Miền thánh đợi- Tác giả: Nguyễn Văn Học

Anne de Jesu



1

Đó là đêm hội hoa đăng của các vì sao. Tôi quỳ đây, trước tượng Chúa uy nghi, đôi mắt hiền từ dõi nhìn những số phận bé nhỏ của dân làng, những con chiên Chúa. Trên đầu những chiếc lá nhãn lao xao như một khúc thánh ca mà Thiên thần hát vọng từ phía trời xa. Từng giọt trăng nhỏ xuống sân, qua tán nhãn u mờ, rớt xuống đầu tôi, đang sáng láng và muốn cầu khẩn đấng Tối cao. Những cơn gió nhiều hơi nước thổi rười rượi. Có giây phút người tôi đã rung lên vì lạnh, cảm giác càng hồi hộp. Trước tượng Chúa, tôi quá bé nhỏ để cất lên những lời cầu xin. Nhưng Người là vua trên hết các vua. Những bông huệ ngoài đồng, Người còn ban cho bộ áo trắng đẹp, huống hồ một con chiên đang tận tụy theo Người.

Quỳ trước Chúa là việc thường ở các thánh lễ. Nhưng đêm nay, tôi muốn một mình chứ không phải cùng toàn thể giáo dân, muốn chứng tỏ lòng thành của một con chiên mới theo đạo. Tôi đến với Chúa tình cờ, vì nhận được hồng ân Ngài. Tôi đã sống hai mươi năm ở thế gian mới có cơ hội tìm thấy Chúa thực sự.

Trước đây, ông nội tôi là dân ngụ cư, vô thần. Cuộc sống nghèo nàn và tăm tối. Cả đời chỉ lo chạy tìm kiếm miếng ăn, hành vi và sức mạnh của cái dạ dày mới quan trọng. Nơi nhà tôi và một số gia đình khác đang sống bây giờ nằm ở một khoảng giữa làng Dân và làng Diệp. Làng Diệp theo đạo Chúa, còn làng Dân theo đạo Phật. Những người ngụ cư như chúng tôi tuy được chia ruộng đất theo chính sách của Nhà nước, nhưng vì vô tôn giáo nên vẫn thường nhận được sự coi thường của dân ở hai bên. Với người theo đạo Phật, chúng tôi theo ai hay không, thì họ cũng mặc. Chỉ người theo đạo Chúa là muốn mình có thêm những đồng môn theo chân Chúa. Cả ở hai bên, đều có những người muốn xóm ngụ cư này theo mình, đó là những người vẫn chơi với bố hoặc mẹ tôi. Một vài người chơi với chị gái, hoặc tôi.

Ông nội tôi mất đi chẳng để lại một ý niệm nào hay một lời nhắn nhủ để con cái sau này biết đường theo bên nào. Có lẽ những vất vả đã triệt tiêu hoàn toàn ý niệm tôn giáo nơi ông. Với ông, để lo được cuộc sống cho ngần ấy người con đã là quá đủ, còn đâu tâm trí để thức tỉnh.

Đánh thức về ý niệm tôn giáo với bố tôi đầu tiên phải là cái Dung, em thứ năm của tôi sau một hôm đi xem lễ bên đạo Chúa. Nó về hỏi bố, sao nhà mình không đến nhà thờ mà xem, người ta lễ đông lắm, đẹp và thiêng lắm. Bố quắc mắt lên với nó, bảo đừng có đến đó, người ta bắt đấy. Con bé cụt hứng, đứng nép vào vách, thô lố mắt nhìn. Tôi bắt gặp ánh mắt của nó, vừa hoài nghi, vừa mong đợi nhưng lại pha chút sợ sệt. Bố tôi lao đao đi ra đồng, trong cái nắng chiều yếu ớt vàng vọt.

2

Tôi là con trai duy nhất của bố. Tôi thứ hai, trên có một chị và sau đó là năm cô em gái nheo nhóc vẫn đứng dàn hàng mỗi ngày tết để chuẩn bị đi chúc Tết ông bà và họ hàng. Họ hàng nhà tôi ở cái xóm ngụ cư này đâu có nhiều, nên chỉ đi chúc đến đầu giờ chiều đã xong. Mấy đứa nhóc thắc mắc sao nhà mình không nhiều họ hàng như nhà khác để có nhiều tiền mừng tuổi. Bao giờ con lợn bé xíu của chúng cũng đói. Đói như tâm hồn chúng đang mong chờ điều gì mà không biết. Có khi, chúng vứt con lợn nhựa một góc, gấp làm tư mấy đồng bạc lẻ mình có được cho vào túi, để dần dần biến nó thành mấy cái kẹo gôm, cái kẹo lạc hoặc quả ổi. Nhiều khi bố đắng đót quay đi, rồi bảo mẹ cho thêm mỗi đứa vài đồng cho nó đỡ thắc mắc. Ai chả muốn có đông họ hàng.

Chú Duy ở bên đạo Chúa thường xuyên đến nhà chơi và rủ bố theo đạo Chúa, làm con chiên. Chú và bố là bạn trong những đêm mưa kéo vó ngoài sông, những buổi đánh giậm bởi cả hai có điểm chung là rất sát cá. Những lúc ấy, mặt của bố dài ra, đen sạm như bồ hóng vì nắng mưa bão gió, nguầy nguậy lắc đầu:

“Tao thấy những thằng bên mày khệnh khạng quá đi thôi. Có đứa chém cả mẹ còn gì. Đau hơn là anh em ruột thịt, cái lá rau nó xòe sang vườn nhau cũng đâm chém nhau. Đạo ở đâu chứ!”

Giọng bố chua như giấm và chát như bọ xít. Chú Duy cũng biết vậy, đó là sự thật. Chú không biết giải thích gì thêm. Bởi vì chú cũng chỉ theo và tin chứ không có chút lý luận nào để thuyết phục. Bố tôi tiếp:

“Đạo với tao là làm sao lo đủ cơm cho lũ nhóc này ăn.”

Chú Duy không nói thêm. Chú cũng biết rằng làng Dân và làng Diệp còn nghèo quá. Họ như nhau cả, dù một bên theo đạo Chúa, một bên theo Phật, nhưng gần gũi như anh em. Xóm ngụ cư từ xửa xưa này còn nghèo hơn nữa. Cuộc vận động không dừng lại ở đó. Bên Dân, bác Tôn cũng muốn bố tôi theo đạo Phật. Một số người xóm ngụ cư cũng theo đạo Phật rồi. Họ theo vì họ thấy người ở Dân hiền lành chất phát hơn, chứ không đầu bò củ chuối như bên Diệp. Bố bảo: “Đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến tiền và gạo, làm sao theo được ai. Thà các đấng các bậc không có tôi cho xong, có tôi chỉ tổ thêm nhuốc nhơ cả đạo và đời”. Bác Tôn nói lại là cho vui thôi, để người ta đỡ nói là vô tôn giáo. Bác dịu giọng xuống, như cơn gió vỗ về mùa hè. Nhưng chẳng nhằm nhò gì. Tâm hồn của bố đã đông cứng lại, không còn biết xúc động với cả những mùa xuân.

Đã có lúc, bố mơ ước cả thế giới này chỉ có thóc lúa và gạo, để sự no đủ diễn ra, cơn bão đói khát túng quẫn phải biến mất. Mà chuyện đó thì chỉ có thể khẩn cầu đấng Tối cao. Ước mơ thì luôn hão huyền. Bố vẫn phải vật lộn với túng quẫn gia đình và bệnh tật. Giải quyết những mối bất hòa của đàn con, mà theo ông là quá mệt mỏi với người bố hơn 50 tuổi mà có khuôn mặt của ông già bảy mươi.

Trong ý nghĩ của tôi thì bố luôn là một ông già khó tính. Nhưng có một lần, trong một trận rượu với khế và tỏi khô, bố có nhắc đến tương lai của xóm ngụ cư: “Có khi thằng Đến làm trưởng xóm ngụ cư lại hay. Mày hãy đi làm tất cả mọi việc để giúp cho dân nở mày nở mặt”. Tôi nhí nháu: “Con thì làm được gì cơ chứ”. Bố nhất quyết khẳng định: “Thằng con trai của bố phải làm được việc lớn, ít nhất là trưởng thôn”.

Những câu nói nửa đùa nửa thật ấy cho phép tôi tin rằng bố cũng có tính hài hước, và dễ gần. Nhưng những khó khăn cuộc sống là rào cản ngăn cho các thành viên mỗi khi nhắc đến tình thương. Bố còn nhấc miếng khế lên, hỏi tôi đã thấy ai chỉ uống rượu với khế và tỏi khô quanh năm chưa? Khuôn mặt bố hơi xám phủ bởi mái tóc lòa xòa, cười rung cặp mi. Đúng là tôi chưa thấy bao giờ.

3

Con chiên muộn mằn của Chúa đây, đang quỳ trước Người, ba mươi tuổi và mới theo Người được mười năm mà mắt đã sáng, đầu đã thông. Con biết rằng con đường Chúa đi lắm chông gai, chỗ nào cũng có sa-tăng bủa vây cám dỗ. Nhưng con nguyện vác thánh giá theo Người. Mỗi mùa chay, cả thế giới lại hoài ức về mùa thương khó. Đến nhà thờ, đọc ngắm Đàng thánh giá có mười hai nơi. Từ khi Chúa bị bắt đến khi chết và sống lại. Chỗ nào cũng thấy máu, ngun ngút lửa của hung tàn.

