[Bắt nguồn từ văn hóa lúa nước,] người Việt đã hình thành một niềm tin riêng biệt gọi là Việt giáo, một tôn giáo truyền thống của người Việt Nam. [Thần học gia] Phan Đình Cho chia Việt giáo ra làm hai nhánh: Đạo Thờ Trời và Đạo Ông Bà. Nói một cách khác, Việt giáo nổi bật với "hai nét đặc thù, đó là, niềm tin vào Ông Trời và đạo hiếu với tổ tiên." Hai nhánh của một tôn giáo này đã "tạo ra cốt lõi của tôn giáo truyền thống của người Việt Nam."
b. Đạo Ông Bà
Bên cạnh việc tôn thờ Ông Trời, Việt giáo cũng đề cao việc tôn kính linh hồn tổ tiên. Người Việt thường gọi đạo thờ Ông Bà hay đạo Ông Bà.
(1) Thân xác, Linh hồn và Vía
Con người trong quan niệm của người Việt là một sự kết hợp giữa thân xác, linh hồn và vía. Vía có vai trò trung gian nối kết cơ thể với linh hồn. Bắt nguồn từ nguyên lý Âm, vía nhập vào cơ thể con người vào giây phút thụ thai. Tuy nhiên, vía rời khỏi cơ thể con người lúc họ chết, đồng thời chấm dứt sự tồn tại. Bắt nguồn từ nguyên lý Dương, linh hồn cũng đi vào cơ thể con người lúc thụ thai. Nhưng không giống như vía, linh hồn bất tử. Bởi thế, khi cơ thể con người không còn, linh hồn cần một nơi cư ngụ mới.
(2) Bài vị trên Bàn thờ Tổ tiên
Cho nên, sau khi người cha qua đời, lấy một thí dụ, các thành viên trong gia đình liền thực hành nghi lễ mời linh hồn của người cha nhập vào bài vị làm bằng gỗ, với tên của ông được viết ở trên bề mặt. Bài vị linh hồn của người cha sẽ được đặt trên bàn thờ tổ tiên cùng với bài vị của các thành viên khác trong đại gia đình. Vào ngày đám cưới của một thành viên trong gia đình hoặc vào đêm Giao Thừa, linh hồn của người cha được người chủ hộ kính mời bước ra từ bài vị, để hoà nhập và chung vui cùng với con cháu trong những dịp trọng đại. "Thức ăn các món thường xuyên được dâng cúng trên bàn thờ tổ tiên" cho linh hồn của người quá cố. Vào ngày giỗ của người cha, lương thực - một bát cơm trắng không thể thiếu vắng - được đặt ở phía trước bài vị của người quá cố trên bàn thờ tổ tiên.
(3) Đạo Hiếu: Cốt lõi của Đạo Ông Bà
Cốt lõi của đạo Ông Bà là đạo hiếu. Đây cũng là đức tính mà mỗi người Việt Nam phải có. Bởi thế, làm người Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc phải tôn kính cha mẹ trong khi hai đấng sinh thành còn sống và ngay cả sau khi họ qua đời. "Tôn kính Ông Bà đã tạo nên căn tính của người Việt." Nói ngắn gọn, tôn kính tổ tiên là cốt lõi của Việt giáo. "Lòng hiếu thảo là căn bản của đời sống đạo đức và đời sống tôn giáo của người Việt." Lòng hiếu thảo là "bổn phận của mỗi thành viên trong gia đình" phải có đối với đấng bậc sinh thành. Nhìn dưới lăng kiếng văn hóa, "mỗi người Việt Nam đều phải tôn kính tổ tiên." Lòng hiếu thảo trong xã hội Việt Nam đòi hỏi con cháu phải hoàn thành nghĩa vụ của mình ở nhiều cấp độ khác nhau. Hai trong những cấp độ này là chăm sóc cha mẹ, đặc biệt khi họ trở nên già yếu, và tôn kính cha mẹ sau khi họ qua đời. Không hoàn thành hai nghĩa vụ thiêng liêng này, người con sẽ bị coi là bất hiếu. Một người bị xã hội kết tội là bất hiếu không chỉ mang lấy ô nhục tới cá nhân, nhưng còn tới cả con cháu của người đó. Việt Nam là một xã hội trọng danh dự, những người bất hiếu với cha mẹ vì thế mất chỗ đứng trong xã hội. Họ bị mọi người trong xã hội tẩy chay!
Người Việt Nam bày tỏ lòng tôn kính tổ tiên bằng cách cúi đầu trước bài vị đặt trên bàn thờ tổ tiên. Thông thường, họ cầm vài cây nhang đã được đốt, để chúng trước ngực. Rồi họ giơ cao quá đỉnh đầu hai bàn tay chắp lại với những cây nhang cháy đỏ, sau đó hạ nhang xuống trước ngực. Sau cùng, họ cúi đầu vái lạy ba hoặc nhiều lần trước bài vị của tổ tiên hay của cha mẹ. Nghi thức tôn kính này có thể được thực hiện vào mỗi sáng sớm trước khi con cái rời khỏi nhà đi làm. Nghi thức kính nhớ này cũng được thực hiện trong ngày cưới khi cô dâu sửa soạn từ biệt gia đình bố mẹ về nhà chồng. Nghi thức này cũng được thực hiện trong đêm Giao Thừa. Ngay vào giây phút nửa đêm, người cha đại diện cho gia đình trang trọng mời tổ tiên quay về sum vầy với gia đình để ăn Tết, ngày lễ văn hóa quan trọng nhất trong năm của người Việt.
Bàn thờ tổ tiên được đặt ở chính giữa ngôi nhà. Bàn thờ và vị trí trung tâm nhắc nhở tất cả các thành viên của gia đình về sự hiện diện thiêng liêng và sự che chở phù hộ của ông bà tổ tiên tới tất cả mọi thành viên trong gia đình.
Mặc dù người Việt Nam không có xu hướng phân biệt rõ ràng giữa "thờ phượng" và "tôn kính," họ thờ phượng Ông Trời và tôn kính linh hồn tổ tiên. Cho dù họ vẫn sử dụng cụm từ "thờ ông bà” hay “thờ cúng tổ tiên," người Việt ngụ ý tôn kính ông bà và tổ tiên. Trong hệ thống thứ bậc tâm linh, dân Việt chỉ thờ một mình Ông Trời, các vị thần linh còn lại chỉ được tôn kính. (Trích LM Nguyễn Trung Tây - Michael Q. Nguyen, SVD. "Âm Hưởng Truyền Giáo trong Văn Hóa Việt Nam của Tin Mừng Hóa Bánh Mì Ra Nhiều trong Gioan 6." Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2021, tr. 70, 77-80).