7Một chút thần học về tuổi giàIvica Raguž
TÓM TẮT: Lão hoá làm chúng ta đối mặt với tình trạng bị gạt ra bên lề xã hội, sự tôn thờ tuổi trẻ, sự suy thoái thể lý và sự đến gần cái chết. Đức tin giúp chúng ta nhận ra trong những thử thách này không chỉ những cơ hội và thậm chí những phúc lành, mà cả những nguy cơ, giống như những gì xảy đến cho mọi lứa tuổi của cuộc đời.
*
“Như thế, chúng ta được phép nói là có hành trình đi từ tuổi già với các nếp nhăn của nó sang tuổi trẻ, và điều kỳ diệu trong sự đột biến này là ở chỗ, trong khi thân xác biến hoá từ tuổi ấu thơ tới tuổi già, thì linh hồn, nếu đạt sự triển nở của nó, nó đi từ tuổi già tới tuổi thanh xuân” (Origen, Bài giảng về Êdêkien, XIII, 2, 10).
Chúng ta đã rõ: dân số tại Châu Âu đang già đi, và những người thuộc “lứa tuổi thứ ba” có thể sớm chiếm đa số tại đây. Hy vọng sống của con người tăng lên, chủ yếu nhờ các điều kiện sống tốt hơn và các tiến bộ kỳ diệu của y khoa. Hậu quả là người ta sẽ trải qua có thể gần một nửa đời người trước khi đến tuổi được coi là già. Một trong những câu hỏi tế nhị nhất mà tuổi già đặt ra là câu hỏi của thời kỳ cuối cuộc đời với những căn bệnh kinh niên không có thuốc chữa, dẫn đến những tranh luận về phương pháp gây chết không đau (an tử), điểu trị đặc biệt, các khuyết tật tinh thần chứ không chỉ thể chất, v.v… Nhưng lão hoá không chỉ là một sự kiện: nó cũng là một vấn đề xã hội trong một nền văn hoá đề cao tuổi trẻ và coi việc mất tuổi trẻ là một nỗi hổ thẹn.
Cái nhận thức tiêu cực này về tuổi già đè nặng lên hai thời ký đầu của cuộc đời: tuổi trưởng thành và tuổi thơ ấu. Xưa kia, tuổi trưởng thành hay “lứa tuổi thứ hai” có đặc điểm là lập gia đình và có con. Ngày nay, có vẻ như hai thực tế này không còn được mong muốn: người ta không muốn gánh trách nhiệm, càng không muốn già đi; người ta muốn trẻ mãi, như Peter Pan, nghĩa là không phải lấy quyết định nào, nhất là khi những lựa chọn của họ sẽ chi phối tất cả phần còn lại của cuộc đời họ. Cái ý thức hệ “trẻ mãi” này cũng ảnh hưởng tới “lứa tuổi thứ nhất”, vì nếu trẻ trung tự nó là nhân đức tuyệt vời nhất, thì nhu cầu giáo dục và chuẩn bị cho việc lãnh trách nhiệm của tuổi trưởng thành có khuynh hướng biến mất.
Tất cả những điều ấy tạo ra một thách thức rất lớn cho Hội Thánh. Nó luôn luôn gắn liền với việc nâng đỡ những người già, và các nhu cầu thời nay thì quan trọng và cấp bách hơn bao giờ. Những suy tư sau đây sẽ cố gắng tập trung vào những nhu cầu ấy. Trong phần đầu, bài này sẽ nêu lên những khó khăn mà tuổi già đặt ra cũng như một số cách thức bất cập trong việc đối diện với thách thức ấy. Phần tiếp theo sẽ là một tiểu luận thần học về việc già đi, dựa theo Thánh Kinh và Thánh Truyền.
I. Tuổi già và các khó khăn của nó
1. Tuổi già bắt đầu khi người ta nhận ra rằng thời gian sống của họ có hạn, vì thời gian họ còn sống thì ít hơn thời gian họ đã sống qua. Phạm vi của tương lai và tiềm năng nhỏ đi, phạm vi của cái mới và các khả năng đón nhận cái mới bị thu hẹp, ngược với tuổi trẻ luôn mở ra cho tất cả những gì tốt có thể xảy ra. Những người già “sống trong ký ức hơn là trong hy vọng. Vì thời gian sống của họ cứ ngắn dần. Quá khứ căng phồng ra, tương lai teo lại. Chính vì thế họ nói rất nhiều về quá khứ.” Như thế, người ta bắt đầu già đi khi tương lai của họ không còn khiến họ quan tâm đến nữa. Tóm lại, trong khi những người trẻ có cảm tưởng rằng mình còn có quá nhiều thời gian để sống khiến họ không cần nghĩ tới nó, thì những người già biết rằng mình không còn nhiều thời gian, họ cảm thấy ngày đời của họ đã được đếm cả rồi. Theo Jean Améry, trải nghiệm về thế giới và về không gian gắn liền với nhận thức về thời gian, và khi thời gian bị rút ngắn, thế giới và không gian cũng bị thu hệp. Điều này được chứng thực trong sự kiện những người già có khuynh hướng dừng lại ở chỗ họ đang đứng và nhớ những gì đã xảy ra cho họ từ lâu hơn là nhớ những gì vừa mới xảy ra.
Hệ quả là có một cảm giác “xa lạ văn hoá”. Vì người già càng ngày càng ít sống trong hiện tại hơn, họ ngày càng trở nên xa lạ với thế giới xung quanh. Họ không sống “trong thời gian thực” nhưng họ sống với những ý tưởng, những quyển sách và những biểu thị của thời xưa. Khi họ được mở ra cho những hình thái mới nhất, người ta thấy họ luôn luôn bị “lệch pha”, vì họ ngượng nghịu với những thời trang mới này như thể những bộ quần áo này không hợp với họ. Như Jean Améry (một lần nữa) nói rất hay, “không chỉ có thân xác họ – trước kia mang lấy họ còn bây giờ đè nặng họ – mà cả văn hoá của họ cũng là một khuyết tật đối với họ, như một quả tim thoi thóp, một cái bao tử thất thường, hay một hàm răng rụng.” Vì nền văn hoá hiện đại không ngừng đổi mới liên tục, người già ngày càng bị “bỏ lại đàng sau” trong xã hội thời nay.