Cô bạn học cùng với tôi thời phổ thông tên Như - một cô gái có khuôn mặt của Đức Trinh nữ, làng Diệp, ngoan đạo, vừa tham gia đội Thiếu nhi thánh thể, vừa hoạt động trong Ca đoàn, hát thánh ca hay chưa ai ở Diệp bằng. Như có phần thích tôi bởi tôi học giỏi và không ham chơi như một số đứa khác. Tôi có niềm đam mê đọc Kinh thánh là do Như tác động. Trong đó có rất nhiều bài học. Cô cho tôi mượn cuốn Kinh thánh nhỏ để đọc. Sau này khi tôi thích Kinh thánh rồi, Như bảo:

“Hay là Đến theo đạo Chúa đi.”

“Gì cơ?” - Tôi hỏi lại.

“Đến theo đạo Chúa đi, bảo cả gia đình cậu nữa” - Như nhấn mạnh từng lời, đến nỗi tôi có thể nhắc lại ngữ điệu.

Tôi thực sự đang nhảy múa nỗi mong ước này trong đầu. Nhưng mình chỉ là một thằng nhóc, quyết định hay không là bố tôi, mà ông thì đang để nỗi lo cơm áo lấn át hết thảy. Ai cũng mong một chỗ dựa tinh thần, dù là chưa ý thức được điều gì đó. Nhưng có một đấng bậc nào đó để mà kính sợ, mà cầu xin thì quả là hạnh phúc. Vô tôn giáo, người khác dè bỉu, làm sao để ngẩng mặt lên với đời? Tôi không chỉ cả đời chơi với đám trẻ con và thanh niên xóm ngụ cư. Tôi muốn mình có tôn giáo, dòng máu này sẽ chảy từ đời bố tôi, đến chị em chúng tôi, những thế hệ kế tiếp nữa, mãi mãi.

“Mình rất muốn Như ạ, nhưng…”

“Sao thế?”

“Bố tớ chưa muốn. Cậu thấy đấy, mọi nỗi lo đều chất lên vai ông, còn mẹ tớ, bệnh tật đánh gục hẳn rồi, chẳng làm gì cả. Bố tớ đêm đêm lại ca cẩm đời mình sao khổ! Mẹ biết mà lòng đau thắt, vẫn chẳng làm sao gánh đỡ được cho bố.”

Tôi chẳng có ý đem chuyện của gia đình mình ra trì hoãn. Lòng tôi dâng lên khao khát và quyết tâm. Tôi đi rong bên đời, học hành và giúp đỡ gia đình, ước mơ thoát nghèo cũng là ước mơ lớn. Tôi nghĩa nếu được nhập vào đoàn chiên của Chúa, được đến nhà thờ Diệp mỗi hôm và có thể đi lễ chủ nhật nếu muốn, niềm vui sẽ nhân lên thật nhiều.

Tôi theo Như, nói dối bố mẹ đi học thêm, mỗi chủ nhật lại đến giáo đường nghe cha giảng Phúc âm, làm lễ. Rất nhiều con chiên sấp mình trước Chúa, đọc kinh và cầu khẩn.

4

Đêm đổ về khuya, chỉ có mình tôi đối diện với Chúa. Anh linh Ngài nói rằng, lòng tin của tôi sẽ giúp tôi. Bởi chỉ cần tôi có lòng tin to bằng hạt cải, tôi có thể dời non lấp biển. Trong lời răn dạy các môn đệ, Chúa nói thế.

Vầng trăng lớn trước mặt tôi đang thầm thì. Người đang cầm nắm uy quyền và sự phán xét thế giới. Người là Vua của các vua. Là sự sáng tạo. Người tạo ra tôi tớ Người để phục tùng và thống trị thế giới. Chúa hãy nghe lời con kêu van!

Từ khi theo Như đến các nhà thờ xem lễ, tôi thấy lòng mình mở ra. Cô bạn gái đáng yêu kia dốc lòng dốc sức chăm cho một con chiên đang lạc lõng, dù nghe thấy tiếng gọi của bề trên, nhưng chưa tìm thấy đường về. Như đáng yêu hơn tôi tưởng. Như học giỏi, sống đức tin, hiếu thảo với ông bà cha mẹ và người trên, nhường người dưới. Cứ như cô là một thiên sứ từ trời xuống chỉ cho tôi phải làm sao để đến Nước Trời.

Sự thật chẳng bao dung tôi. Chuyện tôi và Như thường đèo nhau đi lễ mỗi chủ nhật đến tai bố mẹ. Mọi người đều nghĩ chúng tôi yêu nhau. Và để đến được với nhau, thì người con trai phải theo con gái đi đạo Chúa. Đó là một quy định. Đạo Chúa chỉ muốn có thêm con chiên chứ không muốn mất con chiên. Nhưng tôi sợ bố biết tôi đi với Như chỉ để theo đạo Chúa. Tôi muốn bố nghĩ tôi và Như yêu nhau. Như thế, bố đỡ lo hơn.

Sau những lời căn vặn của bố, tôi chẳng thể nói ra cái ý định theo đạo. Bố bần thần bên bậu cửa, xa xăm. Ánh mắt đục mờ của bố là nỗi lo cơm áo hay cũng đang muốn thắp một niềm tin. Tôi hỏi lại: “Bố có muốn theo đạo Chúa? Rất nhiều người muốn chúng ta theo. Bố quyết định việc này đi”.

Bố nói như thể chính người đã gây ra sự ác nghiệt này - cái đói và cái nghèo. Trong đầu bố lúc nào cũng quăng quật nỗi lo đó. Ông nói như một lời ăn năn: “Bố chỉ là một kẻ rác rưởi, đã làm cho các con ra nông nỗi này”.

Mẹ đứng ở trong, nghe hết câu chuyện hai bố con. Khi tôi bước vào, mẹ nhìn tôi, đôi mắt mệt mỏi và yếu đuối. Tôi dám chắc mẹ cũng như tôi, mong mỏi nhập vào đoàn chiên làng Diệp. Mà mẹ thì không dám hé răng nói với bố.

5

Sự thể còn đến nước này: “Dân ngụ cư, đừng bao giờ mơ màng đến con gái làng Diệp!”. Đó là lời tôi nhận được từ một thằng con trai làng Diệp. Thằng này học trên tôi và Như một lớp. Thằng này quá bướng bỉnh và tàn bạo. Ngay từ tấm bé nó đã tổ chức các cuộc đánh nhau đôi khi đổ máu với Ru My, Tầm Hạ, Tầm Thượng… Đôi mắt nó tròn vo đầy màu trắng, bộ lông mày vểnh lên bạo ngược. Khi lớn lên nó vẫn luôn ngứa chân ngứa tay bắt nhiều thanh niên đến làng phải sợ. Nhà nó và nhà Như có một giao ước cho hai đứa, giống lời đính ước vợ chồng thuở ấu thơ của hai người. Như muốn phá bỏ giao ước như cái gông đeo vào cổ nó.

“Mặc nó, mình và Đến cứ đi với nhau. Mình không thích kẻ đó dù gia đình có giao ước.”

“Mình sợ lắm!”

“Đến cũng là con trai cơ mà?” Câu nói ấy bảo tôi rằng, tôi phải tranh đấu cho hành động của mình, phải bảo vệ cho hành động của mình, vì nó chính đáng.

“Phải” tôi nói, “Đến là con trai, không thể sợ sệt gì nó mà không dám đi chơi với nhau”.

Sự quyết tâm đó của tôi nhận được sự cổ vũ là nụ cười rung rinh của Như trên hai má trắng hồng. Hai đứa vẫn đi với nhau. Có lần Như hỏi: “Đến có thích Như không?”. Chưa bao giờ tôi thấy một đứa con gái táo bạo, dám hỏi bạn trai thẳng thật như thế. Tự bảo đó là tính cách của Như. Cô dám hỏi thẳng, lẽ nào tôi chịu thua kém. Tôi nói: “Mình rất thích, một người như bạn làm sao không thích cho được”.

Thế rồi hai đứa đưa nhau lên bãi bồi ông Toách ngắm hoàng hôn buông. Ngắm những cánh cò dập dờn trong màu xanh của lúa đồng. Mãi sau này, hình ảnh đẹp đẽ đó vẫn nhoi nhói trong tim tôi, khi Như không còn là của tôi nữa. Khi ấy, tay tôi quàng qua vai Như, cô ngả đầu vào đầu tôi. Êm đềm và hoang vắng.

Hành động của tôi và Như giống một sự thách thức. Hai đứa vẫn đi học và đi lễ cùng nhau. Hậu quả là tôi nhận được một trận đòn bảy phần chết một phần sống. Tôi vác giậm ra đồng. Lúa đang ngậm đòng đòng đương thì con gái phơi phới. Định kiếm ít cua về nấu canh cho mẹ ăn thì gặp thằng Bường ngay đầm sen ông Toách. Nó là kẻ đã có giao ước hôn nhân với Như. Nó lù lù như con gấu đen tiến lại tôi, hai bàn tay múp míp co lại, muốn nuốt chửng một con mồi bé xíu.

“Này thằng nhóc, tao đã cảnh báo mày tránh cái Như ra rồi. Vậy mà sao hả?”

