Nhâm Dần 2022-Năm Cọp Truyện Cọp-Tác giả:Lm Nguyễn Trung Tây

Lan Mary

 

Kính thưa quý độc giả của QUÁN NƯỚC ĐẦU LÀNG,

Năm Nhâm Dần, năm con Cọp, nhắc nhở người Việt những câu thành ngữ và tục ngữ quen thuộc trong dòng văn chương Việt Nam, thí dụ, “Hổ phụ sinh hổ tử.”
“Hổ phụ sinh hổ tử” có nghiã là cọp bố sinh cọp con. Ý muốn nói “Cha nào con nấy”. Cha có tài đức cao rồi cũng sẽ sinh ra con cái cũng tài đức y như bố. Bố Lạc Long Quân là hổ phụ cho nên không ngạc nhiên khi Hổ Phụ Lạc sinh ra 18 Hổ Tử.
Câu thành ngữ “Dưỡng hổ di họa” bắt nguồn từ câu chuyện có người vô rừng bắt được cọp con, mang về nhà nuôi. Tuy là chỉ được cho ăn cơm ăn rau, cọp con vẫn lớn nhanh như thổi. Bởi nhặt được cọp từ hồi còn thơ, người nuôi luôn luôn đối xử với cọp như chó nuôi trong nhà. Nhưng không ngờ, có lần cọp, giờ đã trưởng thành, giơ móng vuốt, tính vồ ông chủ. Thành ngữ “Dưỡng hổ di họa” do đó có nghiã “nuôi hổ để họa”, cũng mang chung tư tưởng với câu tục ngữ, “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà.”
Câu tục ngữ “Mãnh hổ nan địch quần hồ” nói về sức mạnh của đoàn kết. Đây vẫn là một sự thật, một con hổ hung dữ vẫn không thể nào đánh bại được một bầy chồn hợp đoàn. Dòng lịch sử Việt Nam cũng đã từng chứng minh cho tính xác thực của câu tục ngữ này. Vào những lúc họa xâm lăng phương Bắc đe dọa đời sống độc lập phương Nam, nếu lòng dân Việt kết hợp làm một trong tinh thần “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh,” những âm mưu đen tối cuối cùng rồi cũng tan vỡ như bọt sóng biển. Câu tục ngữ “Mãnh hổ nan địch quần hồ” đã từng được minh họa sắc nét qua hình ảnh của các bô lão hào khí ngất trời, chân đất tiến về kinh thành Thăng Long tham dự Hội Nghị Diên Hồng thời nhà Trần. Hay hình ảnh hào hùng của trưa mùng Năm Tết Kỷ Dậu 1789, với lòng dân như một, đại hoàng đế Quang Trung cưỡi voi tiến vào kinh thành Thăng Long quét sạch vó ngựa xâm lăng Mãn Thanh.
Riêng “Họa hổ họa bì nan họa cốt” là tục ngữ có gốc tích từ câu chuyện về người họa sĩ có tài, vẽ hổ sinh động đến nỗi mới nhìn, có người lầm tưởng hổ thực. “Họa hổ họa bì,” vẽ hình hổ, vẽ da hổ, “nan họa cốt,” nhưng không vẽ được xương, có chung một dòng tư tưởng với câu tục ngữ, “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm,” biết người, biết mặt, nhưng khó biết lòng. Giuđa, một trong mười hai tông đồ là hình ảnh tượng trưng cho câu tục ngữ này. Đã hơn ba năm chung sống với Giuđa và với Thầy, mười một tông đồ khác nào ngờ, có ngày Giuđa bán Thầy của mình qua một nụ hôn.
Ngoài ra trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng thường xuyên nghe nhắc tới những câu thành ngữ khác về cọp, thí dụ “Thả hổ về rừng,” “Cáo mượn oai hùm,” “Hổ ly sơn hổ bại,” “Cọp dữ không ăn thịt con.” Hoặc tục ngữ, “Ký cóp cho cọp nó ăn,” “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu,” “Vuốt râu hùm, xiả răng cọp.” Và còn nhiều câu thành ngữ hoặc tục ngữ khác liên quan tới cọp. Có lẽ bởi cọp là một thực thể trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam từ cả ngàn năm nay, cho nên người ta không lạ chi nếu cọp xuất hiện rất nhiều trong dòng văn chương bình dân Việt Nam.
Nhưng có một câu tục ngữ về cọp khiến Chủ Quán NTT suy nghĩ khá nhiều, nhất là trong bầu không khí rộn ràng pháo Tết Nhâm Dần. Đó là câu, “Cọp chết để da người ta chết để tiếng.”
Con cọp nằm xuống, mắt nhắm lại, chết đi, nhưng vẫn còn để lại cho trần gian bộ da hổ đẹp. Nhưng riêng con người, nhất là tín hữu Việt Nam, vào một ngày nào đó, nếu nằm xuống, khi đó, nếu có nhắc đến, trần gian sẽ nói gì về tôi?
Dòng thời gian đã chứng minh Bố Lạc Long Quân, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tôn, Bô lão Diên Hồng, Lê Lợi, Vua Quang Trung, Linh mục Anrê Dũng Lạc, thánh Anna Đê, và thánh Tôma Thiện danh thơm vẫn còn lưu truyền đến ngày hôm nay, và chắc chắn sẽ còn mãi mãi.
Nguyện cầu ơn lành thiên đàng tiếp tục đổ xuống trên trần gian để đại dịch Covid-19 dần dần trở thành một câu chuyện của dĩ vãng.
Đầu năm Nhâm Dần, kính chúc độc giả QUÁN NƯỚC ĐẦU LÀNG NTT một năm mới với nhiều thành công và may mắn hơn trong năm qua.