Tâm qua một số ca dao-tục ngữ-thi phẩm nổi tiếng Việt Nam- Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Anne de Jesu

 

TÂM qua một số ca dao-tục ngữ-thi phẩm nổi tiếng Việt Nam



Ta thường thấy bên đạo Công Giáo hình Chúa Giêsu có trái tim phía ngoài với hai dòng chữ :“Đối Ngoại Hữu Kỳ Tâm- Đối Nội Vô Tâm Giả”

Để trái tim bên ngoài

Không còn gì bên trong

Vì cho đi tất cả

Còn mình kể như không

Truyện kể năm 1597 bên nước Nhật với lệnh bắt đạo rất gắt gao và nhiều cơ sở truyền đạo cùng ảnh tượng bị phá hủy. Người ta bắt 2 linh mục trẻ tuổi giải về Tokyo với một số hình ảnh nộp cho quan Đại thần. Vị quan thấy có một tấm hình người để trái tim phía  ngoài với 2 hàng chữ 2 bên: “Đối Ngoại Hữu Kỳ Tâm- Đối Nội Vô Tâm Giả”. Ông nhặt hình để trên bàn và suy nghĩ đến gần sáng về dòng chữ trên. Từ đó ông kính cẩn để ảnh trên bàn làm việc.

Một hôm có người bạn đến thăm hỏi ông :

-Bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao ?

Ông trả lời :  Về mặt chính trị tôi không phản kháng triều đình. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo tôi lại thích ảnh này, vì nói lên được hành động xả thân cứu giúp đời của người Kitô giáo.

 Họ đã đem hết tấm lòng để phục vụ xã hội, còn chính mình hy sinh tất cả lợi ích riêng tư.

Đó mới là chính đạo, không phải tà đạo- Đó chính là thiện tâm không phải tà tâm.

Câu chuyện trên đã phản ảnh đúng nghĩa chữ Tâm.

Vậy ta hãy tìm hiểu thêm Tâm là gì ?

Tâm là lòng biết thông cảm với tha nhân.

Tâm là trái tim dâng lên cảm xúc vui buồn.

Tâm là lý trí đắn đo trước khi hành động.

 Thiện tâm thì tâm an, tâm bình, thành tâm, thực tâm, chân tâm, trực tâm, tâm cảm, nhân tâm , dưỡng tâm, quyết tâm, tâm huyết, tu tâm, tâm phúc, đồng tâm, thanh tâm, công tâm…

 Tà tâm là ác tâm, hắc tâm, thất nhân tâm, vô tâm, tâm thù hận, tâm bất an, tâm đố kị …

Suy tư cùng tâm thức, tâm linh, tâm cảm , tâm trí, tâm sự, tâm niệm, tâm tư, tâm lý, nội tâm, tâm trạng, tâm tưởng, tâm ý, lương tâm…

Tâm có định mọi sự mới được yên,

Tâm xao động mọi điều khó phân giải.

ĐƯỢC: được tài lợi, tâm không xao xuyến

MẤT: bị thiệt hại, lòng vẫn thản nhiên

KHEN: được công kênh, tâm vẫn như không

CHÊ: bị huỷ nhục, lòng không bực tức

VINH: được ngợi khen, tâm vẫn bình thản

NHỤC: bị chê bai, lòng không biến đổi

VUI:  được việc vui, tâm không xao động

KHỔ: gặp khổ đau, lòng vẫn an nhiên.

Vì thế, chữ Tâm rất phong phú trong Thi ca Việt Nam và văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ, câu hát câu hò, câu đối …và lời thơ của các thi nhân. 

1. Ca dao tục ngữ

Ca dao tục ngữ đã có cả ngàn câu khuyên bảo ta phải biết đem tấm lòng hay lương tâm để xử thế ở đời sao cho trọn đạo làm người với cha mẹ, vợ chồng, con cái, họ hàng, nhân quần xã hội…

*Trên hết là cha mẹ 2 đấng sinh thành công lao khó nhọc nuôi nấng dưỡng dục ta.

 “Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

 

 “Mẹ già như chuối chín cây,

Sao anh dạo bắc, chơi tây chưa về ?”

 

“Mẹ già ở chốn lều tranh,

Sớm thăm tối viếng, mới đành dạ con.”

 

Con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ.

Con có cha là nhà có phúc.

Con không cha như nhà không nóc.

Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh.

Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn.

Đời cha ăn mặn đời con khát nước.

Mồ côi cha ăn cơm với cá- Mồ côi mẹ liếm lá gặm xương.

