[SÁCH] Giới thiệu Miền Thánh Đợi của Nguyễn Văn Học- Khi văn học được khởi đi từ đức tin- Tác giả: Phạm Minh Quân

Anne de Jesu



Khi văn học được khởi đi từ đức tin

                                                                                                       Phạm Minh Quân


Đọc tập truyện ngắn “Miền thánh đợi” của Nguyễn Văn Học, NXB Văn học, 2021

Nguyễn Văn Học là một cây bút với lao động viết đáng nể, trường sức. Bởi, chỉ riêng sự dấn thân vào văn chương và nỗ lực miệt mài để cho ra đời tác phẩm của anh, đã là điều đáng ghi nhận và trân trọng. Trải qua hơn hai chục năm cầm bút của mình, trên dưới hai mươi tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau của Nguyễn Văn Học đã được xuất bản, từ dung lượng ngắn và vừa như truyện ngắn (Bụi cay mắt người, Những cơn mưa thảng thốt, Hoa trôi giữa dòng, Nhạc cây, Mùa nhan sắc, Tiệc hoa), tản văn (Mình ơi anh cưới dòng sông nhé, Bếp lửa ngày cuối năm), ký (Hoa xuân nở thắm biên cương, Yêu sao những bàn tay lao động) cho tới dung lượng lớn như tiểu thuyết (Những cô gái bất hạnh, Gái điếm, Đường đời của hạnh phúc, Rơi xuống vực sâu, Bão người, Cao bay xa chạy, Hỗn danh, Khi vết thương nằm xuống, Vết thương hoa hồng, Linh điểu). Miền thánh đợi (Nxb Văn học, 2021), một cuốn sách tuyển chọn 40 truyện ngắn của Nguyễn Văn Học, là dấu mốc mới nhất trên hành trình văn chương của anh, và ngay từ nhan đề của nó, đã gợi mở cho độc giả nhiều cảm nghiệm mặc khải.

Bên cạnh là một nhà văn, thì Nguyễn Văn Học còn là một nhà báo chuyên viết phóng sự giàu trải nghiệm. Bởi vậy, không khó để phát hiện trong tác phẩm của anh tính thời sự cập nhật, về những vấn đề bức bách của xã hội và bất ổn của nhân sinh vẫn đang diễn ra hằng ngày, như thân phận con người, môi trường sinh thái. Chính sự nghiệm sinh của Nguyễn Văn Học, đã góp phần giúp anh tạo dựng nên những chân dung nhân vật đa dạng, đa diện, mà bạn đọc có thể nhận diện và đồng dạng mình ở một phương diện nào đó trong đâu đó mỗi nhân vật. Nhưng tác phẩm văn học đâu chỉ đơn thuần là lựa chọn phản ánh hay hư cấu hóa hiện thực, nó còn hé lộ và trình hiện thêm những manh mối về quan điểm nhân sinh quan của tác giả. Giữa các truyện ngắn trong Miền thánh đợi, tỏ hiện một mạch ngầm liên kết giữa chúng, một đề tài chủ đạo bao trùm, đó là đức tin.

Đức tin, thoạt tiên, là một phạm trù gắn liền với tôn giáo và siêu hình học. Sách Giáo lý Công giáo định nghĩa đức tin là một hồng ân siêu nhiên được Thiên Chúa ban cho tín hữu để họ gắn bó trọn vẹn trong sự tự do và đón nhận những chân lý do Thiên Chúa mặc khải. Việc các cá nhân cùng đặt trọn niềm tín thác vào một đấng thiêng liêng vô hình vốn không hiện hữu ra bên ngoài như một thực thể hữu hình, là thuộc tính cố kết của đức tin trong mỗi cộng đồng. Sự hiện diện thường trực và bất biến của đức tin, mang lại niềm tin hướng thiện, phục thiện cho mỗi con người và hướng con người đến với những giá trị tốt đẹp nhất. Trong một xã hội hiện đại tha hóa, suy đồi, nơi các giá trị bị đảo lộn, con người đánh mất niềm tin dễ rơi vào một thái độ hư vô – bất an, nghi kỵ, vô cảm. Trước tình cảnh thế thái như vậy, Nguyễn Văn Học nhận thấy chỉ có đức tin mới có thể hàn gán những rạn nứt và trục vớt nhân tính, đồng thời anh muốn kêu gọi đức tin qua những ẩn dụ văn học mang tính chất cảnh tỉnh.