Thêm vào đó, rõ ràng còn còn một sự đánh giá thấp sự khôn ngoan của những người già lão. Trong các xã hội truyền thống, người già luôn luôn là ký ức của cộng đồng hay gia đình. Ngày nay, các xã hội hoàn toàn hướng tới tương lai và không quan tâm tới kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Đúng hơn, chính những người già phải học hỏi người trẻ, nếu muốn được coi là những người có lý lẽ. Như triết gia người Áo Paul K. Liessmann từng nói, cách duy nhất để người những người già có thể sống còn trong một xã hội hậu-truyền-thống, đó là tiếp tục sống trẻ trung hay có vẻ trẻ trung.
Đây là bi kịch của tuổi già trong thế giới đương đại: người già bị buộc phải ứng xử, suy nghĩ và hành động như người trẻ. Đó là điều được thấy hiển nhiên trong phong cách trang phục. Các phụ nữ―và ngày càng nhiều đàn ông―tìm đến với giải phẫu thẩm mỹ và các phương pháp điều trị lão hoá―nhưng phải nói thật rằng những phương pháp này đem lại những kết quả kém tự nhiên và thậm chí lố bịch. Người già thì vẫn cứ già và các phương pháp nhân tạo ấy chỉ càng làm nổi bật cái già lên. Nhưng tình trạng khó tiếp xúc được được với hiện tại và tương lai khiến họ trở nên bi quan và có phần tiêu cực đối với cuộc sống. Aristốt đã từng thấy rõ điều này: “Vì họ đã sống lâu năm và trong thời gian sống dài như thế họ thường xuyên bị đánh lừa và thường xuyên nhầm lẫn, và vì mọi cái đều không ổn và vượt khỏi tầm với của họ, họ không thấy có điều gì là tích cực và họ hoàn toàn thiếu nghị lực trong mọi sự. Họ trở nên ác độc, vì tính ác độc là do chỉ nhìn thấy cái xấu ở khắp nơi. Họ luôn luôn nghi ngờ, vì kinh nghiệm đã dạy cho họ rằng không nên tin vào bất cứ cái gì.”
2. Khía cạnh thứ hai và cũng là khó khăn của sự lão hoá là sự sa sút các khả năng thể chất. Thân xác ngày càng trở thành một cái khối nặng phải vác và càng ít là một cái lò năng lượng. Jean Améry viết: “Hỡi cái chân khốn khổ, quả tim tức giận, cái bao tử nổi loạn, chúng mày làm tao đau đớn; chúng mày là những kẻ thù của ta. Ta muốn chạm vào chúng mày, chăm sóc chúng mày, cảm thông với chúng mày, và cũng muốn giật chúng mày ra khỏi thân xác ta và thay thế chúng mày.” Thân xác không còn là như trước nữa. Nó mau cảm thấy mệt mỏi. Cả khi nó hết một căn bệnh, nó không còn tìm lại được tất cả sức lực như trước nữa. Cũng có những triệu chứng nho nhỏ: cao máu, các vấn đề về thị giác và thính giác. Trong tính xác thể của mình, con người giống như bị biến đổi: nó vẫn luôn luôn là chính nó, nhưng không còn hoàn toàn là chính nó nữa. Thân xác nó ngày càng kém thích nghi hơn với bên ngoài và rốt cuộc trở nên giống như cái vỏ ốc cứng–nó đã giống như một nấm mồ rồi, như Plato đã từng nhận xét khi sánh ví soma (thân xác) với sema (nấm mồ). Một cách nào đó, thân xác bắt buộc người đến tuổi già phải cắt đứt với thế giới, và trên bình diện này, chúng ta lại thấy được sự “lão hoá văn hoá” đã nhắc đến ở trên: người già không còn sức lực để học hỏi thêm, để mở ra những điều mới; họ cảm thấy mệt mỏi, vỡ mộng.
Sự yếu đuối chung chung này được tỏ lộ một cách đặc biệt, như Cicero từng nhận xét rất đúng trong cuốn De senectute (“Luận về tuổi già”), trong việc ăn uống, nó không còn là niềm vui thú bảo đảm sức khoẻ cho con người nữa. Chúng ta biết rằng một chế độ ăn uống quá dồi dào và quá bổ dưỡng thường làm hại thân xác, nó gây ra chứng khó tiêu và béo phì. Rượu khó được dung nạp hơn: nó gây nhức đầu, tăng huyết áp và giảm khả năng tình dục hơn là ở thời tuổi trẻ. Thân xác cũng khó cảm thấy thư giãn, phục hồi, tìm lại được sức năng động của nó trước kia, bất luận ước muốn và ý chí như thế nào.
Nơi một số người, các giới hạn và suy sụp thể chất này gây ra cái mà Améry gọi là chứng “u sầu tiếc nuối bản thân”. Người già trở nên bị ám cảnh bởi thân thể mình: họ vừa muốn khôi phục nó, vừa đồng thời cũng căm ghét nó. Những tình cảm mâu thuẫn này thường được hoá giải để tạo nên một sự lãnh cảm, dễ làm mồi cho các cơn cám dỗ muốn ăn cao lương mỹ vị và uống rượu mạnh. Nhưng những sự thoả mãn này rất mong manh và chỉ càng làm cho người ta ý thức nhiều hơn về sự già nua và yếu đuối của mình.
Tuy nhiên, có những người khác từ chối để mình bị cuốn trôi theo dòng thời gian, họ làm tất cả những gì có thể để thân xác họ có thể hồi xuân. Điều này đặc biệt đúng trong lãnh vực thể hiện tình dục, nhất là ngày nay khi mà sự xuất tinh được coi như là một quyền lợi và sẽ sớm trở thành qui tắc, thậm chí một bổn phận, nếu người ta muốn sống sung mãn. Từ đó mà đã xuất hiện Viagra và đủ loại thuốc khác. Nhưng điều này chẳng thay đổi được gì đối với cái luật chung là những người trẻ thì không đi tìm những đối tác già trong khi những người già thì vẫn tiếp tục mơ tưởng về những con mồi trẻ. Chắc chắn “chủ nghĩa hồi xuân” không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng này. Nhưng nó ảnh hưởng đến những người đã đi qua tuổi trưởng thành, họ muốn chứng tỏ rằng họ không già bởi vì họ hoàn toàn không mất khả năng tình dục, nhưng như thế là họ đang đánh lừa đối tác của họ, hoặc trở nên bị lệ thuộc những thứ thuốc được cho là có khả năng xoá bỏ dấu vết của thời gian trên thân xác họ.
3. Đặc tính thứ ba và cũng là một thách thức của tuổi già là việc ngưng các hoạt động nghề nghiệp. Đó là cái mà Norberto Bobbio gọi là một sự “loại trừ khỏi bộ máy lao động”. Phải nghỉ hưu khiến cho nhiều người có cảm giác trở thành vô dụng và không còn chỗ đứng trong xã hội nữa. Họ có ấn tượng không còn được người ta tôn trọng. Trong thế giới hiện đại, chỉ những người sản xuất là có giá trị. Những người già bị kết án vào thành phần phi sản xuất, làm những công việc chỉ có tính chiêm niệm, với những cuộc giải trí, những thú tiêu khiển, du lịch, thăm viếng các cuộc triển lãm và các viện bảo tàng, và một chút công việc phụ giúp trông coi các cháu chắt khi cha mẹ chúng yêu cầu.
Chính vì thế một số người già từ chối để mình bị gạt ra bên lề. Họ không muốn xoá bản thân mình trước người trẻ và họ cố hết sức duy trì các địa vị của mình. Hoặc họ tìm hết cách để tiếp tục làm việc như trước kia, khiến họ có thể bị kiệt sức, trầm cảm và suy sụp thể chất.
4. Khía cạnh thứ bốn đè nặng trên tuổi già là ý thức mình đang đến gần cái chết. Người trẻ không sợ chết và rất ít khi nghĩ đến cái chết, cả khi họ bị ốm nặng. Họ có những hành động liều lĩnh mà không sợ có thể mất mạng vì những hành động ấy. Trái lại, người già cái gì cũng sợ, dù chỉ là một chứng bệnh nhẹ, họ lo sợ nó là khởi đầu dẫn họ đi tới cái chết. Những nỗi sợ này càng mạnh hơn khi họ phải sống trong cảnh sống cô đơn, nhất là nếu người vợ hay chồng hay bạn bè đồng trang lứa của họ chết hay sức khoẻ kém. Khi mở báo ra đọc, mục đầu tiên họ tìm đến là các bản cáo phó và các thông tin về những người mới qua đời.
Nơi nhiều người, nỗi sợ chết khơi dậy sự oán giận và ngờ vực, thậm chí một sự căm ghét đối với những người trẻ mà họ cho là sống vô lo. Sự căm ghét này có thể khiến tiếng cười cũng bị họ ghét lây, họ cho rằng sự vui thú của người khác là một sự ngạo mạn và đe doạ: “Những người già cũng có lòng thương xót giống như những người trẻ, nhưng không phải vì cùng một lý do. Nơi những người trẻ, đó là do tình liên đới nhân loại. Nơi những người già, đó là do sự yếu đuối, vì họ nghĩ rằng mình sắp sửa phải chịu đủ những thứ đau khổ. […] Chính vì thế những người già thường hay phàn nàn và không thích những trò đùa hay những tiếng cười. Khuynh hướng oán trách thì đối nghịch với cái thích thú của tiếng cười.” (Aristốt).
Hơn nữa, nỗi sợ chết khiến người già thường qui hướng vào bản thân họ và những nỗi khốn khổ của họ, khiến họ trở thành những người mắc bệnh tưởng và không quan tâm đến người khác. Người già cũng dễ rơi vào tính hà tiện, vì tiền bạc tạo cho họ đôi chút an toàn. Cicero và Montaigne từng nhận xét rằng người già có thể quên rất nhiều chuyện, nhưng không bao giờ quên chỗ họ cất giấu tiền.
Ở đây, rất đáng để trích dẫn lại một lần nữa Jean Améry khi ông nói về cái mà ông gọi là “tuổi xã hội”. Tuổi già bắt đầu khi người ta trở thành một “hữu thể sở hữu”. Có nghĩa là khi sở hữu một bất động sản, một gia đình, khi vui hưởng thành công và danh giá của mình, người ta được định nghĩa bởi cái mà họ sở hữu. Xã hội nhận ra người ta bởi cái họ có và bản thân họ tự giam hãm mình trong những cái họ đã chiếm được cho mình. Khi ấy họ bị mắc kẹt vào trong cái guồng máy bộc lộ sự lão hoá của họ, bởi vì nếu họ không còn “là” cái mà họ “có”, họ cố bám víu vào nó và luôn luôn muốn có nhiều hơn trong khi cảm thấy rõ rằng nó không đủ để bảo đảm họ “là” như thế vĩnh viễn. Cũng phải nói thêm rằng cùng một cơ chế này cũng diễn ra nơi những người chưa già mấy, nó làm cho họ già đi trước tuổi.
Sau cùng, nỗi sợ chết làm cho nhiều người già trở nên vô cảm đối với hiệu ứng mà họ tạo ra nơi những người khác khiến họ thờ ơ trước những phản ứng của người khác. Như thế họ có thể trở nên dễ cộc cằn và cũng không còn quan tâm đủ đối với chính bản thân họ, khiến họ khó sống chung với những người thân cận.
Còn có thể nghiên cứu những khía cạnh khác nữa của tuổi già, nhưng những khía cạnh trên đây đã đủ cho thấy rằng giai đoạn cuối này của cuộc đời thì khác với các giai đoạn trước và có thể là một thời kỳ khó hiểu của sự thất vọng và đau khổ của tinh thần chứ không chỉ là của thân xác. Và Sách Thánh đã không bỏ quên những thử thách như thế: “Người trẻ nghèo mà khôn thì hơn ông vua già mà dại vì không còn biết đón nhận lời khuyên” (Gv 4, 13). “Nhưng cũng có ba hạng người tôi gớm ghét, và không chịu nổi lối sống của họ: nghèo mà kiêu, giàu mà gian trá, già đầu mà ngu, còn đi ngoại tình. Còn trẻ mà con không lo dành dụm, về già lấy đâu ra mà có?” (Hc 25, 2-3). Bây giờ, dựa trên bốn điểm vừa thảo luận, chúng ta bước sang phần trình bày về cách thức mà đức tin Kitô giáo hiểu về tuổi già và đâu là những nguồn lực mà đức tin cống hiến cho chúng ta để làm cho tuổi già mang ý nghĩa nhờ ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.
II. Sống tuổi già trong tư cách Kitô hữu
1. Chúng ta đã thấy đặc tính đầu tiên của tuổi già là sự nhận thức rằng quá khứ lấn lướt tương lai: tương lai ngắn đi trong khi tuổi già dài ra. Đó là lý do tại sao người già có nguy cơ chỉ sống trong thời gian đã qua sau lưng họ và tự mình đóng chặt cửa trước mọi tương lai, mọi cái mới. Thế nhưng trong Kitô giáo, tuổi già không phải là kết thúc của mọi sự. Đương nhiên nó là một điểm cuối, nhưng nó cũng là một sự khởi đầu mới: nó cho phép một sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.
Do đó, đối với người Kitô hữu, tuổi già không phải là sự buông xuôi vì không còn gì lớn lao để mong chờ, nhưng là thời kỳ của hy vọng, của sự mở ra cho một cái gì “sẽ đến”: Thiên Chúa đến tìm kiếm họ. Khác với những người không có đức tin than thở và nuối tiếc những gì họ đã sống qua (Norberto Bobbio), người tín hữu không buồn rầu rơi vào khoảng hư vô muốn nuốt chửng họ, vì họ biết rằng một Ai Đó―Đức Giêsu Kitô―đã lên đường đi gặp họ rồi. Như thế, tuổi già xuất hiện như là thời gian mà viễn tượng sớm được kết hợp với Chúa kích thích niềm hy vọng. Chắc chắn rồi, niềm hy vọng này nuôi dưỡng sự sống của mọi lứa tuổi cuộc đời, nhưng tuổi già làm sâu sắc ý thức rằng chỉ có sự kết hợp với Chúa Kitô có thể chúc lành cho sự hiện hữu, tạo cho nó ý nghĩa và cứu nó khỏi chìm trong cõi hư vô.
Sự thật này được phản ánh trong sự hiểu biết về thời gian. Đối với mọi Kitô hữu, chứ không chỉ riêng những người lớn tuổi, thời gian là có hạn, như lời Thánh Phaolô: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7, 29-31). Trong sự hiện diện của Đức Kitô, thời gian bị rút ngắn lại và được sống một cách như lúc khởi đầu. Như Thánh Phaolô diễn tả điều này khi ngài xin các tín hữu sống “như thể là…”, người Kitô hữu được kêu gọi cắt nghĩa lại những thực tại của thế gian này. Không đòi họ trốn tránh thế gian, nhưng sống như thể là đã trải nghiệm được ơn giải thoát nhờ Đức Giêsu Kitô, đã khám phá ra rằng, nếu ai tin vào Người, họ không còn phải nô lệ những năm dài khắc nghiệt trôi qua, và họ đang sống trong một thời gian khác, được cai quản bởi đức tin, đức cậy và đức mến, các nhân đức này phá vỡ dòng chảy tuyến tính của thời gian vốn không thể đảo ngược và dẫn đến huỷ diệt.
Nếu thời gian bị biến đổi như thế, không có nghĩa là nó đã bị xoá bỏ rồi, nhưng có nghĩa là đức tin giúp chúng ta chuẩn bị cho bước nhảy để đến gặp Đức Kitô diện đối diện. Trải nghiệm Kitô giáo về thời gian có hạn là ý thức rằng Chúa đã gần rồi và sự cấp bách của việc tiếp đón Người và được kết hợp với Người. Đây không phải là chuyện tiếc nuối quá khứ một cách vô ích vì không còn có thể làm những dự án to lớn, nhưng là mở ra cho tương lai cuối cùng: sự hoàn thành ý định của Thiên Chúa và việc Nước Thiên Chúa đến.
Như thế, sự kiện “thời gian có hạn” đối với mỗi người không phải là điều làm cho chúng ta cảm thấy nặng nề. Trái lại, nó có nghĩa là chúng ta không còn lệ thuộc vào thời gian đang hoạt động trong thế giới. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ sôi động mà ở đó thời gian có vẻ như tăng nhanh đến độ rốt cuộc chúng ta quên mất nó và có cảm giác rằng chỉ có thời gian hiện tại là đáng kể, thì những người Kitô hữu lớn tuổi lại đang sống một thời gian có vẻ như chậm lại, ở đó các biến cố và những con người có một ý nghĩa khi được đặt vào trong viễn cảnh của một mối quan hệ đã có thể có với Đức Kitô trong khi chờ đợi Người trở nên “mọi sự trong mọi người” (1 Cr 15, 28).
Nhận thức này về thời gian như là nơi mà từ đó chúng ta “nhảy” vào trong niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ cứu độ với Đức Kitô, nhận thức ấy giúp những Kitô hữu lớn tuổi không bi kịch hoá sự suy yếu của họ do tuổi tác, không coi nó như một sự suy sụp hay thất bại. Họ không cần phải ra vẻ là còn trẻ với bất cứ giá nào, như yêu cầu của nên văn hoá đương đại hay nền triết học xa lạ với đức tin (ví dụ, triết học của Paul K. Liessmann). Họ cũng không bị đe doạ nhiều hơn bởi vì bị xếp vào loại những người già vô dụng trong lãnh vực văn hoá và nghề nghiệp, vì thời gian trôi đi, nếu nó làm cho họ suy giảm, nó lại giúp họ đến gần hơn cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng vượt lên trên mọi cái mới mẻ ở thế gian này.
Họ có thể một cách thanh thản nhìn nhận rằng có nhiều chuyện đang vĩnh viễn vượt khỏi tầm với của họ, vì họ đang học để luôn luôn sống đức tin ngày một thâm sâu hơn và khám phá ra ngày càng tốt hơn rằng đức tin không phải là một sự hiểu biết giúp tiếp thu mọi sự trên trái đất này, nhưng đòi hỏi sự tin tưởng ngay cả trong sự ngu dốt nhưng không hề có một mặc cảm nào. Bởi vì, như Thánh Phaolô xin họ, họ phải tránh sống hùa theo thế gian này: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12, 2). Đối với mọi Kitô hữu―bất luận ở tuổi nào, và đặc biệt đối với những người lớn tuổi hơn―họ phải là người đương thời của Đức Kitô. “Tính chất đương thời” ấy giả thiết một sự lùi lại để phê phán về văn hoá xung quanh. Sự khôn ngoan của tuổi già Kitô hữu chống lại yêu sách của xã hội này muốn họ phải là đương thời với “văn hoá hiện đại”.
Hơn nữa, trong tuổi già Kitô hữu không có chỗ cho thái độ bi quan, không có chỗ cho cảm giác rằng mọi cái xưa kia đều tốt hơn và mọi cái đang đi từ xấu đến tệ hại hơn. Không có nghĩa là tuổi già không đặt ra vấn đề gì. Giống như mọi thực tại nhân loại, nó được đặt dưới dấu hiệu của Thập Giá. Có nghĩa là kinh nghiệm về sự tối tăm, bị bỏ rơi, bệnh tật, đau khổ và lo âu là những điều không tha cho người tín hữu. Họ biết rằng tuổi già dẫn đến cái chết và cái chết là hậu quả của tội lỗi. Nếu không có cuộc Sa Ngã, con người sẽ sống tới một tuổi thọ rất cao, không chết, cho tới lúc Thiên Chúa đưa họ về với Người. Chẳng hạn, “tổng cộng ông Kha-nốc sống được ba trăm sáu mươi lăm năm. Sau khi đi với Thiên Chúa, ông không còn nữa, vì Thiên Chúa đã đem ông đi.” (Kn 5, 23-24 và Dt 11, 5). Vậy mà người Kitô hữu có thể, đặc biệt khi đi đến cuối cuộc đời mình dưới dấu hiệu Thập Giá, “đi với Đức Kitô” và khi ấy làm cho những ngày tuổi già của mình thành thời gian của hy vọng.
Niềm hy vọng này phải được thông truyền, nó loại trừ mọi cảm giác cay đắng và hoài nghi khi đối diện với các thế hệ trẻ hơn. Các Kitô hữu ở lớp tuổi già và rất già có một điều quí giá để cống hiến, đó là niềm hy vọng được gặp Đức Kitô và trong Người, gặp tất cả các thánh và mọi người thân yêu của họ. Nếu con người ngày nay không còn gốc rễ và mục đích sau cuộc sống tạm vắn vỏi này, thì người tín hữu đang già đi được kêu gọi để cho mình tìm lại được những điều ấy trong niềm hy vọng giải thoát họ khỏi thói kiêu ngạo vì cái họ đã đạt được, đồng thời cũng giải thoát họ khỏi thái độ buồn sầu vì biết rằng mình không thể giữ lại được nó mãi mãi. Sự mới mẻ của Đức Kitô mở toang sự chọn lựa bằng cách làm sáng chân trời, ghi khắc hiện tại vào lịch sử từ lúc khởi nguồn tới lúc hoàn thành của nó. Nó cũng xô đổ tính cao ngạo tự nhốt mình trong tính tự mãn mù quáng cũng như tính bi quan nhìn thấy mọi sự đều dẫn tới hư không. Chỉnh kinh nghiệm là cái mà các Kitô hữu được kêu gọi thực hiện và chia sẻ bằng việc sống tuổi già trong niềm hy vọng, nghĩa là không ảo tưởng cũng không sợ hãi.
2. Về khó khăn thứ hai gắn liền với tuổi già, sự suy nhược của thân xác, chúng ta đã vạch ra rằng nó đòi hỏi sự từ khước các lạc thú. Vì những thứ này không thể tách rời các mối quan hệ xã hội, nguy cơ ở đây là sự cô độc. Tuy nhiên, một số người sau khi nghỉ hưu thì vẫn muốn “tận dụng cuộc sống” bao có thể. Họ gia tăng các cuộc đi chơi và các buổi dạ hội, thường nhậu nhẹt bí tỉ, dẫn dến kết quả là sức khoẻ bị tổn hại. Những đòi hỏi tình dục cũng vẫn còn có thể tạo ra các vấn đề: những mối tình không có tương lai làm hại gia đình và tình bạn, đồng thời có thể huỷ hoại nhân cách. Chúng ta có thể thấy nguyên mẫu của chuyện này nơi hai lão kỳ mục đồi bại tìm cách quyến rũ bà Suzana (Đn 13).
