Chia sẻ của một Tân tòng về Mùa Chay- Tác giả: Phạm Hải Triều

VTCG

 Tiếp theo bài chia sẻ của một Tân tòng nhân ngày lễ Tình Yêu, BBT xin gửi tới quí độc giả bài tiếp theo về Mùa Chay.

Thường thường sau Tết âm lịch ít ngày người Công giáo bước vào Mùa Chay.

Tạo hóa đã dựng nên trời đất với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Theo chu kỳ vòng quay của trái đất xung quanh mặt trời. Mỗi mùa một tiết mang đến cho con người những cảm nhận khác nhau. Mùa xuân ấm áp cho chúng ta cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa trái xanh tươi, mùa thu nắng nhạt lại cho chúng ta tiết trời mát mẻ, không có nóng rát như mùa hè và cũng không lạnh buốt với cành cây khô héo như mùa đông.Với Giáo hội Công giáo một năm cũng có các mùa: Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh và Mùa Thường niên theo lịch Công giáo. Mùa chay năm nay đúng vào những ngày mưa phùn gió bấc. Mấy cây xoan phía cuối ao nhà thờ đang độ ra hoa, đêm qua chắc bị cơn gió mùa mạnh bổ sung làm bao hoa rụng và bay sang tận sân nhà thờ.

Hoa xoan có màu tím, cánh nhỏ, không có mùi thơm nồng nàn như các loài hoa sữa, hoa nhài … Có lẽ vì thế hoa xoan rất ít xuất hiện trong thơ. Nàng chỉ nhớ câu: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” trong bài Mưa xuân của Nguyễn Bính? Nhưng hôm nay chồng Nàng đọc cho Nàng nghe câu:

Tôi yêu màu tím hoa xoan

Màu của sám hối lo toan phần hồn

Chàng bảo đó là câu thơ Chàng viết từ mùa chay năm trước, sau bao năm trở lại Thánh đường và nó rất phù hợp với nỗi niềm tâm trạng của Chàng, của các Kitô hữu khi mùa Thương khó về. Tuy không có cái tiết rõ ràng như mùa của tự nhiên, nhưng lại có đặc điểm và các Thánh lễ riêng biệt. Trong các mùa đó, Mùa Chay là mùa có nhiều nỗi niềm tâm sự với Nàng. Bởi đây là mùa tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Đức Kitô đã hy sinh để cứu chuộc loài người và kéo dài trong 40 ngày, từ thứ Tư Lễ Tro đến Lễ Phục Sinh. Trong Lễ Tro linh mục sẽ làm phép tro xức lên đầu các Kitô hữu. Tro ở đây là những cánh lá cây đã được làm phép trong ngày Lễ Lá của năm trước, được đốt lên để lấy tro cho lễ năm sau. Việc các tín hữu để cho Linh mục xức tro lên đầu là nhằm biểu lộ tinh thần người ta là tro bụi và sẽ trở về với tro bụi. Do vậy phải sám hối với sự khiêm nhường. Họ nhìn nhận thân phận cát bụi, phù vân hư ảo, chóng qua, chóng hết của kiếp con người, cũng như thân phận tội lỗi của mình …  Người được xức tro lên trán là nghĩ ngay đến ơn cứu chuộc của Chúa đã yêu thương nhân loại. Mùa Chay thường bắt đầu từ cuối tháng hai đến đầu tháng tư hằng năm.

Tại sao là Mùa Chay kéo dài 40 ngày mà không phải 60 ngày hoặc 90 ngày. Dạ thưa: 40 ngày là con số biểu trưng và gắn với nhiều sự kiện trong Kinh thánh:

Lần đầu tiên số 40 được nhắc đến trong sách Sáng thế “vì bảy ngày nữa ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng 40 ngày, bốn mươi đêm và ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất mọi loài ta đã làm ra” (St, 7,4).

Trong sách Dân số, chúng ta lại thấy con số 40, lần này là một loại hình phạt và sự đền tội đổ xuống trên dân thành Israel, vì không vâng lời Thiên Chúa. Họ đã phải lang thang trong sa mạc 40 năm để một thế hệ mới có thể kế thừa đất hứa.

