Tuyển tập thơ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II-Đình Chẩn chuyển ngữ

VTCG


LỜI GIỚI THIỆU

Dịch thơ đã khó, huống nữa là thơ đạo của một vị Thánh Giáo hoàng cả hoàn cầu ngưỡng mộ. Muốn lột được tứ thơ đầy chất sống tâm linh của ngài cho người Việt cảm nhận, phải diễn tả bằng thứ lục bát nào đây? Bài lục bát “Trên mồ trắng” của Đình Chẩn hầu như xuất thần, giữ được cả tình lẫn ý và cả chất thơ của tác giả mà âm thanh nhịp điệu lại hồn nhiên gần như một bài ca dao được sàng lọc qua thời gian. Nó giúp độc giả người Việt thấy được hồn thơ của Đức Gioan Phaolô II, để từ đó họ sẽ đọc tiếp những bài thơ khác của ngài với xác tín mình đang đọc một nhà thơ lớn của nhân loại.

Qui Nhơn, 01-5-2014
Lm Trăng Thập Tự


TUYỂN TẬP THƠ CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II



Trước khi tỏa sáng trên ngôi Giáo Hoàng, trước khi đi tu, Đức Karol Wojtyla, tức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng là một thi sĩ, một nghệ sĩ kịch…vv.

Nhân dịp Ngài được tôn phong hiển thánh, chúng tôi xin mạo muội phỏng dịch 12 bài thơ của Ngài như một tuyển tập, chủ yếu rút từ thi phẩm Bức Tranh Bộ Ba Roma (Trittico Romano) được viết trong những tháng năm gần cuối triều đại của Ngài ( 2003) với lời giới thiệu của Đức Hồng Y Ratzinger, nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Ngoài ra chúng tôi góp nhặt thêm một số bài đã đăng trên internet, chẳng hạn bài Trên Mồ Trắng (1939), Ngài viết sau 10 năm mồ côi Mẹ.

Chắc hẳn không tránh khỏi thiếu sót trong quá trình chuyển ngữ, xin quý vị thông cảm và góp ý để trong tương lai có thể phổ biến rộng hơn.Xin chân thành cảm ơn và nguyện xin Thánh Gioan Phaolô II chuyển cầu cho tất cả mọi người!

Đình Chẩn, Tuần Thánh 2014

LỜI GIỚI THIỆU: BỨC TRANH BỘ BA ROMA (Trittico Romano)

Bức tranh đầu tiên: cảnh sáng tạo huy hoàng


Sáng tạo Adam-Hoạ sĩ Michelangelo-nhà nguyện Sistina

Bản đầu tiên trong Bức tranh bộ ba Roma của ĐGH Gioan Phaolo II phản chiếu kinh nghiệm sáng tạo, tính thẩm mỹ và sự năng động của công trình này. Nó gợi lên hình ảnh những ngọn đồi xanh xanh và cả những dòng suối đổ xuống thung lũng lấp lánh ánh bạc:

“Hỡi làn Suối bạc phân vân
Điệu buông réo rắt bước lần về đâu…?”

(Ngạc Nhiên)

Trước khung cảnh này, tôi nhớ tới một vài câu nói của Đức Karol Wojtyla vào năm 1976 khi Ngài giảng tĩnh tâm cho Giáo triều Phaolô VI. Ngài kể về một nhà vật lý mà Ngài đã đàm đạo lâu giờ và cuối cùng Ngài đã nói với ông ấy: “Từ quan điểm khoa học của tôi và từ phương pháp của ông, tôi là người vô thần…”. Tuy nhiên, trong một lá thư chính con người này đã viết: “Mỗi lần tôi đứng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, của những dãy núi, tôi thấy Người hiện hữu”. Đó là hai cách nhận thức thiên nhiên! Chắc chắc rằng bản đầu tiên của bức tranh bộ ba dừng lại gần như e thẹn trên ngưỡng cửa. Đức Giáo Hoàng chưa nói trực tiếp về Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài cầu nguyện như thể là cầu nguyện với một Thiên Chúa vô danh:

“Xin rảy lên bờ môi con giọt xuân tươi mát
Cho cảm nếm ngọt ngào dòng suối trong
Cho sống lại dạt dào hương thanh khiết”.
(Tìm về Cội Nguồn)

Ngài tìm về cội nguồn và nhận được lời chỉ dẫn:

“Rừng xanh bồng bềnh êm đềm xuống
Nhịp núi đồi quyện tiếng suối reo…
Nếu con mong tìm về nguồn cội
Chân phải leo lên hướng ngược triều”
(Tìm Về Cội Nguồn)

Trong câu thơ đầu tiên của bản suy tư Ngài đã nói: “Rừng xanh bồng bềnh êm đềm xuống”; cánh rừng và những dòng nước đã cho thấy sự chuyển động của dòng chảy xuôi xuống. Tuy nhiên, việc tìm về cội nguồn bây giờ buộc Ngài phải leo ngược lên, phải lội ngược dòng.

Hai bức họa tiếp theo: Cảnh tận cùng và khởi nguyên


Cảnh phán xét- Hoạ sĩ Michelangelo- Nhà nguyện Sistina

Tôi cho rằng đây chính là chìa khóa để đọc hai bản tiếp theo. Thực vậy, chúng hướng ta leo “ngược lên”. Hành trình tâm linh kết thúc trong bản văn này hướng về “Khởi Nguyên”. Điều ngạc nhiên thực sự xảy ra là “điểm khởi đầu” hé mở “điểm cùng tận”. Ai biết cội nguồn, cũng sẽ thấy do đâu và tại sao có tất cả chuyển động của hữu thể, điều vốn tiếp diễn mãi mãi: “Tất cả tiếp diễn trở thành vĩnh cửu”. Tên của cội nguồn mà người lữ khách kiếm tìm, trước tiên, đó là Ngôi Lời, hay theo những lời đầu tiên của Kinh Thánh, đó là “Thiên Chúa phán”, mà thánh Gioan đã viết lại trong Tin Mừng một cách không thể vượt hơn được nữa: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Tuy nhiên, lời chìa khóa thực sự tóm lại cuộc hành trình của bản thứ hai trong Bức tranh bộ ba này không phải là “Ngôi Lời” mà là thị kiến và thấy. Ngôi Lời có một khuôn mặt. Và Ngôi Lời đi ra từ một thị kiến. Công trình sáng tạo, vũ trụ này bắt đầu từ một thị kiến. Và loài người đi ra từ một thị kiến. Như thế, chìa khóa này hướng dẫn Đức Giáo Hoàng, qua Michelangelo, tới các bức họa trong nhà nguyện Sistina, vốn đã trở nên thân thiết với Ngài. Trong các hình ảnh về thế giới, Michelangelo đã bắt gặp cái nhìn của Thiên Chúa; có thể nói, ông đã nhìn với cái nhìn sáng tạo của Thiên Chúa, và qua cái nhìn này, ông đã phác họa lên cái nhìn khởi nguyên từ đó phát sinh mọi thực tại. Michelangelo giúp ta khám phá ra cái nhìn của Thiên Chúa trong các hình ảnh của thế giới và dường như trong thị kiến của ông đã thành toàn những gì được tiền định cho tất cả chúng ta an hưởng. Từ Adam và Eva, vốn đại diện cho nhân loại nói chung, tức là đàn ông và đàn bà, Đức Giáo Hoàng nói: “Cả họ cũng tham dự vào cái nhìn này…”. Mỗi người được kêu gọi “tái chiếm lại cái nhìn mới này”. Hành trình dẫn đưa về nguồn là một hành trình trở nên những người thị kiến: để học cách nhìn của Thiên Chúa. Khi ấy, khởi nguyên và cùng đích xuất hiện. Khi ấy, con người trở nên công chính.

Khởi nguyên và cùng đích, có lẽ đối với Đức Giáo Hoàng, vốn là người đang lữ hành hướng tới sự toàn vẹn và hướng thượng, thì mấu chốt tồn tại giữa chúng đã xuất hiện rõ ràng trong Nhà Nguyện Sistina, nơi mà Michelangelo đã cho ta thấy những hình ảnh khởi đầu và cùng đích, tức là thị kiến về cảnh sáng tạo và cảnh phán xét chung đầy uy nghiêm. Chiêm ngắm Cảnh Phán Xét cuối cùng trong phần kết của bức họa thứ hai này, có lẽ là phần đánh động nhất trong Bức tranh bộ ba. Từ cái nhìn nội tâm của Đức Giáo Hoàng một cách tươi mới, một lần nữa gợi lên trong ký ức về các cuộc mật viện trong tháng 8 và tháng 10 năm 1978. Kể từ khi tôi hiện diện ở đây, tôi mới biết rõ chúng tôi được đặt trước các hình ảnh này trong những thời khắc quan trọng như thế nào, chúng thách thức chúng tôi ra sao và chúng ghi khắc vào trong tâm hồn chúng tôi trách nhiệm to lớn như thế nào. Đức Giáo Hoàng nói với các vị Hồng Y của cuộc mật viện tương lai, “sau khi tôi chết”, và rằng thị kiến của Michelangelo sẽ nói cho họ. Từ “mật viện” (con-clave) bao hàm ý tưởng về những chiếc chìa khóa, về di sản của những chiếc chìa khóa được trao cho thánh Phêrô. Để đặt những chìa khóa này vào đôi tay đúng đắn: đó là trách nhiệm vô cùng lớn trong những ngày này. Ở đây chúng tôi nhớ lại lời Đức Giêsu đã quở trách các luật sĩ: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết” (Lc 11,52). Michelangelo thôi thúc chúng tôi không được thủ chìa khóa đi, nhưng phải dùng để mở cửa hầu cho mọi người có thể được vào.

Bức họa thứ hai: Cảnh sáng tạo, cuộc đối thoại trong Thiên Chúa

Tuy nhiên, chúng ta cùng trở lại trọng tâm bức họa thứ hai, một cái nhìn về “Khởi nguyên”. Người ta thấy gì ở đây? Trong kiệt tác của Michelangelo, Đấng Tạo Hóa xuất hiện có nét “giống như một con người”: hình ảnh và nét giống với Thiên Chúa có thể đảo ngược để suy ra nhân tính của Thiên Chúa, điều này giúp giới thiệu về Đấng sáng tạo. Tuy nhiên, cách nhìn mà Đức Kitô đã khai mở cho chúng ta, hướng cái nhìn của chúng ta xa hơn nữa và, bằng cách đảo ngược lại, bắt đầu từ Đấng sáng tạo, với Khởi Nguyên, Người cho thấy loài người thực sự là gì. Đấng tạo hóa-khởi nguyên- không như là bức tranh của Michelangelo miêu tả, đơn giản vì Người là “Đấng Toàn Năng xa xưa”. Ngược lại, Người là “sự hiệp thông ngôi vị lẫn nhau”. Nếu ban đầu, chúng ta đã xem Thiên Chúa bắt đầu với con người, thì bây giờ chúng ta cũng học nhìn con người bắt đầu với Thiên Chúa: một quà tặng trao hiến cho nhau-loài người được tiền định như thế-nếu con người biết tìm kiếm con đường để thực hiện điều này, con người là tấm gương phản chiếu yếu tính của Thiên Chúa, và như thế con người vén mở ra mối liên kết giữa khởi nguyên và cùng tận.

