Mấy ngày qua, nhiều trang báo đã đưa tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời hôm 08.12.2021, tại bệnh viện Việt Xô, hưởng thọ 72 tuổi, sau một thời gian dài chiến đấu với bệnh tật. Tên tuổi Phú Quang gắn liền với những ca khúc trữ tình bất hủ trong lòng độc giả như: Em ơi, Hà Nội Phố; Điều giản dị; Biển nỗi nhớ và em…vv.
Báo chí đã viết nhiều về ông với những lời ngưỡng mộ tài năng và nhân cách. Tuy nhiên, ít người biết về đời sống đức tin của Phú Quang. Thân sinh nhạc sĩ Nguyễn Phú Quang là cụ Nguyễn Phú Bình - một nhà nho, làm nghề dạy học, gia đình theo Đạo Phật, nhưng cũng ở gần nhà thờ Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Từ khi nhận được tin buồn nhạc sĩ Phú Quang qua đời, lòng tôi chợt bâng khuâng nhớ lại những kỷ niệm. Lần đầu gặp nhạc sĩ, hơn chục năm trước, tôi chào ông bằng chú và xưng cháu vì hơn kém nhau khá nhiều tuổi. Nhưng ông bảo tôi: “Gọi anh bằng anh đi”. Thấy vợ anh cũng kém anh nhiều tuổi nên tôi gọi anh luôn. Và như có một sự sắp đặt nào đó, anh Phú Quang quí tôi như em trai. Năm nào ra đĩa CD anh cũng ký tặng riêng. Những lần gặp gỡ, nhất là sau thời gian giúp anh làm nhà, anh tâm sự nhiều với tôi về cuộc đời, về tình yêu và nhất là niềm tin tôn giáo. Hoá ra, trong cuộc đời mình, có những người Chúa gửi đến đều có Ý của Người.
Anh vẫn thường đeo Thánh giá trước ngực. Nhiều người có lẽ tưởng anh đeo như đồ trang sức, nhưng thực sự đó là niềm tin của anh. Trong nhà anh, ở Tây Hồ-Hà Nội, nơi anh hài hước gọi là nhà đế vương, cũng có treo một cây thánh giá nhỏ. Trong bức hình dưới đây, có lẽ tế nhị nên nhà báo đã chụp thiếu phần đầu cây thánh giá, nhưng tinh ý chúng ta có thể nhận ra.
Anh kể, trong những chuyến đi châu Âu, một trong những nơi anh luôn tìm đến và ở lại rất lâu chính là các nhà thờ. Anh thích đến đó tìm sự thanh tịnh và cảm hứng sáng tác. Có lẽ vì thế, trong nhạc phẩm bất hủ “Em ơi, Hà Nội Phố”, từ bài thơ 300 câu của Phan Vũ, nhạc sĩ chỉ lấy bốn câu nhưng vẫn có bóng dáng giáo đường với tiếng chuông ngân:
“Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”
Câu chuyện anh được rửa tội mang tên thánh Phêrô sau đó đã được anh chia sẻ trên trang fanpage Nhạc Sĩ Phú Quang. Vì thế, để khách quan, tôi xin được trích dẫn lại đây để chia sẻ cùng quí độc giả Văn Thơ Công Giáo.
Ngày 15.08.2014, Phú Quang viết trên fb: “Từ trong thẳm sâu, tôi giữ gìn nỗi thành kính của một tín đồ. Niềm xác tín đối với thượng đế. Trong tôi, Ngài vô hình, nhưng tôi luôn tin rằng Ngài hiện hữu.
Những trang viết này tôi muốn dành đầu tiên cho các con tôi. Chúng có thể sẽ nghe rất nhiều những thông tin khác nhau nhưng tôi muốn rằng chúng sẽ tự hào vì một người cha trung thực cho dù có thể có rất nhiều lầm lỗi”.
_ Ghi chép lăng nhăng 2: http://goo.gl/WQp79L
Nhà thờ Cẩm Khê (Vân Thê)-giáo phận Hưng Hoá
Ngày 19.08.2014, anh chia sẻ tiếp trên fb:
“Có lẽ những sự éo le trong cuộc đời của tôi sau này đã được báo trước bằng những dấu hiệu chẳng bình thường. Một tuổi tôi đã bị kề cận cái chết. Mẹ tôi kể rằng ngày ấy tôi đã hôn mê. Có một bà Xơ chơi thân với mẹ tôi đã xin mẹ tôi cho mời Cha cố đến rửa tội cho tôi để linh hồn tôi được lên nước thiên đàng. Gốc là một người theo đạo Phật nhưng vì quá thương con và có lẽ cũng mang nỗi ước mơ của những người mua xổ số hôm nay nên bà đồng ý cho Cha xứ đến rửa tội cho tôi. Tôi được đặt tên Thánh là FE’RO. (Sau này khi lớn lên tôi mới biết Ông Thánh này là người cầm chìa khóa giữ cửa thiên đàng; một nghề mà nếu hôm nay ở đất nước tôi có kẻ nào tranh được chiếc ghế đó chắc rằng hắn sẽ vớ bẫm vì hối lộ…).
Trong lúc chuẩn bị lên đường đi vào nước Chúa thì ông anh cả của tôi là bác sĩ quân y phi ngựa về qua nhà. (Về sau Ông có kể cho tôi nghe là không hiểu sao trong buổi chiều hôm ấy Ông nóng ruột lạ lùng. Ông linh cảm có điều gì đó không ổn và ông đã phi ngựa điên cuồng để về nhà và ông đã hết hồn khi thấy thằng em trai mình thoi thóp). Ông tiêm cho tôi một mũi thuốc hồi sinh thẳng vào tim.
Sau mũi tiêm tôi bắt đầu nhúc nhắc (Trước mũi tiêm, ông anh tôi có nói với mẹ tôi: Chỉ còn một cách là tiêm trực tiếp mới hi vọng em con qua khỏi, thuốc này của Mỹ rất quý. Nhưng mũi tiêm này cũng rất nguy hiểm, có thể khi rút mũi kim em con sẽ chết ngay. Mẹ tôi lạnh hết cả người, nhưng sau một hồi suy nghĩ Bà đồng ý). Sau này Bà cũng nói rằng Bà quyết định như vậy vì cũng chỉ còn hi vọng như kẻ hi vọng trúng số độc đắc hôm nay.
Thế là tôi trở lại với cuộc đời lần thứ nhất”.
Trích trong “Ghi chép lăng nhăng 3: http://goo.gl/i6lVa1
5 tuổi, Phú Quang suýt chết lần thứ hai. Anh kể:
“Lần này thì là chết đuối. Nhìn anh tôi và bạn bè của anh ấy bơi lội dưới ao, tôi bắt chước và nhảy đại từ cầu ao xuống. Đến khi ông anh tôi phát hiện ra và vớt tôi lên thì tôi đã uống nước no nê và ngưng thở. Sau này ông anh tôi kể rằng ông phải vác tôi chạy khắp sân đến 20 phút mới thấy tôi ho sặc sụa và sống lại.
Về những lần súy chết này mỗi khi nghĩ đến tôi thường tin rằng trong vụ này chắc chắn là có sự cưu mang của Chúa trời. Mãi đến năm tôi 23 tuổi có một Ông thầy tướng nói rằng tôi rất giống một người anh chết trẻ (Anh tôi mất năm 13 tuổi vì cảm nặng trên đường đi học về). Ông ta còn nói thêm: Để phân biệt tôi với người anh ấy, trên mặt tôi có một vết bớt như một sự đánh dấu của đấng tối cao. Bán tín bán nghi, tôi về hỏi mẹ tôi về điều ấy. Bà buồn bã xác nhận.
Từ đó, nhiều khi tôi mang trong mình mặc cảm của một phiên bản, nhưng nhiều khi tôi cũng vui vui với ý nghĩ rằng tôi đang sống một cuộc sống của hai người…”
-------
_ Ghi chép lăng nhăng 4: http://goo.gl/5S9PwR
“Nhiều khi giữa lúc mọi người ồn ào đến với cuộc vui, tôi bỗng lẳng lặng từ giã để trở về với công việc, lý do thật giản đơn vì tôi bỗng nhận ra sự NGỚ NGẨN của những cuộc nhậu nhẹt, chơi bời vô nghĩa ấy”.
Trích_ Ghi chép lăng nhăng 6: http://goo.gl/m2g0nD
Một trong những ca khúc mà tôi thích nhất trong hàng trăm nhạc phẩm của Phú Quang chính là bài Ngọn Nến. Anh viết trên fb:
“Đó là vào một đêm Noel của nhiều năm trước... Trước đó vài ngày tôi nhận được tin mình bị ung thư! Và bạn biết đấy, nếu bạn nhận được tin mình bị ung thư thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận được tin về một cái chết được báo trước.
Đêm đó tôi ngồi một mình với ly rượu và ngọn nến le lói. Tôi chợt nhận ra một điều: Cuộc đời con người có một điều gì đó giống như ngọn nến đang cháy. Mỗi giọt nến rớt xuống chậm rãi cũng là một khoảng đời đã qua; và trước khi giọt nến cuối cùng rơi xuống, ngọn nến sáng loà rực rỡ một lần cuối.
Và tôi chợt nhớ tới ánh mắt xót xa thương cảm của một người con gái khi biết tin dữ về tôi... Bài "Ngọn nến" đã ra đời trong một đêm như thế!...”
Hình ảnh Ngọn Nến làm tôi liên tưởng đến ngọn đèn Đức tin của Phú Quang. Anh đã được rửa tội trong tình cảnh thập tử nhất sinh. Anh được ghi dấu ấn thiêng thánh mà chính anh đã cảm nhận. Tiếc một điều, do hoàn cảnh lẻ loi, ngọn đèn Đức tin của Phú Quang chẳng được ai chăm nom ngay từ nhỏ. Nhưng anh đã khao khát làm cho ngọn đèn ấy cháy sáng lên rực rỡ.
Xin tạm biệt anh và xin dâng lên Chúa những lời kinh thầm cho linh hồn Phêrô !
Anh ơi…Hà Nội Phố…
Tạm biệt anh nhé anh ơi
70 năm một cuộc đời Phú Quang
Bước vào Vĩnh Cửu mênh mang
Để nghe thần nhạc tấu vang đời đời.
Tạm biệt anh nhé anh ơi
Tuổi thơ sống sót ơn trời khai tâm
70 năm nến âm thầm
Ba lần đứt gánh, mấy lầm lỡ yêu.
Như cafe đắng mới phiêu
Đời anh đắng lại Phú nhiều ánh Quang.
Đường tình Thập giá đa đoan
Điều giản dị… vọng tiếng khàn: Anh ơi…
Hà Nội phố…tiễn lệ rơi…
Hẹn ngày gặp lại quê trời dấu yêu !
Đình Kiên