DẤU ẤN GIÁNG SINH
Tôi không thể không nghĩ tới cha tôi khi tôi trang hoàng cây Giáng Sinh. Cha tôi luôn có phương pháp để làm mọi việc.
Có những điều cha tôi làm tốt – chẳng hạn là ca hát, và có những điều ba tôi không làm được – chẳng hạn là vẽ. Những gì về nghệ thuật hình như làm cho cha tôi rối trí nên ba tôi lặng im.
Cha tôi và bốn anh tôi đều là người thực tế và ít nói. Mẹ tôi và mấy chị tôi có thể huyên thuyên hằng giờ về “những điều chưa biết,” nhưng cha tôi và mấy anh tôi ít khi nói chuyện với nhau và người khác.
Không phải nam tính làm họ ít nói đâu. Bà nội tôi chẳng gì bao giờ. Có lần vào bữa tiệc sinh nhật của chị tôi, nến đổ làm cháy khăn bàn, bà nội lặng lẽ đứng phắt dậy và lấy cuốn sách dập lửa. Bánh sinh nhật nát bét, rồi mẹ và mấy chị tôi bật khóc vì hoảng sợ. Bà nội thản nhiên nói: “Lửa thôi mà.” Rồi bà lại im lặng. Rất thực tế!
Cha tôi là người lịch thiệp nhất, luôn cương quyết và nghiêm nghị, nhưng vẫn vui vẻ và chan hòa tình cảm. Cha tôi luôn coi trọng phương pháp làm việc. Cha tôi dạy tôi làm nhiều thứ, chỉ cách giữ gìn sách vở, cách trộn rau, cách thái thịt, cách làm bánh, cách sắp xếp nhà cửa, cách đối nhân xử thế, cách cầu nguyện, cách sống đức tin,… Bất cứ ai nhờ làm điều gì, cha tôi đều tận tình giúp đỡ, không hề so hơn tính thiệt.
Với tôi, câu chuyện thú vị nhất về cha tôi là câu chuyện kể về Giáng Sinh năm 1940. Cha tôi phải làm việc tới đêm vọng Giáng Sinh, trở về nhà với số tiền công và một cây Giáng Sinh. Ngay lúc đó, có một bà tới hỏi mua, nhưng lại chỉ mua nửa cây. Cha tôi đồng ý dù bà đòi lấy nửa đẹp hơn. Cha tôi lấy nửa ngọn, nghĩa là cây Giáng Sinh lúc này nhỏ xíu và thấp tè, nhưng cha tôi vẫn vui vẻ nói “chúc mừng Giáng Sinh” với người phụ nữ bất đắc dĩ kia.
Điều tôi nhớ mãi về đêm hôm đó là những món quà mà “Ông Già Noël” đã cho, là sự im lặng và niềm vui cùng làm việc với cha tôi trong bóng đêm.
Trang trí cây Giáng Sinh là việc quan trọng, và dĩ nhiên cha tôi có phương pháp riêng. Trước hết là treo bóng đèn sao cho khúc xạ và huyền ảo. Sau đó là trang trí, và cuối cùng là treo những dây kim tuyến.
Về sau tôi mới biết tuổi thơ của cha tôi chưa bao giờ có được cây Giáng Sinh. Ông bà nội là dân di cư. Ông nội mất trong một tai nạn giao thông khi cha tôi mới được vài tuần tuổi. Bà nội trở nên trầm tính hẳn, phải gởi con vào trại mồ côi. Nhưng ngay tối hôm đó, bà nội lại đón ba tôi về.
Sau một cơn bạo bệnh, cha tôi cũng ít nói hẳn. Cha tôi được một nữ tu nuôi dạy cho tới khi tốt nghiệp đại học. Nhưng cả đời cha tôi phải chịu đựng chứng điếc tai. Có lẽ vì vậy mà cha tôi luôn trầm mặc, nhân hậu, giản dị, và vị tha, nhưng lại luôn khắt khe với chính mình.
Mùa hè năm 1998, cha tôi vĩnh viễn xa anh chị em tôi!
Mỗi dịp Giáng Sinh về, tôi lại trang trí cây Giáng Sinh như một thói quen theo phản xạ, tạo nên dấu ấn Giáng Sinh đặc biệt đối với tôi. Phương pháp của cha tôi là nghệ thuật đích thực, bắt đầu bằng cung cách và sự tận tụy, đã tạo những mối quan hệ kỳ diệu gắn kết với nhau: Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, mối quan hệ huynh đệ với nhau. Mối quan hệ phu thê, mối quan hệ bạn bè, nối tiếp từ thế hệ trước sang thế hệ sau.
Cõi lòng tôi nhẹ lâng, bay bổng theo lời Thánh ca vút cao từng cung bậc: “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng…” Yêu thương lan tỏa. Ánh sáng chiếu tỏa sự thánh thiện để giao hòa đất trời, giao hòa lòng người…
THOMAS CAHILL
TRẦM THIÊN THU (lược dịch từ nguyên tác My Father’s Perfect Christmas)