CẢM NHẬN BÀI THƠ CHUYỆN HOA XOAN MÙA THƯƠNG KHÓ CỦA NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH BẢNG
Chuyện kể rằng, có đôi lứa yêu nhau, giữa mùa Thương Khó. Khói lửa, chiến chinh mịt mù xứ đạo làng quê. Chút kỷ niệm chắt chiu từ những lễ lạy, kinh hạt, kiệu cờ đã là sợi dây thánh thiêng ràng rịt, giữ gìn “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” ấy. Mãi cho đến một hôm, đôi ngả, đôi đường. Chàng trở về, xót xa nghe Mẹ kể chuyện… hoa xoan mùa Thương Khó…(trích lời dẫn vào bài thơ Chuyện Hoa Xoan Mùa Thương Khó LĐB)
Những chuyện tình được lưu truyền trong dân gian như: Trương Chi, Mỵ Nương; Màu tím hoa sim của Hữu Loan; Chuyện tình Lan và Điệp của Nguyễn Công Hoan… đã trở thành những tình sử và được soạn thành những kịch bản công diễn, được các nhạc sỹ chắp cánh bay bổng và để lại trong lòng người hâm mộ những nỗi niềm thổn thức… Chuyện tình nhà đạo lại càng hiếm hoi. Những nhân vật yêu nhau luôn mang những ý tưởng thánh thiện. Chuyện tình của công chúa Mai Hoa thời vua Lê Thế Tông yêu giáo sỹ Pedro và ngỏ ý muốn kết nghĩa vợ chồng nhưng sau khi nghe Pedro giải thích ông là Linh mục Công giáo phải giữ luật độc thân, nàng đã không còn câu nệ mà hướng lòng mình lên một lý tưởng cao siêu hơn. Nàng đã trở thành một nữ tu… Câu chuyện của hai người là một thiên tình sử diễm lệ và độc đáo trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam nhưng không được mấy người biết đến…
Tôi bắt gặp một chuyện tình qua thi ca. Khi đọc “Chuyện Hoa Xoan Mùa Thương Khó” của Lê Đình Bảng, tôi xúc động thật sự. Câu chuyện lấy bối cảnh của một làng quê, xứ đạo miền Bắc, nơi có một truyền thống giữ đạo sống động. Tác giả phải là người lớn lên, được tắm gội trong dòng sông quê nhà và gắn bó với những ký ức không bao giờ phai nhạt, trong cái lạnh cuối Đông kéo dài ra Tết âm lịch. Thời khắc này cũng là thời gian khởi đầu Mùa Chay hay còn gọi là Mùa Thương Khó. Không gian của những làng quê Bắc Bộ nở đầy những hoa xoan tím. Những cây sầu đông dọc theo bờ sông nở hoa tím sẫm, rụng xuống ven sông. Những cây xoan mọc hai bên đường làng, hình ảnh của màu tím lãng mạn đã đi vào thi ca, ghi dấu một Mùa Chay Thánh. Tác giả đã so sánh loài hoa muộn mằn này như hình ảnh của tên trộm lành được phước ăn năn, đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi.
Em còn nhớ
từ Thứ Tư Lễ Tro, ra Tết?
và Giêng, Hai trong cái rét Nàng Bân?
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, muộn mằn
Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi
Khi tác giả viết những vần thơ này, ông đã vận dụng những ký ức luôn dào dạt sống động trong ông. Những dư âm của mùa Xuân còn đọng lại, những hình ảnh chim hót ngoài vườn, vàng hương xưa cũ đã là dĩ vãng, là hình ảnh của một mùa Xuân vừa đi qua. Những dư âm này được dừng lại với thái độ từ bỏ để trở về trong chay tịnh, khép lòng mình, thông phần trong Mùa Thương Khó. Những ký ức gắn liền nơi quê nhà chính là mùa hoa xoan tím thẫm. Chuyện tình của tác giả với nàng thôn nữ đầy hồn nhiên thánh thiện, cùng nhau tham dự các nghi lễ, những tập quán bốc nẻ, nghi lễ hôn chân giữa mùa Thương Khó, không gian quyện lẫn trong mùi hoa xoan phảng phất, sự e thẹn trinh nguyên của hai tâm hồn trong trắng.
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Chuyện tình của chàng thi sỹ và cô thôn nữ cũng như muôn ngàn chuyện tình khác. Cái thuở mà “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” đang bao phủ lên một giai đoạn dài của xã hội nhưng để lại những hình ảnh trinh nguyên và kỷ niệm đẹp trong đời. Chàng thi sỹ cũng đã thú nhận.
Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ? Chuyện chung lứa, chẳng chung đôi
Mới chớm quen nhau
đã nhuốm đầy nước mắt!
Trong hành trang của chàng tuổi trẻ xa nhà lên phố học tập mang theo ký ức của một vùng quê đồng nội, hình ảnh của cô thôn nữ nơi quê nhà sẽ gắn liền với những kỷ niệm thân thương. Những kỷ niệm sẽ trở thành vết cắt sâu vào tâm khảm của chàng trai, sẽ thành những áng thơ gắn liền với kỷ niệm mùa hoa xoan. Chàng thi sỹ kể lại câu chuyện của mình.
Tôi lên phố, đi học xa nhà…
Ai bắt trẻ đồng xanh?
để em tôi nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc
Người một phương
chả biết đến bao giờ?
Chuyện thật buồn…
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…
Chiến tranh! Chiến tranh đã gây ra bao thảm họa, biết bao nhiêu cảnh lầm than. Bom rơi, đạn lạc. Có một nhà văn đã nói: “Khi có một người chiến sỹ gục ngã thì có một trái tim của người mẹ tan nát”. Đất nước này cũng đã từng trải qua biết bao thảm cảnh của chiến tranh. Nên chiến tranh luôn bị lên án… Hình ảnh của nàng trinh nữ gục chết trước cửa nhà thờ là biểu tượng của thánh thiêng, bất khả xâm phạm mà chúng nó có từ đâu!
“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!
… Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Nỗi thảng thốt của mọi người, nỗi xót xa của hồn người trinh nữ đã dệt thành câu chuyện mang tính thần thoại.
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!
Tôi thảng thốt
được tin em quá muộn
Thời buổi binh đao, xa xôi, cách trở đi về
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt
Lại một tình sử đi vào huyền thoại, những dấu ấn không thể nào quên. Mùa Thương Khó quyện lẫn hương thơm thoang thoảng của hoa soan, những xác hoa tím thẫm ven đường, ven bờ sông như khóc thương cho một mối tình thánh thiện. Hình ảnh của con bướm trắng trinh nguyên như hồn người trinh nữ vẫn theo chàng thi sỹ suốt tháng năm dài.
Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Như hồn ma bóng quế, hư huyền
Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Nơi ký ức thiên đường, tôi đánh mất…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Các xứ đạo miền Bắc được hình thành trong miền Nam sau đợt di cư 1954. Những người di cư đã đem theo cả những phong tục tập quán và lễ nghi vào Nam như cố lưu giữ một truyền thống tốt đẹp và bảo tồn hình ảnh quê nhà. Nên dẫu có sống xa quê thì cái hồn quê vẫn còn hiện hữu… Chàng thi sỹ xa quê đã lâu nhưng vẫn hướng lòng về cố quận.
Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ:
kẻ, hoa thơm Chúa hái đầu ngày
Vốc nẻ năm xưa, ai còn giữ trong tay?
không đếm được, Vui, Thương, Mừng, em ạ
…
Trong tâm hồn mỗi thi nhân đều có những hình ảnh của giai nhân. Những chuyện tình như muôn ngàn chuyện tình nhưng được thi vị hóa để trở thành những áng thơ bất hủ, sẽ đi vào văn học. Trong văn học Công Giáo cũng không thiếu những yếu tố lãng mạn. Những tố chất này nói lên bản thể nhân tính của Giáo Hội. Trong thơ Lê Đình Bảng luôn đan xen những chuyện đời trong hồn đạo, những điển tích của Kinh Thánh, những lễ nghi truyền thống và những thi vị hóa đầy thánh thiện.
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Chuyện hoa xoan
mùa Thương Khó đã lâu…
Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu
Đuốc hoa bập bùng, gà khuya gáy sớm ?
… Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó
Tôi vẫn đợi,vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
Mùa hoa xoan gợi nhớ cho chúng ta một Mùa Thương Khó, 40 ngày đêm dìm mình trong thanh tịnh, hoán cải đời mình để đón nhận Hồng ân cứu rỗi. Màu tím của hoa xoan cũng chính là màu tím của phụng vụ, luôn nhắc nhớ chúng ta thân phận yếu hèn, bụi đất. Một áng thơ đưa ta về đồng nội, những kỷ niệm thân thương của những làng quê Bắc Bộ truyền thống. Một thái độ khiêm nhu trong phẩm giá làm người và thông phần sự đau khổ của Chúa Kytô.
Hoàng Công Nga
Khởi đầu Mùa Chay, 03/03/2022.
CHUYỆN HOA XOAN MÙA THƯƠNG KHÓ
Francis Assisi Lê Đình Bảng.
Em còn nhớ
từ Thứ Tư Lễ Tro, ra Tết?
và Giêng, Hai trong cái rét Nàng Bân?
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, muộn mằn
Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ,hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ? Chuyện chung lứa, chẳng chung đôi
Mới chớm quen nhau
đã nhuốm đầy nước mắt!
…..
Tôi lên phố, đi học xa nhà…
Ai bắt trẻ đồng xanh?
để em tôi nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc
Người một phương
chả biết đến bao giờ?
Chuyện thật buồn…
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…
“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!
… Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!
Tôi thảng thốt
được tin em quá muộn
Thời buổi binh đao, xa xôi, cách trở đi về
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt
Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Như hồn ma bóng quế, hư huyền
Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Nơi ký ức thiên đường, tôi đánh mất…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ:
kẻ, hoa thơm Chúa hái đầu ngày
Vốc nẻ năm xưa, ai còn giữ trong tay?
không đếm được, Vui, Thương, Mừng, em ạ
…
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Chuyện hoa xoan
mùa Thương Khó đã lâu…
Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu
Đuốc hoa bập bùng, gà khuya gáy sớm ?
… Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó
Tôi vẫn đợi,vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…