Để hiệu triệu đức tin, thay vì dùng những mô típ cổ tích truyền thống theo kiểu thiện thắng ác, chính nghĩa quy phục gian tà như Lọ Lem, Tấm Cám, Nguyễn Văn Học lựa chọn thủ pháp tương phản đối lập. Trong tôn giáo, đặc biệt là trong nội dung của Kinh Thánh, chứa đựng rất nhiều phép đối lập và bổ khuyết. Cặp phạm trù thiện và ác được tượng trưng bởi quỷ dữ và thiên sứ. Quỷ dữ và những linh hồn ma quỷ đe dọa loài người, thiên sứ và thần tiên bảo vệ họ. Quỷ dữ tồn tại nhờ nỗi sợ, còn thiên thần hiển linh nhờ đức tin. Điều gì làm nên cái chết của quỷ dữ? Câu trả lời là khi con người không còn sợ hãi chúng. Còn điều gì dẫn đến sự biến mất của thánh thần? Đó là khi con người đánh mất niềm tin và không còn sùng bái thần thánh, đồng nghĩa với sự cáo chung của lòng mộ đạo. Trong truyện ngắn của Nguyễn Văn Học, sự thiếu hụt của đức tin được nhấn mạnh thông qua sự thống ngự của cái ác. Đức tin càng lớn, cái ác càng bị đẩy lùi. Do đó, nhà văn không ngại ngần tạo ra kiểu nhân vật mang nhiều dục vọng tăm tối, tham vọng quyền lực, hám lợi, hám sắc, bạo tàn, nhẫn tâm, không từ mọi thủ đoạn, điển hình như nhân vật giám đốc Tiết trong truyện ngắn Tháng ngày rời rạc.

Dưới ánh sáng soi chiếu của đức tin, nhà văn Nguyễn Văn Học còn mở rộng và khai thác các mô típ mang sắc thái nhiệm màu tôn giáo như sự vay – trả, cứu chuộc, đền tội và khoan dung, điển hình trong những truyện ngắn Tháng ngày rời rạc, Mùa nhan sắc, Sợ chuột. Sự cứu rỗi là một sự giải thoát tâm linh, giải cứu một linh hồn ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi này. Chúa cứu thế đại diện cho sự cứu rỗi cao nhất – cứu chuộc con người khỏi tội lỗi, và là nguồn gốc của mọi sự cứu rỗi cho nhân loại. Để đạt được cứu rỗi, ngoài đức tin, mỗi con người cần phải có một nỗ lực hướng thiện. Nếu một người xưng mình là tín hữu nhưng không có những việc lành trong đời sống thì có khả năng là người ấy không có đức tin chân thật trong Đức Chúa Trời (James/Gia-cơ 2:14, 17, 20, 26). Các truyện ngắn Cô gái hát thánh ca, Ngôi nhà có nhiều ô cửa, Nhẫn hoa, Miền thánh đợi tuy chứa đựng đầy kiểu bi kịch của nhân gian, nhưng vẫn đối lập với chúng bằng hình ảnh giàu lay gợi về một nơi an trú bình yên của con người, chính là trong Chúa, và Chúa lúc nào cũng ngự trong tim mỗi chúng ta. Những suy tư của nhân vật cô bé Vân tật nguyền trong Ngôi nhà có nhiều ô cửa, phải chăng, chính là hàm ẩn phóng chiếu những suy nghiệm triết lý của tác giả về thế giới và sự cứu rỗi. Bên kia những vực thẳm sâu tối nhất, ngay cả ở những thời khắc niềm tin khủng hoảng nhất, vẫn chan chứa một tiếng gọi nhân hậu và trắc ẩn đến từ thiên đường.

Không thể không nhắc đến những dấu ấn văn học sinh thái trong Miền thánh đợi. Trong bức tranh toàn cảnh của thế kỷ XXI, bên cạnh các vấn đề đương đại nóng hổi về bình đẳng giới và người thiểu số, như nữ quyền, LGBT… thì vấn đề sinh thái là một vấn đề bức bách nổi lên hàng đầu. Trước thực trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính đang ngày một trở nên trầm trọng, loài người đang rất cần một tiếng chuông cảnh tỉnh để nhìn lại chính mình, lắng nghe Trái Đất, và thay đổi để hướng tới tương lai lạc quan hơn. Do đó, sinh thái đã trở thành một chủ điểm văn học, bởi văn học nghệ thuật có chức năng phản ánh và phản tỉnh sâu sắc. Đây là đề tài mà Nguyễn Văn Học đã chú tâm và đạt được thành công nhất định qua bộ ba tiểu thuyết Vết thương hoa hồng (Nxb Hà Nội, 2016), Mình ơi anh cưới dòng sông nhé (Nxb Văn hóa – Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2018), Linh điểu (Nxb Dân trí, 2020).

Những truyện ngắn mang màu sắc sinh thái môi trường trong Miền thánh đợi đồng thời thể hiện thể nghiệm độc đáo của tác giả trong việc cung cấp một điểm nhìn khác. Nhân vật chính, chủ thể trần thuật trong những câu chuyện như Cụ cây, Gió hoang, Nụ cười của lúa, Vịn vào ngọn lúa bay lên không phải là con người, trái lại, là những sinh thể tự nhiên như cây đa, cây gạo, khóm lúa, cò,… chúng phải trực tiếp hứng chịu chịu ảnh hưởng và thương tổn đến từ những hành động tàn phá môi trường của con người. Chúng là những chứng nhân im lặng, không thể đối thoại trực tiếp với con người, nhưng chúng với tư cách là chủ thể kể chuyện lại đối thoại với chính chúng ta, bạn đọc, để nhắc nhở ta rằng thiên nhiên đang bị đe dọa tới mức nào. Một thủ pháp mang tính thể nghiệm khác hay được Nguyễn Văn Học sử dụng là hoán đổi đan xen giọng điệu trần thuật và ngôi kể chuyện ở trong các truyện ngắn Ở bên này thế giới, Con khổng tước và cô tiểu thư, Bước qua ranh giới. Nhờ thủ pháp này, nhà văn cung cấp cho bạn đọc điểm nhìn tham chiếu, thấu rõ tâm tư suy nghĩ và diễn biến tâm lý của mỗi nhân vật trong truyện. Thậm chí, với Con khổng tước và cô tiểu thư, Nguyễn Văn Học còn trao cho bạn đọc quyền tương tác, tức là thay vì một cái kết mở bỏ ngỏ, nhà văn cho phép bạn đọc lựa chọn kết thúc cho truyện ngắn phù hợp với cách hiểu của mình nhất. Mặc dù chưa thể vượt thoát văn bản giấy để trở thành một nghệ thuật tương tác theo kiểu văn học điện tử (digital literature), hay phá cách về định dạng, cấu trúc và sắp xếp con chữ như văn chương ergodic, nhưng đây là một tìm tòi tự làm mới của tác giả, để tránh sự công thức hóa sáo mòn.

Văn học, được khởi đi từ đức tin, hàm chứa một chiều sâu bản thể và một chiều kích nhân văn. Dường như thông điệp mà nhà văn Nguyễn Văn Học muốn gửi gắm qua Miền thánh đợi, là mỗi con người phải tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của mình, từ bên trong sâu thẳm tâm hồn cho đến lời nói và hành động bên ngoài trước tha nhân và trong mọi hoàn cảnh sống. Đó mới là con đường ánh sáng dẫn lối nhân loại đi đến chân trời thiện lương.