Thiên Chúa của đức tin Công giáo và Ông Trời (Thượng Đế) của tín ngưỡng dân gian Việt Nam- Tác giả: M. Hạnh Tử

Anne de Jesu

Thiên Chúa của đức tin Công giáo và Ông Trời (Thượng Đế) của tín ngưỡng dân gian Việt Nam


Hầu hết người Việt Nam đều tin vào Ông Trời, nhưng cũng đại đa số (người không Công Giáo) đều không biết hay không tin Chúa của đạo Công Giáo chính là Ông Trời (Thượng Đế, ơn trên, Đấng Bề Trên) của văn hóa Việt Nam. Thậm chí một số người còn cương quyết chống đối Thiên Chúa của Công Giáo, xem đó là đạo của ngoại bang, của phương tây - tức là chả có liên hệ gì với đạo thờ Trời của tín ngưỡng dân gian Việt Nam cả.

Thực tế có phải như vậy không? Liệu có sự dung hòa (điểm chung) giữa Thiên Chúa của Kitô Giáo và Ông Trời (Thượng Đế) của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam không?

I. Niềm tin vào Ông Trời trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Là một dân tộc có xuất xứ gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người Việt, từ xa xưa, đã phải dựa vào trời. Dư dật, no đủ hay thất bát đều do trời. Thế nên, trời - đất là hai yếu tố gắn liền với người nông dân theo quan niệm “trời sinh đất dưỡng”.

“Nhờ trời mưa gió thuận hòa

Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau …”

Hay

“Lạy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm …” (Ca Dao).

Dưới mắt người Việt, Ông Trời thật quyền năng nhưng cũng thật hảo tâm, thương người. Do đó, họ luôn hướng về trời với một lòng biết ơn. Tín ngưỡng thờ trời phát xuất một cách tự nhiên từ lòng biết ơn này. Trời được xem là một thế lực thiện, che chở bảo vệ chúng sinh, nuôi dưỡng vạn vật, để cho nhân loại nương tựa vào đấy mà sống còn, mà kinh sợ, làm thiện được thưởng, làm ác bị phạt. Chính vì thế “người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp lớn nhỏ, tri thức hay bình dân, không cứ thuộc tôn giáo nào … đều gần gũi với Trời như với Đấng Tối Cao và tối linh. Có thể nói: ý niệm tôn giáo truyền thống sâu rộng nhất của dân tộc chúng ta là Thờ Trời”.

Nhận định về ý niệm trời trong đời sống của người Việt, linh mục L.Cadière đã viết: “Hình như những ý nghĩa chính chúng ta thấy gán cho chữ TRỜI thuộc về cái vốn triết học riêng của dân tộc Việt Nam, vì ý niệm Trời đã ăn sâu vào trong tâm hồn nhân dân Việt Nam. Trời coi như nguyên lý các hiện tượng thời tiết và nhân cách hóa. Trời coi như một Đấng Toàn Năng có ảnh hưởng vào vận mệnh của loài người … Ý niệm ấy đã thấm nhuần quá thâm sâu vào tâm hồn Việt Nam và đã biểu hiện quá phổ thông trong ngôn ngữ bình dân”.

Trời, dường như không còn khoảng cách với con người. Trời gắn bó, thân thiết đến độ chữ “trời” nằm trên đầu môi của người Việt trong mọi hoàn cảnh: Đau khổ cũng kêu trời, ngạc nhiên cũng kêu trời, hạnh phúc cũng kêu trời … Nói như linh mục Nguyễn Thế Thoại, trong tâm thức của người Việt, “trời hiển nhiên có, không cần chứng minh”.

Lòng biết ơn Trời được thể hiện cụ thể trong những kiểu nói của người Việt như: nhờ trời, tạ ơn trời, đội ơn trời đất; hay qua những nghi thức thờ trời rất phổ biến nơi các gia đình là bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà; trọng thể hơn nữa là Lễ Tế Giao tại Tế Đàn Nam Giao mà hoàng đế thay mặt toàn dân tế lễ trời đất để tạ ơn và khẩn cầu cho quốc thái dân an.

Tóm lại, niềm tin vào Ông Trời khá là hiển nhiên và phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Nhưng hình như người ta không xác định Ông Trời ấy là một ngôi vị cụ thể. Niềm tin đơn thành chỉ biết đấng ấy là thượng đế, là ơn trên, là đấng bề trên, là tạo hóa hay thậm chí được huyển một cách mơ hồ thành duyên số.

II. Ông Trời/ Thượng Đế trong niềm tin của Do Thái Giáo (nguồn gốc của Kitô Giáo/ Công giáo)

Đầu tiên xin nói một chút về ngôn ngữ liên quan đến danh từ Chúa và Thần. Trong ngôn ngữ của các nước châu âu, đặc biệt là Hy Lạp, Roma là nơi bắt nguồn nhiều thần thoại về các thần ở thời cổ đại (chuyện thần thoại Hy Lạp...), chỉ có 1 danh từ: Theo (Hy lạp), Deus (Latinh) hay God (tiếng Anh) để gọi chung các thần.

Chữ "Chúa", tiếng Anh là Lord, không mang ý nghĩa thần tính hay thần thiêng, mà là chỉ một ông/bà chủ/ một bậc thầy/ một bậc (vua) chúa. Giống như mình nói đến chúa Trịnh, chúa Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Tổ phụ Ápraham cũng được gọi là Chúa: "Như Sara đã vâng phục Abraham, gọi ông là chúa." (1 Pr 3, 4).

Còn chữ "Thiên Chúa", là một nỗ lực dịch thuật chữ God (hay Deus) - Đấng trên hết mọi sự mà muôn loài phải tôn thờ - của cha Matteo Ricci thuộc Dòng Tên, khi ngài truyền giáo tại Trung Hoa. Ngài vận dụng tư tưởng Á Đông là thờ Ông Trời (như mình hay thốt "Trời ơi!" vậy) mà ghép hai chữ Nho là Thiên và Chủ lại thành chữ Tiānzhǔ 天主 (Thiên Chúa, tức là chúa của bầu trời), nhằm chỉ Thần Linh của Kitô Giáo.

Vậy thì Thiên Chúa của Kitô Giáo/ Công Giáo là vị nào?

Kitô Giáo bắt nguồn từ Do Thái Giáo với niềm tin độc thần, vào một Đức Chúa Yahweh (YHWH). Do Thái Giáo được ghi nhận là tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới với hơn 3.500 năm tuổi. Đức Chúa Yahweh này chính là Đấng Sáng Tạo, là Vua Trời – Đấng ngự trên các tầng trời: "Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa.“ (Đnl 4,39). Do Thái Giáo tin thờ Thiên Chúa (Thượng Đế) là Đấng sáng tạo, bảo vệ nuôi dưỡng cũng như thưởng phạt con người. Ngài thấu suốt mọi sự, cả lòng dạ và suy nghĩ của con người; Ngài sắp đặt mọi sự trong cuộc đời con người (Tv 139). Niềm tin này cực đoan tới mức tin rằng Thiên Chúa tiền định tất cả, theo kiểu nói của người Việt là Ngài an bài, sắp đặt tất cả.

Như trong phần nói về Ông Trời trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôi đã trình bày rằng, người Việt tin rằng Ông Trời thấu suốt và quyết định tất cả. Mọi loại trên trái đất đều do "trời sinh đất dưỡng“, "trời sinh voi cũng sinh cỏ“, "trời cho sống ngày nào thì hay ngày đó“, "lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt“... tất cả những điều này Do Thái Giáo đều tin. Thậm chí, Do Thái Giáo còn có Kinh Thánh và hệ thống giáo lý dạy về điều này, chứ không chỉ là niềm tin truyền miệng như người Việt.

Trong khi đó người Việt tuy tin Ông Trời, nhưng bên cạnh đó vẫn tin vào các thần thánh khác theo kiểu "đất có thổ công, sông có hà bà“, thế nên “có thờ có thiêng, có kiêng có được”. Do đó người Việt cảm nhận như nhận xét của Linh mục L.Cadiere như sau: “Thần ở khắp nơi trong thiên nhiên, thần tham dự vào cuộc sống con người và ảnh hưởng trên số phận của họ … Thần cho sống được sống, bắt chết phải chết. Thần là nguyên nhân của bệnh tật, thiên tai, ôn dịch … Các thế giới thần linh ấy có thể nói đã bao hàm đời sống của người Việt, thúc đẩy họ phải cúng lễ. Trước khi hành động phải cầu che chở của thần linh”. Điều này có thể được thấy qua việc thờ cúng thú dữ như ông hổ ở những vùng rừng núi mà thú dữ thường tấn công con người, hay ở những khúc sông mà nhiều người bị chết đuối, người ta cũng lập miếu thờ hà bá để cầu khấn, để xin được bình an.

Nói tóm lại, qua những phân tích trên đây, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng Đức Yahweh của Do Thái Giáo cũng chính là Thượng Đế/ Ông Trời trong niềm tin của người Việt. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ Do Thái Giáo là tôn giáo độc thần, có Kinh Thánh, giáo lý, có hệ thống cơ cấu và nhất là nghi lễ phụng tự (phụng vụ) rõ ràng qui củ. Họ chỉ tôn thờ duy một mình Đức Yahweh mà thôi, ngoài Ngài ra không có một thần nào khác (Đnl 4,39; 6,5).

II. Thiên Chúa của đức tin Kitô Giáo/ Công giáo

Kitô Giáo/ Công Giáo bắt nguồn từ Do Thái Giáo với niềm tin độc thần, tin một Thiên Chúa duy nhất. Và Thiên Chúa này, như tôi đã trình bày trong phần trước, chính là Thượng Đế (Ông Trời) trong niềm tin của người Việt. Điều này được tông đồ Phaolo trình bày rất rõ ràng: ""Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự ... Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói : 'Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người." (Cv 17,24-26. 28).

Kitô Giáo tiếp nhận truyền thống đức tin, Kinh Thánh và phụng tự của Do Thái Giáo với những sửa đổi thích nghi riêng. Sự khác biệt duy nhất và lớn nhất giữa Kitô Giáo đó là tin rằng Đức Giêsu Kitô, Đấng sáng lập đạo, là Thiên Tử (con trời) đồng thời chính là Thiên Chúa (Ông Trời). Trước tiên chúng ta hãy nói về sự kiện lịch sử đã xảy ra với Đức Giêsu. Sự kiện này không chỉ được các sách của Công Giáo, mà còn được các sử gia ngoại giáo ghi lại một cách trung lập. Đức Giêsu người Nazareth thuộc Israel là một nhà thuyết giảng đạo đức và sáng lập tôn giáo. Ngài đã rao giảng những điều tương đối mới lạ đặc biệt về giới luật yêu thương, và giới thiệu về Thiên Chúa, Đấng mà người Do Thái tôn thờ từ lâu nhưng không hiểu rõ. Đức Giêsu cũng kêu gọi dân chúng quay về với ý nghĩa cốt lõi của lề luật, bởi vì tầng lớp lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã biến lề luật tôn giáo mà họ vốn tin là do Thiên Chúa ban, thành phương tiện quản lý và chèn ép con người. Người ta giữ luật kiểu hình thức, mà quên mất ý nghĩa trọng tâm là tình yêu.

Hoạt động của Đức Giêsu gây ra mâu thuẫn với nhóm lãnh đạo tôn giáo Do Thái, khiến họ bị mất ảnh hưởng trên dân chúng, và nhiều phen bị bẽ mặt khi tranh luận với Ngài. Sự tự ái và ích kỷ đẩy họ tới quyết định giết Đức Giêsu nhân danh lề luật. Họ tố cáo Ngài vi phạm lề luật, lộng ngôn và phạm thượng. Rồi để có đủ căn cứ để giết Ngài, họ đã kết án Ngài âm mưu nổi loạn, tự xưng là vua người Do Thái, tức là muốn đối đầu với hoàng đế Roma, lúc bấy giờ đang đô hộ Israel. Vì lý do này, Đức Giêsu bị kết án tử và bị đóng đinh trên thập giá dưới thời tổng trấn Phongxio Philato, vào khoảng giữa những năm 33-40 (s. CN).

Điều lạ lùng nhưng hết sức thuyết phục khiến chúng ta phải chú ý đến Đức Giêsu đó là sự trùng hợp nơi Ngài tất cả những điều mà Lề Luật và lịch sử Do Thái đã tiên báo từ khoảng 700 trước đó. Những cuốn sách mà người Do Thái tin là sách Luật và các ngôn sứ (thầy dạy) trong quá khứ, đều giới thiệu về một nhân vật sẽ xuất hiện để giải phóng dân tộc - Đấng Mêsia của Đức Chúa. Những lời tiên báo có màu sắc chính trị và cũng được dân chúng nghĩ theo hướng chính trị khi đất nước Israel bị các cường quốc xâm chiếm và đô hộ.

Tuy nhiên, xen lẫn với các tiên báo về một nhân vật anh hùng, là tiên báo về một nhân vật chịu nhiều đau khổ, bị bắt bớ hành hạ và bị giết trên thập giá. Tất cả những điều này hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, từ lời nói, đến việc làm và kết quả. Thậm chí những chi tiết nhỏ nhất như việc Ngài bị đối xử thế nào, bị cướp áo và chia chác ra sao, đến việc Ngài chết thế nào, đều phù hợp hoàn toàn với những điều được ghi chép trước đó hàng trăm năm.

Sẽ là không đáng tin nếu những cuốn sách kia được viết sau khi Đức Giêsu chết, bởi người ta có thể phịa ra, hư cấu cho phù hợp với sự kiện như những cuốn tiểu thuyết hư cấu dựa trên cốt truyện có thật. Trái lại, những cuốn sách ấy được viết trước Đức Giêsu từ 700 năm, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ và không thể phủ nhận.

Giáo lý của Do Thái Giáo từ xa xưa đã tin vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vũ trụ và con người. Và con người đã phản bội Thiên Chúa, tức là đã phạm tội bất trung và do đó phải chịu đau khổ. Người Do Thái luôn tin rằng, đau khổ là hậu quả của tội lỗi; ngay cả việc đất nước họ bị xâm chiếm, dân chúng phải làm nô lệ... đều là hậu quả do tội bất trung. Thế nên, đấng sẽ đến giải thoát họ vừa là một vị vua, vừa là một vị lãnh tụ tôn giáo đưa dân chúng trở về với niềm tin chân thành vào Thiên Chúa.

Trong hướng nhìn về tội lỗi và ơn tha thứ này nơi Đấng Mêsia, một lần nữa chúng ta lại thấy ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Giêsu Nazareth. Khi rao giảng Ngài luôn công khai tuyên bố rằng Ngài là Con Thiên Chúa (ông trời con) và đỉnh điểm là dùng cái chết của mình để làm chứng cho điều đó. Do đó, lời giảng của Ngài hết sức thuyết phục nhờ hành động cụ thể. Từ mặc khải của Đức Giêsu, giáo lý Kitô Giáo nhận biết Thiên Chúa (Ông Trời) cách cụ thể rõ ràng hơn, và đi tới giáo lý về Chúa Ba Ngôi - Ba Ngôi Vị trong một Thiên Chúa (thượng đế) duy nhất.

Như vậy xét từ căn bản, đức tin Kitô Giáo/ Công Giáo là một sự nối tiếp và phát triển dựa trên mặc khải Kinh Thánh niềm tin của Do Thái Giáo. Điều này có nghĩa rằng, Thiên Chúa mà Kitô Giáo tin vẫn chính là Đức Chúa Yahweh của Do Thái Giáo và cũng chính là Thượng Đế trong niềm tin của người Việt.

M. Hạnh Tử