5Đón nhận tuổi giàBernard N. Schumacher
TÓM TẮT: Tôn thờ sự thành công và phủ nhận sự chết đã áp đặt lên người ta cái ý tưởng rằng một tuổi già thành công hệ tại việc tỏ ra mình trẻ mãi không già. Cái ý tưởng sai lầm này huỷ hoại các mối quan hệ con người. Thay vì sống trong một quá khứ bế tắc hay một tương lai ảo tưởng, sự khôn ngoan của tuổi già là ở chỗ sống khoảnh khắc hiện tại và tiếp nhận nó như một hồng ân vô biên.
“Tôi bước vào thang máy, bấm nút lên tầng hai và sắp sửa có một cuộc gặp mới với thế giới ngược.” Đó là cách mà nhà thơ Christian Bobin mở đầu câu truyện về một trong những lần đến thăm cha mình, một ông già bị bệnh Alzheimer và được đưa đi điều trị tại một khu nhà nghỉ dưỡng dài ngày. Ở cuối đoạn văn ngắn này, nhan đề La Présence pure (“Sự hiện diện đơn thuần”), ông viết như sau: “Những người có rất ít ngày để sống và và những người quá già, họ đang sống trong một thế giới khác với thế giới của chúng ta. Khi kết nối với chúng ta, họ cống hiến chúng ta một món quà vô giá.” Câu nói ấy có ý nghĩa thế nào đối với chúng ta là những người trẻ đang sung sức, hoạt động quá mức, kết nối quá mức, bị ám ảnh bởi sự thể hiện và ý muốn kiểm soát mọi sự? Có phải món quà ấy hệ tại một tuổi già “thành công” không? Và liệu cái thế giới ngược mà người già đang sống có tiết lộ cho chúng ta một phần cái thế giới xuôi, một chiều kích thiết yếu của đời sống nhân sinh mà có lẽ chúng ta muốn quên đi không?
1. Thế giới xuôi của những “người khoẻ mạnh”
Thế giới xuôi của những người khoẻ mạnh tôn thờ sự thể hiện, tính hiệu quả, những cái có ích, những cái có thể kiểm soát được, với mục đích bắt toàn thể thực tại phải phục tùng ý chí của con người; đó là lý do tại sao người ta tôn sùng các giá trị tuyệt đối của sự tự chủ và độc lập hơn bất kỳ thứ gì khác. Điều đó không chỉ liên quan đến thế giới những người trẻ và những người lớn “trưởng thành”; các ý tưởng này cũng thâm nhập vào những thảo luận của xã hội về tuổi già. Nền văn hoá Phương Tây, nói chung, dạy người ta phải “thành công” cuộc đời mình bằng bất cứ giá nào nếu không muốn là một người thua cuộc, và điều này đặc biệt có giá trị đối với giai đoạn cuối của một đời người, như nhà văn kiêm nhà sinh hoá Joel de Rosnay nhấn mạnh: “Đúng thế, có thể sống tốt giai đoạn cuối cuộc đời chúng ta, thành công tuổi thọ của chúng ta. Kéo dài tuổi già hay kéo dài tuổi trẻ hoàn toàn không giống nhau: tìm cách kéo dài tuổi trẻ thì tích cực hơn. Một cách nào đó, có thể nói là ‘già đời’ khi còn ‘trẻ’.” Để làm điều này, không gì tốt hơn là sử dụng các phương pháp quản trị đã được chứng minh: kiểm soát các qui trình và các hệ thống chất lượng của việc sống tuổi già tốt đẹp. Phương pháp quản trị áp dụng trong lãnh vực kinh tế giờ đây được mở rộng sang lãnh vực quản trị các công việc chăm sóc con người. Từ đó cần phải thiết lập “các qui luật hợp lý về “quản lý” thân thể chúng ta […] để sống một “tuổi già thành công”. Còn theo nhà báo Dominique Simonnet, ông so sánh tuổi già thành công với “một thời thanh xuân thứ hai, có thể cũng sóng gió như thời trước đó”.
Thời thanh xuân thứ hai này mang đặc tính già nhưng không có vẻ già, nghĩa là tiếp tục mang dáng vẻ một “ông già gân” có khuôn mặt săn chắc không mang những vết nhăn của một cuộc đời dễ bị tổn thương. Không còn phải là rút lui trong cuộc chiến khi đến lúc nghỉ hưu, nhưng là sống một cuộc sống mới, “tự do”, giống như những người trẻ. Tuổi già sẽ không phải là tuổi không thể làm được gì, nhưng là tuổi cái gì cũng có thể. Nhà văn Michel Houellebecq tóm tắt rất hay mệnh lệnh này của tuổi già thành công: “Trong thế giới hiện đại, người ta có thể là người chuyển giới, người lưỡng tính, người đồng tính, người loạn dâm, … nhưng không được phép già”, vì tuổi già bị coi là một sự “thất sủng”. Nhà xã hội học Michel Billé cũng đồng thuận với ý kiến trên và mới đây đã nhận xét rằng “trong một xã hội chỉ đề cao ‘tuổi trẻ, vinh quang và sắc đẹp’, lão hoá đương nhiên phải là một vấn đề.”
Việc làm chủ qui trình lão hoá này có nguồn gốc từ chương trình được vạch ra bởi triết gia René Descartes năm 1637, bao gồm việc “trở thành người làm chủ và sở hữu thiên nhiên”. Nói khác đi là làm chủ các định luật thiên nhiên, để kiểm soát và hoàn thiện nó nhằm phục vụ những mục đích mà con người sẽ tự chọn ra cho mình. Chương trình này không chỉ áp dụng cho Thiên Nhiên, nhưng cũng áp dụng cho thân xác con người, vốn có sẵn những khiếm khuyết. Theo Descartes, nhờ kiến thức khoa học, việc làm chủ các cơ chế hữu cơ có thể chữa lành “vô số các bệnh tật, cả của thể xác và tinh thần, và có thể cũng chữa lành sự suy yếu của tuổi già”. Áp dụng chương trình của Descates đã góp phần vào việc làm gia tăng đáng kể niềm hy vọng sống, đặc biệt nhờ việc cải thiện rất lớn lãnh vực vệ sinh nói chung, kiểm soát y tế, và các tiến bộ choáng ngợp của y khoa và các phát triển kỹ thuật. Sự gia tăng hy vọng sống này cũng đi kèm với nhu cầu tiếp tục đẩy lùi cái chết bao có thể. Trớ trêu thay, nó cũng tạo thêm một số tình trạng bất ổn trong những năm cuối của đời người, vì sự xuất hiện của các căn bệnh mới, trong số đó có một số bệnh mãn tính, và sự gia tăng các khuyết tật thể chất và tâm lý. Tình trạng này đòi hỏi người ta phải sử dụng hệ thống y tế nhiều hơn, làm tăng chi phí cho cộng đồng, và buộc chính những người thân của những người già cũng trở thành những người lệ thuộc. Hơn nữa, sự già hoá dân số ngày càng tăng nhanh tại Phương Tây trong những thập niên qua, đi đôi với tình trạng giảm sinh sản không bù đắp được cho việc kéo dài tuổi thọ, đã làm chậm mức độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chương trình Descartes đã được triệt để hoá dưới sự bảo trợ của một thần tượng mới, sức khoẻ― “Người ta tôn thờ sức khoẻ”. Đó là ý thức hệ của những người theo thuyết siêu nhân ở thế kỷ 21; họ không chỉ nói tiên tri về sự loại bỏ tuổi già, mà hơn thế, cả về “cái chết êm dịu” nữa. Theo những người này, tuổi già tương ứng với một sự bất công của Tạo Hoá. Khoa học và kỹ thuật được cho là có sứ mạng khống chế dịch bệnh, tới chỗ hoàn toàn loại bỏ bệnh tật; với khuyết tật, tuổi già cũng thế, tóm lại là loại bỏ hoàn toàn mọi hình thức tổn thương. Sự tổn thương của con người tồn tại trong suốt cuộc đời của nó, đặc biệt vào lúc tuổi già rồi cuối cùng đi tới cái chết. Giai đoạn cuối này của cuộc đời là một giai đoạn khủng hoảng.
2. Khủng hoảng của tuổi già
Từ “khủng hoảng”, trong tiếng Pháp là “crise”, lấy từ gốc latinh crisis, chỉ về một giai đoạn quyết định trong một cơn bệnh; cũng như từ gốc Hi lạp krisis có nghĩa là “quyết định”, “phán đoán”. Một thời kỳ khủng hoảng – như thời kỳ tuổi già – bao hàm một tiến trình phán đoán và lấy quyết định, vì phải thích nghi vào một tình huống mới với cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực. Khủng hoảng thường đi đôi với một nỗi đau buồn: trong trường hợp tuổi già, người già buộc phải chấp nhận sự biến đổi không thể đảo ngược, thậm chí mất các khả năng thể chất, tâm lý, lý trí và thiêng liêng. Một trong những khía cạnh của khủng hoảng là nó sẽ không kéo dài lâu và nó mở ra một tình trạng sống mới. Sự mở ra của một khủng hoảng có một ý nghĩa tương tự với “thành công”. Thành công ở đây là vượt qua cơn khủng hoảng để đạt tới một trạng thái mới. Thành công cũng có nghĩa là “tỏ lộ ra”. Theo trường phái từ nguyên học, thành công bao hàm sự tỏ lộ của một thực tại mà chúng ta ý thức dần dần từng chút một. Như thế thành công tuổi già của mình sẽ có nghĩa là trải nghiệm nơi thân xác mình cơn khủng hoảng riêng của giai đoạn sống này, một cuộc khủng hoảng tỏ lộ đặc biệt một chiều kích nhân học mà những người khoẻ mạnh và hoạt động đương thời của chúng ta có khuynh hướng từ chối nó. Vậy chiều kích nhân học này có thể là gì? Có thể là gì cái “món quà vô giá”―theo cách gọi của Christian Bobin―mà chúng ta được ban tặng bởi người “rất thọ”, người đã chấp nhận vượt qua khủng hoảng của tuổi già, trái ngược với người thuộc loại “cưa sừng làm nghé” không muốn già và khiến thi sĩ Hermann Hesse phải nói câu này: “Tuổi già chỉ trở thành tầm thường khi nó mang dáng vẻ của tuổi trẻ”?
3. Chấp nhận tuổi già
Tuổi già làm sáng tỏ tính chất thời gian nội tại của cuộc sống mà hiệu ứng của nó được cảm nhận trên thân xác và tinh thần con người. Ý thức rằng thời gian không ngừng trôi đi, đó là biết rằng nó vuột ra khỏi mọi sự kiểm soát, con người không thể chiếm hữu thời gian hay uốn nắn nó theo ý mình. Đối diện với thời gian không ngừng vuột khỏi tầm tay mình, người già có thể chọn nhiều thái độ khác nhau.
Thái độ thứ nhất là quá đề cao tầm quan trọng của quá khứ. Nó bộc lộ nhu cầu duyệt xét lại cuộc đời mình. Như nhận xét của bác sĩ lão khoa Renée Sebag-Lanoë , đó là “làm hoà với chính mình, với quá khứ, lịch sử của mình. Thiết lập trật tự trong trí nhớ mình, trong cuộc đời mình, trong các kỷ niệm tốt và xấu của mình. Xem xét lại các biến cố. Chấp nhận sự việc như chúng đã xảy ra”. Một thái độ như thế là điều dễ hiểu, nhưng nó có thể khiến người già chỉ muốn sống trong quá khứ, từ chối sống cái tuổi già hiện tại của mình như một món quà có thể nảy mầm cho một tương lai sẽ đến.
Một thái độ thứ hai là của những người được gọi là “cưa sừng làm nghé”. Đó là thái độ từ chối ý thức về thời gian hữu hạn của đời mình bằng cách lao mình vào vô số dự án và chương trình phải làm.
Thái độ thứ ba, tuy quân bình hơn, nhưng bị xã hội Phương Tây chê bai vì nó đi ngược lại chủ nghĩa duy hoạt. Nhà văn Paul Claudel đã tóm tắt rất hay thái độ này, trong khi ông đã 84 tuổi và sẽ chết hai năm sau đó: “Hôm qua, một cái thở dài. Ngày mai, lại cái thở dài nữa. Nhưng phải đạt tới tuổi già, để hiểu ý nghĩa chói sáng, tuyệt đối, không thể chối cãi, không thể thay thế, của từ: Hôm nay”. Và tiểu thuyết gia François Mauriac còn đi xa hơn, khi ông đã 80 tuổi, vài năm trước khi chính ông cũng qua đời: “Tôi không cảm thấy mình chia cắt với một điều gì hay một ai. Nhưng bây giờ chỉ sống đã là đủ để tôi quan tâm. Dòng máu này vẫn còn đang lưu chuyển ở bàn tay tôi đặt trên đầu gối, cái biển máu này mà tôi cảm thấy đập trong tôi, cơn thuỷ triều lên và xuống này không phải là vĩnh cửu, cái thế giới này đã quá gần ngày kết thúc rồi, nó đòi hỏi một sự chú ý mọi khoảnh khắc của tất cả những khoảnh khắc cuối cùng này trước thời khắc cuối cùng: đó là tuổi già.”
Đó là những cụ già sống thời khắc hiện tại của họ; hay nói theo lời nhận xét của Renée Sebag-Lanoë: “những người già sống những khoảnh khắc hiện tại nhiều hơn”, sự kiện này được bộc lộ bởi “cách mà họ hoan hỉ vui hưởng một tia nắng mặt trời hay cảnh một con chim bay vụt qua…”. Đó có lẽ là chìa khoá của hạnh phúc, như một phụ nữ lớn tuổi đã nói với ông khi bà thực hiện các nghiên cứu về cách sống trải nghiệm của tuổi già: “Thưa bác sĩ, cho phép tôi nói nhỏ với bác sĩ điều này, hãy tận dụng giây phút đang đi qua, thời gian trôi nhanh, hạnh phúc chóng qua đi và những giờ phút chúng ta yêu thích sẽ không quay trở lại ngày mai!”
Phải hiểu như thế nào việc sống khoảnh khắc hiện tại này của tuổi già? Trước hết là một giả thuyết của những người khắc kỷ thời nay, họ là những người từ chối đối diện với quá khứ cũng như từ chối mở ra cho một tương lai mà khả năng kiểm soát hoàn toàn mọi sự là một điều không tưởng. Đó là cách để người khắc kỷ tự bảo vệ mình chống lại mọi hình thức phá vỡ sự ổn định, gây rắc rối, đau khổ. Trên thực tế, hành vi ước muốn hay hy vọng là nguồn gây ra đau khổ, vì nó kéo theo nỗi sợ rằng các ước vọng của chúng ta không thể hoàn thành. Nếu người ta muốn sống hạnh phúc (theo nghĩa là thoát mọi sợ hãi), người ta phải tập trung vào hiện tại đồng thời khước từ những ước vọng mà sự thể hiện không lệ thuộc ý chí con người. Suy cho cùng, đối với người khắc kỷ, thì việc chỉ quan tâm tới cái hiện tại, không quay trở lại dĩ vãng hay hướng tới tương lai, có nghĩa là sợ không thể tiếp tục làm chủ được bản thân mình và phải lệ thuộc vào người khác. Nỗi sợ này dựa trên ý tưởng rằng việc mất quyền kiểm soát của ý chí sẽ hạn chế tự do và đi ngược lại phẩm giá con người.
Thái độ được gợi hứng bởi thuyết khắc kỷ này dẫn đến cái mà nhà triết học Gabriel Marcel gọi là “sự cách ly thời gian của con người” trong việc trung lập hoá quá khứ và cả tương lai. Sự cách ly này biểu thị một cách cắt nghĩa thứ hai cho sự kiện con người thời nay yêu thích sống hiện tại hơn: bây giờ thời gian bị tách thành các nguyên tử độc lập, bị đứt đoạn, bị nén chặt. Từ đó, người ta không còn coi các biến cố trong ngày, các thời kỳ khác nhau trong cuộc đời, như là những yếu tố liên kết với nhau nữa. Mỗi biến cố riêng rẽ được xem xét độc lập, và con người không còn có lịch sử, theo nghĩa là lịch sử tường thuật. Cuộc đời không còn là một tập hợp có ý nghĩa; nó chỉ được coi là những cơ hội riêng rẽ phải nắm lấy, không có liên quan gì với khái niệm quá khứ và tương lai. Tóm lại, thời gian không còn tính liên tục nữa, vì cái “lôgích” của việc trải nghiệm hiện tại được sống một cách mãnh liệt, phi thời gian hay ngoài thời gian, nó thay thế cái trải nghiệm của sự mở ra tương lai mà niềm hy vọng chính là ví dụ điển hình.
Do đó, cách thứ ba để sống cái hiện tại―theo nghĩa kép là thời gian hiện tại và sự hiện diện―đó là hiện diện với những gì đang hiện hữu, đang diễn ra, đang có mặt. Hiện diện, đó là chấp nhận có mặt với thế giới và với người khác. Trong khi người ta có thể buộc một người nào phải có mặt ở đó―ví dụ một người chăm sóc hiện diện với một cụ già―người ta không thể buộc người đó hiện diện theo nghĩa là mở lòng mình ra với con người của cụ già ấy. Ví dụ, có hai cách để chào hỏi một ai đó. Câu chào hỏi có thể chỉ là máy móc xã giao, không mang tính chất quan hệ thân thiết, không có sự hiện diện hoàn toàn, không có sự nhắn gửi đích thực với người kia. Sự hiện diện không phải là một kỹ thuật để thống trị hay một địa vị để kiểm soát thực tại và người khác; nó trước hết là một cách để thiết lập quan hệ với thế giới và với người khác: thái độ được đặc trưng bởi tính mở ra, một sự sẵn sàng lắng nghe hay một sự đi vào mối quan hệ theo nghĩa thứ hai của việc chào hỏi một ai. Chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác, đó là chăm sóc và thử nghiệm sự hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại.
Tuy nhiên, sống trong hiện tại theo nghĩa thời gian thì cũng phải mở ra với quá khứ là nguồn gốc của nó. Bởi vì hiện tại không xuất hiện từ không không, nó nằm sẵn trong một lịch sử tường thuật kép, lịch sử của con người và của cộng đồng. Thái độ sống trong hiện tại này cũng mang tính chất mở ra tương lai, mở ra cho sự xuất hiện của một thực tại hiện hữu mới chưa có trong hiện tại và không thể nói trước điều gì về viễn cảnh của nó, cũng giống như ý muốn kiểm soát. Sự mở ra cho quá khứ và tương lai bao hàm một khía cạnh khác của từ “hiện tại”: hiện tại không chỉ là một sự hiện diện cho và một sự hiện diện cho, nhưng cũng là một món quà, một tặng vật. Nói cách khác, sự mở ra của hiện tại mang tính chất của một sự tách rời khỏi ước muốn kiểm soát, để mình được chiếm hữu bởi thực tại hiểu như là một món quà cho không. Sống hiện tại có nghĩa là trải nghiệm một sự hiện diện và nhận thức về thực tại và về người khác như là những món quà vượt ra khỏi mọi sự kiểm soát.
Chúng ta hãy dành lời cho thi sĩ Hermann Hesse, người đã mô tả một cách tuyệt vời sự trải nghiệm tuổi già được sống như một sự hiện diện với món quà của thực tại, nó tỏ lộ cho những ai để cho mình tách rời khỏi ước muốn kiểm soát để chấp nhận một thái độ sẵn sàng, trong một tinh thần cởi mở và tin tưởng: “Tôi sống cả những khoảnh khắc say đắm, mê ly và mặc khải… Đó là những sự kiện bất ngờ… sự bùng nổ của những khoảnh khắc ấy […] mà ở đó ý nghĩa và giá trị của tất cả những gì hiện hữu và xảy ra được cống hiến cho chúng ta qua dạng của một phong cảnh, một khuôn mặt, một bông hoa […], ở đó Hiện Hữu được tỏ lộ, và đối với ai ngắm nhìn, nó là một điều kỳ dệu, nó biểu thị hạnh phúc, ý nghĩa, nó là một quà tặng. Chính biến cố tự nó được cô đọng thành một sự hiện ra, một phép lạ, một mầu nhiệm vừa xinh đẹp vừa trang nghiêm, đầy vẻ diễm lệ nhưng cũng da diết khôn nguôi.”
[…]
Con người thời nay bị ám ảnh bởi sự thể hiện và tính hiệu quả, và bởi ước muốn kiểm soát thực tại theo ý riêng của họ. Trong bối cảnh này, họ được kêu gọi noi gương người già, biết từ khước ước muốn tuyệt đối làm chủ bản thân, để có thái độ sẵn sàng chấp nhận những thực tại và những biến cố bất ngờ. Niềm hy vọng diễn tả cách thức hiện hữu này trong thế giới: ý thức rằng mình không thể tự mình đạt được đối tượng mình mong ước, người hy vọng trong tình trạng này sẽ biết đón nhận những gì xảy đến cho họ như một món quà của người khác. Việc những người khắc kỷ từ chối niềm hy vọng bắt nguồn từ việc họ từ chối sự lệ thuộc nhân danh một sự tự do kiểm soát; bởi chính sự từ chối này, họ loại bỏ khía cạnh quà tặng của hiện tại, cũng như loại bỏ bản chất cho không của món quà hiện tại.
Triết gia Clive Staples Lewis đã tóm tắt rất hay cái được thua của tự do: “Chúng ta giống như những người đi bơi, vẫn đang đứng với một chân hay một ngón chân chạm đáy hồ, và vẫn còn muốn bám chặt vào đất; giá như chúng ta chỉ cần buông chân ra, để cho dòng nước nhẹ nhàng đưa đẩy chúng ta đi và trao tặng chúng ta một cảm giác êm đềm thích thú. Nếu chúng ta có thể từ bỏ đòi hỏi tự do cuối cùng của mình […], chúng ta sẽ biết đến tự do.”
Tự do của người già không phải là bằng mọi giá tự lừa dối mình rằng mình vẫn còn trẻ, nhưng là học được một sự tự do nội tâm, bằng cách chấp nhận thân phận thời gian hữu hạn của mình; đó là cái làm cho họ có thể mở ra và gặp gỡ thực tại với một thái độ tin tưởng và sẵn sàng, với điều kiện là chấp nhận không để mình bị ám ảnh bởi ước muốn kiểm soát cuộc đời mình. Như triết gia Odo Marquard lưu ý, “Khi về già, người ta có thể để mặc cho các sự việc trôi qua”, nhờ đó họ có thể có được sự thanh thản trong tâm hồn.
4. Kết luận
Sống tốt tuổi già, như Renée Sebag-Lanoë xác định, đó là coi trọng một thái độ sẵn sàng chấp nhận, bằng cách “gạt bỏ ước muốn thống trị và ước muốn quyền lực vạn năng vốn là nỗi ám ảnh của con người hiện đại”. Chúng ta tìm thấy thái độ này trong sự chiêm niệm. Ngược với sự hấp thụ không giới hạn những trải nghiệm mới mà các tín đồ của nền văn hoá hiện đại rất yêu chuộng, người già khác biệt ở cách họ “nhìn sự việc này hay sự việc khác và cách người người khác bộc lộ trước mặt họ”, theo nhận xét của Otto Marquard. Tuổi già dạy chúng ta kết nối với thời gian, hoà giải với thời gian. Và theo triết gia Robert Redeker, sự hoà giải này đòi hỏi “người ta quí chuộng việc dạo chơi không mục đích, sự từ từ, sự nhàm chán, sự suy niệm, và chắc chắn là sự rảnh rỗi, sự cho không, mà người Hi Lạp thời cổ gọi là scholè. Chắc chắn nó là những cái có tính cho không, vì là những cái chúng ta làm không vì mục đích gì, không vì cái lợi nào, ngoài chương trình, ngoài thời khoá biểu”. Về phần mình, thi sĩ Hermann Hesse nhấn mậnh tầm quan trọng cốt tuỷ của thái độ chiêm niệm như người già đang sống: “Nhìn ngắm, quan sát, chiêm niệm dần dần trở thành một thói quen, một việc tập luyện, và đến một lúc nào đó mà chúng ta không ý thức, nó trở thành một trạng thái tinh thần, nó ảnh hưởng tất cả cách ứng xử của chúng ta. […] chúng ta ngạc nhiên khi nhận ra rằng tốt đẹp và kỳ diệu biết bao khi tự mình rút lui khỏi cuộc chạy đua này, cuộc chạy đua điên rồ này để đến được vita contemplata, đời chiêm niệm. Trong cái vườn của tuổi già, chúng ta thấy nở những bông hoa mà xưa kia chúng ta mới chỉ mơ tưởng tới việc vun trồng chúng. Ở đây nảy nở lòng kiên nhẫn, một cây hoa quí. Chúng ta trở nên hiền hoà, bao dung, và khi các ước muốn can thiệp hay hành động của chúng ta càng giảm, chúng ta càng thấy mình tăng thêm khả năng quan sát, lắng nghe thiên nhiên và lắng nghe người khác.”
Theo trực giác của Bobin đã được chúng ta trích dẫn ở đầu bài, món quà vô giá mà người già trao tặng chúng ta hệ tại việc họ tập trung vào một văn hoá của sự chiêm niệm và sự nhàn nhã chân chính. […] Và nhà triết học Josef Pieper có lý khi cũng nhấn mạnh rằng một nền văn hoá đích thực chỉ có thể nảy nở trên cái nền của sự nhàn nhã thư thái”, nghỉa là của những hoạt động không nhằm một lợi ích nào, hay đúng hơn, chúng có mục đích tự tại của chúng. Sự hiện diện của những hoạt động ấy nhắc chúng ta nhớ lại con người tự thâm sâu nhất của nó là cái gì: nó có một phẩm giá, một giá trị vượt lên trên mọi mục đích vụ lợi, mọi suy nghĩ về chức năng và định lượng, mọi lợi ích và ước muốn chủ quan của những người mạnh khoẻ. Trái với một văn hoá duy hoạt và giải trí, văn hoá chiệm niệm và nhàn nhã chân chính là cái cho phép “con người luôn là con người”, theo cách nói của triết gia Simone de Beauvoir về những người già, theo nghĩa là họ không phải tỏ ra là những người có khả năng thể hiện hay có lợi ích cho cộng đồng.
Cái “thế giới ngược”, nơi người cha già của Christian Bobin đang sống, tỏ lộ cho chúng ta một phần của thế giới. Sự hiện diện của người già là một món quà vô giá cho người trẻ hiếu hoạt, theo mức độ nó là sự hiện diện trong hiện tại. Chính khả năng của người già hiện diện mà không đòi kiểm soát, cởi mở trước những cái bất ngờ, những cái mới, khả năng đón nhận những gì được tỏ lộ ở đây và bây giờ, và khả năng mở ra cho cái sẽ đến trong tương lai với một thái độ tin tưởng và hy vọng, tất cả những thứ ấy là một món quà vô giá cho nền văn hoá Phương Tây chúng ta hôm nay. Những người già theo cách sống này dạy chúng ta biết “bỏ” thời gian để nhìn ngắm mỗi một cuộc gặp gỡ như là một món quà được trải nghiệm trong sự hiện diện của thời gian hiện tại. Như thi sĩ đã viết điều này ở cuối bài Sử hiện diện đơn thuần: “Mấy bông hoa mà cơn mưa đêm vừa hái rơi xuống trên cái bàn trong khu vườn của ngôi nhà nghỉ dưỡng dài ngày. Bố tôi nhìn ngắm những bông hoa ấy. Trong mắt ông loé lên một ánh sáng không phải do bệnh tật, mà có lẽ phải là một thiên thần mới có thể cắt nghĩa được nó.” Ánh sáng này bộc lộ sự hiện diện của ông như một món quà vô giá. Đó là món quà sự khôn ngoan của ông tặng cho chúng ta.
Bernard N. Schumacher, có gia đình, 4 con, và là giáo sư Đại Học Fribourg (Thuỵ Sĩ). Ông là tác giả một số tác phẩm nổi bật như: Quand cesse-t-on de vivre? Pour une définition de la mort humaine, Nantes, Cécile Defaut, 2011; L’euthanasie de la personne vulnérable, Toulouse, Érès, 2017; L’Éthique de la dépendance face au corps vulnérable, Toulouse, Érès, 2019; Le Suicide, F.-X. Putallaz et B. Schumacher éds., Paris, Éditions du Cerf, 2019.
(còn nữa...)
Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019
Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021