Chúa gọi con-Tác giả: Lm.Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary


TÙY BÚT CHÚA GỌI CON

Ngày bé, còn nhỏ lắm, tôi là đứa trẻ duy nhất được cha xứ chọn gọi đích danh vào ban lễ sinh. Tôi chẳng nhớ mình đã làm gì và sống như thế nào để khiến cha gọi tôi.

 Chẳng hiểu vì sao tôi yêu thích phục vụ bàn thánh vô cùng. Mỗi lần giúp lễ, tôi đi thật sớm để mở cửa nhà thờ và dọn bàn thánh. Nhưng có một điều mà có lẽ chưa bao giờ tôi nói với ai, đó là tôi rất sợ Chúa gọi. Có hai nơi tôi cảm thấy sợ nhất. Một là phía sau tủ áo lễ của cha xứ, có cái hòm của Chúa. Hai là gian cung thánh phía nhà tạm. Có một bức màn thật lớn che nhà tạm. Bức màn sẽ kéo ra khi dâng thánh lễ, và đóng lại khi thánh lễ kết thúc. Tôi phải thường xuyên vào trong đó để chưng hoa, hoặc dọn dẹp. Đó là nơi tôi cực kỳ sợ. 

Chẳng hiểu sao ngay từ bé câu chuyện ông Samuel được Chúa gọi cứ ám ảnh tôi mãi. Vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi đó cho đến bây giờ. 

Tôi xin trích nguyên văn bài đó đó cho các bạn đọc. “Hồi ấy, cậu bé Sa-mu-en phụng sự Đức Chúa, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa : “Dạ, con đây !”, rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo : “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo : “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông Ê-li nói với Sa-mu-en : “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa : ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.’” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước : “Sa-mu-en ! Sa-mu-en !” Sa-mu-en thưa : “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” 

Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu. Toàn thể Ít-ra-en, từ Đan tới Bơ-e Se-va, biết rằng ông Sa-mu-en được Đức Chúa tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người.” (1Sm 3, 1-10; 19-20)

 Và thế là tôi đi tu. Chẳng hiểu vì sao. Cho đến bây giờ, dù đã là linh mục, nhưng tôi chưa bao giờ nghe tiếng Chúa cách trực tiếp như Samuel. Thế nhưng, hằng ngày, mỗi khi dâng thánh lễ và nhất là khi chầu Thánh Thể, Tiếng Chúa lại vang vọng lên trong tâm trí tôi. Tôi luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi Người lên tiếng. Tôi thường xuyên cải nhau với Chúa vì Người luôn bắt tôi phải làm những điều mình không muốn. Tôi luôn cảm thấy tội lỗi trước mặt Chúa nhưng lại luôn tìm được nguồn động viên an ủi, và nhất là hạnh phúc bình an mà không đâu tôi có được. 

Mỗi khi chầu Thánh Thể, ở lại bên Chúa, tôi như cảm giác thật sự tâm trạng của ba môn đệ khi nhìn thấy Chúa biến hình trên núi, họ chỉ muốn ở đó mãi không muốn xuống núi vì quá hạnh phúc. Tôi thì lại khác, tôi lại muốn chết. Tôi muốn có mãi thứ cảm xúc sung sướng đó. Tôi như tan chảy trước thánh nhan Chúa, và tôi cũng nghĩ đến ba má, các chị em và nhưng người tôi yêu thương. Có lẽ cuộc sống vất vả nên họ chẳng bao giờ có được cái thứ cảm giác được nghỉ ngơi bên Chúa như tôi. Tôi cầu nguyện thật nhiều cho họ.

 Mà nghĩ thật lạ lùng, tôi chỉ cầu xin cho những người thân yêu của tôi mau chết. Người nào tôi càng yêu thương thì càng cầu xin cho họ mau chết. Bởi với tôi, chẳng biết có đúng không, ngày nào họ còn sống, là còn bám víu vào các thực tại trần gian, chính vì thế họ còn đau khổ. Chỉ khi nào buông bỏ tất cả mới thật sự có được hạnh phúc trọn vẹn. Chết là cách thức buông bỏ tất cả, để chỉ còn lại mình Chúa. 

Ở lại bên Chúa, lắng nghe tiếng Chúa trong tâm hồn như Samuel xưa kia, đôi khi làm tôi sợ hãi vì thấy rõ bản chất xấu xa đê hèn của mình. Nhưng những giây phút đó tôi thật sự được tan chảy trong Chúa, được kết hợp và nên một với Chúa, không có một cảm xúc nào của thực tại có thể diễn tả được. Vì thế chính bản thân tôi cũng muốn chết.

 Hơn ba mươi bảy năm làm người, làm con Chúa và vinh hạnh hơn là làm linh mục của Chúa, tôi thấy thời gian cũng đã quá dài chứ chẳng ngắn. Thế nhưng, với thời gian ba mươn bảy năm đó, tôi đã chẳng làm gì được cho Chúa, đã chẳng đáp lại tiếng Chúa một giây phút nào. Càng làm linh mục, càng có thâm niên đời tu, tôi dường như chai lì trước tiếng nói của Chúa, để rồi tiếng lương tâm ngày càng bị lu mờ đi, và thế là tội chồng chất tội, không những kéo tôi xa lìa Chúa mà còn lôi kéo theo biết bao nhiêu người khác nữa. 

Đọc lại bài đọc Samuel, tôi như muốn sống lại cái thủa còn con nít, lạ lẫm với nhà Chúa, và sợ nghe tiếng Chúa, nhưng qua nỗi sợ ấy tôi có cả một linh hồn đơn sơ. Giờ đây, được ở trong nhà Chúa, đường ngày ngày bầu bạn với Chúa nhưng dường như tôi lại xem thường Chúa bằng chính những đam mê dục vọng của mình.

 Mấy bữa nay cảm thấy bối rối với sứ vụ của bản thân, tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, dù rằng tôi đã ở đây hơn nửa năm. Tôi không có một động lục nào bên trong tâm hồn. Vì thế tôi gọi điện hỏi một người anh em sau tôi một lớp. Một câu hỏi được đặt ra cho tôi: Mục đích của anh là gì? Chợt nhận ra, đã bao lâu rồi mình sống không có mục đích. Đã bao lâu rồi tôi không chịu lắng nghe tiếng Chúa, trốn tránh Chúa như Andam xưa kia. Tôi luôn nghĩ mình sắp chết đến nơi rồi vì thế chẳng thể có mục đích gì cả. Tư tưởng này chưa chắc là sai, nhưng nó làm tôi đánh mất đi sự hy vọng vào Chúa và vào bản thân mình. Hy vọng rằng, thời gian tới tôi sẽ mạnh mẽ hơn trước lời mời gọi của Chúa, để qua đó tôi có thể thực hiện được sứ mạng nơi đất khách này, mà bề trên đã tin tưởng trao phó cho tôi. 

 Lạy Chúa, Chúa gọi con, con là đầy tớ của Chúa, xin Chúa chỉ bao cho con cách thức để thực thi thánh ý Chúa. 
Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS