Khuôn mặt văn chương Công giáo đương đại-Truyện ngắn Nguyễn Trung Tây- Truyền Thống và Hiện Đại- Tác giả: Bùi Công Thuấn

Anne de Jesu

Khuôn mặt văn chương Công giáo đương đại

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN TRUNG TÂY-

truyền thống và hiện đại

***

Bùi Công Thuấn

Nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây là người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010 với bài viết “Mẹ, Mẹ Tôi”. Tác giả tự sơ lược về mình "Sinh tại Saigon, trưởng thành tại Sàigòn và San Jose, CA. Hiện đang làm việc tại Melbourne, Úc Châu."

Thông tấn xã Công giáo VietCatholics cho biết: "Nhà văn Linh mục Nguyễn Trung Tây thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.” Hiện làm Giáo sư Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu."

Đó là những dòng giới thiệu tác giả của Viêt báo đăng trên đầu mỗi truyện ngắn của Lm. Nguyễn Trung Tây[1].

TỰ TRUYỆN NGUYỄN TRUNG TÂY

Đọc một tác phẩm văn học, người đọc thường muốn biết về tác giả. Bởi tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn. Tác phẩm chứa đựng những trải nghiệm, những suy tư, những đặc điểm riêng về cá tính sáng tạo của nhà văn. Bối cảnh lịch sử xã hội và hoàn cảnh sống của nhà văn cũng chi phối quá trình sáng tác (việc chọn đề tài, nội dung, nhân vật, chủ đề, bút pháp, kiểu ngôn ngữ…). Một nhà văn Linh mục sẽ viết khác với nhà văn thế tục, bởi Linh mục viết dưới ánh sáng tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo. Tác phẩm của nhà văn Linh mục là diễn ngôn loan báo Tin Mừng. Và một nhà văn hải ngoại sống tại Mỹ sẽ viết khác với một nhà văn trong nước, bởi sự khác biệt môi trường văn hóa, khác về những vấn đề xã hội được quan tâm, và đặc biệt là khác về độc giả. Nhà văn khi viết tác phẩm luôn hình dung ra đối tượng độc giả của mình. Độc giả Việt Nam ở Mỹ, sống trong môi trường văn hóa thực dụng Mỹ, có những mối quan tâm khác với người đọc Việt Nam trong nước. Cho nên phương pháp tiểu sử (Sainte Beuve-1804-1869) được dùng trong phê bình văn học sẽ giúp soi sáng nhiều điều.

Truyện ngắn của Lm Nguyễn Trung Tây ghi lại khá rõ cuộc sống của nhà văn. Nhiều truyện ngắn gần như là “tự truyện”. Hãy nghe nhà văn kể về cuộc đời mình:

“Tôi, Công giáo, ngôn ngữ bình dân gọi đạo gốc. Chào đời được mấy ngày, tôi được mang tới nhà thờ Châu Nam đổ nước trên trán, nhận phép thanh tẩy. Sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương, rửa tội tại Hốc Môn, trưởng thành tại chợ Ông Tạ,…” (Truyện: 911 và sự thật).

“…tôi sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương, Chợ Quán. Những tháng ngày cuối của chín tháng mười ngày, Bố tôi ở trên Đà Lạt về không kịp. Mấy ngày liền, những cô y tá thấy chỉ có Mẹ và tôi (bơ vơ?) trong bảo sanh viện. Có lẽ mấy cô tiên áo trắng gọi, họp, bàn, và đoán: chắc cái cô (Bắc kỳ) này một lần (lầm) lỡ... "Hội đồng" họp, hội đồng quyết nghị! Cuối cùng một cô áo trắng, đại diện hội đồng, cầm tờ giấy Khai Sinh của tôi trịnh trọng mang vào phòng tặng Mẹ và tôi... Trên tờ khai sinh trắng tinh có con mộc đỏ chói, tên Bố để trống (đương nhiên). Tên Mẹ ghi rõ họ và tên: Hà... Tôi sinh ra tại bệnh viện Hùng Vương. Tên đầy đủ trên giấy Khai Sinh viết rõ: Hà Hùng Vương.”; “Bố tôi cũng đã từng bơ vơ nơi đất khách quê người sau một lần bỏ làng Sài Thị, Hưng Yên xuôi Nam bởi biến cố 54”.(Truyện: Bố).

Tháng 5 năm 1985 Bố tôi mất!...xương cốt, và hiện giờ là bụi tro trong hũ sành đặt tại nguyện đường Phục Sinh của giáo xứ Lộc Hưng, Sài Gòn.

“Tôi, tuổi mười ba, đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt, một trong những đại lộ thủ đô Sài Gòn dẫn về tổng hành dinh của Nam Việt Nam, chính quyền hai đời Tổng Thống (nhân vật giờ thứ 25, không tính) mới vừa tuyên bố trên đài phát thanh, chúng tôi đầu hàng. Sài Gòn, 30 tháng 4, bầu trời xanh lơ trưa mùa xuân bỗng dưng mây đen kéo tới, xám đen âm u cả một góc trời thủ đô (đừng hỏi tại sao, tôi không dị đoan mê tín, tôi chỉ diễn tả những chi mình đã nhìn thấy vào giây phút ấy). Thành phố hỗn loạn trong cơn tháo chạy! Những cột khói bốc cao! Những khuôn mặt hốt hoảng! Những giọt lệ buồn tủi! Những tiếng kêu tuyệt vọng! Những tiếng hét kinh hoàng! Những tiếng đạn nổ tung xé rách toang thịt da! Tiếng đạn súng lục xuyên thẳng đầu người nghĩa khí chết theo thành! Những hàng người nối dài cho một chỗ ngồi trên chiếc trực thăng đậu cao trên nóc tòa nhà Đại Sứ Mỹ. Tựa như những chú ruồi nhằng bay rối loạn tung tóe trên một thân xác bắt đầu lạnh, bầu trời Sài Gòn bỗng dưng ngập tràn trực thăng di tản người thân ruột thịt!...” (Truyện: 40 năm hồn đi lạc).

Ngày 30 tháng Tư năm 75, anh tôi, lính Thủy Quân Lục Chiến bước chân lên tàu tỵ nạn tại bến cảng Vũng Tàu ngay giờ phút Sài Gòn hấp hối (Truyện: 30 tháng Tư chữ trầm chữ thăng.). “…cuối thập niên 70, khi đó tôi vào tù ra khám như cơm bữa bởi tội vượt biên. Tệ hại nhất là lần bị bắt giam tại trại tù Tiền Giang năm 1978. Khi tôi được thả, trên người thiếu niên mới lớn chỉ còn trơ trọi bộ quần áo tù và một tờ giấy Lệnh Tạm Tha. Không có một đồng lận trong người để mua vé xe về lại Sài Gòn, tôi không còn chọn lựa nào khác, đành phải chìa tay…ăn mày…”(Truyện: Đám tang tử tế)

Trong truyện Dấu chấm hỏi, tác giả nói rõ hơn: “… Nó sinh ra trong Nam, thế là lãnh đủ, dính trấu, dính nợ, dính nguyên con đuôi sao chổi bay qua quẹt ngang mặt, nát đời thanh niên! Từ những năm 1978 cho tới năm 1982, nó vào tù ra khám vì tội vượt biên như cơm bữa. Tù Gò Công, tù Tiền Giang, tù Hàm Tân. Bột mì trại giam nó ăn trắng con mắt. Hồi đó, bước chân ra khỏi nhà tù Tiền Giang, nó thanh niên trắng cả hai tay. Gia sản duy nhất dính trên người chỉ còn cái quần jean bạc thếch, áo thun lủng lỗ, và tờ giấy Lệnh Tạm Tha cầm chặt.