Trong sách Giô - na, vị ngôn sứ loan báo cho thành Ninivê sẽ bị phá hủy.

Ngôn sứ Êlia trước khi gặp Thiên Chúa trên núi Khô rep đã du hành 40 ngày.

Và trước khi dấn thân vào sứ vụ công khai của mình “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã 40 ngày đêm”.

Các môn đệ được biến đổi trong khoảng thời gian 40 ngày ở với Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh.

Mùa Chay về các xứ đạo ta thấy bầu không khí ảm đạm, sầu bi, lòng mỗi giáo dân đều hướng về tưởng nhớ Chúa Giêsu, đang trong thời gian cầu nguyện trong rừng vắng để chuẩn bị cho những ngày khổ nạn. Do vậy, Mùa Chay còn được gọi là Mùa Thương khó. Khuôn viên trong nhà thờ đặc biệt trên gian Cung Thánh được phủ một màu tím. Màu tím là sự pha trộn của hai màu đỏ và xanh. Màu xanh chỉ về trời, màu đỏ chỉ về con người. Sự kết hợp này nhắc nhở mọi người đang ở Mùa Chay. Màu tím còn muốn diễn tả đời sống của của con người sẽ qua đi.

Ăn chay là một quan niệm ẩm thực của nhiều tôn giáo xưa nay. Phật giáo ăn chay chủ yếu là việc của các nhà tu hành. Bởi theo quan niệm nhà Phật, sát sinh là một trong các tội nặng nhất cần tránh. Vì con vật cũng như con người đều có sinh mạng, có cuộc đời riêng, bình đẳng với con người. Ăn chay để tránh sát sinh, tránh quả báo về sau. Ăn chay để cải thiện chính tâm giúp tâm thức bình an. Các món chay từ rau củ quả đều được chế biến rất khéo léo, hợp khẩu vị. Các nhà sư có thể ăn chay suốt đời, nhưng phật tử và những người tu tại gia chỉ ăn chay vào ngày Rằm và mùng Một âm lịch. Hiện nay, rất nhiều người ăn chay vì lý do sức khỏe, chứ chưa hẳn vì lòng từ bi đạo đức.

Mùa Chay các Kitô hữu cũng ăn chay vào thứ Sáu hằng tuần. Nhưng từ ngày được mang tên thánh Maria, Nàng dần nhận ra rằng:  người Công giáo giữ chay trước hết là nhằm nhắc nhở mọi người phải biết chế ngự, làm chủ các ham muốn xác thịt, ăn chay là để sám hối cầu nguyện và gia tăng tinh thần bác ái, giúp đỡ người nghèo khó.


Gia đình tác giả Phạm Hải Triều (đứng giữa), quê giáo xứ Đồng Chưa, giáo phận Phát Diệm; ảnh chụp tại giáo xứ Phùng Khoang-Hà Nội.

Theo luật của Giáo hội, trẻ em dưới 14 tuổi hoặc các cụ trên 60 tuổi không phải ép buộc ăn chay. Phụ nữ có thai, đang nuôi con bằng sữa mẹ, những người bệnh, sức khỏe ốm yếu hoặc những người nghèo vì đói đều được miễn trừ. Bữa chay của người Công giáo không được ăn thịt, uống rượu bia nhưng được ăn trứng và các thứ được chế biến từ sữa. Người giữ chay không được ăn sáng, bữa trưa được ăn no, bữa tối ăn vừa phải. Không được ăn vặt bất cứ lúc nào. Ấn tượng sâu sắc nhất của Mùa Chay mà Nàng có được, đấy là các giờ đi 14 đàng Thánh giá và những buổi ngắm đứng 15 sự thương khó của Đức Giêsu Kitô. Đàng Thánh giá là đường Chúa đi từ khi bị bắt và luận tội đến khi bị đóng đinh và chôn cất. Đàng Thánh giá cũng là biểu tượng con đường mà mỗi người chúng ta đã và đang đi trên mặt đất này. Nếu ai đã có dịp tham dự các buổi ngắm đứng của người Công giáo sẽ thấy đầy đủ tâm tư, tình cảm của người giáo dân với Đức Kitô. Bà con các xứ đạo trước mùa chay thường nhẩm câu ca nhắc lịch:

