Tất cả đều là ân sủng- Tác giả: M.Hạnh Tử

Lan Mary

 

TẤT CẢ ĐỀU LÀ ÂN SỦNG

“Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28)

Thời gian vừa qua tôi có đọc và suy niệm cuốn sách “Tất cả đều là ân sủng“, của tác giả linh mục Henri Boulad, S.J. Trong cuốn sách này, tác giả mời gọi độc giả suy tư về ý nghĩa của thời gian và từ đó nhận ra “tất cả đều là ân sủng, tất cả đều có ích”. Suy tư về nội dụng của cuốn sách, tôi nghiệm thấy dường như chính Thiên Chúa đang gửi đến tôi sứ điệp quan trọng. Ngài đang mời gọi tôi chiêm nghiệm về giá trị của thời gian trong cuộc đời của mình để một lần nữa, xuyên qua những thất bại và đổ vỡ trong cuộc sống, nhận ra tất cả đều là ân sủng.

Cũng vào dịp này, tôi nhận được thiệp mời (thiệp báo) lễ khấn của một số tu sĩ thân quen, từ sự kiện này, tôi có cơ hội hồi tưởng lại việc tuyên khấn của mình, đồng thời được thúc giục xét mình lại về cách sống cuộc đời thánh hiến của mình trong những năm qua. Trong bối cảnh đó và dựa vào gợi ý của cuốn sách “Tất cả đều là ân sủng”, tôi xin mạo muội chia sẻ với mọi người một vài cảm nghiệm về một ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta nhưng đôi khi chúng ta không nhận ra đó chính là cuộc sống của mỗi chúng ta.

“Tạng phủ con chính Ngài đã cấu tạo
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con,
Con mới là bào thai mắt Ngài đã thấy
Mọi ngày đời được giành sẵn cho con
Đều thấy ghi trong sổ sách Ngài” (Tv 138)

Bằng tình yêu và sự quan phòng kỳ diệu, Thiên Chúa dựng nên chúng ta và ban cho chúng ta cuộc sống này. Cuộc sống ấy được hình thành theo thời gian, được thêu dệt, đan xen bởi những niềm vui – nỗi buồn, thành công – thất bại, quá khứ - hiện tại - tương lai. Thiên Chúa muốn chúng ta sống trọn vẹn cuộc sống này và dùng nó như phương tiện để đến với Ngài. Cuộc sống đó là một ân sủng. Bạn có tin điều đó không?

Có lẽ theo sự thường, chúng ta dễ nhận ra khía cạnh ân sủng nơi những thành công và niềm vui trong cuộc sống. Niềm vui khích lệ chúng ta, làm cho chúng ta phấn khởi và tin tưởng vào Chúa hơn. Bản thân tôi đã từng trải qua kinh nghiệm ấy.

Tôi nhớ lại cảm xúc của mình ngày xưa, trong thời gian chuẩn bị tuyên khấn tôi cũng đã rất vui tươi và phấn khởi. Niềm vui của việc được tuyên khấn trở thành động lực giúp tôi hăng say và sốt sắng trong việc chu toàn những công việc và bổn phận trong cộng đoàn. Tôi cảm thấy trong lòng như có một ngọn lửa thiêu đốt, khao khát được dấn thân cho Chúa. Khi ấy tôi đã sống tâm tình của thánh vịnh 118 : “Niềm vui đời con là Chúa”, và quyết liệt hơn, tôi còn chọn cho mình câu Lời Chúa làm châm ngôn sống là : “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ của Thiên Chúa” (1Pr 2,5). Quả thực, sự sốt sắng đầu đời tu và niềm vui này làm cho tôi dễ dàng đón nhận những khó khăn trong cuộc sống, vì nói như thánh Phaolo: “Tôi coi mọi sự là thua lỗ, trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và coi mọi sự như rác để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8).

Niềm vui và thành công trong cuộc sống là ân sủng, là động lực thúc đẩy chúng ta bước tới. Thế nên chúng ta thường dễ dàng đón nhận và tận hưởng chúng. Trái lại, khi phải đối diện với những thất bại, những khó khăn hay những lầm lỡ làm cho chúng ta phải đau khổ và thất vọng thì thật khó để chúng ta tin rằng tất cả những điều đó cũng là ân sủng. Trong hoàn cảnh này, chúng ta thường cảm thấy hoang mang, sợ hãi và cô đơn vì dường như Thiên Chúa đã lìa xa chúng ta. Tôi cũng đã từng suy nghĩ như thế khi gặp phải hoàn cảnh này.