Cha mẹ ngoảnh đi con dại- Cha mẹ ngoảnh lại thì con khôn.

Một mẹ nuôi được mười con- Mười con không nuôi được mẹ.

*Chữ tâm đức đã ghi khắc sâu trong phong tục lễ giáo người Việt cả ngàn năm trước

“Người trồng cây hạnh để chơi,

Ta trồng cây hạnh để đời về sau.”

 

“Cây xanh thì lá cũng xanh,

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.”

 

“Ba vuông sánh với bảy tròn,

Đời cha nhân đức, đời con sang giàu.”

*Bà mẹ VN nuôi con và lo lắng cho con từ nhỏ đến lớn, theo dõi giúp đỡ con suốt cả đời.Trước khi con gái đi lấy chồng lời khuyên bảo tâm tư cảm động biết bao :

“Con ơi nhớ lấy lời này,

Học buôn học bán cho tầy người ta,

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười,

Dù no dù đói cho tươi,

Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan…”

*Hình ảnh con cò rất bình dân, xuất hiện nhiều lần trong ca dao, biểu tượng nhẫn nhục cao quí của phụ nữ VN, ngay cụ Tú Xương cũng dùng hình ảnh con cò để khen ngợi bà Tú vất vả về chồng con : “Quanh năm buôn bán ở ven sông, Nuôi đủ năm con với một chồng. Chẳng ngại thân cò khi quán vắng, Eo xèo mặt nước buổi đò đông.”                                                                                                                                                

 *Ta hãy đọc bài ca dao ‘Con Cò’ để luôn nhớ ơn cao dầy của mẹ :

“Con cò lặn lội bờ sông
Cò ơi sao lại quên công mẹ già
Hỏi rằng ai đẻ cò ra
Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi
Nhớ khi đi ngược về xuôi
Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò
Những ngày mưa lũ gió to
Công mẹ bắt tép nuôi cò cò quên
Vợ con cò để hai bên
Công cha nghĩa mẹ cò quên hết rồi
Cò ơi cò bạc như Vôi
Công cha nghĩa mẹ bằng đồi núi cao…”

*Vợ chồng nghĩa tào khang, với tấm lòng trung trinh nhẫn nhục, tương kính như tân :

“Trời cao biển rộng thênh thênh,

Ở sao cho trọn nghĩa tình phu thê.”

 

“Tiền tài nay đổi mai dời,

Nghĩa nhân gìn giữ trọn đời với nhau.”

 

“Chồng ta áo rách ta thương,

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”

 

“Chồng giận thì vợ làm lành,

Miệng cười vui vẻ rằng anh giận gì ?”

 

“Giận chồng ai chớ giân lâu,

Giận vợ chỉ giập bã trầu mà thôi!”

*Và luôn tâm niệm những điều phải nhớ trong đời sống lứa đôi :

Giàu về bạn, sang về vợ.

Cơm không lành, canh chẳng ngọt.

Sang chớ đổi vợ, giầu chớ đổi bạn.

 

“Cây khô bị sấm nứt chồi,

Đạo chồng nghĩa vợ, giận rồi lại thương.”

 

“Đi đâu cho thiếp theo cùng,

Đói no thiếp chịu, lạnh lung thiếp cam…”

*Ông bà là người sinh ra cha mẹ, ta phải có lòng tôn kính yêu thương, nhất là săn sóc các ngài lúc tuổi già, vì khi mình còn thơ dại chính các cụ đã thay cha mẹ lúc bận việc săn sóc mình, nên đừng chán ghét bỏ bê, khiến tâm hồn các cụ cảm thấy cô đơn buồn tủi :

Trẻ vui nhà, già vui cháu.

Cháu bà nội, tội bà ngoại.

Con nuôi cha, không bằng bà nuôi cháu.

 

« Con ai là chẳng con cha,

Cháu ai mà chẳng cháu bà cháu ông. »

 

« Con người có tổ có tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn… »

*Anh em cùng cha mẹ, mang cùng dòng máu, cùng chung vui sẻ buồn qua bao năm tháng, nên phải thương yêu nâng đỡ nhau với đầy tâm huyết :

“Anh em như thẻ tay chân,

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.”

 

“Chị em trên kính dưới nhường,

Là nhà có phúc mọi đường yên vui.”

 

“Anh em thân mật thật hiền,

Chớ vì đồng tiền làm mất lòng nhau.”

 

Em ngã anh nâng, chị bồng em nhỏ.

 

“Cá không ăn muối cá ươn

Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.”

