Sống tuổi già trong tin tưởng và niềm vui (4)- Dịch giả: Lm.Đaminh Ngô Quang Tuyên

Lan Mary

 

4
Tuổi già
Miklos Vetö

TÓM TẮT: Tuổi già bị đe doạ bởi tình trạng suy thoái, sự vô nghĩa và cái chết. Nhưng sự suy thoái sinh học được cân bằng bởi sự nhìn nhận những kinh nghiệm đã tích luỹ được và bởi việc sống trọn vẹn yếu tính siêu hình của con người. Lão hoá không phải là tiến tới cái chết một cách khắc nghiệt, nhưng là lãnh nhận lời hứa được gặp Thiên Chúa.

1. Một sự trưởng thành bị đe doạ

Tuổi già là một tình trạng, một hoàn cảnh mà ở đó tính thường hằng và chuyển động diễn ra luân phiên và hoàn bị lẫn nhau. Nó là một tình huống người ta đã đi đến, đã đạt đến. Một tình huống có phần ổn định, nó tồn tại và diễn tiến theo một sự hài hoà thật sự. Tuy nhiên, tính thời sự này, sự hoàn thành này hàm chứa một tiềm năng bị che khuất. Xét theo một phương diện nào đó, nó là thời khắc tột đỉnh, là sự hoàn thành những giai đoạn nối tiếp nhau, nhưng sự hoàn thành này che giấu một sự mong manh dễ vỡ, tính thời sự này bị xói mòn bởi một sự thiếu bền vững, bên trên và bên dưới sự hài hoà an bình này luôn tiềm ẩn mối đe doạ của một sự suy yếu, một sự tan rã. Tuổi già là một cái gì đó đứng ở phía trên nhìn xuống thế giới, từ chỗ đứng ấy nó nhận những cái nhìn của những người đang ở phía dưới, ở bên cạnh, một hoàn cảnh từ đó toả ra một sự an bình mà những người trẻ hơn quan sát và chiêm ngắm với đầy sự tự tin và cung kính. Tuy nhiên, tình trạng ổn định lớn này, sự trưởng thành lớn và siêu vời này lại nằm dưới cái bóng của một mối đe doạ. Đó là mối đe doạ của sự ngưng trệ, một sự kết thúc, và rốt cuộc đều dẫn đến cái chết. Già đi có nghĩa là đã thoát được cái chết luôn đe doạ chúng ta tứ phía. Đó là một chiến thắng kỳ diệu mà những người già được hưởng và những người trẻ thán phục. Tuy nhiên, chiến thắng này chỉ là nhất thời và mối đe doạ đã tránh được và vượt qua được vẫn luôn luôn hiện hữu. Trên thực tế, sự an bình nơi những người già là một sự mơ hồ sâu xa. Người già cảm thấy an bình vì đã đạt được một tình trạng an toàn chắc chắn. Thế nhưng cái chiến thắng kỳ diệu của người già chỉ là một cái gì hời hợt, thậm chí là một cái bả mồi, một tấm màn, một cái bình phong. Những khoảnh khắc của cuộc đời, nghĩa là sự sống sót mà người già có được rốt cuộc cũng chỉ là những khoảnh khắc đưa mỗi người đến gần cái chết hơn. Suy cho cùng thì sống già, sống già hạnh phúc, sống già khoẻ mạnh, cũng chỉ là một dáng vẻ bề ngoài đánh lừa chúng ta. Mỗi giờ phút của cuộc sống mà chúng ta còn tiếp tục được hưởng cũng chỉ che giấu cái chết đang đến gần.

Chết là mối đe doạ hiện hữu cho mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó trở nên thấm thía hơn, độc hại hơn với những năm tháng trôi qua đều đều. Tuy nhiên, sự thật sinh lý và tự nhiên này đi song song và đồng thời với một cái gì sâu xa và siêu việt hơn, hay nói một cách đơn giản hơn, nó không vĩnh viễn huỷ diệt sự thật siêu hình, sự phong phú tinh thần của thân phận tuổi già. Trên thực tế, phải hiểu tình trạng này như là một sự đi đến, một sự hoàn thành một số phận. Đời sống của con người chứa đựng một ý nghĩa và ý nghĩa này xuất hiện, được thể hiện và áp đặt khi đến tuổi già. Đương nhiên ý nghĩa này không tỏ lộ, không được thể hiện giống như nhau nơi tất cả mọi người. Thế nhưng điều cốt yếu là nó hiện diện trong mỗi người chúng ta, và tuy nó dần dần được tỏ lộ với một mức độ cụ thể và rành mạch nào đó, nhưng nó có một mục tiêu cao cả là tỏ lộ và cho chúng ta nhìn thấy một sự siêu việt. Tuy nhiên, trong khi sự siêu việt này có một giá trị, một tính chất không thể giản lược, sự xuất hiện của nó chỉ là nhất thời và sẽ tới lúc suy thoái, bị xoá nhoà và biến mất. Người lớn tuổi, người già cảm nhận rằng mình được đặt trong một trạng thái ổn định, một hoàn cảnh vững bền để đi sâu và làm sáng tỏ một ý nghĩa của cuộc đời. Tuy nhiên―và đây chính là tính chất đa nghĩa siêu hình của tuổi già―tuỳ theo mức độ mà các nền tảng, các cấu trúc sinh học của họ có một ảnh hưởng tất yếu, không thể tránh đối với người già, thì mặc dù tuổi già là sự hoàn thành ý nghĩa, nó vẫn luôn luôn bị đe doạ bởi sự vô nghĩa.

2. Thoái hoá, mệt mỏi, vô nghĩa

Tuổi già khơi dậy những phán đoán đột ngột, thuần tuý một chiều. Tuy nhiên nó là một phạm trù đa nghĩa. Một đàng, nó khơi dậy sự tôn trọng, thán phục và nó tỏ lộ một sự trưởng thành, một sự hoàn thành. Tuy nhiên, những lúc tích cực này của thân phận tuổi già bị tổn thương, thậm chí bị xoá mờ bởi hai yếu tố tiêu cực. Đó là, sự thoái hoá sinh lý, có thể kèm theo sự thoái hoá tri thức. Và sâu xa hơn: những người già tất yếu tiến gần đến cái chết, tiến gần đến một chuyển động làm suy yếu ý nghĩa và dần dần dẫn tới gần tình trạng vô nghĩa.

Người ta thường nói đến gánh nặng tuổi già, trước hết để chỉ về những yếu tố sinh lý học. Người già đi đứng chậm chạp hơn, lên xuống khó khăn hơn, và dễ mệt hơn. Họ nhìn kém hơn, nghe kém hơn. Họ dễ bị lạnh, dễ bị những hiệu ứng xấu của một số đồ uống và đồ ăn. Thế mà những hiện tượng tai hại này thuộc phạm vi sinh lý học lại khiến cho những người khác khái quát hoá chúng thành những sự bất cập, những sự suy thoái thuộc các phạm vi thực tại nói chung, có gốc rễ siêu hình học. Những người già run rẩy, té ngã dưới sức nặng của sự bất lực. Đương nhiên những người già cũng có những thời kỳ thanh thản, cân bằng, nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc, những quãng nghỉ nhất thời. Người già không ngừng yếu đi, suy thoái dần. Họ có thể thực hiện đúng một số khả năng của họ, nhưng tất cả điều này chỉ là nhất thời. Sớm muộn gì thì tất cả sẽ chỉ là sự vỡ vụn, hoang tàn, đổ nát. Tiếng Đức gọi người già là Greis, “xám”. Vậy, nếu người già là xám, đó là vì ánh sáng vốn là nguyên lý thâm sâu và ấm áp, nguyên lý kỳ diệu và tích cực của sự sống, thì bây giờ nó đang khắc nghiệt đi vào cảnh âm u của tuổi già, chờ ngày tắt hẳn và vĩnh viễn.

Những sự thoái hoá và vỡ vụn sinh lý học minh hoạ cho sự suy thoái kép của con người: suy yếu sự sống dẫn đến cái chết, và mất mát tất cả ý nghĩa dẫn đến sự vô nghĩa. Con đường đi đến cái chết đã được minh hoạ trong Kinh Thánh. Tuổi già đè nặng trên người đau khổ hao mòn vì tuổi tác và kiên nhẫn kiệt quệ (Hc 41, 2). Người già thấy mình xuống sức (Gv 12), và không còn cảm thấy điều gì thú vị (2 S 19, 36). Gánh nặng tuổi tác, sức lực sa sút diễn tả chuyển động dẫn tới cái chết, sự biến mất dần dần các âm thanh và hương vị có vẻ là dấu chỉ hùng hồn về sự mất ý nghĩa. Đó là những điều được Jankelevitch khai triển để minh hoạ và chứng tỏ một cách rõ ràng qui trình đi-đến-cái-chết từ một góc nhìn đạo đức-siêu hình. Những mệnh đề mạnh bùng nổ dưới ngòi bút của nhà triết học đạo đức nổi tiếng cuối cùng của Phương Tây. Trong tác phẩm của ông về Sự Chết, chúng ta đọc thấy ông viết rằng tuổi già là một cái chết giảm nhẹ. Chuyển động sinh tồn vừa là một diễn tiến liên tục hướng tới hiện hữu, vừa là một diễn tiến liên tục dẫn đến không-hiện-hữu: “Cái làm chúng ta thể hiện từng giây từng phút, cũng là cái từng giây từng phút đưa chúng ta tới gần cái chết hơn”. “Ngay từ cái đập đầu tiên của quả tìm nó, đứa bé sơ sinh đã bước một bước tới cái chết rồi”. Các triết gia và các thi sĩ thường hùng hồn ca tụng sự sống, thế mà “công trình liên lỉ của đời sống chúng ta, đó là kiến tạo cái chết”. Tương lai hữu hạn là một sự tất yếu thường hằng “tạo ý nghĩa cho sự hao mòn từ từ nhưng khắc nghiệt mà chúng ta gọi là tuổi già. Hôm nay tôi chết nhiều hơn hôm qua một chút và ít hơn ngày mai một chút”. Và chuyển động siêu hình này một lần nữa có thêm một minh hoạ, một sự tỏ lộ sinh lý học. Người giả cảm nhận một sự mệt mỏi vô hạn “dẫn họ tới sự buông bỏ cuối cùng”. Nó là một chuyển động được ghi khắc sẵn trong thân thể của người già, một thân thể đang còng xuống để báo trước họ đang đi xuống phía dưới, xuống huyệt mộ. (Jankelevitch, La mort., p. 196). Sự đi đến cái chết rốt cuộc chỉ là sự nhập thể của một chuyển động siêu hình đi từ ý nghĩa sang vô nghĩa. […] Nói cách khác, sự mâu thuẫn giữa ý nghĩa và vô nghĩa luôn nội tại trong hiện hữu của chúng ta. Chết có nghĩa là ý nghĩa bị phá vỡ bởi vô nghĩa, hay cái vô nghĩa vĩnh viễn này không chỉ là một cái gì ở đàng xa và ở nơi khác, nhưng nó ở trong chúng ta, nó ảnh hưởng tới sự hài hoà của chúng ta, nó phủ bóng trên các tính toán của chúng ta.

3. “Đặt trước mặt mình cái phổ quát như là một cùng đích vô hạn”

Khái niệm tuổi già, cái nhìn tự nhiên, được chấp nhận hằng ngày về tuổi già, phán đoán thiếu suy xét của người ta về người già, quan sát thực tế tuổi già, hình ảnh người ta có về người già, đó là những quan điểm không tốt đẹp, tiêu cực. Trong trường hợp khá hơn, những người già bị coi là những kẻ khốn khổ tội nghiệp, còn trong trường hợp tệ hơn thì họ bị coi là những người tan nát, hư hoại nơi thân xác và tinh thần và có thể, thậm chí muốn làm hư hoại những người khác. Mặt khác, ở đây chúng ta đang đứng trước một nhận thức, một sự đánh giá về những người là con mồi của tuổi tác. Trong các xã hội thời sơ khai, nhất là các xã hội thời tiền sử, tuổi thọ có khuynh hướng cắt ngang khả năng sinh sản. Các cuộc khai quật chứng tỏ rằng các phụ nữ không sống lâu sau lứa tuổi họ có thể sinh con. Nhưng đối với nam giới thì khác. Khả năng sinh sản của họ lâu hơn phụ nữ, và nhất là, vì được thoải mái hơn trong các hành vi vượt ra ngoài môi trường vợ chồng, mặc dù các hành vi của họ vẫn suy yếu dần, nhưng không có một sự tương ứng rõ rệt giữa tuổi thọ của họ và khả năng hành động của họ. Nói một cách chính xác hơn: có một sự khác biệt giữa sinh lý học và đạo đức. Và chính sự khác biệt này, bây giờ được mở rộng một cách không phân biệt cho cả nam và nữ, nó giúp chúng ta có thể quan niệm lại về tuổi già một cách tích cực hơn.

