CHUNG THUỶ (*)
Quyên Di
Năm ấy, Denise được 21 tuổi. Ðối với một người con gái Mỹ, tuổi 21 rất quan trọng. Nàng sẽ được coi như một người hoàn toàn trưởng thành, được phép làm bất cứ một việc gì dành cho người lớn, những việc mà bọn “con nít” dưới tuổi 21 không được phép làm.
Denise biết rằng mình đẹp. Nàng có mái tóc vàng gợn sóng. Denise thường thả cho mái tóc dài óng ánh như vàng ấy phủ hờ đôi bờ vai thon. Ðôi mắt nàng xanh thăm thẳm. Ðó là đôi mắt “di truyền” của dòng dõi cha nàng, một người đàn ông quý phái gốc Ái Nhĩ Lan. Sống mũi nàng cao, thanh tú. Ðẹp nhất là đôi môi trái tim, ướt át, chín mọng, khêu gợi, lúc nào cũng như mời mọc một nụ hôn.
Bọn con trai thường theo đuổi, ve vãn nàng. Hồi học trung học, Denise cũng có mấy đứa “boyfriend”; Denise cũng “date,” cũng cùng “boyfriend” hôn nhau. Nàng có những rạo rực, khát khao của tuổi mới lớn, nhưng nàng không để cho những cái “quá đáng” xảy ra. Ðối với tụi bạn bè, Denise là một hiện tượng. Trong trắng lại là một hiện tượng! Ðiều ấy đối với những thế hệ xa xưa nghe thật lạ thường, nhưng với thế hệ trẻ bây giờ, nó quả là một… hiện tượng.
Nhưng bây giờ Denise đã 21 tuổi. Tụi bạn nhất quyết lôi nàng đến quán rượu. Sinh nhật của Denise, chúng buộc nàng phải hớp ngụm rượu mạnh đầu tiên. Ðây là một cuộc “rửa tội” để Denise thực sự là người lớn.
Ðó là một ngày mùa xuân. Trời đất Portland giống như xứ thần tiên. Nắng vàng đổ xuống trên cây cối, nhà cửa. Không gian sáng, thơm và sạch. Trong những mảnh vườn, các loại hoa đua nhau tươi nở. Mùi hương ngan ngát cả đất trời. Hoa hồng nở khắp nơi. Ðó là một đặc điểm khiến cho người ta mỗi khi nói đến Portland của tiểu bang Oregon, đều gọi đó là “xứ hoa hồng”. Hoa hồng đẹp lắm và quyến rũ lắm, khiến cho ai ngắm những vườn hồng tươi thắm của Portland đều cảm thấy lòng mình nao nao.
Nhưng Denise đẹp hơn hoa hồng. Nàng là một trong những bông hoa sống động và quyến rũ nhất của Portland. Bạn bè đặt cho nàng biệt danh “Công Chúa của Xứ Hoa Hồng,” kể cũng không quá đáng.
Buổi sáng ngày tròn 21 tuổi, Denise đứng trước tấm gương, ngắm nhìn toàn thân nàng. “Tôi ơi! Tôi đã 21 tuổi. Bắt đầu từ hôm nay đời tôi sẽ ra sao? Ai sẽ yêu tôi với một tình yêu chân thật? Tôi hứa rằng tôi sẽ đáp trả người ấy bằng một tình yêu chung thuỷ.” Denise đặt bàn tay phải lên bờ ngực trần bên trái, như một cử chỉ thay cho lời thề hứa.
Tối đến, đám bạn bè kéo đến nhà Denise, chúng “áp tải” nàng đến quá rượu ở khu phố chính. Xuống xe, cả bọn cười nói ồn ào. Karen ngắm nhìn Denise trong cái váy đầm màu hồng thắm và cái áo hở tay màu trắng ôm lấy thân hình tròn lẳn, trầm trồ: “Denise! Bọn tao ghen với mày đấy! Mày đẹp và khêu gợi quá! Mấy đứa con trai, đứa nào cũng muốn cặp với mày.” Rồi Karen ghé tai Denise nói nhỏ: “Nè Denise, đừng để bị say nhé! Bọn tao sẽ bảo vệ mày, không đứa con trai nào đụng được đến mày đêm nay đâu!”
Cả bọn kéo nhau vào quán. Người “security” hình như quen mặt bọn sinh viên này rồi, anh ta không hỏi ID đứa nào cả. Nhưng khi nhìn thấy Denise, anh ta hơi chau mày, định cất tiếng nói cái gì đó. Tức thì Karen lục ví Denise lấy ra cái ID, nói: “Nè! Ðừng có lộn xộn, con Denise bạn tao nó đủ 21 tuổi rồi đấy!” Thế là cả bọn nói cười ồn ào, kéo nhau vào quán.
Một lũ bạn khác đã có mặt trong đó rồi! Cả hai nhóm, tính ra phải đến hăm mấy đứa. Có đứa Denise nhận ra mặt, có đứa lạ hoắc. Hoá ra bọn chúng kéo cả những đứa bạn riêng của mỗi đứa đến đây. Mừng sinh mật của nàng “Công Chúa của Xứ Hoa Hồng” có lẽ là một niềm hãnh diện nên không đứa nào được mời mà lại từ chối.
Hớp rượu mạnh đầu tiên trong đời làm Denise ngây ngất đến choáng váng. Ðầu lưỡi hồng của nàng nóng lên rồi tê dại. Chất cồn làm cho cơ thể nàng nóng ấm. Dưới ánh đèn mờ, đôi mắt Denise sáng lấp lánh như hai vì sao. Ðôi má nàng hồng lên, đẹp như những bông hồng tươi mịn. Môi nàng đỏ tươi khêu gợi. Có chút gì man dại trong dáng dấp của nàng.
Karen và Janet đứng sau lưng Denise. Janet nói: “Nè Denise, đừng nằm lại đây đêm nay nhé! Phiền lắm đó!” Cả bọn cười phá lên; còn Denise thì cúi đầu, e thẹn.
Thế rồi chúng buông tha Denise để từng nhóm nhỏ chuyện trò thân mật với nhau bên những ly rượu mạnh. Có những cặp ôm vai nhau thủ thỉ. Con Karen và thằng Scott hôn nhau say đắm. Denise còn đủ sáng suốt để nhìn chung quanh. Có một anh con trai ngồi một mình. Anh ta lạ mặt, Denise chưa thấy bao giờ. Ðó là một người con trai Á châu, thân hình to lớn hơn những người Á châu bình thường. Mái tóc anh dày và đen. Ðôi mắt anh lớn, nhìn vào một khoảng không. Anh này không phải người Nhật, cũng không phải người Hoa hay người Hàn. Những người Á châu này thường có đôi mắt bé, còn anh ta, mắt anh ta to và sâu, lôi cuốn một cách kín đáo.
Như có sự xui khiến vô hình, Denise rời nhóm bạn, lại gần anh con trai đó. Nàng tự nhiên ngồi xuống bên anh ta, hỏi:
- Này anh, anh tên gì?
- Tôi tên là Hùng.
- Hưn? Denise hỏi lại.
- Không phải! Tên tôi là Hùng.
- Khó phát âm quá!
- Không sao! Cô cứ gọi tôi là Hưn đi. Ðó là tên của tôi dành riêng cho cô thôi.
- Cám ơn Hưn. Anh là người nước nào? Tôi thấy anh giống người Á châu nhưng không phải là người Hoa.
- Cô nhận xét đúng lắm! Tôi không phải là người Hoa. Tôi là người Việt Nam.
Denise nhìn Hùng. Nàng thấy Hùng đẹp, một vẻ đẹp khác những đứa con trai khác, bạn của nàng. À, anh ta là người Việt Nam. Việt Nam, cái dân tộc và xứ sở ấy thật xa lạ đối với Denise. Nàng chỉ nghe nói đến cái tên ấy một đôi lần. Việt Nam! Cái tên gắn liền với một cuộc chiến tranh lâu dài và tàn khốc, gắn liền với đau thương và chết chóc.
Denise hỏi người con trai:
- Tại sao anh ngồi ở đây một mình, không vui chơi với các bạn?
- Vì tôi muốn gặp một người…
- Anh muốn gặp ai?
Denise hy vọng rằng anh ta sẽ trả lời rằng anh ta muốn gặp nàng, nhưng người con trai nói:
- Tôi muốn tìm gặp tôi. Ở trong đám đông, đôi khi tôi đánh mất chính tôi.
Câu trả lời lôi cuốn Denise. Ðám bạn con trai của nàng, không đứa nào có cách nói chuyện như thế. Tò mò, Denise bạo dạn hỏi:
- Anh có muốn gặp em không?
Hùng quay nhìn Denise để thấy hai vì sao lấp lánh và đoá hoa hồng tươi nở. Anh nói:
- Tôi muốn gặp cô chứ. Vì khi nhìn cô, tôi tìm thấy một phần đời của tôi.
Hình như biết Denise không hiểu câu nói của mình, Hùng nói tiếp:
- Khi tôi nhìn sâu vào đôi mắt cô, tôi thấy cái mênh mông của Thái Bình dương. Bên kia biển Thái Bình là quê hương tôi đó. Ở nơi ấy, tôi đã được sinh ra, lớn lên. Ở nơi ấy tôi đã có một tuổi thơ thật đẹp, tôi có những đứa bạn thân. Ở nơi ấy, có những dòng sông chở cả đời tôi, đưa tôi đi đến những bến bờ mộng ước…
Hùng ngừng lại, mơ màng, một vẻ mơ màng rất Ðông phương. Denise như bị lôi cuốn vào câu chuyện của Hùng, nàng thúc giục:
- Hưn ơi, anh nói nữa đi.
Hùng nói tiếp:
- Khi nhìn mái tóc em, tôi thấy những dợn sóng của dòng sông tuổi nhỏ. Quê tôi có dòng sông Hương, chảy êm đềm ngang qua thành phố Huế. Denise, tôi mong ước được thả con thuyền đời tôi trên dòng tóc gợn sóng của em. Hãy đưa tôi về miền đất có hương cau thơm ngát bằng dòng tóc của em.
Không biết từ lúc nào, Denise đã ngả đầu trên bờ vai rắn chắc mà êm ái của Hùng.
*
Denise yêu Hùng tha thiết. Người con gái, dù Ðông phương hay Tây phương khi yêu đều muốn làm tất cả những gì mà nàng nghĩ là người yêu của nàng ưa thích. Ðã đôi lần, Hùng ngỏ ý muốn nghe Denise nói tiếng Việt. Với Denise, cái ngôn ngữ có sáu thanh lên bổng xuống trầm nghe sao mà quyến rũ, nhưng cũng sao mà khó phát âm đến thế.
Denise rất sợ mình trở thành nàng ngư nữ tí hon trong truyện thần tiên của Anderson. Hoàng tử mà nàng ngư nữ say đắm không yêu nàng như yêu người tình, cũng không cưới nàng làm vợ. Hoàng tử chỉ thương nàng ngư nữ như thương cô em gái nhỏ bé. Ðiều ấy chắc có nhiều nguyên do, nhưng một trong những lý do quan trọng là nàng không biết nói. Mụ phù thuỷ ác nghiệt dưới lòng biển sâu đã đòi lấy đi cái lưỡi xinh xắn của nàng để đổi lấy việc mụ biến cái đuôi cá của nàng thành đôi chân đẹp. Mất chiếc lưỡi, nàng ngư nữ không nói được nữa. Giữa nàng và hoàng tử có một khoảng cách mênh mông của sự thiếu cảm thông bằng ngôn ngữ. Thiếu cảm thông, tình yêu không thể tròn đầy, cuộc tình thiếu đi hạnh phúc.