Dù rất sợ, nhưng những lời Như nói với tôi trước đó cho tôi can đảm, để nói với Bường:

“Tao và Như đi với nhau thì liên quan gì đến mày?”

Chỉ chờ có thế, thằng này vung tay lên đấm tôi. Tôi văng cái giậm xuống, đỡ được cú đầu, nhưng cú sau thì không được. Thằng Bường quá khỏe. Tôi ngã xuống. Tức thì có ba thằng nữa từ vườn chuối lao ra. Chúng là đồng bọn của Bường. Tôi vùng dậy, nhảy xuống dòng sông nhỏ, bơi qua cánh đồng bên kia. Bường hô lên để ba thằng kia đuổi theo. Tôi chạy trên những thửa ruộng um úm nước. Áo quần bê bết nước. Ba thằng một lúc, làm sao chống đỡ nổi. Tôi cố chạy về phía Ru My, nơi có những hàng phi lao xanh ngút ngát. Ba thằng vẫn cố lao theo như ba mũi tên. Không được nữa rồi. Cú đấm của thằng Bường lúc trước vẫn còn làm tôi choáng váng, và sức lực của ngần ấy đường chạy đã vắt kiệt tôi. Có lẽ tôi phải đối mặt với sự thật này. Tôi là thằng đàn ông, và ít nhất, tình cảm tôi với Như có thể gọi là yêu rồi. Ôi cái sự yêu hành hạ con người. Tôi đứng lại để đối mặt với chúng. Ba thằng đã đến nơi, mắt chúng đầy sát khí. Tôi leo lên một gò cao đầy cỏ dại, thách thức: “Chúng mày giỏi thì xông vào”. Tôi múa mấy đường quyền mà mình đã nhìn thấy trên màn ảnh ngày đi xem ở sân Hợp tác xã. Chúng đứng dò xét một lúc rồi đồng loạt xông lên. Có thể nói là anh dũng. Tôi đánh lại ba thằng với quyết tâm của chàng Đa-vít nhỏ trong Kinh thánh, đã đánh tên Gô-li-át khổng lồ. Nhưng chẳng bao lâu ba thằng đã hạ được tôi. Gục xuống, những bàn chân như tay gấu nện xuống, hừ hự, hừ hự, liên tiếp. Tôi thấy mình tan rã trong một khoảnh khắc. Rồi bay biến trong u mê…

Gió đồng có thể đồng cảm với kẻ bị thương trong chốc lát. Và trong chốc lát này, đồng khéo vỗ về tôi bằng vài cơn gió nhẹ. Mặt trời đã khuất sau lũy tre xa. Toàn thân tôi đau nhức, ê ẩm và oặt ẹo. Cánh tay trái đã gãy gập từ lúc nào. Tôi đứng lên, cánh tay lủng lẳng như đoạn gỗ treo trên cành bằng sợi dây vải. Khi quá đau người ta sẽ rơi vào trạng thái vô cảm giác. Tôi thoi thóp lê về nhà trong ê chề đau đớn. Tôi ngã vào vòng tay mẹ tay bố…

6

Trong Kinh thánh mà thời sinh viên tôi không ngừng đọc, có đoạn: “Ta khen những kẻ chết đã lâu rồi là sướng hơn kẻ còn sống. Còn kẻ chưa đựơc sinh ra, chưa thấy những gian ác làm ra dưới mặt trời, ta cho là có phước hơn hai đằng kia. Ta cũng thấy mọi công lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người này kẻ khác ghen ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không theo luồng gió thổi. Kẻ ngu muội khoanh tay ăn lấy thịt mình”.

Bài học đó đủ để tôi mang đi theo mình, trong suốt cuộc đời đầy biến động. Dưới mặt trời, con người tự thiêu đốt nhau, bản thân mặt trời không thiêu đốt.

Ba mươi ba năm Chúa con xuống trần, chứng kiến cảnh con người tự thiêu đốt nhau. Thoạt kỳ thủy, con người được Chúa chúc phúc. Nhưng chính con người tự phá bỏ lời chúc phúc, và đặt những gánh nặng, chất tội lỗi lên vai mình. Cả lớp đại học của tôi chỉ có tôi theo đạo Chúa. Ông thầy gọi ra vỗ vai:

“Làng em công giáo toàn tòng?”

Tôi không hiểu cho lắm. Thầy giải thích đó là đạo gốc, và cả làng tôi đều hướng một lòng theo đạo? Tôi nói sự thật. Nói cả việc mình mới nhập đạo được hai năm, nhưng thích đọc Kinh thánh từ lâu, ao ước từ lâu.

“Tốt lắm. Em là kẻ có lòng tin. Em sẽ được cứu rỗi.”

Tôi bắt đầu bảo vệ cho những chân lý về đạo Chúa, bằng sự suy nghĩ về những điều mình đã đọc trong Kinh thánh, và phản đối người ta nói sai về đạo Chúa. Có lẽ, tôi phải kể chuyện này ra, để mọi người hiểu được, tôi đã tin đạo thế nào. Đó là khi ngồi uống nước tại quán cóc cùng mấy người bạn, có mấy thằng say xỉn dám tuyên xưng chính chúng là vua là chúa. Bà chủ quán đã cảnh báo lũ phạm thượng. Nhưng mấy thằng kia lấn tới.

“U có theo đạo Chúa đâu mà bảo vệ kinh thế? Chúa cũng không bằng con.” - Một kẻ nói.

“Đúng, tin gì mấy chuyện vớ vẩn! Con thấy mấy thằng bên đạo suốt đời bảo vệ Chúa của nó mà suốt đời nghèo kiết xác.” - Tên khác nói.

Tôi bắt đầu nóng mặt. Cho đến khi chúng dùng những động tác giễu nhại những cử chỉ cha đạo làm lễ ở nhà thờ mà chúng thấy đâu đó thì tôi không chịu được. Tôi đứng phắt dậy:

“Thôi đi, ai theo bên nào thì theo, nhưng hãy tôn trọng nhau.”

Mấy tên kia trừng mắt nhìn tôi. Cử chỉ của tôi đã làm chúng nóng mặt. Thế là hai bên xông vào đánh nhau. Khổ nỗi, trường tôi gần công an phường, nên chẳng bao lâu tất cả phải tán loạn chạy trốn.

7

Lý do làm sao nên nỗi cuối cùng tôi cũng nói. Bố đến tận nhà lão Khoái để kể tội thằng Bường. Cũng đến nhà ba thằng kia. Nhưng bố chỉ nhận được những cái ừ hữ suồng sã không chút thiện cảm. Một vài ánh mắt lăng loàn, bỉ ổi tiễn bố tôi khuất sau ngõ. Ông bực mình tìm đến Ủy ban nhân dân xã. Họ hứa sẽ giải quyết nhanh, nhưng gác đó cho thời gian mốc meo. Cuối cùng bố chán ngán, khuyên tôi đừng ẩu đả với chúng nó.

Tôi gặp thằng Bường sau đó. Nó lên giọng thách thức nếu còn xằng bậy với người con gái của nó, nó bẻ què cả hai tay. Tôi lờ đi, không muốn gây sự trong lúc này. Khi đi học, tôi không dám đi cùng Như. Nhưng đến trường thì vẫn bí mật gặp nhau. Như đang cố gắng thoát khỏi sự gông cùm này. Một điều vô lý đặt ra, để giờ cô con gái đang phải chịu sự cấm đoán nghiệt ngã đến vô lý.

Khi tôi ôm Như đến lần thứ hai trong vòng tay mình, thì cũng là lúc cô đổi cách xưng hô. Cô gọi “anh” và xưng “em”. Hơi thở gấp gáp. Như mềm mại và thơm nồng trong tay tôi. Cùng với niềm hạnh phúc gần như vụng trộm ấy là nỗi lo.

“Em sẽ phải làm gì đây anh? Bường là thằng rất độc ác. Đến bố mẹ hắn còn phải sợ mà chiều theo. Từ bé hắn đã được nuông chiều rồi. Hắn muốn sở hữu bằng được em.”

Tim tôi lên cơn sốt. Trong lòng dâng lên sự căm phẫn uất ức. Sao khổ thế Như ơi. Sao ra nông nỗi này. Em là hậu quả của người lớn, của sự trao đổi giữa người lớn với nhau. Tôi sẽ làm gì đây? Là một người hùng đưa Như đi trốn ư? Mà trốn đi đâu được, tôi quá nhỏ bé trong thế gian này. Hay tôi sẽ đứng lên, nói tất cả để giành lấy tình yêu, để chứng tỏ tình yêu của một thằng nhóc?

“Em hãy nói lại với bố mẹ. Đừng để chuyện này xảy ra. Chuyện hứa hôn ngày xưa, hãy coi là đùa. Em không có tội gì phải lãnh nhận hậu quả cả” - Tôi nói.

“Anh không biết chuyện giữa hai gia đình đấy thôi. Bố mẹ em và bố mẹ Bường rất thân nhau. Mà anh nghe lũ trẻ kể về Bường chưa? Hắn có thể bẻ gãy cổ đứa nào dám trêu tức hắn. Vì thế mà không chỉ trẻ con, thanh niên trong làng đứa nào cũng sợ.”

