Năm 2021, kỷ niệm 700 năm ngày giỗ Dante Alighieri (1265-1321), một trong những đại thi hào bất hủ của nhân loại, ngang hàng với Homer của Hy Lạp, Shakespeare của nước Anh hay Goethe của Đức (1).
Đối với người Ý, Dante Alighieri không chỉ là Nhà Thơ Tối Cao (Sommo Poeta) của Thần Khúc, một thi phẩm được coi như "Kinh Thánh" thời Trung Cổ, mà ông còn là cha đẻ ngôn ngữ của họ. Trong thế giới Công giáo, Dante thậm chí còn chiếm vị trí độc nhất vô nhị. Ba tài liệu sau đây (2) cũng đủ cho thấy điều đó:
- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, Thông điệp Trên Đỉnh Hào Quang (In Praeclara Summorum) dịp kỷ niệm 600 năm ngày mất Dante, công bố ngày 30.04.1921.
- Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Tự sắc Ca Khúc Tuyệt Đỉnh (Altissimi Cantus), dịp kỉ niệm 700 năm sinh nhật đại thi hào Dante Alighieri, 07.12.1965.
- Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Vẻ huy hoàng của ánh sáng vĩnh cửu (Candor lucis aeternae) dịp giỗ 700 năm đại thi hào Dante Alighieri, công bố ngày 25.03.2021.
Dante là ai mà được các Đấng kế vị Thánh Phêrô hết lời ca ngợi như thế?! Chẳng phải ông từng có những lời xúc phạm Đức Giáo Hoàng thời ông trong Thần Khúc-Hoả Ngục đó sao?! Sau đây là đôi nét thân thế và sự nghiệp đại thi hào Dante và đôi lời các Đức Giáo hoàng để tạm trả lời cho câu hỏi nêu trên.
1. Đôi nét thân thế thi hào Dante
Dante Alighieri (tên rửa tội là Durante Alighieri) sinh khoảng giữa tháng 5-6 năm 1265 tại thành Phirenxê và mất đêm ngày 13 rạng ngày 14 tháng 09 năm 1321 tại Ravenna, nước Ý. Xuất thân trong một gia đình quí tộc nhỏ, nhưng tuổi thơ của ông sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ khi chưa đầy 10 tuổi và mồ côi cha ở tuổi vị thành niên.
Năm 1274, khi mới 9 tuổi, lần đầu tiên Dante được gặp nàng thơ Thiện Bích (Beatrice) và trái tim chàng thiếu niên ấy đã bị "tiếng sét ái tình" bắt cóc để viết lên những áng thơ bất hủ trong tác phẩm Cuộc Đời Mới (Vita Nuova) và nhất là kiệt tác Thần Khúc.
Năm 1277, khi Dante 12 tuổi, ông được hứa hôn với Gemma di Manetto Donati. Tám năm sau, hai người chính thức kết hôn với nhau và sinh được 3 người con: Pietro, Jacopo và Antonia. Cô gái út sau này trở thành một nữ tu, lấy tên sơ Thiện Bích, trùng với tên của nàng thơ của người cha.
Dante Alighieri sống trong thời kỳ đỉnh cao của thế kỷ 13 và 14 (1265-1321), cũng là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời Trung cổ và Phục hưng. Ông là nhà thơ đầu tiên viết một tác phẩm lớn bằng tiếng bản ngữ, là một phần của phong trào được gọi là "Phong cách mới". Đó là một thời kỳ có nhiều biến chuyển, trong thế giới và trong Giáo hội.
Ông được lớn lên trong bầu khí tâm linh Kitô giáo chịu ảnh hưởng lớn bởi tinh thần thánh Phanxicô (1181-1226), vị thánh lừng lẫy mới chỉ khuất bóng 39 năm trước khi Dante chào đời. Thời trai trẻ, Dante được chứng kiến phong trào Anh em Hèn mọn cũng như các Chị em Clara khó nghèo (Dòng Thánh Clara, theo tinh thần thánh Phanxicô) lan rộng khắp châu Âu. Bản thân Dante sau này cũng trở thành một tu sĩ Dòng Ba Phanxicô, trong bậc sống gia đình. Dante hết mực sùng kính Thánh Phanxicô trong suốt cuộc đời. Ông coi Ngài thực sự là Đức Kitô thứ hai vì đã sống triệt để tinh thần Tin Mừng (x. Thiên Đàng, Ca khúc XI).