Tháng giêng ăn tết ở nhà

Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra mùa

Ngắm đứng là sự kết tụ đức tin, chuyển Kinh Thánh bằng nghệ thuật dân gian bản sắc văn hóa Việt Nam. Người lên ngắm thường có khăn xếp áo the, chân đi hài. Người được lên ngắm có đoàn rước từ cuối nhà thờ, dẫn đầu bởi một người cầm trống khẩu điểm là hai tiếng nhặt, một khoan, đi sau là bốn hoặc sáu người cùng hai bồi tế chia hai hàng cầm bát bảo. Khi đến bàn ngắm đặt ở vị trí gõ mõ để người ngắm bái quỳ cùng với đó là hồi chiêng trống, nhịp trắc nổi lên, người ngắm được người cầm trống khẩu gõ ba tiếng hai nhặt một khoan lần nữa. Ngắm xong, chiêng, trống, trắc gõ một hồi. Bồi tế gõ mõ, đoàn rước đi xuống, Giáo dân đọc ba kinh, chú giúp lễ tắt một ngọn nến ở vị trí kèo, chuẩn bị cho người ngắm tiếp theo. Có nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã nhận xét. Xem thi ngắm đứng như xem Hội đình làng, giống cuộc thi hát Ca Trù trong các phiên chầu tại đình làng ngày xưa.

Sau buổi thi ngắm, người đoạt giải sẽ được xướng danh và được thưởng tiền, gạo, bánh mang về cho các con cháu. Mới hay:

Đức tin soi sáng con người

Gửi vào Thiên Chúa những lời tri ân

Mùa Chay cũng là mùa sám hối, chờ đợi và hy vọng. Các bài kinh cũng như ca từ trong các bài hát đều thể hiện sự lo lắng, xót thương Đức Giê su Kitô.

Người Công giáo coi việc cầu nguyện là việc phải làm thường xuyên trong mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Bởi lẽ cầu nguyện sẽ giúp nội tâm ta bình an, trong lành. Cầu nguyện đem lại sự an ủi và sức mạnh khi phải đương đầu với thử thách, nhất là trong môi trường xã hội hiện nay, khi mà cái sống và cái chết rất mong manh và cũng đầy cám giỗ. Do vậy, cầu nguyện giúp cho chúng ta tìm được sự khôn ngoan của Chúa.

Trong Mùa Chay- sự cầu nguyện của mỗi Kitô hữu càng trở nên cấp thiết và quan trọng. Cầu nguyện là đến gặp gỡ Thiên Chúa, mở lòng lắng nghe và thưa chuyện thân mật với Chúa Ba ngôi. Bởi mỗi chúng ta không phải chờ một tháng, một năm mới phạm tội xét theo Mười điều răn của Chúa dạy, mà ngay từng giờ, từng ngày ai trong số chúng ta đều có tội có thể trọng hoặc nhẹ. Tội đó có thể trong tư tưởng, trong lời nói hoặc trong việc làm, rất cần được Chúa tha thứ.

Cầu nguyện là sự kết hợp với Chúa, để mỗi chúng ta duy trì nhân đức (Tin, Cậy, Mến), để bày tỏ chính mình, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với Chúa. Cầu nguyện là một động thái nghi lễ và sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong đời sống chúng ta.

Cầu nguyện, giúp ta kết hợp với Chúa - bày tỏ nhu cầu để xin người nâng đỡ.

Cầu nguyện, giúp ta duy trì nhân đức với Đức Ki tô, với tha nhân trong cộng đồng xung quanh ta dù người đó là ai.

Cầu nguyện, giúp mỗi chúng ta hãy sống khiêm nhường trong mọi hoàn cảnh và công việc.

Kinh thánh có câu: Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2:17). Điều đó để mỗi chúng ta thấy, tin đạo, theo đạo thì dễ nhưng sống đạo là vô cùng khó khăn. Chúng ta đến nhà thờ cầu nguyện nhưng lòng chúng ta vẫn mang nặng một sự hận thù, oán trách ai đó thì đâu đã đẹp lòng Chúa!

Tha thứ và hòa giải là những việc người Công giáo phải làm thường xuyên trong mọi lúc, mọi nơi. Sám hối thực lòng với Chúa, với cộng đồng không chỉ trong lời cầu nguyện.

Mùa Chay cũng là mùa mọi tín hữu tích cực làm việc bác ái, đặc biệt với những hoàn cảnh cô đơn, khó khăn, đau đớn trong bệnh tật. Hầu như xứ đạo nào cũng có tổ chức Caritat.

Vì vậy, chúng ta không hiếm gặp những con người lặng lẽ cầu nguyện và làm việc âm thầm theo lời dạy của Đức Kitô. Thứ nhất cho kẻ đói ăn, thứ 2 cho kẻ khát uống, thứ ba cho kẻ rách rưới mặc …

Có một điều mà Nàng cũng đã phát hiện ra việc thờ cùng tổ tiên mà lâu nay ta gọi là đạo hiếu của người Công giáo rất chu đáo từ lời nói trong Thánh kinh đến việc làm hằng ngày của các giáo dân. Ngay trong Mười điều răn của Thiên Chúa đã có điều răn thứ tư là điều răn Thảo kính cha mẹ. Trong Sách Xuất hành của Kinh Thánh cựu ước cũng có câu: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trân đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi”(xh 20,12).

Tác giả Sách Cách ngôn cũng viết “Này con giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ con đừng gạt bỏ, vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ” (Cn 1,8-9).

Có thể Nàng và nhiều người chỉ nhìn vào mâm cao cỗ đầy và hàng xấp vàng mã của tôn giáo bạn vào ngày giỗ chạp, mà cho rằng theo đạo Công giáo là bỏ đạo ông bà. Bàn thờ của người Công giáo cũng không to lớn và nhiều thứ bày biện lên đó. Ngoài bàn thờ Thiên Chúa, ban thờ của ông bà cũng rất khiêm tốn, ngày lễ, tết giỗ cũng chỉ có hương, hoa và một chút quả, không có mâm cơm, đĩa xôi, con gà…Kính nhớ tổ tiên ông bà, cha mẹ, là việc làm hằng ngày trong mỗi Thánh lễ. Ngoài ra người Công giáo dành riêng ngày mồng Hai Tết (Âm lịch) để kính nhớ tổ tiên trọng thể với tâm tình:

Con ơi nhớ lấy lời cha

Chớ quên cha mẹ, nhớ mà ghi tâm

Đèn soi trong chốn tối tăm

Ấy là chính những lời răn lệnh truyền

Nhớ cầu cho bậc tổ tiên

Khắc ghi công đức một miền tri ân

                                     (Cn 6 20-23)

Ngoài ra, người Công giáo còn dành cả tháng 11 cầu cho các linh hồn. Riêng ngày 2 tháng 11 dương lịch hằng năm được tổ chức Thánh lễ ngoài nghĩa trang (còn gọi là Vườn Thánh), con cháu sửa sang hương nến, bên mộ các cụ cùng cộng đồng thông công với ý nguyện

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi

Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.

                                         (T.V 62)

Các giáo hữu đều đinh ninh niềm xác tín rằng: sau khi chết, thể xác người ta sẽ sống lại nhờ ơn cứu chuộc của Chúa.

Từ nhận thức và niềm tin nó trên, Nàng luôn ý thức với các việc làm thờ kính cha mẹ ngay khi còn sống và sau khi đã qua đời. Ngày giỗ Nàng đến nhà thờ xin lễ cho các cụ và Nàng luôn nhắc con cháu nhớ làm những điều nhân đức. Nàng coi đó là sự báo hiếu là sự thực hành lời Chúa một cách tích cực nhất.

 

(Còn tiếp phần 3, Lễ Phục Sinh)