Như nói chuyện với bố mẹ cô. Bố mẹ cô cũng biết mấy tên đã đánh gãy tay tôi vì lý do gì. Ông bà không tỏ ra thương xót một đứa con gái, ngược lại vẫn ép nó làm điều nó không muốn. Cuối cùng, vì con gái khóc quá thể, ông bà hạ giọng dỗ dành: “Hãy vì gia đình này. Lão Khoái là chủ tịch xã, chỉ có lão mới giúp cho những lò gạch bố đang đun kia không bị đổ. Nhà ta ơn nhà đó bao năm rồi”. “Nhưng không vì thế mà bắt con phải hy sinh mình.” Như yếu ớt phản ứng rồi lao ra ngoài.

Những lò gạch bố Như đun ngoài bãi sông bao năm nay, như những cái lò nung dân làng. Lúa ngô vùng đó vì khói than mà chẳng bao giờ cho hoa trái. Dưới sự “bảo trợ” của lão Khoái, chúng vẫn được hoạt động và không ngừng tuôn ra khói độc.

Đứng ngoài cửa lớp học, Như nói:

“Em đã hiểu vì sao rồi, Đến ơi. Đời em thế là hết rồi. Em sẽ không được thi vào đại học, phải ở nhà lấy chồng.” Như khóc, chiếc khăn mùi soa có thêu cành hoa hồng ngày nào tôi tặng ướt đẫm. Cô không ngừng vùi mặt vào đó. Cảnh tượng đau lòng quá chừng. Tôi quá bé nhỏ trong cái thế giới này nên chẳng biết làm gì để giúp Như, giúp mình.

“Không còn cách nào ư?”

“Không, em không thể cưỡng lại được. Bố mẹ em đã rất dứt khoát.”

Chẳng phải thời Rômêô và Juliét, nên chẳng đứa nào dám chết. Tôi nhớ bài Hoa sữa của Nguyễn Phan Hách. Tôi không biết nên khuyên Như thế nào, nên chấp nhận sự thật này hay không. Như chỉ nói lại rằng có lẽ phải chấp nhận, rồi mang khuôn mặt buồn vào lớp. Dù tôi và Như cố cưỡng lại, cũng chẳng kết quả gì. Nước mắt người con gái có thể dồn thành một dòng sông, như sông Diệp vậy.

8

Có một xóm ngụ cư ở giữa làng Dân và làng Diệp, thì ngay giữa làng Diệp, có một xóm tật nguyền. Nơi đây hội tụ đến mười người tật nguyền cả trẻ em và người lớn. Người thì bẩm sinh, người do chiến tranh, kẻ khác do thứ chất độc ngấm từ thế hệ trước. Họ quẫy đạp trong đời, giành giật sự sống với quỷ sa-tăng và cái chết. Hai đứa trẻ đã chết vì bệnh quá nặng. Sức lực chúng không đủ sức chống chọi dù một cơn gió lạnh. Mắt trẻ thao láo vừa ngây thơ vừa vô hồn, mắt người già không sức sống.

Vài người lo lắng nói Chúa trừng phạt làng Diệp. Dân làng phải thay đổi cách sống và cách tư duy. Tức là họ ý thức được nhiều trường hợp trong làng ăn ở bất nhân bất nghĩa. Họ đi nhà thờ đọc kinh đó, ăn “mình thánh Chúa” đó, rồi chính họ đã làm điều ác. Bàn tay họ vấy máu và đầu óc bị quỷ cám dỗ, làm điều chúng sai khiến. Cán bộ xã nói rằng đây chỉ là hậu quả của chiến tranh, chứ không hề có sự trừng phạt nào. Chánh trương, trùm, quản của xứ đạo đã từng thưa chuyện với cha xứ, để người làm lễ giải tội, cầu xin Chúa giáng phúc. Nhưng đàn bà trong làng vẫn sinh ra trẻ tật nguyền.

Bệnh sởi, đậu mùa, uốn ván, ho lao… không ngừng hoành hành dân làng Diệp. Đêm nào cũng ít nhất mười người dâng tiền ở đền Thánh Giuse và hòm công đức, cầu xin khỏi bệnh, chưa kể ban ngày. Cha xứ quá phiền não mà sinh bệnh. Còn người dân, tiền của bao nhiêu năm làm ra ôm đi bệnh viện chữa trị. Có kẻ đã hét lên sau buổi đọc kinh tối:

“Ước gì Chúa sai thiên thần nhập vào bố tôi để ông được sáng. Ông “chưa thấy” và chưa tin. Làm gì đó để ông thấy và tin là điều rất khó. Người đàn ông đã quá quen với việc tự hành xác mình hơn là cầu cứu nâng đỡ linh hồn ấy dường như trơ như đá. Những ngày lễ, tôi luôn cầu nguyện để bố được sáng.”

Tôi đã cố gắng để được gặp cha xứ ở Hoàng Nguyên. Trước buổi lễ, Người mặc áo chùng đen, đôi mắt sáng ngời hồng ân, đeo kính lão và nụ cười nhân từ. Như dẫn tôi đến trước mặt cha, giới thiệu đây sẽ là con chiên nhiệt thành. Chúa sẽ đoái hoài đến những con chiên này. Cha bảo tôi ngồi xuống ghế, tự tay cha rót nước. Người không ngừng hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình và vì sao muốn theo đạo Chúa. Thành thực, tôi dâng lên cha những tâm nguyện của một kẻ đang đói khát tinh thần, cầu mong linh hồn được cứu rỗi. “Con cần Chúa làm chỗ dựa, là nguồn ủi an. Con cần phải biết có đấng Tối cao để con thờ. Vì thế mà con đọc Phúc âm, thưa cha.” Nhưng dường như người muốn thử thêm bản lĩnh của tôi. Cha bảo tôi sốt sắng đến nhà thờ, đi lễ vào chủ nhật và ngày lễ buộc. Tôi xin vâng, ra về, lòng tràn trề sung sướng.

Còn Như chơi vơi trong ngày phán xét của mình. Đó là khi cái cùm đeo vào cổ cô trĩu xuống. Tốt nghiệp, cô bị cấm thi vào đại học và phải ở nhà để thực hành giao ước hôn nhân. Sự vô lý đang dần giết chết tâm hồn non nớt của cô. Như đã van xin, kêu gào thảm thiết. Chỉ thằng Bường là háo hức chờ đợi lúc mà thân xác Như hoàn toàn thuộc về nó. Hắn đã từng mong ước thế giới này chỉ có hắn và đàn bà, nhơ nhởn sống và tận hưởng. Hắn sẽ làm gì với Như? Tôi hoàn toàn mất Như thật rồi. Tôi không có cách nào cưỡng lại được. Em ơi, em chỉ là niềm hạnh phúc không thể đụng chạm. Tôi đứng đây, không còn em, giống như người vô tôn giáo. Tôi có thể đã được Chúa chấp nhận, nhưng mất em…

9

Những đứa trẻ trong xóm ngụ cư đồng loạt bàn tán về tôi và đám cưới nhiều nước mắt của Như. Tôi mong chuyện này qua đi, như xưa chiến tranh, những bà mẹ mong ngày đêm cho mưa bom ráo tạnh. Tôi vất vưởng như con thú bị thương. Tôi chuẩn bị cho ngày mình phải ra đi. Tôi phải thi vào một trường nào đó, khỏi phụ công bố đã vất vả. Tri thức là chìa khóa mở ra thế giới. Cũng là chìa khóa để hiểu và tin Chúa hơn. Bố thấy tôi buồn, sợ chểnh mảng chuyện thi cử, ông nói:

“Bố có biết chuyện của con và cái Như đã sâu sắc. Nhưng nó đã lấy chồng rồi. Bổn phận của nó xong rồi, con phải xua đi nỗi nhớ, phải làm người.”

Nghe lời bố mà chân tay tôi mềm nhũn. Suýt nữa tôi đã khuỵu ngã trước bố, nhưng tôi là đàn ông, là con trai duy nhất của bố, cần phải tỏ ra cứng rắn. Trong sâu thẳm, nước mắt tôi tuôn rơi.

Mất Như thật rồi, vĩnh viễn… Tôi đã nghĩ quẩn, suýt nữa đến tận nhà nói chuyện với bố mẹ Như chuyện hai đứa. Nhưng trời ơi, ai chấp nhận lời một thằng nhóc, con của dân ngụ cư? Tôi biết Như cũng như tôi, đã khóc rất nhiều. Mà biết đâu nếu theo tôi, Như sẽ càng khổ hơn. Thôi đành, không gặp cô nữa, dù có lúc đau đớn cô đã đi tìm tôi. Tôi cần phải để Như hoàn thành hôn ước theo sự sắp đặt. Cần phải nghĩ khác, sống khác, dù năm nào hoa gạo chỗ chúng tôi hay ngồi vẫn nở hoa.

Bọn trẻ con bàn tán cả chuyện đi đạo và đi chùa. Chúng hỏi nhau giữa đi lễ nhà chùa hoặc nhà thờ và một quả cam thì chọn cái gì. Tất cả đám trẻ con đều đồng thanh sẽ chọn quả cam.

Họp hành đối với người lớn xóm ngụ cư là điều quá ư phức tạp. Họ bàn nhau để phán xét về số phận mình. Sẽ theo bên nào, đạo Chúa hay Phật. Bên nào cũng dạy con người ta phải sống nhân nghĩa. Đều dạy làm người. Kẻ thì muốn theo Phật, người muốn theo Chúa. Họ phân tích nặng nhẹ quyền lợi ở hai bên về mặt hành chính. Cũng suy xét xem đi theo bên nào chẳng mất thời gian mà cầu được ước thấy, tức là cân nhắc sự linh thiêng của các thần linh. Chúa và Phật ai cao ai thấp. Làng Dân và Diệp đều có những người thiện chí hoặc không muốn dân ngụ cư theo mình. Họp dăm bảy bận không thành, đâm cãi nhau, thế là giải tán. Người ta để cho nhau tự do. Ai thích theo bên nào thì theo.

