Nội dung chính
- Hiểu lầm
- West Virginia, Hoa Kỳ: cái nôi của "Bông hồng cài áo"
- Ăn thua là ở cái lòng, không phải ở hoa này, hoa nọ
"Bông hồng cài áo" là một nghi thức nhuốm màu Phật Giáo, thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm, để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em phật tử, với hai giỏ hoa hồng (roses), màu đỏ & màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được nhận một bông hoa trắng trên ngực áo. Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức đó được giới thiệu đến người Việt từ cuốn sách "Bông hồng cài áo" của thiền sư Nhất Hạnh được viết vào Tháng Tám, 1962 và sau đó, được dân chúng biết đến nhiều hơn nữa nhờ bản nhạc cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ. Tính đến nay, người Việt mình đã biết đến và đã theo nghi thức này được hơn 40 năm. Hỏi tại sao và từ đâu có "Bông hồng cài áo", nhiều người quả quyết không ngập ngừng rằng đó là một nghi thức được phỏng theo một phong-tục của người Nhật theo đó, các em học sinh sẽ ra đường, không phải trong khuôn viên các ngôi chùa, trong ngày lễ mẹ để gắn hoa hồng (roses) cho những người qua lại.
Sự thật không đúng, như vậy. Nghi thức này không bắt nguồn từ nước Nhật và loại hoa được ưa chuộng để dành cho mẹ không phải là hoa hồng.
Hiểu lầm
Trước hết là chuyện "tác quyền". Nhật không phải là "tác giả" của phong tục này, họ chỉ bắt chước người khác và, nói cho ngay, họ cũng không thực hành nghi thức này nhiều như mình nghĩ. Việc gắn hoa trong ngày lễ mẹ không phổ thông lắm tại Nhật. Họ chỉ có 2 tập tục hơi hơi giống "Bông hồng cài áo" của mình. Đó là tục gắn lông gà để quyên tiền và tục tặng hoa cẩm chướng cho mẹ trong ngày lễ mẹ.
Tục gắn lông gà mới có khoảng 50 năm nay. Mỗi năm, từ ngày 01 Tháng Mười đến cuối Tháng Mười Hai, Tokyoto Kyodo Bokinkai (Đông Kinh Đô Cộng Đồng Mộ Kim Hội) thành lập từ năm 1946, có tổ chức văn nghệ tại nhiều nơi trên toàn nước Nhật để lạc quyên cho cơ quan Hồng Thập Tự Nhật (Nhật Bản Xích Thập Tự).
Các em học sinh, sinh viên mang thùng đến từng người xin tiền quyên góp. Ai tặng tiền thì được các em gắn lên áo một lông gà nhuộm màu đỏ, vừa là một cách cám ơn người tặng tiền, vừa là một cách nhắc nhở khéo những người chưa có lông gà đỏ và cũng là một dấu hiệu cho biết người nào đã góp tiền, ngươì nào chưa để các em học sinh khác không làm phiền người đã quyên góp. Ngoài ra, Bộ Nông Lâm Thuỷ Sản Nhật Bản hằng năm cũng tổ chức cũng quyên tiền để bảo vệ môi sinh. Người nào đã bỏ tiền vào thùng sẽ được gắn một chiếc lông gà nhuộm màu xanh lá cây. Nếu màu đỏ của hình chữ thập tượng trưng cho gíup máu cứu giúp người bị thương thì màu xanh lá cây được nhìn như một biểu tượng bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Tục tặng hoa cẩm chướng cho mẹ cũng chỉ mới có tại xứ Phù Tang từ sau Thế Chiến. Bắt chước người, Nhật cũng lấy ngày Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Năm là ngày Mother's Day. Trong ngày này, con cái thường tặng mẹ hoa cẩm chướng đỏ (carnation) và những món quà nho nhỏ để bày tỏ lòng kính yêu mẹ. Hoa này tặng Mẹ chứ không phải tặng con và là hoa cẩm chướng chứ không phải hoa hồng. Phong tục này cũng mới theo Tây phương, nói trắng ra là theo Mỹ, khoảng vài chục năm nay.
West Virginia, Hoa Kỳ: cái nôi của "Bông hồng cài áo"
Đúng vậy, phong tục này khởi đầu từ thành phố Grafton, West Virginia vào ngày 09 Tháng Năm, 1907 và người đầu tiên lấy hoa cẩm chường đỏ và trắng để vinh danh các bà mẹ là cô Anna Jarvis mất trước đó 2 năm. Cô là người bỏ cả đời ra để vận động cho một ngày lễ mẹ trên toàn quốc Hoa Kỳ để vinh danh các bà mẹ, trong đó có thân mẫu của cô đã tận tuỵ nuôi 11 người con. Hôm đó là ngày Chúa Nhật, 09 Tháng Năm, Anna đã tổ chức một ngày Mother's Day trong nhà thờ nhỏ tại Grafton. Khi đó, Mother's day chưa được chấp thuận là national holiday. Anna Jarvia dùng cẩm chướng trong buổi lễ này chỉ vì thân mẫu của cô lúc sinh tiền thích hoa này. Buổi lễ vừa là cầu hồn cho mẹ Anna và những bà mẹ trong họ đạo đã khuất, vừa là cầu an cho những bà mẹ còn sống. Anna Jarvis đã lấy hoa cẩm chướng màu đỏ biểu trưng cho những bà mẹ còn sống và hoa cẩm chướng màu trắng, cho những bà mẹ đã khuất. (1)
Như vậy, chính thành phố Grafton, W Virginia, không phải Nhật Bản, là cái nôi của phong tục hoa đỏ, hoa trắng cho mẹ hiền.
Về sau, khi phong tục "Bông hồng cài áo" qua đến Việt Nam, hoa cẩm chướng lại bị hiểu lầm thành hoa hồng và Nhật Bản được nghĩ lầm là nguồn gốc của phong tục.
Tại sao lại có chuyện hiểu sai đi như vậy? Có phải sai lầm từ tác giả Nhất Hạnh hay là từ nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ? Không phải.
Trong cuốn sách do An Tiêm xuất bản, thiền sư Nhất Hạnh không hề có một lời nào nói rằng phong tục này là của người Nhật. Tác giả chỉ kể rằng ông biết được phong tục đó là do sự giải thích của cố Thượng Tọa Thiên Ân nhân dịp tác giả được một cô sinh viên Nhật, bạn của TT Thiên Ân, cài hoa cẩm chướng trắng cho thầy tại một tiệm sách trong khu thương mại Ginza ở Tokyo. Đọc lại thật kỹ đoạn văn kể lại chuyện này, ta thấy chữ Tây Phương được nói đến hai lần, ý nói đây là một phong tục của Tây Phương. Không có một lời nào nói đó là phong tục của người Nhật. Đoạn văn cũng nói rõ là hoa cẩm chướng, không thể nào lầm lẫn với hoa hồng (roses) (2). Chuyện hiểu lầm không phải từ cuốn sách của thày Nhất Hạnh. Thế còn nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ? Trong bài hát "Bông hồng cài áo" nhạc sỹ tuy không dùng chữ hoa cẩm chướng nhưng có dùng chữ "đoá hoa màu hồng" để nói về bông hoa cho mẹ (3). Viết "hoa màu hồng" như vậy là nhạc sỹ muốn nói đến một loại hoa nào đó, có thể là rose và cũng có thể là bất kỳ loại hoa nào khác, miễn sao có màu hồng là được. Nếu muốn chỉ rose, người Việt Nam chỉ cần dùng chữ hoa hồng hay đóa hoa hồng là đủ (4), không cần thêm chữ màu. Thừa..
Chuyện hiểu lầm, như vậy, cũng không phải từ bài hát của Phạm Thế Mỹ. Thiền sư Nhất Hạnh, vốn du học bên Mỹ, kể chuyện thăm viếng Nhật, được người Nhật gắn hoa, được nghe Thầy Thiên Ân, vốn du học bên Nhật, giải thích về phong tục cài hoa, ai cũng đinh ninh là thiền sư Nhất Hạnh kể về phong tục bên Nhật, chẳng dè hai vị tu sỹ, tuy gặp nhau giữa lòng Tokyo, nhưng lại nói chuyện về phong tục bên... Mỹ. Sai lầm là từ chỗ đó.
Nhận ra chỗ hiểu lầm rồi, có nên thay đổi chi trong nghi thức"Bông hồng cài áo"? Thật ra, nghi thức này bắt nguồn từ đâu thì chỉ những ai muốn tìm hiểu đến nơi, đến chốn thôi mới đặt thành vấn đề. Với đại chúng, chuyện này không quan trọng. Phong tục đó khởi đầu từ đâu mà có, thây kệ nó, miễn sao mình báo hiếu cho mẹ là được rồi. Tuy nhiên, với tinh thần tôn trọng sự thật, sau khi đã tìm ra chỗ hiểu lầm, nếu có ai hỏi người Việt mình tìm đâu mà có được một nghi thức đầy ý nghĩ như vậy, thì mình phải thẳng thắn loại bỏ cái anh Nhật Bản ra ngoài và nhẹ nhàng đưa cái nhà thờ Hoa Kỳ vào thay chỗ "tác giả" của nghi thức "Bông hồng cài áo".
Việc thứ hai là kể từ nay, nên dùng hoa nào trong nghi thức "Bông hồng cài áo", hoa hồng hay hoa cẩm chướng. Đối với người Việt, hoa hồng tượng trưng cho tình thương và lòng biết ơn. Lại nữa, người Việt mình không ai lại không biết hoa hồng. Còn hoa cẩm chướng? Có người chỉ nghe tên mà không biết đó là hoa gì. Ngược lại, cẩm chướng rất phổ thông bên Tây phương. Theo truyền thuyết Kitô giáo, hoa cẩm chướng sanh ra từ những giọt lệ Đức Mẹ nhỏ xuống, lúc Mẹ theo chân Chúa Giêsu trên đoạn đường khổ nạn của Người. Vì vậy, hoa cẩm chướng tượng trưng cho tình yêu bất tử của người mẹ (5).
Nói cho cùng thì ý nghĩa nào cũng chỉ là do con người gán cho hoa. Khi chưa có loài người thì hoa cũng chỉ là hoa, có ý nghĩa chi đâu. Hoa nào cũng chỉ là biểu tượng, miễn sao nói lên được cái ý nghĩa mà mọi người muốn nhìn thấy ở biểu tượng ấy. Vậy thôi. Tiếp tục dùng hoa hồng hay thay thế hồng bằng hoa cẩm chướng hoặc ngay cả đi tìm một biểu tượng khác cũng không quan trọng, miễn sao có sự đồng thuận của mọi người.
Ăn thua là ở cái lòng, không phải ở hoa này, hoa nọ
Với tâm thành, đóa hoa dại ngắt vội bên đường cũng đáng trân trọng. Không có tấm lòng, vương giả chi hoa như lan, như huệ cũng vất đi.
(1) "She passed out more than 500 carnations, one for each mother in the congregation. She chose carnations because they were her mother's favorite flowers; the white carnation was her most favorite because it represented the purity of a mother's heart. A white carnation was to be worn to honor deceased mothers, and a red one to honor a living mother.
(2) Thích Nhất Hạnh,"Bông hồng cài áo", An Tiêm xuất bản "Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day), ngày chúa nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. "
(3) Phạm Thế Mỹ, "Bông hồng cài áo", "Đoá hoamàu hồng vừa cài lên tóc đó anh" TrịnhCông Sơn, Lời buồn thánh,
(4) "Đoá hoa hồng cài lên tóc ai, Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài..."
(5) https://www.floweraura.com/blog/what-do-different-colors-carnations-symbolize FlowerAura: Theo một truyền thuyết Kitô giáo, các bông cẩm chướng lần đầu tiên xuất hiện trên trái đất lúc Đức Giêsu vác thập giá, Đức Mẹ nhỏ những giọt lệ khóc thương cuộc thương khó mà con mình phải chịu, và những bông cẩm chướng mọc lên từ những giọt lệ rơi xuống ấy.
Nguồn:Phạm Lệ Hương
Maikhoi.net