Tiếng chuông mùa xuân- Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Liên

Anne de Jesu





Buổi chiều xứ lạ, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân, bỗng nhiên mình lại nhớ mình.

Kì lạ! Sao lại nhớ mình cơ chứ? Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh chị em, bạn bè…nhớ một người thương thì được. Còn mình ở ngay đây, sao lại nhớ?

Nhớ thiệt mà! Nhớ tủi nhớ hờn, nhớ đau nhớ đáu. Sao không nhớ cho được khi lúc trước mình là con trai, hiện giờ mình là con gái. Đời kì thiệt chớ! Hài hước nữa phải không? Nhưng như vậy mới là đời.

Cái lúc là con trai mình thường làm gì nhỉ? Mình hay đi nhà thờ. Sáng đi, chiều đi. Mình yêu Chúa, yêu ngôi nhà thờ cũ kĩ cổ xưa, yêu cái xóm nhỏ có ngôi nhà sơn màu xanh lá của nhà mình. Mình còn ở trong ban giúp lễ nữa. Có tin không? Ước mơ đầu tiên của mình là được làm linh mục. Mình là cậu bé giúp lễ run run đưa cho cha xứ bánh lễ, rượu lễ, nhìn đăm đăm khi cha “làm phép” để Chúa hóa thân trong bánh và rượu thánh. Mình không dám đánh nhau và cũng không thích đánh nhau. Mình hiền như con gái.

Tết năm đó, mình nhìn chị hai tô son môi. Bên khung cửa sổ có treo cái gương con, chị hai tô màu son mận chín. Ánh sáng bên ngoài hắt vào, làn da chị bật sáng thật đẹp. Mùa xuân không chỉ ở đất trời mà còn ở trên gương mặt chị, ở trong khu vườn còn sót lại những luống bông vạn thọ mà chị hai giữ lại không bán hết để nhà còn có hoa xuân.

Màu son mận chín đập vào thị giác của mình, lưu lại trong lòng mình một sự thinh thích. Tự nhiên mình thích thử tô son.

Mình đã lén chị hai, lén mọi người trong nhà tô thử màu son mận chín. Và…bị bắt gặp. Bé út cười khúc khích khi thấy môi mình đỏ. Nhưng chị hai thì lo lắng.

- Thành à! Em là con trai mà đi tô son làm chi? Đừng có nghịch vậy nữa nha.

Sau mùa xuân đó, chị hai đi lấy chồng mang theo cả màu son mận chín. Mình ở nhà với bé út vẫn duy trì nhịp sống như đã sống. Đi học, đi nhà thờ, đi chơi, làm vườn trồng bông giúp má. Nhưng có cái gì đó cứ ám ảnh mình. Phải rồi! Màu son mận chín. Mình đã lấy tiền lén mua cho mình một cây son màu mận chín. Một lần, má bắt gặp mình tô son. Má đứng chết lặng. Má chạy ra sau nhà, cầm cây roi thiệt bự.

- Thành! Nằm lên ván cho má.

- Má à! Con biết lỗi rồi má. Con không dám tô son nữa đâu- Mình run run nói.

- Nằm lên ván. Con là con trai hay con gái vậy Thành?

- Con trai má ơi.

- Con trai mà tô son này!

Má quất roi túi bụi vào mông mình. Mình la khóc vì đau. Má vừa khóc vừa đánh mình. Rồi má nhìn mình bằng đôi mắt nghẹn ngào:

- Má đẻ con ra là con trai thì con phải làm con trai cho má nghe chưa?

Bé út nhìn anh trai bị má đánh, cũng khóc theo.

Tối đó, người đau ê ẩm, mình bỏ cơm, nằm chèo queo trên giường. Bé út tới giường, chìa cho mình mấy ngàn đồng.

- Má kêu anh đi mua dầu về cho má.

Mình cầm tiền, đi nhấp nhổm trên con đường làng, vừa đi vừa khóc. Không phải mua dầu về cho má đâu, chắc má mua cho mình. Mấy lằn roi ban trưa còn in đậm trên mông và lưng mình. Con chỉ có tô son môi mà má đánh con như vậy. Má không thương con sao hả má? Hay là con đi bụi cho rồi để má khỏi nhìn thấy con nữa.

Mình khóc uất ức, tay cầm chai dầu gió mới mua, không về nhà mà đi lang thang một đoạn. Mình chỉ định đi lang thang chút thôi, rồi về nhà khi nỗi buồn đã ngớt. Trên con đường làng bên, đoàn lô tô sau khi đóng đô vài tuần, chuẩn bị hát đêm cuối rồi đi qua làng khác. Mình nhìn đoàn lô tô cảm thấy có cái gì đó đập thình thịch trong lồng ngực mình. Một tiếng gọi, không biết đúng hay sai, vừa phập phồng vừa phù phiếm. Nhưng mình vẫn thấy thích nó. Và những ngày sau, mình đã ngồi trên chiếc xe tải của đoàn lô tô, đi hát dạo. Trên tay mình vẫn cầm theo chai dầu gió.

*

Ba má đặt tên mình là Thế Thành. Nhưng giờ tên mình là Thành Thế. Mấy chị trong đoàn bảo sao mình không đặt cho mình một tên đẹp hơn: Ngọc Ngà, Diễm Quyên, Giáng Hương…Tên gì mà tên Thành Thế?

Đứng trên sân khấu rao lô tô xưng tên nhiều người cũng cười. Thế Thành giờ Thành Thế. Thành…con gái rồi. Hồi đó bị má đánh một trận vì tô môi son. Giờ tối nào mình cũng tô môi son, đánh phấn, mặc váy đầm lên sân khấu rao lô tô.

“Thành Thế xin kính chào bà con cô bác. Mùa xuân đến rồi, bà con cô bác vui lòng thử vận may cho vui cửa vui nhà. Lô tô trúng thì vui mà không trúng thì cũng vui luôn. Giải trí mà bà con cô bác. Vui là chính. Mà trúng là rinh quà về. Mại dô mua vé bà con cô bác ơi. Em sắp rao lô tô rồi nè. Lô tồ lô tô cờ ra con mấy con gì nó ra đây? Ra con gì bà con cô bác ơi?…”

Hồi đó còn là con trai, mình ít nói. Có khi cả ngày không nói tiếng nào. Ai cũng bảo mình hiền, đi tu được. Còn bây giờ, sao mình lại là mình bây giờ được nhỉ? Cái mỏ mình dẻo quẹo như kẹo kéo rồi, ngôn từ thì chanh chua chuối chát.

Cái đêm cầm chai dầu gió chỉ định đi lang thang một chút rồi về. Đâu có ngờ mình đi lút mười ba năm chẵn. Mười ba năm, nhảy từ đoàn lô tô này sang đoàn lô tô khác, miếng cơm manh áo chốn chợ đời nhục nhã cay đắng ra sao, mình biết hết. Miếng cơm đâu có bình yên như ngày sống trong ngôi nhà màu xanh lá cây của ba má.

- Thành à! Mau ra ăn cơm đi con.

- Anh ba ơi, ra ăn cơm…

Những tiếng gọi thân thương cứ như đã ở một thế giới xa xăm nào. Giờ miếng cơm phải tranh giành, chen lấn, đâm thọc. Nhịn đói vì đoàn bán ế, rồi trời mưa…như cơm bữa. Đi ngủ bụng sôi òng ọc. Thèm cơm thì ít mà thèm nghe tiếng má, ba, bé út, chị hai gọi ăn cơm thì nhiều.

Mà về? Làm sao dám về thăm má? Ngày trước má đâu cho con tô son. Má sợ con làm con gái. Giờ con như con gái rồi làm sao con dám về? Mà về chắc gì má đã nhận ra con? Càng không thể chấp nhận con. Đứa con trai gái lẫn lộn này.

- Thành Thế à? Sao khóc vậy? Đứa nào trong đoàn ăn hiếp mày hả? Hay bị bồ đá? Nói tao nghe coi.

Ông bầu bụng bự châm điếu thuốc, tò mò hỏi.

- Tui không ăn hiếp tụi nó thì chớ, chứ đứa nào dám ăn hiếp tui?

- Tao cũng nghĩ vậy. Giờ cái gì mày cũng rành sáu câu rồi mà, đâu có như ngày chân ướt chân ráo bước vào đoàn đâu mà bị ăn hiếp. Mà sao khóc? Nói nghe coi.

- Ông có nghe tiếng chuông nhà thờ gần đây không?

- Có. Rồi sao?

- Nghe tiếng chuông nhà thờ tự dưng tui chảy nước mắt vậy đó.

- Mày bịnh vừa thôi nha. Nhà thờ gần xịt đây, mày thích đi nhà thờ thì đi, chớ ai cấm đi đâu mà khóc. Đi nhà thờ đi, tối về rao lô tô. Có khi tao nhờ mày xin Chúa cho tối nay bán cháy vé cũng nên.

Ờ, sao mình không đi nhà thờ nhỉ? Biết là mười ba năm rồi, kể từ ngày bỏ nhà đi là không đi nhà thờ, nhưng giờ đi lại có sao đâu.

Biết mặc gì đi nhà thờ bây giờ? Đồ rao lô tô toàn ngắn cũn, hột cườm kia sa lấp lánh. Kiếm đâu ra bộ đồ đàng hoàng để mặc đi nhà thờ bây giờ? Thôi mặc bộ áo dài vậy. Mình biết do…giới tính, mình mặc gì cũng thấy kì kì. Nhưng thôi, người ta cười chứ Chúa không chê là được.

Nhà thờ gần xịt, mà sao con đường đến nhà thờ mình thấy thật là dài. Mười ba năm mới quay chân về nhà Chúa. Đã vậy còn bao nhiêu ánh mắt dòm ngó, cười khinh khích khi thấy bộ dạng của mình đi nhà thờ. Hồi đó má đánh mình là đúng. Má sợ mình như ngày hôm nay, bị người ta nhìn thấy cười chê. Con nào muốn vậy. Chỉ là tự nhiên nó vậy thôi má à.

Mùa xuân, nhà thờ trang trí thật đẹp. Cây mai vàng rực rỡ chưng trên một góc cung thánh, chi chít nụ. Các con chiên đi nhà thờ áo đỏ, áo xanh, áo vàng…Gương mặt ai đa phần cũng tươi vui, rạng rỡ.

Chúa ơi! Chúa có nhận ra con không? Chắc Chúa phải dụi mắt mới nhận ra nổi con. Mười ba năm trước, con là cậu bé giúp lễ ước mơ trở thành linh mục. Bây giờ con lại rao lô tô, bôn ba chốn chợ đời. Chúa có nhận ra con không hở Chúa? Chắc là có phải không chúa? Chúa có phép mà! Hình hài nào Chúa cũng nhận ra con.

Thánh lễ tan rồi, sao không muốn về đoàn rao lô tô tí nào. Cũng cơn buồn đó, cơn buồn mười ba năm trước tự nhiên trỗi dậy. Tự nhiên không muốn về, muốn đi lang thang.

Dáng ai kia sao giống dáng má mình? Từ ngày bỏ nhà đi, gặp dáng bà cụ nào cũng nghĩ là dáng má. Má chắc là già rồi. Ngần ấy năm chắc là má khóc bao nhiêu nước mắt cho đứa con bội bạc này. Đứa con đi mua chai dầu rồi đi lút mùa lệ thủy.

Tới quỳ sau lưng bà cụ, chỉ để nhìn cho đã cái dáng giống má thôi, vô tình nghe lời cầu nguyện:

- Chúa ơi! Năm nay nếu được, Chúa cho con gái con về thăm nhà nhe Chúa. Nó đi làm công nhân trong thành phố . Mấy năm rồi nó không về, con chỉ ước được nhìn thấy hình hài nó thôi.

Nước mắt mình chảy khi nghe lời cầu nguyện của một bà má không quen. Ở ngôi nhà thờ làng mình, má mình có cầu nguyện Chúa cho mình về không? Có chớ! Sao không cầu cho được. Chắc má đã khóc vì mình nhiều. Má rất đau khổ khi vì trận đòn má đánh mà thằng con trai má bỏ đi.

Má à, con muốn trở về để nói với má rằng má đánh con là đúng đó má. Người mẹ nào mà không lo sợ con trai mình thành con gái, con gái mình thành con trai. Chúa nặn con trai thì cứ làm con trai đi chớ, đòi làm con gái làm chi? Má khóc hằng đêm khi không biết và cũng không tìm ra con ở đâu, lưu lạc xứ nào, làm gì để sống, tới bữa đói hay no…Sao con lại đi suốt mười ba năm mà không một lần gọi điện hay quay về nhà?

Chúa ơi! Con phải về nhà thăm má của con thôi. Về nhà thôi.

Ngồi ở bến xe, chờ chuyến xe đò chạy, ông bầu gọi điện thoại liên tục:

- Thành Thế à! Mày đi nhà thờ về chưa? Về rao lô tô đi chớ. Bà con cứ đòi mày rao lô tô. Về nhanh mày ơi!

- Ông kêu người khác rao đỡ đi. Tui về thăm má của tui rồi.

- Cái gì? Mày giỡn hả?

- Không. Tui nói thiệt. Tui phải về ăn tết với má tui.

Mọi người trên chuyến xe đêm đã ngủ, mà sao mình chẳng thể nào ngủ được. Má à, sáng mai thôi con đã về với má, ba và bé út. Ba còn đi làm xa không? Bé út chắc đã lớn. Nhưng má có nhận ra con không? Má có cầm roi đánh con khi con không còn là Thế Thành của má? Nhưng con quyết rồi, má đánh con cũng đứng im, không bỏ đi nữa. Má đánh con đau, thì con xoa dầu là hết. Chứ bỏ đi nữa buồn lắm má ơi. Con đã cầu xin Chúa cho má nhận con rồi. Mà chắc má sẽ nhận con phải không má?

Nhờ một tiếng chuông nhà thờ xứ lạ mà con mới về lại nhà Chúa và về với má đó má. Tết này con sẽ rao lô tô cho má nghe chơi. Gì chứ rao lô tô dẻo quẹo là con rành lắm.

“Lô tổ lô tô cờ ra con mấy con gì nó ra đây?…” Chắc con vừa rao vừa khóc đó má ơi!!!