Bức họa thứ ba: Abraham và cảnh lên núi hiến tế Isaac: hiến dâng trọn vẹn

 
Tranh Abraham hiến tế Isaac- Hoạ sĩ Caravaggio


Vòng cung rộng lớn, cái nhìn thực sự của Bức Tranh Bộ Ba Roma này, rõ ràng hiện ra trong bức tranh thứ ba, cảnh Abraham lên núi Moria hiến tế Isaac, núi hiến tế, trao dâng trọn vẹn. Đó là cảnh quyết định cuối cùng trên hành trình của Abraham, vốn khởi đi từ việc ông rời bỏ quê hương mình là thành Ur của xứ Canđê; đây là cảnh nền tảng của việc hướng lên đỉnh núi, lội ngược giòng, hướng tới cội nguồn cũng là cùng đích. Trong cuộc đối thoại không biết mệt mỏi giữa hai cha-con, có rất ít lời được nói và động thái, nhưng trong thinh lặng, nó phản chiếu tất cả mầu nhiệm của những câu nói, tất cả những vấn nạn, nỗi đau đớn, nỗi sợ hãi và những niềm hi vọng. Cuối cùng, nó trở nên sáng tỏ hơn vì cuộc đối thoại giữa hai cha con, Abraham và Isaac, đã trở thành cuộc đối thoại trong chính Thiên Chúa, cuộc đối thoại giữa người Cha Vĩnh Cửu và Người Con của Người là Ngôi Lời, và cuộc đối thoại vĩnh hằng này trình bày cùng một trật lời giải đáp cho cuộc đối thoại không ngừng của con người. Kết cục là Isaac được cứu-con chiên là dấu chỉ nhiệm mầu về Người Con-Đấng đã trở thành Chiên sát tế, mạc khải cho chúng ta thấy gương mặt chân thực của Thiên Chúa: Thiên Chúa tự hiến mình cho chúng ta, vị Thiên Chúa ấy hiến dâng cho chúng ta trọn vẹn hồng ân và tình yêu, hiến dâng tới cùng (x. Ga 13,1). Như thế, chính trong biến cố lịch sử hết sức cụ thể này, vốn có vẻ như xa lạ với những cái nhìn sáng tạo trong bức họa đầu tiên, đã hiện ra rõ ràng khởi nguyên và cùng đích của tất cả, cầu nối giữa hạ mình xuống và đi lên, giữa cội nguồn, hành trình và cùng đích: có thể nhận ra Thiên Chúa tự hiến chính mình, đồng thời cũng là khởi nguyên-là đường-là cùng đích. Vị Thiên Chúa ấy ẩn hiện trong công trình sáng tạo và trong lịch sử. Người tìm gặp chúng ta trong những nỗi thống khổ và trong những vấn nạn của chúng ta. Người chỉ cho chúng ta thấy loài người thực sự là gì: khi trao hiến trong yêu thương, chúng ta được nên giống Thiên Chúa. Hành trình Người Con trên núi hiến tế đã vén mở “mầu nhiệm ẩn giấu về khởi nguyên của thế giới”. Tình yêu tận hiến là mầu nhiệm uyên nguyên, và khi chúng ta yêu thương nhau, chúng ta cũng sẽ hiểu được thông điệp của Sáng tạo và sẽ tìm thấy đường đi.


06.03.2003, ĐHY Joseph Ratzinger-nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI


1. TRÊN MỒ TRẮNG

Video thánh Gioan Phaolo II thăm mộ song thân

Mẹ ơi, mồ đã trắng rồi
Trắng hoa thiêng nở, trắng đồi gió sương
Bao năm cách biệt âm dương
Bấy năm vắng Mẹ-đoạn trường chơi vơi !
***
Mẹ ơi! Mồ đã trắng rồi
Ngày đơn khép lại tháng côi mỏi mòn
Trông lên Lượng Cả sắt son
Nhiệm mầu sự chết nỉ non không lời
***
Mẹ ơi! Mồ đã trắng rồi
Tim hồng sao trắng cả lời kinh thơ ?!
Lòng con tha thiết đơn sơ
Mong Mẹ hưởng phúc bến bờ thiên cung!

Krakow, Xuân 1939


2. MAGNIFICAT

Hồn ta ơi! Hãy ngợi khen vinh quang Thiên Chúa!
Người Cha chung- Tốt vô cùng-Thơ muôn trùng


Tuổi xuân ta Người gõ nhịp ngạc nhiên tươi trẻ
Rèn khúc đời ta trên đe kiên vững-gốc sồi bưng
Hồn ta ơi! Em còn vọng vinh quang Thiên Chúa
Đấng Hóa Công-Trí Huệ thần thánh- vô song!
Này rượu nho thơm đầy tràn chén thánh
Yến tiệc thiên đình, ta nguyện hầu hạ em
Cám ơn Người cho tuổi xuân thần tiên huyền nhiệm
Khúc cây khô Người đẽo tạc dáng anh hùng!

Người- thợ mộc toàn năng của chư thánh
Đường đời ta đầy gỗ sồi với bulô
Đây! Mảnh đất hoang mặt trời tỏa bóng
Đây! Chàng trai trơ đá dốc Ta-tra
Ôi lạy Chúa! Xin chúc lành hạt gieo đông tây
Cúi lạy Ngài xin gieo tràn lan khắp mặt đất
Cho mọc lên xanh tươi đồng lúa reo bay
Tuổi xuân con quê hương đầy sức sống

Xin chúc tụng Người! Hạnh phúc đời con-nhiệm huyền
Người cho tim con rung lên khúc ca nguyên khiết
Cho con thả hồn chìm lắng giữa thiên thanh
Cho lòng rung lên tơ nhịp sương biêng biếc
Cung điệu Người tỏ mình cho con trong Đức Kitô
“Hãy tiến lên! Hỡi con dân S-la-vơ So-bôt-khát!”
Còn lá thiêng, cây đầu đàn còn xanh tốt
Vươn lên như bá hương và tư tế ngàn dân.

Hồn ta ơi! Nào hãy ngợi khen Thiên Chúa
Khen điềm lặng, khen mùa xuân hoài thương
Mừng tuổi trẻ chén rượu xuân nồng say lắng
Mừng thu sang lá buông lịm đôi đường
Chúc tụng Người cho hồn thơ-cho niềm vui-cho chén đắng!
Cho hân hoan trào dâng khắp cuối đất cùng trời
Vì tương lai và trong những lời nhập thể
Em lớn lên, em vươn tới cuộc đời!


Ôi nàng Thương- buồn tím chiều khôn thấu
Khi Tuyệt Mỹ ập sóng lịm mê đi
Chúa nghiêng xuống hạc cầm-trên núi đá
Nát ánh quang-lời khôn xiết nói gì
Lời khôn tả… này một thiên thần té ngã
Pho tượng đá- đôn cẩm thạch nghiêng rơi
Người hổn hển mở vòng tay nâng đỡ
Thiên thần ngã đứng lên chính là tôi

Chúc tụng Người là bến bờ an nghỉ
Thưởng bài ca-ngày lặng thánh tâm tư
Và hỉ hoan ngân ầu ơ lòng Mẹ
Lời hoàn tất-đỉnh cao lặng chân như!
Chúc tụng Cha vì nỗi buồn thiên sứ
Vì giằng co ca hát xé dối gian
Người phá hủy lòng yêu lời ngạo nghễ
Và bẻ tan hình dáng kẻ huênh hoang


Nẻo đường Người phận hèn xin dõi bước
Gảy đàn ca mua vui cho đám mục đồng
Nhưng nguyện khúc mênh mông hòa trời đất
Chỉ dâng Người gốc sồi lặng ngắm trông
Mừng vui lên, hỡi bài ca diễm tuyệt!
Mừng vui lên hỡi hạt sáng hồn thiêng!
Hồn ta ơi! Chúc tụng Người ghé mắt
Quàng vai em khăn nhung bào quân vương


Hãy chúc vinh thợ bào chư thánh-hàng ngôn sứ
Đoái thương con-kẻ thu thuế ứng ca
Hồn ta hỡi! Hát lên bài khiêm hạ
Chúc tụng Người: Thánh! Thánh! Thánh! Bao la
Đây niệm khúc nối liền:Thơ- Thơ-Thơ-khôn tả!
Hạt giống khô như hồn khổ khát khao
Đường vươn xa bóng sồi giang tay đỡ
Mong đồng lúa vươn xanh hiến Trời cao!
…..

Hỡi Kinh Thư hoài cổ vang biên giới
Như chiêng trống kèn đồng gọi phục sinh
Bài thiêng thánh với thi ca diệu vợi
Magnificat-hồn ca Chúa Thiên Đình!

Cracovia-xuân hè 1939



3. GIOAN – NGƯ PHỦ

Xin đừng giảm sóng lòng con
Xin trào lên mắt Mẹ còn đợi trông
Xin đừng đổi bước trần hồng
Xin sóng ùa bồng thầm thĩ Mẹ yêu
Người xin con lấy một điều
Làm ngư phủ thả lưới kiều Gioan
Đời con ô lắm đa đoan
Chẳng chi đáng mến, chỉ toàn ôi…thôi!
Duyên hải bèo dạt mây trôi
Sói đá lâu rồi vẫn nhói gan chân
Đêm kia dụi mắt định thần
Sóng sánh gần gần thấp thoáng xa xa
Chúa tôi! Người đấy hay ma ?!
Mẹ ơi ôm lấy gương nga Nhiệm Màu!
Cho con chìm lắng hồi lâu
Trong tâm tư Mẹ in bầu thiên không
Cho con thưa tiếng lọt lòng:
“Mẹ ơi!” đúng với Người mong Mẹ chờ
Con xin Mẹ… kể từ giờ
Mẹ ơi…! Chớ để nhạt mờ tim con
Mẹ ơi…! Như Mẹ sắt son
Tiếng Người khôn thấu tơ gòn lặng xoay
Lời như gió thoảng mây bay
Mà sao thắm thiết đong đầy Mẹ-con!?
Lời sao nên một vuông tròn
Cho nhịp sóng hát nước non muôn trùng?!


4. KHÚC CA THIÊN CHÚA ẨN MÌNH

Sao con cảm thấy nhiều mà chẳng thấy sự gì
Kia chân trời xa xăm chú chim bay khuất bóng
Khi con sóng trong thủy tinh đã dìm mình-thật sâu
Con cũng chìm lắng trong bầu không giá lạnh
Càng căng mắt lên, hoa mắt nhìn càng kém
Giòng nước rủ mặt trời lấp lánh óng đăm chiêu
Càng xa mặt trời càng lìa xa sóng nắng
Càng xa bóng vắng đời con càng xế chiều.

Trong đêm tối bừng lên bao ánh sáng
Bao sự sống khai mở trong nụ hồng
Khi Thiên Chúa khiêm nhường ngự xuống
Trên bờ nương cửa tấm linh hồn.

Đôi chân bước tìm trong thềm cỏ-màu đất
Đàn côn trùng khoét lá mở suối nắng bay bay
Đôi chân áp xuống mặt đường, mặt đường áp lại
Không khoảng cách… Khúc tâm tư chưa thấu chỗ đông người
Túm lấy tâm tư-nếu được-đặt vào bàn tay nghệ sĩ
Túm lấy tâm tư đặt vào búp măng những người thiếu phụ
Viết trên máy tám giờ mỗi ngày
Những con chữ đen đè nặng đôi mi mắt đỏ
Hãy túm lấy tâm tư và hoàn thiện con người
Cho con người bắt đầu làm lại
Để Người nâng đỡ, dẫn trên đời

….

Lạy Thầy, xin đưa con tới Efrem và cho con ở lại với Người
Buông đôi cánh chim tới nơi xa xăm bình lặng
Như màu xanh, như con sóng trào lên, bơi chèo thôi khua động
Như vòng tròn mặt nước không còn sợ bóng lăn tăn
Tạ ơn Người đưa hồn con khỏi nơi huyên náo
Và nơi ấy Người ở lại thâm tình nghèo khó lạ lùng
Người quá cao vời sao ở trong túp lều nhỏ xíu
Yêu sa mạc hoang và nơi vắng người qua
Người chính là TĨNH LẶNG
Người chính là ĐIỀM ĐẠM
Cúi xin Người hãy tước lấy tiếng của con đi
Và đổ đầy lòng con tiếng hiện hữu của Người
Như làn Gió rung rinh những hạt lúa mỳ
….

Tình yêu làm sáng tỏ tất cả
Tình yêu giải quyết tất cả
Cho con tôn thờ Tình Yêu
Bất cứ nơi đâu Người hiện diện
Con nên thảo nguyên rộng mở cho giòng nước bình yên
Chẳng còn sóng cồn gào thét
Chẳng còn vực thẳm chênh vênh
Chỉ còn làn sóng lắng chìm
Trong đáy sâu vờn lấp lánh
Và thiều quang hít thở trên tán lá bình thiêng
Con là chiếc lá ẩn mình trong thanh vắng
Đung đưa theo Gió
Chẳng còn lo một ngày kia lìa cành
Vì tất cả đều rụng về nguồn cội
…..
Nếu Chúa thức nở trong lòng con như một bông hoa
Khát khao ánh mặt trời rạng rỡ
Xin hãy đến, Ôi Ánh Sáng!
Xin chiếu soi vực thẳm u ám ngày qua
Và xin ở lại trên bờ hồn con
Đừng quá gần-đừng quá xa
Ôi lòng ta ơi, này em hãy nhớ
Cái nhìn vĩnh cửu đang chờ ta
Ôi lòng ta ơi hãy nghiêng mình xuống
Ô hải dương đang chìm lắng sương mù
Trên một bông hoa khôn thấu
Trên một bông hồng xinh xinh.


CÁC BÀI THƠ TRONG TẬP: BỨC TRANH BỘ BA ROMA 2003


1. TÌM VỀ CỘI NGUỒN

Rừng xanh bồng bềnh êm đềm xuống
Nhịp núi đồi quyện tiếng suối reo…
Nếu con mong tìm về nguồn cội
Chân phải leo lên hướng ngược triều
Hãy cứ tìm dù châu lệ chảy
Hãy cứ tìm kẻo lại buông xuôi
Con xem đấy cội nguồn phải có
Suối reo mách tìm đâu đó thôi
Ôi Cội Nguồn! Người ở đâu thế ?
Hỡi Cội Nguồn! Người ở đâu đây?
Im lặng trôi…
Im lặng trôi suối nhỏ
Đang mách con ở trên kia rồi!
(Hỡi thinh lặng! Sao hoài im lặng?
Ồ rõ ngươi khéo giấu bí mật Cội Nguồn!)
Xin rảy lên bờ môi con giọt xuân tươi mát
Cho cảm nếm ngọt ngào giòng suối trong
Cho sống lại dạt dào hương thanh khiết

Rừng xanh bồng bềnh êm đềm xuống
Nhịp núi đồi quyện tiếng suối reo…
Nếu con mong tìm về nguồn cội
Chân phải leo lên hướng ngược triều


