3Khi nghĩ về sự chết, chúng ta trải nghiệm tuổi già –Đọc lại Sách Giảng Viên 12,1-8Sophie Ramond
TÓM TẮT: Bài thơ trong sách Giảng Viên (Qohelet) 12, 1-8 nhấn mạnh rằng lão hoá làm cho người ta mất đi những thú vui của cuộc đời và do đó khiến người ta phải đặt ra cho mình câu hỏi về cái chết. Và chính sự ý thức này về thực tại hữu hạn của con người cũng tác động đến trải nghiệm của con người về tình trạng lão hoá, ngay cả trước khi người ta đạt đến tuổi già.
Kinh Thánh không có một đề tài riêng về lão hoá. Không phải vì Kinh Thánh không biết đến tuổi già, bởi vì kinh nghiệm cho thấy rằng, trừ khi gặp những tai nạn trong cuộc đời, ai ai cũng mong đợi sẽ tiếp tục sống: “Từ niên thiếu đến tuổi bạc đầu…” (Tv 37, 25). Nhưng nếu Kinh Thánh có nói đến tuổi già, đó thường là để nhấn mạnh sự khôn ngoan đạt được bởi kinh nghiệm. Bởi vì những người già cả, râu tóc bạc phơ (Tv 133, 2) và ngồi trước đại hội (Tv 107, 32), trên nguyên tắc họ là những bậc khôn ngoan giỏi phân định (Tv 119, 100). Họ có chức năng cai quản và truyền đạt. Sách luật Torah truyền cho dân phải tôn kính họ (“Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên, ngươi phải kính trọng người già cả” (Lv 19, 32). Đúng là tuổi già cũng là một thời kỳ dễ tổn thương nhất. Chính vì thế Thánh Vịnh gia đã thốt lên trong Tv 71, 9: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng, chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn.”
Trong bối cảnh này, sách Giảng Viên (Qohelet) cống hiến chúng ta một bài thơ tạo cảm giác xót xa (12, 1-8), xưa kia thường được cắt nghĩa như là một bài mô tả ẩn dụ về tuổi già và sự suy sụp của thân xác con người, thậm chí là một ẩn dụ về cái chết. Nhưng nay cách diễn giải này bị tranh cãi và các nhà chú giải đã đề nghị nhiều kiểu cắt nghĩa khác nhau về bài thơ này, chẳng hạn như coi nó là một dụ ngôn về sự suy sụp của một gia đình giàu có, một nghi thức an táng người chết, hình ảnh những tháng mùa đông tại vùng Cận Đông hay một cơn bão sắp đến, hay biểu thị một cảnh tàn phá vũ trụ theo ngôn ngữ khải huyền. Trong phạm vi giới hạn của bài này, chúng ta sẽ không thảo luận về những cách hiểu khác nhau về bài thơ này, nhưng chúng ta sẽ cố gắng nắm bắt sức mạnh gợi ý của nó để đi sâu vào cách nó hình dung về tuổi già.
Khi một vấn đề ngữ văn nói hùng hồn về thân phận con người
Michael Fox viết rằng “Giảng Viên 12, 1-8 là đoạn khó nhất của một quyển sách khó”. Ngoài những điểm khó diễn giải mà cả bài thơ này đặt ra, đoạn trích Kinh Thánh này cũng bao gồm những từ hiếm gặp và một số điểm không tương thích về từ vựng và cú pháp khiến cho bài thơ này rất khó hiểu. Nhưng đồng thời đây là một bản văn rất phong phú không bị giới hạn vào một ý nghĩa duy nhất nào.
Gv 12, 1-7 là một câu rất dài, gồm một mệnh đề ở dạng truyền khiến (“ngươi hãy nhớ đến”) và ba mệnh đề về thời gian bắt đầu bằng “trước khi…” (ibid., 1, 2, 6).
