HÀNH TRÌNH TÂM LINH
(LÀM SAO ĐỂ SỐNG VỚI CHÚA)
từ tác phẩm L’itinéraire de la vie spirituelle
của Lm. Bernard Peyrous
với sự cho phép của tác giả
+
PHẦN I
CÁC NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG VỚI CHÚA
Chương 1: TẠI SAO THIÊN CHÚA HÀNH ĐỘNG VÀ NGÀI HÀNH ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
1. Hạnh phúc nơi Thiên Chúa:
- Mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc. Khi con người sống thân mật với Thiên Chúa thì họ được hạnh phúc viên mãn.
2. Hạnh phúc của Thiên Chúa:
- Chúng ta ít khi liên kết ý tưởng về Thiên Chúa với ý tưởng về hạnh phúc.
- Thật ra khi chúng ta nói: “Thiên Chúa” là chúng ta nói: “hạnh phúc” hoặc “niềm vui tuyệt đối”.
3. Hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn:
- Con người được tạo nên để sống trong tình yêu với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.
- Mỗi một người chúng ta đều đặc biệt quý giá trước mặt Thiên Chúa.
4. Hạnh phúc đến với chúng ta trong thực trạng của chúng ta:
4.1. Thiên Chúa đón nhận chúng ta trong thực trạng của chúng ta:
- Khi chúng ta trong sáng với chính mình, chúng ta sẽ bị đánh động bởi khoảng cách giữa sự tinh tuyền của Thiên Chúa với sự hư hỏng của linh hồn chúng ta.
- Khi chúng ta bắt đầu thăng tiến trong đời sống tâm linh thì khoảng cách này làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ.
- Cách thế duy nhất mà Thiên Chúa chọn để đến với chúng ta là khởi sự từ nơi thấp kém, bé mọn, yếu đuối của chúng ta và chấp nhận lệ thuộc vào tình yêu của chúng ta.
4.2. Các việc suy niệm:
- Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta thường được mặc khải qua các việc “suy niệm”: Lời Chúa, sống các bí tích (đặc biệt các bí tích Rửa Tội, Thánh Thể và Giao Hòa). Cũng cần có người đồng hành thiêng liêng để giúp thăng tiến đời sống tâm linh này.
- Mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người cần đến việc tiếp xúc liên lạc giữa chúng ta với Ngài.
Chương 2: CON NGƯỜI CÓ THỂ ĐÁP LẠI NHƯ THẾ NÀO?
1. Nghệ thuật sống như trẻ thơ:
1.1. Tại sao phải nên như trẻ thơ?
- Để bước vào cuộc phiêu lưu đầy đòi hỏi tiến về phía Thiên Chúa, chúng ta phải là những con người trưởng thành, có trách nhiệm, được giáo dục và có bản lĩnh. Thêm vào đó, chúng ta phải can đảm và khôn ngoan.
- Tuy nhiên, hơn cả những đức tính trên, chúng ta cần có tinh thần trẻ thơ. Càng tiến lên gần Chúa, tinh thần trẻ thơ của chúng ta càng phát triển mạnh và càng chi phối con người chúng ta.
- Khi chúng ta đã phát huy hết năng lực tinh thần của mình, chúng ta sẽ nhận ra giới hạn của mình. Khi ấy chúng ta sẽ thấy mình cần cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa là Cha của chúng ta.
1.2. Chúng ta có thể trở lại làm con trẻ:
- Trong sâu thẳm của mỗi người đều vẫn còn lại một trẻ thơ nguyên tuyền đang yên ngủ, chưa bị các ảnh hưởng của cuộc sống tác động tới.
- Mục đích của lộ trình tâm linh của mỗi người là: trở lại làm con của Chúa trong Chúa Con.
2. Thủ đắc những phản xạ của trẻ thơ:
- Nếu chúng ta hiểu rằng mình là con của Chúa thì cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi.
- 5 thái độ căn bản của trẻ thơ, cũng là 5 phản xạ căn bản trong đời sống tâm linh là: tin tưởng, phó thác, ước ao, lưu tâm đến giây phút hiện tại, thanh khiết trong tâm hồn.