2. NGẠC NHIÊN


Mạch rừng thả sóng dập dềnh
Núi hòa nhịp bước theo kênh suối trào
Lắng chìm in bóng Trời cao
Ngôi Lời nguyên ủy dạt dào vang ra…
Tiếng Người tĩnh lặng bao la
Lắng trong muôn sự tĩnh hòa tứ phương
Mở ra muôn sắc ngàn hương
Như lòng rừng hát đồi nương xuôi dần…
Hỡi làn Suối bạc phân vân
Điệu buông réo rắt bước lần về đâu…?
Có chi thầm thĩ bấy lâu
Hay chăng nhắn nhủ đôi câu với mình…?
Bao lâu nhỉ, bóng gặp hình ?!
Từ đâu nhỉ, Suối đăng trình gặp ta ?!
Đây thân lữ khách đường xa
Hữu duyên kỳ ngộ la đà Suối ơi!
(Này! Dừng lại chút thảnh thơi
Cung chiêm một thoáng đất trời ngạc nhiên!)

Làn suối vẫn xuôi bình yên
Lắng chìm trong cảnh rừng thiền êm xuôi
Ôi diệu vời! Ôi diệu vời!
Ngạc nhiên trong mắt con người ngạc nhiên!
(Nhớ xưa trong vườn Ê-đen
Ađam tên gọi Ngạc Nhiên mới là)
Một mình ngắm cảnh bao la
Vạn vật chan hòa đâu biết ngạc nhiên!
Giòng đời chảy từ khởi nguyên
Song hành nhân thế niềm riêng diệu kỳ!
Ngạc nhiên trên sóng trôi đi
Là vượt trên sóng thầm thì: “Suối ơi!
Này! Dừng lại chút thảnh thơi
Trong mình có bến gặp Lời Uyên Nguyên
Này dừng lại! Này ngạc nhiên!
Phút giây hạnh ngộ tràn duyên đất trời!”


3. NGƯỜI ĐẦU TIÊN THẤU THỊ


“Trong Người chúng ta sống, chúng ta hoạt động, và tồn tại”
Thánh Phaolô nói như thế
Vậy Người là ai?
Như không gian vô lượng vô bờ ôm lấy tất cả
Người là Tạo Hóa
Người ngự trị tất cả, rút ra mọi sự từ hư không
Tự ban sơ và còn miên viễn
Tất cả tiếp nối trở nên vĩnh hằng
“Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời và nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành”
Nhiệm Mầu của khởi nguyên phát sinh cùng Ngôi Lời, tỏ qua Ngôi Lời
Ngôi Lời-thị kiến và loan truyền vĩnh cửu
Đấng tác sinh-đã nhìn ngắm-đã thấy “mọi sự tốt đẹp” khác với chúng ta
Đó là người đầu tiên thấu thị!
Người đã thấy, đã thấu trong tất cả một dấu chân Hữu Thể
Người đã thấy: tất cả trần trụi và trong suốt: CHÂN-THIỆN-MỸ
Người đã thấu thị bằng một ý nhiệm khác với chúng ta
Một thị kiến và loan truyền vĩnh cửu:
“Thuở ban đầu đã có Ngôi Lời và nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành”
Chúng ta sống, hoạt động và tồn tại trong Người
Ngôi Lời uyên nguyên ngạc nhiên như ngưỡng cửa vô hình
Của tất cả những gì được tạo thành, tồn tại và sẽ còn tồn tại
Như thể Ngôi Lời là ngưỡng cửa

Ngưỡng cửa Ngôi Lời, trong đó tất cả có dáng vô hình
Thần thiêng và vĩnh cửu
Sau ngưỡng cửa là bắt đầu lịch sử!
Tôi trầm mình trên lối vào Nhà nguyện Sistina
Có lẽ tất cả dễ dàng hơn với ngôn từ “Sáng thế”
Nhưng cuốn sách đợi chờ hình ảnh
Chờ một Michelangelo


Bởi Đấng sáng tạo đã thấu mọi sự tốt lành
Người đã thấu và Cuốn Sách đợi chờ “thị kiến”
Ôi con người đang chiêm ngắm, hãy đến đây
Hãy đến đây “mọi người thấu thị” mọi thời
Michelangelo, này tôi xin Ngài!
Trong Vatican có một nguyện đường đang chờ hoa trái thị kiến!
Thị kiến chờ hình ảnh
Từ khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm, từ khi ấy thị kiến đợi chờ
Chúng ta đang trên ngưỡng cửa Cuốn Sách
Đây là Cuốn Khởi Nguyên
Đây trong nguyện đường Michelangelo đã miêu tả
Không lời mà phong phú sống động.
Hãy bước vào đây mở từng trang Sách
Ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác!


Nơi đây ta thấy và nhận ra
Khởi Nguyên trổi lên từ hư không
Tuân theo Lời sáng tạo
Mạc khải trên bức tường
Nhưng có lẽ Cùng đích còn mãnh liệt hơn nữa
Quả vậy! Cuộc phán xét chung hẳn khôn lường
Tòa chung thẩm
Đây công đường tất cả sẽ đi qua!


4. HÌNH ẢNH VÀ PHẢN CHIẾU


“Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người
Người dựng nên họ có nam có nữ
Và Thiên Chúa thấy rất tốt đẹp
Họ trần truồng và không cảm thấy xấu hổ”

Có thể chăng ?
Đừng hỏi những người thời nay
Hãy hỏi Michelangelo
(và có lẽ cả những người thời đó)

Hãy hỏi nhà nguyện Sistina
Bốn bức tường có bao điều muốn nói!
Lúc khởi đầu vô hình. Mọi sự ở đây cho thấy
Tất cả hiển hiện qua nét cọ thiên tài phóng ra
Và ngày Cùng tận cũng vô hình
Lữ khách qua đây gặp ngày Phán Xét Chung
Làm sao đưa cõi vô hình ra ánh sáng ?
Làm sao thâm nhậm ranh giới chánh-tà ?
Khởi Nguyên vô hình và Cùng Tận vô hình
Đây bức tường treo chúng ta.


“Trong Người chúng ta sống, chúng ta hoạt động và tồn tại”
Người chỉ là khoảng không cho sinh linh tồn tại ?
Tạo Hóa! Ôm trọn tất cả khi sáng tạo và gìn giữ trong hiện hữu
Người tạo nên nét tương đồng
Khi Tông đồ Phaolô rao giảng ở Areopago
Lời rao giảng ôm cả truyền thống Giao Ước
Mỗi ngày kết thúc bằng câu:
“Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp!”
Ngài đã thấy, đã chạm tới bước chân Hữu Thể
Ngài tìm lại chính mình ẩn hiện trong tất cả hữu hình
Ngôi Lời hằng hữu như ngưỡng cửa vươn xa
Cho ta vượt qua sống hoạt động và tồn tại.

Con người (tôi)
Chính ngày duy nhất hôm ấy nghe thấy:
“Thiên Chúa thấy những gì Người làm đều rất tốt đẹp” ?
Lịch sự không phản đối tất cả điều này sao?
Ví như thế kỷ XX của chúng ta!
Và không chỉ thời đại này!
Nhưng chẳng thời nào có thể làm lu mờ sự thật
Về hình ảnh và nét phản chiếu.
Michelangelo
Thời gian trôi, sự thật ấy ẩn trong Vatican
Rồi tỏa ra, trong nguyện đường Sistina.
“Khi ấy, Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Người
Người dựng nên con người giống hình ảnh Người
Có nam có nữ.
Dù tất cả và cả hai đều trần truồng
Không ai thấy xấu hổ!”
Và Đấng Tạo hóa thấy điều đó thật tốt đẹp
Không lẽ không phải chính Người đã thấy tất cả trong sự thật tuyệt đối?
Omni nuda et aperta ante oculos Eius


Họ

Cả họ trên ngưỡng cửa các sự kiện
Đã thấy chính mình trong sự thật tuyệt đối:
Tất cả và cả hai đều trần truồng…
Cả họ cũng tham dự vào thị kiến truyền qua bởi Tạo hóa.
Có lẽ họ không muốn ở lại như thế sao?
Có lẽ họ không muốn chiếm lại thị kiến cách mới mẻ sao?
Có lẽ họ không muốn làm những hữu thể chân thực và trong suốt cho chính mình
Như họ đứng trước Nhan Người sao ?


Nếu như thế, họ đang hát lên khúc tạ ơn
Một bản Magnificat trong thâm tâm nhân loại
Và khi ấy họ sẽ cảm nghiệm sâu sắc
Chính “trong Người chúng ta sống, hoạt động và tồn tại”
Chính trong Người!
Chính Người cho họ tham dự vào vẻ đẹp mà Người đã khơi gợi!
Chính Người mở mắt cho họ
Thời gian trôi
Michelangelo rời khỏi Vatican
Để lại bích họa với chìa khóa: “hình ảnh và phản chiếu”
Trong chìa khóa ấy: vô hình sáng tỏ trong hữu hình
Một tiền bí tích!


5. THÀNH UR XỨ CAN-ĐÊ


Có một thời
Nhân loại không ngừng nay đây mai đó
Du canh du cư xoay quanh đàn gia súc
Đi tới miền đất màu mỡ gọi mời
Đi tới miền đất mẹ phong nhiêu
Chăm nuôi đàn vật
Và con người cũng dựng lều xây đời
Sao hôm nay chúng ta còn kiếm tìm
Trong mảnh đất xứ Can-đê
Tìm nơi Abram-con trai Tê-rach đã rời bỏ cùng một đoàn người du cư ?
Ông nghĩ chăng: sao tôi phải bỏ nơi này?
Sao tôi phải bỏ thành Ur xứ Can-đê?
Ông có nghĩ thế không ? Ông có buồn vì chia cắt ?
Ông có nhìn vào thâm tâm?
Chúng ta không biết! chỉ biết rằng ông nghe thấy Một Tiếng Gọi
Tiếng gọi thôi thúc: hãy ra đi!
Abram quyết định đi theo tiếng đó
Tiếng gọi vang lên: ngươi sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc
Con cháu ngươi sẽ đông như cát biển sao trời
Làm sao có thể một lời hứa như thế

-Abram trăn trở-
Khi tôi bị từ chối ơn gọi làm cha ?
Người vợ tôi yêu từ thời trai trẻ
Đã chẳng cho tôi một mụn con
Sự thật ấy khiến hai chúng tôi bao đau khổ!
Nhưng Tiếng Gọi càng hối thúc hơn nữa:
Ngươi sẽ trở thành cha
Ngươi sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc
Con cháu ngươi sẽ đông như cát biển sao trời

6. THẤY BA-THỜ MỘT


Ai có thể đoán được một tương lai mù mờ như thế?
Người là ai, Đấng-Không-Tên
Người là ai muốn mạc khải qua giọng nói?
Ai đã nói với Abram như thế
Như thể hai con người nói với nhau?
Thật lạ lùng!
Khác với tất cả những gì con người có thể nghĩ về Người
Người lên tiếng và đợi lời đáp…


Một lần kia Người đến thăm Abram
Ba người lữ khách được Abram cho nghỉ trọ
Với lòng hiếu khách kính tôn.
Nhưng Abram biết rằng đó chính là Người
Chỉ có Người
Ông nhận ra Tiếng Nói
Ông nhận ra Lời Hứa
Một năm sau, cùng Sara ông hớn hở vui mừng
Sinh được một người con trong lúc tuổi già
Một quý tử: có tình cha tình mẹ
Abram, ngươi sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc
Kể từ đây tên ngươi sẽ là “Abraham”
Ta chúc lành ngươi trong tên mới này
Trong danh này hậu duệ ngươi sẽ tăng lên gấp bội
Cho tới cùng trời cuối đất
Tên này có nghĩa là: “người tin hi vọng vượt trên mọi hi vọng”


Các dân tộc xung quanh họ tạo ra các thần của họ
(Nào Ai cập, nào Ellade, nào Roma)
Còn Abraham tin vào Đấng-Ta-Là
Đấng đã phán đã đồng hành đã gọi
Ông mở cửa lều trước Người
Người mời ông dự tiệc
Cùng thân tình với Người

Hôm nay chúng ta trở lại
những nơi Chúa đã ghé thăm Abram
Vì Abram tin Chúa đến
Trong khi tất cả các dân tộc khác dựng nên thần của mình
Đấng-Ta-Là đã đến
Đi vào lịch sử loài người
Người vén rèm Mầu Nhiệm
Ẩn giấu từ khi kiến tạo vũ hoàn.



7. CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA HAI CHA CON TRÊN NÚI MORIA


Ngày thứ ba dọc đường đi người cha nói
Kia là núi cha phải dâng lễ hiến tế cho Thiên Chúa
Người con im lặng, dường như không dám hỏi:
Chiên hiến tế đâu cha ? Chúng ta có lửa, có gỗ và dao sát tế
Nhưng chiên hiến tế đâu cha?
Chính Thiên Chúa sẽ chọn
Ông thì thầm như thế, không dám đáp to rằng:
Chiên hế tế, con yêu, chính là con!
Ông đã im lặng….
Im lặng rơi vào vực thẳm câm lặng.

Ông đã nghe tiếng Gọi dẫn ông theo
Bây giờ Tiếng Gọi im lặng
Chỉ còn ông với cái tên mình
Abram, kẻ đã tin, kẻ hi vọng vượt mọi hi vọng
Lát nữa đây ông sẽ dựng bàn thờ hiến tế
Sẽ nhóm lửa, sẽ kéo đôi tay Isaac ra
Rồi sau đó…điều gì nữa ?
Mồi lửa sẽ bốc cháy lên…
Ông đã thấy chính mình là cha của đứa con sẽ bị giết
Sao tiếng Gọi vừa ban cho ông quý tử
Giờ lại đòi lấy đi?
Ôi Abraham đang lên đồi Moria
Có hay chăng giới hạn tình phụ tử
Có hay chăng ngưỡng cửa bất khả qua ?
Một Người Cha khác sẽ hiến tế Con Yêu
Ôi Abram! Đừng sợ!
Hãy cứ làm những gì phải thế
Ông sẽ trở thành cha của nhiều dân nước
Hãy làm những gì phải làm
Hãy đi đến cùng đi nhé
Chính Người sẽ ra tay phút cuối
Khi dao sát tế vung lên sẵn sàng
Người không cần bàn tay ông thực hiện
Điều đã hoàn tất trong tim
Đúng! Cánh tay ông sẽ khựng lại trên không
Đúng! Chính tay Người vung ra đỡ lấy
Và từ đây đồi Moria sẽ thành nơi chờ đợi
Cho Mầu nhiệm hoàn tất trên cao sơn.


8. THIÊN CHÚA CỦA GIAO ƯỚC


Ôi Abraham! Đấng muốn bước vào lịch sử loài người
Chỉ muốn qua ông vén mở mầu nhiệm ẩn giấu
Một mầu nhiệm từ muôn thuở trước khi tạo thành vũ trụ
Một mầu nhiệm xưa hơn trái đất!
Nếu hôm nay chúng ta bước tới những nơi
Xưa Abraham đã rời bỏ
Xưa Abraham đã nghe tiếng Gọi
Nơi lời hứa được kiện toàn
Hãy đứng trên ngưỡng đợi
Và chạm tới khởi đầu Giao Ước
Vì Thiên Chúa đã hé lộ cho Abraham
Cho một người cha biết thế nào là hiến tế chính con mình
Ôi Abraham! Thiên Chúa yêu thế nhân đến nỗi
Đã ban chính Con Một mình
Để tất cả những ai tin vào Người
Sẽ được sống muôn thuở!
….
Cho con mang tên Cha trong mình
Làm dấu chỉ Giao Ước
Ngôi Lời nguyên ủy đã ký kết với Cha trước khi thế giới được tạo thành
Xin hãy nhớ nơi này khi ra đi
Nơi đây sẽ chờ ngày đến.

Gioan Phaolô II

Đình Chẩn chuyển ngữ