Nhưng sự mất sinh lực nơi những người già cũng có thể và phải là một cơ hội để sống một nếp sống đơn sơ hơn và lành mạnh hơn. Đó là một điểm đã được Cicero nhấn mạnh trong quyển De senectute (“Luận về tuổi già”): sự thống trị của các thèm muốn không chỉ làm hại sức khoẻ thể chất, nó cũng ảnh hưởng tới đời sống nội tâm hay thiêng liêng và người ta thấy mình bị què cụt. Các nhu cầu giảm đi giúp người ta trở nên suy tư hơn, chiêm niệm hơn, khám phá những thực tại ít rõ ràng hơn, ít hiển nhiên hơn, nhưng sâu xa hơn và quyết định hơn. Như thế, sự khôn ngoan do tuổi tác cung cấp không hệ tại việc khinh dể thân xác, nhưng là chứng thực rằng việc chăm sóc thân xác, ở bất cứ giai đoạn phát triển tự nhiên nào của nó, thì không thể tách rời với việc chăm sóc linh hồn và làm chứng về linh hồn.
Vì thế, sự mở ra với thực tại siêu việt, mối quan hệ với Thiên Chúa và việc cầu nguyện đúng nghĩa, là những điều cần thiết cho sự cân bằng của con người và cho sự sung mãn nhân tính. Chúng ta biết câu châm ngôn được đề nghị bởi Juvenal một thế kỷ sau Cicero: Mens sana in corpore sano, (“Tinh thần khoẻ mạnh trong thân xác khoẻ mạnh”). Nhưng cũng đừng quên ba từ đi trước câu này vào tạo tất cả ý nghĩa cho nó: Orandum ut sit… (“Phải cầu nguyện để…”). Để có “một tinh thần khoẻ mạnh trong một thân xác khoẻ mạnh”, phải cầu nguyện (tiếng latinh là orare). Đó là linh đạo làm lành mạnh một cách nào đó cái thân xác suy yếu bởi tuổi tác và làm cho cuộc đời luôn luôn đáng sống.
Đàng khác, Cicero nhấn mạnh tầm quan trọng của convivium (“sự đồng bàn, sự cùng chia sẻ”), các bạn bè tập hợp quanh bàn ăn, ở đó ăn uống là những phương tiện hay khung cảnh chứ không phải là mục đích. Trên thực tế, đồng bàn là một mối quan hệ hỗ tương đặt nền trên những trao đổi đích thực và đòi hỏi người ta ra khỏi cái tôi của mình để lắng nghe người khác và cũng để trao ban cho người khác. Những cuộc trò truyện vẫn sẽ là hời hợt nếu người ta chỉ tìm kiếm ở đó sự đồng thuận hay tránh những bất đồng. Chính vì thế mà đa số những cuộc tụ tập gặp gỡ không tạo chỗ cho sự trao đổi đích thực. Người ta tìm cách giành lấy phần hơn cho mình từ người khác, tìm một lợi ích nào đó từ người khác hay lợi dụng cơ hội để tô vẽ hình ảnh của mình. Đối với Cicero, tuổi già làm giảm những nhu cầu của thân xác và giải phóng khỏi mối lo về công việc, tạo điều kiện để những người già có thể có một sự đồng chia sẻ đích thực, những sự trao đổi hỗ tương giúp tạo ra và đào sâu tình bạn, và nhất là làm triển nở nhân tính.
Sự hiệp thông, cùng nhau chia sẻ lại càng quan trọng hơn đối với người Kitô hữu. Trong suốt cuộc đời mình, và đặc biệt càng cấp bách hơn vào lúc tuổi già, người Kitô hữu được kêu gọi sống kết hợp với Đức Kitô trong những trao đổi trong kinh nguyện và tại bàn tiệc Thánh Thể. Đây là điều được Thánh Phaolô nói tới khi ngài viết: “Cho nên, chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới (2 Cr 4, 16). Ở đây chúng ta thấy rằng “con người bên ngoài” không bị sa sút khi về già, nhưng vẫn sung mãn nhân tính nếu nó tiếp tục sống tinh thần “cùng chia sẻ”, nghĩa là sống trong mối quan hệ trao đổi qua lại vừa thiêng liêng vừa cụ thể với Thiên Chúa.
Khía cạnh hiệp thông cụ thể cũng như nội tâm này có một giá trị đặc biệt ngày nay khi mà thân xác không còn tìm được chỗ đứng của nó trong thế giới ảo của các công nghệ truyền thông mới. Chính bằng cách sống trong khung cảnh cùng chia sẻ như thế, những người già có thể dự phần vào các cuộc trao đổi đích thực, không chỉ giữa họ với nhau và không chỉ nghe những người trẻ nói, nhưng chính họ cũng nói về mình với những người trẻ. Trong những cuộc trò chuyện như thế, không ai dạy bảo người khác, đúng hơn, chính sự khôn ngoan chia sẻ bài học của nó.
3. Về thách thức thứ ba của tuổi già, nghĩa là việc phải ngưng các hoạt động “sản xuất”, đức tin Kitô hoàn toàn không kêu gọi người ta sống thụ động hay ngưng hoạt động khi họ còn sức lực. Chúng ta nhớ lời cảnh giác của Đức Kitô: “Nếu ngươi tự nhủ lòng mình: ‘Hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’” (Lc 12, 19-20). Lời dạy này của Đức Kitô có giá trị cho mọi lứa tuổi của cuộc đời, nhưng đặc biệt cho lứa tuổi già. Không tốt nếu người ta để mình rơi vào tình trạng ăn không ngồi rồi viện cớ rằng mình không buộc phải làm việc nữa. Ở đây chỉ cần noi gương của Cicero, một người ngoại đạo: ông bắt đầu học tiếng Hi Lạp khi đã ở giai đoạn cuối đời, và Thánh Augustinô đã xác nhận điều này như là một nguyên tắc.
Điều hiển nhiên là người đến tuổi già được kêu gọi làm việc tuỳ theo mức độ các khả năng họ còn có được, cho dù các khả năng này sẽ suy yếu dần từng bước. Ở đây có lẽ cũng nên nhìn nhận giá trị ý tưởng của Cicero rằng chăm sóc súc vật và làm vườn là những công việc rất có ích cho người già. Trên thực tế, việc tiếp xúc với thiên nhiên cho chúng ta hiểu ra rằng sự chết không thể tách rời khỏi sự sống, và nó cho phép một sự tái sinh. Đây là điều Đức Giêsu đã nói khi Người nói về hạt lúa mì rơi xuống đất phải chết đi để mang nhiều bông hạt (Ga 12, 24). Điều này cũng liên quan tới sự sống vĩnh cửu: để phục sinh, phải suy yếu và chết đk…
Người Kitô hữu luôn luôn được kêu gọi sống theo cách phù hợp với tuổi của mình, dù là ở tuổi nào. Vì thế tuổi già mời gọi họ chấp nhận rằng họ không còn khả năng làm một số hoạt động nhất định, kể các các hoạt động đáng mong ước. Và có lẽ điều này càng dễ dàng đối với họ khi họ biết rằng phẩm giá của họ không dựa trên dáng vẻ của “con người bên ngoài”―không dựa trên địa vị xã hội của họ―nhưng dựa trên thái độ bên trong của họ, dưới cái nhìn của Thiên Chúa, mà theo Người, mọi con người, từ đứa bé mới sinh cho tới người già lão, bất luận họ có ích cho xã hội hay không, họ đều được kêu gọi để trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa. Giai đoạn xế bóng cuộc đời giúp chúng ta ý thức nhiều hơn về tầm quan trọng của việc suy niệm và chiêm ngắm, và nhận ra đó là hoạt động có tính quyết định để đạt sự sung mãn của nhân tính, hơn cả những hoạt động mang lại những hiệu quả có thể dễ dàng đo lường được.
Điều này đặc biệt đúng với thời đại chúng ta khi mà sự thành công được đánh giá dựa trên những kết quả “khách quan”, và vì thế phụ thuộc vào một điều gì khác. Tuổi già khuyến khích sự mở ra cho những gì mà ta không thấy được một lợi ích trước mắt, vì thế nó có thể là nguồn mạch của sự khôn ngoan mà toàn thể xã hội cần có để nhận ra chân lý giấu ẩn dưới bề mặt của sự náo động.
Tuy nhiên, không thể từ đó mà kết luận rằng tuổi già sẽ tự động giúp người ta đạt đến một sự thanh thản thiêng liêng và tôn giáo, điều mà người ta không đạt tới được khi còn đang ở tuổi trưởng thành với những sự sôi động của nó. Kết luận như thế là ngộ nhận về thực tại của đời sống đức tin; đời sống đức tin không phải là hoàn toàn nghỉ ngơi. Trên thực tế, nó đòi hỏi chiến đấu chống lại sự xơ cứng của các thói quen, biết nhìn nhận tội lỗi mình và chấp nhận những sự từ bỏ cần thiết để kết hợp với Thiên Chúa. Ai tưởng rằng niềm vui đức tin sẽ đến (hay sẽ trở lại) với mình khi về già mà không phải cố gắng gì, người ấy lầm to và sẽ cảm thấy hoàn toàn vỡ mộng. Bởi vì thân xác và tinh thần gắn liền với nhau, sự sa sút thể chất có thể dẫn đến sự huỷ hoại một đức tin đã bị suy yếu từ thời thơ ấu. Vì vậy không ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người già rời xa Hội Thánh: Họ khó có thể thu gặt được những gì mà họ đã không vun trồng từ lâu, thậm chí đã không bao giờ gieo trồng chúng. Chắc chắn sự chiêm niệm và đức tin có thể luôn luôn diễn ra nhờ ân sủng thuần tuý, một cách vô điều kiện. Nhưng để những điều này triển nở ở tuổi già, tốt hơn chúng đã phải luôn luôn được thực hành trước đó, trong mọi mức độ mà hoàn cảnh cho phép. (x. Hc 25, 3: “Còn trẻ con không lo dành dụm, về già lấy đâu ra mà có?).
4. Đặc tính thứ bốn và cuối cùng của sự tuổi già là chuẩn bị cho cái chết. Đối với người Kitô hữu, đó có thể gọi là thời khắc của sự thật: thời khắc của hành vi tự do cuối cùng của một người trước khi chịu phán xét về các hành vi, lời nói, tư tưởng và các sự thiếu sót của mình. Như vậy, tuổi già hiểu như là ars moriendi (“nghệ thuật chết”) là một lời mời gọi mỗi người xem xét lại toàn bộ cuộc đời mình và nhìn nhận những tội lỗi của mình để phó thác mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Sẽ là vô ích khi dựa vào những nhân đức mình có như một quyền lợi để được hưởng ơn tha thứ và xoá bỏ thực tế những lầm lỗi của mình. Cái có giá trị là sự phó thác bản thân, sự hoán cải ngày càng triệt để hơn để làm cho mình sẵn sàng được hưởng một hạnh phúc mà mình không đáng hưởng, và không một lỗi lầm nào có thể làm cho mình mất hạnh phúc ấy miễn là mình biết ăn năn hối hận về nó, vì tình yêu hơn là vì sợ. Đó chính là cách mà các ông Ápbraham, Môsê cho tới ông Simon Phêrô đã trở thành những vị thánh thực sự trong những ngày xế bóng cuộc đời của họ.