2.1. Tin tưởng:
- Trẻ thơ luôn tin tưởng vào người lớn đang yêu thương lo lắng cho mình.
- Chính sự tin tưởng đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.
2.2. Phó thác:
- Tin tưởng dẫn đến phó thác. Nhờ phó thác mà chúng ta để cho ý Chúa được thể hiện nơi mình.
2.3. Ước ao:
- Phó thác vào tay Chúa không có nghĩa là chúng ta bất động không làm gì cả, mà là chúng ta thay đổi cách hoạt động của mình. Bây giờ phần nguyện xin, trông đợi – tức là phần cầu nguyện – trở nên chính yếu.
- Người sống với Chúa là người luôn ước ao. Càng có Chúa, chúng ta càng ước ao Ngài nhiều hơn.
- Chúng ta ước ao Chúa, nên chúng ta biết ơn Chúa nhiều hơn.
2.4. Quan tâm đến giây phút hiện tại:
- Trẻ thơ luôn sống trong giây phút hiện tại, không lo lắng về ngày mai, vì biết rằng đã có cha mẹ luôn chăm sóc cho mình.
- Chúng ta chạy trốn Thiên Chúa vì chúng ta chạy trốn hiện tại, bởi kinh nghiệm rằng thực tế nhiều lúc rất khó khăn và đáng ngại. Đây cũng chính là lý do sâu xa của nạn nghiện ma túy, nghiện rượu và nhiều lệch lạc khác.
- Để đến với Chúa, chúng ta phải cố gắng rời bỏ mộng ảo để tiến vào hiện thực. Chỉ có hiện tại là hiện thực và Thiên Chúa chỉ hiện diện trong hiện thực thôi.
2.5. Thanh khiết trong tâm hồn:
- “Phúc cho ai có tâm hồn thanh khiết, vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa” (Mt 5,8). Sự hưởng kiến Thiên Chúa có mối liên hệ với sự thanh khiết trong tâm hồn.
- Sự vẩn đục trong tâm hồn liên kết với sự chiếm hữu: tôi dùng người khác, và dùng cả Thiên Chúa để phục vụ tôi.
3. Các vùng hiện hữu:
3.1. Mô tả các vùng hiện hữu:
- Con người có thể xác và nhiều điều khác trổi vượt hơn: trí khôn, khả năng chọn lựa (ý chí), và sâu thẳm nhất là khả năng tiến vào trong mối quan hệ với Thiên Chúa (tâm hồn, linh hồn).
- Con người là một khối thống nhất nhưng đồng thời cũng là đa dạng được kết hợp bởi nhiều yếu tố khác nhau.
- Con người được Chúa dựng nên rất hoàn hảo nhưng lại bị thương tích do tội lỗi.
- Con người được tạo dựng để tiến lên nhưng lại thường tìm cách để thụt lùi.
- Ta có thể phân biệt các vùng trong con người. Chúng không tách biệt mà luôn thông hiệp với nhau. Tuy nhiên, chúng không có cùng “chiều sâu” giống nhau.
- Vùng đầu tiên, nằm ở “bên ngoài” hơn cả, được gọi là thể xác. Vùng này có cuộc sống riêng với phạm vi rất rộng, bao hàm những yêu sách và những phản xạ cùng với ký ức của nó. Vùng thứ hai là cảm tính, nghĩa là cách thức mà tôi cảm nghiệm những gì đụng chạm tới thể xác của tôi. Vùng thứ ba “tinh tế” hơn, ở bên trong hơn, là trí khôn. Ở trung tâm là cái “bản ngã” hoặc cái “tôi sâu xa”. Tất cả các vùng này đều được mối quan hệ giữa tôi với Chúa ảnh hưởng đến theo những cách khác nhau.
( Ảnh: Lược đồ các vùng trong con người)
3.2. Thể xác:
- Cần gấp rút loại bỏ ý tưởng rất phổ biến rằng thể xác như là phần ở bên ngoài tôi và là một trở ngại cho đời sống tâm linh của tôi. Thật ra, thể xác của tôi chính là tôi. Nếu không có thể xác thì cũng chẳng có linh hồn.
- Thể xác có nhịp điệu bên trong của nó. Nhịp điệu này rất quan trọng cho đời sống tâm linh: nhịp của ngày và đêm, của các mùa, của tuổi tác...
- Nhờ các giác quan, thể xác đặt tôi trong mối quan hệ với thế giới và với tha nhân. Nếu biết sử dụng đúng thì các giác quan sẽ lập được khoảng cách đúng đắn giữa tôi với thế giới và với tha nhân.
- Thể xác luôn tỉnh thức. Ngay cả ban đêm thì thể xác cũng tỉnh thức một cách tương đối. Thể xác luôn hướng ra bên ngoài và không ngừng mang các thông tin lại cho tôi.
- Thể xác là một phương tiện cần thiết để đối thoại, cho nên nó có vai trò đáng kể trong đời sống với Thiên Chúa.
- Mỗi phần của thể xác đều nối kết với cảm tính, với trí khôn và với linh hồn. Cách tôi thở, nhịp thở của tôi có thể chạm tới một điều gì đó rất quan trọng đối với hơi thở sinh tồn của tôi và ngay cả đối với những nền tảng của đời sống nội tâm của tôi.
- Thể xác có những nhu cầu riêng của nó. Vì bị thương tích do tội nên những nhu cầu này có thể trở thành bạo ngược và lộng hành. Chính vì thế mà ta cần khống chế nó: thể xác cần phải được giáo dục.
- Lưu ý rằng thể xác có trí nhớ (ký ức) riêng của nó. Thể xác nhớ lại những gì đã đụng chạm và tác động tới nó. Điều này hết sức quan trọng đối với đời sống tâm linh.
3.3. Cảm tính:
- Cảm tính là khả năng của tôi để cảm nhận điều mà thể xác mang đến với tôi. Khi thể xác mang đến cho tôi các thông tin, cảm tính của tôi sẽ giải mã chúng nhờ sự hỗ trợ của trí nhớ của riêng nó. Trí nhớ của cảm quan hoạt động rất mãnh liệt nơi con người. Dù muốn hay không, đời sống của tôi phần nhiều nằm ở vùng này.
- Cảm tính đi xa hơn thể xác. Nó tô vẽ một cách rất cá biệt điều từ bên ngoài xâm nhập vào chúng ta.
- Cảm tính có tính cách rất cá biệt chủ quan nơi mỗi người và, cũng như thể xác, nó có thể trở nên bạo ngược đối với chúng ta. Nếu chúng ta không đề phòng thì nó sẽ điều khiển quan điểm của chúng ta đối với thế giới.
4. Trí khôn (Trí thông minh):
- Trí khôn thì càng tinh tế hơn. Cần nhiều thời gian và công sức để “gầy dựng” một trí khôn. Tuy nhiên đừng hiểu theo cách thông thường trong xã hội rằng chỉ những người có bằng cấp chứng nhận mới là người có trí khôn mà thôi. Vì trí khôn có rất nhiều hình thức khác nhau mà các bằng cấp chỉ chứng nhận được một số hình thức thôi.
- Thật ra tất cả trẻ thơ đều có trí khôn theo cách riêng của chúng.
- Trí khôn là khả năng nhận biết, giữ khoảng cách và suy nghĩ về thực tại. Để làm được điều này thì cần biết so sánh đối chiếu, nghĩa là cần có văn hóa.
- Cũng như thể xác và cảm tính, trí nhớ của trí khôn đóng vai trò thiết yếu trong việc suy nghĩ.
- Không có đời sống tâm linh nào mà thiếu trí khôn. Cha Clérissac đã viết: “Kitô giáo là tôn giáo của trí khôn.”
- Trí khôn khách quan hơn cảm tính vì nó có khả năng đạt tới chân lý, nó “nối kết” một cách tự nhiên với thực tại.
- Tuy nhiên, nó cũng dễ bị biến dạng và lầm lạc bởi tính kiêu ngạo mà trở nên mù quáng mất lý trí.
- Để bắt trí khôn quy phục thực tại và Thiên Chúa, cần phải có thời gian, chấp nhận hy sinh và khiêm hạ.
5. Cái “tôi sâu xa”:
- Ở trung tâm của con người, có một vùng hết sức quan trọng gọi là “bản ngã” hoặc là cái “tôi sâu xa”. Đây chính là nơi tôi đưa ra các quyết định nền tảng nhất, và cũng là nơi Thiên Chúa ngự trị. Nơi này cũng được gọi là linh hồn hoặc tâm hồn.
- Linh hồn có nguyên tắc hoạt động theo cách thiêng liêng. Tuy nhiên những hoạt động của thể xác vẫn có ảnh hưởng lên linh hồn.
- Ở trung tâm linh hồn có một khả năng lựa chọn một cách tự do được gọi là ý chí. Nó huy động con người hướng về mục đích cuối cùng, như chiếc kim la bàn chỉ về hướng bắc, bằng cách trao cho con người khả năng chọn lựa.
- Trung tâm linh hồn cũng là nơi ta sống với Chúa. Vì linh hồn được tạo dựng để đón nhận Thiên Chúa, nên khả năng của linh hồn rất bao la. Đời sống tâm linh diễn ra trong những chân trời rộng lớn mà chúng ta chỉ khám phá được một vài phần thôi.
- Thế nhưng không phải là chúng ta hoàn toàn không biết gì về điều đang xảy ra trong linh hồn. Tác động của Thiên Chúa nơi chúng ta dường như được “cảm tính” của linh hồn đón nhận.
- Các Giáo phụ nói rằng đó là các giác quan thiêng liêng: cũng như thể xác có 5 giác quan thì linh hồn cũng có các giác quan thiêng liêng để nghe, cảm, đụng chạm, thấy và nếm Thiên Chúa. Dưới tác động của ân sủng, các giác quan thiêng liêng này dần trở nên linh hoạt và tạo thành “ý thức thiêng liêng” giúp tôi nhận ra tác động của Chúa nơi tôi dù ý thức này vẫn rất giới hạn.
- Như vậy, linh hồn dần dần triển nở dưới tác động của Chúa Thánh Thần.
- Bấy giờ linh hồn khám phá một điều khác nơi mình: đó là những năng lực liên kết với linh hồn. Ý chí cùng với trí khôn là các năng lực liên kết với linh hồn và Thiên Chúa hoạt động nơi các năng lực này. Chúng như là trí nhớ của linh hồn, chúng lưu lại điều Thiên Chúa đã làm trong linh hồn. Thiên Chúa hoạt động trong các năng lực này để chiếm lĩnh, thanh tẩy và biến đổi chúng.
- Với tác động của Chúa Thánh Thần, linh hồn càng lúc càng trở thành trung tâm của cuộc sống con người. Linh hồn làm chủ cảm tính và trí khôn, linh hoạt một đời sống mới của chính Chúa Thánh Thần.
(Ảnh: Việc thanh luyện các vùng khác nhau khởi đi từ cái “tôi sâu xa”)
- Chúng ta đã nói rằng linh hồn là một thế giới, và chúng ta cũng đã nói rằng linh hồn có một trung tâm. Đời sống tâm linh dường như càng lúc càng được chỉ huy từ trung tâm này. Đây là một nơi thống nhất, hết sức bình an, như một hồ nước phẳng lặng. Đây cũng là một nơi hết sức giản dị. Chương trình của đời sống tâm linh chính là tiến vào tận trung tâm của con người để gặp Chúa và sống với Ngài. Đó là điểm đến của lộ trình tâm linh.
- Con người có khả năng đạt đến Chúa theo nghĩa là có khả năng đón nhận Ngài. Vấn đề là con người không biết điều này, và khi biết rồi, con người thường thích đứng ngoài lề hơn. Con người nghĩ rằng mình sẽ phải trả giá rất đắt để đi về phía Chúa. Con người không chấp nhận tiến vào trong chương trình từ bỏ các giới hạn của mình để đi đến những chân trời cao hơn. Phải chi chúng ta biết rằng mình sẽ thiệt mất khi cứ sống sà sà dưới mặt đất! Thế mà cuộc sống với Chúa, cuộc sống đích thực, luôn rộng mở trước chúng ta. Chúng ta sắp thấy các giai đoạn của cuộc sống này.
(Còn tiếp)
Kinh Việt - Trầm Tĩnh Nguyện