Giáo hội và đức tin khi ấy chi phối tất cả mọi khía cạnh đời sống xã hội. Tuy nhiên, như Dante cho thấy, điều đó không có nghĩa là mọi người, kể cả thành phần cao cấp nhất của Giáo hội đều sống theo tinh thần của Chúa Giêsu. Bản chất con người vốn yếu đuối, dễ nghiêng chiều về đàng xấu thay vì một đời sống sùng đạo, họ lại khước từ Lời Ngài. Đó là thời điểm để thúc đẩy đổi mới tâm linh trong Giáo hội và trên thế giới. Do đó, Dante đã viết tác phẩm "Cuộc Đời Mới", một cuộc hoán cải của chính bản thân mình và đặc biệt là "Thần Khúc" với cùng một tình yêu dành cho nàng Thiện Bích thần thánh, đồng thời nhắm tới mục đích đổi mới toàn thể nhân loại.
Về bối cảnh chính trị, trước khi nước Ý thống nhất (1861), các vùng ở nước Ý tồn tại độc lập như các tiểu quốc, chẳng hạn ở xung quanh Phirenxê có Bologna, Genova hay Venezia...vv. Các cuộc xung đột giữa các tiểu quốc, chủ yếu xảy ra giữa hai phe: Phe Ghibellini muốn dựa vào sự ủng hộ của Hoàng đế Đức để thống nhất đất nước, trong khi phe Guelfi lại muốn cậy dựa vào Đức Giáo Hoàng.
▓ (Bản đồ các vùng nước Ý)
Năm 1289, xung đột xảy ra giữa phe Guelfi của Phirenxê và phe Ghibellini ở Arezzo và Pisa. Dante thuộc phe Guelfi, tham gia và trận đánh Campaldino và bao vây lâu đài Caprona. Khi ấy, phe Guelfi thắng thế, nhưng rồi phe này lại chia rẽ thành: phe Guelfi Đen và phe Guelfi Trắng. Phe Đen tiếp tục muốn liên minh với Đức Giáo hoàng, trong khi phe Trắng (phe Dante) lại muốn Phirenxê tự chủ.
Năm 1300, sau thời gian gia nhập hội bác sĩ và dược sĩ, ông được bổ nhiệm vào hội đồng thị chính Phirenxê với chức viện trưởng (Priore) viện thẩm phán. Đó là vai trò quan tòa cao nhất trong việc bảo vệ quyền hành pháp của chính phủ. Trên thực tế, ông cùng với 5 thẩm phán khác phải đưa ra quyết định khó khăn là xét xử những thủ lĩnh hung dữ nhất của hai phe.
Dante cũng là một trong ba đại sứ được cử đến Rôma để thuyết phục Đức Giáo hoàng Boniface VIII không can thiệp vào Phirenxê. Tuy nhiên, tháng 11 năm 1301, trong khi ông đi sứ thì phe Guelfi Đen ở nhà đã đánh chiếm Phirenxê. Tháng 1 năm 1302, Dante bị phe đối lập vu cáo tội biển thủ công quỹ. Ông bị đình chỉ công vụ, bị xét xử và kết án lưu đày và buộc phải trả một khoản tiền phạt lớn. Dante đã phải rời xa vợ con, gia đình, quê hương trong nỗi đau uất hận của một kẻ bị lưu đày.
Quả thực, "Mười năm gió bụi" với những nỗi niềm cay đắng là cái giá mà thi hào Dante phải trả để cho ra đời Thần Khúc. Năm 1319, Dante nhận được lời mời đến Ravenna và được cử đến thành Vênêzia vào năm 1321, với tư cách là đại sứ. Nhưng khi trở về, Dante bị nhiễm bệnh sốt rét. Ông qua đời ở tuổi 56 tại Ravenna, vào đêm 13 và sáng 14 tháng 9 năm 1321, nơi ông còn an nghỉ cho đến ngày nay.
2. Sự nghiệp sáng tác
Năm 1290, nàng Thiện Bích qua đời khi Dante mới 25 tuổi. Đó là cú sốc tâm linh làm thay đổi cuộc đời ông. Người ta nói kể từ đó không thấy ông cười nữa. Ông chú tâm vào việc nghiên cứu triết học, thần học và chìm đắm vào đời sống tôn giáo. Bộ óc thiên tài Dante ngay từ nhỏ đã được tiếp nhận nền giáo dục phổ thông dựa trên bảy nghệ thuật (ngữ pháp, hùng biện, biện chứng; số học, hình học, âm nhạc, thiên văn học). Đồng thời, ông được trau dồi tiếng Latinh, tiếng Provence, tiếp cận các nhà thơ Latinh, đặc biệt là thi hào Vinh Dự Lưu (Virgilio), người mà ông coi là "Minh Sư" của mình. Nhưng trên hết, ông được thấm nhuần những trang Kinh Thánh, những tư tưởng triết học, thần học nhờ các trường Dòng Phan Sinh (Phanxicô) và Dòng Đa Minh đương thời.
Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nhận định:
"Chắc chắn thi phẩm của Dante Alighieri có giá trị phổ quát: với sự dàn trải mênh mông, thơ của ông ôm trọn cả trời và đất, cả vĩnh cửu và thời gian, cả những mầu nhiệm của Thiên Chúa và những sự kiện của con người, cả những giáo lý thánh thiêng và những quy luật thế tục, cả khoa học khơi nguồn trong Mạc Khải thánh và khoa học kín múc từ ánh sáng lí trí, cả bao nhiêu kinh nghiệm mà ông đã trực tiếp kinh qua cộng với những ký ức về lịch sử, những thời đại mà ông sống, và cả nền văn minh Hilạp Lamã cổ đại. Có thể nói rằng ông là tượng đài vĩ đại nhất đại diện cho thời Trung Cổ" (3).
▓ (Dante và Thánh Giáo hoàng Phaolô VI)
Ngoài kiệt tác Thần Khúc, Dante còn để lại cả chục tác phẩm giá trị khác: 1) Bông Hoa (Fiore); 2) Lời tình yêu (Detto d'Amore); 3) Các vần điệu (Le rime); 4) Cuộc Đời mới (Vita Nova); 5) Bữa Tiệc (Convivio); 6) Hùng Biện Bằng Phương Ngữ (De vulgari eloquentia); 7) Về Vương Quốc (De Monarchia); 8) Thần Khúc (Divina Commedia); 9) Các Thư tín và Thư XIII gửi Cangrande della Scala; 10) Thơ ngắn (Egloghe); 11) Vấn đề Nước và Đất (Quaestio de aqua et terra). Sau đây, người viết chỉ xin dừng lại đôi nét ở tác phẩm Cuộc Đời Mới, như là bước tiếp cận Thần Khúc.
Cuộc Đời Mới
Dante viết tác phẩm này hai năm sau khi nàng Thiện Bích (Beatrice di Portinari 1266-1290) qua đời. Đó là một tác phẩm tự truyện đầu tiên viết bằng tiếng bản xứ ở Ý, được sắp xếp theo các yếu tố tượng trưng và ngụ ngôn, bao gồm 25 bài thơ ngắn (sonetti), 4 khúc, một đoạn tự do và những trang văn xuôi đan xen nhịp nhàng.
Dante kể lại lần đầu tiên hai người gặp nhau khi lên 9 tuổi và ngay lập tức, chàng đã gặp tiếng sét ái tình. Chín năm sau đó, Thiện Bích mới chào nhà thơ lần đầu tiên. Đối với Dante, lời chào của nàng đem lại tất cả niềm sướng vui hạnh phúc cho cuộc đời ông (Dante chơi chữ, trong tiếng Ý, động từ chào salutare cũng gợi lên ơn cứu độ-salvazione). Nhưng rồi nàng gợi một viễn tượng tiên báo về cái chết của nàng.
Tình yêu Dante dành cho nàng vượt trên tình yêu thông thường, hướng tới một lý tưởng Kitô giáo. Thiện Bích có nét lịch sử tính, nhưng đồng thời, nàng cũng là hình bóng Chúa Kitô, là hiện thân của mạc khải thánh. Tình yêu Thiện Bích được lý tưởng hoá mang tầm vóc vũ trụ. Thực vậy, Dante nhìn thấy ở thiếu nữ- thiên thần này có một ý tưởng thần thánh được thể hiện trong những con số. Ông suy đến mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi: "Như vậy, nếu số ba là nhân tố sinh ra số chín, thì nhân tố này cũng là những điều kỳ diệu của số ba – tức là Ba ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vừa là ba, vừa là một. Do đó, cô nương gắn liền với số 9. Điều đó có nghĩa là nàng là số chín, nghĩa là một điều kỳ diệu, mà nguồn gốc của điều kỳ diệu này chỉ có ở Ba Ngôi" (4).