Ơi bần cố nông đời tù!

Bước chân ra khỏi nhà tù, nó không có tiền để mua vé về lại Sài Gòn. Niềm vui được thả giờ biến mất. Trời xanh, mặt nó cũng xanh, xanh xao vì thời gian tù, xanh xao vì đói, xanh xao vì không có tiền mua vé xe đò.

Và nó mặt dầy mặt dạn lần bước ra chợ Mỹ Tho chìa tay ăn mày! Ơi quê! Ơi độn thổ! Nhưng biết sao bây giờ" Cứ giữ sĩ diện thì cầm chắc cái vé đi bộ một lèo từ Mỹ Tho về lại Sài Gòn”.

“…Rồi năm 1979 phương Bắc, Đặng Tiểu Bình thực hiện câu đe dọa dạy cho Việt Nam bài học. Phương Nam, Pôn Pốt dàn quân chặt đầu Thanh Niên Xung Phong. Hai mặt trận cùng đánh, trên chọc xuống, dưới đâm ngang. Bạn thân cùng thời, mấy tên phủi chân nhảy lên bàn thờ biến thành ma không đầu hưởng nhang khói và chuối sứ. Nó, 18 tuổi, bị tổng động viên. Nhưng bởi nhát, sợ chết, nó trốn quân dịch. Lại một thời vất vả lao đao, chốn chui chốn nhủi như những con chuột sống dưới ống cống hầm cầu!”.

Tác giả nói về tuổi 20 của mình: “Tôi cũng đã từng ở tuổi 20. Nhưng (tiếc quá!) tuổi 20 của một thời bể dâu; tuổi 20 mất niềm tin vào mình và vào người; tuổi 20 sợ hãi học đường và xã hội; tuổi 20 cương quyết bỏ đi, để lại sau lưng một quá khứ và hiện tại xám buồn trộn lẫn với một viễn ảnh tương lai bấp bênh. Sau mỗi lần vượt biên thất bại, thuyền gỗ lênh đênh trôi dạt về lại đất Mẹ, tuổi 20 chân đất bước xuống thuyền, hai tay bị còng, công an áp giải dẫn thẳng vào nhà tù Gò Công, Tiền Giang, và Hàm Tân; tuổi 20 làm bạn với muỗi, rệp, rán, chuột của xà lim và nhà tù ẩm thấp chật nghẹt tù nhân. ”(truyện: Duyên trời)

Năm 1982 tác giả vượt biên:

“Bữa hôm đó, tôi vượt biên…chuyến tàu Rạch Sỏi ngày 12/10/1982 (Truyện: Mẹ. Mẹ tôi). “…Khi đó thuyền gỗ không số nhổ neo tại Rạch Sỏi. Sau bốn ngày lênh đênh trên sóng biển xanh đậm đặc Vịnh Thái, thuyền viễn xứ đặt chân tới bến cảng Marang. Sau cùng, thuyền tỵ nạn đặt chân tới đảo Bidong, khoác lên người mã số PB 706 (Truyện: 30 tháng Tư chữ trầm chữ thăng). “Nó sống trong trại tỵ nạn Pulau Bidong, Sungai Besi của Mã Lai, rồi bay sang Bataan của Phi Luật Tân,..”;”Tháng 4 năm 1984, tôi đặt chân tới Thung Lũng Hoa Vàng, San Jose”(truyện: Dấu chấm hỏi).

Trong truyện Gốc Phi châu, tác giả kể lại công việc đi dạy thiện nguyện trong thời gian học ở Mỹ. Đó là một ngôi trường mà 98% là gốc Phi châu: “…cuối tuần thứ Sáu, em đón xe bus đi vào ghetto Nam Chicago, hướng dẫn Computer cho lớp Năm trường St. Elizabeth./ Năm sau, em thiên di về phiá đông nam, lái xe ba tiếng từ Phố Gió Chicago tiểu bang Illinois sang thẳng tới thủ phủ Indianapolis tiểu bang Indiana tham dự chương trình Internship. Lần này cũng dạy học, từ Mẫu Giáo cho tới lớp Tám tại trường St. Rita, tọa lạc trên đường Dr. Andrew Brown”.Tại đây tác giả gặp khó đủ điều. Nhiều học sinh “cá biệt”, tưởng phải bó tay, nhưng rồi cũng tìm ra “sách lược” cảm hóa bọn trẻ. Phụ huynh học sinh cũng “cá biệt” không kém, họ kiện lên Hiệu trưởng, và Hiệu trưởng “nói nhỏ” thầy, nhường nhịn phụ huynh.

Trả lởi phỏng vấn của Lan Vi ngày 05.01.2013 trên Vietcatholics, tác giả cho biết: “năm 1991 rời bỏ tất cả lên đường theo tiếng gọi của Thiên đàng”…”Tôi Bước lên bàn thánh 2002 tại Chicago, được biệt phái dạy học cho các thầy Ngôi Lời…”

Đã có lần tác giả trở lại quê nhà. “…năm 2005 nó quay về... Bạn bè, nghe tin, rủ nhau hội ngộ ở công viên Lê Thị Riêng, Sài Gòn. Hai mươi năm không gặp. thời xưa. Trong lớp 10C3, khoảng bốn mươi mấy tên, nó học dốt nhất. Môn nào cũng đội sổ! Cuối lớp! Hạng bét! Dốt dột! Dốt đặc! Trong giờ thi, thi lớn thi nhỏ, thi giữa khóa, thi cuối năm, thi tú tài, thi vô đại học, nó chuyên viên chìa tay năn nỉ bạn trai cũng như bạn gái 10C3 cho cọp dê bài! Ôi thôi, thật là xấu hổ! Thế đấy! Nhưng, tình thiệt mà nói, những người bạn 10C3, nếu có cơ hội tới Mỹ như nó, giờ này, nói theo ngôn từ mắng mỏ mẹ nó hay mắng, "Mày chỉ có nước mà đi xách dép cho người ta!"(Truyện: Dấu chấm hỏi).

Sau đó quay lại Mỹ, Lm Nguyễn Trung Tây đi phục vụ. “…hiện giờ tôi đang làm việc tại Úc Châu, từ những ngày của năm 2006. Và bây giờ 2016… Làm việc ở phố Melbourne được ba năm. Và bởi ngạt thở với đời sống chật chội phố phường, nhưng lại ước mơ được hít thở bầu trời mới, giữa tháng 12 năm 2009, tôi dọn nhà về Central Australia, sa mạc bao la, đất của người thổ dân Arrernte. Tôi đã dần dần biến thành thổ dân sa mạc: trời nóng, bật quạt và mặc quần đùi; trời lạnh, mặc vào áo khoác dầy cộm và đội mũ len lên đầu…”(Truyện: Tôi từ thiên đàng tới).

