(nhà thơ Trần Mộng Tú)
Tôi đã đọc 200 bài thơ của Trần Mộng Tú làm từ 1968 đến năm 2020. Thơ Trần Mộng Tú để lại trong tôi những ấn tượng đẹp về một nhà thơ có cốt cách riêng trong thơ Việt đương đại. Trong hơn 200 bài, có 62 bài thơ tình, 55 bài thơ thể hiện Cái Tôi, 34 bài thơ thế sự, 13 bài thơ tôn giáo, còn lại là những đề tài khác (thiên nhiên, gia đình, tình bạn…). Nhìn vào số lượng bài thơ của mỗi đề tài, người đọc có thể nhận ra hồn thơ Trần Mộng Tú nghiêng về những vùng trời tâm tưởng nào. Thơ Trần Mộng Tú là thơ tự tình –suy tư (thường là những nghĩ suy) có giọng thơ nhẹ nhàng, đẹp thanh cao và có sức hút. Chất liệu thi ca, bút pháp, cảm xúc, nhận thức hiện thực và thái độ diễn ngôn trong thơ Trần Mộng Tú thuộc về thi pháp thơ đương đại.
ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Các trang web Wiki, damau.org, thivien.net và một số trang mạng xã hội ghi nhận:
Trần Mộng Tú sinh năm 1943 tại tỉnh Hà Đông. Di cư vào Nam năm 1954. Là thư ký cho hãng Thông Tấn Associated Press ở Sài Gòn giai đoạn 1968-1975. Bà sang Mỹ tháng 4 năm 1975. Ở Mỹ, bà viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000 và làm thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999)[1]. Bà đoạt giải về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) “Ethnic Pulitzers” năm 2003.Bà cũng là chủ Bút cho Nguyệt San Phụ Nữ Gia đình Người Việt ở California (tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2005).
Hiện sống ở Seattle, Washington với gia đình.
Đã xuất bản:
Thơ Trần Mộng Tú (Tập Thơ-1990) NXB-Người-Việt.
Câu Chuyện Của Lá Phong( Tập Truyện Ngắn-1994) NXB-Người-Việt
Để Em Làm Gió (Tập Thơ-1996) NXB-Thế-Kỷ
Cô Rơm và Những Truyện Ngắn Khác (Tập Truyện Ngắn-1999) NXB-Văn Nghệ
Ngọn Nến Muộn Màng ( Tập Thơ-2005)NXB-Thư-Hương
Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (Tạp Văn-2006) NXB-Văn Mới
Những sáng tác của Trần Mộng Tú, xuất bản kể từ 1990 về trước, gồm:
Tuyển Tập Thi Ca, in chung cùng nhiều người, thơ viết trong khoảng thời gian 1975-1977, do Bố Cái tại Hoa Kỳ xuất bản.
Thơ Việt Nam, Chiến Tranh, Lưu Đày, in chung cùng nhiều người, do Gìn Vàng Giữ Ngọc, Hoa Kỳ xuất bản năm 1976.
Trăng Đất Khách, tuyển tập truyện ngắn của các cây bút nữ tại hải ngoại, do Làng Văn tại Canada xuất bản năm 1987.
Bà kể: “Tôi rời Việt Nam vào ngày 2 tháng Tư năm 1975 do hãng thông tấn AP nơi tôi làm việc tại Việt Nam đưa tôi và gia đình ra đi. Lúc đó tôi còn độc thân họ thu xếp cho tôi và bố mẹ đi với nhau.
Sang Mỹ năm 1975 coi như tôi làm tờ báo đầu tiên là Quê Hương xuất bản. Mấy người tham gia đầu tiên gồm có Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Chính Nghĩa và một vài người nữa làm tờ báo đó chung với nhau.
Tôi bắt đầu đem những bài thơ của mình ra đăng từ năm 1975, mặc dù trước đó tôi cũng có làm thơ nhưng chưa bao giờ đăng báo vì tôi thấy không có nhu cầu cần đăng báo. Sang tới Mỹ thấy tiếng Việt ngày càng hiếm hoi, thấy anh em gia nhập vào báo chí tôi tham gia theo và từ đó tôi làm rất nhiều thơ về quê hương.”