1 Vậy ngươi hãy nhớ đến Ðấng tạo thành ngươi, trong những ngày niên tráng của ngươi, – trước khi đến ngưỡng ngày tai họa và tới những năm mà ngươi phải nói: "Ở đó tôi chẳng được vui thú gì",
2 – trước khi mặt trời và ánh sáng tối lại, và cả trăng sao và sau cơn mưa dông, mây lại kéo đến;
3 vào ngày mà lính canh đều run lên cầm cập, và những người lực lưỡng co ro, những cô xay bột lãng công vì hiếm, và những bà nhìn qua cửa tò vò đã lẫn vào trong bóng tối;
4 cửa trổ ra phố đã khép, tiếng cối xay lắng dịu, tiếng chim hót im lìm, và ca nhi hết thảy đã bặt hơi;
5 ngay một triền cao người ta cũng sợ, và kinh hãi khi phải khởi hành; trong khi hạnh đào đơm hoa, châu chấu bay nặng trịch, và cây ông lão bắt đầu bói quả, thì người phàm đi đến ngôi nhà vĩnh cửu, và lũ khóc mướn rảo quanh phố phường;
6 – trước khi thừng bạc đứt, vỡ mảnh đèn vàng, cái vò bị bể nơi bờ giếng, và róc rách tan tành đáy bể,
7 và tro bụi, vốn là đất sẽ hoàn về đất, và sinh khí trở lại với Thiên Chúa, Ðấng ban sinh khí.
8 Phù vân, rất mực phù vân, Qohelet nói, thảy là phù vân!
(Bản dịch tiếng Việt của Lm. Nguyễn Thế Thuấn)
Ngay câu phát biểu đầu tiên (“ngươi hãy nhớ đến Ðấng tạo thành ngươi, trong những ngày niên tráng của ngươi”) đã đáng để tranh cãi. Bởi vì từ bôr’eyka mà ta dịch là “Đấng tạo thành” là một phân từ giống đực số nhiều của gốc br’ (“tạo thành”), túc từ của động từ mệnh lệnh cách (“hãy nhớ đến”). Trong dạng của phân từ số nhiều, động từ br’ không gặp thấy ở chỗ nào khác trong Kinh Thánh, trong khi phân từ số ít được theo sau bởi cùng một hậu tố sở hữu cách thì ta thấy có ở Isaia 43, 1 (“Đấng tạo thành ngươi”). Như vậy dạng số nhiều đã được hiểu như là một hình thức trang trọng, uy nghi, tương tự với dạng số nhiều “Elohim” (Thiên Chúa). Nhưng có nhiều đề nghị sửa chữa bản văn, bao gồm một đề nghị trong chú thích của Biblia Hebraica Stuttgartensia, đề nghị đọc ở chỗ của phân từ của động từ br’ thành ngữ bôr’ka, “cái hố (huyệt) của ngươi”. Thuật ngữ bôr (“cái hố”) được sử dụng đặc biệt trong các thành ngữ kể tên những người đi xuống hố, nghĩa là những người đang hấp hối (Tv 7, 16; 28, 1; 30, 4; 88, 5; 143, 7; Cn 1, 12; Is 14, 15.19; 38, 18; Ed 26, 20; 31, 14.16; 32, 23-30). Hiểu theo cách này, bản văn Qohelet sẽ có thể hiểu là: “Hãy nhớ đến cái hố (huyệt) của ngươi”.
Không thiếu những luận cứ chú giải ủng hộ cho cách cắt nghĩa này hay cách cắt nghĩa kia. Nhưng điều đó có làm thay đổi gì trong cách chú giải đoạn thơ này và nó có thể chuyển tải điều gì về chủ đề lão hoá?