*Khi còn nhỏ ta sống trong một tiểu gia đình, nhưng đến lúc trưởng thành ta phải tiếp xúc với một đại gia đình gồm nhiều thành phần xã hội tâm tính khác biệt, nhiều hoàn cảnh đổi thay, nên việc xử thế cần phải đắn đo thận trọng hơn :

Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở.

Trăm người mười ý.

Nhập gia tùy tục, nhập sông tùy khúc.

Đất có lề, quê có thói.

Sống ở làng, sang ở nước.

Gieo gió gặp báo.

Bà con xa không bằng láng giềng gần.

Gần mực thì đên, không đèn thì sáng.

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

“Cha đời cái áo rách vai,

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi!”

 

“Đấng trượng phu đừng thù với oán,

 Đấng anh hùng đừng oán mới nên.”

*Còn đây là những câu giành cho người tà tâm và bọn hắc tâm tà phải suy nghĩ để biết hồi tâm sửa đổi :

Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

 

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”

 

“Chim tham ăn sa vào trong lưới,

Cá tham mồi mắc phải lưỡi câu.”

 

“Một người làm quan cả họ được nhờ,

                                               Một người làm bậy cả họ mất nhờ"                                                              

 

Thượng bất chánh, hạ tắc loạn.

Trâu cày không có, trâu ăn lúa thì đông

2. Thi phẩm

Tâm trong Hòn Vọng Phu

Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh, gần quận Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.

Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia đình sống hạnh phúc ở gần chân núi Khi giặc giã nổi lên ở biên thùy, người chồng theo lệnh vua, tòng quân ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người vợ trẻ và đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên ngọn núi ngóng về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không. Thời gian trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa thành đá. Người đời biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.

Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác nhaụ Theo thời gian, mưa gió sói mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường tượng như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người dân ta đa sầu đa cảm, lại thêm cảnh nước luôn loạn ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự trông đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam.

Ðiều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng chung thủy của một thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu chồng, xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.

Tâm trong truyện Kiều

Truyện Kiều còn gọi là Đoạn Trường Tân Thanh, một kiệt tác trong thi ca Việt Nam do đại thi hào Nguyễn Du sáng tác, dựa theo cốt truyện Kim- Vân- Kiều truyện bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Hoa.

Truyện gồm 3254 câu thơ Lục bát, nhân vật chính là Thúy Kiều, xoay quanh nàng là Thúy Vân, Kim Trọng, Vương Quan, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến, Sư Giác Duyên…cùng những nhân vật đã đi sâu vào tập tục đời sống dân gian thấp thoáng đâu đây : Anh hùng như Từ Hải- Sợ vợ có Thúc Sinh- Ghen tuông sánh Hoạn Thư- Bỉ ổi giống Tú Bà- Lừa lọc giống Sở Khanh và Mã Giám Sinh…

Truyện Kiều được nhiều tác giả ca tụng như Trần Trọng Kim chú giải chi tiết, Đào Duy Anh soạn riêng cuốn tự điển Kiều, cùng nhiều bài biên khảo công phu của  Lê văn Hòe, Ngô Minh Trực, Minh Phiến, Phan Ngọc…Riêng học giả Phạm Quỳnh đã khẳng định :“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn.”                                                                                                                        

 Trong dân gian, người ta truy tìm, bảo tồn di sản về Kiều, họa tranh, vịnh Kiều, viết nhạc kịch, đối, bói Kiều…Truyện Kiều được dịch sang nhiều thứ tiếng như một danh tác, trong đó có nhà thơ Pháp Rene Crayssac đã chuyển dịch qua thơ Pháp.

Nhưng hơi khác biệt, Nguyễn Công Trứ nhà thơ chí nam nhi thích cuộc sống ‘tang bồng hồ thỉ’ và làm trai ‘Trong lăng miếu trổ tài lương đống-Ngoài biên thùy rạch mũi can tương’, nên lúc mọi người ca tụng, lại hạ bút phê bình cuộc đời nàng Kiều trong bài Vịnh Kiều. Phải chăng Uy Viễn tướng công quá khắt khe với nàng Kiều qua 15 năm lưu lạc gian truân?

Vịnh Thúy Kiều

         Trách Kiều nhi                                                                              
Đã biết má hồng thời phận bạc,
chưa vẹn tấm lòng vàng.
Chiếc quạt, thoa đành phụ nghĩa Kim lang,
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thì cũng phải.
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải,
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu,
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu,
Mà bướm chán ong chường cho đến thế !
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa,
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Bán mình trong bấy nhiêu năm,
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai !
Nghĩ đời mà ngán cho đời.

Nhưng bài viết không đi sâu về tôn giáo, triết lý và văn phong, chỉ chú trọng về chữ Tâm hơn.

Truyện Kiều có thể tóm gọn trong 2 chữ nổi bật là TÀI và TÂM.

Tài đi kèm với sắc chứng minh cho thuyết ‘Tài mệnh tương đố’.

Tâm được diễn tả qua 4 cung đàn trong những thời gian, hoàn cảnh và đối tượng khác nhau.

Tài sắc Kiều trổi vượt hơn cả ‘Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa‘ và ‘Trời xanh cũng phải nổi ghen‘:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hơn kém xanh,

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai,

Thông minh vốn sẵn tư trời,

Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm,

Cung thương lầu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương,

Khúc nhà tay lựa nên xoang,

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.

Cuộc đời trôi nổi của nàng Kiều từ khi bán mình chuộc cha trải qua bao biến đổi vui buồn, tủi nhục, cô đơn, vinh hoa, hạnh phục đủ mùi…chính là chữ Tâm kéo dài chứng minh cho thuyết ‘Tài mệnh tương đố - Hồng nhan bạc mệnh- mà cụ Nguyễn Du đã báo trước ngay phần mở đầu thi phẩm:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau,

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đơn lòng,

Lạ gì : bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Rồi từ lúc rơi lệ trước nấm mộ hoang lạnh Đạm Tiên, hình bóng ấy đã nhập vào hồn Kiều :

Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa,

Đau đớn thay, phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Trước hết hãy nói về đức Hiếu Tâm của Kiều hy sinh bán mình chuộc cha:

Duyên hội ngộ, đức cù lao,

Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn ?

Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ân sinh thành,

Quyết tình, nàng mới hạ tình,

Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha. 

Rồi sau này khi Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường cho hết kiếp tài sắc đoạn trường, được người từ tâm là sư Giác Duyên, sư Tam Hợp và ngư ông cứu vớt :

Kiều từ gieo xuống duênh ngân,

Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi,

Ngư ông kéo lưới vớt người,

Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa,

Trên mui lướt mướt áo là,

Tuy dầm hơi nước, chưa lòa bóng gương,

Giác Duyên nhận rõ mặt nàng,

Hãy còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai.

 Cung Đàn Bạc Mệnh do chính Kiều sáng tác cứ bám theo suốt cuộc đời nàng qua 4 lần dù hoàn cảnh và nhân vật có đổi thay, nhưng vẫn tâm tư uẩn khúc bên mình :

Đàn cùng Kim Trọng là chữ Tâm và tình yêu trai gái, dù tình cảm dạt dào vẫn phải gìn vàng giữ  ngọc thuở ban đầu :

Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời,

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu,

Khi tựa gối, khi cúi đầu,

Khi vò chin khúc, khi chau đôi mày.  

 

Đàn hầu rượu Thúc Sinh & Hoạn Thư là chữ Tâm và tình cảm phu thê, tuy ghen tuông vẫn ra vẻ con nhà gia giáo quyền thế :

Rằng : “Hoa nô đủ mọi tài,

Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe.”

Nàng đà tán hoán, tê mê,

Vâng lời ra trước bình the vặn đàn.

Bốn dây như khóc như than,

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng,

Cùng trong một tiếng tơ đồng,

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.

Đàn trước Tổng đốc Hồ Tôn Hiến là chữ Tâm và lý lẽ thường tình, khi đã sa cơ thất thế :

Bắt nàng thị yến dưới màn,

Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu.

Một cung gió thảm mưa sầu,

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

Đàn tái hồi cùng Kim Trọng là chữ Tâm và đạo nghĩa tình yêu, giữ cho vẹn tròn trước sau :

Tình xưa lai láng khôn hàn,

Thong dông lại hỏi ngón đàn ngày xưa.

Nàng rằng:” Vì mấy đường tơ,

Lẩm người cho đến bây giờ mới thôi !

Ăn năn thì sự đã rồi,

Nể lòng người cũ vâng lời một phen.”

Phím đàn dìu dặt tay tiên,

Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa,

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,

Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh ?

…..

Lọt tai nghe suốt năm canh,

Tiếng nào mà chẳng não nùng xôn xao.

Chàng rằng:” Phổ ấy tay nào ?

Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy ?

Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận, đến ngày cam lại ?”

