Đời tu và những ước mơ- Tác giả: M.Hạnh Tử

Anne de Jesu

ĐỜI TU VÀ NHỮNG ƯỚC MƠ

Là người, ai cũng mang trong mình những ước mơ, những hoài bão. Ước mơ làm cho cuộc đời thêm đẹp, thêm sống động và ý nghĩa, vì ước mơ là động lực sống, là động lực thúc đẩy những đam mê tìm kiếm. Do đó, có thể nói rằng, người không có đam mê là người không bình thường, khô khan cằn cỗi.

Ước mơ mỗi người mỗi khác, nhưng chúng có chung một tác động là tăng sức mạnh và ý chí cho người cưu mang nó: một cậu học trò ước mơ làm bác sĩ, kỹ sư sẽ chăm lo học hành; một người ước mơ làm cầu thủ bóng đá sẽ đam mê trái bóng...những đam mê ấy là phương thế để đạt đến ước mơ. Người ta nói rằng, đam mê điều gì là đã có hi vọng đạt được nó 50%. Ước mơ chính là động lực khơi dậy đam mê, vì để đạt được ước mơ, con người phải đam mê nó, tức là yêu nó. Bởi tình yêu là một sức mạnh và một yếu tố cần có để vươn tới ước mơ. Đó là lý do thánh Augustino khuyên chúng ta: “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm”.

Đan sĩ, tu sĩ cũng là những con người, nên cũng mang trong mình những ước mơ: ước mơ thiêng liêng và cả ước mơ trần thế. Ước mơ bao giờ cũng đẹp vì nó là mục đích của cả đời người. Thế nhưng, đối với tu sĩ thì khác, ước mơ không phải bao giờ cũng đẹp và cũng cần cho đời tu nếu nó không giúp họ đạt đến Thiên Chúa.

Đời tu được định nghĩa là đời sống gắn bó với Chúa Giêsu qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm. Khi theo Chúa, đặc biệt khi tuyên khấn, tu sĩ tự nguyện từ bỏ những ước mơ riêng, những tình cảm riêng, những của cải riêng và cả ý riêng để cung thực hiện một ước mơ chung là phục vụ Giáo Hội và nên thánh. Những từ bỏ của tu sĩ được cụ thể qua việc từ bỏ gia đình, của cải và tình yêu đôi lứa để sống cuộc đời độc thân vì Nước Trời. Nói đi tu là từ bỏ những ước mơ riêng, vậy phải chăng tu sĩ là những người lạnh lùng, khô khan? Không phải thế, đã hẳn lý tưởng của đời tu là từ bỏ những gì vướng bận để nhất tâm phụng sự Thiên Chúa như đối tượng duy nhất, nhưng thực tế là đời tu không giết chết ước mơ, không biến tu sĩ thành những robot lạnh lùng. Tác giả Thiên Quang đã nói lên cảm nhận ấy trong Báo Công giáo & Dân tộc rằng: “Bước lên tuyên khấn, lòng người tuyên khấn dù cam kết không bao giờ đổi thay, nhưng cũng còn đó ngổn nang bao ưu tư của phận thường tình kiếp người”. Tu sĩ là người, nên vẫn có những ưu tư, cụ thể là những ước mơ, đôi khi cao sang nhưng đôi khi cũng rất giản dị. Có những ước mơ giúp tu sĩ hăng say dấn thân cho Thiên Chúa, nhưng cũng có những ước mơ cột chặt tu sĩ trong một cuộc sống tầm thường, không thích hợp với những gì họ tuyên khấn để sống.

Nhưng đâu là những ước mơ thanh cao giúp tu sĩ dấn thân phụng sự Chúa và đâu là những ước mơ cầm giữ tu sĩ sống một cuộc sống tầm thường? Thưa, ước mơ giúp tu sĩ dấn thân thường là những ước mơ thiêng liêng và rất cao cả: mong nên thánh ; mong là người có ích cho Giáo Hội; mong cho Danh Chúa được mọi người nhận biết...

Họ mong nên thánh vì nên thánh, theo Đức Gioan Phaolo II, là “thành công lớn nhất của đời người”. Hơn nữa, đi tu là đi theo Chúa Giêsu, mà theo Chúa Giêsu tức là muốn nên giống Ngài, muốn nên thánh thiện như Chúa Cha (x.Mt 5,48).

Họ mong là người có ích cho Giáo Hội vì họ là một thành viên của Giáo Hội. Một thành viên có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn ra sức xây dựng tổ chức của mình. Cũng thế, là thành viên của Giáo Hội, tu sĩ thao thức cùng Giáo Hội, lo lắng cùng Giáo Hội và dấn thân cùng Giáo Hội, cụ thể qua lời cầu nguyện, qua những hoạt động tông đồ và nhất là qua cách sống nghiêm túc đời thánh hiến của họ.