Denise không muốn là nàng ngư nữ tí hon. Ðành rằng Hùng có thể nói Anh ngữ với nàng, nhưng chính nàng, nàng muốn nói với Hùng bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của Hùng. Khoá học mùa Thu kế tiếp, Denise ghi danh học lớp tiếng Việt, cho dù nàng bị tràn ngập những bài vở của những môn học chính. Giáo sư tiếng Việt của nàng người miền Bắc, giọng bà rõ ràng, ấm áp. Bà bỏ nhiều thì giờ tập cho Denise phát âm. Nhờ bà, Denise nói tiếng Việt khá rõ.
Denise nhớ ngày đầu tiên nàng nói tiếng Việt với Hùng. Nàng đã xin giáo sư giúp nàng phát âm tiếng “Hùng” thật rõ, chứ không phải là “Hưn” như nàng gọi trong buổi đầu gặp gỡ. Hôm ấy, khi Denise đến nhà trọ của Hùng, nàng sà vào lòng chàng, ngước đôi mắt lấp lánh nhìn chàng, hai cánh môi mọng mở ra, đẹp như bông hoa tươi. Nàng nói tiếng Việt thật rõ: “Hùng ơi, Denise yêu Hùng lắm!” Nói xong, tự nhiên nước mắt Denise trào ra, ướt đẫm cả hai gò má trắng mịn. Hùng sững sờ! Chàng không ngờ Denise có thể nói tiếng Việt rõ ràng đến thế. Chàng ôm lấy Denise, vỗ về nàng và cúi xuống hôn lên hai cánh môi mọng đỏ, hai cánh môi đã gọi tên “Hùng” thật rõ ràng và vô cùng tha thiết.
Dần dà, Denise nói tiếng Việt với Hùng mà không cần chen tiếng Anh vào. Mỗi khi tìm không ra được một từ ngữ, nàng nói: “Hùng ơi, anh giúp em đi, em muốn nói…” Và nàng diễn tả điều nàng muốn nói cũng bằng tiếng Việt, cho đến khi Hùng giúp nàng tìm cho ra một từ ngữ chính xác, nàng mới thoả mãn.
Thế rồi Denise học hát tiếng Việt. Nàng thích nhất những bài dân ca Việt Nam với những tiếng đệm í…a…, ối…a… nghe thật vui tai. Nàng hát cho Hùng nghe:
Quả cau í… a… nho nhỏ,
Cái vỏ í… a… vân vân.
Nay anh í… a... học gần,
Mai anh í… a… học xa…
Nhìn Denise uốn môi theo điệu hát í… a…, tay thì đưa lên múa qua múa lại, Hùng thấy vui quá. Anh mua cho nàng cái áo tứ thân và cái quần lụa trắng. Denise thích lắm, lâu lâu lại lấy áo tứ thân ra mặc, miệng hát điệu í… a…, thân mình uốn éo uyển chuyển. Denise sắp thành cô gái Việt Nam rồi. Nàng chỉ còn khác cái nhân dáng bên ngoài, còn trái tim nàng thì đã là trái tim Việt Nam.
Một ngày nọ trên đường từ trường về, Denise lái xe lại thẳng nhà trọ của Hùng, mặt có vẻ đăm chiêu, suy nghĩ. Gặp Hùng, nàng nói:
- Hùng ơi, tiếng Việt của Hùng khác tiếng Việt của em, có phải không?
Hùng chưa hiểu Denise muốn nói gì. Nàng tiếp:
- Bà giáo em bảo rằng tiếng Việt có những cách phát âm khác nhau, tuỳ theo địa phương. Cũng là tiếng ấy, nhưng miền Bắc phát âm khác, miền Trung phát âm khác, miền Nam phát âm khác. Em nhớ Hùng nói với em rằng Hùng là người Huế nên em xin bà giáo phát âm tiếng Huế cho em nghe. Bà giáo nói rằng bà là người Bắc, không nói tiếng Huế được. Huế là tiếng miền Trung. Em buồn lắm. Hùng ơi, dạy em nói tiếng Huế đi!
Hùng cười, nói với Denise:
- Tại sao em phải nói tiếng Huế! Em phát âm theo giọng Bắc ai cũng hiểu, cả anh cũng hiểu, có sao đâu!
