NHỮNG MIỀN QUÊ HƯƠNG TUYỆT VỜI KỲ LẠ(Đọc bài thơ Hành hương Francis Lê Đình Bảng)
Bùi Công Thuấn
***
HÀNH HƯƠNG
Francis Lê Đình Bảng
1.Sao em chẳng cùng tôi lên rừng vắng
Mà chiêm bao muôn điềm lạ, ơn thiêng
Bốn mươi đêm ngày chay tịnh, hồn nhiên
Nghe suối hát mừng tự do phơi phới
Vừa nhan sắc, vừa nhung tơ, vời vợi
Vừa thơm tho, vừa kỳ diệu khôn lường
Bởi đất trời còn ướt đẫm mùi hương
Bởi lá thắm mở phơi lòng nhân đức
Sao em chẳng quỳ bên tôi, chầu chực
Hai đứa mình, hai ngọn nến song song
Mà trí khôn, cầm bằng sợi tơ không
Mà miệng lưỡi sượng sùng, chưa kịp nếm
Nguồn bí tích của Ba Ngôi mầu nhiệm
Thật trang nghiêm và thật rất phương phi
Có phải đây là lời của Tiên Tri
Trong sách Khải Huyền về giao ước mới?
2. Sao em chẳng cùng tôi vô tiệc cưới
Hai người khiêng trĩu nặng một chùm nho
Nơi đất đồng, mưa đổ hạt ban trưa
Thóc lúa mới chất đầy bồ, cơm bánh
Mai, em nhé, cùng tôi lên đền thánh
Mỗi ngón tay in dấu một điều răn
Này, lời vàng, em khẽ nói:” Xin Vâng!”
Dẫu trăm nhánh dòng khơi xa, biệt lệ
Về phương ấy, khấn xin đời dâu bể
Là Canaan? Hay cố quận Tầm Dương?
Mà đôi ta, như chim trích vô rừng
Sao tìm được dấu thơm xưa, chìm khuất?
Của biển hương dầu, bờ xôi, ruộng mật
Của Tháng Giêng ngon, như kẹo mạch nha
Tai trong ngần cùng nhạc suối reo ca
Mắt đã thấy cả mùa màng, chín tới…
3. Sao ta chẳng mừng nhau thêm một tuổi
Cưỡi ngựa tàu cau về lại sân nhà
Chàng ơi, chàng. Cơn mộng mị đêm qua …
Đôi nghê đá lạy thờ ngay trước cửa
Hôm nay, Biển Hồ quang mây, lặng gió
Và quanh đây, sao yên ả lạ thường?
Hình như…là choáng ngợp những hoa hương
Của ơn phước, của đào mai, hồng thắm
Của những mênh mang, vô cùng, vô tận
Những gương hồ lóng lánh vạt trăng khuya
Nơi bến bờ, chẳng ranh giới, phân chia
Của ngày đầu tiên, của thời đã mãn…
Của đất hứa thật gần, không rào cản
Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi
Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi
Chim ngói từng đôi bay về làm tổ…
Hành hương cuốn ta đi bằng nhạc thơ với những hợp âm thuận quyến rũ, níu giữ ta trong vô vàn hình ảnh có sức gợi những điều tuyệt mĩ, và đưa ta đến những miền quê hương tuyệt vời kỳ lạ mà ta chưa từng ghé qua nhưng rất đỗi thân quen. Chỉ bấy nhiêu thôi, thơ Lê Đình Bảng đủ làm hồn trí ta ngất ngây trong cái đẹp miên viễn. Và ta không cần hiểu, bởi nếu bạn đọc chậm lại và cố hiểu cho đến ngọn ngành từng con chữ, bạn sẽ đánh mất cái hạnh phúc đọc thơ. Thơ Lê Đình Bảng không dễ hiểu mặc dù dễ cảm. Hãy cứ bay theo nhà thơ trong cảm xúc lãng mạn đến những miền tuyệt vời kỳ lạ của trí tưởng. Vâng, bài thơ rất quen mà rất lạ.
MỘT TÌNH YÊU “NHIỆM LẠ”
Hành hương là một bài thơ tình “nhiệm lạ”. Đó là lời của “hai đứa mình”, là lời hò hẹn lứa đôi: “Mai, em nhé, cùng tôi lên đền thánh”, là “lời vàng” chia sẻ gan ruột về những mầu nhiệm thiêng liêng vĩnh cửu, là những “bồi hồi vô tận” về bao điều chưa thành hiện thực mà đã “khơi xa biệt lệ”: “Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi/ Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi”.
Nhưng lạ lùng ở chỗ:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” (Vội vàng-Xuân Diệu)
“Của Tháng Giêng ngon, như kẹo mạch nha” (Hành hương-Lê Đình Bảng)
Thơ tình Xuân Diệu gợi ra những xúc cảm nhục thể của một “cái Tôi” vị kỷ, hưởng thụ vội vàng trong tuyệt vọng, nên muốn “ôm”, muốn “riết”, cho chếnh choáng, cho no nê, cho đã đầy” cái “thanh sắc của thời tươi”(Vội vàng).
Trái lại, thơ tình Lê Đình Bảng lại dẫn ta vào những nơi tuyệt vời thanh khiết: “Sao em chẳng cùng tôi lên rừng vắng/…Bốn mươi đêm ngày chay tịnh, hồn nhiên”; ”Mai, em nhé, cùng tôi lên đền thánh/…Mà chiêm bao muôn điềm lạ, ơn thiêng;…/ Nguồn bí tích của Ba Ngôi mầu nhiệm/…Sao em chẳng quỳ bên tôi, chầu chực/ Hai đứa mình, hai ngọn nến song song/ Mà trí khôn, cầm bằng sợi tơ không…”.
Vâng, có lẽ đó là một không gian tình yêu diễm tuyệt hơn khả năng diễn tả của ngôn ngữ, một không gian tình yêu chưa hề xuất hiện trong thơ tình yêu Việt Nam bao giờ. Phải bằng trí trưởng “hồn nhiên” mới cảm nhận được. “Mà trí khôn, cầm bằng sợi tơ không”, tức là bằng trí tuệ nhẹ như sợi tơ không, không mưu cầu, không mê đắm, không dính mắc (nhà Phật gọi là “trí huệ Bát Nhã”). Điều lạ lùng là “trí khôn sợi tơ không” lại không gợi ra chút gì về Tánh Không” của nhà Phật như ta thường gặp trong thơ Việt.
Thơ tình yêu của Lê Đình Bảng nói được bao điều hạnh phúc của lứa đôi. Nhà thơ sáng tạo một thế giới đạo hạnh, trong lấp lánh như pha lê để diễn đạt niềm hạnh phúc tinh khôi ấy:
“Nghe suối hát mừng tự do phơi phới
Vừa nhan sắc, vừa nhung tơ, vời vợi
Vừa thơm tho, vừa kỳ diệu khôn lường
Bởi đất trời còn ướt đẫm mùi hương
Bởi lá thắm mở phơi lòng nhân đức”…
. . . . . . .
Của biển hương dầu, bờ xôi, ruộng mật
Của Tháng Giêng ngon, như kẹo mạch nha
Tai trong ngần cùng nhạc suối reo ca
Mắt đã thấy cả mùa màng, chín tới…
. . . . . . .
Và quanh đây, sao yên ả lạ thường?
Hình như…là choáng ngợp những hoa hương
Của ơn phước, của đào mai, hồng thắm
Của những mênh mang, vô cùng, vô tận
Những gương hồ lóng lánh vạt trăng khuya
Nơi bến bờ, chẳng ranh giới, phân chia
Của ngày đầu tiên, của thời đã mãn…
Của đất hứa thật gần, không rào cản
Nhưng tình yêu ấy là một tình yêu tiếc nuối, một tình yêu hoài vọng, một tình yêu chảy mãi vào thiên thu. Một loạt câu hỏi cảm thán làm cháy lòng về sự nuối tiếc: “Sao em chẳng cùng tôi …”; “Sao em chẳng quỳ bên tôi…”; “Sao ta chẳng mừng nhau…”; “Mà đôi ta, như chim trích vô rừng/ Sao tìm được dấu thơm xưa, chìm khuất?”; “Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi/ Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi…”.
Người thơ ví mình như Từ Thức, khi về trần, tiếc nuối mãi một tình yêu rất đỗi thơm tho cùng Giáng Hương ở cõi tiên. Từ thức đã vào rừng tìm lại cõi xưa, nhưng làm sao tìm được “dấu thơm xưa” khi động tiên đã khép (truyện Từ Thức lên tiên). Người thơ cũng đặt đời mình vào thân phận dân riêng của Chúa, sống mãi kiếp lưu dày mà hoài vọng về Canaan (đất hứa). Ở bến Tầm Dương, nhà thơ hóa thân tri kỷ với Bạch Cư Dị và người kiều nữ trên sông mà cảm nhận “đời dâu bể” trong khúc Tỳ Bà Hành bất hủ:
“Về phương ấy, khấn xin đời dâu bể
Là Canaan? Hay cố quận Tầm Dương?
Mà đôi ta, như chim trích vô rừng
Sao tìm được dấu thơm xưa, chìm khuất?”
Lê Đình Bảng dắt chúng ta đi vào cõi nhiệm màu của thơ ca lãng mạn, bởi nó gợi ra bao nhiêu trí tưởng, nó nấu nung muôn vàn cảm xúc, và nó nâng đôi cánh tâm hồn ta bay bổng vào cõi
“Vừa nhan sắc, vừa nhung tơ, vời vợi
Vừa thơm tho, vừa kỳ diệu khôn lường
Bởi đất trời còn ướt đẫm mùi hương
Bởi lá thắm mở phơi lòng nhân đức”.
MỘT HỒN THƠ MÊNH MÔNG BỐN BIỂN
Lê Đình Bảng đem vào thi pháp thơ tình yêu Việt một hồn thơ dồn tụ vẻ đẹp của thi ca phương Đông, phương Tây và thi ca dân tộc. Chất tài hoa minh triết cùng với tâm thức tôn giáo rất sâu xa của nhà thơ đã trở thành máu thịt cho những câu thơ in đậm dấu ấn cá tính sáng tạo tài hoa và rất đỗi thánh thiện.
Thơ Việt trung đại nằm trong thi pháp thơ phương Đông, và chịu ảnh hưởng thơ Trung quốc cả về thể lọai, nội dung, cảm xúc và thi liệu. Lê Đình Bảng đã dẫn người đọc rời bỏ hẳn ảnh hưởng thơ Trung Quốc mà bước vào bầu khí vô cùng rộng lớn, choáng ngợp ánh sáng hương hoa mật ngọt của Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước. Xin đọc:
Hôm nay, Biển Hồ quang mây, lặng gió
Và quanh đây, sao yên ả lạ thường?
Canaan là vùng đất hứa trong Cựu Ước. Biển hồ (Galilê) trong Tân Ước là nơi đức Giê su tỏ lộ uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên vạn vật (Lc 8, 22-25). Khi Lê Đình Bảng dẫn những thi liệu như vậy, Kinh thánh đã trở thành cội nguồn cảm hứng sáng tạo và là ánh sáng tư tưởng mỹ học mới trong thơ Lê Đình Bảng.
Và đây là những tứ thơ hết sức lạ lùng:
Sao em chẳng cùng tôi vô tiệc cưới
Hai người khiêng trĩu nặng một chùm nho…
. . . .
Của biển hương dầu, bờ xôi, ruộng mật
Của Tháng Giêng ngon, như kẹo mạch nha
. . . . .
Tai trong ngần cùng nhạc suối reo ca
Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi
Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi
Chim ngói từng đôi bay về làm tổ…
Tôi gọi đó là những tứ thơ lạ lùng bởi vì người đọc phải am tường Kinh Thánh mới cảm nhận được (đó là yêu cầu về tính trí tuệ khi đọc thơ Lê Đình Bảng). Biển hồ trong Kinh thánh là biển hồ Galilê, nơi Đức Giêsu dẹp yên bão tố (Lc 8, 22-25). Nhưng Biển hồ ấy “hôm nay lặng gió…yên ả lạ thường”, ý nghĩa của câu thơ đã chuyển. Một chùm nho nào có gì to tát gì, chỉ cần hai ngón tay ta có thể cầm một chùm nho, vậy mà Lê Đình Bảng viết: “Hai người khiêng trĩu nặng một chùm nho”. Bạn không thấy lạ sao? Xin đọc sách Dân Số (Cựu Ước), chương 13, câu 23[1] .
Tứ thơ “biển hương dầu, bờ xôi, ruộng mật” là hình ảnh rất quen và rất lạ. Quen vì nó gợi ra cảnh đồng quê Việt Nam. Người nông dân đắp đập be bờ để giữ nước trồng lúa. Bờ ruộng lúa cho xôi nếp thơm. Ruộng mía cho chứa chan mật ngọt. Hương đồng quê mênh mông như biển (bạn đọc có đứng giữa ruộng lúa mênh mông mới ướp hồn mình trong hương đồng gió nội ấy). Trong thơ Lê Đình Bảng, miền quê thật trù phú. Những hình ảnh ấy kết hợp với Kinh thánh (sách Xuất hành, chương 3, câu 8) tạo nên một tứ thơ lạ: “bờ xôi, ruộng mật”. Tôi gọi là tứ thơ “lạ” vì, viết về đồng quê Việt, người làm thơ thường khai thác cái nghèo khó, lam lũ, bão lụt, hạn hán (Xin đọc Nước lụt Hà Nam; Nước lụt hỏi thăm bạn của Nguyễn Khuyến). Chưa bao giờ có hình ảnh đồng quê Việt là “bờ xôi ruộng mật”; “Thóc lúa mới chất đầy bồ, cơm bánh”.
Tứ thơ sau đây đòi hỏi một sự hiểu biết, một liên tưởng, một trái tim tràn đầy tình yêu và một trí tưởng hết sức lãng mạn mới cảm nhận được (bởi nếu không trí tuệ, bạn đọc sẽ đối mặt với một bức tường sừng sững chặn mất lối đi vào thơ):
Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi
Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi
Chim ngói từng đôi bay về làm tổ…
Câu thơ không có chủ ngữ. Ai đứng ở bờ đê? Ai gọi ai mà gọi mãi gọi hoài? Phải chăng là gọi chim ngói về làm tổ tháng Giêng? Điều này không bao giờ là hiện thực, bởi chim ngói chỉ bay về vào mùa thu (tháng 8, 9) khi cánh đồng lúa đã khoe sắc vàng. Như vậy, không thể đọc tứ thơ này bằng cảm quan hiện thực, mà phải đọc bằng tâm thức lãng mạn, vượt lên thời gian không gian. Người thơ đứng trên bờ đê hiện thực nhìn dòng sông thời gian chảy mãi không trở lại mà khát khao một “tổ uyên ương”. Tứ thơ “chim ngói từng đôi bay về làm tổ”, là một liên tưởng ẩn dụ cho khát khao hạnh phúc lứa đôi mà giờ đây đã không còn nữa. Như Từ thức xưa, người thơ “như chim trích vô rừng/ Sao tìm được dấu thơm xưa, chìm khuất? Một nỗi buồn rất sâu nhưng lại thăng hoa, hân hoan trong thế giới của cái đẹp “nhiệm lạ”, và đó là sự sáng tạo tài hoa của Lê Đình Bảng. Và dường như có một sự đồng điệu tài hoa nào đó với tiếng vang vọng “Diêu bông hời…ơi diêu bông” trong bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm.
Tôi gọi đó là một “hồn thơ mênh mông bốn biển” vì có sự kết hợp, hội tụ, chuyển hóa hồn thơ phương Đông với cội nguồn Kinh thánh và cái hồn nhiên của thi ca Việt. Trong tư duy nghệ thuật, Lê Đình Bảng chuyển rất nhanh thời gian, không gian và thi pháp tạo nên thế giới nghệ thuật chuyển độnbg không ngừng.
Về phương ấy, khấn xin đời dâu bể
Là Canaan? Hay cố quận Tầm Dương?
“Đời dâu bể” gợi ra câu thơ Kiều: “Trải qua một cuộc bể dâu”. Canaan là đất hứa trong Cựu Ước (xin đọc sách Dân số, chương 34), cố quận Tầm Dương gợi ra Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị [2]. Chỉ một câu lục bát, Lê Đình Bảng tổng hợp được ba cội nguồn thi ca hùng vĩ, tạo nên một tứ thơ vừa uyên bác trí tuệ, vừa làm nao lòng người đọc. Dòng sông tư tưởng thao thiết chảy trong trường kỳ lịch sử từ Cựu Ước đến hôm nay (“Hôm nay, Biển Hồ quang mây, lặng gió/ Và quanh đây, sao yên ả lạ thường?”) và đến ngày cánh chung được tiên tri trong sách Khải Huyền.
Tôi thích cái dân dã sang trọng trong thơ Lê Đình Bảng, hay nói cách khác Lê Đình Bảng đã làm cho cái dân dã trở nên sang trọng về thi pháp. Điều này phân định rạch ròi thơ ca dân gian với thi ca trí tuệ.
Sao ta chẳng mừng nhau thêm một tuổi
Cưỡi ngựa tàu cau về lại sân nhà
Chàng ơi, chàng. Cơn mộng mị đêm qua …
Đôi nghê đá lạy thờ ngay trước cửa
Hình ảnh trẻ con thôn quê chơi cưỡi ngựa bằng cái bẹ tàu cau trên sân nhà là hình ảnh hết sức hồn nhiên, dân dã. Cũng vậy, hình ảnh con nghê đá trước cửa là hình ảnh mang bản sắc Việt, sức mạnh che chở Việt (khác với con Kỳ Lân, con Tỳ Hưu). Con nghê đá có hình đầu Lân, răng rồng, thân chó (con Lân mình có vảy, con Tỳ hưu mình có cánh). Nói vậy để thấy rằng Lê Đình Bảng có ý thức sâu sắc khi chuyển hóa cái dân dã Việt thành bản sắc văn hóa Việt, nâng cái dân dã ca dao thành thi ca trí tuệ Việt.
Lê Đình Bảng đã phơi mở tất cả các giác quan để khám phá cái minh triết Việt trong mọi tầng vỉa văn hóa. Một thính giác rất nhạy cảm với âm nhạc (tai), một thị giác đậm sắc màu hội họa (mắt), cảm giác, vị giác, khứu giác tinh nhạy trước cái “thi vị” đời thường (choáng ngợp những hương hoa; miệng lưỡi…chưa kịp nếm), đồng thời ông còn cảm nhận được những cái vô hình tâm linh như một người “có con mắt trông thấu cả sáu cõi” (Nguyễn Du [4]),
Mà trí khôn, cầm bằng sợi tơ không
Mà miệng lưỡi sượng sùng, chưa kịp nếm
. . . . .
Tai trong ngần cùng nhạc suối reo ca
Mắt đã thấy cả mùa màng, chín tới…
. . . . .
Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi
Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi
Tiếng gọi trên đê không phải tiếng gọi đò của Trần Tế Xương (bài Sông lấp), mà là âm vọng trong tâm thức đến thiên thu.
Trong Hành hương có rất nhiều từ của văn nói (khẩu ngữ hàng ngày), nhưng người đọc không hề có cảm giác về sự “bình dân hóa” thi ca. Đó là các từ: gọi mãi, gọi hoài; sao em chẳng; chầu chực; hai đứa mình; cầm bằng; miệng lưỡi; vô tiệc cưới; đôi ta như chim trích vô rừng.
Đồng thời cũng có nhiều từ của văn chương bác học được dùng dân dã: lá thắm mở phơi lòng nhân đức; Mà trí khôn, cầm bằng sợi tơ không; Mỗi ngón tay in dấu một điều răn; Là Canaan? Hay cố quận Tầm Dương?; Của ngày đầu tiên, của thời đã mãn (từ Sáng Thế Ký đến sách Khải Huyền)…
Cách dùng từ như vậy, cách thi hóa tri thức đông tây kim cổ như vậy, cách cảm nhận hiện thực, cảm nhận thời gian không gian, cách dệt những tấm thảm văn hóa đa sắc màu như thế, tạo nên cốt cách tài hoa riêng của Lê Đình Bảng. Cho nên “Cái Đẹp” thi ca của Lê Đình Bảng là cái đẹp trí tuệ của thơ Đường, là cảm xúc mỹ lệ của thơ lãng mạn và sự hồn nhiên minh triết của thơ ca dân gian Việt. Những sắc màu ấy hòa điệu làm nên sự quyến rũ của thơ ông, mà khi đọc thơ, ta không dễ tách bạch ra được.
Trong văn chương Việt, những phong cách tài hoa không có nhiều. Nhắc đến Nguyễn Tuân, đến Hoàng Cầm, người đọc nghĩ ngay đó là những nhà thơ, nhà văn tài hoa, bởi họ sáng tạo ra “Cái đẹp” mà người khác không có được. Lê Đình Bảng cũng là một nhà thơ Công giáo tài hoa, bởi thơ ông lấp lánh nhiều vẻ đẹp rất lạ. Lê Đình Bảng có tài dẫn người đọc đi khắp miền nhân gian, có tài kể những câu chuyện rất duyên. Thơ của ông giàu những tứ thơ mới lạ. Tư duy thơ của ông thay đổi nhiều hướng khám phá: thay đổi không gian, thời gian, thay đổi góc trần thuật, thay đổi giọng điệu, đổi vai người nói. Thơ Lê Đình Bảng là thơ điệu nói của thơ ca dân gian nhưng vẫn là thơ trữ tình của thơ lãng mạn.
Đây là sự đổi vai: nhân vật trữ tình xưng “Ta” đang trần thuật thì có tiềng gọi của một nhân vật nữ, làm thay đổi hẳn giọng điệu thơ, nội dung trần thuật chuyển tức thời sang một hướng khác, cơn mộng mị đêm qua là cơn mộng gì? Đôi nghê đá bỗng xuất hiện hết sức bất ngờ:
Sao ta chẳng mừng nhau thêm một tuổi
Cưỡi ngựa tàu cau về lại sân nhà
Chàng ơi, chàng. Cơn mộng mị đêm qua …
Đôi nghê đá lạy thờ ngay trước cửa
Chất tài hoa trong thơ Lê Đình Bảng đem đến cho người đọc nhiều điều thú vị. Đọc thơ Lê Đình Bảng, tâm hồn ta được tắm trong dòng suối mát những “bờ xôi, ruộng mật” của nhiều dòng sông văn hóa; trái tim ta tiếp nhận đủ mọi cung bậc tình cảm cùng với nguồn hạnh phúc thánh thiện diễm tuyệt. Con mắt trí tuệ ta nhìn thấy được Cái Đẹp mà ngũ uẩn đã che khuất, và hồn ta bay bổng trong mênh mông muôn trùng của sự giàu có, lạ lùng, kỳ vĩ của kho tàng văn hóa nhân loại.
Trên hết, nhà thơ dẫn ta vào Cái Đẹp của những chay tịnh trên rừng 40 đêm ngảy, của “Nguồn bí tích của Ba Ngôi mầu nhiệm/ Thật trang nghiêm và thật rất phương phi”.
HÀNH HƯƠNG
Hành hương không phải là “đi tham quan” những linh địa nổi tiếng, để biết, để cầu nguyện, xin ơn. Lê Đình Bảng dẫn ta trở về những miền quê hương tuyệt vời kỳ lạ. Đây là một hành trình tâm linh, cũng là con đường tình yêu. Mở đầu bài thơ là hành hương “lên rừng vắng để chiêm bao muôn điềm lạ, ơn thiêng” 40 đêm ngày chay tịnh. Tứ thơ gợi ra tâm tình Mùa Chay thống hối, ăn năn. Nhưng không phải vậy, mà đưa ta trở về thế giới “hồn nhiên”, “Nghe suối hát mừng tự do phơi phới”. Rồi ta đi lên đền thánh, tìm đến xứ sở Canaan (đất hứa), tạm dừng chân ở bến Tầm Dương mà chiêm nghiệm lời tiên tri trong sách Khải Huyền. Cuộc hành hương khởi đi từ buổi khai nguyên đến tận cùng thời gian (Của ngày đầu tiên, của thời đã mãn…”. Kết bài thơ là trở về “Đứng ở bờ đê, sông chảy, bồi hồi/ Gọi mãi, gọi hoài, ơi Tháng Giêng ơi”. Trở về với miền quê tinh khôi bản sắc Việt, “Cưỡi ngựa tàu cau về lại sân nhà”, gặp lại “Đôi nghê đá lạy thờ ngay trước cửa”.
Thơ tôn giáo của Lê Đình Bảng rất tinh diệu về tình, về ý, sâu sắc về tư tưởng và rất mới lạ về tứ, về cảm xúc, và thi pháp. Lê Đình Bảng nói những điều rất trang nghiêm thánh thiện nhưng lại rất tình. Hồn thơ rất thăng hoa nhưng lại rất “đời”, khác hẳn với Diễn ca, Thi ca cầu nguyện, Huấn ca của thơ Công giáo làm theo phong trào. Lên rừng vắng 40 ngày đêm chay tịnh để thanh luyện tâm hồn trở nên “hồn nhiên”; lên đền thánh để suy nghiệm “Nguồn bí tích của Ba Ngôi mầu nhiệm”, để lời tiên tri của sách Khải huyền giúp mạc khải tâm hồn ta Đó là cảm thức thơ tôn giáo. Nhưng vào rừng cũng là tiếp bước Từ Thức tìm kiếm cái mùi hương tiên nữ đã phai, là giữ lấy cái hạnh phúc không còn ở trần gian (cảm thức thế tục). Đất hứa Canaan, “miền đất tràn trề sữa và mật”[3] hay động tiên của Giáng Hương, tất cả chỉ là hoài vọng lãng mạn. Dầu vậy, Hành hương vẫn đọng lại trong hồn ta bao điều thao thức nghĩ suy.
Xin trở về đời thực để được đắm mình trong Cái Đẹp mà nhà thơ đã giúp ta “phơi mở lòng nhân đức”:
Và quanh đây, sao yên ả lạ thường?
Hình như…là choáng ngợp những hoa hương
Của ơn phước, của đào mai, hồng thắm
Của những mênh mang, vô cùng, vô tận
Những gương hồ lóng lánh vạt trăng khuya
***
Khai bút mùng 2 tết Nhân Dần (02/2/2022)
__________________________
[1]. Sách Dân số, chương 13:
[2] Tỳ Bà
Hành của Bạch Cư Dị:
[3] Sách Xuất
hành (3, 8): “Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy
lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền
đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an…”
[4] Mộng
Liên Đường chủ nhân-Tựa Truyện Kiều
https://vi.wikisource.org/wiki/T%E1%BB%B1a_Truy%E1%BB%87n_Ki%E1%BB%81u