Họ mong cho danh Chúa được mọi người nhận biết, vì khi chọn ơn gọi thánh hiến đồng nghĩa với bổn phận truyền giáo, họ nhận ra nhiệm vụ truyền giáo của họ. Họ lo lắng khi thấy người ta chưa nhận biết hoặc khước từ Thiên Chúa. Do đó, họ hăng say với sứ vụ truyền giáo chỉ với mục đích mở rộng Nước Chúa.

Những ước mơ cao cả ấy là động lực mạnh mẽ thôi thúc họ sống triệt để đời tu, hăm hở thực hành việc bổn phận. Một khi sống như thế, họ hoàn toàn quên mình và tâm hồn tràn đầy một niềm đam mê đối với đời tu của họ. Với họ, đời thánh hiến là con đường thuận tiện nhất để đạt đến ước mơ cuối cùng là Thiên Chúa. Đó là một lý tưởng mà mọi tu sĩ chân chính luôn nhắm tới.

Ngược lại, những ước mơ cầm giữ tu sĩ là những ước mơ về danh vọng, về bằng cấp và nhất là về tình cảm.

Về danh vọng, nhiều tu sĩ luôn tranh đấu để tìm chỗ đứng trong cộng đoàn: nhỏ mong chức nhỏ, lớn hơn lại mong làm chức lớn...Ước mơ ấy sẽ không xấu nếu chỉ là cám dỗ tạm thời và họ biết dừng lại đúng lúc, nhưng sẽ xấu khi họ đánh đổi cả đời tu để tìm nó.

Về bằng cấp, có những tu sĩ được Chúa ban cho trí khôn sâu sắc, lại được cộng đoàn quan tâm cho học hành nên tài năng họ được tăng triển. Tuy nhiên, họ chưa hài lòng và muốn được học cao hơn, học mãi. Họ gây sức ép với Bề Trên để được học. Họ quên đi tu là để làm gì mà chỉ còn nghĩ đến lợi ích cá nhân. Họ đã biến đời tu thành phương tiện để tìm lấy những lợi ích cá nhân, một sự ích kỷ trá hình.

Về tình cảm, như đã nói, tu sĩ cũng là người nên vẫn có con tim và có những rung động tình yêu với người khác phái. Do đó, không lạ gì khi tu sĩ có những ước muốn rất bình dị là có người yêu, có vợ, có một gia đình nho nhỏ... Ước muốn ấy rất thơ mộng và đẹp đẽ nhưng rất tiếc nó không thích hợp với tu sĩ. Vì khi tuyên khấn, tu sĩ tự nguyện chọn cho mình đời sống độc thân thánh hiến, một sự độc thân mà Chúa Giêsu đã xem như một ân huệ từ Thiên Chúa khi nói: “Có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12). Hơn nữa, tình yêu nơi tu sĩ không chết đi khi tuyên khấn khiết tinh, ngược lại, lời khấn khiết tịnh mời gọi họ mở rộng con tim để đến với mọi người và loại bỏ một tình yêu ích kỷ, độc chiếm, vì lời khấn khiết tịnh “giải thoát lòng tu sĩ để họ yêu Chúa và tha nhân cách nồng nàn hơn” (x.PC 13). Nếu không vượt qua được những ước mơ tình cảm ấy, tu sĩ sẽ rời vào hai trường hợp, hoặc sống buông xuôi không còn tha thiết gì với đời tu và cộng đoàn nữa hoặc xin ra ngoài để xây dựng ước mơ riêng của họ. Bằng chứng là đã có rất nhiều tu sĩ bỏ đời tu để xây dựng gia đình.

Ba ước mơ trên đây thực sự là hiểm họa cho tu sĩ nếu họ không loại bỏ hay chuyển hướng được. Bởi chưng, đó là những ước mơ mang tính ích kỷ và sai với lý tưởng mà tu sĩ đã chọn lựa khi sống đời tu.

Nhưng làm sao để tu sĩ loại bỏ được những ước mơ không phù hợp và đạt được những ước mơ lành thánh? Phương thế thì rất nhiều và được các nhà tu đức nói nhiều, nhưng điều quan trọng là mỗi tu sĩ phải tìm cho mình một xác tín hầu trung thành với lý tưởng. Người viết xin miễn nêu lên phương thế vì đây chỉ là một bài cảm nhận cá nhân chứ không phải một đề tài nghiên cứu, với ước mong mọi người hiểu được những khó khăn mà tu sĩ gặp phải để thông cảm và cầu nguyện cho họ.

Nguyện xin Chúa ban ơn giúp các tu sĩ, một khi đã dấn thân trọn vẹn cho Chúa qua các lời khấn, cũng biết nuôi dưỡng trong tim mình những ước mơ đẹp, đồng thời có nghị lực và can đảm dứt khoát với những ước muốn sai lạc với lý tưởng đời thánh hiến.

M. Hạnh Tử