Khi niềm vui của ngày tuyên khấn lui dần vào quá khứ, khi tôi phải đối diện với những công việc, với những khó khăn của bản thân và khó khăn của đời sống cộng đoàn. Những khó khăn ấy đôi khi đã đánh gục tôi, tôi cảm thấy chán nản và thất vọng về bản thân, vì thấy mình không những không tiến bộ mà hình như ngày càng tụt dốc trên con đường nên thánh. Rồi khó khăn trong đời sống cộng đoàn, những hiểu lầm và những xung đột không mong muốn xảy ra càng làm cho tôi thêm chán chường. Trong cô đơn và thất vọng, đã có lúc tôi kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Con đã đi tìm Chúa lâu thật lâu, nhưng con không thấy Chúa đâu cả?”

Trong những giây phút thinh lặng của giờ cầu nguyện hay những ngày tĩnh tâm, tôi xét mình về chặng đường đã qua và càng thêm nản chí vì những thiếu sót lầm lỗi cũng như sự hời hợt của lòng mình : “Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ, như sức nặng vượt quá sức con.” (Tv 50) Quá khứ của tôi là một thất bại! Tôi đã từng nghĩ như thế cho đến khi tôi nghiệm ra rằng, chính Thiên Chúa đã để tất cả những điều đó xảy ra hầu giúp tôi tin tưởng vào Ngài hơn nữa.

Quả thật, linh mục Boulad đã khuyên chúng ta rằng: “Trước hết, chúng ta cần từ bỏ quan niệm tìm kiếm một sự hoàn hảo không còn một chút lỗi lầm nào...Chúng ta phải học cách phát triển cùng với những khuyết điểm và hạn chế của mình… Chúng ta phải biết chấp nhận điều mình đã là ngày hôm qua: chúng ta phải biết chấp nhận trọn vẹn quá khứ của mình, cùng với những khiếm khuyết và bất lợi…Trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa sẽ luôn luôn đón nhận chúng ta như những người con của Ngài. Ngài đón nhận chúng ta như chúng ta đang là trong giây phút này. Chúng ta là con cái của Chúa. Chúng ta đứng trước nhan Ngài với hai bàn tay trắng và đôi khi giống như đứa con hoang đàng, vấy bẩn và dập nát, kiệt sức và tội lỗi ngập đầu. Nhưng ở bên kia bóng đen đó, chúng ta vẫn là con cái Thiên Chúa.”

Như vậy, quả đúng như xác tín của thánh Phaolo: “Mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28). Tội lỗi tuy xấu xa và đưa đến sự chết, thất bại đôi khi làm chúng ta nhụt chí và chán chường nhưng đó lại là những cơ hội, những phương tiện Thiên Chúa dùng để huấn luyện chúng ta, giúp chúng ta nhận ra lòng thương xót và tình yêu của Ngài. Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài giành cho chúng ta khi để cho Đức Giêsu chịu chết thay cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (x. Rm 5,8).

Thất bại là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, thất bại gây nên nỗi buồn và thất vọng, nhưng đồng thời nó cũng đem lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Điều quan trọng là chúng ta không được thất vọng. Đây cũng là điều Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ chúng ta: “Một trong những cám dỗ nghiêm trọng hơn bóp nghẹt sự nhiệt tình và mạnh bạo là cảm giác thất bại, là điều biến đổi chúng ta thành bi quan bất mãn và thất vọng khi phải đối diện với tình trạng đen tối. Không ai có thể ra trận nếu không nắm chắc phần thắng. Ai bắt đầu mà không có lòng tự tin thì đã thua trước một nửa trận chiến và chôn vùi tài năng của mình. Ngay cả khi với một ý thức đau xót về những giới hạn riêng của mình, chúng ta phải tiến lên mà không lùi bước, và nhớ những gì Chúa đã nói với thánh Phaolo: “Ơn Thầy đủ cho con, vì quyền năng của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9)[1].

“Tất cả đều là ân sủng, tất cả đều sinh ích lợi”, đó là xác tín mà mỗi người chúng ta cần nắm lấy để vững bước trên con đường đến với Thiên Chúa, ngang qua những bổn phận và trách nhiệm nơi ơn gọi Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Trên con đường ấy, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với những khó khăn và thất bại, nhưng tất cả sẽ sinh ích lợi, là ân sủng cho chúng ta.


M. Hạnh Tử

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 85.