Thằng Nhĩ con chú Nguy thích đi lễ cùng thằng Ợt ở bên đạo Chúa. Chú Nguy chẳng thích theo ai, gay gắt bắt thằng Nhĩ ở nhà nấu cám cho gà ăn. Đúng giờ thì sai Nhĩ đi mua rượu.

“Cho mày đi lễ hả? Cho mày đi tao lấy rượu đâu mà uống?” Chú Nguy quát con trong hơi men nồng nặc. Thằng bé úp mặt vào đống rơm ri rỉ gọi Ợt ơi là Ợt! Thằng bé già trước tuổi, sớm bỏ dở những trò chơi tuổi thơ để theo bạn. Nó cũng như tôi một thời. Chỉ tiếc nó chưa tìm được ai dẫn dắt để tâm hồn sáng láng hơn. Tôi không biết mình có nên đưa nó đến gặp cha xứ không.

Rồi tôi cũng quyết định đưa nó đi gặp cha xứ. Nhưng đã bị bố nó biết, nên bắt để nó ở nhà. Tôi bị mắng một trận. Chú Nguy đến tận nhà nói với bố tôi. Bố đã nói với tôi:

“Con đừng hướng dẫn lũ trẻ theo con.”

“Nó thích mà bố, tại sao lại cấm?”

“Nhưng bố mẹ nó không thích thì con đừng làm, ảnh hưởng đến hòa khí.”

Bố nói chuyện trong khi uống rượu với mấy quả khế xanh, mấy củ tỏi bóc trắng và một đĩa rau thơm. Tôi hỏi bố về chuyện quyết định nên theo bên nào. Bố bảo: “Mày không cần biết”. Lát sau, bố lại nói: “À, mày là con trai duy nhất của bố. Bố phải nói với mày là bố đang cân nhắc, từ từ đã”.

10

Bố tôi đã có thể xuôi tai mà nghe tôi, đi theo đạo nếu không có một chuyện xảy ra ở làng Diệp. Sau này, đi nhiều nơi, nhưng sự kiện ghê tởm về làng Diệp vẫn bắt tôi hình dung đến máu và nước mắt. Anh em nhà Ti Tốn cầm dao đánh nhau, đổ máu, ầm ĩ hai làng, chỉ vì cái bếp nhà Tốn đổ sang nhà Ti chết mất con gà nhép.

Bắt đầu là chuyện nhà Tốn dỡ bếp cũ để xây bếp mới. Những nguyên vật liệu rơi vãi, nát một ít rau ở vườn nhà Ti. Ti chửi bới om sòm một hồi. Vợ Ti có can ngăn nhưng cũng suýt bị chồng cho cái bạt tai, đành im bặt. Ti ôm hận vì ngày trước ông cụ chia đất cho hai anh em mà theo Ti là chưa công bằng. Ti phải được nhiều hơn thế. Bố mẹ chết, Ti kiếm cớ: “Bác Tốn không quan tâm đến bố mẹ khi sống”, rồi cấm luôn các con: “Không được sang nhà bác Tốn”. Anh em từ đó mất hết hòa khí.

Ti chửi Tốn tức lắm, nhưng có gác cái ấm ức lại đã, chẳng manh động vội. Chẳng may bức tường xây nhà Tốn lại bị đổ xuống vườn nhà Ti, làm con gà nhép đi kiếm sâu bị bẹp gí. Ti cầm dao sang nhà Tốn vung lên, lấy cớ Tốn cố tình chọc tức.

“Ông làm ăn thế quái nào? Định lấy thằng này ra làm trò cười hả? Đồ khốn!”

Lẽ ra Tốn có thể chạy, nhưng ngồi ngay cạnh cái điếu cày, Tốn sợ Ti chém nên cầm điếu lên. Ti nghĩ Tốn chuẩn bị vụt mình bằng điếu nên vung dao chém. Nhát đầu làm vỡ toạc cái điếu cày. Tốn chạy, Ti đuổi theo. Ti chém sượt vào lưng Tốn, nhát tiếp theo chém vào bả vai, gần rời tay Tốn khỏi cơ thể…

Anh em nhà này vốn có hiềm khích từ lâu, nên chỉ một chuyện tí xíu ấy cũng bùng lên lửa lớn, thiêu đốt tình ruột thịt. Chuyện lớn đến nỗi cha xứ phải về giải quyết mà không thể nào êm được. Tốn “ra lệnh” cho hai thằng con trai phải trả thù ông chú. Một thằng làm ở mỏ than Quảng Ninh bị triệu về, thằng khác ở Phủ Lý làm hàng phở. Ti sợ không dám về nhà, phải đi trốn. Vợ con Ti lo ngay ngáy, sợ hai thằng con Tốn sang đánh. Nhưng chúng đã không làm việc đó, chúng đòi bắt bằng được Ti.

Những người trong xóm ngụ cư đã không đồng lòng quyết định mình sẽ theo bên nào. Thế là hai phần ba đã theo bên Dân, theo đạo Phật. Với họ, vì làng Dân hiền hơn làng Diệp. Còn phần nhỏ còn lại đang xem xét. Tôi suýt reo lên thì sự việc kia xảy ra. Nó như một gáo nước lạnh vô tình giội vào lửa nhiệt huyết, khiến cho bố sững lại. Dân làng Diệp bao giờ cũng ương bướng, anh hùng rơm. Làng Dân hiền lành chất phác, và chẳng mấy khi có chuyện anh em cầm dao đuổi chém nhau như nhà Ti với Tốn, con tát mẹ gãy răng như thằng Hường, con dâu đẩy bố chồng già yếu ngã như chị Quyên… Tất cả những điều đó làm bố tôi mất lòng tin, không còn thiện cảm với những người theo đạo Chúa. Tất cả những điều đó ngăn cản bố tôi về với Chúa. Bố muốn theo đạo Chúa, với lý do là ngày xưa ông tôi đã một vài lần nói với bố về ông Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã bán Chúa cho quân dữ 30 đồng, rồi ân hận ném 30 đồng vào đền thờ, thắt cổ tự tử. Người ta lấy số tiền đó mua một thửa ruộng, gọi là Ruộng Máu. Chúa phải chịu đóng đinh vào thập giá. Ông tôi cười: “Chúa chỉ rẻ vậy thôi sao?”. Bố công nhận rằng, đạo nào cũng dạy con người phải tốt. Ông theo đạo Chúa vì nghĩ là cha mình gần gũi với Chúa hơn, vì ông cụ đã nói về Người. Bố muốn tìm hiểu xem tại sao Chúa chỉ có giá 30 đồng. Một lần bố nói thế dưới trăng mờ. Ông ngước lên trời, thở dài đánh thượt vẻ bế tắc. Nhưng tôi hiểu từ trong sâu thẳm ông cũng muốn có một đấng để mình cầu xin, nương nhờ.

11

Có một chuyện còn khủng khiếp hơn là những chuyện đánh đấm diễn ra ở bên đạo. Đó là chuyện đứa em gái kế bên tôi bị bỏ rơi trong tình yêu. Mười sáu tuổi đầu nào nó đã hiểu gì nhiều mùi đời. Thế nhưng trinh tiết của nó đã bị cướp mất.

Thằng Đức ở bên Dân con nhà giàu, bố là trưởng thôn Dân, đã làm chuyện đó, lợi dụng sự trắng trong ngây thơ của nó. Tôi biết là chúng có chơi với nhau, vẫn thường rủ nhau đi họp đoàn thanh niên ở đình làng, rồi hát hò văn nghệ vào những ngày lễ tết. Không hiểu nghe nó dụ dỗ thế nào mà em tôi hiến dâng. Đành rằng nhà nó có của, thế lực, thì em gái tôi cũng không có quyền buông thả. Tại sao vậy. Hỏi nó chỉ khóc, tiếng khóc nô dịch tâm hồn. Tôi định thủ một con dao dài, phải bắt chúng trả giá, rồi ra sao cũng được. Bố bảo: “Thôi, chuyện đã rồi, bỏ qua. Đừng làm con bé sợ thêm”. “Nhưng con không thể cho qua chuyện này, nó là em gái con”. Bố lắc đầu: “Mày thì làm được gì, chỉ làm mọi chuyện rối lên thôi”.

“Kìa bố.”

Bố xua tay, nhẫn nhịn như một con rùa. Mà ở đời kẻ nhẫn nhịn vẫn chịu thiệt thòi. Tôi ra ngoài, đến tối bố tìm về, dặn đi dặn lại rằng đừng làm dại. “Con mà làm dại, bị bỏ tù, bố mẹ không biết sống ra sao.” Giọng ông chưa bao giờ đáng thương như thế, đã làm nản sự quyết tâm trả thù của tôi.

Mẹ tôi bí mật đi tìm hiểu. Thằng Đức chối, chuyện này nó không làm. Nó bảo em gái tôi quan hệ với một thằng khác ở làng Diệp. Mẹ lại đến đó, cũng bị gia đình kia nổi khùng, dọa đánh, đuổi về. “Của con bà, nó không giữ gìn còn đến đây lu loa. Cút.” Mẹ tong tả về, rười rượi một nỗi nhục thắp lên cả những nếp nhăn.