Trả lởi phỏng vấn của Lan Vi tác giả nói cụ thể hơn (đd): “Cuối 2009, tôi đã hoàn thành công tác mục vụ tại Melbourg. Sau đó tôi xin chuyển về vùng sa mạc trung tâm Úc châu, thành phố Alice Springs. Bắt đầu từ đó đến ngày hôm nay hơn 3 năm rồi, tôi làm việc với thổ dân.Tôi hiện sống với cộng đồng Ngôi Lời nhà thở Trái tim Đức Mẹ của phố Alice Springs. Tôi là phó xứ. Có một linh mục Ngôi Lời chánh xứ gốc Ba Lan và một cha Tuyên úy gốc người Nam Dương, coi sóc 2 giáo xứ: Trái tim Đức Mẹ và thánh Têrêsa. 3 năm truyền giáo, Chúa thương vẫn mạnh khỏe và ngọn lửa truyền giáo vẫn đang bùng bùng cháy trong hồn. Ở đây có 10 gia đình VN, có 3 gia đình Công giáo. Tôi đã sống San Jose (mũi phía Nam của Vịnh San Francisco), San Diego (nam Cali), Chicago (đông bắc bộ tiểu bang Illinois)”.

Sau đó tác giả đến Philippines: Sau nhiều năm phục vụ tại vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu, nhiệm sở truyền giáo mới của Linh mục là Tagaytay, Philippinnes…(lời giới thiệu truyện: 30 tháng 4 chữ trầm chữ thăng).

“Có thời nó phụ trách môn Kinh Thánh tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời, Iowa. Trường cũng có nhiều sinh viên gốc Việt Nam. Có mấy cậu hay đi theo chọc, "Cha mà ở Việt Nam, giờ dám làm giám mục".

-"Có mà! Giờ còn ở Việt Nam, dám chỉ cũng trà đá mía ghim!"

"Ông Trời mà không mang mi đặt chân tới Mỹ, nặng lắm thì giờ này cũng đã nhảy lên bàn thờ ăn xôi nghe kèn, nhẹ lắm thì cũng trà đá mía ghim".(Truyện: Dấu chấm hỏi)

Và nhà văn tự nhận xét về mình: “Tôi giờ tu sĩ bình bát, lang thang đó đây sống giữa và sống với những đời sống bên lề xã hội. Chín người con, trong đó, tôi thứ tám”(truyện: Bố)

Phần “tự truyện” của tác giả kể trên vừa là câu truyện sinh mệnh của một người Việt di dân cuối thế kỷ XX, vừa giúp lý giải những giá trị của truyện ngắn Nguyễn Trung Tây.

NHÀ VĂN CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ DI DÂN

Tường thuật của tác giả về cuộc đời mình trong các truyện ngắn (trích dẫn ở trên) đã khắc họa một nhân vật “di dân” tiêu biểu của lịch sử Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Tác giả trở thành nhân vật của chính mình, nhưng nhân vật lại mang những đặc điểm, phẩm chất con người của một thời, cả những điều bi đát và những thăng hoa thành đạt ở xứ người. Nhân vật “di dân” ấy cũng đau đáu những vấn đề tư tưởng, văn hóa và thân phận (xin đọc: Tôi hét lên, Dấu chấm hỏi, 911 và sự thật, Chuyện 40 năm: Hồn đi lạc, 30 tháng Tư chữ trầm chữ thăng, Tôi từ thiên đàng tới, Hành trình Văn Lang, Cơn mơ và giấc mộng…)

Vì sao tác giả ra đi để nhiều lần chịu cảnh tù đày trong các trại giam và nhiều lần kề cận tử sinh khi lênh đênh trên biển. Ra đi, bỏ lại tổ quốc, bỏ lại nơi chôn nhau cắt rốn, chấp nhận đánh đổi cả sinh mệnh với rủi ro, quyết định ấy thật không dễ dàng. Phải có một động lực ghê gớm thúc đẩy. Tác giả lý giải: "Ông Trời mà không mang mi đặt chân tới Mỹ, nặng lắm thì giờ này cũng đã nhảy lên bàn thờ ăn xôi nghe kèn, nhẹ lắm thì cũng trà đá mía ghim”(Truyện: Dấu chấm hỏi).

Người Việt bỏ nước ra đi cuối thế kỷ XX có nhiều đối tượng. Nhưng tựu trung, ra đi là để tìm một con đường sống mà ở trong nước họ không có lối thoát. Những năm sau 1975, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách “cải tạo Xã hội chủ nghĩa” đối với miền Nam. Trước hết là tập trung “đánh tư sản”, rồi đưa dân đi Kinh tế mới, đổi tiền. Chính sách cải tạo đối với những người lính Cộng hòa hoặc làm việc cho chính quyền Cộng Hòa. Con cái của hàng triệu gia đình ấy bị phân biệt đối xử…Thời gian ấy, tình hình chính trị có những biến động nghiêm trọng: chiến tranh biên giới 1979; Khối Đông âu và Liên xô sụp đổ đã đưa Việt Nam đến bờ vực khủng hoảng trầm trọng. Hậu quả của những chính sách “cải tạo” miền nam đã làm cho nền kinh tế Việt Nam suy sụp, đẩy hàng triệu người ra đi bằng những con thuyền nhỏ vượt biển. Hàng vạn người đã chết trên biển, cũng hàng vạn người bị hải tặc Thái Lan làm nhục và sát hại. Thảm cảnh “thuyền nhân Việt Nam” trở thành một vấn đề mà thế giới phải quan tâm. Sau đó mới có chương trình “ra đi trong trật tự”(ODP) tiến hành từ năm 1979 dưới sự hỗ trợ của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.

Khác với nhà văn thế tục, Nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây nhìn những dâu bể của cuộc sống dưới “lăng kính tôn giáo” (truyện 911và sự thật), nhìn bằng con mắt đức tin, không xuất phát từ thái độ chính trị của “bên thua cuộc”.

Đây là cảnh “thuyền nhân” gặp nạn được kể lại trong truyện Đường tử tức:

“…chuyến tàu hôm đó, con gái đụng hải tặc bị bắt hết, con trai bị chém bay đầu, chỉ còn sót lại những người già da mồi tóc bạc. Máy tàu bị gỡ, thuyền lênh đênh trên biển, không lương thực, không nước uống, người ta ăn thịt người tỉnh bơ như ăn sáng một ổ bánh mì kẹp chả lụa. Tôi nhớ bà cụ khoảng sáu mươi tuổi, đầu vấn khăn nhung gọn gàng, ngồi yên, đưa vào miệng miếng thịt nhai sần sật. Nhai hết miếng thịt, bà cụ cúi xuống, lấy gấu quần lau miệng như một thói quen thường lệ. Thấy tôi nằm mê mệt trên khoang thuyền, nhiều cặp mắt trầm tĩnh đợi chờ giây phút sẽ tới. Nhưng không, như một phép lạ, tôi đặt chân lên bờ biển Trengganu của Mã Lai với đôi mắt vàng sền sệt mầu nghệ, người ta nói bởi vì những miếng thịt người! Cao Ủy Tỵ Nạn đưa thẳng tôi vào phòng Cấp Cứu bệnh viện Sick Bay trên đảo Pulau Bidong…”.

Và đây là thảm cảnh cá nhân: “trong khi hải tặc bò lổm ngổm như cua càng trên khoang thuyền, con gái bị bắt, từng người đang bị xô đẩy lôi kéo sang tàu Thái, con trai đã bị chém đứt cần cổ mấy tên rồi. Tới phiên tôi, tên hải tặc giơ cao mã tấu xuống, tôi nhìn lên bầu trời, chỉ kịp lẩm nhẩm mấy lời thật nhanh xin lỗi bố mẹ cho những lầm lỗi. Nhưng nàng đã nhào tới, cản ngang lại đường mã tấu. Lưng người tình trung học của tôi hứng trọn đường dao. Máu đỏ vọt ra có vòi từ bờ vai thanh xuân con gái mười chín. Người đẹp tranh vẽ nhìn tôi, nàng không nhăn một vết nhăn trên trán bởi đường chém, nhưng mỉm cười, mắt từ từ nhắm lại, thân hình đổ xuống che cản lại thân xác tôi. Tôi hét lên, ngã xuống, bất tỉnh!”.

“Ngày này nối tiếp ngày kia, hết đêm dài lại tới đêm thâu, bao nhiêu con tàu quốc tế đi ngang qua nhắm mắt làm ngơ…”

Những hình ảnh thương tâm ấy sẽ làm cho trái tim “thuyền nhân” đau đớn suốt đời. Nhân vật Tôi nói với chị: “- Chị ơi, vợ em hồi đó đã có thai, hai tháng rồi…Chị tôi ôm tôi vào lòng, hai chị em cùng khóc”. Nghĩa là cả vợ lẫn đứa con hai tháng tuổi của nhân vật tôi bị hải tặc Thái Lan giết dã man.

Vấn đề tư tưởng thứ hai của người Việt tị nạn là thân phận của mình: -“Ông bạn từ đâu tới vậy?”. Người việt di dân tự hỏi: Tôi là người Việt hay tôi là người Mỹ?-Không có câu trả lời rành mạch. Văn hóa Việt vẫn còn trong huyết quản, trong não trạng, trong hơi thở. Kỷ niệm với quê hương, với người thân vẫn sống động trong ký ức. Mồ mả cha ông, tổ tiên vẫn chôn vùi trên đất Việt. Nhưng nơi ấy giờ đã thành quá khứ. Trước mặt là nước Mỹ, xung quanh là lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ mà người Việt phải hội nhập. Đứng ở hai bờ văn hóa, những người Việt thế hệ 1 không sao tìm được sự an tâm. Họ chông chênh trong thân phận lưu vong, không có quê hương.

Truyện “Tôi tới từ thiên đàng” là nỗi trăn trở khôn nguôi về quê hương, về ngôi nhà của mình. Không sao tìm được câu trả lời cho câu hỏi: -“Ông bạn từ đâu tới vậy?”. Bế tắc trong đời thực, tác giả hướng lên trời tìm câu trả lời bằng con mắt đức tin.

-“Ông bạn từ đâu tới vậy?”

Một câu hỏi đơn giản như thế thông thường được trả lời với một câu bắt đầu với chủ từ “Tôi”, theo sau là động từ “là” (trong trường hợp này động từ “là” nằm ở thì hiện tại, ngôi thứ nhất, số ít, đọc là “từ”), cuối câu là túc từ (tên của một quốc gia nào đó). Dựa vào những nét Đông phương trên khuôn mặt, thiên hạ thông thường vẫn chờ đợi tôi sẽ điền vào chỗ trống của túc từ với một danh từ, hoặc “Thái Lan” hoặc “Cambuchia” hoặc “Trung Hoa”. Nhưng nếu tôi thành thật và ngây thơ nói,- “Hiệp Chủng Quốc…”, thiên hạ đã rất nhiều lần phản ứng ngay với giọng điệu mỉa mai,
-“Ông thần? Ông đâu phải là Mỹ!...”

“Câu chuyện “Bạn từ đâu tới?” không chấm dứt ở đây… Bởi đã có những lần quay về Việt Nam công tác, tôi đã từng được/bị (người Việt) nhìn hoặc đối xử hoặc coi như một người ngoại quốc ngay trên vùng đất chôn nhau cắt rốn…”

“…Vâng! 20 năm hít thở không khí Việt Nam! 2 năm làm người vô tổ quốc lang thang trại cấm Mã Lai và trại tỵ nạn Phi! 21 năm lang thang ở Mỹ! 10 năm làm việc tại Úc Châu! Và bây giờ bạn hỏi tôi, “Anh từ đâu tới?”. Và bạn chờ đợi một câu trả lời đơn giản. Nghiêm chỉnh đi ông bạn! Đừng nói chuyện bỡn!...”

“Tôi chỉ ngón tay lên trời, bầu trời xanh xanh màu ngọc bích, khẳng đinh, “Tôi từ thiên đàng mà tới”.

Nói vậy chỉ là một cách nói cho nhẹ lòng một chút. Bởi vì, người Việt là dân định cư định canh, không phải dân du mục, nên tình quê hương là một trong những giá trị thiêng liêng. Mảnh đất cha ông để lại là tài sản vô giá con cháu phải giữ gìn. Ngày tết, con cháu đi đâu xa mấy cũng phải về quê thắp nhang đón ông bà về cùng con cháu. Vì thế thân phận “lưu vong” là một thân phận bi đát. Nó trở thành một chủ đề lớn trong dòng văn học của người Việt ở hải ngoại.

Ở Mỹ, nhà văn buộc phải thay đổi, phải thích ứng với văn hóa Mỹ. Nhưng chính sự thay đổi này lại nảy sinh nhiều bi kịch.

“Từ những năm 1984 cho tới 2006 trước khi bỏ đi xa, nó liên tục hít thở và trưởng thành trong bầu không khí Mỹ. Nó học hỏi tư tưởng thực dụng của văn hóa Mỹ. Nó học hỏi lòng tự trọng, kính trọng chính mình và kính trọng người khác, dù có là khác mầu da và tôn giáo. Nó học được tinh thần tự tin, tin vào khả năng do Ông Trời ban cho chính mình. Nó chấp nhận có những điều không thay đổi được; riêng những điều được trao tặng, nó trân trọng giữ gìn. Nếu phải ngồi làm những bài tính cho công bằng, nó nhận thấy, bà mẹ Mỹ đã cho riêng nó nhiều điều, óc thực dụng, lòng tự trọng, tính tự tin, biết chấp nhận, và tâm tri ân” (Truyện: Dấu chấm hỏi).

Và nhờ tinh thần nhập cuộc, người Việt tị nạn ở Mỹ đã thành công trong nhiều lĩnh vực: “Bởi quyết tâm và say mê xây dựng lại một đời sống mới tinh trên vùng đất mới, gia đình Việt Nam, cả bố cả mẹ lên đường nhập cuộc. Trời thu cũng như trời đông, bố mẹ tị nạn chở con tị nạn tới trường; khi con biến mất sau khung cửa, bố mẹ quay ra nhập vào dòng xe cộ ngược xuôi hướng thẳng tới công xưởng làm Technician, Assembler, bưng tô Phở, nửa đêm về sáng quét dọn quán rượu Mễ, và đủ các nghề để kiếm tiền nuôi con Việt. Ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật, bố mẹ chở con tới trường Việt Ngữ học tiếng Việt. Bởi quyết tâm và say mê xây dựng một tương lai vững chắc cho mình và cho con cái, bố mẹ Việt Nam hy sinh tất cả. Bởi thế, tị nạn Việt Nam thuở xưa biến hình. Hành trình Việt Nam hải ngoại, 40 năm viễn xứ, hành trình thành công…

Tác giả vẫn nhìn mọi việc dưới con mắt đức tin:

“Những con thuyền tị nạn đã cương quyết lên đường mặc dù biết trước hành trình tị nạn nhiều nỗi gian nan, tù tội, sóng biển, ngư phủ Thái, và xua đuổi từ phía chính quyền của những nước lân bang. Mà thật sự là như vậy, nhiều con thuyền gỗ xuất phát từ cửa biển Việt Nam đã không bao giờ cặp bến. Biển xanh đã biến thành mộ phần cho nhiều mảng thuyền tị nạn và thân xác Việt Nam, những máu đỏ da vàng quyết tâm lên đường bởi mê say hít thở không khí tự do. Những con thuyền còn lại cặp bến (dù có là rách nát!) hoàn toàn nhờ vào Ơn Trời. Không có Ơn Trời, thuyền tỵ nạn và thuyền nhân sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân lên bờ, bước đi những bước chân tự do” (truyện: Duyên Trời).

