"Ngân hàng tình thương"- Tác giả: Maria Thy Phụng

Lan Mary

 

“NGÂN HÀNG TÌNH THƯƠNG”

Thường thì tất cả những ngân hàng trên thế giới, đều đưa lợi nhuận lên hàng đầu, rồi thì uy tín, chất lượng để người ta tin tưởng giao dịch. Người dư tiền gửi vào để lấy lãi, an toàn hơn để ở nhà khỏi sợ mất người thiếu thì đến vay rồi phải lo toan trả gốc và lãi.
Ngân hàng ăn nên làm ra thì mới hào phóng để làm từ thiện giúp người nghèo. Còn “ngân hàng” mà khi tôi biết, mãi sau này mới khám phá ra, có lẽ có một chứ không có hai trên thế giới, “ngân hàng” này không cho vay, cũng chẳng cần thủ quỹ hay kế toán, không cần nhân viên phải đi điều tra khảo sát thống kê tài sản rồi mới quyết định cho vay hay không. Mà các ngân hàng khác, không những mà còn đặt vấn đề về vay nhiều hay ít, vì họ căn cứ trên tổng tài sản rồi mới cho vay, rồi thì đánh giá xem người vay có thể trả nợ hay không, nếu họ không trả được thì ngân hàng sẽ lấy nhà để xiết nợ, chứ họ không cho không ai đâu nhé.
Cái ngân hàng tôi muốn nói đến đó là: “NGÂN HÀNG TÌNH THƯƠNG” mà chỉ có một giám đốc GIÊSU thôi. Mà lạ lắm, ngân hàng này toàn trao tặng cho đi chứ không so đo hay xét duyệt ai được vay, ai không được vay. Ông chủ này lạ nhỉ, toàn cho đi, toàn cho đi mà không tính toán, cũng chẳng cần thu lãi. Càng cho đi rồi, những ai đã nhận những món quà của “NGÂN HÀNG TÌNH THƯƠNG” thì lại càng sẻ chia trao tặng lại cách nhưng không. Càng yêu thương càng sẻ chia mà ngân hàng ấy ngày lại đầy ắp tình Chúa tình người, cụ thể là trong những ngày tháng dịch bệnh giãn cách nhiều, mất mát nhiều, đói khổ nhiều, đói cả tình thương, đói tình người và đói khát Thánh Thể Chúa.
Thời gian đầu nhiều người còn lo sợ, ngại ngùng nhưng rồi trong thời gian cầu nguyện và ở lặng với Chúa, như được thúc đẩy thúc bách khi thấy quá nhiều người đau khổ, thế rồi mỗi người mỗi cách để san sẻ yêu thương như mang yêu thương của Chúa đến cho mỗi người. Những tình nguyện viên hăng hái lên đường bất chấp nguy hiểm vì họ có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào, khi sống trong môi trường nhiều ngàn F0 mà sơ sẩy một chút là họ cũng trở thành nạn nhân của cô-vi. Các bác sĩ và nhân viên cùng các tình nguyện viên, chùm hụp trong bộ đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang, găng tay nóng nảy. Những hy sinh thầm lặng của người vận chuyển đồ ăn, phát thuốc, thu gom rác thải… tất cả phải tiếp xúc với F0 trực tiếp, nhất là trợ giúp những bệnh nhân nặng, đút từng muỗng cháo, cho uống từng viên thuốc... Có những người thất vọng cự tuyệt không muốn hợp tác để chữa bệnh, vì gia đình họ mất mát ly tán...
Khi vào viện, người bệnh không có người thân bên cạnh chăm sóc, các tình nguyện viên còn đóng vai thân nhân, lắng nghe, thuyết phục. Khi họ thấy an tâm gần gũi, tin tưởng họ mới cộng tác, và như được truyền thêm năng lượng yêu thương, đề kháng trong người bây giờ mới được trỗi dậy và họ mau khỏe lại. Thế mới biết tinh thần tích cực, lạc quan quan trọng như thế nào. Cũng chẳng dễ gì ai cũng làm được việc ấy, vì sợ lây nhiễm.
Rồi cả những việc chưa từng làm như thay tã lót cho bệnh nhân nặng, một ánh mắt cảm thông, một nụ cười, một lời thăm hỏi, bệnh nhân như có thêm sức mạnh để chiến đấu. Những người tuyến đầu ấy vắt kiệt sức phục vụ chỉ vì yêu thương và dành lại sự sống cho bệnh nhân, như phục vụ Đức Kitô, vì mỗi người đều mang hình ảnh của Đức Kitô.
Những cánh tay dang rộng ngày càng nhiều hơn từ cá nhân đến những nhóm nhỏ, cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận mỗi người một chân một tay, người đứng ra kêu gọi, người có thì góp tiền, người đi xin rau, người góp sức, người góp lời cầu nguyện, người chạy xe không đồng, những chuyến xe chở cả yêu thương, chở cả nghĩa tình sẻ chia; người đi phân phát từng túi thực phẩm, từng hộp cơm, trao cả con tim và tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau; lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá tả tơi. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
Bao nhiêu con người đã mất, rồi những cuộc di tản về quê, đùm túm nhau vì không còn sức lực và tiền bạc, mà dịch ngày càng phức tạp hơn.
Anh, chị em nhà mình ơi có ai đang ở tuyến đầu không ạ ? Các anh, chị đang làm gì cho ai đó được hồi sinh? Chia sẻ kinh nghiệm cho em với nhé, còn em thì ở tuyến cuối nhiều khi là con bệnh chính hiệu, cũng có lúc em hoang mang lo sợ cô-vi một chút. Nhưng trong thinh lặng thẳm sâu như luôn có lời mời gọi dấn thân, tuy không rõ ràng và cũng chẳng biết làm gì, nhưng cứ trung thành cầu nguyện và thân thưa với Chúa và cứ thao thức mong mỏi "con có thể làm được gì cộng tác với Chúa, với anh chị em con đang khó khăn đói khát của ăn vật chất và nhất là "của ăn tinh thần". Đói về thể xác còn chữa dễ nhưng hiện nay rất nhiều người đang khủng hoảng về tinh thần, về kinh tế về mất mát, về chết chóc.
Qua những ngày tháng đại dịch này em cũng được học hỏi kinh nghiệm rất nhiều, cảm nghiệm ngày một sâu sắc hơn, cứ khao khát, cầu nguyện nói với Chúa những khát khao bé nhỏ tầm thường, để dù yếu đuối bệnh tật không làm những việc lớn lao đại sự thì làm những gì nhỏ bé chẳng cần ai biết đến, như thăm hỏi hoặc động viên những tâm hồn đang héo hắt; không đủ sức ra chiến trường thì cứ cộng tác trong khả năng hạn hẹp, từ thủ thỉ trò chuyện với những tâm hồn tan vỡ hoảng loạn, từ cái rất nhỏ bé trong cuộc sống thường ngày để đồng hành với ai đó, cho đến khi ai đó chạm tới được: “NGÂN HÀNG YÊU THƯƠNG 0 ĐỒNG” của giám đốc GIÊSU.
Dù cuộc sống bên ngoài còn thật nhiều khó khăn nhưng với thiện chí cộng tác, thì em tin rằng nhiều người sẽ khám phá ra “Ngân Hàng” ấy, để Nước Trời hiện diện ngay nơi đây, ngay lúc này.
Maria Thy Phụng
Bảo Lộc – 25/8/2021