Sau này, tôi hiểu tâm trạng của những thằng đàn ông con trai ở cả hai làng. Chúng không thực lòng yêu con gái xóm ngụ cư. Thằng nào yêu thật cũng bị những gièm pha cho nản lòng, rồi chỉ lợi dụng cướp sự trinh trắng. Thằng Đức muốn quậy phá. Cả thằng Hải ở làng Diệp. Hai thằng thách nhau thằng nào cướp được trinh của em gái tôi trước thì sẽ được đối phương trả tiền. Cuối cùng thằng Hải con lão Tam ở làng Diệp thắng. Lũ bỉ ổi đã đem chuyện trinh tiết của đứa em tội nghiệp ra cá cược. Giờ hậu quả xảy ra thì chúng chuồn.

Một lũ bất nhân!

12

Tôi đi học xa về, bố thông báo chuyện nhà Ti với Tốn chưa kết thúc. Tốn lại sai con chém Ti đến nỗi phải đi viện. Cuối cùng làm ra bao nhiêu tiền chỉ nuôi công an và bệnh viện.

Bố hỏi:

“Mày đã theo đạo phải không? Tao thấy người ta nói.”

Tôi bất ngờ, nhưng thấy khuôn mặt của bố không có vẻ bực bội, liền khẳng định là mình đã gặp cha xứ nhiều lần để được Người hướng dẫn. Bố ngồi bệt xuống bờ gạch, giọng hiền từ:

“Bố không cản trở các con, nhưng phải xem xét. Hãy xem người ta làm gì với nhau, làm gì với gia đình mình. Đạo Chúa có tốt thực sự không? Đạo, chắc chắn phải khởi từ tâm hồn. Con chưa hiểu đâu.”

Tôi nói:

“Con theo Chúa và đầu sáng hơn. Như chuyện học hành chẳng hạn, con đã làm được nhiều điều mà chưa bao giờ dám nghĩ sẽ thành công.”

“Trước tiên con hãy học cho tốt, để thoát khỏi nơi tăm tối này.”

Tôi xin vâng, cũng xin nói với bố thêm một điều, đó là đề nghị Người suy xét xem có nên để cả gia đình theo đạo Chúa. Điều đó rất dễ, cha xứ sẵn sàng đón nhận.

Khi nói chuyện này mẹ tôi từ đâu nghe thấy nên đế thêm vào. Thực sự mẹ quá mong mỏi một nền móng tinh thần cho gia đình tôi. Những người phụ nữ ở xóm lo lắng cho gia đình vẫn gặp và động viên nhau. Có vài người phụ nữ bên đạo thương mẹ, muốn đời mẹ êm ái hơn khi tham gia những thánh lễ. Nhưng mẹ đã quá vội vàng để giục giã bố. Điều đó nhận được sự cáu gắt của ông. Mặt bố đỏ au như con gà chọi vừa qua một trận huyết chiến. Tôi hiểu rằng, từ đây, chuyện để cả gia đình tiến dần về bên đạo là một việc cực kỳ khó khăn. Mọi hình ảnh xấu xa mà làng Diệp gây ra đều phản bội thiện chí của tôi, mẹ và các em. Tôi đã đến xin cha cho lời khuyên. Người nói rằng tôi phải bình tĩnh để thuyết phục bố. Một người đã không còn tin tưởng vào con người như bố rất khó để đổi thay.

Tôi gặp Như đang mang thai, đứng ngơ ngẩn nhìn tôi ngoài đường. Người con gái xinh đẹp hôm nào nay hom hem giống con gà gặp bão. Nỗi buồn chăng đầy lên mắt. Tôi đọc trong đó sự nuối tiếc và căm phẫn. Hai đứa đứng nói với nhau được mấy lời, rồi cô ấy xách nải chuối chín vàng ra đi, chỉ hỏi lại một câu: “Anh Đến vẫn tin Chúa đấy chứ?”.

Hẳn là Như đã rất đau buồn. Nhìn thân xác đó, khuôn mặt đó thì biết. Ngày Như cưới là ngày lòng tôi não nuột. Trước đó mấy ngày khi cha còn chưa cho lễ cưới ở nhà thờ, tôi bí mật tìm Như. Như sợ hãi tái mặt: “Anh đến đây làm gì?”. “Anh xem em thế nào?” “Em phải chấp nhận thôi chứ thế nào” - Như thở hắt ra. Cô bảo đó là nấc thang khổ ải đầu tiên mà mình phải bước, là con đường vác thánh giá theo chân Chúa. Tôi đề nghị:

“Anh không muốn thấy em thế này. Anh yêu em và muốn đưa em ra Hà Nội, ở đó anh sẽ tìm việc cho em làm, đi nhé. Không cần chuẩn bị gì đâu.”

“Không, chúng mình đi thì bố mẹ em ở nhà sống thế nào? Bố mẹ anh nữa. Người ta đoán ngay là chúng mình đi với nhau.”

“Anh không cần biết, chỉ cần mang được em đi, thoát khỏi thằng Bường, cái lời hứa chết tiệt ấy rồi ra sao cũng được.”

Như nắm lấy tay tôi, toàn thân run rẩy. Nước mắt đã giàn giụa từ khi nào.

“Anh Đến, em biết tình cảm của anh dành cho em. Nhưng như thế thì chúng ta ích kỷ quá. Chúng ta bỏ gia đình, làm sao thế được.”

Thình lình, có tiếng của bố Như phía sau: “Chúng mày tính toán gì thế? Định trốn đi hả?”. Tôi và Như thất thần. Nhưng tôi đã không bỏ chạy, đứng lại để chứng tỏ với bác Xinh rằng mình không làm điều gì khuất tất.

“Thưa bác, sao lại ép gả Như vậy? Bác thừa biết khi con gái bác lấy kẻ đó thì sẽ không có hạnh phúc mà.”

Ông quắc mắt:

“À cái thằng này, nó là con tao. Tao muốn làm gì thì mặc, liên quan gì đến mày? Biến mau và đừng làm dại điều gì!”

Tôi từ từ quỳ thụp, trước mặt bác Xinh. Cầu xin bác vì tình yêu là việc nên làm. Chẳng còn cách nào hơn thế. Tôi nói: “Cháu và Như yêu nhau. Xin bác đừng bắt Như chịu khổ. Giờ không còn chuyện ép gả như xưa. Bác hãy nghĩ cho Như, phải để Như học cao, rồi ra trường, chúng cháu sẽ cưới”.

Bác Xinh nổi giận như thể ông sẽ cầm dao mà chém tôi ngay:

“Mày là cái thá gì chứ! Chỉ là con của thằng ngụ cư, du thủ du thực. Mày mà cũng dám mơ đến con gái tao? Lại còn lên giọng giáo huấn. Khôn hồn thì cút. Con tao lá ngọc cành vàng, đừng có…”

Như bỏ chạy, bóng tha thướt trong đêm. Bác Xinh ra lệnh: “Cút mau”, rồi ông đuổi theo con gái. Lũ chó bắt đầu tru lên những tràng giận dữ. Tôi chẳng còn cách nào khác là ra về, chấp nhận những mùa trăng đắng, day dứt cả thời trai.

Bao năm, dân ở làng Dân và Diệp về căn bản vẫn sống vui vẻ hòa bình. Bên nào phụng sự đấng bậc bên đó. Chỉ lũ thanh niên choai choai thi thoảng choảng nhau đến đổ máu vì tranh giành gái đẹp và không kiềm chế được hung hăng. Đúng dịp tôi về, hay tin cha xứ và gia đình đang tìm cách hàn gắn cho đôi vợ chồng Bường và Như. Đôi này đánh nhau đến nỗi thằng Bường muốn đuổi vợ ra khỏi nhà. Hèn nào hôm trước gặp, Như chẳng thể có một giây ngơi được sự buồn. Cả hai đều ương bướng không chịu nhường nhau, cũng chẳng nghe lời nhau. Bường là thằng ác ôn. Những trận đòn được nó khởi động hết sức ác nghiệt. Nó lấy đủ thứ để hành hạ vợ. Nó thóa mạ vợ, rằng chắc gì vợ đã còn trinh. Cứ một mực khép cho vợ tội ngày trước đã từng ngủ với thằng ngụ cư. Như nói: “Ngày trước anh nói yêu tôi, giờ sao anh ác độc và bỉ ổi thế?”. “Con ranh này, tao biết bố mẹ mày chỉ lợi dụng đám cưới này thôi. Lợi dụng vì bố tao có khả năng giúp gia đình mày. Giờ bố tao cũng sắp sập rồi, mày có biết không? Bố tao sập thì bố mày cũng đi đời. Yêu ư? Tao chỉ không muốn mày rơi vào tay thằng ngụ cư. Còn tao chả yêu một đứa nào cả. Đứa đã ngủ với thằng ngụ cư như mày càng không xứng với tao.”

Như chết điếng, chạy về nhà bố mẹ, sự nhục nhã này làm sao rửa được. Cô nói chuyện thằng Bường vừa xổ ra. Bác Xinh vò đầu bứt tai bắt đầu ân hận. Bác gái trách: “Tôi đã bảo ông đừng ép con”. Bác Xinh hét: “Thôi, im mồm, đang điên tiết đây”. Bác gái im bặt.