Theo Guglielmo Gorni, nhà Dante học, Cuộc Đời Mới được gợi hứng từ thánh Augustinô, (tác phẩm Tự Thuật) cũng như từ thánh Tôma và các Giáo phụ khác. Cụm từ "incipit vita nova-Bắt đầu cuộc đời mới" cũng ám chỉ một sự khởi đầu tâm linh mới (Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần). Không phải vô cớ màng Dante gán cho tác phẩm của ông, cách riêng tác phẩm Thần Khúc, với 4 tầng ý nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa đạo đức, nghĩa thần bí. Cũng không phải vô cớ mà tên nàng thơ của Dante lại là Beatrice (Thiện Bích). Trong tiếng Ý, tên gọi Beatrice gợi lên danh từ Beatitudine nghĩa là Phúc Thật, Thiện Hảo; họ của nàng Portinari gợi lên động từ portare nghĩa là mang, vác, mang đến. Như thế, tên nàng vừa gợi lên sự Thiện Hảo, Phúc Thật, được chúc phúc, đồng thời là người mang đến Phúc Thật. Nàng là ai nếu không phải là hình bóng của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, đem đến Phúc Thật cho nhân loại?!
3. Tạm kết
Đến đây, có lẽ độc giả phần nào đã hình dung ra thân thế và sự nghiệp của đại thi hào Dante và tại sao Dante lại được các Đấng kế vị Thánh Phêrô hết lời ca ngợi. Một số người lầm tưởng ông là kẻ nổi loạn chống đối Giáo hội, thậm chí lạc giáo. Tuy nhiên, Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI khẳng định:
"Giáo hội không ngại nhắc lại rằng chính Dante đã từng cất cao tiếng nói và đã khẳng khái chống lại một số vị Giáo hoàng Rôma. Ông cũng đã cay đắng khiển trách các cơ chế của Giáo hội, và các thừa tác viên đại diện Giáo hội. Chúng tôi không che đậy điều này, vì đó là một khía cạnh trong tác phẩm của ông, một phần trong tâm tính khí phách của ông (...). Ta cần lưu ý tới niềm đam mê nghệ thuật và chính trị của ông để có thể hiểu rằng vai trò quan tòa và người sửa dạy, đặc biệt là trước những lỗi lầm đáng chê trách, buộc ông phải lên tiếng. Thế nhưng những thái độ quyết liệt ấy không hề làm suy yếu đức tin Công giáo của ông cũng như lòng yêu mến ông dành cho Giáo hội" (5). Ngài nói tiếp:
"Chúng tôi tin tưởng rằng chỉ có ai biết chìm lắng thật sâu trong tâm hồn sùng đạo của thi sĩ tuyệt đỉnh này mới có thể hiểu được sâu sắc và nếm hưởng được kho tàng tâm linh tuyệt diệu ẩn giấu trong thi phẩm" (6).
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chung lời đồng điệu:
"Dante, kẻ lưu vong, người hành hương, mong manh yếu đuối, nhưng bây giờ ông mạnh mẽ trong trải nghiệm vừa sâu sắc vừa thân mật; kinh nghiệm ấy đã biến đổi ông, tái sinh ông nhờ thị kiến từ đáy Hoả Ngục, từ thân phận con người suy thoái tột cùng đã nâng ông lên thị kiến chính Thiên Chúa. Do đó, ông đứng lên như một sứ giả về một hiện sinh mới, như một nhà tiên tri của một nhân loại mới khao khát hòa bình và hạnh phúc"(7).
"Kho tàng tâm linh tuyệt diệu" mà các Ngài mời gọi vẫn đang còn ở phía trước. Viên ngọc quí vẫn còn chôn giấu trong thửa ruộng vũ trụ mang tên Thần Khúc. Ước mong gặp lại quí độc giả trong hành trình đi tìm viên ngọc ấy.
【Đình Chẩn】
(1)https://www.seventowers.ie/greatest-poets
(2) Ba tài liệu này được in lần lượt trong ba phần của Thần Khúc. Ba tài liệu cũng đã được công bố trên https://www.vanthoconggiao.net
(3) Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, Tự sắc Ca Khúc Tuyệt Đỉnh (Altissimi Cantus), dịp kỉ niệm 700 năm sinh nhật đại thi hào Dante Alighieri, 07.12.1965, số 17.
(4) Cuộc Đời Mới, chương XXIX, sẽ xuất bản sau.
(5) Tự sắc nói trên, số 10.
(6) Như trên, số 12.
(7) Tông thư đã dẫn, số 03.