy được giá trị của Thần Khúc, khi dùng ngôn ngữ người trần để diễn tả những điều chưa ai nhìn thấy.
Người viết mong có nhiều người say mê đọc Thần Khúc. Vì đây là Thần Khúc nổi tiếng mang đậm chất Công giáo, là thi phẩm được coi như "Kinh Thánh" thời Trung Cổ, là bản dịch đầu tiên do người "nhà mình", người cùng niềm tin viết ra. Hy vọng giữa thời buổi bóng tối của chiến tranh, của đại dịch, của tham sân si và ánh sáng của đức tin Công giáo đang cò kè, chiếm thế lẫn nhau, thì: "Hình bóng của Dante, nhà tiên tri của hy vọng và nhân chứng của khát vọng hạnh phúc cho con người, vẫn có thể cho chúng ta những lời nói và tấm gương tạo động lực cho cuộc hành trình của chúng ta" (Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp giỗ 700 năm thi hào Dante Alighieri)
Cuối cùng, 34 ca khúc Địa Ngục không hẳn nằm ở những con người lịch sử hay ở sâu lòng đất. Mà nó ở ngay nội tâm mỗi con người chúng ta, có khi chúng ta đang bị hay tự giày vò ở tầng nào đó, có khi nhảy hết tầng này sang tầng khác mà chả sao ra ngoài được. Chúng ta hãy đọc để kiểm điểm con người. Mong kiệt tác này giúp ta củng cố đức tin, vững niềm trông cậy, thêm lòng mến Chúa, để tiếp tục hành trình đi qua Thần khúc Luyện Ngục, và gặp nhau trên chóp đỉnh Thiên Đàng. Hai phần sau, dù chưa được tiếp cận, nhưng nghe đến tên gọi, lòng tôi đã thấy chứa chan niềm hi vọng, một tia sáng ở cuối đường hầm, cùng đích hạnh phúc đích thực cho mọi người thành tâm thiện chí.
【Mùa Chay 2022, Xuân Cát. OP】