HANG ĐÁ HÌNH QUẢ TÁO CẮN DỞ
1. Quả táo cắn dở của ông Ađam- Eva
Chiều lam mây trắng gió dịu êm
Thoáng bóng A đam đứng bên thềm
E- và gọi chồng cùng ăn táo
Trôi vào cổ họng thấy “trời đêm”.
Dĩ nhiên, theo Thánh Kinh Cựu ước, không chỗ nào viết rằng, ông Ađam và Evà đã hái, đã ăn một miếng “táo”. Mà “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác”(St 2,9). Vậy, chính xác phải gọi là “cây cho biết điều thiện điều ác”, hay còn gọi là trái cấm. Các họa sĩ đã vẽ trái táo đơn thuần do thói quen và truyền thống cho dễ hiểu theo cách nói bình dân.
Như vậy, dù miếng táo đã trôi tuột vào bụng hay còn mắc trên cổ, cũng có nghĩa là ông bà đã chạm, đã cắn, đã nếm và tận hưởng hương vị của trái cây cho biết điều thiện điều ác ấy rồi.
Và điều gì đến đã đến. Tại con rắn. Tại người đàn bà…Trục xuất khỏi vườn địa đàng.
Quả táo, hay quả cho biết điều thiện điều ác đã bị cắn một miếng. Tội không vâng lời Thiên Chúa đã thấm, ngấm, len lỏi vào thế gian, truyền lại cho con cháu. Vậy, vị đắng, hồn lắng, phúc vơi đã và đang thấm đẫm trong tâm trạng của mỗi con người trên hành trình dương thế này.
Dẫu việc bất tuân lệnh Đấng Toàn Năng là sự xúc phạm rất lớn, xong tình yêu Thiên Chúa lại vô bờ vô bến. Ngay sau đó, Ngài hứa ban Đấng Cứu Độ.
2. Quả táo Apple
Một hình ảnh logo cực kỳ đơn giản được gắn khắc trên chiếc điện thoại di động mà nhiều người yêu thích, đó là hình khuyết của quả táo. Tôi không đề cập đến ý nghĩa logo của dòng sản phẩm, nhưng nhìn nó với nhãn quan của nhân sinh: Con người đang có chiều hướng đắm chìm một cách mải mê vào chiếc điện thoại có hình quả táo cắn dở ấy một cách khó kiểm soát.
Không ai phủ nhận độ phủ sóng của mạng lưới thông tin với những ích lợi của nó. Con người giao tiếp, làm quen, chia sẻ, nâng đỡ cho nhau những giá trị tri thức, tâm linh và vật chất. Quả táo này giúp con người nối chiều ngang giữa con người với con người, chứ không nối kết chiều dọc với Thiên Chúa được.
Phải chăng chính hình khuyết của quả táo nói lên tính không hoàn hảo của nó. Tôi mượn một kiểu thơ khôi hài mà bản thân hay dùng trong sinh hoạt:
Lấp lửng mối tình tay ba
Nhận được tin nhắn đi ra đi vào
Soạn lời thương mến gửi trao
Hẹn ngày gặp gỡ đi vào đi ra
Chị vợ biết được phóng loa
Đập tan “quả táo” đi ra đi vào
Tình nhân thấy “vỡ hầu bao”
Thoát nơi ẩn nấp vượt rào đi ra.
Một tin nhắn nghi ngờ tới làm cho bao gia đình tan nát. Hét. Đập. Giằng co. Cấu xé… Toang!
Con người nhìn thấy “bóng đêm” khi chạm vào “miếng táo cắn dở”: sự dối trá, nghi ngờ, vụng trộm… là quả trên thân cây cho biết điều thiện điều ác.
3. Quả táo trong những mảnh đời
Chỉ cần can đảm bước ra khỏi chỗ nấp an toàn của mình sẽ thấy vô số những “quả táo”, những “hang đá” khiếm khuyết bên đời. Một em bán vé số co ro bên vỉa hè, mắt dáo dác tìm bóng người thương mua giúp. Một ông lão lọm khọm bị con cái cho ngủ ở góc bếp vì không làm được gì còn hay phá phách. Một em bé khuyết tật nằm liệt một chỗ, cả đời không thấy ánh sáng bên ngoài…
Như phiên chợ chiều
phơi bày tất tần tật những nhá nhem của cuộc sống
Phận nghèo
kiếm mua đồ ế với giá thật rẻ
Người lang thang
moi móc nhặt nhạnh những gì người ta vứt đi
Người cô đơn
mong có nụ cười nào đó biết nói với họ
Người khuyết tật
mong một cơ thể hoàn hảo như bao con người.