Các bản văn kinh điển thường nhìn nhận sự phong phú và giá trị của tuổi già, nhìn nhận tính tích cực của nó, nhưng đặc biệt nhất là các sách Kinh Thánh trong việc ca tụng tuổi già. Trước hết là sự nhìn nhận rằng tuổi già đem lại một niềm hạnh phúc đơn sơ. Sách Thánh Vịnh nói đến một tuổi già trổ bông, hạnh phúc (Tv 92, 15), sách Châm Ngôn nói đến niềm vui của tuổi già trước cảnh con đàn cháu đống (Cn 17,6). Tuy nhiên, không chỉ có hạnh phúc, niềm vui, nhưng cũng có sự phân định về lợi ích của tuổi già. Sách Xuất Hành nói đến một triều thiên của tuổi già dành cho người công chính (Xh 10, 27). Và cũng nói rằng ai tôn kính cha mẹ thì sẽ được sống lâu (Xh 20, 12). Nhưng người già không chỉ được hưởng niềm vui và hạnh phúc, họ cũng xứng đáng được đề cao, được nhìn nhận. Các vết nhăn trên da thịt họ nhắc chúng ta nhớ đến những năm tháng lao động cực nhọc của họ, những cái đầu bạc đáng được kính trọng (Lv 19, 32). […] Và không chỉ có trong Cựu Ước, tuổi già còn được tôn vinh một cách rõ ràng hơn trong Tân Ước, với giá trị của tuổi già, sức mạnh của tuổi già như một biểu tượng của thời kỳ cánh chung. Đành rằng trong Cựu Ước, Đấng Vĩnh Hằng đã xuất hiện trong sách ngôn sứ Đanien dưới hình dáng của một Đấng Lão Thành (Đn 7, 9), nhưng chính trong sách Khải Huyền của Tân Ước mà hai mươi bốn vị Kỳ Mục biểu thị cho triều thần Thiên Quốc ca ngợi vinh quang Thiên Chúa đến muôn đời (Kh 4, 4; 5, 14).

Thị kiến của sách Khải Huyền cho phép chúng ta vượt qua vĩnh viễn bình diện tự nhiên, sinh lý, và nếu muốn, cả thời gian, của tuổi già theo hướng của một sự đào sâu được tóm gọn vào yếu tính siêu hình của chúng ta. Chắn hẳn là sự đào sâu này ban đầu có vẻ như là trên một bình diện thực nghiệm. Những người nam và người nữ của các xã hội chúng ta hôm nay thường cảm nhận một sự mất kiên nhẫn đối với những người già, vốn tự khép kín mình trong thế giới của họ, họ có vẻ như không quan tâm tới bất kỳ một sự thay đổi nào. Thế nhưng sự vô tư này của họ cũng là một giá trị, một sức mạnh. Chắc chắn những người già đã từng đóng một vai trò quan trọng trong các cộng đồng thời kỳ sơ khai, một thế giới của những “xã hội già giàu có”. Các xã hội này “có khuynh hướng trở thành những thể chế của những nhà cai trị cao niên. Trong những xã hội ấy, người già cai trị trong các hội đồng cố vấn, trong các bộ tham mưu, bởi vì trong một thế giới từ lâu đã không có những thay đổi, thì kinh nghiệm là một tài sản quí” (A. Maurois). Tuy nhiên, nhận định này của nhà văn về tầm mức và những khả năng của người già chỉ là một cách hiểu rất sơ sài và nghèo nàn về tình trạng của thế giới chúng ta; trên thực tế, nhà văn này phải tự xoá mình đi trước những lời cao siêu và giàu khái niệm của Hegel.

Vị đại triết gia người Đức này có những suy tư rất thường xuyên về tuổi già. Ông mô tả tuổi già như là sự kết thúc của mọi nghiên cứu, kết thúc của mọi sự tìm tòi cái mới, và ông cắt nghĩa rằng sự ngưng tìm kiếm này, sự khép mình bề ngoài này rốt cuộc quay trở về với việc đạt đến một tình trạng phổ quát. Chính quyển Bách Khoa (Encyclopédie des sciences philosophiques) của ông cung cấp biểu thức cơ bản để tóm tắt về tuổi già. “Những người già―Hegel viết―ngày càng ung dung hơn tại nhà mình và thể loại của họ, các biểu thị tổng quát của họ ngày càng trở nên quen thuộc hơn, cái đặc thù ngày càng biến đi, đồng thời sự căng thẳng, sự quan tâm cũng tan biến và họ hài lòng trong thói quen không có qui trình này.” Chúng ta tiếc nuối, thậm chí tức bực, khi nhận thấy người già giảm bớt sự quan tâm đối với thế giới, và sống khép kín trong thế giới riêng của họ. Chắc hẳn là người già xa lánh đời sống hiện tại, và tỏ ra không quan tâm tới những gì đang diễn ra, những gì đang xảy đến quanh họ. Tuy nhiên, chúng ta quá dễ dãi khi coi đó là sự yếu đuối, sự xa lánh hiện tại, xa lánh cái cụ thể. Thực ra, nó có những lý do sâu xa của nó. “Tuổi già là trở về với sự thiếu quan tâm đối với Sự Vật”, đối với các công việc, đúng là như thế rồi; nhưng cái có vẻ là sự xoá bỏ, sự đánh mất ấy lại hàm chứa sự thật sâu xa của nó trong một sự lớn lên, một sự trưởng thành, và cái có vẻ là sự lún sâu đột ngột trong tính ích kỷ thì thật ra lại là một sự mở rộng tuyệt vời ra thế giới. Tất cả những điều ấy đã được Hegel tóm tắt bằng một biểu thức vô cùng phong phú trong quyển Cours sur la Philosophie de la Religion (“Giáo trình về triết lý tôn giáo”): “Tuổi già, mức độ của tư tưởng nhìn cái phổ quát như là một cùng đích vô hạn, nó biết cái cùng đích này―cái tuổi mà, xuất phát từ sức sống cụ thể và từ lao động, đã quay trở về với cái cùng đích phổ quát, trở về với cái cùng đích tuyệt đối và đã tập hợp lại từ sự đa dạng của cái hiện-hữu-ở-đó để đi đến chiều sâu vô hạn của cái hiện-hữu-tự-thân.” Nếu tuổi già là từ bỏ việc tìm kiếm cái mới, không quan tâm tới cái đặc thù, đó là vì sự thật của nó trở về với sự tiếp nhận cái phổ quát. Nói khác đi, chúng ta không được hiểu tuổi già như là một chuyển động thoái hoá, như là một tiến trình đi tiêu diệt sự sống và làm biến mất ý nghĩa, nhưng đúng hơn, phải hiểu nó như là một sự thết lập và ở lại trong Ý Nghĩa (viết hoa).

4. Ba bình diện suy tư: sinh học, xã hội, siêu hình

Suy tư về tuổi già có ba thời điểm lớn hay đúng hơn nó tỏ lộ ba kế hoạch, ba bình diện, nó đưa chúng ta đối diện với ba khái niệm về tuổi tác. Trước tiên là khái niệm sinh học, rồi khái niệm xã hội học và sau cùng, khái niệm siêu hình học. Và xuất phát từ ba khái niệm này, nhưng nhất là thông qua một sự hiểu lại về khái niệm tuổi già đúng nghĩa của nó, chúng ta sẽ đạt được sự phân định, nắm bắt tiềm năng của nó, và nếu muốn, cả tiếng gọi tôn giáo của nó.

Đương nhiên rồi, bình diện đầu tiên và cơ bản là sinh học. Và sinh học hiểu theo những cách khác nhau và những nghĩa khác nhau. Trước hết, chúng ta có thể và phải nhận ra rằng bộ xương được lộ ra ngày càng rõ hơn dưới da thịt của người già gầy yếu”. Ai cũng biết rằng không thể không nhận thấy “những bệnh tật lặt vặt của người già”, với sức khoẻ hao mòn dần dần và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Trong những lúc như thế, các hiện tượng thuần tuý sinh học này có những hậu quả tệ hại và trực tiếp. Người già trở nên “buồn sầu” và u ám. Tuổi già đè nặng trên người đau khổ hao mòn vì tuổi tác và mất hết kiên nhẫn (Hc 41, 2). Có nghĩa là, ngoài những suy thoái về thể chất, người già cũng còn phải chịu những nỗi sợ hãi và đe doạ phát sinh trực tiếp từ ý thức về tuổi già của họ. Người già biết mình đang đi đến cái chết và cuộc hành trình này sẽ kèm theo những đau đớn và bệnh tật. Chờ đợi cái chết không phải là một điều gì xa xôi hay ở bên ngoài. Nó ở trong chúng ta, ảnh hưởng đến sự hài hoà, nó phủ bóng trên các dự tính của chúng ta. Và trong khi chờ cái chết tất yếu vẫn còn ở xa, con người biết rằng những ngày đời mình đã được đếm rồi, sức khoẻ mình có thể tổn hại bất cứ lúc nào, các kế hoạch cho một tương lai gần hay xa của mình đều rất bấp bênh. Như Jankelevitch nói, “tuổi già là mùa thu cuộc đời”; nó là những sự suy yếu và mất mát vĩnh viễn, nó không biết có sự hồi phục nào. Nói cách khác, tuổi già là một tiến trình dẫn tới chỗ “cạn kiệt dần dần một kho khả năng có hạn”. Tuy nhiên, sự kiệt quệ này cũng đi đôi với một sự làm giàu thêm: các sự suy yếu, các mất mát, tất cả sự tàn tạ sinh học có thể đi đôi với một nhân tố tích cực. Nhân tố tích cực này nằm ở bình diện xã hội. Các sức lực của người già suy giảm, họ có thể ốm đau, nhưng điều này không ngăn cản họ đóng một vai trò không thể thiếu đối với những ai họ quen biết và đối với cộng đoàn mà họ là thành viên. Họ đã tích luỹ những kinh nghiệm, đã phát triển các thái độ, đã sở hữu những kiến thức.Tất cả điều này cho họ một sự vững chắc và năng lực để phân định các tình huống, cống hiến những lời khuyên, đưa ra những lời cảnh báo. Đối mặt với sự tàn phá và biến dạng đau đớn mà những người già phải chịu, nhiều người trong số họ là những người lớn tuổi có những nguồn tài nguyên giúp họ đóng một vai trò không thể thay thế trên bình diện xã hội. Và việc đạt tới sự hoàn thành này trên bình diện xã hội đi đôi với một sự hoàn thành trên bình diện siêu hình. Đến một tuổi nhất định, con người có thể thể hiện yếu tính của mình, có thể nói như thế. Tuổi già có thể được coi rất đúng như là con người đat tới mức “trưởng thành” đích thực của mình” (Reife). Trưởng thành có nghĩa là hiện thực hoá các tiềm thể siêu hình, ở đó con người vượt qua sự tìm kiếm những cái đặc thù, lẻ tẻ, không tất yếu. Giống như trong hình thức xã hội hay cộng đồng của nó, tuổi già trong sự thật siêu hình của nó cũng là một cái gì bền vững. Nhưng không phải một sự bền vững theo tính chất thời gian. Và đây chính là chỗ dẫn đến một tình huống rất phức tạp. Sự hoàn thành của thân phận con người trên bình diện xã hội hay siêu hình dẫn chúng ta trở về với một sự vượt qua bản chất thời gian của nó. Tuy nhiên sự vượt qua thời gian này rốt cuộc đi xuống một tình trạng nghèo nàn. Nói chính xác hơn, với sự thu mình lại trong thời gian dưới hình thức hời hợt nhất, hình thức rõ ràng nhất của nó là hiện tại.

5. Từ khép kín trong hiện tại đến lời hứa được gặp Thiên Chúa

Vượt lên trên bình diện sinh học, chúng ta bắt đầu hiểu được tuổi già theo một hướng tích cực, không phải như là một cái gì không tất yếu. Quan niệm xã hội dẫn đến cái nhìn về tuổi già như một vai trò hữu ích, còn quan niệm siêu hình nghĩ về nó như là một yếu tính đã được thể hiện. Tuy nhiên, nếu tuổi già có thể được nhìn theo nghĩa tích cực như là một sự hoàn thành, sự hoàn thành này xuất hiện diễn ra trong cuộc sống hiện tại ở dương thế này. Có nghĩa là, cả khi người ta không xét đến sự mỏng dòn của nó, những lúc sa sút của nó, sự đổ vỡ của nó, tuổi già vẫn là một hiện tượng của sự hữu hạn, tuổi già dừng lại trong cái hiện tại, trong thế giới nội tại, nó không có gì liên quan đến thế giới siêu việt. Thế nhưng chính ở chỗ này, tuổi già không được phép khép kín mình trong cái nội tại, nhưng có thể, thậm chí phải vượt qua tính nội tại. Những người ca ngợi tuổi già, ca ngợi vai trò của nó cũng như yếu tính nó tỏ lộ ra, đều hài lòng với việc hiểu nó theo hướng của các phổ quát thể, vậy mà các phổ quát thể này lại khép kín nó trong một số phận tiêu cực và thảm hại. Chúng ta đã nhắc đến biểu thức quan trọng của Jankelevitch: “Ngay từ cái đập đầu tiên của quả tim nó, đứa bé sơ sinh đã bước một bước theo hướng dẫn tới hư vô”. Xa hơn một chút, nhà đạo đức học nổi tiếng này còn lặp lại lời cáo buộc: “Công trình liên tục của chúng ta, đó là kiến tạo cái chết”. Vậy mà, nếu cái chết đã được nhắm tới ngay từ lức khởi đầu cuộc sống, thì nó không thể được quan niệm như là một sự kết thúc đầy đủ, một sự huỷ diệt. Và một lời khẳng định của một nữ văn sĩ Pháp của thế kỷ 19 đã mở đường cho một cái nhìn mới dẫn tới một sự duyệt xét lại cơ bản ý nghĩa của tuổi già như là một chuyển động đầy tiềm năng và hứa hẹn hướng tới cái chết. Với tuổi già―George Sand viết― “chúng ta đến gần […] cái kết của đời sống, nhưng như là một đích đến chứ không phải một vực thẳm”.

Định nghĩa này có một giá trị, một ý nghĩa bao la. Nó trở về với sự phục hồi vai trò của thời gian tính trong sự lão hoá―nhưng là một sự phục hồi theo chiều hướng tích cực Và chính sự phục hồi thời gian tính làm cho chúng ta có thể hiểu lại về tuổi già như là thân phận của những con người, những con người đang trên con đường đi gặp gỡ một Con Người (viết hoa). Cái nhìn về tuổi già như là sự hoàn thành xã hội hay siêu hình cho phép chúng ta gán cho nó một ý nghĩa, một tầm quan trọng gần như là phổ quát, nhưng tính phổ quát này dẫn đến một sự khép kín. Chắc hẳn chúng ta đã nhận ra và khẳng định một giá trị, một ý nghĩa trong tuổi già, nhưng ý nghĩa và giá trị bị bó hẹp vào một cuộc đời đóng kín trong hiện tại, và vì thế, ý nghĩa thực của hiện hữu con người bị để trong ngoặc, bị bỏ quên. Ơn gọi đích thực của con người không phải là hoàn thành cái phổ quát, thể hiện một yếu tính chung, nhưng là sống một cuộc sống duy nhất và độc đáo, cuộc sống riêng của mình. Cái sự thật khái niệm này được nhận ra một cách tối nghĩa nhưng thực sự bởi ngôn ngữ con người. Chúng ta có thể nói về cái gì “già” hay một “người già”, nhưng hai từ này có những nội dung rất khác nhau. Già chỉ về sự tương quan và nó không nhất thiết diễn tả một người theo sự thật độc đáo của người ấy. Trong một nhóm người trẻ hay trung niên, người ta “già” nhưng trong một nhóm người khác thì không già. Trong một nhóm nhất định, người ta có thể gọi một người là “già”. Vậy mà, khi cùng một cá nhân này đi vào một nhóm khác, người này không còn được gọi là già nữa. “Già” là một tính từ để chỉ một người trong một hoàn cảnh nhất định trong khi ở một hoàn cảnh khác, cũng một người này không được gọi là già. Và khái niệm “già” có một sự khác biệt cơ bản so với “người già”. Tính từ “già” có thể được làm thành một danh từ: “người già”. Trái lại, người già không bao giờ là một tính từ mà người ta có thể dùng để gán cho một cá nhân, hay khẳng định về một con người.

Do đó, những khác biệt ngữ pháp nho nhỏ này có một giá trị triết học thực sự. Chúng cho phép chúng ta nhận ra rằng sự già hoá có thể được hiểu không phải như là sự tiến tới một vực thẳm hay một sự đắm chìm, nhưng như một cái gì đi đến một mục đích và một lời hứa. Tuổi già có thể đạt đến một sự hoàn thành xã hội và siêu hình. Vậy mà chủ thể của nó sẽ phải kết thúc bằng một sự sụp đổ: biến mất do cái chết. Đối với người già thì không phải thế. Họ có thể chứng tỏ sự hoàn bị xã hội hay siêu hình, nhưng sự phong phú đích thực của họ không hệ tại việc sở hữu tính phổ quát này, hay cái yếu tính này. Sự thật và ý nghĩa của một người già không phải là một cái gì chung chung, nhưng là cái gì cụ thể của một nhân cách. Chắc chắn yếu tính thì phi thời gian, nhưng nó có thể bị xoá mờ, bị bỏ qua khi chủ thể mang yếu tính ấy bắt đầu biến mất. Về sự lão hoá của người già, của con người độc nhất vô nhị này, đó là một sự ra đi, một sự tiến tới trong thời gian của họ, để hướng tới cái chết như là một mục đích, một sự gặp gỡ. Người già là một con người; và là một con người có nghĩa là hiện hữu với và giữa những người khác. Rất nhiều người chờ đợi sau khi chết được gặp những người thân đã chết của họ, nhưng điều cốt yếu là gặp gỡ với Con Người Tối Thượng. Tuổi già đã được chứng minh là khả năng tạo lập một sự hoàn thiện xã hội và siêu hình trong một hiện tại ở trần gian này. Chắc chắn là vậy, nhưng nó cũng là và nhất là sự mở ra với Đấng Khác. Đương nhiên, cũng khó mà không quan niệm tuổi già như là một sự chìm sâu trong vực thẳm của bóng tối, của hư vô. Tuy nhiên―và đây chính là sự thật của nó và ơn gọi của nó―nó có thể và phải có mục đích là đến gần Thiên Chúa (Tv 73, 28), ở với Đức Kitô (Pl 1, 23).

Mikos Vetö, sinh năm 1935, có gia đình, 3 con và 9 cháu nội ngoại, là thành viên của Viện hàn lâm khoa học Hungary và giáo sư (danh dự) của một số trường đại học. Các ấn phẩm mới nhất của ông: Gabriel Marcel. Les grands thèmes de sa philosophie, 2014; De Whitehead à Marion, Éclats de philosophie contemporaine, 2015; Fénelon, penseur de la volonté, 2017; De Budapest à Paris (1936-1977), 2018.

(còn nữa...)

Nguyên bản tiếng Pháp:
VIEILLIR
Communio – Revue catholique internationale
juillet-août - 2019


Bản dịch tiếng Việt:
SỐNG TUỔI GIÀ
TRONG TIN TƯỞNG VÀ NIỀM VUI
LM Đaminh Ngô Quang Tuyên
Saigon 2021