Cách đọc thứ nhất (“Đấng tạo thành ngươi”) hướng sự chú ý về Thiên Chúa và do đó, về thân phận thọ tạo của con người. Đọc trong ngữ cảnh của nó, bài khuyến dụ này nối dài lời khuyến dụ của câu 11, 9 mời gọi người trẻ vui hưởng tuổi trẻ của mình đồng thời ý thức rằng Thiên Chúa sẽ gọi họ đến gặp Người để chịu phán xét. Nó tìm được một điểm hoàn thành ở câu 12.7 với lời nhắc nhở rằng bụi sẽ trở về với đất và hơi thở trở về với Thiên Chúa Đấng đã cho họ hơi thở. Giống như ở Tv 104, 29 (“Người rút lại hơi thở của chúng, chúng liền tắt thở, chúng sẽ trở về với đất bụi!”), Qohelet gợi ý rằng Thiên Chúa nắm trong tay số phận của con người: Người là Đấng tạo thành họ và cho họ sự sống, rồi làm cho họ chết đi. Ở câu 3, 20, ông đã chỉ ra rằng “Mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất”. Như thế ta thấy từ chương này đến chương khác, tác giả đã nhấn mạnh sự hữu hạn của con người, thân phận phải chết của họ và quyền năng của một vị Thiên Chúa làm chủ số phận loài người. Cái chết đánh dấu số phận của mỗi người và xoá bỏ mọi sự phân biệt, ngay cả giữa loài người và loài vật (x. 2, 14-15; 3, 19; 9, 2.3), từ đó sự lão hoá mang một ý nghĩa bi thảm: sự thoái hoá các khả năng của cơ thể chỉ là những dấu hiệu báo trước cái chết, báo trước cái kết khắc nghiệt của mọi đời sống con người. Qohelet không giả định sự tồn tại của một cuộc sống sau khi chết. Cái chết chính thức là thước đo cho mọi sự và không gì có thể thoát khỏi nó (“Không ai là chủ của hơi thở để giữ nó lại được; không ai có quyền đối với ngày chết”; 8, 8), là điều một lần nữa xác định con người là loài đi về “nhà vĩnh cửu của mình” (12, 5). Nhớ đến Đấng tạo thành, đó là cúi mình trước sự siêu việt của Thiên Chúa và trước quyết định của Người trong việc dựng nên con người phải chết, và học biết điều này từ thuở niên thiếu, trước khi các qui trình lão hoá và suy sụp khả năng thể chất và tâm lý nhắc nhở cho họ biết cái tình huống phũ phàng ấy.
Cách đọc thứ hai (“cái hố (huyệt) của ngươi”) càng nói rõ ràng hơn về sự đối mặt với thực tại của cái chết, là một trong các chủ đề xuyên suốt quyển sách. Nhưng nét độc đáo ở đây hệ tại việc liên kết nó với sự tưởng nhớ: với người trẻ còn đang ở tuổi sung sức, mặc dù mời gọi họ vui hưởng tuổi trẻ ấy, Qohelet dạy họ không nên quên số phận tất yếu của mọi cuộc sống con người. Tóm lại, sự thích hợp của lời khuyên người trẻ không chỉ hệ tại lời kêu gọi họ vui hưởng tuổi trẻ, nhưng cũng cảnh báo họ rằng tuổi trẻ là “phù vân” hay một cách đơn giản hơn, theo một nghĩa của từ hebel, là “phù du, sớm nở tối tàn”. Nhớ đến cái chết là một con đường khôn ngoan bởi vì nó ngăn ngừa sự quá trớn tới mức phủ nhận bản chất mau qua chóng hết của cuộc đời.
Hai cách đọc này trên thực tế không loại trừ nhau, và cũng có khả năng đây là một cách cố ý chơi chữ dựa trên sự đồng âm để gợi ý phải nắm bắt thân phận con người như thế nào. Có vẻ như truyền thống Do Thái đã luôn luôn xét đến điều này, như có thể thấy được từ đề nghị của rabbi Akavia ben Mahalaleèl, được thuật lại trong khảo luận Avot: “Hãy nghĩ đến ba điều và ngươi sẽ không rơi vào quyền lực của tội lỗi: hãy biết nguồn gốc (be’ereka) của ngươi, ngươi đi về đâu (bôreka, “cái huyệt của ngươi”), và ngươi sẽ phải trả lẽ cho Đấng là Vua các vua (Đấng tạo thành)”. Như vậy, lời khuyên nhớ lại nguồn gốc và số phận của mình được hiểu ngầm trong sự tưởng nhớ Đấng tạo thành.
Một chìa khoá cắt nghĩa lời khuyên này ở đầu bài thơ có lẽ đã được đưa ra ở đoạn 11, các câu 7-8. Trên thực tế, việc lưu ý đến những câu này có thể cắt nghĩa tại sao một số nhà chú giải thậm chí còn đề nghị sửa lại “Đấng tạo thành ngươi” (bôr’reyka) bằng “sức khoẻ của ngươi” (bôre’eyka) có gốc là từ aram bari’. Thực vậy, ở đây xuất hiện hai động từ, “vui hưởng” và “nhớ đến” và được lấy lại sau đó: “Phải, có sống được bao nhiêu năm đi nữa, người phàm hãy lo vui hưởng trong tất cả bấy nhiêu. Và hãy nhớ đến những ngày tối tăm, vì sẽ có nhiều. Mọi điều sẽ đến thảy là phù vân” (11, 8). Động từ thứ nhất xuất hiện ở câu tiếp theo trong lời mời gọi người trẻ hãy vui hưởng trong thời kỳ tuổi trẻ của họ; động từ thứ hai được lấy lại trong lời khuyên hãy nhớ đến Đấng tạo thành hay cái huyệt của mình, tựu trung vẫn là nói về sức khoẻ của họ. Hai động từ này có thể nói là được nhân đôi bởi những động từ yêu cầu xa tránh buồn sầu (11, 10) và bởi động từ kêu gọi hãy biết rằng Thiên Chúa sẽ gọi họ đến trước mặt Người để chịu phán xét (11, 9b). Vui hưởng và gạt bỏ phiền muộn, đồng thời nhớ lại và biết, đó chính là sự khôn ngoan. Bởi vì để sống một cách thực tế, thì không được từ chối sự hữu hạn của con người, cũng không được gạt cái chết ra bên ngoài; nhưng để không bị mù quáng trước sự giàu sang của cuộc đời, thì cũng không được coi nó là nỗi ám ảnh duy nhất của mình.
Tuổi già đau thương
Câu mệnh lệnh mà chúng ta đang thảo luận cho tới đây được nối tiếp bằng ba mệnh đề thời gian, mở đầu với “trước khi…” (‘ad’asher lô; các câu 1b, 2, 6). Chúng tạo thành năng động của bản văn, với câu xuất phát là một suy nghĩ chung được nói cho người trẻ, trong đoạn giữa là một chuỗi dài các ẩn dụ, và cuối cùng là một gợi ý về sự chết. Nếu nhìn nhận rằng bài thơ này có thể là một mô tả về tuổi già, thì có thể là nó muốn tạo một sự tương phản rõ rệt giữa thời kỳ tuổi trẻ với thời kỳ tuổi già. Trong diễn tiến của nó, sau khi đã đối chọi tuổi già với tuổi trẻ (c. 1b), nó hình dung ra sự lão hoá (cc. 2-5), rồi gọi tên cái chết (cc. 6-7).
Thực tế phũ phàng của tuổi già được chỉ bằng cụm từ “những ngày tai hoạ” (12, 1b), trong khi ở câu 11, 8 đã xuất hiện cụm từ “những ngày đen tối” rồi. Những ngày được định tính như thế đối chọi một cách rõ ràng với “những ngày tráng niên của ngươi” ở câu 12, 1, nó tạo cho bài khuyến dụ này một tính chất cấp bách và một giọng điệu bi quan: trong bài thơ, tuổi già không được gọi đích danh, nhưng được gợi ý bằng những thành ngữ tiêu cực hoàn toàn. Cần lưu ý rằng thuật ngữ ra’ah trong tiếng Hípri mà chúng ta gặp thường xuyên trong sách Giảng Viên, chắc chắn có thể dịch là “xấu xa” nhưng cũng có thể dịch là “bất hạnh” hay “đau đớn”. Như thế, tuổi già có thể là một giai đoạn khó chịu, bất hạnh. Tuy nhiên, một chi tiết trong những câu tiếp theo mời gọi người đọc hiểu lời phát biểu này một cách nhẹ nhàng hơn. Trên thực tế, kiểu nói “[trước khi] tới những năm mà ngươi phải nói: Ở đó tôi chẳng được vui thú gì” không được trình bày như là một vế song song đơn giản với câu “đến ngưỡng ngày tai hoạ”. Qohelet đặt vào miệng của chàng thanh niên, bây giờ được hư cấu là đã già, sự đánh giá rằng các năm còn để sống từ nay sẽ khó chịu. Nói cách khác, người thanh niên này không phát biểu một cách trừu tượng về trải nghiệm của tuổi già, nhưng tưởng tượng ra cảnh người nói chuyện với anh ta sẽ sống tuổi già như là một giai đoạn đau thương và không có gì là dễ chịu. Từ quan điểm của một sự trải nghiệm chủ quan, những ngày đen tối sẽ biến đổi thành những ngày buồn chán, thời gian sẽ kéo dài lê thê và cuộc đời sẽ trở nên luôn luôn nặng nề.
Ở đây cần nhắc đến một cách chú giải mà theo đó cái được nhắm vào là tính cường tráng của người đàn ông trong tuổi già. Cách đọc này dựa trên cơ sở là từ bôreka, lúc này được hiểu là cái “bồn chứa, cái giếng nước của ngươi”, có lẽ là một ẩn dụ chỉ về người phụ nữ, giống như trong Châm Ngôn 5, 15 hay trong Diễm Ca 4, 15. Theo cách cắt nghĩa này, chàng thanh niên được mời gọi vui hưởng vợ mình trước khi tuổi già làm cho chàng bất lực và mất hết mọi vui thú tình dục. Câu 6, một lần nữa nhắc đến cái bồn nước (bôr), có thể dựa vào ý tưởng rằng tuổi già gắn liền với tình trạng mất sự cường tráng. Tuy cách cắt nghĩa này ít ra cũng là gượng ép, dẫu sao nó cũng nêu lên câu hỏi về cái gì làm cho tuổi già trở nên đen tối và khó chịu.
Điều rõ ràng là trong mệnh đề thứ hai chỉ về thời gian (cc. 2-5) xuất hiện một chuỗi các động từ diễn tả một sự xuống dốc, một sự suy yếu hay ngưng trệ: tối sầm, run rẩy, còng lưng, ngừng hoạt động, mờ tối, đóng lại, té ngã, im tiếng, sợ sệt, kinh hoàng. Nhưng điều kỳ lạ là trước hết có các yếu tố thiên nhiên được kể ra từng cặp một: “mặt trời và ánh sáng”, “mặt trăng và các ngôi sao”, “các đám mây” và “mưa”. Cặp đầu tiên đối chiếu với câu 11, 7 ở trên: “Ngọt thay ánh sáng! Sướng thay con mắt được thấy ánh dương”. Như vậy, sự đối chọi giữa tuổi già và tuổi trẻ có vẻ như được nhấn mạnh thêm, với việc gợi ra một sự giảm sút vẻ đẹp và thú vui cuộc sống. Nhưng khi thêm vào cặp các thiên thể ban đêm hướng người đọc về một viễn cảnh cả vũ trụ tối sầm, ngày và đêm. Về cặp đối chọi cuối cùng, bản văn sử dụng một biểu tượng khí tượng học mà nhiều bản dịch (BJ, NBS, NEG) dịch theo nghĩa đen hơn bản dịch TOB: “và mây đen lại kéo đến sau cơn mưa”. Sự chọn lựa này làm nổi bật tính chất bi đát trong mô tả của Qohelet, bởi vì bầu trời của người già xem ra bị đóng kín vĩnh viễn. Sau cơn mưa, không có trời đẹp… nhưng là những đám mây báo trước những cơn mưa rào mới. Tóm lại, những hình ảnh được sử dụng tạo ra một bầu khí tăm tối và buồn thảm, biểu tương cho đời sống nội tâm của người phải đối diện với tuổi già và tất yếu tiến tới cái chết.
Trong các câu 3-5a, bản văn gợi lên những người đàn ông và đàn bà trong tương quan với các hoạt động củ ahọ. Những người đàn ông có nhiệm vụ trông giữ nhà thì run rẩy vì sợ, nếu chúng ta hiểu đúng ý nghĩa và cách sử dụng của động từ zw’ (x. Esther 5, 9). Những người đàn ông khác, “những người đàn ông tráng kiện” hay có thể là những người “giàu có” thì khòm lưng xuống. Còn những phụ nữ đang xay cối thì ngừng xay bởi vì họ ít người hay đúng hơn, có thể theo một nghĩa của m’t, bởi vì họ bị “suy giảm” (sức lực). Những phụ nữ thong thả được nhìn qua cửa sổ thì “đã lẫn vào trong bóng tối”. Cũng có thể là bản văn ở đây kể ra những người đầy tớ và những người chủ, tất cả đều mất khả năng hoàn thành nhiệm vụ riêng của mình. Vì chuỗi câu này được nối liền với câu trước bằng cụm từ “vào ngày mà…”, nên ta có thể hiểu nó như là một cắt nghĩa về những ngày đen tối và những năm không có gì vui thú. Tuổi già là thời gian trải nghiệm một sự sa sút khiến người ta mất hoạt động, một sự suy yếu làm thay đổi khả năng làm các công việc thường ngày. Hậu quả là sự khép kín bản thân, được gợi ra bằng những hình ảnh “cửa trổ ra phố đã khép” khi “tiếng cối xay lắng dịu (c. 4a), tiếng chim hót im lìm, và ca nhi hết thảy đã bặt hơi” (c. 4b). […]
Những câu thơ như trên thường được cắt nghĩa như là một phúng dụ về sự mỏng dòn của thân xác con người: nó được ví như một cái nhà trong sách Gióp 4, 19 hay trong Isaia 38, 12, và đằng sau những hình ảnh phúng dụ này (người giữ nhà, những đàn ông tráng kiện, những phụ nữ đang lao động, những phụ nhữ thảnh thơi, những cánh cửa) có lẽ được nhắm tới những bộ phận khác nhau của cơ thể (bàn tay, thận, răng, mắt, tai). Còn về câu 5, có lẽ nó trình bày một tập hợp những ẩn dụ về tính dục. […] Tuy nhiên, khi làm xơ cứng ý nghĩa của bản văn này, các cách chú giải đã tước bỏ sức mạnh gợi ý của nó, trong khi lại không thể làm sáng tỏ hơn cách mô tả về sự sa sút thể chất và tinh thần của tuổi già.
Quan niệm về sự chết và trải nghiệm tuổi già
Cho nên, sự biểu thị tuổi già bằng những hình ảnh khiến người ta tất yếu phải nói đến sự chết, với một thành ngữ đầu tiên được đề nghị như là một định nghĩa về con người: “Quả thật, con người đi đến ngôi nhà vĩnh cửu của mình”. Cùng một phân từ hlk đã được sử dụng bốn lần trong cuốn sách với cùng một nghĩa: mọi sự đi đến cùng một nơi, mọi sự trở về với bụi đất hay âm phủ (1, 4; 3, 20; 9, 10; 12, 5). Hơn nữa, hình ảnh này có thể có xuất xứ từ Ai Cập và được sử dụng trong thế giới cổ đại của vùng Cận Đông. Nhưng cái độc đáo của Qohelet là không giả định có một cuộc sống nào khác sau khi chết. Trong ngữ cảnh của bài thơ này, “ngôi nhà vĩnh cửu”, nơi ở sau cùng, đối chọi với ngôi nhà được mô tả trước đó (cùng một từ bayt ở c. 3). Nói khác đi, đối chọi với tính chất tạm bợ của ngôi nhà đi đến tàn phá (cc. 3-4) là tính chất vững bền vĩnh viễn của ngôi nhà vĩnh cửu được minh hoạ bằng cái chết, hay cụ thể hơn, bằng cái huyệt mộ đặt thi thể người quá cố. Ngoài ra, phần cuối của câu thơ gợi lên lời than khóc tang thương đã xuất hiện trước trên đường phố. Trong khi câu thơ trước chỉ ra những cánh cửa khép lại trên đường phố (cùng một từ shûq), thì ở đây, đường phố trở thành nơi người ta tụ tập lại để than khóc người đang rời bỏ họ.
Các câu 6-7 tạo thành mệnh đề thời gian cuối cùng của bài thơ, được mở đầu bằng cụm từ “trước khi”. Nó tiếp tục ám chỉ đến cái chết bằng một ẩn dụ sợi chỉ mà các yếu tố so sánh được nối kết với nhau bởi ý tưởng về sự cắt đứt, tan vỡ: đó là sợi chỉ bạc, rồi cái đèn vàng, cái vò nước và cái ròng rọc bị đứt, bị vỡ. Ở đây cũng thế, bản văn có nhiều chỗ khó về khía cạnh văn bản nhưng thực ra có thể sử dụng hai hình ảnh khác nhau, hình ảnh cái đèn bị vỡ bởi vì sợi dây bạc treo nó bị đứt và hình ảnh cái giếng ở đó cái vò nước bị bể và cái ròng rọc bị gãy. Câu 7 đóng ấn sự tham chiếu về cái chết bằng cách gợi ý rằng nó giống như sự cắt đứt, tan vỡ vĩnh viễn. Như đã nói, nó vừa nhấn mạnh tính hữu hạn của con người, vừa nhấn mạnh sự thật là Thiên Chúa nắm trong tay định mệnh của con người.
Tóm lại, những câu thơ cuối cùng này cho thấy rằng con người chỉ có thể được cắt nghĩa trong tương quan với số phận cuối cùng của nó. Để nói thẳng ra điều này, theo Qohelet, cuộc sống được định nghĩa như là hướng-tới-cái-chết. Từ đó ông có thể kết luận câu chuyện của ông bằng cách sử dụng điệp khúc nổi tiếng: “Phù vân, rất mực phù vân, tất cả chỉ là phù vân!” (c. 8). […] Như vậy, xem ra chủ đích của bài thơ không phải là cung cấp các thông tin về sự lão hoá, nhưng là đặt người đọc đối diện với bản tính phải chết của mình, đối diện với hành trình đi tới cái chết của mình. Chết là điểm đến cuối cùng của cuộc đời, nhưng cũng là cái đã được trải nghiệm trong rồi trong cuộc sống xuyên qua tất cả các kinh nghiệm về sự lão hoá hay sự yếu đuối. Bài học của sách Giảng Viên (Qohélet) có thể là một lời mời gọi có một cái nhìn sáng suốt về mọi sự, về sự sống trong tính mỏng dòn của nó và về thực tại của sự chết là dấu ấn đóng trên mọi sự. Nhưng chính vì người ta không mong chờ một sự hiện hữu nào sau khi chết, nên sự lão hoá trở thành một khía cạnh đặc biệt đau thương, bi thảm. Khi nhìn cái chết như là tiếng nói cuối cùng của mọi số phận con người, tuổi già đi trước cái chết quả thực là điều đáng sợ.
Mấy thế kỷ sau, sách Khôn Ngoan của Salômôn đưa lên sân khấu những kẻ vô đạo, họ coi cuộc sống là vô nghĩa vì tính chất phù du, mong manh của nó. Ông mô tả họ như bị nhốt chặt trong quan niệm coi cuộc sống là vô nghĩa và phi lý vì nó không mở ra hy vọng nào cho tương lai sau khi chết, vì thế họ chọn một cách sống dựa trên sự hưởng thụ những của cải hiện có, sử dụng những tạo vật và môi trường như là những công cụ cho sự hưởng thụ của họ. Tận dụng tuổi trẻ, thụ hưởng mọi sự bao lâu còn có thời gian, giải trí và che giấu định mệnh không thể đảo ngược của con người, đó chính là kế hoạch đời sống bệnh hoạn của họ. Trớ trêu thay, việc họ coi cái chết như là có tiếng nói cuối cùng của số phận con người khiến cho họ trở thành đồng bọn với sự chết. Ngược lại, tác giả cố gắng chứng tỏ người ta phải sợ điều gì, đó là cái chết vĩnh viễn bắt nguồn từ chính sự từ chối thân phận phải chết của con người và là sự xa cách Thiên Chúa vĩnh viễn. Có thể là sách Khôn Ngoan muốn ám chỉ đến quan điểm của Qohélet, mặc dù không cố ý đi vào tranh luận với Qohelet. Bất luận thế nào, ông nhìn cái chết như là một bước cần phải vượt qua và kêu gọi sống theo cách của sự hiện-hữu-ở-thế-giới-bên-kia, theo cách của hy vọng. Từ đó tuổi già có một giá trị tích cực và được định nghĩa lại: “Quả thế, cái thọ đáng kính đâu phải chỉ nhiều năm, hay đo bằng số tuổi. Nơi người đời, tinh khôn vị chi là tóc bạc, sống không vết nhơ đã là già lão cao niên” (4, 8-9). Đạt đến một cuộc đời đạo đức và công bằng, tin vào Thiên Chúa và những gì Người hứa sẵn cho cuộc sống sau khi chết (2, 22-23), đó chính là những cái đánh dấu một tuổi già thành công.
Tóm lại, cả hai cuốn sách Kinh Thánh này đều mời gọi mỗi người chúng ta tự hỏi mình quan niệm về cái chết thế nào. Bởi vì đánh giá đúng tính phải chết của con người sẽ phản ánh trên đời sống hiện tại và quyết định cách người ta sống tuổi già.
Bài thơ cuối cùng của sách Giảng Viên gợi lên vấn đề tuổi già một cách không úp mở, mặc dù không nêu đích danh tuổi già. Bằng cách liên kết một cách đối chọi sự gợi ý và sự sống sượng, vẻ đẹp và sự thô thiển, nó cống hiến một chuỗi ẩn dụ với những câu chơi chữ và nó khơi dậy nhiều cách cắt nghĩa khác nhau. Đó là vì cái phần thâm sâu của sự lão hoá thì không thể nào chuyển tải được một cách hoàn toàn. Nhưng cuối cùng, Qohelet khuyến cáo rằng tuổi già có liên hệ mật thiết với quan niệm của mỗi người về sự chết. Tuổi già sẽ tăm tối và u buồn, được cảm nhận một cách khó chịu đối với những ai quan niệm rằng chết là hết. Nhưng nếu quan niệm tuổi già là một giai đoạn đòi hỏi người ta chấp nhận sự suy yếu của các bộ phận thân thể và các hoạt động, thì người ta có thể sống tuổi già một cách khác: khi chúng ta hiểu cái chết, chúng ta trải nghiệm được tuổi già…
Nữ tu Sophie Ramond, tiến sĩ thần học (năm 2005, và giáo sư hướng dẫn nghiên cứu năm 2015), là thành viên của Theologicum, phân khoa thần học và các khoa học tôn giáo của Học Viện Công Giáo Paris, phụ trách ngành nghiên cứu Kinh Thánh và cũng là thành viên của Uỷ Ban biên tập của Monde de la Bible. Ngoài nhiều bài báo và tham gia các công trình tập thể, chị đã xuất bản: Leçon de non-violence pour David, Une analyse narrative et littéraire de 1 Samuel 24-26, coll. “Lire la Bible” 146, Paris, Cerf, 2007; Pour lire et prier les psaumes (viết chung với Michel Berder), coll. “Pour lire”, Paris, Cerf, 2016.
(còn nữa....)
Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019
Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021