Đến đây, ta sẽ ngạc nhiên thấy Kiều từ chối kết hôn với Kim Trọng, vì trong chế độ phong kiến xưa trai có thể năm thể bảy thiếp là lẽ thường tình. Nhưng nàng lại muốn giữ nét đẹp cho trọn vẹn đôi bề :

Nàng vì chút nghĩa bấy lâu,

Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai,

Một nhà phúc lộc gồm hai,

Nghìn năm dằng dặc, quan giai lần lần,

Thừa gia chẳng hết nàng Vân,

Một cây cù mộc, một sân quế hòe,

Phong lưu phú quí ai bì,

Vườn xuân một cửa, để bia muôn đời.

 

Kết thúc truyện Kiều người thiện tâm được đền bù : Kim- Kiều tương phùng       

Kẻ ác tâm bị trừng phạt: Kiều dưới trướng tướng công Từ Hải ân đền oán trả.                                                                                                                               

 Tố Như tiên sinh gởi tâm tình trong truyện nhắc bảo người đời sống thuận ý trời phải coi trọng chữ Tâm hơn chữ Tài :

Ngẫm hay muôn sự tại trời,

Trời kía đã bắt làm người có thân,

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao, mới được phần thanh cao,

Có đâu thiên vị bên nào,

Lại cho tài sắc dồi dào cả hai,

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần Trời xa,

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Tâm trong Chinh Phụ Ngâm

Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm do Đặng Trần Côn sáng tác bằng Hán văn gồm 476 câu theo thể thơ Trường đoản cú ( câu dài câu ngắn )

Nữ sĩ Đoàn thị Điểm dịch sang chữ Nôm dưới thể thơ Song thất lục bát. Bà giỏi thơ văn, có tài, ứng đối thông minh nhanh nhẹn, sáng tác nhiều thơ văn khiến nhiều người nể phục, gọi biệt hiệu Hồng Hà nữ sĩ.

Truyện bày tỏ nỗi cô đơn lẻ loi của người chinh phụ có chồng đang chinh chiến ngoài biên ải xa.

 Ngay phần mở đầu ta đã thấy xuất hiện thuyết ‘Tài mệnh tương đố- Hồng nhan bạc mệnh’ giống như truyện Kiều :

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên,

Xanh kia thăm thẳm từng trên,

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?

Sau khi tiễn đưa chồng đi chinh chiến, chinh phụ trở về lòng buồn vời vợi, hối tiếc mình không được bằng ngựa hay thuyền để theo chàng :

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,

Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền,

Nước trong chảy, lòng phiền chẳng rửa,

Cỏ xanh thơm, dạ nhớ khó quên,

Nhủ rồi tay lại trao liền,

Bước đi một bước lại vin áo chàng.

Nhưng người cô phụ lại mang tâm trạng tưởng chừng như trái ngược. Vì song song với niềm tâm sự thương nhớ chồng, cùng vất vả một thân nuôi già dạy trẻ, lại dâng lên trong lòng nàng niềm tự hào có người chồng dũng tâm, chí khí hiên ngang, coi cái chết nhẹ tưa lông hồng, lo việc nước trước việc nhà :

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao,

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cậu Vị ào ào gió thu.

Từ ngày chàng ra đi nàng trở về cô phòng lạnh lẽo, tâm sự  sầu héo với ánh đèn hiu hắt :

 Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi,

Buồn rầu nói chẳng nên lời,

Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

Lòng sầu buồn đến nỗi quên cả tô bồi giữ gìn nhan sắc, yếu tố cần thiết của người phụ nữ :

Hà như ai hồn say bóng lẫn,

Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không,

Trâm cài xiêm thắt thẹn thùng,

Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo.

 

Hương gượng đốt hồn đà mê mải,

Gương gượng soi lệ lại chứa chan.

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.

Người buồn cảnh vật buồn theo, thật đúng như lời cụ Tiên Điền mô tả trong truyện Kiều : “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”:

Gà eo óc gáy sương năm trống,

Hoa phất phơ rũ bóng bên thềm,

Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa.

 

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in từng tấm,

Nguyệt lồng hoa, hoa thảm từng bông,

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xót đau.

Non sông vẫn còn bao trùm lửa khói chiến tranh, chàng chưa thể trở về xum họp gia đình.  Nàng càng mong nhớ, càng thấy thời gian kéo dài trong cô đơn buồn tủi :

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm thường đã có đèn biết chăng ?

 

Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,

 Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca,

Nay quyên đã giục oanh già,

Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

Thương thân phận mình bao nhiêu, lại nhớ thương chồng ngoài chiến địa bấy nhiêu

Chàng từ khi vào nơi gió cát,

Đêm trăng này nghỉ mát phương nao,

Xưa nay chiến địa dường bao,

Nỗi không muôn dặm xiết bao hãi hùng !

 

Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ,

Ba thước gươm, một cỗ nhung yên,

Xông pha gió bãi trăng ngàn,

Tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành,

Áng công danh trăm đường rộn rã,

Những nhọc nhằn nào đã nghỉ ngơi,

Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai,

Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây.

Mộng mơ và thực tế khác nhau xa, thế mà đôi khi ta lại biến giấc mơ thành hiện thực, như người chinh phụ đã thực hiện làm cái bóng theo sát bên chồng.                                                              

 Đây thật là tấm lòng trung tình, không phải là mối tình si vô vọng :

Xin làm bóng theo cùng chàng vậy,

Chàng đi đâu cũng thấy thiếp bên,

Chàng nương vầng nhật, thiếp nguyền,

Mọi bề trung hiếu thiếp xin vẹn toàn.

Như truyền thống trong đa số các truyện cổ xưa đều có hậu : gương vỡ lại lành, đoàn viên xum họp, lương duyên tái hợp, lập công hiển hách, ân đền oán trả, thù hận bỏ qua…mà ta thấy nơi truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Bích Câu Kỳ Ngộ, Nhị Độ Mai…Vì thế những nhân vật chính dù đã qua nhiều khổ ải éo le, vẫn hy vọng sẽ có một tương lai bừng sáng. 

Và Chinh Phụ Ngâm cũng không ra ngoài truyền thống đó :

Sẽ rót vơi lần lần từng chén,

Sẽ ca dần ren rén đòi liên,

Liên ngâm đối ẩm đòi phen,

Cùng chàng sẽ kết mối duyên đến già. 

Cho bõ lúc xa sầu cách nhớ,

Giờ gần nhau vui thuở thanh bình,

Ngâm nga mong gởi chữ tình,

Dường này âu hẳn tài lành trượng phu.           

Tâm trong Cung Oán Ngâm Khúc.

Truyện Cung Oán Ngâm Khúc do Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều sáng tác gồm 356 câu thơ Song thất lục bát với nhiều điển tích làm tăng thêm ý nghĩa và phong phú từng dòng thơ.

Đây là một áng văn độc thoại nội tâm bày tỏ tâm trạng nỗi đau đớn của người cung phi sau khi được vua ưu ái, rồi lại chán chê ruồng bỏ nơi cung cấm cô đơn lạnh lẽo.

Ôn Như Hầu sống vào thời quan lại nhiễu nhương, vua chúa dâm loạn trác táng, ông đã đem hình ảnh người cung phi đại diện cho nữ giới bị dùng như một đồ chơi để thỏa mãn thú tính bọn người trụy lạc, nhất là các quân vương. Đồng thời cũng nói lên triết lý : Hồng nhan bạc mệnh- Thuyết Định mệnh và cuộc đời phù du ảo mộng của con người.

Thuyết Hồng nhan bạc mệnh xuất hiện ngay phần mở đầu với những câu thơ buồn ảm đạm :

Trải vếch quế gió vàng hiu hắt,

Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,

Oán chi những khách tiêu phong,

Mà sui mệnh bạc nằm trong má đào.

Một sắc đẹp chim sa cá lặn, nghiêng nước đổ thành khiến những mỹ nhân nổi tiếng hay chị Hằng Nga cũng phải ngỡ ngàng :

Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn,

Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa,

Hương trời đắm nguyết say hoa,

Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.

 

Tài sắc ấy làm mê mệt lòng người, lôi cuốn biết bao nam nhi tài tử mong được cận kề :

Tái sắc đã vang lừng trong nước,

Bướm ong càng xao xác ngoài hiên,

Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,

Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.

Sắc đẹp được lòng quân vương cùng say mê trong cảnh ái ân suốt canh trường :

 Vẻ vưu vật trăm chiều chải chuốt,

Lòng quân vương chi chút trên tay,

Má hồng không thuốc mà say,

Nước kia muốn đổ, thành này muốn long.

 Dưới trướng quân vương có hàng trăm, hàng ngàn người đẹp, như món ăn cần thay đổi cho hợp khẩu vị, nên nhan sắc dẫu chưa tàn phai cũng bị dã tâm ruồng bỏ không thương tiếc :

Ai ngờ bỗng một năm một nhạt,

Nguồn cơn kia chẳng tát mà vơi,

Suy di đâu biết cơ trời,

Bỗng không mà hóa ra người vị vọng.

Hình ảnh người cung phi vịn tường bước lần trong bóng đêm cô phòng lạnh buốt thật tủi phận thương tâm :

Đêm năm canh lần nương vách quế,

Cái buồn này ai dễ giết nhau,

Giết nhau chẳng cái lưu cầu,

Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa !

 

Số phận nguồn cơn bạc bẽo, chỉ còn biết than thân oán trách định mệnh do trời bày đặt:

Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,

Chết đuối người trên cạn mà chơi,

Lò cừ nung nấu sự đời,

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Bây giờ mới giật mình thấy cuộc đời chỉ là phù du ảo mộng :

Thảo nào khi mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra,

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,

Đã bày trò bãi bể nương dâu.

Thôi định mệnh sắp đặt trước rồi, lòng buồn cũng đành chấp nhận duyên số hẩm hiu sống những năm tháng dài còn lại nơi cô phòng  :

Đêm phong vũ lạnh lùng có một,

Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh,

Bên tường thấp thoáng bóng huỳnh,

Vách sương nghi ngút, đèn xanh lờ mờ !

Tâm trong Lục Vân Tiên

Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm trường thi viết bằng chữ Nôm của cụ Nguyễn Đình Chiểu gồm 2082 câu thơ Lục bát bình dân mộc mạc, nhưng lại chiếm vị trí đặc biệt trong văn học Miền Nam với những nội dung chính :

Trọng tình nghĩa với cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn hữu.

Tinh thần nghĩa hiệp : Lục Vân Tiên đánh bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga.

Thực hiện khát vọng : Thiện thắng tà- Thiện Tâm thắng Ác Tâm.

Truyện đề cao đạo lý làm người phản ảnh qua nhiều nhân vật trong mọi tầng lớp xã hội như một kịch bản trường đời trùm phủ với chữ Tâm :

Vì Hiếu Tâm mà Lục Vân Tiên thương khóc mẹ đến mù đôi mắt.                                    

Thành Tâm với tình nam nữ tương kính nhau như Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.                                   

Tâm kính giữa tình thày trò và chủ tớ.

Hảo Tâm cùng bạn hữu như Vương Tử Trực và Hớn Minh.                                                                   

Thiện Tâm qua hành động cứu người của Tiều phu, Ngư Ông, Chủ quán, Kim Liên.                              

Ác Tâm như cha con Võ Thể Loan, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, bọn cướp Sơn Đài, Lang băm, Thày bói, Thày pháp, Thái sư.

Mở đầu thi phẩm tác giả đã nêu cao chữ Nhân Tâm đạo nghĩa làm người qua truyện tích Tây Minh của Trương Tải bàn về chữ hiếu và Tâm đạo :

Trước đèn xem truyện Tây Minh,

Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le,

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,

Giữ răn việc trước lánh dè thân sau,

Trai thời trung hiếu làm đầu,

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.

Tôn sư trọng đạo, thày đem tâm huyết dạy bảo trò, trò tôn kính thày luôn ghi ơn và nhớ lời thày giáo huấn :

Vân Tiên vội vã tạ ơn,

Trăm năm dốc giữa keo sơn một lời,

Ra đi vừa rạng chân trời,

Ngùi ngùi ngó lại nhớ nơi học đường.

Nam nhi chí khí đứng giữa nhân quần xã hội, thấy sự bất bình không dám can ngăn sao xứng đáng gọi là anh hùng, vì thế  Vân Tiên đã ra tay đánh bọn cướp Sơn Đài cứu Kiều Nguyệt Nga :

Nay ta đã rõ nguồn cơn,

Nào ai tính thiệt, so hơn làm gì,

Nhớ câu kiến ngãi bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.           

Sau khi đối thơ tặng vật làm tin, nàng trở về thăm cha, chàng gặp Hớn Minh, nhưng không đánh giá vẻ bên ngoài vẫn nhận ra là người bạn tốt sau này :

Vân Tiên biết kẻ chính tà,

  Hễ người dị tướng ắt là tài cao,

Chữ rằng bằng hữu chi giao,

Tình kia đã gặp lẽ nào làm khuây.                                                                                                                                                                     

Chữ hiếu cao dầy, làm con không thể quên ơn sinh thành dưỡng dục, chàng vội vàng về bái biệt song thân trước khi lên đường ứng thi :

Vân Tiên quì lạy thưa rằng :

Chẳng hơn người cổ, cũng bằng người kim,

Dám xin cha mẹ an tâm,

Cho con trả nợ thanh khâm cho rồi.

Và tâm thành như Vương Tử Trực tình bạn keo sơn thắm tiết, tưởng Vân Tiên đã chết ngậm ngùi khóc thương bạn:

Cùng nhau chịu đặng vuông tròn,

Người đà sớm thác, ta còn làm chi ?

Trong đời mấy bậc cố tri,

Mấy trang đồng đạo, mấy người đồng tâm !

 Nhưng thật ra hai  thày trò Vân Tiên bị hại bởi lang băm, thày bói, thày pháp lừa bịp, rồi lại bị hai tên bạn ác tâm Bùi Kiệm-Trinh Hâm bắt trói tiểu đồng và xô Vân Tiên xuống sông may  có ngư ông cứu vớt, còn tiểu đồng cũng được người giải thoát :

Vân Tiên mình lụy giữa dòng,

Giao long dìu dắt vào trong bực rày,

May vừa trời đã sáng ngay,

Thuyền chài xem thấy vớt ngay lên bờ.

Còn về phần cha con Võ Thể Loan biết Vân Tiên bị mù, đã thay lòng đổi dạ, khi nghe Vương Tử Trực đậu thủ khoa lại muốn kết nghĩa hai họ Vương Võ, nhưng bị Trực từ chối mắng chửi thậm tệ là tráo trở gian tâm :

Trực rằng ngòi viết đĩa nghiên,

Anh em xưa có thề nguyền cùng nhau,

Vợ Tiên là Trực chị dâu,

Chị dâu em bạn dám đâu lỗi nghì.

Trong khi Nguyệt Nga tưởng Vân Tiên đã chết, thủ tiết thờ tượng chồng, bác lời cầu hôn của cha con Thái Sư khiến ông uất hận định đem Nguyệt Nga cống cho giặc Phiên, nhưng nàng được tì nữ Kim Liên có tấm lòng bao dung thay thế :

Đốc quan xe giá sửa sang,

Kiệu trương long phụng rước nàng về Phiên.

Nào hay tì tất Kim Liên,

Đặng làm hoàng hậu nước Phiên một đời.

 

Vân Tiên nhờ thuốc tiên chữa sáng mắt, về nhà thăm cha, tế kính mẹ, thi đậu trạng nguyên rồi cùng phó tướng Hớn Minh dẹp giặc Ô Qua, xóa bỏ thù cũ, trùng phùng duyên xưa.

Trường đời lúc thịnh lúc suy, lòng người thay trắng đổi đen, cụ Đồ Chiểu đã mượn lời chủ quán gởi tâm tình thương ghét trò đời qua hình ảnh những nhân vật trong cổ sử :

Quán rằng : ghét việc tầm phào,

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm,

Ghét đời Kiết Trụ đa dâm,

Để dân đến nỗi sa hầm xảy hang,

Ghét đời U Lệ đa đoan,

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

 

Thương là thương Đức Thánh Nhân,

Khi nơi Tống,Vệ ; lúc Trần lúc Khuông,

Thương thày Nhan Tử dở dang,

Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh,

Thương ông Gia Cát tài lành,

Gặp cơn Hán mạt đã đành phôi pha.

Kết truyện là ca khúc khải hoàn, loan phụng hòa duyên, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau  :

Trạng nguyên về đến Đông Thành,

Lục ông trước đã xây dinh ở làng,

Bày ra sáu lễ sẵn sàng,

Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga,

Sui gia đã xứng sui gia,

Rày mừng hai họ một nhà thành thân,

Trăm năm biết mấy tinh thần,

Sinh con sau nối gót lân đời đời.

*Đôi dòng tâm bút kết thúc :

Với kiến thức giới hạn, người viết không đi sâu vào lãnh vực tôn giáo và tiểu sử như nhiều bài biên khảo các học giả đã thực hiện. Mục đích chỉ muốn tìm hiểu tâm tư người xưa ẩn chứa trong ca dao tục ngữ và một số thi phẩm nổi tiếng tiêu biểu nêu trên, qua những dòng thơ dẫn chứng tìm được bài học giá trị trong cuộc sống ở đời. Cũng mong các tác giả thông cảm, nếu người viết có mượn ý hay trùng hợp ngoài ý muốn.

Xin mượn 4 câu thơ kết thúc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du để dừng bút bàn về chữ TÂM :

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài,

Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh. 

Mong thông cảm những điều thiếu sót ! Tâm thành cảm tạ !

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG