Sống tuổi già trong tin tưởng và niềm vui (6)- Dịch giả: Lm.Đaminh Ngô Quang Tuyên

Lan Mary

 




6
Các phương tiện trong tầm tay
Nicolas Aumonier

TÓM TẮT: Tuỳ hoàn cảnh, có thể có ít là hai cách sống tuổi già theo tinh thần Kitô giáo: tìm cách duy trì các khả năng của chúng ta, hay quyết định vượt qua chúng. Không tính sự đau khổ. Sự yếu đuối và đau khổ này, nếu đến với chúng ta, nó có sức giải phóng và thánh hoá.

Ông ngoại tôi có một bà chị họ qua đời năm 2005, thọ một trăm tuổi. Bà lúc nào cũng vui tươi, nét mặt luôn luôn chăm chú. Một hôm, khi mẹ tôi giận vì bà đi xe buýt đến thăm mẹ tôi, bà nói với mẹ tôi: “Cháu yêu của dì, hôm nay dì làm điều hôm qua dì đã làm, để ngày mai dì vẫn có thể làm được như thế”. Là vận động viên đẳng cấp, bà dì lớn tuổi này biết được cái giá và nhân đức của sự luyện tập mà nếu ngưng lại, các khả năng sẽ mất vĩnh viễn. Ở đây, chỉ trong một câu duy nhất, tất cả đã được nói ra về mối đe doạ của sự mong manh nếu việc luyện tập bị cắt đứt. Bền bỉ luyện tập một khả năng hằng ngày nối kết khả năng hiện tại với các khả năng trước đó và sau đó. Kỷ luật hằng ngày là một hành động liên tục đặt ý chí vào tâm điểm của thời gian tôi đang có. Về mặt siêu hình, thời gian được hiểu ngầm như là một hành động liên tục, hành động của ý chí của tôi, để phục vụ ý Thiên Chúa. Khi mà tính lười biếng thông thường, nỗi thất vọng hay sự mệt mỏi luôn luôn rình rập, thì có thể là điều tốt nếu nhắc lại những nhân đức của một kỷ luật sống cho phép chúng ta tiếp tục hướng về tha nhân.

Nhưng dòng đời chúng ta không đi theo đường thẳng; một tai nạn, một sự mất khả năng không thể đảo ngược có thể tạo ra một sự đổ vỡ mà từ đó không gì có thể trở lại giống như trước nữa. Thông thường, phản xạ đầu tiên của chúng ta là cố gắng phục hồi hoàn toàn hay một phần khả năng đã mất. Nhờ sức mạnh ý chí, có một số người thành công khôi phục được tiếng nói sau khi bị ngưng mạch máu não hay bị thiếu máu cục bộ nhất thời. Đôi khi, có những trường hợp không phải là khôi phục tiếng nói bằng các phương pháp thông thường như trước, nhưng bằng cách phát minh ra một cách phát biểu bằng những phương tiện mới mà họ có. Một linh mục tuyên uý cho nhà hưu dưỡng của các nữ tu ở Chambéry, đã vui vẻ nói rằng ông đã học được ở đây nhiều hơn tất cả những gì ông đã học được trong suốt thời gian phục vụ thừa tác vụ trước đó. Ông nói rằng cuộc sống rất khó khăn cho những ai sống trong sự mong chờ phục hồi được khả năng đã mất vĩnh viễn. Đó là một cách sống trong quá khứ, và rốt cuộc không phải là sống gì cả. Ngược lại, nếu một người đã bị sa sút ít nhiều không thể hồi phục, nhưng sống với những phương tiện mình hiện có trong tầm tay, không cố khôi phục bằng mọi cách những gì đã bị mất mà không thể lấy lại được, nếu người ấy quyết định hướng tới tương lai chứ không phải quá khứ, người ấy vẫn có thể sống đời mình một cách sung mãn: yêu thương, với những sức mạnh của sự sống họ hiện có, chứ không phải bàn luận dài dòng về những khả năng họ vừa bị mất.

Có vẻ như đó là điều viết ra thì dễ hơn là sống, nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải ước muốn một kỷ luật có thể còn quyết liệt hơn cả việc hôm nay làm cái đã làm hôm qua để vẫn còn có thể làm nó ngày hôm sau. Vì vậy, điều quan trọng là tiếp tục, nghĩa là giữ vững sự duy nhất của con người chúng ta bằng cách thu tóm nó lại dưới sự phát minh ra tính duy nhất luôn luôn mới mẻ của cuộc đời chúng ta. Sự thu tóm này, chính Đức Kitô từng giây từng phút thực hiện nó nơi chúng ta. Đó là lý do tại sao đối với chúng ta, sống chính là Đức Kitô, không chỉ cho mọi lứa tuổi, nhưng có lẽ càng đúng hơn khi sức lực chúng ta bước vào thời kỳ sa sút. Khi sức lực chúng ta giảm đi, cố gắng sống của chúng ta tăng lên để tập trung vào điều cốt yếu của một cuộc đời: đáp lại Đức Kitô bằng tiếng xin vâng và không bao giờ xa tránh Người hay chối bỏ Người. Quan trọng là đi tới bến lành, chèo lái con thuyền của chúng ta đến với Đức Kitô; bất kể tình trạng chúng ta sau đó sẽ ra thế nào. Khi về già, thính giác và thị giác của chúng ta vốn cung cấp thông tin cho chúng ta về những cái rất xa, khứu giác và vị giác vốn cung cấp thông tin cho chúng ta về những cải rất gần, thì nay chúng có thể rởi bò chúng ta trước khi chúng ta chạm vào nó; trí nhớ, trí thông minh và ý thức của chúng ta có thể rời bỏ chúng ta từ từ hay đột ngột; chúng ta càng ngày càng tập trung vào bản thân mình nhiều hơn. Không có gì phải nuối tiếc ở đây giống như câu thơ của Henri Estienne: “Giá như tuổi trẻ có sự hiểu biết, giá như tuổi già có khả năng” (Les Prémices, 1594), bởi vì điều cốt yếu không phải là có thể, mà là hiện hữu, nghĩa là yêu thương.

Một thiếu nữ người Bỉ thuộc gia đình khá giả, tên là Jacques de Decker (1913-2009), sau khi tốt nghiệp cao đẳng về xã hội học và trở thành một điều dưỡng, năm 1946 cô đi Madras (Ấn Độ) và sống độc thân, mặc y phục sari và sống giữa người nghèo. Khi nghe một linh mục dòng Tên nói về một nữ tu cũng mặc sari và sống giữa người nghèo, cô đến gặp vị nữ tu ấy. Từ cuộc gặp gỡ này vào năm 1948, đã nảy sinh một mối tình bạn rất khắng khít giữa Jacqueline de Decker và Mẹ Têrêsa Calcutta. Nhưng không lâu sau đó, những vấn đề sức khoẻ trầm trọng đã buộc cô Jacques phải trở về Bỉ. Tại quê nhà, cô đã phải chịu 15 lần giải phẫu. Hầu như bị liệt hoàn toàn, cô không còn hy vọng được gặp lại Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ. Bấy giờ Mẹ Têrêsa đề nghị cho cô một con đường hợp tác độc đáo: dâng hiến những đau đớn của cô cho sự thành công của công cuộc của Mẹ Têrêsa. Tháng 10 năm 1952, Mẹ Têrêsa viết cho cô như sau:

“Bằng cách liên kết thiêng liêng với các cố gắng của chúng tôi, em sẽ tham dự bằng việc dâng các đau khổ và kinh nguyện của em cho công việc của chúng tôi tại các khu dân nghèo. Chúng tôi có một công việc khổng lồ và tôi cần nhiều thợ. Nhưng tôi cũng cần những tâm hồn như em đang chịu đau khổ và cầu nguyện cho sự thành công của công cuộc chúng tôi. Em có vui lòng chấp nhận dâng hiến những đau khổ của em cho các sơ của em ở đây để hằng ngày ban cho họ sức mạnh thực hiện công trình thương xót của họ không?”

Ngày 12 tháng 4, 1953, ba mươi bảy tập sinh tuyên khấn, được nâng đỡ bởi ba mươi bảy bệnh nhân dâng hiến các đau khổ của họ cho sứ mạng của mỗi nữ tu. Công cuộc các Cộng Tác Viên đau khổ đã phát sinh như thế. Mỗi người truyền giáo được nhân đôi bởi một bệnh nhân nâng đỡ họ bằng tất cả những đau khổ của mình. Trong suốt cuộc đời của mình, Mẹ Têrêsa biết rằng, nhơ kinh nguyện và sự hiến dâng tự nguyện các đau khổ của mình, người bạn Jacqueline của Mẹ đã góp một phần cốt yếu cho công cuộc mà cả hai người đã gánh vác. Một tấm gương sáng lạn biết bao cho tất cả những người rất già đang buồn bã cảm thấy mình vô dụng, trong khi họ vẫn còn điều cốt yếu nhất: kinh nguyện và sức mạnh tình thương.

Vào dịp mừng tuổi 65 của mình, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết một “Kinh phó thác cho lòng thương xót Chúa” mà nay vẫn còn đáng để chúng ta đọc lại:

Lạy Chúa, thế là đã hơn 65 năm Chúa ban cho con món quà vô giá là sự sống, và từ khi con sinh ra, Chúa đã không ngừng tuôn đổ trên con muôn vàn ân sủng và tình yêu vô biên của Chúa. Dọc suốt tất cả những năm ấy, đã xen lẫn những niềm vui lớn lao, những thử thách, những thành công, những thất bại, những bệnh tật, những tang tóc, vì đó là điều xảy ra cho cả thế giới. Với ân sủng và sự trợ giúp của Chúa, con đã có thể chiến thắng những trở ngại này và thẳng tiến đến với Chúa. Hôm nay, con cảm thấy mình được trải nghiệm phong phú niềm an ủi lớn lao rằng con đã là đối tượng được Chúa yêu thương.

Hồn con hát lên bài ca cảm tạ Chúa.

Nhưng hằng ngày con gặp xung quanh con những người già cả mà Chúa thử thách nặng nề: họ bị tê liệt người, bị khuyết tật, bất lực và thường không có sức để cầu nguyện cùng Chúa, những người khác thì mất khả năng trí óc và không còn có thể đến với Chúa qua thế giới phi thực tại của họ nữa. Con nhìn những người này hành động và con tự nhủ: “Nếu đó là con?”

Vậy, lạy Chúa, ngay hôm nay, trong khi con còn đang được hưởng tất cả những khả năng vận động và tinh thần của con, con xin dâng lên Chúa sự chấp nhận trước của con là vâng theo thánh ý Chúa, và từ giờ trở đi, con muốn rằng nếu có thử thách này hay thử thách khác đến với con, nó có thể phục vụ vinh quang Chúa và phần rỗi các linh hồn. Cũng từ bây giờ, con cầu xin Chúa dùng ân sủng Chúa nâng đỡ những ai sẽ có nhiệm vụ bội bạc là đến trợ giúp con.

Nếu một ngày nào đó mà bệnh tật xâm chiếm bộ não của con và phá huỷ sự sáng suốt của con, thì lạy Chúa, sự suy phục của con đã sẵn sàng trước mặt Chúa rồi, và nó sẽ tiếp tục trong một hành vi thờ lạy âm thầm. Nếu một ngày nào đó con bị rơi vào một tình trạng vô thức kéo dài, con muốn rằng mỗi một giờ phút như thế mà con còn được sống sẽ phải là một chuỗi hành vi tạ ơn không đứt đoạn và hơi thở cuối cùng của con cũng phải là một hơi thở tình yêu. Vào giờ phút ấy, linh hồn con được bàn tay của Đức Maria hướng dẫn, sẽ đến trình diện trước mặt Chúa để hát lên những lời ca tụng Chúa muôn đời.

Như vậy, có thể có ít là hai cách để người Kitô hữu sống tuổi già: cố gắng duy trì các khả năng của mình, hay quyết định bỏ qua chúng. Đó là hai cách để làm “với những phương tiện trong tầm tay”. Và không phải làm một cách buồn rầu, nhưng phải vui vẻ, trong trạng thái sẵn sàng bước vào đời sống vĩnh cửu, với ước muốn muôn đời hát lên lời ca tụng Chúa chúng ta, Đấng Tạo Dựng và Cứu Chuộc.

Nicolas Aumonier, có gia đình, 4 con, giảng viên môn lịch sử và triết lý khoa học tại Đại Học Grenoble Alpes. Các tác phẩm mới nhất: “Est-il possible de vouloir librement être euthanasíe?” trong B. Schumacher, Euthanasie de la personne vulnérable, Toulouse, Éditions Érès, 2017; “Le suicide dans la tradition anglaise: autour de Hume”, trong F.-X. Putallaz và B. Schumacher, Le Suicide, Paris, Editions du Cerf (2019).
(còn nữa...)
Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019


Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021