[Giới thiệu sách]-“Dòng sông chảy về đâu?" của Nguyễn Thị Khánh Liên -Tác giả: Cao Gia An S.J

VTCG

 


DÒNG SÔNG CHẢY QUA NHỮNG PHẬN NGƯỜI

Tôi nhận được tập truyện ngắn của Khánh Liên vào một buổi chiều Mùa Vọng, khi đang chuẩn bị hành lý để đi giảng một khoá tĩnh tâm ở ngoại thành Roma. “Dòng sông chảy về đâu?”, tiêu đề của tập truyện ngắn cứ theo tôi mãi, cả khi tôi đã bước chân lên xe rời thành phố.

Có một đoạn, chuyến xe của tôi chạy dọc dòng sông Tevere. Con sông ấy có thượng nguồn từ miền Bắc, chảy ngang qua thành phố Roma, rồi đổ ra biển Địa Trung Hải. Vạt nắng chiều chảy tràn trên mặt sông. Vài cánh chim hải âu bay lượn xuyên qua những nhịp cầu hình mái vòm đang soi bóng trên dòng nước. Sông Tevere buổi chiều đẹp như một bức tranh khó có bút mực nào tả nỗi. Nhưng chừng như cả thành phố vẫn ồn ào bận rộn, đâu mấy ai dừng lại với dòng sông. Đâu mấy ai bận lòng với câu hỏi: Dòng sông chảy về đâu?...

Đường ra ngoại thành Roma buổi chiều kẹt xe kinh khủng. Nhưng tạ ơn Chúa, vậy nghĩa là khoảng thời gian tôi được thảnh thơi ngồi trên xe còn dài. Thế là tôi có giờ để đọc một lèo từ đầu tới cuối tập truyện ngắn này. Tập truyện ngắn chảy qua tôi theo cách của một dòng sông. Dòng sông chảy qua những phận người.

Và những phận người trôi như những dòng sông.

Có người gác chuông nhà thờ, ngày ngày gióng lên những hồi chuông. “Tiếng chuông thì ngân vang reo rắt, nhưng người gác chuông thì vô cùng thầm lặng”. Nhưng rồi người gác chuông cũng ra đi. Chỉ còn tiếng chuông ở lại (“Người gác chuông nhà thờ”). Có những phận đời mênh mang không biết đâu là hồi kết, như cuộc đời của một người chị gái lang thang tìm đứa em lưu lạc, của một người chồng trẻ ngồi khóc vợ, của một người đàn ông bại liệt và bất lực với chính cuộc đời mình (“Những con chiên của Chúa”). Có phận đời của một người đàn ông với trái tim lỡ nhịp, biết mình như một dòng sông đã chảy lạc đường, có đau đáu cách nào đi nữa thì cũng đành lòng chọn cách không quay lại, đành lòng lặng lẽ trở về với thân phận bụi cát (“Cát bụi”). Có phận đời đầy dằn vặt đau khổ của một cô bé tận mắt chứng kiến tội lỗi mà người cha dượng gây ra với người bạn câm của mình, nhưng chính mình không thể trở thành tiếng nói của người bạn để tố giác và kết án cái ác (“Trên cánh đồng cỏ dại”). Có phận đời của một người mẹ trẻ phải bỏ lại con mình trong ngôi nhà thờ hoang (“Người yêu dấu ơi”), phận đời của một đứa con trai tự nhiên cứ thích làm con gái (“Tiếng chuông mùa xuân”), phận đời của những người cùi lủi thủi sống bên lề xã hội (“Bài ca của chú ve nhỏ”)… Thân phận nào cũng mang nỗi buồn man mác và lặng lẽ của một dòng sông.

Khánh Liên như một hoạ sĩ, chị bắt đầu những tác phẩm của mình trên cái phông nền màu tối, với những vệt trầm, những nét gãy khúc, những mảng rời, những đổ vỡ và những nỗi đau. Trên cái phông nền tối ấy, những gam màu tươi sáng được vẽ lên. Vậy là thành một tác phẩm nghệ thuật. Có phận đời rất tối, đã chấp nhận trượt dài theo những éo le của số phận, nhưng rồi chỉ một tiếng chuông nhà thờ ngân lên cũng đủ để khuấy động cả một trời thương nhớ, và mở ra con đường trở về nhà (“Tiếng chuông mùa xuân”). Có phận đời tổn thương và đau khổ, bỗng nhiên được chữa lành khi chạm vào chính tình yêu và sự tha thứ, thay vì lẽ công bằng và sự sòng phẳng (“Trên cánh đồng cỏ dại”)…

 Dòng sông lại tiếp tục tuôn chảy, với đầy những giá trị của tình người và tình Chúa, xuyên qua những ranh giới, nối liền những chia cách, kiến tạo không gian của đối thoại và hiệp nhất trong cầu nguyện. Trong không gian của một ngôi nhà thờ cũ, “những âm thanh lộn xộn tiếng Kinh và tiếng Raglai hoà lẫn vào nhau như là một dàn hợp xướng” (“Người gieo hạt”). Dòng sông chảy xuyên qua ranh giới đạo Công Giáo – đạo Tin Lành, bởi cả hai “giống như hai nhánh sông cùng chảy về biển Tình Yêu Chúa. Chúa đứng đó, bao dung và nhân ái chờ đợi những nhánh sông chảy về” (“Sông chảy về đâu”). Bởi lẽ, nói cho cùng, sự khác biệt giữa người với người chẳng còn nghĩa lý gì khi nhìn đến cái chung cục cho tất cả mọi người. Ai rồi cũng trở về cát bụi. “Hạt bụi nào cũng giống nhau dù khi còn là xương thịt, đời sống khác nhau vô cùng (“Cát bụi”).

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tập truyện được đóng khung bởi hình ảnh tuyệt đẹp của người mục tử dấn thân trên cánh đồng sứ vụ: khởi đầu với “Người gieo hạt” trên vùng đất của bà con dân tộc Raglai, những người nghèo khổ về vật chất nhưng lại dư đầy lòng đạo nghĩa, và kết thúc với “Mảnh đất tình yêu”, nơi một giáo xứ người Bana dung dị và đầy ắp tình người. Cuộc đời người mục tử trôi đi như những dòng sông. Theo bài sai sứ vụ, họ đến rồi đi. Còn đoàn chiên thì ở lại, ngày một lớn lên, thành giáo họ, thành giáo xứ, thành những vườn xanh ngút ngàn của Giáo Hội giữa lòng cuộc sống.

Dòng sông chảy ngang qua những lời cầu nguyện đơn sơ và chân thật.

Một kẻ lang thang lưu lạc nơi chốn chợ đời sẽ cầu nguyện như thế nào? “Chúa ơi! Chúa có nhận ra con không? Chắc Chúa phải dụi mắt mới nhận ra nổi con. Mười ba năm trước con là cậu giúp lễ ước mơ trở thành linh mục. Bây giờ con lại rao lô tô, bôn ba chốn chợ đời. Chúa có nhận ra con không hở Chúa?” (“Tiếng chuông mùa xuân”). Một cha xứ không xây nổi một ngôi nhà thờ cho Chúa sẽ nói sao? “Chúa ơi! Giáo xứ nghèo mưa dột làm Chúa ướt! Đừng buồn Chúa nhe!” (“Mảnh đất tình yêu”). Một linh hồn nhỏ bị từ chối bởi chính người mẹ của mình có còn cầu nguyện nữa không? “Nếu một ngày nào đó mẹ con thay đổi ý định, Chúa vẫn cho con được trở về với mẹ con nhé!” (“Những con chiên của Chúa”)…

Vậy đó, tác giả và những nhân vật của tác giả luôn có cách rất riêng để gọi tên Chúa của mình: “Chúa là ngón tay, là sức mạnh, là người thân, là nương rẫy, là yêu thương, là tất cả… Chúa cho bầy ve nhỏ trong rừng sâu cất tiếng kêu râm ran một ngày nắng hạ. Chúa cho những người cùi cầm được cuốc. Chúa cho Lapia lại cất được tiếng ca. Chúa cho nắng mai tràn về, những hạt lúa trên nương nẩy hạt. Chúa cho lúa thóc được gặt hái Chúa cho nhà rông được cất lên…” (“Bài ca của chú ve nhỏ”). Với một Thiên Chúa gần gũi và thân thương như thế, lời cầu nguyện đâu khác gì một lời tuyên xưng niềm tin: “Nhờ Người tôi hiểu giá trị của gia đình dù gia đình tôi đầy khiếm khuyết và sóng gió. Người đóng trên Thánh Giá kia, nhân hậu nhìn tôi đang ngồi bên biển, dụi đầu vào mẹ. Người ở trong tim tôi, vẽ cho tôi những con đường. Người chính là gia đình của tôi (“Người yêu dấu ơi”).

Ngang qua vỏn vẹn 10 truyện ngắn trong tuyển tập này, tôi nghe được tiếng lòng của một người con đang hạnh phúc với niềm tin của mình, với tôn giáo của mình, với Thiên Chúa của mình. Tôi cũng gặp được những hình ảnh rất đẹp về Thiên Chúa, một Thiên Chúa không hề cao vời xa cách, nhưng nhập thể hoà mình ngay giữa cuộc nhân sinh.

Có một điểm nhỏ tôi thích nơi phong cách văn chương của Khánh Liên. Ngoài việc rất biết cách khai thác những hình ảnh dung dị của cuộc sống bằng những câu từ sắc nét, ngoài khả năng hành văn với một sự dí dỏm đầy trong trẻo, và khi cần thì luôn có thể thổi vào câu chuyện của mình những nỗi buồn rất có hồn… tác giả còn có một lối kể chuyện hiệu quả, như được gọi bởi các nhà phê bình và chú giải văn chương là “kỹ thuật lợp ngói” (tiling tegole). Ấy là một kỹ thuật kể chuyện theo lối dân gian: mỗi câu, mỗi đoạn, hay mỗi chi tiết được phát triển theo cách lớp sau chồng lên lớp trước để tạo thành một dòng kể liên tục. Hay nói cách khác, mỗi câu được tác giả viết ra theo như cách của một hoạ sĩ phết lên trên giấy một vệt màu. Các vệt màu vừa xếp chồng lên nhau vừa nối tiếp nhau. Vệt sau nối tiếp vệt trước để định hình nên những đường nét, để diễn tả những tâm tình, để khoét sâu cái thần cái sắc của một bức tranh…

 Chúc mừng Khánh Liên với tập truyện ngắn công giáo đầu tay. Mừng cho dòng văn thơ công giáo Việt Nam với sự góp mặt của một cây viết đậm chất lượng và đầy hứa hẹn.

 

Cao Gia An, S.J. - Roma, 10.12.2018