Tuy nhiên, người Việt sống tình nghĩa thủy chung. “Óc thực dụng” là điều trái với văn hóa và đạo đức Việt. Nhiều bi kịch xảy ra với người Việt tị nạn khi đối mặt với xã hội thực dụng Mỹ.

Trong truyện Bố Việt Nam và những đức tình bố, tác giả trình bày thực trạng một gia đình Việt Nam. Trong gia đình ấy, bà vợ hai tay hai máy ở sòng bài. ”…bây giờ gặp bà vợ cầm guốc gỗ đập chan chát vào đầu ông chồng giữa nơi thanh thiên bạch nhật, thiên hạ vẫn thản nhiên tỉnh bơ bỏ đi một nước”. “thằng con hỗn như gấu mấy roi cũng phải cẩn thận, bởi coi chừng nó nhấc phôn gọi cảnh sát. Tù mọt gông!

Rồi tác giả khuyên những ông bố:

“Ngoài kiên nhẫn, tôi nghĩ bố Việt Nam ở hải ngoại cũng không nên bắt chước thói trăng hoa của ông cựu Tổng Thống Bill Clinton…Cho nên, bố Việt Nam, làm ơn, cũng nên cẩn thận. Về Việt Nam tìm cô Tấm, kiếm hoa thơm, ngoài bệnh Aids, Sida, mồng gà trái khế, cũng hãy coi chừng có ngày dẫm lên vết xe đổ của ông nhà giàu vô danh!”

Tác giả còn khuyên những ông bố cần phải hiểu biết:

“Ông thần nước mặn ơi! Bố Việt Nam ở hải ngoại ngoài kiên nhẫn và thủy chung là những đức tính cần phải có, ông ta cũng nên hiểu biết một chút. Bây giờ đang sống ở Mỹ, mà ông cứ nằm dài ở trong nhà, đi ra đi vào sai vợ sai con như sai người ở con sen của cái thời trước năm 75. Lời thật thì ưa mích lòng, nhưng nói thì vẫn phải nói…Ông thì khó tính như quỷ, mà con trai của ông nó chỉ mới trốn biệt ở trong phòng chát chát với bạn bè; còn con gái của ông thì nó chỉ mới son phấn sức nước hoa CK bỏ đi chơi với bạn bè của nó… quanh năm suốt tháng lúc nào cái mặt của ông cũng hầm hầm giống như thù cha chưa trả, như mắc bệnh táo bón kinh niên! Hèn chi con cái nó né gặp mặt ông tối đa. Chẳng trách chi, đi làm vừa mới về, vợ ông không bỏ đi tếch thẳng một nước tới sòng bài cũng uổng!”.

Và đây là những bi kịch.

Truyện Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh kể rằng, bà Tân qua Mỹ diện con lai. Bà ở với chồng và 5 đứa con. Bà nghiêm nhặt trong giáo dục con cái và siêng năng việc nhà thờ... Đùng một cái, chồng và thằng con lai chết cùng một lúc. Một người hàng xóm qua Mỹ sau bà, biết rõ bà là “me Mỹ”. Họ “tám” chuyện: Ông Tân là chồng thứ nhất. “Hai thằng Mỹ trước đâu có đám cưới đám hỏi gì mà chồng với vợ. Hồi đó con mụ đi làm sở Mỹ, rồi vác cái bụng bầu. Ông bố cấm cửa không cho quay về nhà. Sau khi sanh ra con Hương, con mẹ thuê nhà trên Sài Gòn, mướn người vú em trông con. Mấy năm sau, trước 75 mấy tháng, con mụ lại vác cái ba lô ngược. Lần này sinh ra thằng Dương. Con Hương với thằng Dương là hai chị em cùng mẹ khác cha. Ba đứa còn lại là con của ông Tân. -Bà Tân gặp ông Tân lúc nào vậy? - Hồi đó thằng cha đi bán xổ số, con mẹ bán cà-phê. Rổ rá cạp lại sinh ra ba đứa con. Rồi được đi Mỹ theo diện con lai.” Trước miệng đời ác độc, bà Tân chỉ im lặng và khóc.

Trong truyện Xuân bất tái lai, bi kịch là của một người đàn ông bị vợ bỏ vì “tình dục đã hết”:

“Ba mặt con, bon chen kèn cựa tới lui, Thái vẫn không vượt quá khỏi bàn giấy văn phòng. Quay đi quẩn lại cũng vẫn chỉ loay hoay với dân thất nghiệp, dân chửa hoang, dân tái định cư của Sở An Sinh Xã Hội. Tình yêu biến mất. Nàng bỏ đi không lời giã từ. Một năm sau, nàng ghé nhà nói hai đứa lên tòa ký giấy. Thái nói: Không!

Tối hôm đó Thái trằn trọc trên giường. Hồi xưa cứ tưởng tình yêu bền vững đời đời…Lấy nhau, ở với nhau, biết tẩy nhau, bỏ nhau. Tình nghĩa vợ chồng nên giải thích theo một cách khác. Tình đây không phải tình yêu mà tình dục…Thái biết tình dục đã hết, tình nghĩa bốc hơi. Thì thôi! Giữ lại gót sen làm chi? Thái quyết định giữ ba đứa con…”; ”Gần năm năm trôi qua, vợ Thái đã lên xe hoa với người khác”.

Đây là bi kịch của một người trẻ tuổi: Trong truyện Quán rượu nửa đêm, nhân vật Đình đã kể cho người Bartender nghe “câu chuyện của một người có bố có mẹ, nhưng trở thành mồ côi. Sau cùng nó gặp lại mẹ, nhưng vẫn cảm thấy lạc loài không có bố”. Đình hay tới quán uống rượu. Cậu ta đang học Cử nhân ngành tâm lý. Đình kể:

…Bố tôi vượt biển, bỏ lại mẹ tôi và tôi khi đó đang còn là một bào thai. Ông ta tới trại tỵ nạn, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Trong gần 10 trời ông không viết thư về cho gia đình ngoại trừ lá thư báo tin đã tới đảo Pulao Bidong. Sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi xoay sở làm đủ nghề. Nhưng bà ấy hiền quá, bị hết người này tới người kia gạt gẫm. Cuối cùng gia tài và sản nghiệp nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng mới cưới tan theo mây khói. Túng quẫn, mẹ tôi đi ở đợ, làm mướn, sau cùng bế tôi đi…đi…đi ăn xin. Một thời gian đủ dài tôi được nuôi sống bởi những hạt cơm bố thí của thiên hạ. Bà ngoại tôi, một góa phụ từ hồi còn trẻ, một tay nuôi hai cô con gái nên người, không đồng ý cho mẹ tôi lấy người đó. Nhưng mẹ tôi cãi lại lời bà ngoại. Ngày hai người làm đám cưới, bà ngoại nằm ở trong nhà, quyết định không nhận mặt con rể. Sau khi cưới, bố mẹ tôi dọn nhà lên thành phố. Nghe bà con lối xóm kể chuyện gặp con gái bế thằng cháu ngoại đi ăn xin, bà ngoại đón xe lên thành phố ngồi đợi ở chợ nơi mẹ tôi ngày ngày ngửa tay xin tiền của thiên hạ. Mẹ tôi không chịu về làng nhưng chấp nhận để bà ngoại mang thằng cháu đi. Theo lời Dì Hoa, em gái duy nhất của mẹ tôi kể lại, khi đó tôi được 2 tuổi, sài đụi, ghẻ lở, xanh lét như những lá trầu không bà tôi hằng ngày mang ra chợ bán. Bồng tôi về, bà ngoại nấu nước tắm với sả và phèn chua chữa bệnh ghẻ cho tôi. Bà nấu cháo pha đường, mua sữa hộp nuôi thằng cháu. Dì Hoa ngày ngày chạy qua cho tôi bú thép. Tôi lớn lên bên vườn trầu không xanh tươi sau nhà. Nhưng, hai năm sau khi tôi được 4 tuổi, bà ngoại qua đời. Dì Hoa mang tôi về nhà nuôi với ba đứa con. Ở với dì được khoảng 2 năm, cả nhà dì tôi được đi sang Mỹ theo diện H.O. của chú tôi, dượng Ba. Một người bạn thân của mẹ tôi, bà ta có hai người con đang ở ngoại quốc, mang tôi về nhà. Một năm sau, bà ta bay sang Pháp đoàn tụ với con gái của mình. Cuối cùng người ta bỏ tôi vào Viện Cô Nhi Tình Thương do mấy Sơ Áo Trắng Dòng Thánh Phaolô phụ trách.

Ngày mẹ tôi nhận được giấy bảo lãnh, bà đến Viện Cô Nhi xin lại con mình. Khi đó tôi đã được 12 tuổi. Nhìn người đàn bà xa lạ, tôi không chịu đi theo…

Đình kể tiếp: Năm 13 tuổi, anh sang Mỹ. Nhưng mãi đến khi anh 17 tuổi anh mới nhận mẹ: “tôi giơ tay ra nắm bàn tay của người đàn bà đã sinh ra tôi, bế tôi đi ăn xin 2 năm trời, và tôi mở miệng gọi “Mẹ ơi” ”.

Còn người bố, Đình kể tiếp: “Bố tôi? Người đã bỏ mẹ tôi và tôi gần 10 năm, không một lần liên lạc ngoại trừ lá thư khi mới tới đảo và giấy tờ bảo lãnh; hồi xưa, tôi tưởng bởi vì ông ta cực nhọc vất vả với đời sống mới. Về sau tôi mới biết có một thời ông ta ở với một người đàn bà, một người tình nhân cũ. Hai người chung vốn mở tiệm Phở. Tiệm ăn đông khách lắm. Nhưng cuối cùng người đàn bà gạt ông ta qua một bên, chiếm lấy tiệm Phở. Thế là ông ta trắng tay. Sau biến cố đó, ông làm giấy tờ bảo lãnh mẹ con tôi qua Mỹ”.

Đình đã sống trong dằn vặt khôn nguôi của nỗi bất hạnh. Mãi đến năm thứ ba Đại học, khi học lớp Triết, Đình được Linh mục dạy triết tên là Tiến khai ngộ: “Nếu con nhắm mắt lại, đời con tràn đầy bóng tối, con hóa thành bóng tối, con là hiện thân của bóng tối. Nhưng nếu con mở mắt ra, đời con tràn đầy ánh sáng, con hóa thành ánh sáng, con là hiện thân của ánh sáng, con thành ánh sáng cho nhiều người”.

Nhà văn Lm Nguyễn Trung Tây đã nhìn những số phận bất hạnh vì dâu bể dưới ánh sáng của Tin Mừng, nhờ đó những bi kịch mà ông kể lại đã mở ra về phía ánh sáng (chẳng hạn cuộc đới tiếp theo của Đình).

Độc giả cũng nên dõi theo các nhân vật Linh mục trong truyện của Nguyễn Trung Tây để thấy vẻ đẹp của tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo thể hiện trong các nhân vật này.

Đó là Lm Tiến, người dạy Triết cho Đình năm thứ ba Đại học, ngài đã khai mở bóng đêm bất hạnh để Đình nhìn về phia ánh sáng (truyện: Quán rượu nửa đêm), đó là Cha Quang nhà thờ Chula Vista một ngày 4 lần xúc tuyết, người đã làm cho “Tiếng chuông sinh nhật của hân hoan và mừng vui tiếp tục vang xa xé rách toang màn đêm của sầu tủi và nước mắt. (truyện: Thị trấn Chula Vista). Cố Hân với chuỗi Mân Công cùng giáo dân đọc Kinh Kính Mừng, dẹp yên bọn thủy quái (những thế lực bóng tối) hiển hiện trong cây Thuồng luồng và cây Con gái trên sông Cái (truyện: Giấy bạc con công). Cha “Tâm lác” cho sinh viên làm bài kiểm tra đột xuất, ngài nghĩ đến chữ ác. Vì thế khi một người sinh viên làm bài bị điểm thấp đến xin, cha cho về nhà học bài lại (truyện: Chữ Lác vần ác). Cha sở nhà thờ ABồ ở Alice Springs chịu hàm oan bao nhiêu năm. Ngài đã giải quyết được 2 việc quá khó là nạn cờ bạc và gái điếm, trong đó có cả giáo dân (truyện Phố ABồ). Ông “cố đạo Bắc Mỹ” và linh mục giáo sư lớp Triết đã gợi mở những suy tư về tính hợp nhất của dân tộc Việt: “…mọi người Việt Nam từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mâu đều tỉnh giấc cùng một lúc và nhận ra chân lý, một sự thật đã từ lâu bị nhện thực dân, nhện đế quốc, và nhện chủ nghĩa cùng xúm lại giăng tơ, phủ mờ. Từ trong bụng Mẹ Âu Cơ, chúng mình vẫn là con của Bố Lạc Long Quân; là anh chị em ruột thịt với tóc đen nhánh, mắt nâu đậm của Văn Lang, của chim Lạc Việt, và của Mười Tám Đời Vua Hùng Vương”(tạp ghi: Hành trình Văn Lang)…

Qua các nhân vật Linh mục, tinh thần loan báo Tin Mừng trong văn chương Nguyễn Trung Tây thể hiện ở tư tưởng nhập thế, như chính Lm Nguyễn Trung Tây tỏ lộ: “Tôi giờ tu sĩ bình bát, lang thang đó đây sống giữa và sống với những đời sống bên lề xã hội.” (truyện Bố).

NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT

1.Nguyễn Trung Tây có những “truyện tư tưởng”.

Truyện không chỉ phản ánh hiện thực đời sống người người Việt tị nạn ở Mỹ sau 1975. Ở những truyện tư tưởng, chủ đề khá sâu kín. Ngôn ngữ văn chương mang tính ẩn dụ, những vấn đề nhà văn gửi gắm được gói rất chặt trong nhiều lớp kết cấu của tác phẩm. Có những hình tượng mới mẻ. Xin đọc: Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh, Giấy bạc con công, Thần cây đa, Hành trình Văn Lang (tạp ghi), Cơn mơ và giấc mộng. Sâu, Nhộng, Bướm, Thanh hỏa trà, Quán rượu nửa đêm, Tôi hét lên, 911 và sự thật.

