Đọc lại trang sử chủ chăn xưa
Biết bao gian khó thấm sao vừa
Hy sinh khiêm hạ hồn trong trắng
Trung thành theo Chúa dẫu nắng mưa
Sau hơn bốn năm sống ở giáo xứ Thất Khê, giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng, nơi mà trước đây Đức cha cố Vinh Sơn Phạm Văn Dụ (1922-1998) đã âm thầm phục vụ suốt 30 năm, tôi được nghe nhiều những mẩu chuyện nho nhỏ về đời sống đơn sơ giản dị cũng như thuộc nhiều bài hát, bài kinh mà Đức cha đã dạy cho con cái của mình.
Là một Giám mục của Giáo phận, nhưng ngài chỉ được tự do đi lại trong địa bàn Thất Khê. Điều này làm tôi liên tưởng đến một “con covid vô hình” cũng đã xuất hiện trong thời đó. Đức cha phải ở trong “khu cách ly” của Thất Khê 30 năm, nếu đi ra khỏi địa bàn sẽ bị “covid vô hình” đe doạ.
Đó là một khó khăn đối với Đức cha nhưng lại là một quà tặng của Thiên Chúa dành cho Giáo xứ Thất Khê này. Thất Khê mặc nhiên trở thành Tòa Giám mục, và ngôi nhà thờ nhỏ của Giáo xứ, nơi Đức cha ngày ngày đọc kinh dâng lễ, như một Nhà thờ Chính Tòa.
Hàng ngày Ngài quy tụ các em thiếu nhi trong nhà thờ, trai một bên, gái một bên. Mỗi bên chia làm hai nhóm, mỗi nhóm ngồi vào một chiếu, mỗi chiếu 7-8 em. Mỗi “đầu chiếu” có nhiệm vụ trông nom, nhắc nhở các “chiếu viên” đi lễ, đi nhà thờ và học kinh bổn. Mỗi chiếu thay nhau bắt kinh ở nhà thờ, trồng hoa, quét tước nhà xứ.
Cuối mỗi tuần Đức cha dẫn trẻ em lên rừng lấy củi. Với áo chùng thâm đen, đầu đội mũ lá, chân đi dép cao su, khoan thai bên cạnh chiếc xe mà lũ trẻ hớn hở kéo lên rừng. Nơi đây, ngoài việc lấy củi, các em còn cảm nhận được Anh Nắng, Chị Gió… qua câu chuyện của “Đức cha mình” kể cho nghe.
Cụm từ “ Đức cha mình” bỗng trở nên quen thuộc khi cả giáo xứ, già trẻ lớn bé đều chạy đến để nghe và chia sẻ với Đức cha mọi vui buồn trong cuộc sống. Họ thân thiết đến nỗi cứ xem đồng hồ là biết Đức cha đang ở đâu, làm gì, hoặc thấy Đức cha làm gì, ở đâu thì họ biết là mấy giờ. Bởi Đức cha sống giờ giấc như một cái đồng hồ biết nói: 3h30 thức, đọc sách nguyện; 4h10 tập thể dục, rồi xuống nhà thờ lúc 4h20 và quỳ trông vào nhà tạm, 4h 25 đốt đèn, kéo chuông nhất để bắt đầu giờ kinh chung buổi sáng bằng kinh viếng đàng Thánh giá.
Xong lễ cha ở lại nhà thờ cám ơn cho đến 6h30; 7h ăn sáng, 8h đọc sách, tiếp khách; 10h vào nhà thờ viếng Chúa, 10h 30 đọc báo, 11h cơm trưa; 12h viếng Chúa, 12h15 nghỉ trưa, 13h30 đọc sách nguyện; 17h cơm chiều, 17h 30 đi bách bộ quanh nhà xứ, vừa đi vừa kiểm tra kinh bổn trẻ con; 19h đọc kinh chung, 19h 45 gặp gỡ con cái rồi đọc sách nguyện. Cha giữ chương trình này cho đến cuối đời.
Cha con đều rất sùng kính Đức Mẹ, và cùng có một mơ ước là xây dựng một tượng đài Đức Mẹ trong khuôn viên Nhà thờ. Ước mơ tưởng chừng đơn giản, nhưng rất là phức tạp trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Nhờ ơn Chúa, không lâu sau, một ngôi đền dâng kính Đức Mẹ được hình thành. Bệ tượng hình vuông, mỗi cạnh rộng 1 mét, bốn cạnh quay bốn hướng Đông, Tây, Nam và Bắc, với các dòng chữ: “Chúng con tạ ơn Mẹ”, “Chúng con cậy trông Mẹ”, “Chúng con ca ngợi Mẹ”, “Chúng con kính mến Mẹ”. Cha con lại xây một bức tường bao quanh Đền Mẹ, mang dòng chữ là câu đầu của Kinh Kính mừng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”. Công trình tuy đơn sơ, nhưng đầy ý nghĩa thiêng liêng cao quý, kết nối mục tử đàn chiên, mọi người mọi nhà trong Giáo xứ về bên Mẹ. Chiều lễ ở nhà thờ rước Chúa, tối qua linh đài "ngắm" Mẹ!
Những ngày cuối đời, Đức Cha Vinh Sơn Phao-lô gặp con cái Giáo xứ và để lại lời di chúc: “Các con hãy đọc 15 kinh Kính Mừng sau khi thức dậy, hãy năng chạy đến với Mẹ bằng lời kinh Mân Côi, Mẹ sẽ không bỏ chúng con đâu”. Lời nhắn nhủ quá là bình dị, nhưng lại hết sức thiết thực và hiệu quả với con cái Giáo xứ Thất Khê.
Quả thực Giáo Hội không ngủ yên, vị mục tử “ phải cách ly 30 năm” cũng không ngồi yên. Dù âm thầm nhưng vẫn hiện diện đầy sống động, dù hạn chế về không gian hoạt động nhưng luôn dẫn dắt đoàn chiên bước đi, dù cô đơn đau khổ nhưng vẫn tín thác vào thánh ý Chúa. Để Giáo Hội của Chúa, nơi gia đình giáo xứ nhỏ bé này vẫn sáng lên ngọn lửa niềm tin, tình yêu và hy vọng.
Giữa thời đại hôm nay, Giáo Hội đã trải qua hai mùa vọng trong dịch covid, dù “ phải cách ly” nhưng Giáo Hội vẫn luôn cùng nhau bước đi. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong những ngày nước Ý bị dịch covid nặng, quảng trường không một bóng người, vẫn vững tin tiến ra bàn thờ dâng lễ cầu nguyện cho Rôma và toàn thế giới. Các linh mục, tu sĩ, giáo dân… cũng “ cởi bỏ chiếc áo hàng ngày” để khoác chiếc áo dấn thân phục vụ cho các bệnh nhân covid.
Hôm nay tôi cùng đông đảo bà con giáo xứ vượt 56km đường rừng xuống Tòa Giám mục Lạng Sơn tham dự Thánh lễ và viếng mộ cầu nguyện cho Đức Cha. Vì ngày cải táng (29/11/2021) cả giáo xứ phải cách ly covid, không thể hiện diện. Đồng tế với Đức Cha Giuse đương nhiệm, có quý cha trong giáo phận và nhất là có cha Hạnh, người linh mục duy nhất được Đức Cha cố Vinh sơn truyền chức trong nhà thờ nhỏ Thất Khê, dưới sự tham dự của một giáo dân. Tôi thầm nghĩ với 23 năm nằm dưới lòng đất, mà Chúa đã gìn giữ thân xác Đức Cha còn nguyên vẹn, cũng là dấu chỉ cho niềm tin vào sự sống mai sau nơi Lòng Thương xót Chúa. Con số hơn 23.000 người tử vong do dịch Covid vừa qua, riêng ở Việt Nam tính đến ngày tưởng niệm 19.11.2021, cũng là một dấu chỉ trong đại dịch này, sẽ được Chúa ôm vào vòng tay yêu thương của Ngài.
Con dân xứ đạo viếng mộ cha
Nhớ lại tháng năm sống chan hòa
Thi hài còn nguyên ngày cải táng
Chúng con hãnh diện niềm tin yêu
Năm nay Giáo Hội cùng hướng đến chủ đề của Thượng hội đồng là: Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Ba chiều kích này cùng liên hệ mật thiết với nhau trong tương quan năng động. Thật là cơ hội tốt cho mỗi người chúng ta khi phải “cách ly” vì covid, “cách ly” vì cái lạnh thấu xương của thời tiết, hay “cách ly do thời cuộc”… vẫn không bị chôn vùi trong thất vọng, không giậm chân chùn bước, không cách lòng với tình yêu Chúa và tha nhân nhưng nắm tay nhau và hiệp hành trong Chúa. Trên hành trình này, mỗi người đều thốt lên: “ Đối với tôi, niềm vui là chính Chúa”( Tv 103, 34b) và nhắc nhở nhau: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em.” (Pl 4,4).
Quả vậy, Giáo Hội không ngủ yên trong sự cùn mòn của người sống bất cần với thế giới xung quanh. Giáo Hội không sống trong nỗi lo lắng lay lắt của một tội phạm sợ có ngày bị phanh khui. Giáo Hội không bần thần oán than hoặc phát điên vì bao ngày mòn mỏi chịu đựng những tai họa ập đến. Nhưng Giáo Hội luôn cùng nhau bước đi trong niềm vui, tình yêu và hy vọng, cùng lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần, thực thi những lời Chúa đã dạy trong Thánh kinh.
Xuân Cát O.P