Chuyện em gái tôi bị lũ thanh niên cá cược, cướp đi sự trinh trắng rồi cũng chìm xuống. Người ta cho qua trách nhiệm của kẻ hại và trơ lại nỗi nhục nhã của gia đình tôi. Sự uất ức này biết bao giờ giải thoát được? Bố buồn, ông lo lắng không biết sau này ai chịu thương yêu đứa con gái đã ra nông nỗi. Tôi ra sông, lúc lũ trẻ trong làng đang nhảy ùm xuống tắm trong hồ trạm bơm đầy nước chảy xiết. Thằng út con bác Xinh chới với trong nước xiết. Lũ trẻ con sợ hãi hô: “Thằng Bình bị đuối nước, thằng Bình kìa…”. Tôi lao xuống, một mũi tên, lôi được thằng Bình lên, vác lên vai, dốc ngược. Rồi cứu được nó. Nhìn thấy tôi, bác Xinh nói cảm ơn, khuôn mặt ra chiều ân hận.

Khi chuẩn bị ra phố tiếp tục học hành, tôi cố làm vơi bớt tâm trạng của bố bằng những lời hứa: “Con sẽ học hành tấn tới”. Tôi cũng động viên ông bằng tờ một triệu đồng để ăn quà, tôi đã kiếm ra tiền, tự lo trang trải. “Bố hãy suy nghĩ chuyện con đề nghị.” “Không phải bố không tính, nhưng con thấy đấy. Bố đã định nhiều lần đi gặp ông trùm làng đạo, rồi xin gặp cha xứ, nhưng mọi chuyện không mong muốn đã diễn ra.” Tôi mạnh bạo: “Bố đừng để ý đến người bên đạo, mà hãy để tâm đến Chúa nhiều hơn.” “Con cứ yên tâm đi đi.”

Tôi hiểu rằng bố đã nghĩ lại, nhưng càng muốn tin thì càng bị tác nhân bên ngoài hủy hoại niềm tin. Tôi viết thư về, động viên bố cho chuyện này qua đi, chờ dịp khác.

13

Tôi rơi vào tình trạng hoang mang. Mong sao làng Diệp đừng xảy ra chuyện gì, để có thể nhận được thiện cảm và quyết định của bố, là cả gia đình sẽ theo đạo. Nhưng người ta đã làm gì? Phải chăng Chúa muốn thử thách gia đình tôi.

Vì quá đông anh em và nheo nhóc, bố mẹ đã làm tất cả cho chị, anh em tôi rồi. Bố đã dành những gì tốt nhất cho các con. Tuổi thơ tôi bần hàn và quá ư thiệt thòi, thèm khát nhìn đám trẻ con bên đạo vào Nghĩa binh, đi học giáo lý. Có lúc vui ơi là vui. Lũ trẻ bên lương thì ca hát vui mừng mỗi độ trung thu, ngày hội làng. Lũ trẻ ngụ cư chúng tôi ngoại đạo, bìu díu nhau đi xem, còn bị xua đuổi hoặc phải nhận những cái nhìn khinh bỉ.

Bố có biết, nhưng cố tỏ ra cho mọi người rằng những trò đó chẳng đáng để chúng tôi lưu tâm. Ông mắng át đi, để chúng tôi khỏi thèm khát.

Lạy Chúa, xin tha lỗi, nhưng sao Người thử thách con lâu đến thế! Đường đến với Chúa là đến nước Thiên đàng. Sao để những kẻ tội lỗi kia canh cổng vào Thiên đàng, để cho con và gia đình hoang mang, chông chênh niềm tin. Sao không cho chúng con sức mạnh, để vượt qua tất cả?

Đứa em gái bị hại của tôi có người thương. Nhưng nó phải theo chồng đi đến một nơi rất xa để khỏi mang tiếng. Con gái đi rồi, mẹ tôi đổ bệnh. Cả bệnh cũ và bệnh mới tấn công đồng loạt lên cơ thể gầy còm yếu ớt. Tôi bỏ học về chăm mẹ. Nhưng mẹ bệnh nặng: ung thư. Nền y học bi đát vẫn bó tay với căn bệnh này. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Mẹ mất sau đó gần một năm khi tôi sắp ra trường. Bố thất thểu sống cho qua ngày đoạn tháng. Đêm đêm não nuột thở dài, âm vọng lên tán cau xao xác. Người bạn bên đạo là chú Duy vẫn đến an ủi động viên. Chú Duy thở dài vì trình độ dân trí làng mình. Có thể đó là nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn bấy lâu nay. Chú nói với bố: “Khó khăn thật đấy khi dốt nát, người ta ở nhà để tranh giành nhau từng tí đất. Bao giờ dân mình chịu học hành? Anh thật sướng vì có thằng con…”.

Chú Duy nói đúng. Khi người ta ôm lấy cái nghèo đói thì đồng thời ôm luôn cả sự ích kỷ. Cũng như chuyện làm đường tạo cảnh quan chung cho cả dân làng thì nhiều kẻ chống đối vì ảnh hưởng đến cá nhân. Nhưng số người đồng ý đông thì người ta bỏ qua những kẻ chống đối, đường làng vẫn phải hoàn thành bằng bất cứ giá nào.

Bố ôm nỗi buồn xao xác. Chú Duy gợi ý: “Bên đạo đang tu sửa một số công trình. Anh đi làm cho bên đạo mấy công, sau này có gia nhập thì dễ dàng hơn”. Câu này chạm vào điều gì đó đang mưng mủ trong tâm hồn bố, bố gắt lên, vục tay vào túi ngực lôi ra mấy đồng tiền nhàu nhĩ đập xuống bàn: “Đạo đây này, tiền chính là đạo. Tôi đã khốn nạn chẳng lo cho vợ được một cỗ áo quan tử tế khi chết thì còn đạo làm gì nữa. Tôi phải cút đi đâu đó làm để trả nợ đã”. Mặt bố đỏ gay. Bố chợt thấy mình quá nặng lời, liền xin lỗi chú Duy. Đột nhiên bố bật khóc như một đứa trẻ.

14

Nguyên vật liệu làm đường của làng Diệp bị mất cắp một số lượng lớn. Người ta bí mật cho dân quân điều tra, theo dõi những động thái trong làng. Bố tôi thường trằn trọc đêm khó ngủ, ông ra bờ chuối, có khi vác vó ra sông kéo kiếm cá cải thiện bữa ăn. Vì thế mà có kẻ nhẫn tâm đổ vạ.

Đêm khuya khoắt đó, trời muộn, khi bố đi kéo vó về thì dưới ánh đèn bão lờ mờ, ông nhìn thấy xi măng vương vãi ngoài đường làng. Ông vào cất vó, cầm xô quay ra định vét xi măng vương vãi để lát mấy viên gạch bong mạch ở cửa bếp. Khi bố đang ngồi vét xi măng thì đám tuần tra của thôn ập tới. Họ hỏi bố đang làm gì? Bố nói sự việc. Những người kia rọi đèn pin, theo vệt xi măng bị vãi. Họ dẫn vào bụi rậm, thấy cả một bao xi măng nguyên, còn một bao bị thủng tả tơi. Họ hô lên. Bố thành bị cáo.

“Ông đã ăn cắp xi măng xếp ở lán của nhà thờ.”

“Không, tôi chẳng biết gì hết. Tôi chỉ vét chỗ vương vãi ở đoạn đường gần ngõ nhà mình. Tôi không ăn cắp”- Bố giải thích.

Chuyện om sòm lan ra cả xóm. Mọi người trong gia đình tôi trở dậy. Những người hàng xóm xung quanh cũng ra xem sự việc. Bố thanh minh nhưng không ai nghe. Với họ thì “nhân chứng vật chứng đủ cả”. Bố phải chờ họ phán xét. Nói rồi họ ra lệnh kéo bố lên xã. Lũ em tôi ngằn ngặt khóc lóc van xin. Đúng là chuyện vô lý tày trời.

Cả đời bố nghèo khổ, nhưng chắc chắn ông không làm chuyện này. Bị nhốt ở nhà giam của ủy ban xã. Người ta bắt bố khai, đã bán xi măng đi đâu. Bố không nhận tội và bị đánh đập. Chịu nhốt một tuần bố vẫn không nhận tội, cuối cùng người ta tịch thu ruộng để bù vào chỗ xi măng bị mất, dù bố chưa hề khai nhận. Tôi không biết họ có làm đúng quy định của pháp luật không. Họ lại tỏ ra ban ơn cho một người dân ngụ cư nghèo khó, nên không tịch thu ngôi nhà. Người ta lấy lý do bố góa vợ, hoàn cảnh khó khăn, lại đông con nên xử nhẹ.

Tôi về thì mọi sự đã rồi. Luân lý mà ông thầy dạy triết học Thiên Chúa giáo giờ đảo lộn hoàn toàn. Tôi thưa với bố: “Chẳng lẽ bố chấp nhận sao?” Ông lắc đầu: “Không chấp nhận thì làm gì được”. Tôi nói, con sẽ đi kiện. Rõ ràng là người ta thấy bố hiền nên hãm hại bố.

Bố ngồi bất động, ngùn ngụt nỗi đau. Chiếc điếu cày run lên. Bố nói:

“Kẻ nào đó đã làm chuyện này. Để tránh tội hắn đã sắp xếp để đổ cho bố.”

“Con sẽ đấu với hắn. Con là con trai bố, con phải tìm ra luân lý.”

“Chẳng ăn thua đâu. Luân lý trong tay kẻ mạnh, bố con ta chỉ là dân ngụ cư. Con nhớ lấy.”

“Không. Con không thể để chuyện này như vậy. Ấm ức chết mất.” - Tôi hét lên, bỏ ra ngoài. Bố nhìn từ phía sau, đắng đót. Tối, gặp bố, ông vỗ vào vai bảo: “Để thắng kẻ đó, tốt hơn là nhịn đi và đi khỏi nơi này. Bố xin con, con không đủ sức làm việc này đâu”. Nghe bố, tôi để lắng xuống mọi chuyện. Không biết sau này, khi tôi đưa gia đình mình đi rồi, người ta có tìm được kẻ phạm tội, hay vẫn để hắn nhởn nhơ ngoài vòng công lý?

Tôi lại kêu lên Chúa, sao người để xảy ra chuyện này. Người còn hành hạ bố con tôi đến bao giờ nữa. Ai mà biết được những kẻ canh cổng nước Thiên đàng kia đã làm những gì. Có thể số nguyên vật liệu đó đã bị kẻ nào nuốt trôi rồi đổ vấy cho người khác. Hoặc người ta không mất mà cố tình tỏ ra mất trộm nhằm mục đích riêng. Tôi đoán thế. Tâm địa con người vẫn thường khó lường.

Giờ đã là một người có chút của ăn của để, tôi về đưa bố và các em ra phố. Tôi muốn bố nghỉ ngơi và sống vui vẻ những năm tháng cuối đời. Và còn phải cho các em gái tôi tương lai.

Những người ở xóm ngụ cư, cả bố tôi nữa, đều hết sức kinh ngạc về sự trưởng thành của tôi sau khi ra trường. Tôi cố gắng gấp trăm để có thể đi bằng đôi chân của mình. Cũng như để có những thành quả, tôi phải luồn cúi và chịu đựng, phải giả tạo, trái với lương tâm. Đúng ra tôi phải thực sự “lưu manh”. Các thầy ở trường đã cho tôi những kiến thức cần thiết để bước vào đời. Những trang đời đầu bao đắng đót chua cay khiến tôi khôn ranh. Tôi tự nhủ sẽ làm đời mình ngọt hơn khi có điều kiện.

Tôi biết tin thằng Bường đã bỏ gia đình, bỏ Như. Hắn chán ghét gia đình, tiền bạc. Bố hắn bị bắt vì cấu kết với cán bộ xã, huyện bán đất của dân cho tiền vào túi sai mục đích và thẩm quyền một cách ngoạn mục. Ông ta còn dính dáng đến nhiều chuyện làm ăn khuất tất. Mẹ hắn tiều tụy gục xuống như cây dưa bị giày vò. Trước khi đi, thằng Bường lên nhà giam gặp bố, kể tội:

“Con không muốn ở nhà nữa. Bố đã để cho tất cả dân làng người ta chửi bố, chửi con. Chính bố đã sinh ra con là một kẻ không có tình yêu. Con không biết yêu ai, chỉ biết yêu mỗi mình. Theo bố thì có Chúa không? Chắc là không?! Bởi vì con biết bố và một số người đã mưu toan đẩy dân ngụ cư đi để chiếm đất. Bố không giấu được đâu. Đạo là thế ư? Chúa là thế ư? Con hận bố”. Bường gầm lên như con thú vừa trúng tên, lao đi như phóng đao.

Lần sau tôi trở về, nghe mọi người nói Như đã bị sẩy thai. Sau nhiều mất mát giờ cô sống dật dờ, buồn tẻ, vô hồn. Suốt ngày quỳ thụp ở đền Đức mẹ, khóc lóc, van xin tha tội. Tôi ra đền vẫn thấy Như quỳ ở đó. Thấy tôi, cô ngước mắt, hỏi: “Thiên thần về thăm tôi đấy à? Tôi nhơ nhuốc lắm, đừng đến gần tôi. Đừng đến gần tôi”, rồi bỏ chạy.

Những ngày sau đó cô sống đời thực vật, cả ngày lang thang cánh đồng, nơi có những lùm cây.

Cô hát thánh ca một mình, những bài ca ca ngợi nước Trời.

Điều ngạc nhiên là cô hát hay. Chưa có ai ở làng đạo đó hát hay như cô. Có lẽ như thế, với cô là một sự thanh thản. Cô còn có người để nài van.

15

Tôi thấy đầu gối mình nhức buốt. Xương bánh chè gần như bẹt đi như chiếc bánh đa. Xung quanh tôi vẫn đầy trăng, sự u mê và thi thoảng vang lên tiếng gà gáy. Tôi về là để mang bố và các em đi ra phố, khỏi nơi này. Nhưng trước khi đi, tôi muốn quỳ mà thầm thĩ với Chúa. Muốn Người hiểu và lắng nghe lời gã trai ba mươi tuổi, con của một người ngoại đạo, tìm thấy Chúa được mười năm. Ngước mắt lên, tôi thấy mình đã ở gần tượng Chúa, cảm giác chỉ nhoài người lên là với tới được.

Con muốn tới gần Chúa, hãy để con đến gần Người. Con dấn từng bước đây, nhưng hình như chói lóa quá, không nhìn thấy gì cả. Hào quang phát ra làm cả không gian như bùng cháy. Con khao khát chân lý và đạo. Con khao khát Chúa, muốn vào cửa Thiên đàng. Chúa hãy nghe con nài van, thu nạp một con chiên yếu đuối.

Một vật gì đó đè nặng lên vai, rồi có tiếng can ngăn:

“Ngươi hãy quên Chúa của ngươi đi, hãy phụng sự ta - phụng sự cái Ác. Bởi vì cái Ác sẽ cho ngươi quyền năng và sự sung sướng.”

Con sẽ không nghe đâu. Đó là lẽ của ma quỷ. Con tin Chúa và theo Người. Con không theo ma quỷ và chịu sự xui khiến của nó. “Đồ sa-tăng, hãy cút xa khỏi ta!”. Con mạnh bạo xua đuổi ma quỷ, dù rất sợ. Ngay lập tức, con lấy lại được bằng an khi nghĩ đến Chúa đang ở bên.

“Giê-su không phải là tuyệt đối. Ông ta đã từng chết, từng đớn đau. Ngươi đã thấy những sự việc xảy ra trong nước của ông ta. Hãy nhập hộ khẩu vào nước ta, đất nước hùng mạnh và tự do. Ta cho ngươi quyền năng lãnh đạo thế giới và chính mình.” - Lời của quỷ chèo kéo.

Con biết lúc này, nhiều người có thể sa ngã mà nghe nghe quỷ ma quyến rũ, sai khiến. Nhưng con thì không. Con tuyệt đối vâng nghe lời Chúa. Con tin có Chúa. Xin hãy phù hộ giúp sức cho con chiến thắng ma quỷ. Năm xưa, Chúa cũng từng chịu ma quỷ cám đỗ. Nhưng Chúa đã chiến thắng. Móng vuốt của sa-tăng không động chạm được đến Người.

“Hỡi loài quỷ ma, ngươi đừng nhiều lời. Ta biết thế giới của ngươi. Đó là nơi tăm tối, chỉ thu nạp phường giết người, quân trộm cướp. Hãy xéo đi, đừng níu kéo ta, chỉ vô ích.”

Con đạp chân vào mặt quỷ và nhoài người về phía Chúa. Chỉ vài gang tay nữa thôi là chạm được vào Người. Khi làm được điều ấy thì quỷ dữ chỉ còn nước tháo lui. Nhưng con lại bị nó túm chân, kéo lại làm cho kiệt sức. Sự giằng co diễn ra, con toát mồ hôi. Con cảm tưởng thân thể muốn đứt làm đôi. Ngước nhìn Chúa, lóa mắt quá đi thôi. Con để ý đến cái lưỡi dài đang uốn lượn của sa-tăng, một chút lơi là, con đã bị nó kéo hụt, chẳng thể nào giữ nổi thăng bằng. Con đang trôi vào bóng tối, vào thế giới của sa-tăng. Hoảng hốt thét gào cầu cứu, tức thì có một cánh tay êm ái đưa ra kéo con lại. Con quỷ buông con và bỏ đi. Nó hô quân thét gào trong thế giới nó, đầy phẫn uất. Nó cũng ca ngợi cho thế giới chết chóc, khóc than. Chúa nhìn hiền từ, đặt con dưới chân Người. Chính Chúa đã kéo con thoát khỏi sa-tăng. Hẳn là khi kéo được con, chúng đã mừng lắm. Nhưng con đã ở đây rồi, đang ôm chân Chúa và chờ Người mang đi...

Tiếng gọi giật của bố làm tôi bừng tỉnh. Tôi mở mắt, trời đã sáng ngày. Các em tôi đứng vây quanh, lo lắng. Bố hỏi: “Con làm sao thế?”. Tôi thưa: “Con đã tìm thấy nước Trời”. Bố lắc đầu: “Mày ốm rồi con ạ, về nhà thôi”. Bố đỡ tôi đứng dậy, trên vũng ánh sáng của ngày, nơi mà đêm qua tôi đã quỳ suốt, trong một rừng ánh trăng đổ dài. Có phải tôi đã mơ màng một giấc lạ kỳ?