Trong bài Bình Thủy 1969, bà kể về cuộc tình của mình: “Buổi tối của một ngày đầu tháng 8 năm 1969…hai người bước vào buồng khách, cả hai nhìn tôi, rồi cả hai nhìn nhau, không ai muốn là mình nói trước. Tôi linh tính có điều không tốt, nhưng không hiểu chuyện gì. Cuối cùng Carl nói: “Sở nhận được điện thoại từ Rạch Giá gọi về chiều nay, nói là Cung, chồng của cô đã tử trận.” Tôi đứng ngẩn người, nhìn lại cả hai, không nói được tiếng nào…
Chúng tôi mới cưới nhau sau lễ Phục Sinh vào tháng Tư, Cung tử trận 30 tháng 7, năm 1969. Cung không phải là quân nhân chính gốc, anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Pháp Văn và đã đi dạy được 1 năm, anh bị gọi trong chương trình Tổng Động Viên. Khi nhận giấy báo phải nhập ngũ, anh đến xin cha mẹ tôi cho làm hôn thú, vì sợ sau này sẽ khó khăn khi ở quân đội. Trên giấy tờ, tôi có chồng từ tháng 6-1968… »
Trong bài Người Đàn Bà Thi Sĩ Việt Nam bà kể tiếp:
…
Tôi người đàn bà thi sĩ Việt Nam
Bỏ lại trên quê hương
Một mối tình
Một mối tình được gắn huy chương
Huy chương anh dũng bội tinh…
…
Tôi người đàn bà thi sĩ Việt Nam
Đang sống trên đất Mỹ
Chồng tôi người bản xứ
Chúng tôi có ba con chưa đến tuổi thành niên
Đời sống êm đềm
Trong một thành phố nhỏ…
Sự mất mát của cuộc tình đầu đời cùng với cuộc sống ly hương quấn chặt lấy trái tim và nghĩ suy của Trần Mộng Tú, tạo nên một tiếng thơ có sức lay động lòng người. Tiếng thơ ấy cũng mang những sắc thái tiêu biểu của thơ Việt hải ngoại.
THƠ TÌNH CỦA TRẦN MỘNG TÚ
Hình ảnh người chồng chết trận cùng với sự mất mát cả một đời hạnh phúc của Trần Mộng Tú đã tạo nên những tứ thơ bi thiết ám ảnh, làm xúc động lòng người. Người đọc hôm nay không thể hình dung nổi nỗi đau lớn lao và sự vô vọng của người góa phụ trong chiến tranh là thế nào khi tuổi xuân vừa mới nở những “Bông hoa đỏ”. Chiến tranh đã cướp đi tất cả (Quà tặng trong chiến tranh). Cho nên trong thơ Trần Mộng Tú mới có những bài oán ghét chiến tranh, mới lật tẩy “Cái bẫy hòa bình”. Xin đọc: Gọi anh mùa xuân, Hoa tai, Sông vẫn nồng nàn, Đường cũ, Giấc mơ hòa bình (1969)…
Mùa mưa đang về giữa Sài Gòn
Con đường Tự Do vỡ oà bong bóng
Em đi dưới trời mưa
Em nhớ anh
Em khóc
Những chiếc taxi nằm im
Sài Gòn trong mưa
Sài Gòn buổi trưa
Sài Gòn như nỗi chết
Sao anh còn trẻ thế
Sao em còn trẻ thế
Sao tình yêu hai ta còn trẻ thế
Lại lăn vào
Một cuộc chiến già nua
Bây giờ một người lính mới
Cầm cây súng cũ xì
Ở tận chi khu Trà Bồng
Một địa danh nghe mà ngơ ngác
Bây giờ một người con gái
Cầm trái tim mình bằng cả hai tay
Đi dưới cơn mưa
Đầy bong bóng nước
Ôi Sài Gòn buổi trưa!
