Đặc điểm vay mượn của lớp từ ngữ Công giáo tại Việt Nam- Tác giả: Lm. Giuse Vũ Văn Khương

Lan Mary

 

Từ ngữ Công giáo tại Việt Nam là một bộ phận của tiếng Việt, chảy chung dòng chảy lịch sử của tiếng Việt, nên mang những đặc điểm chung của tiếng nói dân tộc Việt mà đa phần đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, với tư cách là các biệt ngữ xã hội, lớp từ ngữ này cũng có những đặc điểm riêng cần tìm hiểu để góp thêm một nét vẽ cho bức tranh ngôn ngữ Việt Nam. Bài viết nghiên cứu các đặc điểm vay mượn của lớp từ ngữ Công giáo tại Việt Nam (qua khảo sát cứ liệu từ các bản kinh nguyện của một số giáo phận Công giáo tại miền Bắc Việt Nam) là một nỗ lực trong nguyện ước như thế.

CÁC ĐẶC ĐIỂM VAY MƯỢN
CỦA LỚP TỪ NGỮ CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
(Qua khảo sát các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tại Việt Nam)

Tóm tắt: Từ ngữ Công giáo tại Việt Nam là một bộ phận của tiếng Việt, chảy chung dòng chảy lịch sử của tiếng Việt, nên mang những đặc điểm chung của tiếng nói dân tộc Việt mà đa phần đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, với tư cách là các biệt ngữ xã hội, lớp từ ngữ này cũng có những đặc điểm riêng cần tìm hiểu để góp thêm một nét vẽ cho bức tranh ngôn ngữ Việt Nam. Bài viết nghiên cứu các đặc điểm vay mượn của lớp từ ngữ Công giáo tại Việt Nam (qua khảo sát cứ liệu từ các bản kinh nguyện của một số giáo phận Công giáo tại miền Bắc Việt Nam) là một nỗ lực trong nguyện ước như thế.

Chìa khóa: Ngôn ngữ học; ngôn ngữ và tôn giáo; ngôn ngữ Việt Nam; từ ngữ Công giáo; từ vựng Công giáo; từ ngữ vay mượn; cankê

Abstract: Catholic words in Viet Nam are a part of the Vietnamese. They are flowing in the history of Vietnamese, hence, it takes a few general features of Vietnamese that was studied almost all. However, as the social jargon, this class of words also has its own points to learn to add a stroke to the painting of the Vietnamese language. The article research the borrowing characteristics of Catholicism lexicology in Viet Nam (a survey of the prayer books of some Catholic dioceses in Northern Viet Nam) as an attempt in that aspiration.

Key words: Linguistics; language and religion; lexicology; Catholicism lexicology; borrowing; loan word; calque.
 
1. Đặt vấn đề

Đọc các công trình nghiên cứu nguồn gốc từ vay mượn trong tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy lớp từ ngữ chung thường xuất phát từ một số ngôn ngữ nguồn chính, như: Phạn, Hán, Pháp, Anh, Nga. Khi khảo sát lớp từ ngữ Công giáo, một bộ phận của tiếng Việt hiện đại, chúng tôi nhận ra thêm các nguồn khác nữa, như: Do Thái, Latinh, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…

Một điểm đáng chú ý là, trong khi kho từ vựng tiếng Việt chung, do yếu tố lịch sử, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ vựng Hán, nhất là đối với các từ Hán Việt, thì lớp từ ngữ Công giáo tiếng Việt dường như mang bản sắc khác: hầu như độc lập với từ vựng Công giáo Hán (sử dụng tại Trung Hoa). Có thể có những từ ngữ được cấu tạo bởi các thành tố Hán Việt, nhưng thường là không có mối quan hệ gì với các từ vựng mang nội dung tương đương trong tiếng Hán. Vì thế, bài viết không coi tiếng Hán là nguồn gốc vay mượn của những từ ngữ này. Nhận xét được rút ra qua khảo sát từ cứ liệu các bản kinh nguyện của một số giáo phận Công giáo miền Bắc có chung nguồn gốc và tập tục, thường gọi là giáo phận Dòng như: Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh và Lạng Sơn.

2. Lí do của việc vay mượn trong lớp từ ngữ Công giáo Việt Nam

Theo cuốn "Khâm Định Sử Việt Thông Giám Cương Mục", năm Nguyên Hoà (năm 1533) đời vua Lê Trang Tôn, Công giáo mới được đưa tới Việt Nam do một nhà truyền giáo tên là Inikhu [10, quyển XXXIII, tờ 6a và 6b]. Chính vì thế, trước mốc thời gian này, chắc chắn tại quê hương đất Việt chưa có các đơn vị từ vựng chuyển tải các khái niệm của Công giáo. Trong khi đó, nhu cầu truyền bá giáo nghĩa đòi buộc các nhà truyền giáo phải trình bày cho người dân bản địa các khái niệm tôn giáo của mình. Các khái niệm này là những cái đã sẵn có đối với những nhà truyền giáo, được các nhà truyền giáo học – hiểu trong ngôn ngữ của mình, nhưng lại là mới mẻ trong ngôn ngữ đích là tiếng Việt. Vì vậy, trước khi có thể sáng tạo ra từ ngữ mới hay vận dụng các từ tiếng Việt có sẵn để thêm khái niệm Công giáo bằng phương pháp chuyển nghĩa, các thừa sai (linh mục truyền đạo) phải đưa các khái niệm Công giáo bằng tiếng mẹ đẻ của mình vào tiếng Việt để trình bày cho người Việt theo lối giải thích.

Một lí do nữa của việc vay mượn xuất phát từ sự bó buộc khắt khe của giáo luật (luật Giáo Hội) không cho phép chuyển dịch hệ thống danh từ thần học cách tùy tiện. Mọi danh từ thần học và phụng vụ đều phải có sự quy chiếu mang tính luật định với hệ thống danh từ bằng tiếng Latinh được coi như là ngôn ngữ Giáo hội Công giáo.

3. Cách thức vay mượn của lớp từ ngữ Công giáo trong tiếng Việt

Khảo sát trên 1268 từ ngữ phản ảnh những khái niệm Công giáo ghi nhận được trong các sách kinh nguyện của các giáo phận đã nêu tên tại miền Bắc Việt Nam (chủ yếu được xuất bản từ năm 1953 đến 2010, trừ một số kinh xác định được niên đại ra đời từ rất sớm, từ thế kỷ XVII thời Alexandre de Rhodes, vị linh mục được coi là cha đẻ của chữ Quốc ngữ), chúng tôi nhận thấy lối tiếp nhận từ ngữ Ấn Âu chủ yếu theo các phương thức sau: Vay mượn cả âm và nghĩa; Chỉ vay mượn nghĩa.

1) Các từ ngữ vay mượn cả âm và nghĩa

Các từ ngữ chúng tôi xác định là kết quả vay mượn cả âm và nghĩa được chia làm hai loại khác nhau về mức độ phiên chuyển:

a. Loại giữ nguyên dạng

Số lượng từ ngữ dạng này chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ 1,34% trong lớp từ khảo sát và mang tính chất lâm thời do độ xuất hiện giảm dần trong các đợt xuất bản sách kinh. Cho đến cuốn sách kinh gần đây nhất (năm 2010) của giáo phận Hải Phòng, thì loại từ ngữ này chỉ còn giữ lại năm đơn vị là: Tantum Ergo (quả là vĩ đại; thường được dịch là “Ôi bí tích kì diệu"), Sancti: thánh, RIP: viết tắt của Requiesca in pace (Latinh): an nghỉ), INRI: viết tắt của Iesus Nazaremus Rex Iudacorum (tiếng La Tinh: Giêsu Nadarét, vua dân Do Thái), JHS: (1. Ba mẫu tự đầu kí hiệu tên Chúa Giêsu; 2. Viết tắt của Iesous Hagiator Soter (tiếng Hy Lạp: Giêsu, Đấng thánh hóa và cứu thế); 3. Viết tắt của Iesus Hominum Salvator (tiếng La Tinh: Giêsu, Đấng Cứu Thế); 4. Viết tắt của In Hoc Signo Vinces (tiếng La Tinh: Với dấu (Thánh giá) này ngươi sẽ thắng); 5. Viết tắt của In Hoc Salus (tiếng La Tinh: Nơi (Thánh giá) này là sự cứu rỗi);

Các trường hợp nguyên dạng khác được dùng trong các bản kinh trước đó thì sau này được chuyển sang lối phỏng âm, ví dụ: David (Đavít), Eva (Evà), Emmanuel (Emmanuen), Rosa (Rôsa), Rosario (Rôsariô), Kerubim (Kêrubim), Seraphim (Sêraphim); hoặc bằng cách dịch nghĩa, ví dụ: Anjo Thiên thần, Sứ thần), (Đức) Carita (Đức Mến), Manipulo (khăn lau tay), Stola (Dây các phép).

b. Loại phỏng âm

Phỏng âm là phương thức mượn từ vựng dựa trên âm đọc. Chúng tôi tránh sử dụng thuật ngữ phiên âm bởi một điều rõ ràng là cách mượn âm trong các từ ngữ vay mượn thường chỉ là phỏng theo âm đọc mà thôi chứ ít khi phiên âm một cách chính xác như phiên âm trong từ điển. Loại phỏng âm phân biệt với loại nguyên dạng nhờ vào bình dạng chữ viết. Loại giữ nguyên dạng viết bằng chữ viết của ngôn ngữ cho vay, còn loại phỏng âm viết bằng chữ viết của ngôn ngữ đi vay. Số từ ngữ phỏng âm chiếm xấp xỉ 7,01% số lượng biệt ngữ Công giáo trong các cứ liệu khảo sát, ví dụ: Abraham - Apraham; Hieronimus – Hiêrônimô; Manna – Manna, Deus – (Chúa) Dêu, Gethsémané - Giệtximani – (Vườn) Giệt...

2) Các từ ngữ chỉ vay mượn nghĩa

Vay mượn nghĩa hay dịch nghĩa là phương thức dịch từ ngữ. Cách làm này cho thấy chỉ có nội dung (ngữ nghĩa) là được vay mượn, còn toàn bộ hình thức bao gồm ngữ âm, chữ viết, hình thái cấu trúc là của ngôn ngữ đi vay. Truyền thống ngôn ngữ học gọi cách vay mượn này là canke ngữ nghĩa (calque) hay dịch (loan translation) [9, tr.56]. Trong tổng số biệt ngữ Công giáo được khảo sát, có 1021 từ ngữ được cấu tạo theo lối dịch nghĩa, chiếm xấp xỉ 80,52%. Trong đó có những từ ngữ có thể do trùng khớp ngẫu nhiên về cấu tạo ngữ pháp mà vẫn giữ được cấu trúc của từ ngữ gốc. Ví dụ: Actio (Hành vi, việc làm) pastoralis (chăm sóc, mục vụ) - Làm phúc, Annus (năm) liturgicus (phụng vụ) - Năm phụng vụ, Arca (hộp, tàu) Noe (tên ông Nôê) - Tàu Nôê, Catechismus (giáo lý) Ecclesiae (Giáo hội) Catholicae (Công giáo) - Giáo lý Hội thánh công giáo…

Có những từ ngữ đảo trật tự từ so với từ ngữ gốc để phù hợp với trật tự từ tiếng Việt. Ví dụ: Assumptio (lên trời) Mariae (Đức Mẹ Maria) – (Lễ) Đức Mẹ lên trời, Communio (hiệp thông) Sanctorum (Các thánh) - Các thánh thông công, Eucharitiae (Thánh Thể) cultus (nghi lễ) - Tôn thờ Thánh Thể, Exercitia (tập luyện, thao dượt) spiritualia (tinh thần) - Linh thao…

Có những từ ngữ, chỉ mượn một nét nghĩa tôn giáo để mở rộng nghĩa từ ngữ có sẵn trong tiếng Việt. Đây là hiện tượng mà Nguyễn Thiện Giáp gọi là sao phỏng ngữ nghĩa. Ví dụ:

STT 
Từ ngữ
La Tinh
Từ ngữ tiếng Việt
 
Nghĩa có sẵn
Nét nghĩa vay mượn
mang tính tôn giáo
1AgnusCon chiên, con cừu1. (viết hoa) Chúa Kitô
2. (viết thường) Người tín hữu
2AltareBàn thờBàn lễ
3AscensioLên trờiLễ Chúa Giêsu lên trời
4CalixCái ly, chénChén lễ
5ConciliumHội nghịCông đồng
6Ecclesia- Giáo Hội
- Nhà thờ
1. (viết hoa) Giáo Hội (Công giáo)
2. (viết thường) Nhà thờ (Công giáo)
7ElevatioNâng lênCử chỉ nâng bánh rượu trong Thánh lễ
8EpiscopusĐức thầy (Tước hiệu danh giá dành cho một số ông thày đặc biệt, hay những bậc quyền quý kể cả phụ nữ biết chữ)Chức cao nhất trong hàng giáo phẩm Công giáo, và chỉ dành cho nam giới; nay gọi là Giám Mục.
9FidesLòng tin, niềm tinĐức tin
10Fractio panisViệc bẻ bánhThánh lễ (lễ Bẻ bánh)
 
4. Nguồn gốc của lớp từ ngữ Công giáo vay mượn trong tiếng Việt

Về khái niệm "nguồn gốc", chúng tôi chia sẻ sự khó khăn khi tìm nguồn gốc của một từ ngữ vay mượn của tác giả cuốn sách Từ ngoại lai trong tiếng Việt rằng: Từ nguồn gốc ở đây chỉ được dùng theo nghĩa tương đối, tức là để tạm chỉ các từ ngữ được mượn trực tiếp từ một ngôn ngữ cụ thể có thể xác định được qua đối chiếu nội dung, âm đọc, cách sử dụng và thời gian du nhập. Bởi nếu truy nguyên về tận cùng nguồn gốc thì cả một vấn đề [9, tr.62-63]. Dựa vào việc đối chiếu từ vựng, cách phát âm và nhất là các thành quả nghiên cứu về từ nguyên học đi trước, chúng tôi nhận diện được các biệt ngữ Công giáo vay mượn đa phần có nguồn gốc từ các ngôn ngữ Hipri, Hy Lạp và Latinh nhưng vào tiếng Việt theo các ngả đường khác nhau, hoặc trực tiếp qua sách vở, hoặc gián tiếp qua một ngôn ngữ trung gian là tiếng Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha và tiếng Pháp là ngôn ngữ của các nhà truyền giáo.

1) Các từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hipri

Tiếng Hípri là phiên âm của từ Hebrew (עִבְרִית ʿIvrit), nay thường gọi là tiếng tiếng Do Thái, thuộc họ ngôn ngữ Phi-Á, là ngôn ngữ của Kinh Thánh Do Thái giáo và Kitô giáo.

Qua khảo sát lớp từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tại Việt Nam, chúng tôi ghi nhận và chứng mình được 65 từ ngữ có nguồn gốc Hipri, chiếm 5,12% tổng số biệt ngữ nghiên cứu. Những từ ngữ này được vay mượn theo hai cách thức là mượn cả âm và nghĩa hoặc chỉ mượn nghĩa. Ví dụ: ישוע (Yeshua: Thiên Chúa cứu) - (Đức) Giêsu, משל (Mashal: lời, câu chuyện ẩn dụ) - Dụ ngôn, טןש (Satan: kẻ tố cáo) – Satan, הַלְלוּ יָהּ (hal lû-yāh: Chúc tụng Đức Chúa) – Halêluia …

2) Các từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp

Vì các lí do di dân hoặc bị phát vãng lưu đày, dân tộc Do Thái bị chia tách thành hai cộng đồng: Do Thái trong nước và Do Thái hải ngoại. Do những áp lực Hy Lạp hóa từ thời Alexander Đại Đế (356 TCN –323 TCN), những người Do Thái hải ngoại đã hầu như chỉ biết đến tiếng Hy Lạp. Chính vì thế, vào khoảng thế kỷ III TCN, vua Plolemaeus II yêu cầu thượng tế Eleasar gửi 72 Hiền sĩ thuộc 12 chi tộc Do Thái (mỗi chi tộc 6 vị), từ Giêrusalem đến Alexandria, để dịch bộ Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp. Bản dịch này sau thường được gọi là Bản Bảy Mươi (kí hiệu chữa số La Mã là LXX). Bản LXX được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Do Thái nói tiếng Hy Lạp, và sau này trong cộng đồng Kitô giáo. Hơn thế nữa, phần Kinh Thánh Tân Ước sau này được viết hoàn toàn bằng tiếng Hy Lạp. Đây chính là những lí do khiến tiếng Hy Lạp trở thành một phần quan trọng trong hệ thống từ vựng Kitô giáo và Công giáo. Khảo sát trong 1268 biệt ngữ Công giáo tiếng Việt, chúng tôi chứng minh được 31 từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, chiếm tỉ lệ 2,44%. Ví dụ: Εσχατος (sự sau cùng) - Cánh chung, ευλογία (cầu mong Thiên Chúa ban điều tốt cho người khác) - Chúc lành, μάρτυς (người làm chứng cho Thiên Chúa) – Tử vì đạo, Καθολικός (chung, phổ quát) - Công giáo, κοιμοιτεριον (nơi yên giấc) – Vườn thánh (nghĩa trang Công giáo), Κοινωνία (tình anh em bằng hữu, sự chia sẻ, sự góp phần) - Hiệp thông…

3) Các từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latinh

Roland Jacques trong cuốn sách nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ với tên gọi “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học – cho đến năm 1650” viết: “Nghiên cứu sâu về chữ Quốc ngữ, không thể bỏ qua tiếng Latinh, ngôn ngữ dùng để soạn thảo hai văn bản cổ lớn nhất cho việc nghiên cứu ngữ âm Việt Nam ở thời kì đó, mà cũng là ngôn ngữ quy chiếu trong diễn từ ngôn ngữ học nói riêng.” [13, tr.59]. Nhận định này càng đúng khi tìm hiểu lớp từ vựng Công giáo tiếng Việt là một bộ phận của tiếng Việt và ghi bằng chữ Quốc ngữ. Khảo sát cứ liệu nghiên cứu, chúng tôi chứng minh được 1029 biệt ngữ Công giáo có nguồn gốc Latinh, chiếm 81,22%. Các biệt ngữ này được kho từ vựng Công giáo tiếng Việt mượn trực tiếp hoặc gián tiếp qua các trung gian Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Ví dụ: Imago Sancta - Ảnh tượng thánh, Contritio - Ăn năn tội, Character Sacramentalis - Ấn tích, Trinitas - Thiên Chúa Ba Ngôi, Secretum Sacramenti Reconciliationis - Bí mật tòa giải tội, Sacramentum - Bí tích …

4) Các ngôn ngữ Ấn Âu làm trung gian đã có những đóng góp tích cực vào việc vay mượn biệt ngữ Công giáo vào tiếng Việt

a. Tiếng Bồ Đào Nha

Dưới thời Lê Anh Tông (1556 - 1573), liên lạc buôn bán giữa người Bồ Đào Nha và người Việt Nam mỗi ngày một tiến triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các thừa sai người Bồ đi theo các thuyền buôn đến Việt Nam [6, tr.18-22]. Theo con số thống kê nhân sự truyền giáo tại Việt Nam của dòng Tên từ năm 1615 – 1788, có 145 tu sĩ thuộc 17 quốc tịch, trong đó có 74 người Bồ Đào Nha, 30 người Ý, 10 người Đức, 8 người Nhật, 5 người Pháp, 4 người Tây Ban Nha, 2 người Trung Hoa... Như thế người Bồ Đào Nha chiếm đa số. Hơn thế nữa, về tài liệu, sách vở Công giáo được viết trong thời kỳ này, ngoài bằng chữ Nôm thì đa phần bằng tiếng Latinh và tiếng Bồ Đào Nha. Tiếng Bồ Đào Nha cũng có uy thế rất lớn khi trở thành ngôn ngữ mạnh của người châu Âu giao dịch tại Việt Nam, bằng chứng là nhiều địa danh được gọi theo tiếng Bồ, như Cacham (Kẻ Chàm), Faifo (Hải Phố), Cochim-China hay Cochinechina (Đàng Trong), Tonkin hay Tonquim (Đông Kinh), Turaõ hay Turão, Turam (Đà Nẵng)....

Hầu hết các tên riêng trong hệ thống ngữ vựng Công giáo tại Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu, đều được đọc từ tiếng Bồ Đào Nha. Sau đây là vài ví dụ điển hình: Adão – Adong, Deus – Dêu, Paulo – Phaolô, Pedro – Phêrô, Fariseu – Pharisêu, Cristo – Kirixitô (Kitô), Eva – Êva, Limbo – Lâm bô, Rosario – Rôsariô, Jejum – Ăn giê giung ......

b. Tiếng Tây Ban Nha

Mặc dù theo sự phân chia của Đức Giáo Hoàng Alexandre VI năm 1493, lÁo Môn được lấy làm đường ranh giới từ bắc xuống nam cho hai cường quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha về thương mại và hỗ trợ các đoàn truyền giáo. Tuy vậy vẫn có các nhóm truyền giáo có cả người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm việc chung, nên có sự xuất hiện của các thừa sai của cả hai quốc gia này tại Việt Nam ngay từ giai đoạn khởi đầu [6, tr.25]. Đó là lí do tồn tại một số ít từ vựng Tây Ban Nha gốc Latinh cũng được phiên âm để sử dụng trong tiếng Việt song song với các từ ngữ đã được tiếp nhận trước từ một ngôn ngữ Ấn Âu khác, ví dụ: Israelíes – Iraeli (trong khi đó đã có Israel, Ixraen) , Herodes – Hêrôđê (trong khi đó đã Êrôđê, Erode)...

c. Tiếng Ý (Italia)

Theo con số thống kê nhân sự truyền giáo tại Việt Nam của dòng Tên từ năm 1615 – 1788 thì số thừa sai người Ý khá hùng hậu, chỉ đứng sau người Bồ với 30 linh mục, tu sĩ [6, tr.26]. Trong số này chúng ta đặc biệt chú ý đến những vị có các đóng góp cho chữ Quốc ngữ giai đoạn đầu, và có thể cả những đóng góp cho việc đưa từ vựng Ý vào tiếng Việt qua công việc nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật. Đó là Francesco Buzomi, Christoforo Borri, Hieronimo Majorica. Hoạt động tích cực của những người Ý còn được ghi dấu trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, đó là hệ thống kí hiệu phiên âm Ý-Bồ trong thứ chữ viết này.

Những từ ngữ đọc theo âm Ý được chúng tôi ghi nhận trong lớp từ ngữ Công giáo khảo sát, nhiều từ ngữ hiện diện đồng thời cả cách đọc theo tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha, ví dụ: Erode – Êrôđê, Gesù – Giêsu, Giuseppe – Giuse; Messia – Messia; Egitto – Ychitô...

d. Tiếng Pháp

Năm 1624, một phái đoàn truyền giáo được gửi đến Đàng Trong. Phái đoàn này gồm những người sau này có những ảnh hưởng rất quan trong không chỉ cho việc truyền giáo, nhưng cho cả tiếng Việt. Đó là Alexandre de Rhodes, Hieronimo Majorica, G. de Mattos, A. de Fontes, Gaspar Luis và M. Ribero. Nổi bật trong nhóm này là Alexandre de Rhodes. Linh mục Alexandre de Rhodes là người có quốc tịch rất đặc biệt. Ông sinh tại Avignon ở miền nam nước Pháp​, nhưng thời ấy miền này lại là đất của Giáo hoàng, nên ông có quốc tịch Vatican. Nhìn vào các công trình của Alexandre de Rhodes liên quan đến Việt ngữ, chúng ta thấy dấu ấn tiếng Pháp của ông không để lại bằng tiếng Bồ Đào Nha. Có thể do ông làm việc trong phái đoàn nói tiếng Bồ dưới sự bảo trợ của vua Bồ Đào Nha, cùng tiếng Bồ lúc đó được coi như là một thứ quốc tế ngữ nên ông không vượt ra khỏi được sự ảnh hưởng đó. Vị Linh mục này cũng là người để lại nhiều ấn bản kinh nguyện là tài liệu nghiên cứu của bài báo này, như: “Phép giảng tám ngày” (xuất bản 1651) , “Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Chúa”.

Tuy vậy, từ sau năm 1658, sự kiện trao giáo hội tại Việt Nam cho hai vị giám mục người Pháp là Francise Pallu và Lambert de la Motte lãnh đạo đã mở đầu cho một kỉ nguyên của các nhà truyền giáo người Pháp ở nơi đây. Đó là lí do xuất hiện một số từ ngữ Công giáo Việt Nam có gốc Hipri, Hy Lạp và Latinh nhưng đọc theo tiếng Pháp vì mượn qua trung gian tiếng Pháp. Ví dụ: Aaron – Aaron, Adonai – Adonai, Agapé – Agapê, Béelzéboul – Benzêbun, Bélial – Bêlian, Galilé – Galilê, Alléluia - Allêluia....

Sau các trình bay trên, có một vấn đề đặt ra với tác giả bài báo này, đó là tại sao không có dấu vết vay mượn của các thứ tiếng: Hà Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản và sau này là tiếng Anh trong quá trình tiếp xúc với tiếng Việt trong cộng đồng Công giáo tại Việt Nam?

Quả thật, qua các bước khảo sát, chúng tôi hầu như không nhận ra được các ảnh hưởng của những ngôn ngữ nêu trên trên lớp biệt ngữ, ngoại trừ một trường hợp có thể được vay mượn qua tiếng Nhật, nhưng chúng tôi chưa chắc chắn, đó là danh từ Kirixitô. Có hai giải thuyết về trường hợp này:

Thứ nhất, Kirixitô là tiếng phiên âm của từ Cristo trong tiếng Bồ Đào Nha;

Thứ hai, Kirixitô là phiên âm từ Christus, tiếng Latinh, qua tiếng Nhật. Người Nhật ở thế kỷ XVI đã dùng danh từ Kirishitan để gọi các Kitô hữu. Các thừa sai dòng Tên đã làm việc ở Nhật trước khi sang Việt Nam làm việc với Nhật kiều ở Hội An nên đã dùng danh từ Kirixitô (Kirishitan).

Chúng tôi nghiêng về giải thuyết đầu hơn.

Trở lại với lí do tại sao các ngôn ngữ Hà Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản và sau này là tiếng Anh ít ảnh hưởng lên kho biệt ngữ Công giáo Việt Nam. Theo chúng tôi bởi hai lí do sau: Một là, hầu hết những người này hoạt động trong phái đoàn do quốc vương Bồ Đào Nha bảo trợ và nói tiếng Bồ Đào Nha chứ không sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong quá trình truyền giáo; Hai là, số người mang những quốc tịch và sử dụng các ngôn ngữ này quá ít ỏi nên không đủ tầm ảnh hưởng.

5. Kết luận

Từ ngữ Công giáo tại Việt Nam là một bộ phận của tiếng Việt, chảy chung dòng chảy lịch sử của tiếng Việt, nên mang những đặc điểm chung của tiếng Việt đã được nghiên cứu đến. Tuy nhiên, khi nhìn lớp từ ngữ này trong tư cách là các biệt ngữ xã hội, chúng cũng có những đặc điểm riêng cần tìm hiểu. Những nét riêng này bổ sung cho các kết quả nghiên cứu về tiếng Việt nói chung. Cụ thể, bài viết này đã chứng minh thêm được một số ngôn ngữ để lại kết quả vay mượn nơi tiếng Việt trong lịch sử tiếp xúc ngôn ngữ.

---------------------------------------------
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các sách kinh nguyện của các giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn (xuất bản nhiều thời kỳ khác nhau).
2. Crystal, David (1966), Language and religion. In: Sheppard, Lancelot (Ed.): Twentieth century Catholicism. New York: Howthorn Books
3. Donald M. Ayers (1986), English words from Latin and Greek elements, The University of Arizona Press
4. Đỗ Quang Chính (2008), Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
5. Hội đồng giám mục Việt Nam (2011), Từ điển Công giáo 500 mục từ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội
6. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam (tập I), Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội
7. Jeroen Darquennes (2011) / Wim Vandenbussche, Language and religion as a sociolinguistic fied of study: some introductory notes, Socionlinguistica 25/2011
8.Keane, Webb (1997), Religious language, Department of Anthropology, University of Pennsylvania, Philadelphia, Pennsylvania
9. Nguyễn Văn Khang, Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh
10. Khâm Ðịnh Sử Việt Thông Giám Cương Mục
11. Vũ Văn Khương (2001), Mấy nhận xét khi đọc cuốn Gốc và nghĩa từ Việt thông dụng, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 4.2001
12. Vũ Văn Khương (2005), Thử tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của mấy danh từ và tập tục trong mùa Vọng, Tập san số 1, Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội
13. Vũ Văn Khương (2015), Ngôn ngữ và tôn giáo - các định hướng nghiên cứu, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 24, tháng 5. 2015
14. Roland Jacques (2007), Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học – cho đến năm 1650, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội
15. Chu Văn Tuấn (2000), Nghiên cứu những vấn đề cơ bản Nhân loại học ngôn ngữ, Bắc Kinh văn hóa ngữ ngôn đại học xuất bản, – Bản dịch của GS. Nguyễn Văn Khang
  Tác giả bài viết: Lm. Giuse Vũ Văn Khương
Nguồn: gphaiphong.org