Truyện Cây thánh giá gỗ mùa giáng sinh kể: gần ngày Lễ Giáng Sinh, cây thánh giá gỗ trên cung thánh trong nhà thờ bỗng dưng rơi xuống. Tượng Chúa chịu đóng đinh úp mặt xuống nền gạch. “Cha Nghi (cha xứ) lấy hết sức lực của tuổi 30 tập tạ hằng ngày nhấc cây thánh giá lên. Nhưng lần này cây thánh giá không hề di chuyển dù chỉ là một phân!”. Gần 3 ngày, người ta tấp nập đến xem sự lạ, nhưng không ai có thể lay chuyển được cây Thánh giá. Bà Tân, một giáo dân thầm lặng, nhiệt thành. Bị người đời đàm tiếu “me Mỹ”, bà chỉ im lặng; Một người “tội lỗi” như bà lại có thể nâng Thánh giá lên được. ”Sáng nay trên đường đi làm, bà ta ghé vào nhà thờ. Khi bà nâng cây thánh giá gỗ lên, cây thánh giá 60 pound nhẹ nhàng chuyển mình dưới đôi tay của bà ta”. Phải chăng tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp của Kinh thánh. Chúa nói với người Pha-ri-sêu về người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa: “tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít".”(Lc 7, 36-50).

Truyện Cơn mơ và giấc mộng có chủ đề tương đồng với Giấc Nam Kha khá quen trong văn chương cổ điển. Truyện lấy bối cảnh chùa chiền để thể hiện tư tưởng Thiền: đời hư huyễn.

Truyện 911 và sự thật đặt vấn đề về Ơn Cứu Rỗi đối với những người chưa biết Chúa: “Càng học càng đọc, tôi mới lại càng hiểu thêm là niềm tin Công giáo, theo tài liệu lịch sử, chỉ mới đặt chân tới lãnh thổ Việt Nam vào năm 1533. Hóa ra trước đó, người Việt Nam, có ai tin theo Chúa và được đổ nước trên đầu rửa tội đâu. Nếu vậy Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tôn, Lê Thánh Tôn, Quang Trung Đại Đế, không tin vào Chúa, không được rửa tội, vậy họ không nhận được ơn cứu rỗi hay sao?"

Truyện Giấy bạc con công được mã hóa bằng nhiều ẩn dụ, mà nếu giải mã, rất dễ gây ra những tranh cãi về lịch sử, về tôn giáo, về Việt Minh…

Truyện Thanh Hỏa Trà thuật lại việc vua Quang Trung đến thăm và hỏi ý kiến Nguyễn Thiếp. Những điều như thế sử sách đều nói đến, duy cái chết của Quang Trung còn là một nghi vấn: “Có người suy đoán nói hoàng đế Quang Trung do làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều, bị cao huyết áp, đứt mạch máu não mà chết. Có người nghi vấn đặt vấn đề có thể hoàng đế bị đầu độc hoặc đã từng bị đầu độc trong quá khứ. Nếu đúng là như vậy, ai là người có khả năng đến gần long thể để đầu độc được hoàng đế nước Nam? Đọc truyện, người đọc hiểu chính Nguyễn Thiếp là người đầu độc Quang Trung bằng Thanh hỏa trà và khói trầm lúc tiếp kiến Quang Trung. Cách lý giải này của Nguyễn Trung Tây có thể gây ra những nghi ngại!..

Như vậy có thể nhận thấy nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây đặt ra khá nhiều vấn đề tư tưởng, cả về lịch sử, văn hóa và đức tin. Nhà văn tỏ ra có cái nhìn “thoáng” và gợi mở. “Biến cố 9/11 đã dạy tôi bài học bớt quá khích về tôn giáo, bởi có ai trên cõi nhân sinh biết sự thật nằm ở đâu; Hãy tôn trọng cái cá nhân và sự khác nhau (truyện: 911 và sự thật)

2. Một “văn phong” vừa dân tộc vừa hiện đại.

Đó là cách kể truyện có duyên. Truyện thường có những đoạn tả thiên nhiên rất đẹp. Thiên nhiên vừa là bối cảnh, vừa tạo nên chất văn chương, từ đó câu chuyện diễn ra. Nhà văn liên tưởng một cách tự nhiên từ chuyện này sang chuyện khác, từ hiện tại tới quá khứ, từ giấc mơ tới hiện thực, từ thực tiễn tới nhận thức, từ chuyện dưới đất đến chuyện trên trời. Truyện trôi chảy cuốn người đọc vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Trung Tây. Mỗi truyện thường khởi đầu bằng một “tứ” truyện . “Tứ” truyện này được nhắc lại ở cuối truyện tạo nên một cấu trúc truyện chặt chẽ, bám sát chủ đề (Thí dụ: Phố ABồ, Giấy bạc con công, Đường tử tức). Nét “duyên tía lia” của ngòi bút Nguyễn Trung Tây còn thể hiện ở chất “hài” trong sử dụng ngôn ngữ và diễn đạt hàm ý, cách nói “tưng tửng” nửa thật nửa đùa. Đây là cái “khôi hài”, cười vui tế nhị, không phải cái cười phê phán (Chuyện bố chuyện con, Ngũ đổ tường, Bố Việt Nam và đức tính bố, Đường tử tức…).

Câu văn Nguyễn Trung Tây là câu ngắn, mạch văn nhanh. Giọng văn là giọng của ngôn ngữ nói, với nhiều khẩu ngữ, thành ngữ dân gian (thí dụ, trong Chuyện Bố chuyện con có những câu: đụng nhau xẹt lửa, ngỡ ngàng như gái ngồi phải cọc, Thằng bố gãi gãi như bị nguyên quân đoàn chí rận đóng lô cốt trên đầu; mừng seeing momma! (Seeing: thấy, momma: mẹ), đến là vãi tội! Vãi; dấm dẳng tựa chó cắn ma,…). Nhiều truyện mang đặc điểm ngôn ngữ Nam bộ (truyện: Đừng đánh con đau, Chuyện ông Tư dì Tư, Chữ tài chữ tâm) hoặc Bắc bộ (truyện: Bố Việt Nam và đức tính bố, Cơn mơ và giấc mộng) rất sống động. Do đặc điểm này, truyện Thần cây đa viết chung với Trần Nguyên Đán có giọng văn khác hẳn. Có lẽ phần viết của Trần Nguyên Đán là chính.

Phải là người sống rất sâu đời sống các vùng miền Việt Nam mới viết được những truyện ghi tạc sống động tính cách con ngưới, ngôn ngữ, văn hóa từng vùng miền Việt Nam như vậy. Những truyện này góp phần gìn giữ văn hóa Việt, vừa có thể đem văn chương Việt Nam quảng bá với thế giới. Và nếu đem dạy trong môn tiếng Việt cho học sinh người Việt ở nước ngoài thì thật thú vị.

Nhà văn có một vốn sống, vốn tri thức văn hóa và trải nghiệm rất dày thể hiện trong truyện ngắn. Có những truyện đòi hỏi người đọc phải có tri thức về văn hóa, tư tưởng triết học mới có thể đọc được (Thần cây đa, Giấy bạc con công, Thanh hỏa trà, Hành trình Văn Lang…). Trái lại, trong nhiều truyện tác giả thâm nhập rất sâu vào cộng đồng, nói tiếng nói của công chúng (Thị trấn Chula Vista, Phố ABồ, Chợ trời Dandenong, Ngũ đổ tường…). Truyện nào cũng có nhân vật cộng đồng, cả nhân vật phiếm chỉ tham gia vào truyện. Đây là một đặc điểm phong cách.

Tính dân chủ là một đặc điểm của văn chương hiện đại thể hiện ở sự chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cái khác (The Others). Cho nên, là một nhà văn Công giáo, Lm Nguyễn Trung Tây viết nhiều truyện có tư tưởng Phật giáo (Thức tỉnh, Cơn mơ và giấc mộng) và cùng với tác giả Trần Nguyên Đán, một Mục sư viết chung truyện Thần Cây Đa (đăng trên Hợp Lưu). Tính dân chủ của truyện ngắn Nguyễn Trung Tây cũng thể hiện ở sự chấp nhận bình đằng tư tưởng thực dụng Mỹ với những truyền thống Nhân-Nghĩa Việt. Tác giả vừa hết sức giữ gìn truyền thống Việt, vừa cổ vũ cho sự hội nhập văn hóa Mỹ, và triệt để chống sự kỳ thị. Ngòi bút dân chủ của Nguyễn Trung Tây mạnh dạn khai phá nhiều đề tài ở nhiều hoàn cảnh khác nhau mà không can dự chủ quan để gán ghép tư tưởng của cá nhân áp đặt lên người đọc. Cho nên, trong truyện rất ít có những lời bình ngoại đề.

Nguyễn Trung Tây kết hợp nhiều bút pháp trên nền của chủ nghĩa hiện thực. Hầu hết truyện của Nguyễn Trung Tây là truyện chắt lọc từ đời sống hiện thực nơi tác giả đã sống, đã trải qua, đã suy nghiệm, đã gặp gỡ ngững con người, những cảnh sắc. Nhưng có truyện hiện thực kết hợp với huyền thoại, với giấc mơ, với những sự kỳ lạ (Thần cây đa, Cơn mơ và giấc mộng, Cây Thánh giá gỗ mùa Giáng Sinh). Có truyện viết bằng ngôn ngữ mộc của đời sống cộng đồng nhưng có truyện lại viết bằng ngôn ngữ ẩn dụ rất uyên thâm, khiến cho thông điệp chuyển tải trở nên sâu kín. Những truyện này tạo thành một mảng văn chương đặc sắc của Nguyễn Trung Tây (Quán rượu nửa đêm, Giấy bạc con công, Thần cây đa, Hành trình Văn lang, Người máu lạnh, Thanh hỏa trà, Tôi hét lên). Cũng có truyện pha trộn hiện tại với lịch sử, với tư tưởng triết học, với suy tư để chủ đề thăng hoa khỏi những bế tắc bi kịch của thực tại (Tôi từ thiên đàng tới, Hành trình Văn Lang, Giấy bạc con công…)

Diễn ngôn về Tin Mừng được trình bày như không trình bày. Người đọc có cái thú vị khi thưởng thức những truyện hay của Nguyễn Trung Tây mà không bị ám ảnh rằng đang bị ông Linh mục truyền đạo hay áp đặt tư tưởng tôn giáo. Hình tượng các Linh mục trong truyện được khắc họa là một người bình thường như mọi người, thậm chí giao tiếp với cả bọn cờ bạc và gái điếm (truyện Phố ABồ). Nhưng các ngài khai sáng về tư tưởng, khai sáng bằng đời sống, bằng sự chia sẻ, bằng sự nhận lấy những khốn khó của tha nhân và bằng một lòng tin vững vàng, kiên định (Thị trấn Chula Vista, Phố ABồ). Nằm sâu bên dưới câu chuyện là tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo, cùng với chủ nghĩa Nhân văn đặt trên nền tảng Kinh thánh. Đó là cái nhìn về Con người: Con người là một tuyệt tác của Thiên Chúa (Sáng thế ký), đó là lòng thương yêu vô hạn mọi cảnh đời của Lòng Chúa Thương Xót, là sự nâng đỡ con người vượt qua bể dâu (Đám tang hồn ma, Quán rượu nửa đêm, Cây Thánh giá gỗ mùa Giáng Sinh, Gốc Phi châu, Phố ABồ, Trên một khoang thuyền, Vợ bỏ, Thứ Ba Béo, Thằng Linh thằng Lượm, Đừng đánh con đau…).

Tính dân chủ cùa văn chương cùng với các kể rất “thoáng” của Lm Nguyễn Trung Tây có thể gây “dị ứng” với bạn đọc trong nước (vì tác giả là Linh mục). Dù vậy, với tư cách nhà văn Công giáo, tác giả có thể kể mọi chuyện về mọi cảnh ngộ, như Đức Giêsu ngày xưa, đi khắp nơi, gặp gỡ, nói chuyện với mọi phận người và ban ơn Cứu độ cho họ. Nhà văn Công giáo cần tiếp bước Đức Giêsu, kể tiếp những câu chuyện Chúa đã kể để đem đến ánh sáng cho cuộc sống hôm nay.

THAY LỜI KẾT

Gọi là “thay lời kết” bởi vì tác giả còn đang sáng tác. Hành trình sáng tạo còn dài phía trước, những khám phá tư tưởng và nghệ thuật còn đang mở ra rất rộng. Cho nên bài viết này chưa thể nói đến một đời văn, một văn nghiệp, một cốt cách văn chương Nguyễn Trung Tây.

Nhưng điều có thể khẳng định nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây là một “nhà văn Công giáo” đặc sắc đương đại, có nhiều đóng góp cho văn học Công giáo hôm nay. Truyện Nguyễn Trung Tây phản ánh một mảng hiện thực rộng của người Việt hải ngoại, đặt được những vấn đề xã hội, vấn đề văn hóa, tư tưởng liên quan mật thiết với đời sống người Việt, và đóng góp những đặc sắc về bút pháp, về sự thể hiện tư tưởng Thần học và Mỹ học Kitô giáo trong văn chương. Điều dễ nhận thấy ở trang văn Nguyễn Trung Tây là tính truyền thống và chất hiện đại, tính phóng khoáng về tư tưởng (tính dân chủ) song vẫn hết sức giữ gìn những giá trị dân tộc. Những cây bút văn xuôi Công giáo còn hiếm. Truyện ngắn của Nguyễn Trung Tây có thể gợi mở nhiều điều cả về tư tưởng và thi pháp cho các cây bút văn xuôi Công giáo hôm nay. Đó là điều rất quý.

Nói như nhà văn: tất cả là ơn Trời: “Bao nhiêu lận đận, bao nhiêu đoạn trường, tôi đã nếm đủ, trải qua. Nhưng mưa Trời vẫn cứ đổ xuống tưới mát tâm hồn có lúc đã cạn khô. Với đức tin và hai bàn tay nhỏ bé giơ ra, xin hứng lấy mưa Trời (nói theo thi hào Tagore), khuôn mặt riêng tôi vẫn nguyên vẹn không hề đổi thay một nụ cười, và hồn tôi vẫn xanh mướt lộc non” (Ơn trời ơn người).

Tháng 11/2021

____________________________

[1] https://vvnm.vietbao.com/a164764/goc-phi-chau

Muốn biết thêm về tác giả, mời vào Webpage: www.nguyentrungtay.com.