Sống tuổi già trong tin tưởng và niềm vui (1)- Dịch giả: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

Lan Mary

 

1
Sự kiện và con số –
Các dữ liệu của bối cảnh
Isabelle Zaleski

TÓM TẮT: Trong bài này, tác giả trình bày những số liệu và những hệ thống quản trị của một số nước Phương Tây liên quan đến những người già, lấy đó làm bối cảnh để khai triển các vấn đề và các đóng góp thực sự của tuổi già cho xã hội, không chỉ trong lãnh vực sức khoẻ, đời sống vật chất và kinh tế, nhưng cả trong lãnh vực tinh thần và văn hoá-xã hội.

Khó có thể nói chính xác đâu là ngưỡng cửa bước vào tuổi già. Không có một cái ngưỡng giống nhau cho mọi cá nhân ở cùng một thời điểm và cùng một nơi nhất định. Và nhất là, tuổi già đã thay đổi và vẫn còn tiến hoá trong thời gian và không gian, tuỳ theo các điều kiện sống và làm việc giúp mỗi cá nhân đạt hay không đạt một tuổi thọ cao, xét một cách chung chung, và cũng tuỳ theo các nền văn hoá và các khả năng kinh tế.

Hiện tượng (lão hoá) được thấy rõ ở các dấu hiệu bề ngoài (trạng thái của da, tóc, cơ bắp, …) trước khi được nhận thấy một cách chủ quan, vượt qua hình ảnh được gửi về bởi môi trường và ít nhiều được chấp nhận, qua sự quan sát tình trạng biến đổi các khả năng thể chất trước tiên. Sau cùng nó được đánh dấu về mặt xã hội, trong đa số các nước phát triển thời nay, không chỉ bởi việc ngưng (thường là tự ý và luôn luôn là bó buộc) các hoạt động nghề nghiệp để đổi lấy một khoản trợ cấp dưới mức lương bổng, nhưng cũng bởi việc được hưởng một số quyền lợi: giảm chi phí giao thông và các hoạt động văn hoá, được theo dõi ý tế, v.v…

Các cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm bảo đảm các quyền lợi này và xử lý việc nghỉ hưu cần có những qui tắc khách quan, ổn định cho ít là mười năm. Theo bộ luật hiện hành, các cơ quan này ngày nay thường ấn định hạn tuổi này trong mức độ từ 60 đến 70 tuổi. Có rất nhiều ngoại lệ, dựa theo nghề nghiệp hay các tình hình cụ thể. Vì lý do nhân khẩu, khuynh hướng toàn cầu là lùi thời điểm bước vào “lứa tuổi thứ ba”, được xác định chính thức bằng việc vĩnh viễn nghỉ lao động có hưởng lương. Nhưng chúng ta biết rằng trong các doanh nghiệp cũng như các chiến lược thương mại hay quảng cáo, người ta xếp vào phạm trù “những người thâm niên” là những người từ 50 tuổi trở lên mà cảm thấy mình vẫn còn hoàn toàn khoẻ mạnh và biết rằng thời kỳ kết thúc sự nghiệp của mình không làm cho mình trở thành những người già lão.

Xét theo một tiêu chuẩn khác có tính lâm sàng và số học, điều đáng chú ý là thông thường những người từ 65 tuổi trở lên thì không được tham gia vào các thử nghiệm về các loại thuốc mới. Qui tắc này là một nghịch lý, bởi vì các loại thuốc được thử nghiệm như thế sau đó cũng được chỉ định để điều trị cho những người vượt quá tuổi này, và việc đánh giá giữa những lợi ích và những rủi ro của việc sử dụng những loại thuốc này đối với họ không dựa trên một cơ sở thực nghiệm nào cả. Cũng còn có một định nghĩa phát triển hơn, và cũng hạn chế hơn, nơi những nhà dịch tễ học: người ta sẽ xét là “già” những ai đã vượt quá hy vọng của tuổi thọ trung bình, tại Pháp có nghĩa là 80 tuổi cho nam và 85.6 tuổi cho nữ.

Các chi phí cho sức khoẻ

Tình trạng kéo dài tuổi thọ và những người già lão không còn “sản xuất” được gì khiến cho nhân tố ngân sách ở cấp quốc gia trở thành một vấn đề quan trọng: con số những người già càng ngày càng đông sẽ gây “tốn tiền”. Bao nhiêu? Trên nguyên tắc, các khoản lương hưu tại Pháp được chi trả bởi một hệ thống phân bổ và liên đới giữa các thế hệ. Còn các chi phí cho sức khoẻ. Gánh nặng tuổi già của dân số đang gia tăng chủ yếu được nghiên cứu với tính chất dự báo, và đôi khi nó được trình bày một cách thiếu chính xác và hời hợt. Ở đây có tác động của ba nhân tố. Một mặt, số lượng người già tăng theo cơ học với số lượng trẻ sinh ra vào thời kỳ baby-boomers (trẻ sơ sinh trong những thập niên sau Thế Chiến II). Mặt khác, ngày càng nhiều người sống thọ trên 80 tuổi nhờ các tiến bộ y khoa và môi trường nói chung). Sau cùng, tác động của “thế hệ” hay “đám đông” khiến cho những người già hay rất già ngày nay được chăm sóc y khoa một cách tích cực hơn cách đây 20 hay 25 năm.

Khi các nhân tố gia tăng chi phí sức khoẻ được phân tích từng nhân tố một, có vẻ như khoảng một phần năm sự gia tăng nhận thấy được trong những năm 2000-2008 có thể được cho là vì số người già tăng cao. Còn về năm sống cuối đời, là năm mà các việc điều trị và chi phí thường nặng nhất, nó tiêu tốn trung bình khoảng 22 ngàn euro cho mỗi cá nhân, nghĩa là tương đương với 10% đến 12% tổng chi phí sức khoẻ gộp lại―chứ không phải là 50% như chúng ta thường nghe nói một cách quá đáng.

Một biểu thị về sự biến thiên các chi phí y tế xét theo tuổi cho thấy một sự gia tăng nhỏ và đều đặn cho tới 60 tuổi, và sau đó là tăng nhanh. Người ta cũng nhận thấy một sự tương quan tích cực giữa chi phí cho sức khoẻ và hy vọng sống thọ của dân chúng: khi khảo sát tất cả các nước trên thế giới, người ta nhận thấy rằng chi phí cho sức khoẻ càng cao và càng nhiều hơn thì hy vọng sống thọ càng lớn (với một trường hợp ngoại lệ là Hoa Kỳ). Đương nhiên việc cắt nghĩa cho sự tương quan này không có tính tuyệt đối. Trên thực tế, cần phải xét đến các nguồn lực toàn cầu của tập thể quốc gia: một nước càng thịnh vượng và càng chi tiêu nhiều cho sức khoẻ của các công dân của mình, không chỉ theo giá trị tuyệt đối nhưng cũng tỷ lệ với sự giàu có của nó.

Cũng còn phải xem xét ngân sách cho sức khoẻ như là một sự đầu tư chứ không chỉ là một sự chi tiêu. Từ quan điểm này, việc kéo dài niềm hy vọng sống thọ là một hậu quả chứ không phải là nguyên nhân của việc tăng chi tiêu. Ở đây có một sự kiện không được nói ra, cả nền văn hoá hiện tại cũng như trong quá khứ đều không cho phép nói ra, về những phát biểu và những sự chia sẻ chính thức: đó là sự sống là một tài sản đáng được vun trồng và thậm chí đáng được duy trì, bất luận nó thuộc giai đoạn nào từ khởi nguồn của những con người cho tới ngày cuối cuộc hành trình của nó trên thế giới này.

Một nguy cơ phải được bảo hiểm?

Ở bên kia những chi phí cho sức khoẻ, cũng còn những chi phí do sự lệ thuộc của tuổi già. Đó là giả thiết của Bộ An Sinh Xã Hội Pháp về “nguy cơ thứ năm”. Nó liên quan đến 4% cho tới 10% những người trên 60 tuổi. Các chi phí công cộng của khoản trợ cấp mất tự chủ tài chánh cho những người già đã lên tới 21 tỷ euro hằng năm, nghĩa là 1,05% của PIB (–hay GDP: “tổng sản phẩm nội địa”). Cộng với khoản tiền chăm nom việc nội trợ, chi phí có thể lên tới 28 tỷ, nghĩa là 1,41% của PIB.

Khái niệm “nguy cơ thứ năm” này đưa chúng ta trở về với nguyên tắc gọi là hệ thống bảo vệ xã hội của Bismarck. Không chỉ các bệnh tật, mà cả việc sinh đẻ, con cái và các vấn đề liên quan đến tuổi tác cũng được coi như là những nguy cơ có thể dự báo trước và phải được bảo vệ nhờ hệ thống bảo hiểm. Việc bảo hiểm này là bắt buộc và người ta nhận được các quyền lợi qua việc trích từ lương bổng của mình, khoản trích này không tỷ lệ với mức thu nhập, không phải với những rủi ro có thể gặp.

Còn có một mô hình khác nữa, không còn là “bảo hiểm”, nhưng là “cứu trợ”. Nó được gọi là mô hình “Beveridge”, vì được đặt theo tên nhà kinh tế học Beveridge, người đã đặt nền tảng trong một báo cáo được công bố năm 1942. Ý tưởng của mô hình này là chăm sóc mọi công dân mà không có một sự phân biệt nào, dựa theo các nhu cầu của họ chứ không dựa theo tình trạng các nguồn lợi của họ bị mất hay sút giảm. Sự cứu trợ này được quản lý bởi Nhà Nước từ các khoản thu thuế. Như vậy nó là một dịch vụ công, hiện đang hoạt động tại Vướng Quốc Anh, cũng như tại Tây Ban Nha, và tại các nước vùng Bắc Âu…

Pháp có một hệ thống hỗn hợp, nhưng mượn nhiều từ Bismarck hơn là từ Beveridge. Hệ thống “bảo hiểm” của Pháp coi tuổi già và sự lệ thuộc do tuổi già như là những “rủi ro”. Ngày nay những người trên 60 tuổi thường có tình trạng sức khoẻ tốt hơn trước kia và họ có sự đóng góp cho sự gia tăng PIB. Nhưng đóng góp của họ vẫn thấp hơn mức tiêu thụ của họ, có nghĩa là chi tiêu của họ được tài trợ bởi các khoản chuyển nhượng xã hội vào khoảng 75%.

Các đóng góp không nhìn thấy được của người già

Tuy nhiên, cũng phải xét đến những hình thức đóng góp không thấy được của những người già. Đó là sự giúp đỡ họ dành cho các con cháu của họ, sự truyền thụ, sự kết dính gia đình. Cũng có sự sẵn sàng của những người nghỉ hưu, đa phần vẫn còn hoàn toàn khoẻ mạnh: sự giúp đỡ tự nguyện này của họ là điều không thể thiếu đối với các loại hội đoàn khác nhau. Hơn nữa, các việc phục vụ được phát triển cho những người già (sự tiếp cận, hệ thống an sinh, các hoạt động văn hoá và thể chất) cũng đem lại lợi ích cho những nhóm người khác. Các lợi ích này cho cộng đồng hiếm khi được khơi dậy và đánh giá về nó là việc khá phức tạp. Tuy nhiên nó có thể cho phép có một cái nhìn vừa toàn cầu hơn và vừa tích cực hơn về sự già hoá và các hiệu quả của nó.

Điều này một lần nữa gợi ý rằng, cũng như đối với đứa trẻ lệ thuộc hay thậm chí còn chưa sinh ra, người già không thể bị coi và đối xử chỉ dưới góc cạnh kinh tế mà thôi. Già hoá không phải là một sự rủi ro theo nghĩa người già có thể là một cái gì đó không mong muốn. Nếu có sự rủi ro nào, đúng hơn đó là tình trạng tự nhốt mình trong việc từ chối thử thách mà sự tự do của họ và của người khác phải đối diện vì thân phận của thân xác và thời gian

Isabelle Zaleski, giáo sư y khoa tại Bệnh viện Hôtel-Dieu de Paris, có gia đình, 2 con. Thành viên ban biên tập Communio.

(còn nữa...)

Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019


Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021