(Buổi trưa Sài Gòn. 1968)
Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương
(Quà tặng chiến tranh)
Những tháng ngày còn lại của người góa phụ trẻ là những tháng ngày đẫm nước mắt. Nàng đơn độc, nhớ mong, kiếm tìm, tình buồn, tình xa, dằn vặt thê thiết, hoang vắng, quay quắt (Cối xay trong tim em) trong những nghĩ suy về tình yêu. Em luôn tra hỏi trái tim mình và nhìn vào cõi xa xăm, anh ở đâu? Anh nơi phương nào? Người thơ như đang sống với người yêu trong tâm tưởng, chuyện trò với chàng, độc thoại với mình, vui buồn, hạnh phúc, đau khổ như trong đời thật. Cả không gian thời gian chỉ cò hai người. Bao nhiêu năm tháng vẫn không vơi nồng nàn và ngậm ngùi. Một trời khao khát yêu thương.
Xin đọc: Cối xay trong tim em, Cả một dòng sông đứng lại chờ, Người câu ở sông nào, Lòng nào như suối cạn, Phía bên kia biển, Nhưng anh đâu rồi, Gọi anh mùa xuân, Đố anh, Ly nước và biển mặn, Thanh xuân, Một thời để yêu, Thời gian và tình yêu, Tháng năm và hoa Diên Vỹ, Hoa lửa, Rót xuống hoàng hôn, Bóng trăng và hoa kim ngân, Một nửa vầng trăng, Vì sao trên cao, Ngôi sao và hạt bụi, Hạt bụi, Chùm nho tình yêu, Ngày hạ chí, Đông trắng, Áo Mỵ Châu, Áo tuyết, Giấu, Mở, Mưa Seattle, Trái tim hồng, Cả hồn em chớm đỏ, Trong suốt, Khi về, Viên sỏi (1)…
Trán ngây thơ tương tư mùi khói thuốc
Người không về mắt cũng nhạt màu nâu
Môi bớt đỏ và răng cười bớt trắng
Em nhớ người, em khóc suốt đêm thâu
(Trái tim hồng)
Tóc bạc anh em giấu vào trong gối
để đêm đêm em không ngủ một mình
trái tim anh em giấu vào trong ngực
để cùng em thức dậy trước bình minh
đôi mắt anh em giấu vào trong mắt
lệ riêng em trong suốt mắt hai ta
môi của anh em giấu vào trong miệng
ngậm hương thơm của một mối tình xa
bàn tay anh em giấu vào trong áo
ngực rất hiền nở vội một đóa hoa
bàn chân anh em giấu vào giày nhỏ
anh sẽ đi cùng em đi thật là xa
khi trở về dẫu tuổi gầy sương tuyết
bốn bàn chân sẽ làm ấm nền nhà
hơi thở anh em giấu vào hơi thở
đời sống chia nhau từng sợi mong manh
mình hà cho nhau một linh hồn mới
Chúa sẽ kêu lên . . . thôi thế cũng đành
(Giấu)
Em đứng thẳng cho anh nhìn vào mắt
Anh vớt hộ em những giọt long lanh
Con sông chảy cả một thuyền quá khứ
Trong mắt em ngơ ngác đám lục bình
Em đứng nghiêng cho anh nhìn sóng lượn
Đêm màu xanh hay biển tóc em xanh
Gió thổi ngược tóc bay về dĩ vãng
Có sợi nào còn vướng ngực áo anh
Em cúi xuống cho anh hôn lên gáy
Kỷ niệm gầy như những chiếc xương vai
Hương phấn đó em mang từ tiền kiếp
Cho anh ôm tình cũ một vòng tay
Co chân lên cho anh nâng gót nhỏ
Gót chân son nôn nả nhịp xe đời
Nói cho anh chuyến tàu nào em lỡ
Sân ga nào còn giữ lệ em rơi
Em ngồi xuống đêm không còn trẻ nữa
Cánh chim bay tha hết cọng thời gian
Trên vai anh em gởi đời cát lở
Tình thắp cho em ngọn nến muộn màng
Ngọn Nến Muộn Màng (Tập thơ 2005, NXB Thư Hương)
Rồi thời gian phôi pha, cuộc sống đổi thay, và khi nhà thơ tóc đã pha sương tuyết, thì những nỗi day dứt, có nhẹ nhàng hơn, bởi người thơ đã biết rằng rồi tất cả sẽ qua đi (Tình buồn, Đông trắng, Bóng trăng và hoa kim ngân, Vì sao trên cao, Tạ tình…)
Em luôn luôn nghĩ anh là một Vì Sao
Cho nên mặc dù không nhìn thấy anh
Em cũng biết là lúc nào anh cũng vẫn ở đấy
Ở một nơi thật cao thật xa
…
Mà chúng ta đi song song với nhau
Năm này sang tháng khác
(Vì sao trên cao)
Hãy tha thứ cho em
Núi sông ngàn cách trở
Tình đã phụ tình rồi
Xin đừng mong ngóng nữa
(Tạ tình)
Anh ơi hoa đã héo
Vết thương xưa đã lành
Vuông lụa chồng em giữ
Không còn gì cho anh
(Bông hoa đỏ)
Trong mảng thơ này, có nhiều bài tuyệt hay và mới lạ: Quà tặng trong chiến tranh, Giấu, Ngọn nến muộn màng, Mưa Seatle, Trái tim hồng,…
TIẾNG NÓI CỦA “CÁI TÔI”
Những bài thơ mà nhân vật Tôi phát ngôn trực tiếp suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm của mình, đó là tiếng nói của “Cái Tôi” tác giả.
Trong thơ Trần Mộng Tú, Tôi nhìn vào hồn mình, nhìn xung quanh mình, truy tìm hiện sinh, truy tìm bản thể và nhận ra nỗi cô đơn hiện sinh (Cô đơn như thượng đế), nhận ra sự vong thân (Thật giả; Tìm mình) và hành trình hư vô.
Sáng nay tôi dậy lúc 3 giờ
Tôi xuống bếp
Cầm chiếc ly lên
Bỏ chiếc ly xuống
Hình như tôi uống nước
Hình như tôi không
Tôi loanh quanh trong bếp
Có tiếng chạm vào nhau
Của những cái nồi cái ấm
Hình như tôi đun một ấm nước
Hình như tôi không làm gì cả
…
Có ai đứng gần đó không
Cho tôi mượn đôi mắt
Một đôi mắt
Có thể tìm được dưới đáy biển
Tìm thấy trên bầu trời
Những giọt lệ của mình.
(Cho tôi mượn đôi mắt)
tôi cúi xuống hồn tôi
nhặt mảnh trăng vừa vỡ
mảnh trăng nhoè trên tay
hạt lệ vàng nức nở.
(Tôi cúi xuống hồn tôi)
Tôi đi từ chiến tranh
Tôi bước vào Hòa Bình
Người ta nói tôi đặt chân qua hai thế kỷ
Tôi loanh quanh đi tìm mình
…
Hết ba phần tư thế kỷ
Tôi vẫn chưa tìm thấy tôi.
(Ngày qua ngày qua)
Cúi xuống nhìn thân thể
Mảnh hình hài như có như không
Tôi đi đâu
Tôi về đâu
(Hunting house)
Một mai tôi chết rồi sao nữa
Mây vẫn bay và nước vẫn xuôi
(Giải mây trôi)
Nhà thơ trăn trở, tôi là người Việt hay người Mỹ và khôn nguôi tâm trạng ly hương, một nỗi nhớ quê nao lòng (Tôi là ai, Người đàn bà thi sĩ Việt Nam, Trăng đất khách, Khi về, Đêm tháng Tư, Tháng Tư quê hương tôi, Mùa xuân và tôi, Khúc xuân hoài, Muối tuyết, Nấu bữa chiều ở Issaquah, ,
nắm rơm giấu bốn mươi năm cũ
vừa nhai vừa khóc nhớ quê xưa
( Bốn mươi năm đợi)
Nhưng suốt đời tôi làm thế nào tôi quên được
Những cây cầu trên đất nước Việt Nam
Những cây cầu bắc qua giòng tan tác
Giòng máu, mồ hôi, và nước mắt da vàng
(Cây cầu và dòng sông)
Trần Mộng Tú dành cho gia đình, người thân, bạn bè những tình cảm chân thành, hết sức quý mến thương yêu. Xin đọc: Cha già, Xuân không bố, Mẹ, con và hoa cúc, Bài thơ cho cháu ngoại, Yến ơi! Yến ơi (Đỗ Ngọc Yến), Tiếng chim ca, Câu hỏi, Chia tay (Thái Hà Chung), Bây giờ (Nhật Tuấn), Bên kia đường (Du Tử Lê), Như tiếng sách rơi (Nguyễn Mộng Giác), Tiễn bạn Kim Nhung, Chiếc áo của ai (100 ngày của Chi), Gió mùa đông bắc (Gửi anh Sơn, em Cường và anh Ngọc), Mơ thấy bạn về,…
Trong sự tra vấn về hiện sinh, Trần Mộng Tú tin vào sự vĩnh cửu của thi ca.
Chỉ có THƠ là ống kính vạn hoa
ta lắc soi từ thời thơ dại
cho đến tuổi già
vẫn vạn hoa còn đó
trong cái không màu chứa cả muôn màu
trong vô ngôn vẽ ra ngàn cảnh giới.
(Nỗi không)
Thi sĩ là người duy nhất trên đời
khi chết đi
không mang theo gì cả
nhưng vẫn vĩnh viễn làm chủ sản nghiệp
của mình
Những bài thơ.
(Khi thi sĩ chết)
Và vì thế, nhà thơ mơ thấy kiếp sau, dù nghèo, đông con (8 đứa con), vẫn lấy chồng thi sĩ, và cả nhà làm thơ (Kiếp sau).
DIỄN NGÔN THẾ SỰ
Với hai góc nhìn, là một người dân miền Nam trước 1975, dân Sài gòn; và là một Việt kiều sống ở Mỹ, cái nhìn, thái độ nhận thức và diễn ngôn của Trần Mộng Tú sẽ rất khác với người dân trong nước. Đơn giản là, Trần Mộng Tú sống trong một môi trường văn hóa, chính trị, kinh tế khác với môi trường sống ở Việt Nam. Cho nên Trần Mộng Tú có nhiều bài thơ đáp ứng được đòi hỏi chính trị của độc giả Việt ở Mỹ, song những bài ấy không dễ được tiếp nhận ở trong nước, điều ấy có thể hiểu được. Xin đọc: Tiếc thương, Xin lỗi, Văn tế cho những oan hồn cả hai miền nam bắc, Tháng Tư quê hương tôi, Tháng Tư sừng sững đứng, Đêm tháng Tư, Bài thơ sau tháng Tư, Tôi xin tạ lỗi, Trở về biển, Bài hát da vàng, Những lưỡi dao sản xuất từ Việt Nam, Biển đảo hận ca, …
Ngư dân để tang cho biển
Tiều phu để tang cho rừng
Trên những cánh đồng nứt nẻ
Nhà nông mắt lệ khô tròng
Tôi đứng bên ngoài đất nước
Nhìn đâu cũng thấy bóng em
Một em hình thù rất lạ
Như con cá chết nằm nghiêng.
(Gửi người em Vũng Áng)
Tôi cúi đầu thật thấp
nhân danh là người Việt Nam
tôi xin thả xuống dòng nước này
những lời tạ lỗi
Lời tạ lỗi với những đồng bào tôi
những người còn đang sống trên đất nước Việt Nam
một đất nước đang rêu rao
Tự Do Hạnh Phúc Hòa Bình Thịnh Vượng Văn Minh…
…
Tôi xin tạ lỗi
Vì tôi là người Việt Nam
tôi không làm được điều gì cho chính đất nước mình…
(Tôi xin tạ lỗi-2019)
Trần Mộng Tú có nhiều bài bộc lộ một tình yêu thương sâu sắc với các nạn nhân chiến tranh ở Trung Đông, nạn khủng bố 11/9 ở Mỹ (Trả lại tôi), nội chiến ở Syria (Vết thương nội chiến), kỳ thị chủng tộc ở Mỹ (Tôi không thở được), 39 người chết trong chuyến đi tìm sự sống ở Anh Quốc 23-10-2019 (Xin lỗi), Lưu Hiểu Ba, thuyền nhân (Trở về biển, Văn tế tập thể), nạn nhân trên “cánh đồng hoa hướng dương ở làng rozsypne”, người lính chết trận ở hai miền Nam, Bắc Việt Nam (Tiếc thương), Karim Wasfi fights ISIS with music (Âm thanh của hồ cầm), tưởng niệm nạn nhân ngày 2/12/2015 San Bernadino (Bạo lực vào thành phố), những em bé Mã Lai (Gửi em trong mộ tập thể), người dân Vũng Áng (Gửi em Vũng Áng), người dân A-Phú-Hãn khi tượng Phật bị đập phá (Thơ về A-Phú-Hãn), nạn nhân Covid (Hoa nở mùa Covid, Không còn khoảng cách. 2020)…
Những bài thơ này bộc lộ một tầm nhìn rộng, một tình yêu thương vượt xa trong cộng đồng nhân loại. Tấm lòng ấy có phẩm chất từ bi của Phật và Lòng Thương xót của Chúa.
Chúa Phật đều từ tâm
Tình yêu như tín ngưỡng
Hãy rót vào đời nhau
Nước sông hằng vô lượng.
(Vẽ hộ em nét mày)
Ta kéo hồi chuông kinh sớm
Ta thắp nén nhang buổi chiều
Chúa Phật cùng về một lúc
Dắt hồn qua bãi hoang liêu
(Văn tế cho những oan hồn ở cả hai miền nam bắc)
THƠ TÔN GIÁO
Trần Mộng Tú có nhiều bài thơ về đề tài tôn giáo, hoặc đem tôn giáo vào bài thơ tự tình hoặc thơ luận giải thế sự. Đức tin đem đến sự bình yên. Chính Chúa là cội nguồn thơ. Chúa là Đấng đã đổ máu để cứu rỗi mọi nỗi thống khổ. Nhà thơ khát khao được chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa.
Em về qua cửa giáo đường
Mở trang Cựu Ước nỗi buồn bỗng vui
Chúa trên cao cũng mỉm cười
Bấc chưa thắp, nến đã ngời lửa thiêng
Tâm em nở đoá bình yên…
(Kinh thơ)
Sáng nay trời bắt đầu vào đông
con đường ướt đưa tôi đến nhà thờ
trên thánh giá Chúa không có áo
hai vai Người đọng những hạt thơ
…
Ngày mai tôi sẽ mang áo đến cho Chúa
và nhặt những câu thơ trên vai Người…
(Mùa đông và Chúa)
Sáng nay chủ nhật, tôi tới nhà thờ
nhìn lên ảnh Chúa
trên thánh giá hai bàn tay Người rỉ máu
tôi hình dung ra những vệt máu trong thành chiếc quan tài
Chiếc quan tài bọc thép
chở 39 hồn điêu linh
chở 39 xác đông lạnh
đông lạnh những lời Kinh…
(Xin lỗi)
Lên đồi Tôn Giáo tìm an ủi
tìm Phật Bà, tìm Đức Mẹ một thời che chở thuyền nhân
cả hai cùng bị chém cụt đầu
thân vẫn hướng ra khơi
Chúa đã vụn tan chỉ còn trơ thập giá
tôi giang hai tay chờ đóng đinh thế Người…
(Trở về biển)
Em sẽ chết với mảnh hồn trống đó
Chúa đứng đón em ở cổng Thiên Đàng
(Trái tim hồng)
Bài thơ đặc sắc về tôn giáo của Trẩn Mộng Tú là bài Chặt đầu Giêsu
Ô, hôm nay con đã chặt đầu Cha xuống
Chiếc đầu lăn lóc trên mặt đất
Có ai đó vừa nhặt lên
Gắn lại cho Cha
Nhưng con ơi nếu thấy cần phải đập đi
Khối vữa vôi đó sẽ sẵn sàng tan vỡ
Cha còn cả hai cánh tay
Cha còn cả hai ống chân
Cha còn cả thân mình
Nếu thấy thích con cứ tự nhiên đập bỏ
Vì từ hơn hai ngàn năm trước
Loài người đã đập vỡ thịt xương Cha
Này đây cánh tay với bàn tay
Con cứ đem về
Cánh tay Cha cho con ngả đầu vào
Những khi con nhọc nhằn sau hoan hô đả đảo
Sau gào thét đập phá
Hãy đặt cuộc đời trên vai Cha
Bàn tay Cha đây con hãy nắm lấy
Vứt đi chiếc gậy chiếc búa con đang cầm
Hãy đan những ngón tay con vào ngón tay Cha
Con sẽ nguôi ngoai cơn tức giận
Rồi con sẽ hiểu thế nào là truyền cho nhau cảm xúc
Bàn chân Cha bước thấp bước cao
Cha sẽ cùng con đi tới bất cứ nơi nào
Thân mình Cha có thể cõng được con
Trèo qua những cao ốc nhẩy qua tường
Nhưng nếu con muốn ta sẽ đi thong dong qua suối qua rừng
cùng nhau ra biển
Cha và con sẽ ngồi xuống
Cha sẽ giao cho con việc lấy đất lấy cát trộn vào nhau
Làm thành một con người
Con có thể muốn sơn bất cứ màu gì vào con người đó
Trắng Đen Vàng và ngay cả một kẻ không màu
Con sẽ đặt tên, mặc áo quần cho pho tượng theo ý của con
Rồi Cha sẽ phà cho pho tượng một linh hồn
Vì việc linh hồn của tượng con không bao giờ làm được
Cũng như con chỉ có thể cắt đầu hay đập nát một pho tượng
Vì đó chỉ là vôi cát vô tri
Linh hồn của pho tượng con không bao giờ đập nát được
Vì nơi đó là nơi con tìm đến để được Thương Yêu.
(tmt – Tháng 7/20/2020)
Chú thích: Đó là bức tượng Chúa Giesu Chăn Chiên ở nhà Thờ The Good
Shepherd Church, Miami Florida.. Họ đập gẫy đầu tượng vứt xuống đất vào ban đêm ngày 7/15/2020
Bài thơ là lời của tượng Chúa (cũng là tác giả nhập thân vào Chúa) để nói lời thứ tha, lời yêu thương; đồng thời chỉ ra chân lý về quyền năng vô biên của Chúa với một lòng xác tín thật hân hoan. Hiếm lắm tôi mới gặp được một bài thơ tôn giáo mà tư tưởng, tình cảm và đức tin mạnh mẽ đến vậy. Tin Mừng được diễn giải thật tinh tế, đẹp đẽ: “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt. 5,38-48) bằng một nghệ thuật ngôn ngữ đầy sức thuyết phục.
Thực ra, nhiều bài thơ của Trần Mộng Tú đã thấm rất sâu tinh thần của Tin Mừng. Đó là lòng yêu thương con người, sự sẽ chia mọi niềm vui nỗi buồn với mọi thân phận bất hạnh, ở cái tâm bình an, và sự vượt qua những bế tắc tư tưởng và nhữn vần đề của hiện sinh.
Em về qua cửa giáo đường
Mở trang Cựu Ước nỗi buồn bỗng vui
Chúa trên cao cũng mỉm cười…
(Kinh thơ)
Có phải đau đớn tôi
Người xuống chia lệ nhỏ
Có phải lưu đày tôi
Người ghé vai gánh hộ
Ôi đêm vô tận này
Cầu xin người ở lại
Trên thánh giá tinh khôi
(Đêm vô tận)
MỘT CỐT CÁCH THƠ HIỆN ĐẠI
Tôi không dùng chữ “hiện đại” với nghĩa của thuật ngữ “Hiện đại chủ nghĩa” để phân biệt với trào lưu “Hậu hiện đại”; mà dùng với nghĩa “hiện đại” tương phản với “cổ điển”, tức là thơ của hôm nay, phân biệt với các thời kỳ thơ trước (thí dụ thơ trước 1945, thơ kháng chiến 1945-1975).
Trần Mộng Tú có những bài viết bằng thể thơ, cảm xúc thơ của thơ Lãng mạn 1930-1945) song tình yêu trong những bài thơ này là tình yêu của con người ở miền Nam trong cuộc chiến 1955-1975 (Buổi trưa ở Sài Gòn, Quà tặng trong chiến tranh…)
Trần mộng Tú cũng có những bài Tứ tuyệt ánh lên cái đẹp của thơ Lãng mạn, không thuộc về thi pháp của Tứ tuyệt Đường luật (Sáng nay thu về phố cũ, Trăng xanh, Tuyết tan, Sợi tóc, Đông trắng, Áo Mỵ Châu, Tuyết Trọng hủy…)
Thơ lục bát của Trần Mộng Tú vừa đẹp, vừa sang trọng, song lại rất ít chất ca dao (Tình gọi, Mưa Seatle,…)
Những bài Văn tế của Trần Mộng Tú không theo khuôn phép của văn tế cổ điển (Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, hay Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu). Đó là những bài thơ được đặt tên Văn tế.
Đa phần thơ Trần Mộng Tú là thơ tự do, thơ kể chuyện tự tình. Phần đầu tác giả kể chuyện (nhiều khi là chuyện đời thường xung quanh mình), như một câu chuyện văn xuôi không thơ. Khổ cuối thường vỡ làm cho câu chuyện kể bằng văn xuôi trở thành thơ. Chất thơ nằm trong tư tưởng và tình cảm, không nằm trong chất liệu ngôn ngữ hay tứ thơ (Xin đọc: Kiếp sau, Cuối năm giấu tuổi trong rau, Hoa cỏ, Trở về biển, Đuốc tình, Hình như là thu phân, Ai điếu Trần Viết Minh Thanh, Đường cũ, Hỏi chàng, Thơ sinh nhật, Âm thanh của Hồ cầm, Xóm tôi, Hunting house,…
Tôi mơ hồ cảm nhận vẻ đẹp chuẩn mực thơ Bà Huyện Thanh Quan trong thơ Trần Mộng Tú, cũng nhận ra cái đẹp tinh khôi mới lạ mà hồn thơ Trần Mộng Tú trong thơ Lãng Mạn, và đặc biệt là sự khám phá những tứ thơ trong những sự vật, sự việc đời thường được Trần Mộng Tú tạo nên những hình ảnh ấn tượng. Tôi cho đó là tài năng và là phẩm chất thi sĩ ở Trần Mộng Tú. Giữa những xô bồ của việc cách tân thơ, của sex và phong trào nữ quyền, của Hậu hiện đại lật đổ những “đại tự sự” về thơ, Trần Mộng Tú vẫn khẳng định được giá trị của thơ truyền thống và đóng góp thêm những giá trị thật quý báu.
Tháng 8/2021
_______________________________________
[1] Bài thơ được dịch ra tiếng Anh và đưa vào sách giáo khoa dậy văn chương “Glencoe Literature” do nhà xuất bản McGraw Hill ấn hành, là bài The Gift in Wartime, “Quà Tặng Trong Chiến Tranh.”