MÙNG 2 TẾT: KÍNH NHỚ TỔ TIÊN
Tri ân tổ tiên quá khứ và ước mong cho hiện tại
Ngày Mùng 2 Tết kính nhớ tổ tiên, tôi nghĩ về thế hệ tổ tiên đã đón nhận Tin Mừng thời xa xưa (thế kỷ 16), và cảm thấy ngạc nhiên lẫn thán phục về sự can đảm của họ.
Vào thời ấy, xét về trình độ dân trí và sự hiện đại thì chắc chắn không được như bây giờ. Ngược lại, tính rập khuôn của xã hội và ý thức hệ lại rất nặng nề chứ không tự do như bây giờ. Thời ấy xã hội Việt Nam ảnh hưởng sâu đậm của Nho Giáo phong kiến China, với tính bảo thủ trong văn hóa tín ngưỡng còn được ghi nhận mãi tới ngày nay. Nho Giáo là triết thuyết bảo hoàng, tức là ủng hộ chế độ phong kiến và tôn giáo của triều đình: Thờ vua, kính thầy, tôn trọng tổ tiên. Đó là lý do người Việt tự nhận là theo đạo ông bà, dù tôn kính tổ tiên là một điểm chung mà mọi dân tộc trên thế giới đều có chứ không gì dân tộc Việt Nam, và đó là tinh thần tín ngưỡng dân gian chứ không được kể là đạo hay tôn giáo. Bởi nói tới đạo và tôn giáo thì phải nói tới phụng tự, cơ cấu và giáo lý.
Trong bối cảnh khắc nghiệt như thế vào thời ấy mà nhiều tín hữu Việt Nam đã mở lòng đón nhận Tin Mừng Kitô Giáo, tức là đạo ngoại lai, hay gọi theo kiểu thời xưa là đạo tây phương. Xét về nhiều mặt, hệ thống giáo lý của Công Giáo không hòa hợp với tín ngưỡng và văn hóa Việt Nam thời ấy, vậy mà những con người đang sống trong xã hội phiếm thần vẫn mở lòng đón nhận một niềm tin mới lạ. Việc theo đạo Công Giáo thời bấy giờ thực sự là một cuộc cách mạng của họ, và chắc chắn họ đã phải đối đầu với sự chống đối và cặp mắt dị nghị của xã hội thời ấy. Tuy nhiên, chính sự quảng đại và can đảm tới mức chấp nhận đổ máu của họ đã góp công xây dựng nên Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hôm nay. Họ là chính là tổ tiên của chúng ta trong đức tin, mà chúng ta cần thành tâm tưởng nhớ và tri ân cách đặc biệt.
So sánh với xã hội Việt Nam hôm nay, tôi không khỏi ngạc nhiên và đau buồn vì sự khép kín lý trí và con tim của họ với ánh sáng Tin Mừng. Như đã nói ở đầu bài, xã hội ngày nay phát triển hơn nhiều, tự do hơn nhiều, mức độ hiểu biết cao hơn và bớt phiếm thần, bớt cực đoan hơn thời xưa rất nhiều. Thế nhưng, chính trong hoàn cảnh cởi mở này thì con người lại khép kín hơn nhiều. Họ không để cho mình cảm thấy ngạc nhiên và tò mò về giáo lý/ Tin Mừng của Công Giáo. Trái lại, người ta dễ dàng nghe theo những tin đồn truyền miệng hay những bài viết một chiều phê bình Công Giáo với những lý lẽ vô căn cứ và không cần xác minh đối chiếu, để né tránh hay thậm chí là thành kiến và thù ghét Công Giáo.
Con người thời nay tự hào mình là con người của thời đại mới, hiện đại, mở ra với mọi trào lưu của thế giới, đặc biệt các trào lưu văn hóa xa lạ thậm chí là nghịch lại với văn hóa của dân tộc Việt Nam. Họ xem đó là hội nhập và hiện đại. Trái lại, giáo lý và luân lý Kitô giáo cực kì hòa hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc như đạo hiếu, đạo phu thê, đạo yêu thương bác ái, tinh thần bình đẳng, sự giải thoát thiêng liêng và đấu tranh cho công bằng xã hội, cho người nghèo và những người bị loại bỏ như tinh thần lá lành đùm lá rách của người Việt... thì họ lại cho là đạo vớ vẩn, là ngoại lai, là không phù hợp với văn hóa Việt Nam...
Người Công Giáo chúng ta, khi tưởng nhớ tổ tiên tri ân các bậc tiền bối trong đức tin, cũng hãy nhớ cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam, cho nhiều người biết mở lòng đón nhận ánh sáng Tin Mừng. Chúng ta hãy cùng nhau quyết tâm hơn làm chứng cho Tin Mừng, hãy dùng những phương tiện Chúa ban để tìm hiểu giáo lý, để hộ giáo và để rao giảng Tin Mừng của Chúa, đặc biệt là hãy không ngừng cầu nguyện, với hi vọng sẽ có thêm nhiều người dân Việt tin kính Chúa và để Nước Chúa thêm lớn mạnh trên quê hương Việt Nam.
Mong thay!!
M. Hạnh Tử
(Mùng 2 Tết Nhâm Dần 2022)