Nhưng Denise vẫn không bằng lòng. Nàng nói:
- Hùng có biết là khi người con gái yêu, cô ta muốn trở nên giống người mình yêu không? Càng giống nhiều càng tốt. Em muốn Hùng và em nói tiếng Huế với nhau…
Ngừng một chút, Denise nói tiếp:
- Vả lại, em muốn một ngày nào đó về Việt Nam, em sẽ đến nhà Hùng, chào hỏi và nói chuyện với cha mẹ Hùng bằng tiếng Huế. Khi ấy em tin là em được chấp nhận như người trong nhà.
Và rồi Denise đã làm một việc thật táo bạo. Mùa hè năm ấy, nàng lấy chiếu khán về Việt Nam, tìm đến Huế. Denise xin một chân dạy Anh văn tình nguyện tại đại học Huế. Sau giờ dạy, nàng theo các nữ sinh viên đi ăn quà, đi dạo và tập nói tiếng Huế. Vì có khiếu ngôn ngữ, chỉ hơn một tháng, Denise đã nói tiếng Huế khá thông thạo. Một cô gái Mỹ nói tiếng Huế, chuyện này thật ngộ nghĩnh. Người ta đồn nhau và rủ nhau đi xem cô gái Mỹ nói tiếng Huế đó.
Khi biết mình phát âm tiếng Huế khá thành thạo rồi, Denise theo cô em ruột của Hùng về nhà mẹ của anh. Hảo là cô em gái của Hùng, đồng thời cũng là một nữ sinh viên theo học lớp Anh ngữ do Denise giảng dạy. Hảo đưa Denise về nhà. Vào nhà, nàng thấy một bà cụ gầy còm, da mặt nhăn nheo. Hảo giới thiệu cho Denise biết đó là mẹ của Hùng. Denise ôm lấy bà cụ và chào bằng tiếng Huế:
- Thưa bác, con ở xa về. Con là bạn của anh Hùng… Con muốn được xem bác như mẹ của con, cũng như bác là mẹ của anh Hùng vậy.
Người đàn bà già nua nhướng mắt nhìn Denise. Cô con gái xa lạ này tại sao lại muốn nhận mình làm mẹ. Linh tính cũng như sự suy đoán của người đàn bà giúp bà hiểu được vấn đề. Con bà theo người quen vượt biên rồi sang Mỹ, chắc bây giờ lớn rồi, đi học đại học và quen con bé này. Có lẽ chúng nó muốn tính chuyện lâu dài. Con bé trông hiền lành, cũng biết giữ lễ phép. Nhưng nó là người Mỹ, làm sao được!
Nghĩ như vậy, bà trở nên lạnh lùng:
- Tôi nghe nói cô là cô giáo của con Hảo nhà tôi. Mời cô ngồi chơi… Hảo ơi, rót nước mời cô giáo uống, con.
Denise cảm thấy ngay vẻ lạnh lùng, xa cách của người đàn bà là mẹ của Hùng, người đàn bà mà nàng từng ao ước được gặp mặt để có thể chào hỏi bà bằng tiếng Huế. Nàng thấy có cái gì nghèn nghẹn trong cổ.
Buổi chiều, Hảo đưa Denise ra nghĩa trang thăm mộ cha của Hùng. Ðặt bó hoa tươi lên mộ, Denise quỳ khá lâu bên cạnh mộ, nàng thì thầm với người đã khuất, mong được nhận làm người thân trong gia đình. Nghĩa trang ở dưới chân một ngọn đồi. Denise đã từng tìm hiểu và biết được rằng nhiều người Việt chôn cất người thân ở dưới chân núi, với niềm tin tưởng rằng người chết, thân xác nằm dưới chân đồi chân núi, nhưng linh hồn sẽ bay lên cao, cao hơn cả ngọn đồi, ngọn núi ấy. Nàng mong rằng linh hồn cha của Hùng, giờ đây đang ở trên cao, nghe được tiếng nàng khấn nguyện.
Nhưng một tháng sau, Denise được thư của Hùng. Anh cho biết là anh phải giữ đạo hiếu, phải vâng lời mẹ. Mẹ anh đã định cho anh lập gia đình với một cô gái khác, một cô gái Việt Nam, người Huế. Cõi lòng Denise như tê dại, nhưng chính nàng cũng lấy làm lạ là tại sao nàng không khóc. Trong nỗi đau đớn, nàng cảm thấy có một niềm an ủi, một tình yêu mới, tình yêu dành cho ngôn ngữ Việt Nam.
Và rồi Denise quyết định không thay đổi chương trình. Nàng đã ký hợp đồng dạy tiếng Anh thiện nguyện cho đại học Huế trong vòng một năm, nàng sẽ giữ hợp đồng đó.
Trong một năm trời, Denise đã theo các sinh viên ăn không biết bao nhiêu đĩa bánh bèo, không biết bao nhiêu chén cơm hến, không biết bao nhiêu tô bún bò. Những món ăn ấy thấm vào lưỡi nàng, như giúp nàng nói tiếng Huế thành thạo hơn. Có lần nàng ra Hà Nội chơi một tuần. Ði đến đâu nàng cũng nói tiếng Việt, giọng Huế. Người Hà Nội trố mắt nhìn một cô gái Mỹ thuần chủng nói tiếng Huế y như người Huế.
Hết hợp đồng, Denise trở về Mỹ. Vết thương lòng chưa lành hẳn nên Denise quyết định không trở lại Portland nữa. Nàng “Công Chúa của Xứ Hoa Hồng” đã nộp đơn xin theo học đại học UCLA ở miền Nam California. Ðơn của nàng được chấp thuận.
Ðến thời kỳ ghi danh, tìm trong “catalogue,” Denise thấy có lớp tiếng Việt cao cấp, nàng đã ghi danh lớp này. Ngày nhập học, Denise gặp giáo sư dạy lớp tiếng Việt và được biết ông cũng là người miền Bắc. Giọng của ông là giọng Hà Nội gốc, rất trầm ấm và điềm đạm. Denise thấy thích lớp tiếng Việt này quá. Giáo sư đã phân tích nhiều từ ngữ mà trước trước đến nay nàng tuy có dùng nhưng không hiểu rõ ý nghĩa và nguồn gốc. Vì thích lớp học nên nàng cũng cảm mến vị giáo sư phụ trách.
Một lần, giáo sư hỏi Denise lý do nàng học tiếng Việt. Không hiểu sao, Denise tâm sự tất cả về cuộc tình của nàng với Hùng. Vị giáo sư yên lặng ngồi nghe, không hề ngắt lời, mặc dù thỉnh thoảng Denise ngưng lại khá lâu vì nghẹn ngào.
Nghe xong hết câu chuyện tình, vị giáo sư nhẹ nhàng hỏi Denise:
- Vì Hùng mà em học tiếng Việt. Nhưng bây giờ Hùng không còn thương em nữa, tại sao em còn học tiếng Việt?
Denise đã trả lời ông:
- Thưa thầy, đức tính quý nhất của người phụ nữ Việt Nam là lòng chung thuỷ. Hùng đã không chung thuỷ với em, có thể vì hoàn cảnh. Nhưng qua Hùng, em đã yêu tiếng Việt. Khi đã yêu rồi thì em nhất quyết giữ lòng chung thuỷ với tiếng Việt, không bao giờ em bỏ tiếng Việt cả. Thưa thầy, em là người con gái Việt Nam, có trái tim Việt Nam, cho dù dáng dấp bên ngoài của em là một cô gái Mỹ.
Hình như vị giáo sư cảm động lắm. Ông nói mà giọng như nghèn nghẹn:
- Denise, lần này lòng chung thuỷ của em nhất định sẽ không bao giờ bị phản bội. Em yêu tiếng Việt và chung thuỷ với tiếng Việt, thì tiếng Việt cũng yêu em và giữ lòng chung thuỷ với em.
_________________________________________
(*) Đây là truyện thật, người viết chỉ thi vị hoá phần đầu. Để bảo vệ sự riêng tư, tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi.