Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019
Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021
LỜI MỞ ĐẦU
Một nghệ thuật sống
Jean Duchesne
Theo các số liệu công bố năm 2018, hi vọng tuổi thọ tại Pháp từ nay là xấp xỉ 80 tuổi cho nam giới và trên 85 tuổi cho nữ giới. Mức tuổi thọ này (không phân biệt nam hay nữ) vào năm 1800 là 30 và năm 1900 là 45. Tình trạng tử suất trẻ sơ sinh giảm, mức độ an toàn tăng cao, các tiện nghi và việc chăm sóc đời sống được cải thiện đã cắt nghĩa cho sự tiến bộ đáng kể này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đa số những người đương thời của chúng ta sẽ sống tới 80 tuổi, vì những số liệu tính toán này chỉ liên quan đến những trẻ sơ sinh của một năm nhất định. Có điều rõ ràng là các xã hội phương tây hay các nước phát triển đang có một sự già hoá dân số đáng kể. Đây là lý do chính đáng để y khoa có thêm một ngành mới: ngành lão khoa, và ngoài ba lứa tuổi cổ điển (trẻ, trưởng thành, già), thì có thêm một lứa tuổi thứ bốn, chung chung gồm những người từ 80 trở lên, ngày càng đông và các dấu hiệu lão hoá và bệnh tật rất dễ nhận thấy, trong khi những người thuộc lứa tuổi 60 và 70 vẫn còn giữ được, ít là bề ngoài, những phong thái dẻo dai giống như những lứa tuổi hậu sinh thua họ mười, hai mươi hay thậm chí ba mươi tuổi.
Tuy nhiên, sự phân biệt giữa “thọ” và “rất thọ” này không mấy chính xác. Lão hoá là một hiện tượng tiệm tiến nhưng không theo tuyến tính, nó có những quãng tạm dừng. Sự sa sút bắt đầu ngay ở cuối thời kỳ tăng trưởng (ngay khi các thể hiện vận động thể lý sa sút) và phát triển theo một nhịp điệu thay đổi tuỳ theo các cá nhân và các điều kiện sống của môi trường và của thời điểm ấy. Tuy nhiên nhìn chung giai đoạn thứ hai của chu kỳ sinh học con người kéo dài một cách rất dễ nhận ra. Sự phân biệt gần đây giữa lứa tuổi thứ ba và lứa tuổi thứ bốn có xét đến sự kéo dài này: bây giờ thời gian của tuổi già có khuynh hướng kéo dài bằng và sẽ sớm kéo dài hơn tuổi trẻ. Và nó cũng sa sút giống như thế: cũng như một mặt chúng ta thấy tuổi thơ rồi tuổi thanh niên bây giờ vượt quá tuổi ba mươi (người ta kết hôn và có con muộn hơn trước), mặt khác chúng ta nhận thấy người ta giữ được sinh lực lâu năm hơn, trước khi bắt đầu một sự sa sút thường kéo dài, nhưng không phải là một thời kỳ bệnh tật cuối đời”. Ngày xưa người ta không chỉ chết sớm hơn, mà còn chết nhanh hơn.
Còn một sự kiện nữa là việc nghỉ hưu (bị bó buộc hay sốt ruột chờ đợi) trở thành một ngưỡng cửa. Những ai mà khi đến tuổi già không còn làm việc để kiếm tiền được nữa thì hầu như được coi như bị gạt ra bên lề. Trước hết họ phải tự mình tìm xem sẽ bận bịu vào công việc cách nào. Và rồi họ không còn có khả năng sản xuất được nữa và giảm bớt tiêu thụ, vì các nguồn lực thể chất và tài chánh giảm sút. Nhưng gánh nặng tài chánh hoàn toàn không phải là nhỏ đối với họ: có các khoản chi phí lớn cho sức khoẻ (tăng lên trong các trường hợp “mất tự chủ” hay vào “cuối đời”) và các khoản trợ cấp được bảo đảm bởi việc phân phối hay bảo hiểm tiết kiệm. Hơn nữa, những “người lớn tuổi”, “kỳ cựu” hay “trưởng lão” hoàn toàn không thụ động về mặt xã hội. Chẳng hạn, họ thực thi các quyền lợi và nghĩa vụ bầu cử của họ một cách đông đảo hơn cả những người hoạt động hay các sinh viên. Và nhất là vì, mặc dù ít phương tiện hơn, họ lại sẵn sàng hơn để tham gia vào những hoạt động ngày càng gia tăng và có tính quyết định trong các lãnh vực văn hoá, hội đoàn, bác ái... cũng như là những bậc ông bà nội ngoại trong các gia đình mà bây giờ đa số các bà mẹ phải lao động, chưa nói đến sự tham gia của họ trong các cộng đồng tôn giáo tại địa phương.
*
Như thế, lão hoá là một khía cạnh quan trọng trong thế giới hôm nay, vì số lượng những người bị ảnh hưởng bởi tuổi già cũng như đối với cộng đồng. Đó là chủ đề quan tâm của số tạp chí Communio này, bởi vì sự chú ý được dành cho nó có vẻ như không đạt tới đúng tầm mức ảnh hưởng của nó, trong khi xét về một mặt khác, những cuộc tranh luận sôi động thường xoay quanh vấn đề chăm lo cho những người sắp chết, đương nhiên là một vấn đề rất đáng quan tâm, nhưng khác với vấn đề chúng ta đang thảo luận ở đây. Con người không duy trì mãi một sự trưởng thành ổn định cho tới giai đoạn mà cái chết của họ trở nên có thể thấy trước được. Có những sự biến đổi thể xác và lộ hiện ra bên ngoài, ít nhiều gắn liền với những thay đổi trong cách ứng xử và tâm lý và với những sự sa sút xã hội. Tuy nhiên, chung chung người ta không thích dừng lại một chỗ và sống như thể mọi sự vẫn tiếp tục như trước. Rất thú vị nếu thử tìm hiểu lý do tại sao. Người ta có thể nhận ra nhiều lý do cho sự né tránh này.
Một trong số những lý do này chắc chắn là khi trở nên tầm thường, tuổi già không còn là điều đáng ước muốn nữa. Nó không được coi như một đặc ân hay một phúc lành. Nó thậm chí bị coi như một sự thất bại hay ít ra là một sự thất sủng mà người ta tránh không muốn để lộ ra. Giấu tuổi của mình thậm chí có thể trở thành một thứ làm dáng hay đoan trang, đặc biệt nếu người ta không “làm” ra nó. Chắc hẳn rồi, nguyên mẫu của loài người tại Phương Tây không bao giờ là người già. Nhưng cũng không phải người đàn ông hay đàn bà ở ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành. … Bù lại sự sa sút thể chất làm cho họ xấu hổ vì bị coi là bất lực, người già thời xưa được cho là đã trở thành những người khôn ngoan vì những gì họ đã vượt qua được, đến nỗi người ta khuyên phải nghe theo những người già. Nhưng từ nay điều này không còn đúng nữa. Bởi vì họ đã để lại một thế giới với biết bao nhiêu sự rối loạn khiên người ta không thể lấy họ làm bài học cho con người thời nay.
Một lý do khác của sự coi thường người già đương nhiên là vì họ đã đến gần cái chết. Tập trung vào sự kiện này chắc chắn là điều buồn thảm. Tuy nhiên, kết quả là người ta cẩn thận tránh nói về nó và người ta đề cập đến những khó khăn của tuổi già chỉ là để sửa sai cụ thể những gì ngay trước mắt mà không biết trước được những gì sẽ theo sau. Người ta có thể làm được gì khác không? Không ai có thể biết chắc được. Hơn nữa, cho dù những người già ít được kính trọng và thậm chí bị coi là gây phiền toái, bảo họ rằng họ không còn sống được bao lâu sẽ là điều khiếm nhã. Bản thân họ, nếu còn sáng suốt, sẽ cảm thấy đau đớn khi nhận thức được những gì đang chờ đợi họ, cũng như những người không cảm thấy có gì ép buộc họ phải chuẩn bị đón cái chết. Bởi vì như thế chính là xoá bỏ mọi tương lai có thể hình dung ra và không người chết nào trở lại thế gian để thông tin cho chúng ta về trải nghiệm của cái chết và sự sống ở đời sau. Sau cùng, việc cái chết là điều không thể nghĩ đến trong thực tế khiến người ta cảm thấy nặng nề với sự lão hoá mà tính chất không thể đảo ngược của nó báo trước về cái chết trong khi vẫn không biết chắc khi nào nó xảy đến và xảy đến như thế nào.
Có vẻ là kỳ lạ khi người ta thường có khuynh hướng né tránh vấn đề tuổi già. Bởi vì trong lãnh vực này, những gì được hay không được chúng ta nói và làm có một tầm quan trọng mà chúng ta không luôn luôn nghĩ đến. Cách chúng ta nhìn và đối xử với những người đến tuổi già bộc lộ cái ý tưởng của chúng ta về con người. Nếu chúng ta muốn che đậy thực tế của tuổi già, đó không phải chỉ vì tuổi già là một cái gì khó chấp nhận, mà cũng là vì chúng ta muốn tránh nói một cách sống sượng về rất nhiều những vấn đề liên quan đến nó.
Vậy, cuộc đời chúng ta có bao nhiêu phần đáng để sống? Một người bị lệ thuộc còn giữ được bao nhiêu phần nhân phẩm không thể tước bỏ của mình? Làm thế nào chấp nhận nhìn các khả năng của mình cứ từ từ sa sút? Phải chăng chỉ là hành động một cách ít xấu nhất hay hiệu quả nhất những hậu quả không mong muốn của tuổi già tất yếu phải đến? Tại sao lại cố gắng tìm cách làm chậm lại, giảm thiểu hay che giấu tuổi giả? Cái gì biện minh cho các mối liên đới giữa các thế hệ? Phải chăng nên đối diện thẳng thắn với các thực tại, mà không lo sợ những tâm trạng dù sao cũng chỉ là những lời tự thú vô ích về sự bất lực của tuổi già? Phải giữ những nguyên tắc nào để xác định những chọn lựa phải làm, những ưu tiên phải giữ, những sự từ bỏ mà ta phải chấp nhận hay bị áp đặt?
Hiện thời, các câu hỏi này không có những câu trả lời được người ta đồng thuận rõ ràng. Người ta thậm chí còn tránh nêu lên những câu hỏi ấy. Chúng đòi hỏi một khoảng lùi để một số người từ chối bản thân mình, bằng lòng với việc lo cho những điều cấp bách nhất và những nỗi đau buồn trước đã, trông chờ vào những công nghệ mà chúng ta có thể có trong tay. Một số khác dẫn chứng các thứ “triết học” mà không luôn luôn dám tuyên bố công khai nếu chúng khinh dể những thực tại đối chọi và bất khả kháng của ước muốn sống và của sự thất vọng. Lại có những người khác được soi sáng bởi những thị kiến tôn giáo về con người, về lịch sử và thế giới, nghĩa là những sự hiểu biết được linh hứng từ “trời” hay từ “đời sau”, nhưng đồng thời không phủ nhận các trải nghiệm mà họ cắt nghĩa và đồng thời cũng khơi dậy. Lắng nghe, suy nghĩ và diễn tả một cách tự do là một quyền lợi; nó cũng là một bổn phận, trong một sự tìm kiếm sự thật mà không có nó thì cũng không có tự do, nhân phẩm cả cho bản thân mình và cho người khác.
Chắc chắn người Kitô hữu không bất ngờ về chủ đề lão hoá. Không phải vì có thể có một câu trả lời cụ thể của Thánh Truyền cho các vấn đề mà tuổi già đặt ra, dưới hình thức các tín điều được Huấn Quyền của Hội Thánh công bố, hay dưới hình thức một cách sống thực tế. Nhưng Mặc Khải cũng dạy chúng ta về ý nghĩa―nói cách khác vừa là ý nghĩa vừa là hướng đi―cho đời sống con người qua các giai đoạn nối tiếp nhau, bao gồm những giai đoạn cuối cùng của cuộc đời. Chắc chắn các giai đoạn cuối này có những nét đặc thù của chúng, nhưng không có sự đứt đoạn với các giai đoạn trước. Những gì có giá trị đối với tuổi trẻ thì phần lớn và cốt yếu cũng vẫn còn giá trị trong tuổi già. Đó là trường hợp của tính vô lo hay thanh thản, hoàn toàn không phải là sự dửng dưng hay sự chấp nhận mù quáng, và nó xác nhận sự thật rằng người ta không làm nên lịch sử với tuổi tác nhưng ngươi ta tiếp tục làm cái gì tốt nhất có thể.
Về phương diện này, ta có thể trưng dẫn những câu ứng đáp giống nhau được gán cho hai vị thánh không phải những người đầu bạc nhưng là hai cậu bé đang ở tuổi thiếu niên: Thánh Lui Gonzaga ở thế kỷ XVI và Thánh Đaminh Saviô ở thế kỷ XIX. Khi hai cậu bé đang chơi đùa trên sân, người ta hỏi các cậu sẽ làm gì nếu tận thế đến ngay lúc này hay nếu các cậu biết mình chỉ còn sống được trong chốc lát nữa thôi, cả hai đều trả lời: “Em sẽ tiếp tục đá bóng.” Câu trả lời này đã cuốn hút nhà văn Charles Péguy. Ông đã hiểu điều này khi viết rằng sự thánh thiện mà chúng ta được kêu gọi thực hiện không buộc chúng ta “phải cắt đứt hay thay đổi nếp sống thường ngày của chúng ta”. Điều này có giá trị cho mọi lứa tuổi: đứa bé không buộc phải ngừng chơi hay người lớn không buộc phải bỏ công việc mình đang làm, người ta không phải sợ tuổi già hay từ chối bị lão hoá.
Đi xa hơn chút nữa, chúng ta có thể nói rằng mỗi giây phút chúng ta sống đều là hồng ân của Thiên Chúa, mà công cuộc tạo dựng và cứu chuộc được tiếp nối cho tới ngày tận thế mà không vật gì hay người nào đứng ngoài chương trình ấy. Cả khi sự ý thức của người ta về điều này bị đứt đoạn, mơ hồ và không đầy đủ vì những giới hạn của con người, người ta vẫn có thể, và cần phải tạ ơn Thiên Chúa không chỉ trong mà còn vì mọi hoàn cảnh, bao gồm những thử thách, trong đó có những thử thách của sự suy yếu do tuổi già. Được “sống những ngày sung mãn” là một phúc lành mà Thiên Chúa đã hứa và ban cho ông Ápbraham, cho tất cả những ai nghe lời Thiên Chúa, và cho cả ông Gióp khi bị đau khổ hoạn nạn. Không chỉ là những cụ già ấy, mà cả những con cháu của họ, những người thân thuộc của họ, xã hội và “toàn thể gia đình nhân loại” cũng được thừa hưởng ân huệ này.
*
Thế nhưng, cái gì làm cho thái độ thụ động (của chủ nghĩa khắc kỷ hay chủ nghĩa phủ nhận) khác với thái độ chấp nhận tuổi già trong tác động của ân sủng? Chắc chắn đó là một sự tự do và bình an trong tâm hồn, vốn là những hoa quả của các ân huệ nhận được từ Thiên Chúa, không chỉ phát xuất từ một phía mà thôi, nhưng đòi hỏi một thái độ sẵn sàng không phải lúc nào cũng dễ có. Hơn nữa, cũng còn có những khó khăn của tuổi già.
Thực ra nếu niềm vui sống và chơi đùa là điều tự nhiên nơi tuổi trẻ, nếu sau đó người ta vui hưởng một cách tự nhiên thành quả mình đã đạt được bằng cách thi hành ý Thiên Chúa, và nếu cho tới tuổi trưởng thành, “ân sủng không xoá bỏ tự nhiên, nhưng hoàn thiện tự nhiên”, thì niềm hạnh phúc khi về già cũng bị thách thức bởi những sự thoái hoá và mất mát các khả năng bản thân và cả những người thân yêu của mình, bắt đầu là cha mẹ, rồi vợ chồng… Bất kể người ta đối diện tuổi già, thời gian hay mức độ của nó như thế nào, “tuổi già vẫn là một con tàu đang chìm”.
Có lẽ con người phải lợi dụng các chu kỳ trong cuộc tạo dựng và làm chủ nó. Con người đã chịu khuất phục nó từ khi Sa Ngã, không còn có thể ăn trái cây sự sống. Và cho tới ngày phục sinh sau cùng, con người trở về với lòng đất nơi nó sinh ra, sau khi suy yếu dần dần, nếu không có tai nạn nào làm cho nó kết thúc sớm hơn những ngày đời của nó trên mặt đất này.
Tính duy nhất của đức tin không cung cấp một mô hình duy nhất cho sự lão hoá. Đức đương kim giáo hoàng và ba vị tiền nhiệm của ngài là những hình ảnh minh hoạ cho sự đa dạng này. Đức Gioan-Phaolô I chết sớm và bất ngờ, không có thời gian để suy yếu từ từ. Đức Gioan-Phaolô II đã “tiếp tục cho tới cùng sứ mạng của ngài trong khi chịu đựng sự suy giảm dần dần khả năng hành động, [theo hình ảnh của] Đấng mang lấy những đau khổ của chúng ta, và bị sỉ nhục cũng không hề mở miệng than van”. Đức Bênêđíctô XVI chọn quyết định từ nhiệm, khi thấy sức lực suy giảm của mình có thể còn trầm trọng nhiều năm nữa trước khi qua đời. Sự suy yếu ngày càng tăng của ngài được bộc lộ bởi những lần xuất hiện ngày càng hiếm hoi của ngài chứng tỏ quyết định từ nhiệm của ngài là đúng. Hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, dù sắp bước sang tuổi 83, vẫn kiên cường lèo lái con thuyền giáo hội giữa phong ba bão táp mà không hề nhấn mạnh hay che giấu tuổi tác của mình…
*
Trong lịch sử giáo hội, không có hình ảnh tiêu biểu nào về những nhân vật lớn tuổi (nam cũng như nữ). Sự kiện này không có gì lạ: Đức Giêsu không đầu bạc, Mẹ Người cũng không―ít là trong những lần Đức Mẹ hiện ra và trong các ảnh thánh về Đức Mẹ. Ngay cả trong các bức tranh về Golgôtha hay bức Dormition (“Đức Mẹ an giấc ngàn thu”), và chắc chắn trong các bức tranh mô tả cảnh Mẹ được đội triều thiên, dáng dấp tuổi thanh xuân toàn vẹn của Mẹ phản chiếu đức trinh khiết và ơn vô nhiễm nguyên tội của Mẹ. Ở phía ngược lại, Thánh Phêrô, thủ lãnh các tông đồ, đã được Đức Kitô báo trước là sẽ già đi và chết để làm vinh danh Thiên Chúa, và chính ngài cũng đã được tôn vinh (Ga 21, 18-19). Còn ông Gioan, tông đồ trẻ tuổi nhất, được vẽ hình một cụ già tác giả sách Khải Huyền, chứ không chỉ được mô tả như một thanh niên được gọi là “người môn đệ yêu dấu” của Đức Kitô. Kế đến, người ta cũng thấy các thánh tử đạo thuộc mọi lứa tuổi. Nhưng, trong khi không thiếu các vị tử đạo và những người chết quá sớm, những vị được nhấn mạnh lại là những người có đời sống khá dài để họ được nhìn nhận là đáng kính. Ngay từ trường hợp của ông Môsê và vua Đavít, những năm tháng cuối đời của hai vị này cũng không kém phần quyết định, thậm chí có tính chất quyết định hơn là những thành tích vang dội của họ vào thời đỉnh cao sự nghiệp.
Từ tất cả những điều trên đây, có thể kết luận rằng, xét theo một mặt, thời gian qua đi (hay số tuổi đời gia tăng) nếu không phải không có nghĩa gì, ít ra cũng không phải là tất cả vấn đề, và xét theo một mặt khác, sự già đi cống hiến những cơ hội riêng của nó.
Chính là ở mỗi thời điểm mà phần tự do luôn luôn được cống hiến giữa những thăng trầm của cuộc đời, nó hoặc chạy trốn, hay bị chộp lấy mà không có khả năng được giữ lại, hay nó được biến thành hành vi tạ ơn và như thế được chia sẻ bằng cách đi vào năng động vô vị lợi của ân huệ. Như Blaise Pascal lưu ý, “chúng ta đi lang thang trong những thời gian (quá khứ và tương lai) hoàn toàn không phải là của mình, và chúng ta hoàn toàn không suy nghĩ về cái duy nhất thuộc về chúng ta: thời gian hiện tại. Điều này đặc biệt đúng về các giai đoạn liên tiếp của sự lão hoá. Khi cái gì đã từng tồn tại biến mất, khi những sự hạn chế do tuổi tác dần dần áp đặt trên chúng ta và khi những dự án ngày càng giới hạn hơn, đó là lúc mà mỗi thời điểm và thậm chí mỗi sự vật có thể có một tính chất bộc lộ sự tầm thường và bấp bênh của nó trước mắt những ai tưởng rằng chúng có tầm quan trọng hơn để xử lý.
Trong viễn tượng này, lão hoá buộc phải đặt ra những câu hỏi, nghĩa là phải “làm triết học”, chứ không chỉ đơn giản là “học cách để chết”, như Michel de Montaigne lặp lại câu nói của Cicero. Đúng hơn, đó là thực hành nghệ thuật sống một cách mãnh liệt hơn bao giờ hết, bởi vì những cám dỗ trở nên mù quáng và thất vọng ngày càng gia tăng, thực hành nghệ thuật sống không phải trong tư cách một động vật phải chết, nhưng theo hình ảnh của Cha hằng hữu đồng thời bắt chước Con trong sự mở ra cho Thánh Thần. Nếu tuổi tác là một mối đe doạ và nếu có một ân sủng của những ngày tuổi già, người ta có thể và phải tin cùng với Friedrich Holderlin rằng “ở đâu có nguy hiểm, ở đó ơn cứu độ cũng gia tăng”.
Jean Duchesne có gia đình, 5 con và 12 cháu. Ông là người đồng sáng lập ấn bản tiếng Pháp của Tập San Công Giáo Quốc Tế Communio, và phụ trách mảng văn chương cho các tác phẩm chưa in của Hồng y Lustiger và Linh mục Louis Bouyer. Các ấn phẩm mới nhất: Le catholicisme minoritaire? Un oxymore à la mode, Paris, DDB, 2016; Chrétiens, la grâce d’être libres, Perpignan, Artège, 2019. Ông là người điều phối phần chủ đề của số báo này.
(còn nữa...)