Những “quả táo” ấy luôn có một chỗ khuyết để mời gọi anh chị em xung quanh lấp đầy bằng sự quan tâm, chia sẻ.
4. Quả táo hồng phúc có Hài Nhi Giêsu
Trong thánh thi Exsultet (Mừng vui lên) trong đêm vọng phục sinh đã thốt lên: “Ôi tội hồng phúc, đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang”. Vì không vâng lời Thiên Chúa qua hình ảnh quả táo cắn dở mà A đam- Evà chịu phạt, con cháu phải chịu khổ. Nhưng nay, tội ấy đã trở nên hồng phúc vì chính Con Thiên Chúa đã cứu con người khỏi án phạt đời đời. Miếng táo bị khuyết, bị cắn đó đã được Hài Nhi Giêsu phủ lấp, lấp tròn đầy bằng tình yêu vô biên và lòng thương xót có từ muôn thuở.
Giáng Sinh đang về. Tất cả chúng ta hãy nhìn kỹ các hang đá, máng cỏ hay nôi rơm… thì luôn có một chỗ trũng để Chúa Giêsu nằm vừa nơi đó.
Nếu mỗi người chúng ta là một quả táo, một máng cỏ hay một hang đá… thì cũng chẳng có ai hoàn hảo cả. Một quả táo bị cắn mất, có thể khi hai người cãi vã, nói xấu nhau. Quả táo ấy có thể lành lặn hay bị cạp thêm miếng nữa, thì cũng là do cách chúng ta đối xử với họ như thế nào.
Khi một con người ra đi, không phải họ đều thực hiện hoàn hảo các kế hoạch, ước mơ của mình, hay đã tu tâm tích đức trọn vẹn. Họ còn ngổn ngang nhiều thứ và còn nhiều trắc trở lắm. Vậy ai sẽ lấp đầy cho chúng ta? Chỉ có Chúa!
Nếu đi gần hết đời, mà vẫn không lấp đầy chỗ trống của miếng táo ấy, thì có phấn đấu nữa không? Có chứ! Giáo Hội hơn hai ngàn năm vẫn cố gắng, vẫn phấn đấu bước đi.
Tiếng kêu của Gioan trong hoang địa, không bóng người, nhưng không vô vọng. Nên Ngài vẫn cất tiếng kêu mọi người lấp đầy chỗ trũng.
Một con chim nhỏ tầm thường yếu ớt tưởng chừng bất lực, nhưng vẫn cất giọng hót, đôi mắt nhìn về hướng ánh sáng mặt trời.
Người truyền giáo gieo hạt trong những mảnh đất khô cằn, mấy chục năm vẫn chưa hạt nào nảy mầm, nhưng không vì thế mà họ ngưng gieo hạt Lời Chúa.
Giáng Sinh về, tôi chiêm ngắm một hang đá có hình quả táo cắn dở. Tôi thấy tôi đầy khiếm khuyết do chính bản thân nhiều lúc tự cắn miếng táo ấy ra. Hang đá ấy tôi cũng thấy anh chị em của tôi bị ai đó hay chính họ vì yếu đuối mà cắn lõm quả táo ấy đi. Và cuối cùng, nơi hang đá tôi thấy Hài Nhi Giêsu đẹp lung linh, sáng vời vợi, quyền năng vô biên, tình yêu vô cùng tận, đang lấp đầy cho tôi và cho mọi người.
Giáng sinh này, các bạn cùng tôi chiêm ngắm hang đá có hình quả táo cắn dở nhé! Để cùng dọn hang đá đang khiếm khuyết, đang bề bộn của mình thành nôi xứng đáng cho Chúa Giêsu nằm. Chỉ cần hãy mở lòng ra đón nhận Ngài. Kìa! Lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa sau khi Ông Bà ăn “trái táo” nay đã thực hiện nơi Đức Giêsu.
Xuân Cát, O.P