Vinh danh những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ-Tác giả: Đông A

VTCG
VINH DANH NHỮNG NGƯỜI SÁNG TẠO RA CHỮ QUỐC NGỮ:

Cởi mở, chân thành trong tiếp nhận & phát triển văn hóa


VINH DỰ LÀ NƠI CHỮ QUỐC NGỮ PHÔI THAI

Tại Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ” diễn ra vào 13.1.2016 tại TP Quy Nhơn, GS Phan Huy Lê nhận định: “Chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn (Bình Định), Hội An, Thanh Chiêm (Quảng Nam), trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”.

Trong tập Kỷ yếu Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, nhà sử học Dương Trung Quốc có nhận định rất thú vị: “Đặc biệt, trong quá trình hình thành chữ viết của tiếng Việt từ chữ Nôm đến chữ viết theo mẫu tự Latin (chữ Quốc ngữ), có sự đóng góp không nhỏ của đất và người Bình Định. Đó là việc vua Quang Trung chính thống hóa chữ Nôm trong các văn bản nhà nước. Đó là việc quan trấn phủ Quy Nhơn - Trần Đức Hòa, các “văn nhân” tại Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định ngày nay) cùng các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XVII; Nhà in Làng Sông - Quy Nhơn là nơi phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX”.

Câu chuyện thú vị về những người Ý, người Pháp, người Bồ Đào Nha sáng tạo ra chữ Quốc ngữ sẽ thêm tuyệt vời khi được kể ra tại Lễ hội đô thị Nước Mặn. - Trong ảnh: Lễ hội đô thị Nước Mặn thường xuyên thu hút nhiều du khách khắp nơi trong về dự. Ảnh: NGUYỄN TRI

Năm 2018, nhân sự kiện “400 năm chữ Quốc ngữ tại Bình Định (1618- 2018)”, khi nói về những người có công hình thành chữ Quốc ngữ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang khẳng định: Tại Nước Mặn, cha bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri - những giáo sĩ Dòng Tên người Ý, Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc nghiên cứu, phiên âm, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Nói cách khác, họ chính là những người viết tờ khai sinh cho chữ Quốc ngữ tiền Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes).

CỞI MỞ TIẾP NHẬN, CHÂN THÀNH VINH DANH

Năm 2011, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng công trình ghi danh 3 linh mục Dòng Tên gồm: Francesco Buzomi, Christoforo Borri (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha). Công trình biểu tượng này mượn dáng cây cổ thụ có nhiều nhánh, biểu trưng cho nguồn cội, sự phát triển của Công giáo và Quốc ngữ bắt đầu phôi thai từ nơi này. Tuy nhiên, ngoài điều này, hiện tại vẫn chưa có một việc làm, hành động nào cụ thể để tưởng nhớ đến công lao của những người đã phôi thai chữ Quốc ngữ tại Bình Định mặc dù nhiều năm qua vấn đề này vẫn được đề cập đến khá nhiều lần.
Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi đặt 1 trong 3 nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, nhờ đó chữ Quốc ngữ có thêm nhiều cơ hội để bắt rễ vào đời sống văn hóa nước ta. - Trong ảnh: Tiểu chủng viện Làng Sông. Ảnh: B. PHÙNG

Nhà thơ Thanh Thảo - người đã tham gia nhiều sựkiện liên quan đến vấn đề “nguồn gốc chữ Quốc ngữ” - chia sẻ: Ghi nhớ công đầu với những tu sĩ sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là việc làm tốt đẹp, đ úng truyền thống uống nước nhớnguồn của dân tộc Việt Nam. TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước của tỉnh Bình Định v à thậm chí là cả TX Hoài Nhơn - quê hương của quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa - cũng có thể lấy tên các tu sĩ này đặt tên đường phố hoặc công viên. Không chỉ có v ậy, ta còn nên ghi nhận đóng góp lớn lao của họ bằng hình thức xây dựng một Bảo tàng chữ Quốc ngữ ở Bình Định, tổchức Lễ hội chữ Quốc ngữ như một điểm nhấn trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn - nơi nó được sinh ra… Tôi nghĩ những việc làm này chứng tỏ năng lực tiếp nhận vàphát triển văn hóa của người Bình Định. Nó là một cách gắn kết tình cảm của người Bình Định với du khách quốc tế, đặc biệt là người Ý, Bồ Đào Nha, Pháp… Chứng tỏ người Bình Định cởi mở v à chân thành!

ĐỂ CHỨNG TỎ BÌNH ĐỊNH SẴN SÀNG HỘI NHẬP SÂU RỘNG VỚI THẾ GIỚI

Một số người băn khoăn về yếu tố người nước ngoài, liên hệ từ việc truyền giáo đến cuộc đô hộ của thực dân Pháp. Về điều này xin được trao đổi như sau, cứ tạm tính thời điểm các nhà truyền giáo đến Việt Nam vào năm 1615 và họ bắt đầu ghi âm tiếng Việt bằng những ký tự Latin sáng tạo chữ Quốc ngữ vào năm 1618. Và xin nhắc lại ngày 1.9.1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha gồm 16 tàu chiến được trang bị vũ khí thuộc loại hiện đại nhất tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Như vậy hai sự kiện cách nhau 240 năm, có lẽ quá nhiều cho một cuộc gán ghép như thế.

Năm 1618, khi đón các giáo sĩ phương Tây: Francesco Buzomi, Christoforo Borri, Francisco de Pina từ Hội An vào Quy Nhơn rồi đưa về lưu trú tại Nước Mặn, quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa không thể hình dung được rằng mình đã gián tiếp giúp dân tộc Việt Nam có được một thành tựu cực kỳ quan trọng - có được chữ viết của mình, vì lẽ chỉ ít lâu sau các giáo sĩ này đã dùng chữ cái Latin để ghi âm tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ đã phôi thai như thế ở xứ Nẫu Bình Định.


Tuy phi lý nhưng dẫu có thế đi chăng nữa thì lại xin nhắc tiếp, khi bắt nhổ lúa trồng đay, phát xít Nhật đã gây ra cái chết cho 2 triệu đồng bào Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Hoặc như ngay tại Bình Định, binh lính Hàn Quốc gây ra nhiều vụ thảm sát, có vụ như vụ thảm sát Bình An ở huyện Tây Sơn khiến hơn 1.000 đồng bào ta thiệt mạng vào năm 1966. Nhưng ngày nay, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với 2 quốc gia này rất nồng ấm trên nhiều phương diện, thậm chí ngay trung tâm TP Quy Nhơn còn có đường phố Yongsan; ngược lại chính quyền quận Yongsan cũng đã đặt tên đường mang tên Quy Nhơn tại khu đô thị trung tâm sầm uất của TP Seoul, Hàn Quốc. Chúng ta đã khép lại quá khứ đau buồn như thế và đã mở ra tương lai rõ ràng là tốt đẹp hơn.

Ở nước ta, theo “Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng” ban hành kèm Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11.7.2005 (Nghị định 91), việc đặt tên đường ngoài “góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính...” thì còn “góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế”.

Hãy hình dung tới đây sẽ có những người Ý, Bồ Đào Nha, Pháp thích thú như thế nào khi nghe kể v ề chuyện vì sao ở tỉnh Bình Định của Việt Nam lại có đường phố Francesco Buzomi, Christoforo Borri, quảng trường Francisco de Pina hoặc vườn hoa António Dias… Những câu chuyện thú vị như thế sẽ thú vị nhất khi được nghe kể tại Lễ hội đô thị Nước Mặn hoặc trong khu vườn sao đen cổ thụ trăm tuổi ở Tiểu chủng viện Làng Sông, bạn có đồng ý như thế không?

Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ thật sự đóng góp rất lớn cho tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam, đây là điều không ai có thể phủ nhận. Quá trình hình thành chữ Quốc ngữ là công trình tập thể, trong đó v ai trò các nhà truyền giáo nói trên đã được khẳng định. Việc vinh danh những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ còn cho thấy tỉnh Bình Định cởi mở, đã sẵn sàng hội nhập sâu rộng với thế giới như thế nào.

ĐÔNG A

Nguồn: Báo Xuân Bình Định