Nhà dòng có phải là nhà tôi?- Tác giả: Lm. Mar–Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary

 

NHÀ DÒNG CÓ PHẢI LÀ NHÀ TÔI?
-----|SSS|-----

P/s: Tôi viết bài này để gửi gắm đến các bạn trẻ, những bạn đang trong giai đoạn đầu đời tu, tu sinh, thanh tuyển… Mong qua bài viết này, các bạn sẽ có động lực và vững mạnh hơn trong ơn gọi.
-----
Tôi nhớ ngày đầu đi tu. Ở xứ có tôi và một bạn nữa cùng đi chung dòng. Cha xứ rất quý mến ơn gọi, và vì đã nhiều năm giáo xứ không có ơn gọi nào cả, nên việc chúng tôi tham gia lớp dự tu là một niềm vui cho giáo xứ và cha giúp đỡ chúng tôi hết lòng. Khởi đầu tốt đẹp là như thế, nhưng dần dần chẳng hiểu tại sao tôi ngày càng được cha xứ yêu thương (và ngài nhận tôi làm con thiêng liêng,) còn anh bạn kia thì lại bị khinh bỏ. Tôi cảm nhận rằng cha xứ “thương” tôi bao nhiêu thì “ghét” anh bạn kia bấy nhiều; và cuối cùng, anh bạn ấy đã từ bỏ ơn gọi.
Bây giờ tôi xin kể sự việc hiện tại của tôi. Tôi sống ở Ý tính đến nay là được hơn 7 tháng. Tôi phải sống với 11 cha già người Ý. Các ngài là những người khép kín và bảo thủ. Sau khi tôi được một tháng thì có một cha người Scrilanca cũng vào sống chung cộng đoàn với tôi. Thời gian đầu cũng có một chút khó khăn nhưng ngày càng sống, tôi nhận thấy tôi được các cha yêu thương và chăm lo cho tôi rất nhiều. Có bất cứ thứ gì cũng dành cho tôi. Tôi nói sai là chỉnh sửa giúp tôi. Những cha khó tính, khép kín và lạnh lùng nhất bây giờ cũng bắt đầu chủ động nói chuyện với tôi, hỏi han tôi mọi thứ. Tôi được đón nhận như là một thành viên chính thức của cộng đoàn. Tôi được chia lịch phục vụ như những thành viên khác. Thế nhưng, theo chủ quan của tôi, các cha thương yêu tôi bao nhiêu thì “không thích” cha kia bấy nhiêu. Các cha chỉ xem ngài như một vị khách. Ngoài giờ ăn và phụng vụ, cha ấy ở trong phòng, luôn im lặng và khó kết giao với mọi người.
Trong suốt thời gian tôi tu tập, dù ở bất cứ giai đoạn nào, và bất cứ cộng đoàn nào, tôi luôn được cha bề trên và anh em trong dòng thương yêu, giúp đỡ tôi rất nhiều. Nhiều lần tôi có lỗi hoặc không đủ tiêu chuẩn đi bước tiếp trong ơn gọi nhưng bấy nhiêu lần tôi vượt qua nhờ sự can thiệp của các cha giáo, bề trên.
Điều gì đã khiến tôi luôn được yêu thương? Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Tôi chỉ nhớ lại và thực hành những bài học đầu tiên mà cha giáo dạy cho tôi trong những ngày đầu bước chân vào đời tu.
Cha giáo đã dạy tôi:
---
Trước hết: XEM NHÀ DÒNG NHƯ NHÀ CỦA MÌNH.
Nhiều anh em chung dòng thường hay than thở với tôi rằng mình cảm thấy mất bình an và thấy khó chịu khi anh em không có chu toàn công việc và bổn phận của mình. Đến phiên dọn rửa nhà vệ sinh thì luôn tìm cách trốn tránh, hoặc đến khi người khác làm gần xong mới ra làm; hoặc anh em lười không quét dọn nhà cửa, hoặc không cho chó ăn, không tưới cây…
Với tôi, anh em không làm thì mình làm, bởi đơn giản: Tôi vệ sinh nhà của sạch sẽ vì đây là nhà tôi; tôi cho chó ăn vì nó là con chó của tôi; tôi tưới cây vì cái cây này là cây nhà tôi; tôi thò tay vào bồn cầu để kỳ cọ vì đây là nhà vệ sinh tôi sử dụng; tôi mở nắp cống hốt bùn thối vì tôi muốn nhà tôi sạch sẽ thơm tho… tôi tự nguyện làm tất cả vì đơn gian ĐÂY LÀ NHÀ TÔI, chứ không phải được giao trách nhiệm tôi mới làm.
Anh em không làm thì mình làm. Anh em không làm thì kệ anh em. Bản thân tôi có thực sự xem cộng đoàn này là nhà mình không? Đơn giản chỉ vậy thôi. Nếu là nhà mình, thì ai cũng muốn làm những điều tốt nhất cho nhà mình sạch đẹp.
---
Kế đến XEM ANH EM LÀ ANH EM RUỘT THỊT CỦA MÌNH.
Điều này khó lắm chứ không dễ, nhưng có thể làm được. Nhiều người đi tu chưa thực sự từ bỏ gia đình mình. Tôi nhớ ngay sau khi tôi đậu vào lớp tìm hiểu của dòng, cha bố biểu tôi vào nhà xứ để tập sống đời tu, tôi nói cho phép con về chào ba má, nhưng ngài quay mặt lại và nói: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!” Chỉ một câu nói đó thôi mà tôi đã không chào cha mẹ, tôi đã ở lại luôn nhà xứ.
Bước vào nhà dòng, tôi gác tất cả chuyện gia đình, cha mẹ, các chị, dù rằng tôi là con trai một. Thậm chí ba tôi đã từ mặt tôi và có chị còn nói tôi đi tu là trốn tránh trách nhiệm gia đình. Tôi đau lòng lắm chứ. Tôi đã khóc rất nhiều vì thương nhớ cha mẹ và gia đình. Tôi luôn cảm thấy có lỗi vì không báo hiếu cha mẹ. Tuy vậy, càng yêu thương cha mẹ và gia đình bao nhiêu, tôi lại tập dành tình cảm cho những người đang sống chung với mình bấy nhiêu. Tôi bắt đầu tập yêu thương anh em và các cha, những người bên cạnh tôi.
Có một điều mà nhiều người sẽ nghi ngại khi đặt tình cảm cho người khác, đó chính là sợ bị hiểu lầm và tổn thương tình cảm. Mình càng yêu thương ai bao nhiêu, cảng mở lòng ra bao nhiêu thì mình càng dễ bị tổn thương bấy nhiêu. Tôi đã đau khổ rất nhiều vì mình đặt tình cảm quá lớn cho anh em trong dòng nhưng nhiều khi họ không trân trọng tình cảm của tôi.
Những lúc như thế không phải tôi đóng cửa lòng mình, không yêu thương ai nữa nhưng tự nhủ rằng mình phải cở mở, càng yêu thương và càng cho đi nhiều hơn. Sẵn sàng giúp đỡ anh em khác với tất cả tấm chân tình. Thời gian là thứ tốt nhất để chứng tỏ tình yêu của mình. Trước tình yêu, tất cả cái nhìn tiêu cực và thiếu thiện cảm sẽ thay đổi. Tôi nghĩ đơn giản, tôi không thể sống với người tôi không yêu. Thánh Augustino đã nói: Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm; và tình yêu thì không có sợ hãi. Bởi tôi muốn anh em khác yêu thương tôi nên tôi luôn yêu thương anh em trước. Tôi thật sự yêu thương anh em thậm chí còn hơn những người ruột thịt trong gia đình. Trong cộng đoàn tôi chẳng bao giờ sợ hãi ngay cả khi tôi có nhưng tội lỗi tày đình. Tình yêu đã khỏa lấp tất cả. Mọi người luôn bao dung và tha thứ cho tôi.
Những ngày sống ở Ý, tôi phải bắt đầu tập yêu thương với những con người mới, với sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, suy nghĩ và tuổi tác. Tôi tập cởi mở lòng mình, chấp nhận thiệt thòi và tổn thương. Tôi mau chóng nhận được hoa trái là sự đón nhận và tình yêu thương của các cha. Có thế nói rằng từ trước đến nay, chưa bao giờ tôi mở lòng mình yêu thương ai mà tôi bị tổn thương và thiệt thòi cả. Đổi lại thậm chí TÔI CÒN NHẬN ĐƯỢC TÌNH YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN CẢ TÌNH YÊU TÔI DÀNH CHO HỌ.
---
Cuối cùng CHÂN THÀNH VÀ KHIÊM TỐN
Có lẽ vì trong lớp tôi là thành viên nhỏ tuổi nhất. Tôi cũng chẳng có chút kinh nghiệm sống cũng như đời tu, chính vì thế cách nào đó tôi cũng dễ nghe lời các anh em trong lớp. Tuy vậy, mỗi ngày một lớn, càng tu lâu năm, càng có những chức vụ tôi càng tập nhân đức không bao giờ cãi lại, ngay cả với người nhỏ hơn tôi. Có những chuyện tôi là người đúng, nhưng cũng rất ít khi nào tôi cãi lại ai cả. SỰ CHÂN THÀNH VÀ KHIÊM TỐN LÀ CHÌA KHÓA QUAN TRỌNG NHẤT GIÚP TÔI VỮNG MẠNH TRONG ƠN GỌI.
Khi có mâu thuẫn, bất đồng, tôi luôn chọn chịu thua và im lặng, rồi sau đó chủ động xin lỗi, dù rằng có nhiều trường hợp tôi đúng. Nhưng trong đời sống cộng đoàn, nếu cứ xét theo đúng - sai mà cư xử thì còn gì tình huynh đệ. Tôi chủ động xin lỗi không phải tôi làm gì sai mà là vì tôi đã không đủ khôn ngoan trong lúc cư xử một việc gì đó khiến anh em khác buồn lòng. Đó là lỗi của tôi. Tôi luôn chấp nhận để đi bước trước trong tương quan với bất kỳ ai trong cộng đoàn, để có được bầu khí an bình.
Khi mình xin lỗi với lòng chân thành, khi mình thật sự muốn nối kết các tương quan với anh em khác với sự khiêm nhường, thì chẳng ai lại từ chối tha thứ cho bạn. Hơn nữa, chính sự chân thành và khiêm nhường lại làm cho tương quan của tôi với anh em ngày càng mật thiết hơn.
---
Những ngày cuối năm, nhiều bạn trẻ đang trong giai đoạn dự tu, thanh tuyển trở về nhà ăn tết với gia đình. Có lẽ mọi người ở quê nhanh chóng nhận ra những thay đổi tích cực của các bạn, từ cách ăn nói, nhân bản, đến trang phục; và người quê thì chẳng biết và cũng chẳng hiểu đời tu là như thế nào, chỉ thấy bảo thằng bé ấy, con nhỏ đó vào Nam đi tu; thế nên khi thấy các bạn trở về bà con họ hàng, xóm giềng vui vẻ chào đón, rồi kính nể gọi: “con chào thầy”; “con chào xơ”. Dù các bạn biết các bạn chưa là gì cả, nhưng thật lòng khi nghe những lời chào ấy, các bạn cũng thấy vui chút chút, một chút gì đó ngài ngại, nhưng cũng có chút gì đó thinh thích, một chút tự hào.
Nhưng các bạn ơi, Tết rồi cũng qua, các bạn lại lên đường tiếp tục tu tập, trở về với con số 0 trong ơn gọi. Sẽ không bao giờ có ngày các bạn là những ông thầy, bà xơ thật sự nếu các bạn không xác định được mình đang ở đâu trong hành trình ơn gọi và mình phải khởi đi từ điều gì. Đừng để những hư ảo, hư danh làm mờ mắt chúng ta. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là:
Từ bỏ thật sự theo nghĩa đen gia đình của mình.
Từ bỏ thật sự theo nghĩa đen cha mẹ và anh chị em của mình.
Từ bỏ thật sự theo nghĩa đen sự tự mãn và kiêu ngạo của mình.
Để bắt đầu tập chọn lấy:
Chọn lấy thực sự theo nghĩa đen nhà dòng như là nhà của mình
Chọn lấy thực sự theo nghĩa đen yêu thương anh em (chị em) như những người thân ruột thịt của mình.
Chọn lấy thực sự theo nghĩa đen sự chân thành và khiêm tốn trong các tương quan.
Tôi tin chắc rằng, nếu các bạn làm được như thế, các bạn sẽ thành công. Tôi khẳng định điều này không phải tôi bịa đặt ra và xem nó như chân lý. Có nhiều đường lối tu đức khác nhau, nhưng những điều này tôi đã sống theo sự hướng dẫn của các cha giáo đi trước và bản thân tôi đã trải nghiệm thật sự.
Tôi đã thử và tôi đã thành công. Còn các bạn thì sao?
---
À quên một điều, những điều trên hiện tại tôi vẫn phải luôn cố gắng mỗi ngày. Tập yêu thương, tập xem cộng đoàn như là nhà, tập chân thành và khiêm nhường chưa bao giờ dễ dàng với tôi. Thực hiện những điều trên không phải chỉ trong một giai đoạn nào đó, mà là thực hiện cả cuộc đời.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS
(Dòng Thánh Thể)