Về phương diện này, Teilhard de Chardin đã nêu lên một sự phân biệt rất thú vị giữa “những cái thụ động của sự tăng trưởng” và “những cái thụ động của sự sa sút”. Cả hai thứ này là thành phần của thực tại nhân sinh. Những cái “thụ động của sự tăng trưởng” là những tiến bộ đạt được nhờ các nguyên nhân bên ngoài chứ không phải nhờ ý chí. Những cái “thụ động của sự sa sút” là hậu quả của những hiện tượng gây nên những mất mát, giảm sút, và có thể đến từ bên ngoài―như những vi khuẩn, virút và những tai nạn ảnh hưởng đến thân xác―, hay là đến từ bên trong―ví dụ, những sa sút thể chất và tinh thần xuất hiện với tuổi tác. Những sự sa sút này dẫn đến cái chết. Theo Teilhard, những cái “thụ động của sự sa sút” giúp cho người Kitô hữu biết phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa: “Chiến thắng vĩ đại của Đấng Tạo Dựng và Cứu Chuộc […], đó là đã làm biến đổi thành nhân tố tác sinh cốt yếu những gì tự nó là một năng lượng phổ quát của sự sa sút và mất mát. Có thể nói, Thiên Chúa phải chọc thủng chúng ta, làm chúng ta ra trống rỗng, để tạo một chỗ cho Người. Để chúng ta được đồng hoá với Người, Người phải nung chảy chúng ta, phá vỡ các phân tử của hữu thể chúng ta.” Đây là một sự khôn ngoan khó được nhận ra trong thời đại chúng ta, nhưng chắc chắn sứ mạng của các Kitô hữu trong tuổi già hôm nay là phải nêu gương và cống hiến sự khôn ngoan này hơn bao giờ hết.
Như Cicero đã thấy rất đúng, việc chấp nhận trong tuổi già những cái “thụ động của sự sa sút” cống hiến cho chúng ta một sự thanh thản, một sự dịu ngọt khơi dậy lòng nhân từ khoan dung. Khi cái chết đến gần, nó mời gọi chúng ta tập trung vào điều gì là quan trọng nhất, vào điều gì sẽ tồn tại: tình yêu dành cho đồng loại và nhận được từ đồng loại, tình yêu nhận được Thiên Chúa ban tặng và phải được dâng lại cho Người. Đó là một sự từ bỏ mà không khinh dể thế giới này. Cicero còn nói rằng phải rời bỏ cuộc đời này như rời một quán trọ, không phải như bị đuổi ra khỏi nhà của mình. Đối với mọi Kitô hữu chứ không phải chỉ riêng đối với những người già, cuộc đời này là một chỗ qua đường, vì “quê hương của chúng ta ở trên trời”, như lời khẳng định của Thánh Phaolô (Pl 3, 20).
Khi biết vượt qua nỗi ám ảnh của những gì mình “có”, mình “sở hữu”, các Kitô hữu lớn tuổi không còn bị lệ thuộc những qui luật của sự thành công xã hội hay bị trói buộc bởi thói xu thời, làm những dự án hầu giữ được một chỗ đứng trên thế gian này. Họ là những con người tự do để “hiện hữu”, để đi vào trong sự sống của Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14, 6).
Kết luận
Tân Ước cho chúng ta những mẫu gương của ông già Simêon và nữ tiên tri Anna (Lc 2, 25-38). Ông Simêon là người “công chính và sùng đạo, hằng mong chờ niềm an ủi của Ítraen.” Còn bà Anna “hằng ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”. Và họ đã được ẵm trong tay mình Đấng họ mong đợi với một niềm tin tưởng xem ra có thể là ngây thơ và vẫn còn là ngây thơ, vì họ mới chỉ được nhìn thấy và chạm vào một đứa bé. Nhưng họ có thể được coi là những mẫu gương của tuổi già Kitô hữu. Có một điều gì đó thật đúng trong câu ngạn ngữ nói rằng người già trở thành giống như trẻ thơ. Trong tình trạng ngày càng phải lệ thuộc nhiều hơn, tuổi già cho phép người ta tìm lại được sự tươi tắn, hồn nhiên vô lo, tinh thần cởi mở và sự tự do của thời kỳ tuổi thơ trước khi bị đè nặng bởi những hoạt động và lo âu khi bước sang tuổi trưởng thành.
Vì muốn xoa dịu những hiệu quả khó chịu của tuổi già, người ta thích quan niệm tuổi trẻ như là lý tưởng duy nhất sẽ mất đi và rồi được trả lại vào cuối đời. Tuy nhiên, quan niệm như thế là sai lầm. Bởi vì người ta cũng có thể lý luận rằng, nếu tuổi già giúp người ta đến gần Thiên Chúa, người Kitô hữu phải sống như người già ngay từ lúc mới sinh và tiếp tục sống như thế. Trên thực tế, chúng ta phải vừa trẻ vừa già trong suốt hành trình cuộc đời của mình ở trần gian này. Đây là điều đã được Thánh Augustinô tóm tắt khi ngài viết: “Tuổi già hãy nên giống với tuổi thơ và tuổi thơ hãy nên giống với tuổi già, nghĩa là khôn ngoan thì hoàn toàn không được kiêu ngạo, và khiêm nhường không được thiếu khôn ngoan.”
Sống tuổi già trong đức tin và đức cậy là một phúc lành cho xã hội và cho thế giới. “Người cao niên phán đoán, bậc lão thành chỉ bảo, thật đẹp đẽ biết bao! Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào! Giàu kinh nghiệm là triều thiên cho hàng bô lão, lòng kính sợ Ðức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài” (Hc 25, 4-6).
Ivica Raguž, phụ trách biên tập bản tiếng Croatia của Communio, dạy thần học tín lý tại phân khoa thần học Djakovo, Đại Học Josip Juraj Strossmayer ở Osijek (Croatia).
Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019
Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021
Mời tải file PDF: